THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 97, THÁNG 8/2022

0
1325

CHỦ ĐỀ: NGÔN SỨ

 

LỜI GIỚI THIỆU

Hai số báo 95 và 96 đã giúp chúng ta nhìn lại các sách Khôn ngoan trong Kinh thánh. Số này tiếp tục với các sách Ngôn sứ. Khác một điều là các bài viết không dừng lại ở các sách Cựu ước nhưng kéo dài đề tài ngôn sứ sang Tân ước, đặc biệt với đời sống thánh hiến trong Hội thánh. Trước khi vào đề, xin nói qua việc sử dụng từ ngữ.

I. Từ ngữ

1. Ngôn sứ – tiên tri

Theo linh mục Stêphanô Huỳnh Ngọc Trụ, trong quá trình phát triển chữ Quốc ngữ, từ “propheta” lúc đầu chưa được dịch nghĩa, mà chỉ được phiên âm là “phôrôphêta”. Từ “tiên tri” được dùng để dịch từ “propheta” trong bản Thánh Kinh tiếng Việt đầu tiên (Cố chính Linh, năm 1913). “Ngôn sứ” và “sứ ngôn” là hai từ mới có trong tiếng Việt từ 30-40 năm trở lại đây[1].

Nhiều bài trong số báo này sẽ giải thích ý nghĩa của từ ngữ trong nguồn gốc tiếng Híp-ri và tiếng Hy-lạp. Riêng về việc dịch thuật, propheta (người) sẽ được chuyển ngữ là “ngôn sứ”; prophetia có thể dịch là “ơn ngôn sứ”, hoặc “lời tiên tri”, “sự tiên báo”.’

2. Ngôn sứ – khải huyền (apocalyptica)

Sở dĩ propheta được dịch là “ngôn sứ” (thay vì “tiên tri”) vì sứ vụ của họ chủ yếu là giảng Lời Thiên Chúa chứ không phải tiên báo chuyện tương lai. Thực ra, lời giảng của các ngôn sứ mang nhiều hình thức văn chương khác nhau, trong đó có thể văn “khải huyền”. Tự nó, khải huyền chỉ có nghĩa là “vén màn”, nhưng theo nghĩa chuyên môn, từ này ám chỉ thể văn của cuốn sách cuối cùng của Tân ước (Khải huyền của thánh Gioan), trong đó tác giả loan báo sự can thiệp cuối cùng của Thiên Chúa vào lịch sử, với những hình ảnh mô tả sự hủy diệt thế giới hiện tại và sự xuất hiện một thế giới mới. Thể văn này được gặp thấy nơi nhiều “ngụy thư” của Cựu ước và Tân ước. Trong tiếng Việt, có khi cũng được dịch là “thế mạt”.

3. Ngôn sứ – huyền bí (mystica)

Trong lịch sử tôn giáo, có người đã phân biệt các tôn giáo lớn trên hoàn cầu thành hai nhóm đối lập nhau: nhóm huyền bí (mystic religions) và nhóm ngôn sứ (prophetic religions). Có lẽ nguồn gốc sự phân chia này là hai nhà thần học và sử học thuộc Giáo hội Luther, Nathan Sӧderblom (Der lebendige Gott im Zeugnis der Religionsgeschichte, Mȕnchen 1942) và Friedrich Heiler (Die Bedeutung der Mystiker fur die Weltreligionen, Mȕnchen 1919). Họ cho rằng huyền bí là đặc tính của các trào lưu tôn giáo Hy-lạp cổ đại hoặc các tôn giáo bên Á châu, hoàn toàn trái ngược với Kitô giáo, bởi vì là tôn giáo ngôn sứ (cũng như Do-thái giáo). Việc đối chọi này được nhấn mạnh cách triệt để hơn nơi Karl Barth (Der Romerbrief, Zurich 1923) và Emil Brunner (Die Mystik und Das Wort, Tubingen 1928). Thần học Công giáo không chấp nhận sự đối chọi này, bởi vì các đại ngôn sứ của Israel (Môsê và Êlia) cũng là những nhà huyền bí. Kitô giáo bao gồm cả hai chiều kích đó.’

II. Nội dung các bài viết

1. Dẫn nhập văn chương ngôn sứ

Mở đầu số báo là bài của giáo sư Hens-Piazza: “Dẫn Nhập Văn Chương Ngôn Sứ”. Sau khi đã giới thiệu các mẫu hình ngôn sứ ở vùng Cận Đông, tác giả mô tả sự phát triển của văn chương ngôn sứ, với các đề tài chính được đề cập trong các sách ngôn sứ.

2. Các ngôn sứ trong lịch sử Israel

Từ khi nào xuất hiện các ngôn sứ ở Israel? Truyền thống cho rằng ông Môsê là vị ngôn sứ tiên khởi. Theo giáo sư Juan Antonio Mayoral López, cần phân biệt “tiên khởi” theo nghĩa thần học hay theo nghĩa lịch sử. Dù sao, cần phân biệt nhiều giai đoạn khác nhau: “tiền cổ điển”; “cổ điển” (thế kỷ VIII-VII trCN) trước là ở phương Bắc sau là ở phương Nam; rồi đến các ngôn sứ thời lưu đày và sau lưu đày. Thế kỷ III trCN gh tri nhận sự xuống dốc, và nảy sinh thể văn khải huyền.

3. Ơn gọi ngôn sứ

Dưới tựa đề “Trình thuật ơn gọi ngôn sứ”, linh mục Giuse Nguyễn Đình Chiến, O.P. phân tích bốn sơ đồ thần học: a) tương quan giữa vị chỉ huy và người lính; b) đối thoại giữa ông chủ và đầy tớ trung tín; c) tương quan giữa quốc vương và vị cố vấn; d) tương quan giữa vị thầy và học trò (hoặc giữa cha mẹ và con cái).

4. Ngôn sứ trong thần học Kitô giáo

Trong bài “Thần học về ơn ngôn sứ trong lịch sử Giáo hội”, giáo sư Richard Xavier Redmond cho thấy rằng đề tài ngôn sứ không trở thành một khảo luận có hệ thống trong thần học Kitô giáo, nhưng được bàn trong nhiều lãnh vực khác nhau: lịch sử Giáo hội, thần học hộ giáo, thần học tâm linh. Sang thế kỷ XX, đề tài ngôn sứ được chú ý nhiều hơn khi được nhìn như một ơn gọi của Giáo hội.

5. Thần học Kitô giáo về ngôn sứ

Nói đến ngôn sứ, người ta thường nghĩ đến một đoàn sủng thuộc về Cựu ước chứ ít khi áp dụng vào đời sống Hội thánh. Trong một bài phỏng vấn dành cho giáo sư Niels Christian Hvidt vào năm 1998 hồng y Joseph Ratzinger, lúc ấy là Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, đã trả lời 18 câu hỏi liên quan đến ơn ngôn sứ trong Kitô giáo: Đức Kitô có phải là ngôn sứ không? Ơn ngôn sứ đã chấm dứt với cái chết của vị tông đồ cuối cùng hay vẫn tiếp tục trong Hội thánh? Đâu là tương quan giữa ơn ngôn sứ và các mục tử?

6. Ngôn sứ và đời sống thánh hiến

Theo cha Saverio Cannistrà, O.C.D., việc áp dụng thuật ngữ “ngôn sứ” cho đời sống thánh hiến chỉ mới được đào sâu trong tông huấn Vita consecrata (1996), với ba ý nghĩa khác nhau: a) đời thánh hiến là ngôn sứ qua việc tuyên giữ ba lời khuyên Tin Mừng, đối lại với ba thách đố của xã hội thời nay; b) đời ngôn sứ của các tu sĩ bắt nguồn từ tương quan thân mật với Thiên Chúa, từ đó ra đi phục vụ ý định của Ngài đối với nhân loại; c) đời thánh hiến nói lên niềm trông đợi cánh chung. Tác giả phê bình những điểm tích cực và tiêu cực của mỗi mô hình ấy.

7. Cảm nghiệm huyền bí và ngôn sứ

Thay vì tách rời hai chiều kích ngôn sứ và huyền bí trong ơn gọi đời thánh hiến, cha Ciro Garcia, O.C.D. tìm cách liên kết cả hai, bởi vì đó là hai căn tính căn bản của cảm nghiệm Kitô giáo, và đề nghị những “diễn đàn mới” (areopagus) để làm chứng tá cho ơn gọi ấy.

Số báo này được phát hành vào dịp kỷ niệm khấn dòng của các tu sĩ dòng Đa Minh, thường diễn ra vào ngày 15 tháng 8. Tên chính thức của Dòng là “Anh em Giảng thuyết” (Fratres Praedicatores), những người dấn thân rao giảng Lời Chúa. Đặc điểm “ngôn sứ” thật là nổi bật, nhưng cha Richard Woods O.P. cũng lưu ý rằng nếu muốn trung thực với truyền thống của Dòng thì không được phép tách rời yếu tố thần bí và ngôn sứ[2]. Tác giả đã trưng dẫn đời sống của vị Sáng lập, của thánh Tôma Aquinô, của Meister Eckhart, của thánh Catarina Siena. Châm ngôn “Contemplata aliis tradere” đã chẳng nói lên điều đó sao? Thiết tưởng các Dòng khác cũng có thể lấy châm ngôn này cho mình.

 ——————–

Trung tâm Học vấn Đa Minh

[1] Huỳnh Ngọc Trụ, Tìm hiểu từ vựng Công giáo (Hà Nội: Tôn Giáo, 2021), trang 517-528.

[2] X. Richard Woods O.P., Thần bí và ngôn sứ. Truyền thống Đa Minh, Học viện Đa Minh 2021 (Nguyên tác: Mysticism and Prophecy. The Dominican Tradition, Orbis Book, New York 1998).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here