THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 89, THÁNG 8/2020

0
1422

LỜI GIỚI THIỆU

Nếu ai tra cứu các Từ điển tiếng Việt (chẳng hạn như của Hoàng Phê, Nguyễn Như Ý chủ biên), chắc là không tìm thấy mục từ “giáo mẫu”[1] mà chỉ có “mẫu giáo”, được hiểu theo hai nghĩa: một là sự dạy dỗ (giáo) của người mẹ (mẫu) đối với con cái; hai là trường dành cho các trẻ mầm non.

Trong số báo này, “giáo mẫu” được sử dụng theo một nghĩa chuyên môn, để đối lại với các “giáo phụ”. Những người này không phải là “phụ tá giáo viên”, nhưng là “người cha của Giáo hội” (pater ecclesiae, père de l’église, father of the church). Một cách tương tự như vậy, giáo mẫu được hiểu là “người mẹ của Giáo hội” (mater ecclesiae, mère de l’église, mother of the church).

Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 50 năm ĐGH Phaolô VI tuyên bố hai phụ nữ làm “Tiến sĩ Hội thánh”: thánh Catarina Siena (1347-1380) và thánh Têrêsa Avila (1515-1582). Trước khi đi vào nội dung, thiết tưởng nên ôn lại ý nghĩa của vài danh hiệu: Giáo phụ, Tiến sĩ Hội thánh.

I. Tiến sĩ Hội thánh và Giáo phụ

Trước tiên, chúng ta hãy nhìn lại lịch sử của hai thuật ngữ này; kế đó, chúng ta sẽ bàn đến việc áp dụng cho các phụ nữ.

A. Lịch sử các tước hiệu

Trong tiếng Việt, nghe nói đến “tiến sĩ” người ta nghĩ đến bằng cấp học vị. Ngay từ xưa ở nước ta đã có những khoa thi tú tài, cử nhân, tiến sĩ. Dĩ nhiên, ai muốn đỗ bằng tiến sĩ thì phải có văn hay chữ tốt, thông kim bác cổ, và sẽ được mời ra làm quan. Khi tiếp xúc với văn hoá Tây phương, cha ông chúng ta đã dùng từ tiến sĩ để dịch danh từ docteur, tuy rằng hai từ ngữ không hoàn toàn tương đương với nhau, xét vì một đàng, từ docteur có thể dịch là tiến sĩ hay bác sĩ, đàng khác, bằng docteur gắn với khung cảnh đại học. Thành thực mà nói, ngày nay bằng docteur được cấp như văn bằng cao cấp của đại học, nhưng vào thời Trung cổ, tức là vào lúc các đại học mới ra đời tại Âu châu (thế kỷ XII), bằng này chỉ được trao cho ai được bổ nhiệm làm giáo sư, chứng nhận có tư cách giảng dạy (licentia docendi).

Thực vậy, trong tiếng Latinh, từ doctor gắn liền với động từ docere, nghĩa là dạy dỗ. Chính trong khung cảnh này mà chúng ta lồng tước hiệu “Tiến sĩ Hội thánh” (Doctor Ecclesiae). Khi tôn phong một vị nào làm “Tiến sĩ Hội thánh”, Giáo hội không có ý tỏ lòng khâm phục tài trí sâu sắc của họ cho bằng nhìn nhận họ đáng làm thầy dạy dỗ Dân Chúa. Dĩ nhiên tất cả các thánh đều đáng làm thầy dạy dỗ chúng ta, xét vì họ nêu gương nhân đức, đáng cho chúng ta bắt chước. Nhưng đối với thánh tiến sĩ, họ còn làm thầy theo nghĩa là họ để lại một học thuyết qua các tác phẩm của họ. Nói cách khác, họ làm thầy bằng cuộc đời và bằng học thuyết.

Từ thế kỷ V, Giáo hội đã nhìn nhận một vài giám mục hay linh mục làm “thầy” của mình, tuy dưới một danh xưng khác, tức là “Cha của Giáo hội” (quen dịch là “Giáo phụ”: Patres Ecclesiae). Theo Vincent de Lérins (+k.450), họ là “những người đã luôn luôn dạy dỗ đức tin và trung thành với đức tin; họ đã chết trong niềm trung thành với Đức Kitô, thậm chí có người đã được phúc chết vì Chúa” (Commonitorium, c.41). Tác giả đề ra bốn tiêu chuẩn để nhận biết một Giáo phụ: 1/ Thuộc về thời cổ; 2/ Đạo lý chính thống; 3/ Đời sống thánh thiện; 4/ Được Giáo hội công nhận.

Tước hiệu “Tiến Sĩ Giáo hội” ra đời muộn hơn. Năm 1295, ĐTC Bonifaxiô VIII trao tặng tước hiệu này cho 4 Giáo phụ Tây phương rất quen thuộc: Ambrôsiô, Augustinô, Giêrônimô, Grêgôriô Cả. Điều này có nghĩa là từ nay, bên cạnh các thánh Tông đồ, Tử đạo, có thêm một “hàng ngũ” mới trong Phụng vụ, với bài lễ và kinh nguyện riêng. Sau Công đồng Trentô, vào năm 1567, tước hiệu này cũng được ĐTC Piô V (O.P.) trao cho thánh Tôma Aquinô, Dòng Đa Minh, xét vì ảnh hưởng đạo lý của thánh nhân trong toàn thể Giáo hội, đặc biệt nơi các văn kiện của Công đồng Trentô vừa bế mạc. Bởi vậy, khi xếp thánh Tôma vào hàng “Tiến sĩ,” xem ra Đức Piô V muốn coi vị thánh này ngang hàng với bốn Giáo phụ vừa kể, tuy rằng tước hiệu Giáo phụ chỉ được áp dụng cho các thánh sống vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Năm 1568, ĐTC Piô V cũng trao tặng tước hiệu ấy cho bốn Giáo phụ Đông phương: Basiliô, Grêgôriô Nazianzô, Gioan Kim Khẩu và Athanasiô. Có lẽ ngài không ngờ rằng mình đã mở đường cho một tiến trình tôn phong “Tiến sĩ Hội thánh” vẫn còn kéo dài cho đến nay[2].

Để được phong tước hiệu “Tiến sĩ Hội thánh”, cần phải có đủ 3 điều kiện[3]:

Thứ nhất, sanctitas: phải là một vị đã được phong hiển thánh. Do đó, cho dù là một học giả hết sức nổi tiếng nhưng chỉ mới được phong chân phước, thì chưa thể tiến hành hồ sơ tặng tước hiệu “Tiến Sĩ”.

Thứ hai, eminentia doctrinae: vị thánh ấy đã để lại một học thuyết lỗi lạc có ảnh hưởng đến đời sống của Giáo hội.

Thứ ba, cần phải được Đức Thánh Cha hay Công đồng hoàn vũ tuyên bố. Nói khác đi, cần phải có thẩm quyền tối cao của Giáo hội công bố, chứ không để mặc cho công luận định đoạt. Dĩ nhiên là cộng đồng Dân Chúa có quyền thỉnh nguyện Toà thánh để xin trao tước hiệu “Tiến Sĩ” cho vị thánh nào đó, nhưng thẩm quyền quyết định thì dành cho Toà thánh, qua bộ Phong thánh và bộ Giáo lý Đức tin.

B. Các nữ tiến sĩ Giáo hội

Trong ba điều kiện vừa nêu, không có ngăn trở nào liên quan đến giới tính. Trên thực tế, người ta ngầm hiểu rằng còn một điều kiện thứ bốn nữa, đó là không thuộc nữ giới, dựa theo lời của thánh Phaolô: “Mulieres in ecclésiis taceant” (Các phụ nữ phải làm thinh trong nhà thờ: 1Cr 14,34), “Mulieri docere non permítto” (Tôi không cho phép phụ nữ giảng dạy: 1Tm 2,12). Trong bối cảnh này, việc ĐTC Phaolô VI phong tiến sĩ cho hai phụ nữ quả là một cuộc cách mạng! Chúng ta hãy ôn lại vài bước quan trọng của tiến trình này[4].

Từ lâu lắm rồi, nhiều họa sĩ đã vẽ một vài thánh nữ đang viết lách hay ngồi giảng dạy. Đặc biệt là thánh nữ Têrêsa Avila đã được nhiều người đồng hương tặng biệt hiệu là Magistra, và đại học Salamanca trao bằng “tiến sĩ danh dự” năm 1622. Nhưng mãi đến cuối thể kỷ XIX, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày thánh nữ tạ thế (1882), phong trào cổ động phong Tiến sĩ Hội thánh mới đến gõ cửa Tòa thánh, và hồ sơ chính thức được đệ lên ĐTC Piô XI năm 1922 (nhân dịp kỷ niệm 300 năm phong thánh). Đức Thánh Cha đã giao cho một ủy ban thần học để xét xem việc phong tiến sĩ cho phụ nữ có đi ngược lại lệnh cấm của thánh Phaolô không. Tuy được trả lời là không có gì ngăn trở, nhưng Đức Thánh Cha để dành quyết định cho các vị kế nhiệm. Hồ sơ được cất kỹ trong văn khố đến hơn nửa thế kỷ, và chỉ được được mở lại dưới thời Giáo hoàng Gioan XXIII. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm tôn phong tiến sĩ cho thánh Têrêsa, Hồng y Anastasio Ballestrero, O.C.D., nguyên Tổng quyền Dòng Cát Minh Cải tổ, đã kể lại “vài chuyện riêng tư” như sau[5]. Thấy Đức Thánh Cha hâm mộ đạo lý của thánh nữ, cha đã mạnh dạn đề nghị xin cho ngài được phong Tiến sĩ Hội thánh. Đức Thánh Cha đưa ra vấn nạn của 1Cr 14,34, nhưng đồng thời yêu cầu cha tìm cách nhờ các chuyên viên giải quyết. Tiếc rằng ĐTC Gioan XXIII đã sớm về với Chúa. Đến khi được vị kế nhiệm tiếp kiến, cha Ballestrero lại lặp lại ý định ấy. Sau khi suy nghĩ một thời gian, ĐTC Phaolô VI đồng ý tiếp tục nghiên cứu vấn đề, nhưng yêu cầu tìm thêm một vị nữa để thiên hạ bớt ngỡ ngàng, cha Tổng quyền Dòng Cát Minh gợi ý thánh Catarina Siena. Đề nghị này được tán thành, và cha được ủy phải đi liên lạc gấp với cha Aniceto Fernandez, Tổng quyền Dòng Đa Minh, để xúc tiến công việc.

Chúng ta trở lại với các dữ kiện do cha Valentino Macca cung cấp. Có thể chia tiến trình nghiên cứu việc phong tiến sĩ cho phụ nữ thành bốn bước như sau:

1/ Tham khảo chuyên viên (1965-66). Tòa Thánh giao cho một ủy ban chuyên viên thuộc bốn dòng khác nhau[6], để nghiên cứu vấn đề: có gì ngăn trở phong Tiến sĩ Hội thánh cho các phụ nữ không? Các chuyên viên không những đã trả lời là “Không” mà còn giới thiệu vài “ứng viên” nữa. Các đoạn văn của thánh Phaolô không liên quan đến việc các phụ nữ không được phép giảng dạy trong Giáo hội, nhưng chỉ có tính cách kỷ luật: quy tắc này chỉ nhằm ngăn cản những bà nào không có đặc sủng mà cứ thích lên tiếng làm mất trật tự trong các buổi họp phụng vụ! Những phụ nữ “ứng viên” có thể là thánh Têrêsa Avila, Catarina Siena, Gertrude, Têrêsa Lisieux.

2/ Ý kiến của Bộ Lễ nghi [7] (1966-67). Sau khi nhận được ý kiến thuận của các chuyên viên, ngày 17/1/1966, Đức Thánh Cha yêu cầu Bộ xét vấn đề có thể cấp Tiến sĩ Hội thánh cho các phụ nữ không. Trong phiên họp ngày 20/12/1967, các thành viên của Bộ đã trả lời là chấp thuận[8]. Trước đó hai tháng (ngày 15/10/1967), nhân buổi tiếp kiến dành cho Đại hội Thế giới Tông đồ Giáo dân, Đức Thánh Cha đã ngỏ ý cho biết ngài ước mong sẽ phong Tiến sĩ Hội thánh cho thánh Têrêsa Avila và Catarina Siena.

3/ Lập hồ sơ (1967-69). Sau khi đã giải quyết được vấn nạn tiên quyết, chặng kế tiếp là nộp “hồ sơ”, giống như các vụ án phong thánh, và cụ thể là hai thánh Têrêsa Avila và Catarina Siena. Theo danh từ chuyên môn của Bộ Phong thánh, hồ sơ được gọi là Positio, trong đó trình bày tiểu sử, các tác phẩm, đạo lý nổi bật, ảnh hưởng đối với Giáo hội. Hồ sơ được bổ túc với các thỉnh nguyện của các Hồng y, giám mục, các dòng tu, các đại học, những thành phần khác nhau của Dân Chúa. Hai hồ sơ được nộp cho Bộ Phong thánh vào cuối tháng 5 năm 1969.

4/ Cuộc họp của Bộ Phong thánh (1969)

a) Ngày 15/7/1969. Bộ đã họp và, sau khi nghe tường trình của hồng y Arcadio Laraona, đồng thanh bỏ phiếu chấp nhận thánh Têrêsa xứng đáng mang tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh. Kết quả được đệ lên Đức Thánh Cha. Sau khi được phê duyệt, Bộ thảo nghị định ngày 21/7/1969.

b) Ngày 2/12/1969, Bộ đã họp và, sau khi nghe tường trình của hồng y Michael Browne, O.P., đã đồng thanh bỏ phiếu chấp nhận thánh Catarina xứng đáng mang tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh. Kết quả được đệ lên Đức Thánh Cha. Sau khi được phê duyện, Bộ thảo Nghị định ngày 8/1/1970.

Cuối cùng, lễ nghi công bố Thánh Têrêsa Avila diễn ra trong Thánh lễ cử hành tại đền thánh Phêrô, ngày chúa nhật 27/9/1970[9]. Lễ nghi công bố thánh Catarina Siena diễn ra trong Thánh lễ cử hành tại đền thánh Phêrô một tuần lễ sau, ngày 4/10/1970, nhân lễ thánh Phanxicô Asisi, đồng bổn mạng nước Ý với thánh nữ[10].

Từ đó đến nay, đã có thêm hai phụ nữ được trao tặng tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh: thánh Têrêsa Lisieux (19/10/1997) và thánh Hildegard Bingen (7/10/2012).

II. Giáo mẫu

Như đã nói trên đây, “giáo mẫu” ám chỉ những người “Mẹ của Giáo hội”. Thuật ngữ này chỉ mới được lưu hành giữa các chuyên gia thần học từ giữa thế kỷ XX, và dần dần cũng trở thành quen thuộc, chẳng hạn như mục từ Matristics của bà Kari Elizabeth. Børresen, trong “Encyclopedia of Ancient Christianity”[11], hoặc bộ sách bằng tiếng Tây-ban-nha Matrologia của nhà xuất bản Monte Carmelo, Burgos[12].

Dù sao, thuật ngữ “Mẹ của Giáo hội” có thể được hiểu theo ba nghĩa: Một, Giáo hội là Mẹ của chúng ta (gọi tắt là Mẹ Giáo hội). Hai, Đức Maria là Mẹ của Giáo hội. Ba, những người mẹ và thầy của Giáo hội. Những bài viết trong số báo này muốn trình bày cả ba nghĩa ấy, tuy dành nhiều chỗ hơn cho nghĩa thứ ba.

1. Giáo hội là Mẹ (Ecclesia Mater)

Tước hiệu này không có trong Tân Ước, nhưng đã sớm được các giáo phụ sử dụng. Nữ tu Lê Loan sẽ khảo sát ý nghĩa của thuật ngữ nơi các tác phẩm của 5 tác giả: Irênê, Tertullianô, Cyprianô, Ambrosiô, Augustinô. Sau một thời gian khá dài bị quên lãng, thuật ngữ được hồi sinh với Công đồng Vaticanô II, và gần đây được đức đương kim giáo hoàng khai triển trong vài bài huấn từ.

2. Đức Maria là Mẹ của Giáo hội (Mater Ecclesiae)

Tước hiệu này mới được phổ biến kể từ khi ĐTC Phaolô VI tuyên bố vào dịp bế mạc khóa Ba của Công đồng Vaticanô II, nhân dịp ban hành hiến chế tín lý Lumen gentium về Hội thánh (ngày 21 tháng 11 năm 1964). Vì đề tài này đã được nghiên cứu trong các sách về Thánh Mẫu học, cho nên chúng tôi chỉ trích dịch bài huấn giáo của ĐTC Gioan Phaolô II (ngày 19 tháng 9 năm 1997), giải thích ý nghĩa của tước hiệu, kèm theo sắc lệnh của Bộ Phụng tự ngày 11 tháng 2 năm 2018, truyền cử hành lễ Đức Trinh nữ Maria là Mẹ Hội thánh hằng năm, vào ngày thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống.

3. Phụ nữ trong văn học Kitô giáo bốn thế kỷ đầu

Từ bài thứ ba trở đi, chúng tôi xin trình bày những khuôn mẫu của các phụ nữ làm “chứng nhân và thầy dạy” của Giáo hội, bắt đầu là những người sống vào thời “các giáo phụ”[13]. Tu sĩ Nguyễn Long Quân trình bày một tác phẩm Tân Ước (ngụy thư) viết về một phụ nữ (thánh Têcla), rồi đến các bản tường thuật cuộc tử đạo của vài thánh nữ do chính các phụ nữ viết, sau cùng là những bài tri ân của các giáo phụ dành cho người mẹ của mình.

4. Các sư mẫu trên sa mạc

Kể từ khi đời đan tu xuất hiện trong Giáo hội vào thế kỷ IV, bên Ai Cập, xuất hiện những bộ tuyển tập các danh ngôn của các sư phụ, những “người cha trên sa mạc” (Desert Fathers). Nhưng bên cạnh đó cũng có các sư mẫu (Desert mothers): Maria Sira Carrasquer giới thiệu vài khuôn mặt điển hình, tập trung vào ba vùng: Tiểu Á, Ai Cập, Thánh địa. Có một tương quan khá chặt chẽ giữa các sư mẫu với các sư phụ vào lúc khởi đầu nếp sống đan tu.

5. Các nữ văn hào của thời Thượng Trung đại

Các sư mẫu sa mạc được nhắc đến trong các tác phẩm của các sư phụ. Họ làm “thầy dạy” bằng những danh ngôn ngắn ngủi và chính cuộc đời của mình. Sang thời Trung đại, chúng ta gặp thấy các phụ nữ dạy bằng chính các tác phẩm của mình, và được Jacques-Paul Migne đưa vào bộ sách Patrologia Latina, đó là: Hildegard Binden (1098-1179, vol.197) và Elizabeth Schonau (1129-1164/5, vol.195). Vị thứ nhất đã được ĐTC Bênêđictô XVI tôn phong tiến sĩ ngày 7/10/2012. Giáo sư Maria Berger giới thiệu tiểu sử và văn phẩm của hai vị này, cộng thêm thánh Gertrud Helfta (1256-1301/2), mà hồ sơ phong tiến sĩ Giáo hội đang được Dòng Xitô xúc tiến. Cả ba vị này đều thuộc về nước Đức.

6. Các nhà thần học huyền bí thời Trung đại

Từ thế kỷ XII, đang khi hệ thống tổ chức các đại học bên Âu châu được kiện toàn, với sự xuất hiện của các vị Magistri và Doctores ở các phân khoa thần học, thì chúng ta có dịp chứng kiến các phụ nữ làm “thầy dạy” theo một nghĩa khác. Họ không sử dụng các phạm trù triết học để giải thích đức tin, nhưng thuật lại cảm nghiệm tiếp xúc với Thiên Chúa, qua các tác phẩm “huyền bí”. Họ thuộc về nhiều thành phần khác nhau trong xã hội và Giáo hội: nữ tu, giáo dân, ẩn sĩ. Họ sống tại những vùng địa lý khác nhau (Ý, Đức, Anh, Tây Ban Nha), và những hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Tu sĩ Bạch Thành Duy giới thiệu sáu tác giả điển hình: Clara Assisi 1193-1253); Mechthild Magdeburg (1207-1282/94); Julian Norwich (1342-1416?); Catarina Siena (1347-1380); Catarina Genova (1447-1510); Têrêsa Avila (1515-1582).

Dĩ nhiên, danh sách các “giáo mẫu” còn có thể kéo dài thêm nữa. Chúng tôi chỉ giới hạn vào thời Trung đại. Độc giả có thể tham khảo thêm thư mục ở cuối các bài viết, và đặc biệt là loạt bài huấn giáo về lịch sử đức tin và thần học của ĐTC Bênêđictô XVI, từ tháng 5 năm 2006. Sau khi đã rảo qua các thánh tông đồ, các giáo phụ, các tiến sĩ thời Trung đại, ngài đã dành 13 bài huấn giáo, từ đầu tháng 9 năm 2010, để giới thiệu một vài khuôn mặt phụ nữ thời Trung đại có ảnh hưởng đến tư tưởng thần học Công giáo, đó là: Hildegard Bingen (2 bài vào các ngày 1 và 8/ 9), Chiara Assisi (ngày 15/9), Matilde Hackeborn (ngày 29/9), Gertrude Cả (ngày 6/10), Angela Foligno (ngày 13/10), Elisabeth Hungary (ngày 20/10), Brigiđa Thụy điển (ngày 27/10), Marguerite d’Oingt (ngày 3/11), Giuliana Cornillon (ngày 17/11) , Catarina Siena (ngày 24/11), Giuliana Norwich (ngày 1/12), Veronica Giuliani (ngày 15/12), Caterina Bologna (ngày 19/12). Loạt bài được tiếp tục trong năm 2011, với Catarina Genova (ngày 12/1), Jeanne d’Arc (ngày 26/1), và sau đó, thêm hai vị tiến sĩ vào thời cận đại Têrêsa Avila (ngày 2/2) và Têrêsa Lisieux (ngày 6/4)[14]. Trong danh sách trên đây, nên ghi nhận hai vị chưa được tuyên thánh, đó là Marguerite d’Oingt và Giuliana Norwich.

Theo nguyên gốc Hy-lạp, thần học (theologia, ghép bởi theos và logos), thường được giải thích là “lời nói (hoặc lý luận) về Thiên Chúa”. Nhưng nói thế chưa đủ: theologia còn được hiểu như là “lời của Chúa” và “lời với Chúa”. Nhiều tác giả vừa nhắc đến trên đây không chỉ để lại cho Giáo hội những “lời than thở với Chúa”, mà còn “những lời mặc khải của Chúa”, diễn tả ý định cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại, cách riêng vào một vài giai đoạn khó khăn trong Giáo hội. Chúng ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với các ý nghĩa ấy khi lắng nghe các “giáo mẫu”. Cuối cùng, “giáo mẫu” không chỉ là “Mẹ của Giáo hội”, nhưng còn bao hàm hai chức năng của bất cứ người mẹ nào, đó là “nuôi dưỡng và dạy dỗ”. Vai trò này có thể áp dụng cho Giáo hội, cho Đức Maria, cũng như cho các phụ nữ đã được Giáo hội nhìn nhận như vậy.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

————————————–

NỘI DUNG

1. MATER ECCLESIA – GIÁO HỘI LÀ MẸ _Lê Loan_

2. ĐỨC MARIA, MẸ GIÁO HỘI _Tsth_

3. PHỤ NỮ TRONG VĂN HỌC KITÔ GIÁO BỐN THẾ KỶ ĐẦU _Gioan Nguyễn Long Quân_

4. CÁC SƯ MẪU TRONG SA MẠC _Tsth_

5. NHỮNG PHỤ NỮ ĐƯỢC XẾP CHUNG VỚI CÁC GIÁO PHỤ _Maria Burger_

6. NHỮNG NHÀ HUYỀN BÍ GIỮA THỜI ĐẠI PHÁT TRIỂN KINH VIỆN _Phêrô Bạch Thành Duy_

—————————

[1] Đừng quên rằng truyền thống gia đình của Việt Nam ghi nhận nhiều hạng “mẫu”: đích mẫu, bảo mẫu, nhũ mẫu, dưỡng mẫu, kế mẫu, từ mẫu, giá mẫu, xuất mẫu.

[2] Về các Tiến sĩ Hội thánh, X. Đức Bênêđictô XVI, 36 thánh tiến sĩ (TP. HCM: Phương Đông & Học viện Đa Minh, 2017.

[3] Các điều kiện cổ điển đã được ĐTC Bênêđictô XIV đúc kết trong tác phẩm Doctrina de servorum Dei beatificatione et beatorum canonizatione (1749), Lib.IV, Pars secunda, cap.XI, n.13

[4] Valentino Macca di S. Maria, Il dottorato di santa Teresa. Sviluppo storico di una idea, in “Ephemerides Carmeliticae” 21 (1970/1-2) 35-113.

[5] A. Ballestrero, Il Magistero di Teresa di Gesù, Dottore della Chiesa , in: “Rivista di Vita Spirituale” XL (1995), pp. 667 – 682.

[6] Đó là các cha Pietro de la Madre di Dio, O.C.D., Alessio Benigr, O.F.M., Carlo Boyer SJ, Alvaro Huerga, O.P.

[7] Vào năm 1969, bộ Lễ nghi được tách ra hai bộ “Phụng tự và kỷ luật bí tích” và bộ “Phong thánh”.

[8] Sacra Rituum Congregatio. Positio peculiaris. Super dubio: « An titulus et cúltus Doctoris Ecclesiae tribuí possit sanctis Mulieribus, quae sanctitate et eximia doctrina ad commune Ecclesiae bonum magnopere contulerunt». Romae, Typis Pol. Vaticanis, (94 p.)

[9] Bài giảng bằng tiếng Ý và tiếng Tây ban nha, đăng trong công báo Tòa thánh: AAS 62 (1970), 590-596. Trong bài giảng, ngoài việc đề cao đạo lý của thánh nữ, Đức Thánh Cha còn giải thích vấn nạn được nêu lên liên quan đến việc tôn phong Tiến sĩ cho một phụ nữ. Tông thư Multiformis sapientia, tuy được ký cùng ngày, nhưng được đăng muộn hơn trên công báo Tòa thánh, AAS 63 (1971), 185-192, tóm tắt tiểu sử, đạo lý, thủ tục phong tiến sĩ.

[10] Bài giảng bằng tiếng Ý được đăng trên AAS 62 (1970), 673-678. Tông thư Mirabilis in Ecclesia, tuy được ký cùng ngày, nhưng được đăng muộn hơn trên AAS 63 (1971) 674-683, tóm tắt tiểu sử và giá trị đạo lý của thánh nữ. Nên lưu ý là thánh Catarina là một giáo dân chứ không phải là tu sĩ.

[11] Produced by the Institutum Patristicum Augustinianum, General editor Angelo Di Berardino Translated from the Italian Nuovo dizionario patristico e di antichità cristiane, English Translation ©2014 InterVarsity Christian Fellowship/USA. Vol 2, 730-735

[12] Tác giả: Maria Sira Carrasquer, gồm ba quyển: Madres Orientales (ss.I-VIII); Madres Occidentales (ss.I-VIII); Madres Mozárabes.

[13] Về các phụ nữ trong Tân Ước, X. “Phẩm giá phụ nữ”, Thời sự thần học, số 79 (tháng 2 năm 2018), với các bài: “Các văn kiện của Giáo hội về phụ nữ”, và “Kitô giáo và cuộc giải phóng phụ nữ.”

[14] Những bài này có thể đọc trên mạng internet của Vatican, và được gom thành một cuốn sách tựa đề: Benedetto XVI. Donne nel Medioevo. Il genio femminile nella storia del popolo di Dio, Marietti, Torino, 2011.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here