THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 100, THÁNG 5/2023

0
1379

CHỦ ĐỀ: THẦN HỌC PHỤC SINH

LỜI GIỚI THIỆU

Thời Sự Thần Học đã đi đến số 100. Có nhiều cách để định hướng cho số báo đặc biệt này. Dĩ nhiên, trước hết cần phải tạ ơn Chúa, bởi vì tờ báo đã trải qua một chặng đường không dễ dàng trong gần 30 năm. Nhân dịp này chúng ta có thể nhìn lại các chủ đề đã phát hành[1], nhưng tốt hơn chúng ta nên nhìn về phía trước. Thiết nghĩ chủ đề “Phục sinh” thích hợp nhất vì nhiều lý do. Thứ nhất là số báo được phát hành vào lễ Phục sinh năm 2023. Đâu là đối tượng của việc cử hành đại lễ này? Thứ hai, sự phục sinh diễn tả đích điểm của niềm hy vọng mà Giáo hội cũng như mỗi người chúng ta đang nhắm đến. Thứ ba, Phục sinh là chìa khóa để giải thích đặc trưng của Kitô giáo, từ đó trở thành sợi chỉ đỏ cho tất cả mọi suy tư thần học Kitô giáo: tín lý, luân lý, tâm linh, phụng vụ, mục vụ: “Chúng tôi loan báo Đức Giêsu Kitô đã phục sinh, và chúng tôi trông mong được thông dự vào cuộc phục sinh của Người”. Tiếc rằng chân lý này thường bị lãng quên, và mỗi khi nói đến trọng tâm niềm tin Kitô giáo, người ta liền nghĩ đến Thập giá: Thập giá trở thành biểu tượng của Kitô giáo (x. TSTH số 90: “Thần học thập giá”). Chúng ta dễ quên lời khẳng định của thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì đức tin của anh em sẽ rỗng tuếch” (1Cr 15,17). Vì thế, một điểm mới mẻ của thần học cuối thế kỷ XX là tái khám phá “thần học phục sinh”[2], một hướng đi bắt đầu từ năm 1950 với cha F.X. Durrwell, CSsR.

Thứ tự các bài báo được sắp xếp như sau.

– Trước hết, chúng ta tìm hiểu “Tin Mừng căn bản” theo lời thánh Phaolô: Đức Giêsu đã phục sinh. Điều này có nghĩa là gì? Dựa vào đâu mà chúng ta tin điều ấy? Các bản văn Tân Ước nói gì về Đức Kitô phục sinh? Sự phục sinh của Đức Kitô có ảnh hưởng gì đến các chân lý căn bản của thần học công giáo?

– Kế đến, từ sự phục sinh của Đức Kitô, chúng ta bước sang tín điều: Sự phục sinh của con người. “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” có nghĩa là gì? Có gì khác biệt giữa “Linh hồn bất tử” và “Thân xác phục sinh” không? Thân xác con người sẽ phục sinh như thế nào?

– Sau cùng, bước thứ ba mang tính mục vụ: Làm thế nào loan báo Đức Kitô phục sinh cho một thế giới còn đầy những đau khổ, bất công xã hội?

Sau đây là sơ lược các bài viết

1. Thực hư câu chuyện về sự Phục sinh của Đức Kitô

Chúng ta muốn nói gì khi tuyên xưng rằng Đức Kitô phục sinh? Đây là câu hỏi mở đầu bài thuyết trình của nữ tu Sandra M. Schneiders, IHM, nguyên giáo sư Kinh Thánh tại học viện thần học Dòng Tên thuộc đại học Berkeley. Sau khi giải thích nội dung của niềm tin Kitô giáo và ý nghĩa đối với đời sống, diễn giả nêu lên câu hỏi: Sự Phục sinh của Đức Kitô có phải là câu chuyện có thực hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, cần xác định ý nghĩa của từ “thực”? Sự kiện tai nạn ô tô do báo chí kể lại “thực sự” đã xảy ra; nhưng tình yêu giữa hai người cũng là “thực“ tuy không dễ đo lường như trong một tai nạn! Như vậy, chúng ta phải tiếp cận các bản văn Tân Ước như thế nào? Dựa theo Paul Ricoeur, diễn giả đề nghị lối tiếp cận “thi ca thần học” (theopoetics). Sau cùng, tác giả muốn trả lời câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể tham gia vào cảm nghiệm Chúa Kitô phục sinh?

2. Sự phục sinh của Đức Kitô theo các bản văn Tân Ước

Linh mục Christian Paul Ceroke, O.Carm. phân tích các bản văn Tân Ước đề cập đến cuộc Phục sinh của Đức Kitô dựa theo ba nhóm văn thể chính. 1/ Nhóm thứ nhất: lưu truyền về chứng tá của các tông đồ, dựa theo 1Cr 15, 3-5. 2/ Nhóm thứ hai: các bài diễn từ kerygma trong sách Tông đồ công vụ. 3/ Nhóm thứ ba: các trình thuật về sự phục sinh đặt ở cuối các sách Tin Mừng, nổi bật với việc khám phá mộ trống và những lần hiện ra của Chúa Giêsu với các môn đệ. Tác giả đối chiếu những cách thức phát biểu khác nhau về Đức Kitô phục sinh thuộc mỗi nhóm, và tìm hiểu giá trị của chúng. Các bản văn là chứng tích của niềm tin của Hội thánh tiên khởi, chứ không phải là nguồn gốc của niềm tin. Niềm tin này là kết quả của sự mặc khải của Thiên Chúa.

3. Thần học phục sinh: trọng tâm đức tin và đời sống Kitô giáo

Linh mục Olegario González de Cardedal cho thấy rằng trong Tân Ước, sự “phục sinh” không chỉ diễn tả biến cố Đức Giêsu “sống lại” mà còn bao hàm ánh sáng soi chiếu toàn thể thân thế và sự nghiệp của Người. Sự phục sinh là trung tâm của đức tin Kitô giáo, mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm Đức Kitô, cũng như toàn thể kế hoạch cứu độ, từ tạo dựng đến cánh chung. Mầu nhiệm Phục sinh cũng đáp ứng những mong đợi của con người, thậm chí vượt quá những ước mong của con người, luôn khao khát tình yêu, công bằng, tự do, sự sống. Tác giả cũng cho thấy những cách thức mà người tín hữu có thể tham dự vào sự phục sinh của Đức Kitô trong đời sống Giáo hội. Đặc biệt tác giả lưu ý đến hướng đi mới của thần học về Thiên Chúa Tam vị khởi đi từ sự phục sinh của Đức Kitô.

4. Sự phục sinh thân xác

Gắn liền với việc tuyên xưng Đức Kitô phục sinh, Giáo hội cũng tuyên xưng niềm hy vọng thân xác con người sẽ sống lại trong ngày sau hết. Giáo sư Paul O’Callaghan trình bày mối liên hệ giữa hai chân lý ấy, qua việc theo dõi tiến triển của niềm tin vào thân xác phục sinh từ Cựu Ước sang Tân Ước. Cần thú nhận rằng đạo lý về sự phục sinh thân xác là một điểm độc đáo của Kitô giáo, và đã phải đương đầu với rất nhiều vấn nạn ngay từ khi Tin Mừng được rao giảng trong một thế giới chịu ảnh hưởng mạnh của triết học Hy Lạp. Dựa trên những bản văn của thánh Phaolô, tác giả muốn cho thấy rằng niềm tin vào sự phục sinh thân xác không chỉ mang những hệ luận quan trọng cho nhân học và đạo đức học mà còn cho vũ trụ học nữa. Vũ trụ vật chất sẽ được biến đổi, ngõ hầu muôn vật trở nên “trong Đức Kitô” và “cho Đức Kitô”.

5. Ý nghĩa của sự phục sinh của Đức Kitô đối với con người thời nay

Linh mục José Ignacio Gonzalez Faus, S.I. nêu lên ba vấn đề: 1/ Chúng ta hiểu thế nào về Đức Kitô phục sinh? Sự phục sinh này độc đáo, không giống bất cứ việc “sống lại” trong lịch sử; làm thế nào mà các môn đệ nhìn nhận Đức Kitô phục sinh? – 2/ Ý nghĩa của niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Sự phục sinh không chỉ liên can đến bản thân Đức Giêsu mà còn đáp ứng các yêu sách của nhân loại: a) sự bất công không có tiếng nói cuối cùng; b) cái chết không có tiếng nói cuối cùng; c) vật chất được biến đổi; d) lịch sử mang ý nghĩa tiến bộ. 3/ Làm thế nào loan báo sự phục sinh như là loan báo Tin Mừng?

6. Các chiều kích đích thực của sự Phục sinh

Làm thế nào loan báo Tin Mừng Phục sinh cho những thành phần cùng khổ trong xã hội? Linh mục François Odinet nhắc lại kinh nghiệm của cha Joseph Wresinski, người sáng lập tổ chức quốc tế ATD Quart-Monde, theo đó chính những người nghèo lại chứng tỏ niềm tin vào động lực phục sinh hơn ai hết. Phục sinh là lấy lại sự kháng cự chống lại những gì đe dọa sự sống, là tìm lại động lực lịch sử, là tiếp xúc với sự tạo dựng mới. Không thể nào nói đến sự phục sinh mà không đả động đến những người khốn cùng, những thành phần “hạ-vô-sản”.

* * *

Trước khi đi vào nội dung các bài báo, xin lưu ý đến việc dịch thuật hai từ ngữ căn bản liên quan đến chủ đề đang bàn, đó là “Phục sinh” và “Thân xác”.

1/ Phục sinh

Chúng ta đã quen dùng danh từ “phục sinh” để chuyển dịch danh từ resurrection (tiếng Anh và tiếng Pháp). Thực ra, hai từ này không hoàn toàn đồng nghĩa. “Phục sinh” có nghĩa là làm cho người chết sống lại (phục hồi sự sống, cải tử hoàn sinh). Resurrection, gốc từ động từ tiếng Latinh resurgere: có nghĩa là trỗi dậy, và có thể áp dụng vào những hoàn cảnh khác nhau, chẳng hạn như: trỗi dậy (đứng lên) từ tư thế ngồi (Lc 4,16) hay nằm (Mc 1,35), chẳng hạn trường hợp của một người bệnh nằm liệt giường (Mc 1,31). Đặc biệt, từ ngữ được áp dụng cho việc người chết được sống lại (trỗi dậy từ cõi chết, như trường hợp người con gái ông Giairô ở Mc 5,42). Tuy nhiên, như sẽ thấy, sự “trỗi dậy” của Đức Giesu từ cõi chết (Ga 20,9) thì hoàn toàn khác sự “trỗi dậy” của ông Ladaro (Ga 12,1).

Mặt khác, trong ngôn ngữ Tây phương, cần phân biệt resurrection với:

– resuscitation, phục hồi sự sống sau giai đoạn bất tỉnh (chẳng hạn ngất xỉu, rơi vào tình trạng hôn mê);

– reanimation cũng có nghĩa tương tự trong y khoa, khi một bệnh nhân bất tỉnh (phục hoạt), theo nghĩa đen là “hồn trở về với xác”.

Dĩ nhiên, nó hoàn toàn khác với reincarnation, linh hồn nhập vào một thân xác khác (theo chủ trương luân hồi).

2/ Thân xác

Khi nói đến sự phục sinh, chúng ta thường gắn với “thân xác” hoặc “thể xác”, được coi như đồng nghĩa. Trong Tân Ước, có hai từ ngữ khác nhau corpus và caro, với ý nghĩa đôi khi trái ngược nhau. Thánh Phaolô đối chọi giữa caro với spiritus (x. Gl 5,16-24): ai chiều theo caro thì sẽ chết. Không lạ gì mà thánh Phaolô không đề cập đến sự phục sinh của caro, mà chỉ có thể là của corpus. Trong khi đó, theo thánh Gioan, Lời Thiên Chúa đã trở thành caro để cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14); Người mời gọi chúng ta hãy ăn caro của Người để có sự sống (x. Ga 6,51). Như vậy caro mang hai ý nghĩa trái ngược nhau nơi thánh Phaolô và thánh Gioan!

Câu chuyện trở thành phức tạp hơn, khi niềm tin về sự phục sinh của nhân loại được các tín biểu diễn tả qua ba mẫu thức khác nhau:

a) Sự phục sinh của thân thể (resurrectio corporis): công thức dựa theo ngôn ngữ của thánh Phaolô;

b) Sự phục sinh của xác (resurrectio carnis, chẳng hạn trong Tín biểu các Tông đồ: “tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”);

c) Sự phục sinh của người chết (resurrectio mortuorum, chẳng hạn trong tín biểu Nicea-Constantinopolis: “tôi trông đợi kẻ chết sống lại”).

Trong các ngôn ngữ Tây phương, có hai từ ngữ khác nhau để chuyển dịch hai từ caro/corpus, chẳng hạn trong tiếng Anh: flesh/body; tiếng Pháp: chair/corps; tiếng Tây Ban Nha: carne/ cuerpo. Trong tiếng Việt, cả hai từ được dịch bằng nhiều từ xem ra đồng nghĩa tựa như: xác thịt, xác phàm, nhục thể, thân thể, thân mình, thân xác.

Bên cạnh vấn đề từ ngữ, chúng ta còn gặp phải một rắc rối khác liên quan đến cấu tạo con người và quan niệm về sự chết. Triết học Hy Lạp quan niệm con người gồm bởi hai yếu tố: “hồn” và “xác” (anima/corpus; soul/body; âme/corps). Hai yếu tố ấy có thể tách rời nhau: khi chết thì linh hồn ra khỏi xác (bi coi như nhà tù giam giữ linh hồn), và bản tính của linh hồn thì bất tử. Trái lại, người Do Thái (nền tảng của Kinh Thánh) thì quan niệm caro/anima/spiritus là ba khía cạnh của con người, chứ không phải là ba thành tố của con người (x. 1 Tx 5,23); chết không phải là tách rời ba yếu tố ấy nhưng cả ba chuyển sang một trạng thái mong manh, tựa như bóng ma. Theo quan điểm này, phục sinh không phải là “linh hồn” tái kết hợp với “thân xác”, nhưng là thân xác con người được biến đổi vào cuộc sống mới.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

[1] Mục lục chủ đề và nội dung các số báo đã phát hành có thể tìm đọc ở địa chỉ: https://tsthdm.blogspot.com.
[2] Ở đây, “Thần học Phục sinh” được hiểu là thần học về sự phục sinh. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu theo nghĩa ngược lại như là “sự phục sinh của thần học”, tựa đề một bài thuyết trình của Raimon Pannikar năm 2002: Muerte y resurrección de la teología. Thật là một đề tài thú vị cho số 100 của Thời sự Thần học, nhưng tiếc rằng không thể khai triển lúc này.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here