THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 93

0
963

CHỦ ĐỀ: KHUÔN MẪU THÁNH THIỆN 

LTS: Do tình hình dịch bệnh, việc ấn bản bị đình trệ. Vì vậy, chúng tôi sẽ đăng các bài của số báo này để phục vụ độc giả trước khi bản in được phát hành.

————-

LỜI GIỚI THIỆU

Số báo này được phát hành vào dịp kỷ niệm 800 năm “sinh nhật về trời” (dies natalis) của thánh Đa Minh (Bologna, ngày 6 tháng 8 năm 1221). Cũng như bao nhiêu vị thánh khác, con người của ngài gắn liền với sự thánh thiện. Một câu hỏi được nêu lên trong khoa sử học là: chúng ta thực sự biết gì về “con người” của ngài, hay là chỉ được nghe kể lại sự “thánh thiện” của ngài? Từ đó có sự phân biệt giữa “tiểu sử” (biographia, hoặc “sử ký”) và “thánh ký” (hagiographia) trong các truyện về các vị thánh.

Các bài trong số này muốn trình bày một đề tài có lẽ còn mới lạ với nhiều độc giả ở Việt Nam, đó là khoa “thánh ký” (hagiographia, gốc bởi hai từ Hy-lạp: ἅγιος là thánh và γράφειν là viết; tiếng Pháp: hagiographie; tiếng Anh: hagiography), nghĩa là nghiên cứu về cách viết hoặc kể chuyện các thánh. Những tác phẩm viết về các thánh đã xuất hiện từ lâu, nhưng mãi đến thế kỷ XVII mới có khoa phê bình loại văn này[1]: phải chăng đó là những chuyện thêu dệt theo óc tưởng tượng, hay phản ánh tâm thức của một thời đại? Phải chăng các tác giả chỉ có dụng ý đề cao một “mẫu gương” để hậu thế bắt chước, hay còn là kết quả của cái “khuôn” do hậu thế đúc nặn lên chân dung vị thánh? Thực vậy, khoa sử học cũng như xã hội học đã cho thấy rằng ở mỗi thời, Giáo hội có những “khuôn” thánh thiện riêng. Như vậy, nét đặc biệt của số này là nghiên cứu sự thánh thiện Kitô giáo dưới góc độ của khoa sử học và xã hội học, nhằm bổ túc thêm cho góc độ thần học vốn đã quen thuộc[2].

1. Những khuôn mẫu của các vị thánh trong lịch sử

Như một thứ dẫn nhập, bài viết Lịch sử các thánh Kitô giáo của Roberto Rossetti giới thiệu những khuôn mẫu thánh thiện trải qua 6 giai đoạn lịch sử Giáo hội: 1) Những thế kỷ đầu tiên. 2) Thời Tiền Trung đại. 3) Thời Trung đại. 4) Thời Phục hưng. 5) Thời Cải cách. 6) Thời Cận đại. Ở mỗi giai đoạn, tác giả không chỉ mô tả những “khuôn mặt” thánh nhân tiêu biểu, mà còn giới thiệu những loại “chứng tích” về sự thánh thiện qua lòng đạo đức bình dân hoặc qua hình thức chính thức của việc phong thánh.

2. Những bức chân dung của thánh Đa Minh

Từ khái niệm tổng quát vừa rồi, linh mục Phan Tấn Thành, trong bài Thánh Đa Minh: tiểu sử và thánh ký, phân tích các nguồn tài liệu viết về cuộc đời của vị thánh vào thế kỷ XIII thuộc nhiều thể văn khác nhau: Libellus, legenda, vita. Các tài liệu này được xếp vào loại “sử ký” hay “thánh ký”? Dù sao, không thể nào phê bình thánh ký dựa theo các tiêu chuẩn của sử ký, nhưng cần phải tìm dụng ý của soạn giả. Từ đó, ta có thể thấy đằng sau các bản văn, có nhiều “khuôn mẫu” về sự thánh thiện khác nhau tùy theo thời đại. Như một bằng chứng, chúng ta sẽ đối chiếu hai cách mô tả chân dung của vị thánh này qua hai văn kiện của Đức Giáo hoàng viết vào năm 1921 và năm 2021.

3. Sự thánh thiện thời nay

Bài viết của giáo sư Benoît Pellistrandi muốn tìm hiểu khuôn mẫu thánh thiện mà Giáo hội Công giáo, kể từ công đồng Vaticanô II, muốn trình bày cho các tín hữu. Sử dụng phương pháp sử học và xã hội học để nghiên cứu hồ sơ các cuộc tuyên thánh dưới thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, tác giả cho thấy những nét liên tục và mới mẻ giữa quan niệm về thánh thiện xưa và nay.

4. Khuôn mẫu thánh thiện theo Đức Thánh Cha Phanxicô

Năm nay, Dòng Tên mừng kỷ niệm 500 năm thánh Inhaxiô Loyola hoán cải (1521-2021). Linh đạo của ngài được cập nhật do vị Giáo hoàng tiên khởi của Dòng trong tông huấn Gaudete et exsultate (ngày 19-3-2018)[3]. Tuy là một văn kiện nhằm trình bày lời mời gọi tất cả mọi tín hữu nên thánh, như công đồng Vaticanô II đã viết trong Chương năm của Hiến chế Tín lý về Hội thánh, nhưng linh mục Ivan Salvadori cho thấy mặc dù Đức Thánh Cha muốn trình bày những đặc điểm của sự thánh thiện vào thời nay, nhưng đồng thời, từ đầu đến cuối, ngôn ngữ của ngài cũng mang đậm tư tưởng của vị sáng lập Dòng.

5. Các thánh bên các Giáo hội Đông phương

Cha Cebrià M. Pifarré, đan sĩ Dòng Biển Đức ở Monserrat, muốn trình bày chiều kích đại kết của sự thánh thiện. Các Giáo hội Đông phương có chung gia sản tinh thần với các Giáo hội Tây phương trong thiên niên kỷ thứ nhất. Do nhiều hoàn cảnh lịch sử, bước sang thiên niên kỷ thứ hai, gia sản Đông phương ra như được tập trung vào các Giáo hội Slav bên Nga . Tuy linh đạo Đông phương mang đậm đặc tính đan tu, nhưng sự thánh thiện của đan sĩ không chỉ biểu lộ qua khuynh hướng biến hình làm nổi bật tác động của Thánh Linh, nhưng còn qua khuynh hướng sống dưới sự hiện diện của Chúa trong đời sống thường nhật, và đặc biệt khuynh hướng diễn tả lòng trắc ẩn phổ quát của Thiên Chúa qua việc chuyển cầu và đền tội ngay cả cho những tội nhân đã trầm luân trong hỏa ngục.

6. Sự dữ qua nhãn quan hiện tượng luận-thông diễn học của Paul Ricoeur

Tuy bài viết của linh mục Giuse Nguyễn Đoàn Tân, O.F.M. không liên quan trực tiếp đến chủ đề của số báo, nhưng câu nói thời danh của Paul Ricoeur “biểu tượng gợi nên suy tư” (“le symbole donne à penser”) cũng có thể áp dụng vào đề tài thánh thiện tương tự như bao nhiêu hiện tượng nhân sinh khác. Tất cả xoay quanh vấn đề “giải thích”.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

————

 TRONG SỐ NÀY

  • LỜI GIỚI THIỆU, tr. 7-10
  • LỊCH SỬ CÁC THÁNH KITÔ GIÁO_Roberto Rossetti, tr. 11-42
  • THÁNH ĐA MINH : SỬ KÝ VÀ THÁNH KÝ_Phan Tấn Thành, tr. 43-86
  • SỰ THÁNH THIỆN THỜI NAY_Benoît Pellistrandi, tr. 87-121
  • KHUÔN MẪU THÁNH THIỆN THEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ_Ivan Salvadori, tr. 122-144
  • KHUÔN MẪU THÁNH THIỆN BÊN ĐÔNG PHƯƠNG KITÔ GIÁO_Cebrià M. Pifarré, tr. 145-174
  • SỰ DỮ QUA NHÃN QUAN HIỆN TƯỢNG LUẬN-THÔNG DIỄN HỌC CỦA PAUL RICOEUR_Giuse Nguyễn Đoàn Tân, tr. 175-214

———————–

[1] Umberto Longo, La santità medievale (con un saggio introduttivo di Giulia Barone, “Scrivere dei santi, parlare dei santi. Santita e modelli agiografici tra antichita e medioevo”), Jouvence, Roma 2006. Sofia Boesch Gajano, La santità, Laterza, Roma – Bari 1999.

[2] Chẳng hạn như các bài đăng trong số 82 (tháng 11/2018): “Công đồng Vaticanô II và lời kêu gọi nên thánh”; “Sự thánh thiện và tiến trình phong thánh trong Giáo hội”; “Những vị thánh trong đời sống hôn nhân trải qua lịch sử Giáo hội”.

[3] Trước đây, Thời sự thần học đã có bài giới thiệu Tông huấn này ở số 80 (tháng 5 năm 2018), trang 191-207.

[4] Xem thêm bài “Những khuôn mẫu thánh thiện của Giáo hội Nga” trong Thời sự Thần học số 78 (tháng 11/2017) trang 67-89.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here