Thời Sự Thần Học: Lòng Chúa Thương Xót – Số 71

0
1341


 

LỜI GIỚI THIỆU

Thời Sự Thần Học Số 71 được dành cho chủ đề của Năm Toàn Xá ngoại thường 2015-1016 về “Lòng Chúa Thương Xót” (Divina misericordia), với sự đóng góp đặc biệt của các thành viên Tổ Thần Học của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Chủ đề được trình bày từ những khía cạnh khác nhau: Kinh Thánh, Truyền thống, Huấn quyền, Đạo lý và Thực hành.

1/. Mở đầu, linh mục Giuse Phan Tấn Thành, O.P. trình bày đề tài “Lòng Chúa thương xót trong Kinh Thánh và Thần học”. Khởi đi từ danh từ Misericordia, tác giả theo dõi việc phiên dịch từ ngữ này sang tiếng Việt (thương xót, từ bi, lân tuất, nhân ái,.v.v…), và truy tầm các từ nguyên ngữ trong tiếng Hipri (Cựu Ước) và Hy Lạp (Tân Ước) kèm theo nội dung tư tưởng của chúng. Kế đó, tác giả khảo sát quan niệm của thánh Thomas Aquinas về Misericordia nơi Thiên Chúa, cách riêng trong tương quan với công bình.

2/. Linh mục Giuse Nguyễn Văn Am, S.D.B. trình bày “Giáo huấn của Huấn quyền hiện đại về lòng thương xót” qua những văn kiện tiêu biểu: Công Đồng Vatican II, Thông điệp “Dives in misericordia” của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp “Deus caritas est” của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Tông thư “Misericordiae vultus” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và các văn kiện của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC).

3/. “Từ tuyên xưng đến cử hành”. Linh mục Antôn Hà Văn Minh trình bày Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu tỏ trong phụng vụ, đặc biệt qua việc tưởng niệm (anamnese), qua lời khẩn cầu (epiclese), qua sự hiệp thông (communio), qua lòng biết ơn (phosphora).

4/. Cũng trong lãnh vực cử hành, Linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung tìm hiểu “Các tác viên của lòng thương xót, cách riêng qua Bí tích Giao Hòa”. Tác giả mở rộng quan niệm “tác viên”, khởi đi từ Chúa Giêsu Kitô, rồi đến Hội Thánh, và các linh mục.[1]

5/. Dựa theo Tông thư Misericordiae vultus, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền trình bày “Lòng thương xót của Thiên Chúa: Huấn giáo”: Huấn giáo giúp các tín hữu (a) Thấu hiểu và (b) Đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, (c) Được biến đổi trong Đức Kitô nhờ thực thi lòng thương xót; (d) Tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội.

6/. Với bài viết “Thực thi lòng thương xót” của bác sĩ Trần Như Ý Lan, C.N.D., chúng ta bước sang phần thực hành: những lãnh vực thực thi lòng thương xót về phần linh hồn (nhìn nhận mình là người tội lỗi, tha thứ cho người khác) và về phần thân xác (chia sẻ vật chất, tôn trọng sự sống, bảo vệ môi sinh).[2]

7/. Phải chăng diễn từ “thương xót” chỉ có giá trị sống đạo trong nội bộ Giáo Hội, hay có thể áp dụng vào đời sống xã hội nữa? Bài viết của linh mục Gustavo Irrazábal về “Quan điểm của Huấn quyền hiện đại về hình phạt” mở rộng nhãn giới của lòng thương xót sang lãnh vực thi hành công lý. Tác giả cho thấy một sự thay đổi quan trọng trong tư tưởng của Giáo Hội trong vòng hai mươi năm qua, liên quan đến mục tiêu của hình phạt: công lý hòa giải và tha thứ, thay cho công lý trừng trị. Thiết tưởng, đây cũng là một đóng góp cho việc học hỏi Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội dựa theo kế hoạch mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2016.[3]

8/. Sau cùng, Tông thư Misericordiae vultus lưu ý rằng, đề tài lòng Chúa thương xót cũng được các tôn giáo khác trân trọng, đặc biệt là Đạo Do Thái và Đạo Islam (số 23). Theo chiều hướng đó, trong bối cảnh nước Việt Nam, linh mục Giuse Trần Ngọc Thiện, O.P. giới thiệu bài viết “Thực tập “từ bi” trong Đạo Phật” của Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV.

Trung Tâm Học Vấn Đaminh

***

NỘI DUNG TRONG SỐ NÀY

 

– LỜI GIỚI THIỆU

– LÒNG THƯƠNG XÓT : KINH THÁNH VÀ THẦN HỌC_Phan Tấn Thành , O.P.

– LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA: TỪ VATICAN II ĐẾN NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT_Nguyễn Văn Am, S.D.B.

– LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA ĐƯỢC BIỂU TỎ TRONG PHỤNG VỤ_Hà Văn Minh

– CÁC THỪA TÁC VIÊN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT, CÁCH RIÊNG QUA BÍ TÍCH GIAO HÒA_Nguyễn Thiên Cung

– TRÌNH BÀY LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA: HUẤN GIÁO_Nguyễn Văn Hiền

– THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT_Trần Như Ý Lan, C.N.D.

– QUAN ĐIỂM CỦA HUẤN QUYỀN THỜI NAY VỀ HÌNH PHẠT_Gustavo Irrazábal

– THỰC TẬP “TỪ BI” TRONG ĐẠO PHẬT_Đạt-lai Lạt-ma XIV

 

 


[1] Liên quan đến đề tài này, xem thêm văn kiện: Bộ Giáo Sĩ, Linh mục, Thừa tác viên của lòng Chúa thương xót (Tài liệu hỗ trợ các cha giải tội và linh hướng), 9/3/2011, bản dịch của Linh mục Phêrô Đặng Xuân Thành, đăng trong: “Bí tích Hoà Giải. Những tài liệu hỗ trợ cho cha giải tội”, Tp. HCM: Phương Đông. 2014, trang 295-386.

[2] Dưới khía cạnh lịch sử, xem thêm bài viết của Lm. Antoni Esteve I Sera, “Hoạt động bác ái của Hội Thánh qua các thời đại”, Thời sự Thần học, số 56 (tháng 5/2012), tr. 36-56.

[3] Thời sự Thần học đã dành số 60 (tháng 5/2013) cho đề tài “Đức tin và những vấn đề xã hội”.

 

 

 

—————————-

Ghi chú:

– Các Ấn phẩm của Anh Em Đaminh được bán tại Thư Viện Trung Tâm Học Vấn Đaminh, Nhà Sách Martino (Giáo Xứ Đaminh – Ba Chuông), Nhà Sách Đức Bà Hoà Bình và một số Nhà sách Công giáo khác.

– Các Chủng Viện và Học Viện đặt mua số lượng nhiều, có thể liên hệ với chúng tôi qua email:
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

HỌC VIỆN – TRUNG TÂM HỌC VẤN ĐAMINH, 90 Nguyễn Thái Sơn, Phường 3, Quận Gò Vấp, Tp. HCM