THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 101, THÁNG 8/2023

0
1705

CHỦ ĐỀ : LINH ĐẠO THÁNH TÔMA

Nhân kỷ niệm 700 năm tuyên thánh cho  tu sĩ Tôma Aquinô

LỜI GIỚI THIỆU

Theo dự định, chủ để của số 101 là “Công đồng và Công nghị trong đời sống Giáo hội” trước thềm Thượng hội đồng giám mục dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 10 năm nay. Nhưng kế hoạch Thượng hội đồng đã được thay đổi, bởi vì sẽ kéo dài trong hai năm (2023-2024). Trong khi đó, Dòng Đa Minh đang mừng kỷ niệm 700 năm ĐTC Gioan XXII tuyên thánh cho Tôma Aquinô (ngày 18 tháng 7 năm 1323 tại Avignon). Đó là lý do thay đổi chủ đề số báo này.

Chúng ta đã nghe nói nhiều về triết học hoặc thần học của thánh Tiến sĩ thiên thần, nhưng có lẽ ít khi biết đến đến linh đạo của ngài. Đây là cơ hội tốt để nghiên cứu khía cạnh ấy. Tuy nhiên, trước khi đi vào chi tiết, nên xác định từ ngữ: Linh đạo là gì? Xin được trả lời vắn tắt thế này: “Linh đạo” là một từ ngữ mới xuất hiện trong tiếng Việt từ giữa thế kỷ XX để dịch từ spiritualité trong tiếng Pháp. Từ ngữ này tương đương với vie spirituelle, và có thể hiểu theo 3 nghĩa: 1/ sinh hoạt tinh thần (đối lại với sinh hoạt thể chất); 2/ đời sống đạo đức và tôn giáo (đối lại đời sống phàm tục); 3/  đời sống trong Thánh Linh, đời sống theo sự hướng dẫn của Thánh Linh. Ở đây chúng ta chú ý đến nghĩa thứ ba: đời sống dưới sự dẫn dắt của Thánh Linh để càng ngày nên trọn lành như Cha trên trời, theo gương Đức Kitô. Từ “linh đạo” còn muốn thêm tư tưởng về một giáo huấn, một con đường (đạo).

Như vậy, linh đạo của thánh Tôma có thể hiểu theo hai khía cạnh: một là kinh nghiệm nên thánh của ngài; hai là giáo huấn của ngài về con đường nên thánh. Các bài viết trong số này được sắp xếp theo hai khía cạnh ấy: hai bài đầu nói về bản thân, các bài tiếp nói về giáo huấn của ngài.

1. Sự thánh thiện nơi Tôma Aquinô (Hồng y Marcello Semeraro)

Số báo được mở đầu với bài thuyết trình của vị Bộ trưởng bộ Phong thánh, tại Bari ngày 30-3-2023, xoay quanh hai điểm: Một, quan niệm của Tôma về sự thánh thiện. Hai, sự thánh thiện của Tôma. Về điểm thứ nhất, tác giả cho biết rằng đối với thánh Tôma, sự thánh thiện hệ ở chỗ “cùng đi với Đức Kitô về với Chúa Cha”. Về điểm thứ hai, Tôma đã trải qua con đường nên thánh bằng việc học hành, giảng dạy, luôn luôn trong sự khiêm tốn, đơn sơ và vui tươi. Ngài có lòng yêu mến Thánh Thể và năng cầu nguyện trước Thập giá, cũng như mê say nghiên cứu thánh Phaolo, và cố gắng diễn tả lý tưởng “không còn là tôi sống nữa, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (gl 2,20).

2. Thánh Tôma nhà thần học – nhà thần bí (Jean-Pierre Torrell O.P.)

Thánh Tôma thường được biết đến như một nhà trí thức trầm ngâm suy tư (về triết học hay thần học), nhưng ít khi được hình dung như một nhà thần bí. Thực ra, điều này tùy thuộc chúng ta hiểu từ “thần bí” (mystic) theo nghĩa nào: phải chăng đó là một người nhận được thị kiến, hoặc thường xuất thần? Nếu hiểu như vậy, thì thánh Tôma không phải là nhà thần bí, và ngài cũng ít sử dụng từ ngữ này. Mặt khác, ngài thường nói đến contemplatio veritatis (chiêm niệm chân lý). Thế nhưng đang khi triết gia dừng lại ở lãnh vực lý trí, thì nhà thần học nhắm tới việc chiêm ngắm Thiên Chúa là một chủ thể (subjectum) chứ không phải là một đối tượng (objectum). Như vậy contemplatio  được hiểu về một tương quan liên chủ thể bao hàm cả lãnh vực trí tuệ cũng như lãnh vực tâm tình, đặc biệt là khi được đón nhận như ân huệ cao minh (sapientia) của Thánh Linh. Chắc chắn thánh Tôma đã trải qua cảm nghiệm đó, cách riêng vào lúc cuối đời, một cảm nghiệm tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa khiến cho các ngôn từ sử dụng trước đó bị coi là rơm rác.

3. Đức Kitô trong linh đạo thánh Tôma (Battista Mondin)

Một đặc điểm của khảo luận Kitô học trong bộ  Summa Theologiae là tác giả đã dành 26 quaestiones  để bàn về bản thân Đức Kitô và  32 quaestiones để bàn về cuộc đời của Người. Đức Kitô được giới thiệu như là “Đường” dẫn đưa nhân loại về với Thiên Chúa, đồng thời cũng là “Thầy” dạy cho biết con đường đó. Người dạy bằng lời giảng và cuộc đời của mình. Đời sống của Người trở nên “gương mẫu” để ta bắt chước (imitatio Christi) và noi theo (sequela Christi): những chủ đề này luôn giữ tính cách thời sự của nó. Nói cách khác, thần học tín lý và thần học tâm linh gắn liền với nhau.

4. Thánh Linh trong thần học Tôma (Leo Elders SVD)

Thánh Tôma không phân biệt thần học luân lý và thần học tâm linh. Theo nhãn quan của ngài, con người là hình ảnh Thiên Chúa và luôn quay về với Thiên Chúa. Lý tưởng này được thể hiện qua việc thực hành nhân đức. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của con người, Thiên Chúa đến trợ lực cho chúng ta bằng ân sủng. “Đời sống tâm linh” được đồng hóa với “đời sống trong Thánh Linh”, Đấng nâng đỡ chúng ta bằng các nhân đức thiên phú, các ân huệ, các chân phúc. Ngoài ra, khi đối chiếu giữa Cựu ước và Tân ước, thánh Tôma nhấn mạnh rằng cốt yếu của Luật Mới (Lex nova) là ân sủng Thánh Linh được ban cho ta nhờ đức tin vào Chúa Kitô. Luật này được khắc nghi vào tâm khảm con người; những yếu tố khác đều là thứ yêu, nhằm chuẩn bị ta đón nhận ân sủng hoặc diễn tả ân sủng ra cuộc đời.

5. Con người là hình ảnh Thiên Chúa theo thánh Tôma Aquinô (Henk J.M. Schoot)

Bên cạnh hai biệt hiệu “Doctor communis” và “Doctor angelicus”, ĐTC Gioan Phaolô II còn tặng thêm biệt hiệu “Doctor humanitatis” cho thánh Tôma, bởi vì ngài đã cung cấp những nền tảng triết học và thần học vững chắc về con người. Tuy nhiên, trong bài này, tác giả không bàn về toàn bộ nhân học mà chỉ giới hạn vào tương quan của con người với Thiên Chúa qua tư tưởng “hình ảnh Thiên Chúa”. Thánh Tôma cho thấy ba cấp độ của việc thể hiện “hình ảnh Thiên Chúa”: a) nơi tất cả mọi nhân sinh; b) nơi người Kitô hữu; c) nơi các phúc nhân trên trời. Ngoài ra, dưới khía cạnh đức tin Kitô giáo, hình ảnh Thiên Chúa được hiểu về Thiên Chúa Tam vị. Dù sao, mặc dù người tín hữu đã là hình ảnh Thiên Chúa rồi, nhưng cần luôn luôn càng ngày càng nên giống Thiên Chúa hơn nữa. Nói tóm lại, khái niệm hình ảnh Thiên Chúa mang tính cách năng động.

6. Huấn giáo về cầu nguyện theo thánh Tôma (Phan Tấn Thành)

Không thể nói đến đời sống tâm linh mà không đề cập đến việc cầu nguyện. Bài viết gồm hai phần. Phần thứ nhất trình bày thần học về việc cầu nguyện dựa theo Summa Theologiae, quaestio 83, trong đó tác giả đề cập đến những khía cạnh khác nhau của việc cầu nguyện: bản chẩt, sự cần thiết, đối tượng, cũng sự phân biệt các loại. Có lẽ vấn nạn thần học lớn hơn nhất cần giải quyết là mối tương giữa cầu nguyện và sự quan phòng của Thiên Chúa (Chúa biết hết rồi; Đâu dễ gì thay đổi kế hoạch của Chúa?). Phần thứ hai theo dõi tiến trình cầu nguyện, nghĩa là những tâm tình chuẩn bị tiến tới contemplatio. Đây là cơ hội để duyệt lại ý nghĩa của từ ngữ contemplatio (có thể dịch là: chiêm niệm, hoặc chiêm ngắm, chiêm ngưỡng) bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau (thái độ, nếp sống, cầu nguyện).

7. Linh đạo Tôma cho giáo dân sống giữa đời (Walter Principe CSB)

Phải chăng linh đạo thánh Tôma chỉ thích hợp cho những linh mục tu sĩ, những người dấn thân vào việc nghiên cứu thần học giống như ngài? Tác giả bài viết cho thấy rằng linh đạo này hữu ích  cho các giáo dân sống giữa đời, phải đương đầu với bao nhiêu chuyện thế sự hằng ngày nữa. Đời sống tâm linh không chỉ có nghĩa là lo phần linh hồn nhưng là để cho toàn thể con người được hướng dẫn với Thánh Linh. Thánh Tôma đề cao giá trị của  tự do, của thân xác, của lao động, của thế giới: người tín hữu giáo dân nên thánh và làm vinh danh Thiên Chúa trong môi trường sinh hoạt của mình, góp phần vào việc xây dựng xã hội.

8. Các kinh nguyện do thánh Tôma soạn thảo

Kết thúc số báo là vài kinh nguyện và thánh thi do thánh Tôma sáng tác bằng tiếng Latinh, và được ông Vũ Văn An chuyển sang Việt ngữ.

———–

Lưu ý về việc dịch thuật một vài từ ngữ

Vài từ ngữ gốc Latinh có thể được các dịch giả chuyển sang tiếng Việt bằng nhiều từ khác nhau. Thí dụ: contemplatio (chiêm ngưỡng, chiêm ngắm, chiêm niệm); dona Spiritus Sancti (ân huệ Thánh Linh, ơn Chúa Thánh Thần); natura (bản tính, tự nhiên, thiên nhiên); sapientia (cao minh, minh triết, khôn ngoan); đức “khôn ngoan” được dành để dịch từ prudentia; virtutes theologales (nhân đức hướng Chúa, nhân đức đối thần); Spiritus (Thần khí, Thánh Linh, Thánh Thần); spiritualis (thiêng liêng, tâm linh, thuộc linh), vita spiritualis (đời sống tâm linh, đời sống thiêng liêng); spiritualitas (linh đạo)..

Cách trích dẫn Summa Theologiae

Nhiều bài viết dựa theo cuốn “Tổng luận thần học” (Summa Theologiae) của thánh Tôma Aquinô. Tác phẩm này (viết tắt ST) được chia làm 3 phần (pars); phần thứ hai lại được phân làm 2 đoạn (prima secundae  và secunda secundae). Mỗi phần gồm nhiều vấn đề (quaestiones); mỗi vấn đề lại được chia thành nhiều tiết mục (articuli).

Vì thế, khi trích dẫn một đoạn văn, cần phải cho biết: nó nằm ở phần nào (pars, thường viết tắt bằng số La-mã: I, I-II, II-II, III), vấn đề (quaestio) và tiết mục (articulus) nào.

Nguồn: https://tsthdm.blogspot.com/2023/08/thoi-su-than-hoc-so-101-thang-82023.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here