THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 81, THÁNG 08/2018

0
2078


 

 

LỜI GIỚI THIỆU

Chủ đề số báo được chọn nhân kỷ niệm hai biến cố lịch sử trong năm nay: 100 năm kết thúc thế chiến thứ nhất (11/11/1918) và 65 năm thông điệp Pacem in terris của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII (11-4-1963). Ngoài ra, một kỷ niệm khác cũng đáng được ghi nhận: 70 năm bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc ra đời (10/12/1948).

Thế chiến thứ nhất (mở đầu 28/7/1914, kết thúc 11/11/1918) đánh dấu một cuộc “leo thang” về chiến tranh. Việc chấm dứt chiến tranh mở ra một chặng mới, hướng đến con đường tìm kiếm hòa bình lâu dài.

Số báo này được chia làm hai phần.

I. Phần thứ nhất: CHIẾN TRANH

1) Loạt bài được mở đầu với việc nghiên cứu Kinh Thánh. Kinh Thánh không chỉ nói đến “thánh chiến” mà còn trình bày Thiên Chúa như một vị tư lệnh chỉ huy các cuộc chinh phục đất thánh được ban cho dân Israel. Trong bài viết Kinh Thánh và những cuộc chiến của Thiên Chúa, Hồng y Gianfranco Ravasi tìm hiểu ý nghĩa của những ý tưởng liên quan đến bạo lực trong Cựu Ước: sự tru hiến (herem); Thiên Chúa ghen tuông và thịnh nộ; Đức Chúa các đạo binh. Cần phải sử dụng một phương pháp thông diễn khi phân tích những đoạn văn ấy.

2) Tiếp đến là truyền thống thần học, với bài Chiến tranh và luân lý Kitô giáo của linh mục Phan Tấn Thành. So với Cựu Ước, điều mới mẻ của Tân Ước là lời dạy của Chúa Giêsu về sự tha thứ cho kẻ thù, và không dùng vũ lực để chống lại vũ lực. Các thế hệ Kitô hữu đầu tiên đã thực hành triệt để mệnh lệnh này. Nhưng từ thế kỷ IV, xuất hiện một khuynh hướng tìm cách biện minh cho chiến tranh “công bình”, dựa trên luật tự nhiên. Truyền thống này, khởi đi từ thánh Augustinô và được phát triển do thánh Tôma Aquinô, Francisco de Vitoria, đi đến học thuyết về “ius ad bellum” và “ius in bello”. Vào thời cận đại, các nhà chính trị châu Âu cắt đứt khỏi truyền thống thần học, và phát triển học thuyết về chiến tranh chính đáng dưới khía cạnh pháp lý. Tuy nhiên, vào thời buổi hôm nay, với sức phá hoại khủng khiếp của vũ khí hạt nhân, người ta đặt lại vấn đề: liệu còn có thể bênh vực chiến tranh “công bình” nữa không, hay phải lên án tất cả mọi hình thức chiến tranh?

3) Chiến tranh tôn giáo trong lịch sử. Phải chăng tôn giáo là đầu mối của các cuộc xung đột trên thế giới, như báo chí thường loan tin? Không phải như vậy! Dựa trên Encyclopedia of Wars (New York 2005), ký giả Pablo J. Ginés cho thấy rằng trong số 1763 cuộc chiến xảy ra trong lịch sử nhân loại, chỉ có 124 cuộc chiến mang tính tôn giáo (tuy không hẳn là lý do duy nhất), nghĩa là chưa đến 7%.

4) Linh mục Hieronymus Bùi Thiện Thảo O.P., với bài Hoạt động của Giáo hội Công giáo trong chiến tranh thế giới thứ nhất, cho thấy sự đóng góp của Giáo hội (Dân Thiên Chúa chứ không chỉ Tòa Thánh) trong và sau thời chiến tranh: những hoạt động nhân đạo như bảo vệ và chăm sóc các tù binh, cứu trợ các phụ nữ và trẻ em. Cách riêng đức thánh cha Biển Đức XV đã không ngừng gia tăng các hoạt động ngoại giao, tìm cách lên án chiến tranh và nỗ lực tái lập hoà bình.

II. Phần thứ hai: HÒA BÌNH

5) Mở đầu là bài nghiên cứu của cha Nicolo Maria Loss SDB về Hòa bình theo Kinh Thánh. Thật là thú vị khi biết rằng hạn từ “hòa bình” được hiểu theo ba nghĩa khác nhau trong ba ngôn ngữ của Kinh Thánh (Hípri của Cựu Ước, Hy Lạp của bản dịch LXX và Tân Ước, La-tinh của Vulgata). Danh từ shalom trong Cựu Ước mang một nghĩa rất rộng, bao gồm toàn thể con người với những tương quan với tha nhân và với Thiên Chúa, trong thời gian và vượt lên trên thời gian. Trong Tân Ước, danh từ eiréné liên kết từ ngữ này với quà tặng toàn diện, vĩnh viễn và tột đỉnh mà Thiên Chúa ban cho loài người nhờ Đức Giêsu Kitô. Nó mang tính cách toàn diện và cánh chung; nó là một ân huệ của Chúa nhưng cũng đòi hỏi nỗ lực của con người.

6) Lịch sử hòa bình. Các sách viết về lịch sử chiến tranh nhiều hơn là các sách viết về hòa bình. Lý do không chỉ vì nhân loại đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh hơn là thời kỳ thái bình, nhưng còn vì khó tìm ra một quan điểm thống nhất về hòa bình. Phải chăng hòa bình chỉ là “không có chiến tranh”, hay còn chứa đựng một nội dung nào đấy tích cực hơn? Trong bài viết Lịch sử hòa bình, tác giả Renzo Paternoster giới hạn vào lịch sử những “tư tưởng hòa bình” (phong trào hiếu hòa), chống đối chiến tranh và cổ động tương quan tốt đẹp giữa các cá nhân và cộng đồng.

7) Một lần nữa, nhân kỷ niệm 100 năm chấm dứt thế chiến thứ nhất, linh mục Bùi Thiện Thảo giới thiệu đức thánh cha Biển Đức XV, người kiến tạo hoà bình. Ngài được bầu làm đấng kế vị thánh Phêrô (ngày 3-9-1914) vào lúc thế chiến thứ nhất bùng nổ. Ngoài những hoạt động nhân đạo, ngoại giao, ngài còn mở màn cho giáo huấn của các giáo hoàng về hòa bình trong thế kỷ XX.

8) Trong bài Văn hóa hòa bình: Giáo huấn của các giáo hoàng qua sứ điệp ngày Hòa bình Thế giới, Đức cha Juan Del Rio Martin đã phác họa vài nét đặc trưng của các Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI, Phanxicô qua các sứ điệp nhân ngày Hòa bình thế giới, bắt đầu từ năm 1967. Tuy đôi khi có sự lặp lại các chủ đề, nhưng mỗi vị có một lối tiếp cận liên quan đến hòa bình, dựa theo khuynh hướng cá nhân cũng như dựa theo tình hình thời sự của thế giới.

9) Nhân kỷ niệm 70 năm công bố bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (10-12-1948), bài cuối cùng của số báo tìm hiểu sự tiến triển của Quyền hòa bình (ius ad pacem) thay cho những quan niệm pháp lý trước đây về chiến tranh (ius ad bellum / ius in bello) qua các văn kiện của Liên Hợp Quốc. Khi phân tích 110 văn kiện quốc tế, tác giả Andrea Cofelice nhận thấy có chín lối tiếp cận khác nhau khi nói về “quyền hòa bình”, và không lạ gì mà các bản văn pháp lý quốc tế không đạt được sự đồng thuận khi bỏ phiếu.

Trung tâm Học vấn Đa Minh 

********************************

TRONG SỐ NÀY

LỜI GIỚI THIỆU 7

KINH THÁNH VÀ NHỮNG CUỘC CHIẾN CỦA THIÊN CHÚA

Hồng y Gianfranco Ravasi 11

CHIẾN TRANH VÀ LUÂN LÝ KITÔ GIÁO

Phan Tấn Thành 37

CHIẾN TRANH TÔN GIÁO

Pablo J. Ginés 64

HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRONG CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT

Hieronymus Bùi Thiện Thảo 75

HÒA BÌNH THEO KINH THÁNH

Nicolò M. Loss 97

LỊCH SỬ HÒA BÌNH

Renzo Paternoster 114

ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XV: NGƯỜI KIẾN TẠO HOÀ BÌNH

Hieronymus Bùi Thiện Thảo 143

VĂN HÓA HÒA BÌNH

Juan Del Rio Martin 162

QUYỀN HÒA BÌNH

Tsth 190

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here