THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 86, THÁNG 11/2019

0
1840

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 86, THÁNG 11/2019

CHỦ ĐỀ : TRIẾT HỌC CÔNG GIÁO

LỜI GIỚI THIỆU

Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud (30-11-1919), được coi như “Hiến chương về hoạt động truyền giáo” của thế kỷ XX. Bên cạnh, cũng có một biến cố đáng nhớ khác của Giáo hội Việt Nam, đó là việc thiết lập hai hạt Đại diện tông tòa đầu tiên, vào ngày 9-9-1659 (Sắc chỉ Super cathedram của ĐGH Alexander VII). Một kỷ niệm gần gũi hơn là 20 năm ban hành Tông huấn hậu-thượng-hội-đồng Ecclesia in Asia (6-11-1999).

Vì thế, những bài viết của số này xoay quanh chủ đề “truyền giáo”, với một phụ đề “Á châu”.

1. Từ ngữ

Mở đầu, linh mục Phan Tấn Thành, O.P. trình bày ý nghĩa của các từ ngữ missio và evangelizatio. Hai danh từ này được chuyển sang tiếng Việt bằng nhiều từ khác nhau, một bên là “sứ vụ, sứ mạng, truyền giáo, sai đi, thừa sai”, và bên kia là “loan báo Tin Mừng, truyền giảng Phúc Âm, Phúc Âm hóa”. Hai từ ấy có đồng nghĩa với nhau không? Nếu không, thì khác nhau ở chỗ nào? Ngoài ra, “Thần học truyền giáo” (Mission theology) và “Truyền giáo học” (Missiology) có gì khác nhau không? Cần phải theo dõi lịch sử thần học thì mới hiểu được sự thay đổi ý nghĩa của chúng.

2. Lịch sử

Linh mục Stephen Bevans, S.V.D., thuật lại Lịch sử truyền giáo của Kitô giáo, dựa theo tám “phong trào” (hoặc đợt sóng): 1/ Chúa Giêsu. 2/ Thánh Phaolô. 3/ Giáo hội sau thời các tông đồ. 4/ Phong trào đan tu (từ thế kỷ IV). 5/ Các dòng hành khất (trung đại). 6/ Dòng Tên với thời kỳ “khám phá” vùng đất mới (thế kỷ XVI). 7/ Đại thế kỷ truyền giáo (thế kỷ XIX). 8/ Thế kỷ XX và XXI. Tác giả nêu bật sự đóng góp của các giáo dân, nữ và nam, cũng như của các Giáo hội ngoài Công giáo trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

3. Huấn quyền

Khởi đi từ Tông huấn Maximum Illud, ba tác giả sẽ lần lượt trình bày sự tiến triển của Huấn quyền về truyền giáo trong thế kỷ XX.

Trước hết, linh mục James Kroeger, M.M. trình bày “Năm thông điệp truyền giáo (1919-1959): Maximum Illud (1919), Rerum Ecclesiae (1926), Evangelii Praecones (1951), Fidei Donum (1957), và Princeps Pastorum (1959).

Kế đó, cha Stephen B. Bevans, S.V.D. giới thiệu những nét nổi bật của “Công đồng Vaticanô II – Sắc lệnh Ad Gentes”.

Sau cùng, cha Roger P. Schroeder, S.V.D. tóm tắt những vấn đề chính được gợi lên “Sau Công đồng Vaticanô II: Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975), Thông điệp Redemptoris missio (1990), Văn kiện Dialogue and Proclamation (1991)”.

4. Thần học

Truyền giáo để làm gì? Trước Vaticanô II, câu trả lời là: cứu rỗi các linh hồn, xây dựng Giáo hội địa phương. Từ sau Công đồng, công tác truyền giáo còn kèm theo việc đối thoại liên tôn, thăng tiến con người, bảo vệ công lý. Đó là những công tác rời rạc hay có liên lạc với nhau? Linh mục Phêrô Đỗ Cao Cương S.V.D. cung cấp một chìa khóa giải thích do Tổng hội Dòng Ngôi Lời năm 2000 đề ra, đó là: Truyền giáo như là “đối thoại ngôn sứ” (prophetic dialogue), có thể giải thích tùy theo bối cảnh: Á châu nhấn mạnh đến “đối thoại” (với văn hóa, tôn giáo, người nghèo); Mỹ châu Latinh nhấn mạnh đến “ngôn sứ”, nhưng cả hai khía cạnh đều đặt trọng tâm vào Đức Giêsu, người loan báo Vương quyền của Thiên Chúa giàu lòng nhân ái.

5. Kitô giáo tại Á châu

Hai bài cuối cùng hướng về Á châu. Cha Felipe Gomez, S.J. giúp chúng ta “nhớ lại” hai ngàn năm lịch sử truyền giáo tại lục địa này, bắt đầu ngay từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Có lẽ ít người biết rằng Tin Mừng đã đến Trung Quốc từ thời nhà Đường (năm 635), và các giáo phận đã được thành lập chung quanh Bắc Kinh từ đầu thế kỷ XIV. Tại sao ngày nay các giáo đoàn phồn thịnh ấy không còn tồn tại nữa? Dù sao, tác giả cũng lưu ý chúng ta rằng, không nên chỉ dừng lại ở các thống kê nhân số nhưng cần nhìn Giáo hội qua khuôn mặt các thánh, đặc biệt các thánh tuẫn giáo, những người can đảm làm chứng cho đức tin bằng chính mạng sống của mình.

6. Kitô học ở Á châu

Thần học là một trong những lãnh vực quan trọng của việc hội nhập văn hóa tại Á châu, theo Tông huấn Ecclesia in Asia, số 22. Trong bài này, linh mục Rocco Viviano, S.X. chỉ điểm qua Kitô học, một đề tài then chốt trong cuộc đối thoại với các tôn giáo. Tác giả nghiên cứu các nhà thần học Công giáo cũng như Tin lành, và phân làm hai khối chính: Nam Á và Đông Á. Khối Nam Á quan tâm đến đối thoại với Ấn giáo và Phật giáo cũng như các vấn đề công bằng xã hội. Khối Đông Á đối thoại với Phật giáo Đại thừa và Khổng giáo. Việc giới thiệu Đức Kitô cho các tôn giáo nằm ở trọng tâm của công cuộc truyền giáo.

Liên quan đến “truyền giáo” và “truyền giáo tại Á châu”, xin được nhắc đến vài bài đã đăng trên Thời sự thần học trước đây.

– Số 70 (tháng 11 năm 2015) với tựa đề “Phục vụ Lời Chúa”, có bài “Lịch sử và các khuôn mẫu truyền giáo”.

– Số 77 (tháng 8 năm 2017) với tựa đề “Loan báo Tin Mừng cho ASEAN”, đặc biệt là bài “Giáo hội và các dân tộc bản địa ở Á châu” (trang 131-153) và bài “Kitô giáo tại Đông Nam Á” (trang 154-203) theo dõi sự tiến triển của Giáo hội Công giáo cũng như Tin lành ở vùng đất này.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

———————–

NỘI DUNG

LỜI GIỚI THIỆU

Ý NGHĨA CÁC TỪ NGỮ : MISSIO, EVANGELIZATIO, MISSIOLOGIA_Phan Tấn Thành 11

LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO__Stephen Bevans

NHỮNG VĂN KIỆN CỦA GIÁO HỘI VỀ TRUYỀN GIÁO TRONG 100 NĂM QUA__tsth biên tập

CẦN MỘT ĐỐI THOẠI NGÔN SỨ CHO NHỮNG VẤN ĐỀ TRUYỀN GIÁO HÔM NAY__Phêrô Đỗ Cao Cương

HAI NGÀN NĂM SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU__Felipe Gomez

CÁC KHUYNH HƯỚNG KITÔ HỌC Ở Á CHÂU__Rocco Viviano

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here