THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 98, THÁNG 11/2022

0
1327

CHỦ ĐỀ: CÁC TÔN GIÁO MỚI 

LỜI GIỚI THIỆU 

Tựa đề của số báo có thể gây ra ngỡ ngàng cho nhiều độc giả. Thời nay, không ai còn nghĩ đến việc sáng lập tôn giáo nữa, bởi vì phần lớn các vị sáng lập thuộc về thời xa xưa (Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca Mâu Ni, Đức Giêsu); hơn nữa, vào thời khoa học kỹ thuật hiện đại, các tôn giáo đang dần dần mất ảnh hưởng đối với xã hội, được đặt tên là trào lưu thế tục hóa. Trong bối cảnh như vậy, làm gì có chuyện tôn giáo mới nữa? Thế nhưng, một hiện tượng đã lôi kéo sự chú ý không những của những nhà nghiên cứu tôn giáo mà còn của các cơ quan an ninh quốc gia cũng như quốc tế, đó là sự xuất hiện của các tôn giáo mới vào cuối thế kỷ XX và vẫn tiếp tục khi bước sang thế kỷ XXI.

Tuy nhiên, trước khi đi vào nội dung các bài báo, thiết tưởng nên nói đôi lời chung quanh thuật ngữ “tôn giáo mới”.

I. Từ ngữ

Thuật ngữ “tôn giáo mới” còn xa lạ đối với người Việt, bởi vì có lẽ chỉ mới được lưu hành từ mấy chục năm nay. Thực ra, thuật ngữ “tôn giáo mới” được dùng để chuyển dịch “new religious movements” (viết tắt: NRM; dịch sát là “những phong trào tôn giáo mới”) trong tiếng Anh, và nhiều tranh luận đã xảy ra chung quanh các từ ngữ này, chẳng hạn như:

– “Mới” (new). Tại sao gọi là mới? Phải chăng tại vì mới ra đời? Thử hỏi sau 100 năm thì còn gọi là mới nữa không? Cái mới được gắn với “phong trào” hay là với “tôn giáo?

– “Phong trào” (movement) là cái gì chuyển động; đến khi nó đã có cơ cấu bền vững rồi, thì liệu có thể gọi là “phong trào” nữa không?

– “Tôn giáo” (religious): thế nào là tôn giáo: phải chăng chỉ khi nào thờ Trời, thờ Phật thì mới đáng gọi là tôn giáo? Còn nếu thờ tổ tiên, anh hùng dân tộc thì sao? Lấy gì làm tiêu chuẩn phân biệt giữa tín ngưỡng, tôn giáo, mê tín, dị đoan? Lên đồng là văn hóa, tín ngưỡng, hay là mê tín?

Vì thế, không lạ gì mà bên cạnh từ ngữ “tôn giáo mới”, hiện tượng này còn được gọi là “đạo mới, đạo lạ, tà đạo”. Điều này cũng đã xảy ra trong các ngôn ngữ Âu-Mỹ. Thuật ngữ NMR mới được sử dụng từ thập niên 60 của thế kỷ trước, để thay cho từ “sect” thường mang nghĩa xấu; ở Bắc Mỹ, từ “cult” cũng mang nghĩa tiêu cực.

1. Sects

Nói cho đúng, ý nghĩa của từ sect (gốc Latinh secta) thay đổi rất nhiều trải qua dòng lịch sử. Secta: tiếng Latinh, được giải thích theo hai hướng tầm nguyên: secare (cắt đứt, tách rời); sequi (đi theo). Nếu theo hướng thứ nhất, secta có nghĩa là “ly khai, bè phái”; nếu theo hướng thứ hai, secta có nghĩa là “môn đồ, đồ đệ”.

Trong tiếng Latinh cổ điển, secta được hiểu theo ba nghĩa: a) quy tắc, nguyên tắc; lối sống; b) những nguyên tắc chính trị; đảng phái; c) học thuyết, trường phái. Vào năm 30 trước CN, secta được dùng để ám chỉ các nguyên tắc chính trị của Marco Antonio (83-30 tCN) và học thuyết của Epicuro (342-270 trước CN). Bản Vulgata dùng secta để dịch hairesis tiếng Hy-lạp, thí dụ Cv 24,5 hairesis ton nazoraion được dịch là secta Nazarenorum[1]. Dù sao, có lẽ tiếng secta chưa hẳn mang nghĩa tiêu cực mà chỉ có nghĩa là “tông phái”.

Sang thời Trung cổ, những nhóm nào không hợp nhất với Giáo hội được gọi là haeresis, schisma (lạc giáo, ly giáo), chứ ít khi dùng từ secta. Vào thời cận đại, secta dần dần được sử dụng thường xuyên hơn: lúc đầu như đồng nghĩa với haeresis, nhưng sau đó được hiểu như là một nhóm đề ra một khuôn mẫu riêng cho đường nên thánh và cứu độ. Trong thế kỷ XIX, nó thường được áp dụng cho những nhóm tôn giáo không được Nhà nước nhìn nhận. Đây là nền tảng cho hai tác giả Max Weber (1906) và Ernst Troeltsch (1912) đưa ra sự phân biệt giữa Church và Sect. Từ năm 1980, từ sect được dư luận hiểu theo nghĩa xấu, ám chỉ những nhóm tín đồ toàn trị và nguy hiểm, lệch lạc (déviation).

Về phía công giáo, trong thế kỷ XX, tại nhiều nơi, secta vẫn mang nghĩa xấu, ám chỉ những nhóm tách biệt không những khỏi Giáo hội Công giáo mà ngay cả với các Giáo hội Tin lành nữa. Bên Mỹ châu Latinh, đối với Công giáo, secta không chỉ áp dụng cho Pentecostalism và Jehovah Witnesses mà còn cho tất cả các nhóm Tin lành (nghĩa là tất cả những Kitô hữu ngoài Công giáo đều bị gọi là secta).

Mặt khác, nên biết là bên Á châu, sect ám chỉ một giáo phái hay tông phái (thuộc Phật giáo hoặc Thần đạo), nhưng không hàm ý tiêu cực. Hiểu như vậy, không những có thể nói đến hai sect trong Phật giáo (Tiểu thừa và Đại thừa) mà Phật giáo có thể coi như một sect của Ấn giáo, cũng tương tự như Kitô giáo là một sect của Do thái giáo.

2. Cult

Trong tiếng Anh, các nhóm vừa nói cũng còn được gọi là cult, rất khó dịch sang tiếng Việt. Trong nguyên gốc Latinh, cultus có nghĩa là sự thờ tự (thí dụ culte des ancêtres: tôn kính tổ tiên). Tuy nhiên trong Giáo luật, đôi khi từ cultus được áp dụng cho các tôn giáo khác, nhằm phân biệt với từ religio chỉ dành riêng cho Kitô giáo, thí dụ sự phân biệt giữa hai thứ ngăn trở hôn phối, disparitas cultus (dị giáo) và mixtae religionis (hỗn hợp), nói ở các điều 1086 và 1124, 1129 của bộ giáo luật 1983. Tại vài nước Âu châu, Bộ của chính phủ chuyên trách các vấn đề tôn giáo mang tên là Ministère des cultes. Nhưng bên Anh, từ thế kỷ XIX cult được dùng để gọi một nhóm tín đồ, và thường hàm nghĩa xấu (sai lệch về đạo lý, gây nguy hại cho cộng đồng xã hội)

3. Từ ngữ và thực chất

Như vừa nói, từ new religious movements (hoặc đôi khi cũng được gọi là new religions, alternative religions) được đặt ra để thay cho các từ sects và cults. Nhưng làm thế nào để định dạng một Tôn giáo mới? Câu chuyện không đơn giản. Trước đây, các sách báo Công giáo gọi Tin lành là secta; từ Công đồng Vaticano II, các phái Tin lành được gọi là Churches hoặc Ecclesial Communities, và trở thành đối tượng của cuộc đối thoại đại kết (ecumenical dialogue). Thế nhưng, ngay trong nội bộ Tin lành cũng có nhiều sự chia rẽ nữa, và không chấp nhận đối thoại đại kết. Từ đó nảy ra từ ngữ denomination. Vấn đề được đặt ra là: khi nào một nhóm còn mang tên là “Hội thánh” (hay “Giáo hội”) và khi nào thì được xếp vào Tôn giáo mới? Một thí dụ: các nhóm Cơ Đốc Phục Lâm, Ngũ Tuần, Chứng Nhân Giêhova là Tôn giáo mới hay vẫn thuộc về Giáo hội Tin lành?[2].

Câu chuyện trở thành phức tạp khi mà ngay trong nội bộ Giáo hội Công giáo cũng có những “phong trào” mới ra đời (thí dụ Focolari, Tân dự tòng, Canh tân Thánh Linh, vv), đó là chưa nói đến các Dòng tu. Làm thế nào để thuật ngữ “phong trào tôn giáo mới” không gây ra hiểu lầm đáng tiếc?

II. Nội dung

Số báo này gồm 5 bài viết thuộc nhiều thể loại khác nhau: lịch sử, các khoa học nhân văn, thần học mục vụ, thần học tín lý. Hai bài đầu tiên trình bày việc nghiên cứu hiện tượng các Tôn giáo mới trên bình diện quốc tế; bài thứ ba điểm qua tình hình các Tôn giáo mới ở Việt Nam; bài thứ bốn trình bày quan điểm của Tòa Thánh; bài cuối cùng đề cập đến một vấn đề thần học: Thế nào là “đạo thật” (chính đạo, chân đạo)?

1. Sự bùng nổ tôn giáo mới: dẫn nhập lịch sử

Vào đầu thế kỷ XX, người ta tiên đoán rằng, đứng trước trào lưu tục hóa (secularization) đang lan rộng, các tôn giáo sẽ sớm tàn lụi. Bằng chứng là con số những người thực hành đạo càng ngày càng suy giảm, các nhà thờ trở nên trống vắng. Thế nhưng, trái với các dự đoán, tôn giáo vẫn tồn tại tại các nước kỹ nghệ, và nhất là nảy sinh nhiều tôn giáo mới. Một ngành mới trong khoa xã-hội-học tôn giáo được thành hình để nghiên cứu hiện tượng này. Giáo sư Massimo Introvigne trình bày những vấn đề được đặt ra, bắt đầu từ danh xưng (giáo phái, bè phái, nhất là những từ không mấy thiện cảm trong dư luận Bắc Mỹ: sects, cults). Các học giả đã tạm sử dụng từ “phong trào tôn giáo mới” (new religious movements, viết tắt NRM). Sau khi đưa ra khái niệm về danh xưng, bài viết tìm cách phân loại các Tôn giáo mới, dựa theo nguồn gốc phát sinh.

2. Các nghiên cứu khoa học nhân văn về các tôn giáo mới

Linh mục John A. Saliba điểm qua những lối tiếp cận khác nhau trong việc nghiên cứu các Tôn giáo mới: + tâm lý học (vì lý do gì người ta gia nhập Tôn giáo mới); + xã hội học (lý do ra đời các Tôn giáo mới; cơ cấu tổ chức), + khoa học tôn giáo (giáo lý của các Tôn giáo mới đối chiếu với các tôn giáo cổ truyền), và cuối cùng + thần học cũng không thể vắng mặt (dĩ nhiên là với những thái độ khác nhau, từ chỗ chống đối bài bác đến chỗ đối thoại). Tác giả cũng đề nghị những đường hướng nên theo khi khảo sát và giảng dạy môn này, làm sao giữ một thái độ khách quan. Dù sao, đừng nên coi các Tôn giáo mới như là cái gì kinh tởm, nhưng nên coi đó là những biểu hiệu của tình trạng văn hóa tín ngưỡng vào thời đại chúng ta.

3. Các Tôn giáo mới tại Việt Nam

Thuật ngữ Tôn giáo mới quả thật còn mới mẻ đối với người Việt, bởi vì mới được sử dụng để nghiên cứu các vấn đề do xã-hội-học ở các nước ngoài đã gợi lên. Trong ngôn ngữ thông dụng, hiện tượng này được gọi bằng nhiều danh xưng : đạo mới, đạo lạ, đạo tà. Bài viết của Linh mục Phan Tấn Thành mang tính điểm báo, tìm hiểu các hướng tiếp cận vấn đề theo các báo chí ở Việt Nam. Khó khăn đầu tiên được đặt ra là từ ngữ. Ở Việt Nam, không có “quốc giáo” chính thống, nhưng có nhiều tông phái thuộc cùng một tôn giáo (chẳng hạn Phật giáo). Vì thế việc xuất hiện của các “đạo mới” không phải là chuyện lạ gần đây nhưng đã xuất hiện nhiều lần trong lịch sử nước ta, chẳng hạn như đạo Cao đài và Phật giáo Hòa hảo vào đầu thế kỷ XX. Thế nhưng, hiện tượng Tôn giáo mới được áp dụng cách riêng cho những nhóm xuất hiện từ thời kỳ “đổi mới” vào cuối thế kỷ trước, đặc biệt ở miền Bắc. Tiếc rằng phần lớn các bài viết phân tích hiện tượng này dưới phương diện an ninh, những tác dụng tiêu cực gây ra cho xã hội, và có ít nghiên cứu về nguồn gốc phát sinh và phát triển của các Tôn giáo mới.

4. Các Tôn giáo mới trong các văn kiện Tòa Thánh

Ngay từ năm 1984, bốn cơ quan của Tòa Thánh đã gửi một bản câu hỏi đến các Hội đồng giám mục để tìm hiểu hiện tượng Tôn giáo mới tại địa phương của mình. Dựa trên các báo cáo nhận được, một bản tường trình được đúc kết mang tựa đề “Các giáo phái hoặc tôn giáo mới: thách đố mục vụ” được công bố ngày 3 tháng 5 năm 1986. Hồi đầu tháng 4 năm 1991, ĐTC Gioan Phaolô II đã triệu tập một công nghị các Hồng y, để bàn về hai vấn đề quan trọng: 1/ những mối đe dọa sự sống, cách riêng là sự phá thai; 2/ sự bành trướng các Tôn giáo mới. Vào dịp này, ĐHY Francis Arinze, chủ tịch Hội đồng đối thoại liên tôn, đã trình bày bản tường trình mang tựa đề : “Một tiếp cận mục vụ trước những thách đố của các Tôn giáo mới”. Bài viết tóm lược bản tường trình này. Tác giả phân tích vấn đề dưới khía cạnh mục vụ, sau khi đã phân biệt và xếp loại các thứ Tôn giáo mới. Tuy không giấu diếm những nguy hại do các Tôn giáo mới gây ra cho đời sống đức tin, nhưng hồng y Arinze đề nghị một lối tiếp cận mục vụ: đứng trước sự bành trướng của phong trào này, thay vì kết án những sai lầm của họ, chúng ta hãy tìm cách canh tân đời sống cộng đoàn chúng ta[3].

5. Câu chuyện thần học: Thế nào là đạo thật?

Ở Việt Nam, đôi khi hiện tượng đang bàn được đặt tên là đạo lạ, đạo tà. Như vậy, giả thiết là có đạo chính truyền, đạo thật. Chúng tôi không muốn tìm hiểu gốc gác của những từ ngữ này trong lịch sử Việt Nam, nhưng chỉ muốn nghiên cứu dưới khía cạnh thần học. Người Kitô giáo vẫn chẳng tin rằng chỉ có đạo mình là đạo thật còn các đạo khác là sai lầm lệch lạc đấy ư? Giáo sư Francisco Conesa muốn giúp chúng ta tìm hiểu vấn đề này kỹ lưỡng hơn. Từ khi nào Kitô giáo tự coi mình là đạo thật (vera religio)? Thuật ngữ này muốn nói lên điều gì? Trước tiên, theo tác giả, cần phải hiểu religio (đạo) có nghĩa là gì; kế đó, tác giả có thấy từ “thật” (vera) có thể giải thích theo 3 nghĩa: hữu thể, khách thể, chủ thể. Đàng khác, khi nói Kitô giáo là đạo thật, ta nên phân biệt giữa “Mầu nhiệm Đức Kitô” và “những hình thức lịch sử của Kitô giáo”: Mầu nhiệm Đức Kitô thì tuyệt đối, còn các hình thức lịch sử mang nhiều giới hạn của văn hóa và thời gian. Từ đó, niềm xác tín về Kitô giáo là đạo thật không ngăn trở Giáo hội đối thoại với các tôn giáo khác trên đường tiến đến chân lý trọn vẹn, bởi vì nhờ đó Giáo hội sẽ khám phá nhiều điều tốt hơn. Cần phải tránh hai thái cực: độc tôn (exclusivismo) và tương đối (relativismo).

📝 Trung tâm Học vấn Đa Minh

[1] Thật là thú vị khi theo dõi cuộc tranh luận này. Người Do thái gọi các Kitô hữu là “bè Nazareth”; đối lại thánh Phaolô trả lời là “chúng tôi theo đạo” (hodos), nghĩa là con đường (Cv 24,14.22). Trong sách Tông đồ công vụ, ngoài từ ngữ ecclesia khá thông dụng, các Kitô hữu cũng còn được gọi là “đạo” (Cv 9,2; 18,25-26; 19,9.23; 22,4). Thật ra trong Cựu Ước, đã xuất hiện cụm từ “đường của Chúa”, có lẽ không hiểu theo nghĩa là “đường dẫn đến Chúa” cho bằng con đường Chúa đặt ra: Lề luật được ban cho Israel để dẫn đường chỉ lối cho họ. Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu tự xưng là “đường” (Gv 14,6) nhờ đó nhân loại có thể đến với Chúa Cha. Đường của Đức Kitô là đường của tình yêu, nòng cốt của giao ước mới.
[2] Xem bài Các Giáo hội Cải cách trong: “Thời sự thần học” số 63, tháng 2/2014, trang 118-162.
[3] Nên lưu ý là văn kiện này không đi vào các vấn đề thần học luân lý liên quan đến các tội trái nghịch nhân đức thờ phượng tựa như: mê tín, thờ ngẫu tượng, bói toán, ma thuật (x. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, các số 2111-2117).

Nguồn: https://tsthdm.blogspot.com/2022/11/thoi-su-than-hoc-so-98-thang-112022.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here