CHỦ ĐỀ : TÌNH CHA VÀ TÌNH ANH
Theo dự án đề ra cho niên học 2020-21, số 91 được dành cho chủ đề “Xã hội học và thần học”. Thế nhưng trong tam cá nguyệt cuối cùng của năm 2020, ĐTC Phanxicô đã ban hành hai văn kiện: thông điệp Fratres omnes (ngày 3 tháng 10) và tông thư Patris corde (ngày 8 tháng 12). Vì muốn theo sát “thời sự thần học”, nên chúng tôi thay đổi chủ đề. Nhân dịp Năm của thánh Giuse, chúng tôi trình bày vài đề tài liên quan đến “tình cha” của Người, có thể coi như thay mặt cho Chúa Cha trên trời trong thánh gia Nadarét. Trên thực tế, trong lời giảng cũng như cuộc đời, Đức Giêsu mặc khải cho nhân loại biết “tình cha” của Thiên Chúa. Nhờ ánh sáng ấy, chúng ta mới nhìn nhận những người khác như là “anh chị em”, và đối xử với nhau theo “tình huynh đệ”. Như vậy, chủ đề của số báo cũng có liên quan tới xã-hội-học, mặc dù đề tài này sẽ được bàn rộng hơn trong những số tới (học thuyết xã hội, bác ái xã hội, các khuôn mẫu xã hội trong quan niệm về Giáo hội).
Các bài viết của số báo này xoay quanh ba điểm chính: 1) Tình cha nhìn trong tương quan của thánh Giuse với Đức Giêsu, 2) Tình cha nhìn trong tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại; 3) Tình anh chị em.
I. Tình cha của thánh Giuse
Thánh Giuse thường được nhắc đến như là “bạn trăm năm của Mẹ Maria”, nhưng ít khi được nói đến là “cha của Đức Giêsu”. Lý do không có gì khó hiểu: “Cha của Đức Giêsu là Chúa Cha” (x. Lc 2,49). Thế nhưng, trong Tông thư vừa kể, chủ đề này đã được chú ý đặc biệt, với việc liệt kê bảy đặc điểm của “trái tim người cha”: 1) Rất đáng yêu mến; 2) Hiền từ; 3) Vâng phục; 4) Đón tiếp; 5) Can đảm sáng tạo; 6) Lao động; 7) Cây cao bóng cả.
1. “Mầu nhiệm” thánh Giuse: xưa và nay
Mở đầu, linh mục José Cristo Rey García Paredes, C.M.F. trình bày bức chân dung chính thức của thánh Giuse trong các văn kiện Tòa Thánh; kế đó tác giả cho thấy những hướng suy tư thần học cổ điển về thánh nhân, và đề nghị vài nét suy tư theo phương pháp thuật chuyện.
2. Thần học thánh Giuse
Trước đây, các chủ đề suy tư thần học chính liên quan đến thánh Giuse xoay quanh những mối tương quan đối với Chúa Giêsu (cha theo nghĩa nào?) và Mẹ Maria (chồng theo nghĩa nào?). Tiếc rằng lối tiếp cận thường chỉ dựa trên lý luận triết học hoặc pháp luật. Cha Tarcisio Stramare đề nghị hướng đi mới dựa theo tông huấn Redemptoris Custos của ĐTC Gioan Phaolô II, đó là sự thông dự của thánh nhân vào kế hoạch cứu độ.
II. Tình Cha của Thiên Chúa
3. Thiên Chúa là Cha
Ý tưởng về Thiên Chúa là cha (hay mẹ) đã được gặp thấy nơi nhiều tín ngưỡng và triết học. Tuy nhiên, giáo sư Xavier Pikaza cho thấy có sự khác biệt không nhỏ giữa khái niệm Thiên Chúa là cha trong Kinh Thánh với các tôn giáo cổ truyền. Kinh Thánh Cựu Ước tỏ ra dè dặt với khái niệm này bởi vì muốn nêu bật sự khác biệt giữa Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ với các tôn giáo đồng hóa thần linh với thiên nhiên. Tư tưởng về Thiên Chúa là cha xuất hiện khá muộn trong Cựu Ước. Sang Tân Ước, Thiên Chúa là Cha được mặc khải trong khung cảnh mầu nhiệm Tam Vị. Tuy nhiên, Tân Ước nói đến tương quan giữa Cha với Con, chứ không phải giữa Cha-Mẹ với Con. Theo sự phân tích của tâm-lý-học, hình ảnh người cha và người mẹ có những chức năng khác nhau. Thử hỏi, các khoa học nhân văn có góp phần gì vào việc đào sâu đức tin vào Thiên Chúa là Cha không?
4. Mặc khải về Thiên Chúa là Cha theo các bản văn Tân Ước
Xem ra điều mới mẻ trong mặc khải của Đức Giêsu về Thiên Chúa là cho chúng ta biết rằng Ngài là Cha. Câu hỏi được đặt ra là: cha của ai? Khi phân tích các bản văn Tân Ước, linh mục Romano Penna cho thấy có ba cấp độ tình cha của Thiên Chúa. 1) Cấp thứ nhất liên quan đến tình cha phổ quát (cha của hết mọi người). Đề tài này ít được nói đến trong Tân Ước, bởi vì không hề được đề cập trong bản Cựu Ước bằng tiếng Hípri, và có thể coi đây như một sự đóng góp đáng giá của văn hóa Hy-lạp. 2) Cấp thứ hai chỉ giới hạn tình cha vào một nhóm người; đây là một tư tưởng đặc trưng của Israel được Đức Giêsu dùng để huấn luyện các môn đệ: họ cần nhận biết là Thiên Chúa là “cha của chúng ta”. 3) Cấp thứ ba mới thật sự là độc đáo của Kitô giáo: Thiên Chúa là “cha của Đức Giêsu”, từ đó nó cũng giúp đào sâu thêm ý nghĩa của cấp thứ nhất và cấp thứ hai, tức là các môn đệ được gọi làm dưỡng tử của Thiên Chúa nhờ Đức Kitô.
III. Tình anh chị em
5. Tình huynh đệ Kitô giáo
Thông điệp Fratelli tutti của ĐTC Phanxicô bàn “về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội”. Trong lịch sử nhân loại đã có nhiều quan niệm khác nhau về tình huynh đệ. Bài viết của linh mục Phan Tấn Thành muốn tìm hiểu quan niệm về tình huynh đệ Kitô giáo dựa theo Kinh Thánh và Truyền thống Giáo hội. Tình huynh đệ đặt trên nền tảng nào? Phải chăng tình huynh đệ chỉ dành riêng cho các phần tử trong Giáo hội hay mở rộng đến tất cả mọi người? Có gì khác biệt giữa “tình huynh đệ” với “đức bác ái” không?
6. Huấn giáo về tình huynh đệ
Trong bài này, giáo sư José-Román Flecha-Andrés, sau khi điểm qua những khía cạnh lý thuyết của đạo lý Kitô giáo về tình huynh đệ (theo các giáo phụ và huấn quyền), đã phân tích vài khía cạnh thực hành dựa theo Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo.
7. Tình huynh đệ trong tuyên ngôn giữa Công giáo và Hồi giáo
Trong thông điệp Fratelli tutti, Đức Thánh Cha đã 9 lần (hoặc trích dẫn hoặc trực tiếp ở số 285) nhắc đến Văn kiện về tình huynh đệ ký kết giữa ngài và Đại Imam Ahmad al-Tayyeb tại Abu Dhabi ngày 4/2/2019. Cha Felix Körner S.I giới thiệu văn kiện cho chúng ta, đồng thời cũng giải thích cho chúng ta vài vấn nạn thần học được nêu lên: Kinh Thánh Tân Ước có cho phép gọi các người ngoài Kitô giáo là “anh em” không? Kinh Thánh có chấp nhận tình trạng đa nguyên tôn giáo không, hay là chỉ có một “đạo thật”? Dù sao cũng nên biết là để đánh dấu ngày ký văn kiện này, Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc trong phiên họp ngày 21/12/2020 đã chấp nhận ngày 4/2 hằng năm làm ngày Quốc tế tình Huynh đệ nhân loại International Day of Human Fraternity (văn thư A/75/L 52).
8. Thông điệp Fratelli tutti với giáo huấn xã hội của Đức thánh cha Phanxicô
Đã có nhiều bài giới thiệu nội dung thông điệp thứ ba của vị đương kim Giáo hoàng. Với một lối tiếp cận khác, linh mục Marcel Rémon S.J. cho thấy trong thông điệp này, Đức Phanxicô tóm tắt tư tưởng giáo huấn xã hội của ngài đã được phát biểu nhiều lần trong suốt tám năm qua.
9. Hiện tượng di dân và tình huynh đệ nhân loại
Thông điệp Fratelli tutti đã dành chương Bốn (từ số 128 đến 153) cho vấn đề di dân, ra như muốn cho thấy một phương thức cụ thể để thể hiện tình huynh đệ phổ quát. Trong bài “Mục vụ Di Dân Việt Nam: Thần Học Di Dân và “Đối Thoại Người Nghèo”, linh mục Nguyễn Trung Tây, S.V.D. phân tích hiện tượng di dân từ góc độ mục vụ tại miền Đông Nam Á. (Thời sự Thần học, số 74, tháng 11 năm 2016, cũng đã có ba bài dành cho đề tài di dân).
Trung tâm Học vấn Đa Minh
——————
NỘI DUNG
1. LỜI GIỚI THIỆU
2. “MẦU NHIỆM” THÁNH GIUSE : Xưa và Nay_José Cristo Rey García Paredes
3. THẦN HỌC THÁNH GIUSE_Tarcisio Stramare
4. THIÊN CHÚA LÀ CHA_Xabier Pikaza
5. BA CẤP ĐỘ TÌNH CHA CỦA THIÊN CHÚA TRONG TÂN ƯỚC_Romano Penna
6. TÌNH HUYNH ĐỆ KITÔ GIÁO_Phan Tấn Thành
7. HUẤN GIÁO VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ_José-Román Flecha-Andrés
8. VĂN KIỆN TÌNH HUYNH ĐỆ NHÂN LOẠI KÝ TẠI ABU DHABI_Felix Körner
9. THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI: Tóm lược Giáo huấn Xã hội của Đức thánh cha Phanxicô_Marcel Rémon
10. MỤC VỤ DI DÂN VIỆT NAM : Thần học Di dân và “Đối thoại Người nghèo”_Nguyễn Trung Tây