THỜI CÁC TÔNG ĐỒ – CHƯƠNG BA

0
1474

THỜI CÁC TÔNG ĐỒ

Phan Tấn Thành

———————

Nhập đề

Chương Một: BỐI CẢNH TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ CỦA ĐẾ QUỐC RÔMA

Mục 1. Bối cảnh tôn giáo

Mục 2. Bối cảnh chính trị

Chương Hai: NHỮNG NGUỒN SỬ LIỆU VỀ HỘI THÁNH TIÊN KHỞI

Mục 1. Các tác phẩm của Phaolô

Mục 2. Tông đồ Công vụ

Mục 3. Các tác phẩm còn lại của Tân ước

Chương Ba: SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA KITÔ GIÁO

Mục 1. Hoạt động của các tông đồ

Mục 2. Sự bành trướng của Kitô giáo

Chương Bốn: TỔ CHỨC NỘI BỘ CỦA HỘI THÁNH TIÊN KHỞI

Mục 1. Những yếu tố cấu thành Hội thánh

Mục 2. Các dịch vụ trong Hội thánh

Mục 3. Sự hình thành những cơ quan điều khiển cộng đoàn

Mục 4. Linh ân và đặc sủng

Mục 5. Hội thánh duy nhất và đa dạng

Mục 6. Những lục đục trong cộng đoàn

Chương Năm: HIỆP THÔNG TRONG NIỀM TIN

Mục 1. Các hình thức giảng thuyết

Mục 2. Giáo huấn của thánh Phaolô

Mục 3. Giáo huấn của thánh Gioan

Chương Sáu: ĐỒNG TÂM CẦU NGUYỆN

Mục 1. Đời sống cầu nguyện của các Kitô hữu tiên khởi

Mục 2. Các bí tích

Mục 3. Các hành vi phụng tự khác

Chương Bảy: DUY TRÌ MỐI DÂY YÊU THƯƠNG

Mục 1. Giáo huấn luân lý của thánh Phaolô

Mục 2. Con người với Thiên Chúa

Mục 3. Đời sống gia đình và xã hội

Kết Luận: QUY CHUẨN CỦA THỜI CÁC TÔNG ĐỒ

Phụ Lục

Tiểu sử các thánh tông đồ

———————

Nhập để

Chương Một. BỐI CẢNH TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ CỦA ĐẾ QUỐC RÔMA

Chương Hai. NHỮNG NGUỒN SỬ LIỆU VỀ HỘI THÁNH TIÊN KHỞI

———————

Chương Ba

SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA KITÔ GIÁO

Sách Tông đồ Công vụ cho chúng ta thấy sự bành trướng của Kitô giáo từ Giêrusalem cho đến Rôma, thủ đô của đế quốc. Như đã có dịp lưu ý, thánh Luca không đóng vai trò ký sự khi viết tác phẩm này nhưng tác giả đã sử dụng các nguồn tư liệu khác nhau để viết một tác phẩm thần học về việc truyền giảng Tin mừng. Vài dụng ý thần học của tác giả có thể nhận thấy khi phân tích bố cục của tác phẩm.

Tác phẩm mở đầu với việc Chúa Thánh Thần được trao ban cho các môn đệ đang tụ tập cầu nguyện tại Giêrusalem. Thánh Thần được ban cho các môn đệ để họ ra đi làm chứng cho Đức Kitô, từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất, theo như lời dặn dò của Chúa Phục sinh (Lc 24,47-49; Cv 1,8). Sách Tông đồ Công vụ thuật lại chặng đường chứng tá của Hội thánh từ Giêrusalem, lan sang Samaria, rồi qua Hy lạp, và sau cùng tới Rôma, được coi như cùng cõi trái đất rồi. Hơn thế nữa, dưới con mắt của Luca, công cuộc truyền giáo không phải chỉ thành hình nhờ mồ hôi nước mắt của các thánh tông đồ, nhưng trước hết chính là công tác của Chúa Thanh Thần. Có người đã ví sách Tông đồ Công vụ như là Phúc âm của Thánh Thần, bổ túc cho Phúc âm thứ ba bàn về sứ mạng của Đức Giêsu Nadarét. Chỉ cần ghi nhận vài nét chính thì đủ rõ. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống không những chỉ diễn ra vào lễ Ngũ tuần (2,1-4) mà còn tái diễn nhiều lần, đặc biệt khi các môn đệ cầu nguyện (4,31; 10,44-47), hay khi đánh dấu một bước tiến mới của Hội thánh. Thực vậy, chính Thánh Thần hướng dẫn nhưng bước đường truyền giáo (8,29.39), mở rộng tới những biên cương mới (chương 10; 15,28; 16,6), đặc biệt là những chuyến hành trình truyền giáo của ông Phaolô (13,2.4; 16,6; 20,22.23.28; 21,4). Thánh Thần hỗ trợ Hội thánh để lam chứng cho Đức Kitô bất chấp những đe dọa, bắt bớ (1,8; 4,31; 5,32; 15,8; 28,31).

Mục 1

HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TÔNG ĐỒ

Khác với các nhà thần học, khoa sử học chỉ phân tích các sự kiện có thể quan sát được, vì thế họ chỉ theo dõi sự bành trướng của Kitô giáo nhờ hoạt động truyền giáo của các tông đồ và môn đệ. Chúng ta chấp nhận những giới hạn về phương pháp mà khoa sử học đã vạch ra. Tuy vậy, chúng ta đừng nên quên rằng lý luận tự nhiên sẽ khó lòng giải thích thỏa đáng sự phát triển của Kitô giáo, khởi đầu từ một nhóm các môn đệ đã đào ngũ khi thấy Thầy mình chịu tử nạn, và phát triển bất chấp những cuộc bách hại gây ra từ phía cơ quan lãnh đạo Do thái giáo và nhất là từ phía nhà cầm quyền Rôma.

Sách Tông đồ Công vụ bắt đầu với cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu tụ tập tại Giêrusalem sau khi Người lên trời. Họ gồm 120 người. Sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, các thánh tông đồ bắt đầu rao giảng Tin mừng, nhờ đó một số người đã trở lại và gia nhập Hội thánh. Tuy nhiên, chung quy họ cũng quanh quẩn tại Giêrusalem mà thôi. Hằng ngày các tín hữu lên đền thờ cầu nguyện rồi trơ về tư gia để làm lễ bẻ bánh (Cv 2,46). Có lẽ các tông đồ cũng lợi dụng dịp lên đền thờ để rao giảng Đức Kitô, tại hành lang Salômôn (Cv 3,11; 5,12), giống như trước kia Thầy mình đã làm (Ga 10,22-23). Nhà cầm quyền Do thai thấy chướng mắt nên đã ngăn cấm họ không được rao giảng nữa. Hai tông đồ Phêrô và Gioan bị bắt, nhưng sau đó được thả ra. Xem ra đã có một thỏa hiệp ngầm nào đó. Một đàng về phía nhà cầm quyền Do thái, theo lời khuyen của ông Gamaliel, họ thấy không nên quá mạnh tay, vì biết đâu phong trào của ông Giêsu là do trời sai đến. Mặt khác, các tông đồ chấp thuận không giảng ở trong khu vực đền thờ nữa, nhưng sẽ ra chỗ khác. Chẳng hạn, ở chương 6 (câu 9-10), ta gặp thấy ông Têphanô diễn giảng trong hội đường. Tóm lại, dường như các Kitô hữu đầu tiên chấp nhận sống chung với các tín hữu Do thái tại Giêrusalem.

Phải chờ có những cuộc bách hại, thì các môn đệ mới chịu phân tán, và từ đó họ mới mang Tin mừng sang các vùng khác. Ở đầu chương 8 của sách Tông đồ Công vụ, chúng ta đọc thấy như sau: “Hồi ấy, Hội thánh tại Giêrusalem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các tông đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê và Samari” (Cv 8,2). Câu nói này đã gây thắc mắc cho các sử gia: tại sao Hội thánh bị bắt bớ mà các tông đồ (tức là các người lãnh đạo) lại có thể sống yên hàn được? Một giả thuyết được đưa ra là cuộc bách hại nhắm vào các tín hữu nói tiếng Hy lạp (mà thủ lãnh là Têphanô), chứ không nhằm các Kitô hữu gốc Do thái (như các tông đo). Có lẽ các tín hữu gốc Hy lạp (đúng hơn, họ cũng là người Do thái nhưng đã sống ở nước ngoài nên biết nói tiếng Hy lạp) đã tỏ thái độ chống đối Do thái giáo, nhằm nêu bật tính cách mới mẻ của Kitô giáo, cho nên đa gây ác cảm. Dù sao, chính nhờ những tín hữu gốc Hy lạp bị tản mác mà Tin mừng được lan rộng. Sách Tông đồ Công vụ nhắc đến tên của các ông Philípphê ở chương 8, và kế đó ở chương 11, và những người khác gốc Sýp và Kyrênê. Những người này đã đến Antiôkia, căn cứ xuất phát của các chuyến truyền giáo của các ông Banaba và Phaolô. Nên biết là Antiôkia (Siria) là một thành phố lớn thứ ba vào thời đó (sau Rôma, Alêxanđria).

I. Thánh Phaolô với các cộng sự viên

Chúng tôi đã có dịp bàn đến các chuyến hành trình truyền giáo của thánh Phaolô khi xét cuộc đời của người. Ở đây chỉ cần thêm rằng người không hoạt động đơn thương độc mã. Ở chương 20 (câu 4-5), tác giả Tông đồ Công vụ cho biết là khi ông Phaolô lên tàu, thì đã có nhiều người tháp tùng: các ông Sosaprô, Aristarcô và Seconđô, Gaiô, Timôthê, Tikikô, Trophimô. Các học giả đã đếm trong các lá thư và Tông đồ Cong vụ danh sách của non 100 cộng sự viên. Trong số những người này, vài người có khi cùng hợp tác với Phaolô có khi tách rời, chẳng hạn như các ông Banaba, Apollô, Sila (hoặc Silvanô). Ông Banaba là một cộng sự viên của Phaolô trong thời gian hoạt động tại Antiôkia (Cv 11,25-30; 12,24; các chương 13-15). Ông Apôllô là người cộng sự trong thời gian ở Côrintô (1Cr 1,12; 3,4-9; 4,6; 16,12; Cv 18,24-28). Ông Sila tháp tùng trong chuyến truyền giáo sang Âu châu (Cv 15,40-18,17; 1Tx 1,1; 2Cr 1,19). Chúng ta có thể xếp hai ông bà Aquila và Priscilla trong hạng này (Cv 18,2-3.18-26; 1Cr 16,19; Rm 16,3-5).

Chắc hẳn người cộng sự viên thân tín nhất là ông Timôthê. Thánh Phaolô đã đem ông đi theo mình trong chuyến truyền giáo sang Âu châu (Cv 16,1-3), và đôi khi cử đi thi hành vài sứ mạng tế nhị và quan trọng ở Thêxalônica (1Tx 3,1-5), Côrintô (1Cr 4,17), Philípphê (Pl 2,19). Ông Timôthê cũng xuất hiện bên cạnh Phaolô như là đồng tác giả của các thư gửi cộng đoàn Thêxalônica, Côrintô, Philípphê và gửi ông Philêmôn. Ông được Phaolô coi như là “người con yêu quý và trung tín trong Chúa” (1Cr 4,17).

Nếu ông Timôthê là người tâm phúc mà Phaolô muốn giữ bên cạnh mình, thì ông Titô là một nhà ngoại giao được cử đi giảng hòa khi xảy ra tình trạng căng thẳng, thí dụ tại Côrintô (2Cr 2,13; 7,6-16; 8,6.16-24; 12,18).

Sau cùng, thiết tưởng không nên bỏ qua các trợ tá mà thánh Phaolô gặp thấy ngay tại địa phương làm việc, thí dụ như gia đình Stêphana ở Côrintô (1Cr 16,15-18), các bà Evôđia, Syntikhê, Sizigôt và ông Clêmentê ở Philípphê (Pl 4,2-3). Giáo đoàn này đã cử ông Epaphrôđiô đến giúp Phaolô trong thời kỳ bị giam tù (Pl 2,25-30). Để có một ý niệm khái quát về con số các cộng sự viên của Phaolô, chỉ cần đọc phần kết thúc lá thư gửi Rôma (chương 16), trong đó tác giả không những nêu danh tánh mà còn thêm các mối liên hệ tình cảm: người cộng tác, bạn bè, bà con…

II. Tông đồ Phêrô

Ngoài các chuyến hành trình của thánh Phaolô, chúng ta không có sử liệu nào chắc chắn về công cuộc truyền giáo của các tông đồ khác. Dĩ nhiên các lưu truyền về hoạt động và cuộc tử đạo của các người thì không thiếu. Một lưu truyền từ giữa thế kỷ II[1] nói rằng vào năm thứ 12 sau khi Chúa phục sinh, các thánh tông đồ chia tay nhau đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Thực ra thì không ai biết được các tông đồ chia tay nhau vào lúc nào. Ở đầu chương 12 của sách Tông đồ Công vụ, chúng ta biết được là vua Hêrôđê đã cho chém đầu ông Giacôbê (anh của ông Gioan) và truyền tống ngục ông Phêrô. Phải chăng các tông đồ khác đã phân tán vào dịp đó (năm 62)? Tuy nhiên, sang tới chương 15, tác giả cho thấy vài tông đồ có mặt tại Đại hội Giêrusalem, trong số đó có Phêrô, Giacôbe. Ở chương 21, khi ông Phaolô lên Giêrusalem lần chót (vào khoảng năm 58) thì chỉ còn thấy ông Giacôbê mà thôi.

Như chúng tôi đã nói, bên cạnh sách “Tông đồ Công vụ” (dịch sát nguyên bản là: “Các việc làm của các tông đồ”), còn có nhiều tác phẩm mang danh là “Công vụ của Phêrô, Anrê, Phaolô, Gioan, Tôma” đó là chưa nói đến các nguồn truyền khẩu! Vào đầu thế kỷ IV, Giám mục Eusêbiô Cesarêa[2] thuật lại lưu truyền về các địa điểm truyền giáo của các tông đồ như sau: ông Tôma đi qua vùng Parthi (nay là Iran), ông Anrê đi về Schixia (Biển đen, mạn bắc sông Đanubiô), ông Gioan sang Asia, ông Mátthêu đi Êtiôpia, ông Bartôlômêo đi Ấn độ (nay là Afganistan, Pakistan, bắc Ấn độ).

Ngày nay, các nhà sử học đòi hỏi những chứng cớ chắc chắn chứ không chấp nhận giá trị của các chuyện truyền khẩu. Tuy nhiên, giữa hai thái cực (một bên là những sử liệu im bặt, một bên là các lưu truyền dồi dào nhưng không đáng tin cậy), thế nào cũng có những đường lối trung dung. Chúng tôi sẽ không thuật lại tất cả các lưu truyền về hoạt động của các vị tông đồ,[3] nhưng chỉ giới hạn vào hai nhân vật nổi bật hơn cả là ông Phêrô và ông Gioan.

Tân ước nhắc đến ông Phêrô khoảng chừng 154 lần, dưới danh xưng Hy lạp Petros, thường gắn liền với tên Do thái Simêon (đọc theo kiểu Hy lạp là “Simon”). Tên khai sinh của ông là Simon, và ten của thân phụ là Gioan (Simon con ông Gioan: Simon bar-Giona: xc. Ga 1,42; Mt 16-17). Danh xưng “Petros” gốc từ “petra” có nghĩa là đá, do Đức Giêsu đặt cho ông; trong tiếng Aram là Kêpha (xuất hiện trong các thư của thánh Phaolô).

  1. Theo các sách Phúc âm (Mc 1,16-18; Mt 4,18-22; Lc 5,1-11; Ga), ông thuộc vào số những người đầu tiên được Đức Giêsu kêu gọi làm môn đệ (cùng với Anrê, Gioan và Giacôbê).Trong danh sách của 12 tông đồ, ông luôn được xếp hàng đầu (Mc 3,16-19; Mt 10,2-4; Lc 6,14-16; xc. Cv 1,13). Cùng với Giacôbê và Gioan, ông Phêrô được chứng kiến vài biến cố quan trọng trong cuộc đời của Đức Giêsu, như khi cho con gái của ông Giairô sống lại (Mc 5,37), luc hiển dung trên núi (Mc 9,2-8), hay cảnh hấp hối trong vườn Cây dầu (Mc 14,33). Nhiều lần ông Phêrô lên tiếng thay cho các môn đệ, như khi xin Thầy giải thích ý nghĩa của dụ ngôn (Mt 15,15), hay hỏi ý kiến về việc tha thứ (Mt 18,21; xem thêm Lc 8,45; 12,41; Mc 11,21), và nhất là khi trả lời câu hỏi của Thầy: “Anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29tt).
  2. Trong cuộc Tử nạn của Đức Giêsu, mặc dù ông Phêrô đã cam kết sẽ sống chết với Thầy cho dù các đong bạn tháo chạy (Mc 14,19.30-31), nhưng đến khi Thầy bị bắt, thì ông đã chối Thầy mình ba lần (Mc 14,66-72). Tuy vậy, theo các tác giả Phúc âm, ba lần ông chối Thầy đã được tiên báo (cũng như cuộc Tử nạn đã được tiên báo ba lần). Ông đã được ơn hoán cải và hơn thế nữa, được ủy thác nhiệm vụ củng cố anh em mình (Lc 22,31-32).
  3. Thực vậy, trong các trình thuật về Chúa Phục sinh, ta thấy ông Phêrô dẫn đầu các môn đệ khi Chúa hiện ra ở Galilê (Mc 14,28; xc. 16,7; Lc 24,34). Tác giả của Phúc âm thứ tư thì luôn đặt ông Phêrô đi kèm theo người môn đệ được Chúa yêu dấu (mà truyền thống đồng hoá với Gioan) từ khi ngồi bàn Tiệc ly (Ga 13,24), đến khi lẻn vào dinh Thượng tế để theo dõi cuộc tra khảo Đức Giêsu (Ga 18,15-16), và nhất là khi ra mộ để kiểm chứng việc Chúa sống lại (Ga 20,3-8). Hai người này đóng vai trò chính khi Chúa hiện ra với các tông đồ ở biển hồ Tibêria (Ga chương 21).
  4. Trong những chương đầu của sách Tông đồ Công vụ, ta thấy hai ông Phêrô và Gioan thường xuất hiện với nhau khi làm chứng cho Chúa Phục sinh (Cv chương 3-4). Trong cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem, ông Pherô giữ vai trò lãnh đạo. Chính ông chủ tọa việc bầu một tông đồ thay thế Giuđa Iscariôt (Cv 1,15-26). Chính ông tiên phong rao giảng Tin mừng sau khi đã lãnh nhận Thánh Thần (Cv 2,14). Chính ông chủ tọa Đại hội tại Giêrusalem (Cv chương 15). Khi lên Giêrusalem lần đầu tiên, ông Phaolô chỉ đi gặp ông Phêrô (Kêpha) và ông Giacôbê (Gl 1,18-19); về sau, ông Phaolô thêm ông Gioan nữa: cả ba họp thành “cột trụ của Giáo hội” (Gl 2,9). Tuy nhiên, dần dần việc điều khiển Giáo hội Giêrusalem được trao cho ông Giacôbê, còn ông Phêrô thì rút lui đi nơi khác (Cv 12,17). Các tác phẩm của Tân ước không cho ta biết chi tiết về hành trình của ông, nhất là kể từ sau Đại hội cac tông đồ tại Giêrusalem (Cv chương 15). Nên biết là từ sách Tông đồ Công vụ, ông Phêrô đã xuất hiện như một nhà truyền giáo lưu động rồi. Ở chương 8, (14-25) ông Phêrô cùng với Gioan đi thăm viếng các tân tòng tại Samari trở lại sau khi nghe ông Philípphê giảng. Sang đến chương 9, (32-42) chúng ta thấy ông hoạt động ở Giaffa (Giaphô) cũng thuộc miền Samari. Ở chương 10, ông đi Cesarêa, một thành phố thuộc miền ngoại đạo, vào nhà của ông Cornêliô. So với ông Phaolô, thì bước đi của ông Phêrô chậm chạp; nhưng chừng đó đã đủ để cho nhóm bảo thủ trách móc là vi phạm luật Môsê ngăn cấm chung đụng với dân ngoại (Cv 11,3)!
  5. Từ sau chương 15 của sách Tông đồ Công vụ, thánh Phêrô biến dạng. Giám mục Eusêbiô Cêsarêa ghi lại một truyền thống lâu đời cho rằng ông Phêrô đi làm Giám mục Antiokia.[4] (Việc ông Phêrô đi Antiôkia có lẽ dựa theo thư của thánh Phaolô gửi Galát 2,11tt). Một truyền thống khác, do ông Origène ghi lại,[5] cho rằng ông Phêrô đã đi giảng Tin mừng cho người Do thái cư ngụ tại các vùng Pontô, Galát, Cappadoxia, Asia, Bitinia. Xem ra truyền thống này bắt nguồn từ địa chỉ trong lá thư thứ nhất của thánh Phêrô. Một lưu truyền nữa[6] ghi nhận hoạt động của Phêrô tại Côrintô, dựa theo một nhóm phe phái được nhắc đến trong thư thứ 1 của Phaolô Côrintô (1Cr 1,10; 9,5).

Từ hậu bán thế kỷ II, nhiều tác phẩm ra đời nói về các cuộc hành trình của thánh Phêrô (Periodoi Petrou) cho tới lúc chịu tử đạo. Theo Giám mục Papias, Phúc âm của Máccô là thủ bản ghi lại bài giảng của thánh Phêrô trong các chuyến truyền giáo.[7] Truyền thống có cơ sở vững chắc hơn cả là hành trình của ông Phêrô sang Rôma, nơi ông chịu tử đạo.[8] Từ hậu bán thế kỷ II, có nhiều tài liệu nói tới cuộc tử đạo của ông Phêrô tại Rôma, trong số đó cần phải kể tới chứng tích của linh mục Gaius (thuộc hàng giáo sĩ Rôma). Trong cuộc tranh luận với Prôclô, ông khẳng định hai ngôi mộ của thánh Phêrô tại Vatican và của thánh Phaolô trên con đường Ostiense.[9] Trước đó, đã có những bằng cớ gián tiếp, chẳng hạn như trong thư gửi cho Côrintô (vào cuối thế kỷ I, khoảng năm 95-96), giáo hoàng Clêmentê nói tới những cuộc bách hại vừa xảy đến cho các Kitô hữu vào thời hoàng đế Nêrô, và Phêrô là một trong số các nạn nhân (1Cor 5,4-5). Khi viết thư cho giáo đoàn Roma (khoảng năm 107), thánh Inhaxiô Antiôkia đã nói rằng “tôi không ra lệnh cho anh em như ông Phêrô và Phaolô đâu” (Ad Romanos 4,3); có vẻ như thánh nhân đã thú nhận rằng uy tín của hai thánh đại tông đồ rất đáng kể đối vơi cộng đoàn Rôma.

Sang thế kỷ III, nhiều tác phẩm ra đời (thí dụ: Công vụ của Phêrô), bổ túc thêm các chi tiết về việc thánh Phêrô gặp Chúa Kitô vác thập giá khi ông lánh nạn khỏi Rôma (cảnh Quo vadis), việc bị giam ơ ngục Mamertina, và bị xử đóng đinh ngược đầu vào thập giá.

Truyền thống gán cho Phêrô là tác giả của hai lá thư được ghi trong quy điển Tân ước. Tuy nhiên, khoa phê bình trong thế kỷ XX đã nêu lên nhiều nghi vấn để phủ nhận. Lý do chính là vì thánh Phêrô đã chịu tử đạo trước năm 70, đang khi nội dung của hai lá thư đả động đến nhiều vấn đề xảy ra sau thời điểm đó. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi xét tới vấn đề quy thư.

III. Tông đồ Gioan

Sau hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, ta phải nhận rằng thánh Gioan là người đã để lại nhiều ảnh hưởng trong Hội thánh tiên khởi. Xét về mặt tư tưởng, thánh Gioan đã để lại các tác phẩm đánh dấu đức tin trưởng thành của Hội thánh về bản tính của Đức Kitô Con Thiên Chúa. Xét về mặt cơ chế, nhiều giáo đoàn Đông phương tự hào vì được thánh Gioan thành lập hay điều khiển, mà chứng tích còn để lại nơi 7 lá thư của sách Khải huyền.

Truyền thống vẫn đồng hóa thánh Gioan tông đồ (con ông Dêbêđê) với tác giả của Phúc âm thứ tư, của ba lá thư và của sách Khải huyền. Tuy nhiên, ngày nay khoa phê bình đã đặt ra nhiều nghi vấn về việc đồng hoá ấy.

  1. Theo Phúc âm nhất lãm, Gioan là một trong những môn đệ đầu tiên được kêu gọi. Ông là con của ông Dêbêđê, và cũng làm nghề ngư phủ giống như thân phụ (Mt 4,21; Mc 1,19; Lc 5,10; xc. Ga 21,3). Trong danh sách của nhóm Mười Hai, Máccô đặt Gioan liền sau Simon Phêrô và Giacôbê (Mc 3,15-17). Như đã nói trước đây, ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan được chứng kiến vài biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, ông Gioan cũng bị Thầy quở trách ba lần, vì đầu óc thiển cận và háo thắng. Một lần ông bực tức vì thấy có người không thuộc về nhóm đồ đệ của Đức Giêsu mà cũng trừ quỷ (Mc 9,38-41; Lc 9,49-50). Lần khác vì ông muốn được cùng với anh mình ngoi bên tả hữu của Đức Giêsu trong ngày đăng quang (Mc 10,35-45; Mt 20,20-28). Lần thứ ba, ông xin Đức Giêsu khiến lửa từ trời xuống đốt trụi làng của dân Samari vì họ không chịu tiếp đón toán thầy trò (Lc 9,52-56). Lần cuối cùng ông được nhắc đến trong Phúc âm nhất lãm là khi được Thầy sai đi cùng với Phêrô để chuẩn bị mừng lễ Vượt qua (Lc 22,8; xc. Mc 14,13).
  2. Phúc âm thứ tư không hề nhắc đến tên ông Gioan. Có một lần (21,2), tác giả nói tới “các con của ông Dêbêđê” làm nghề đánh cá, nhưng không nêu đích danh. Truyền thống đồng hoá “người môn đệ được Chúa yêu” (Ga 13,23-26; 19,26-27.35; 20,2-10; 21,20-24; xc. 1,35-40; 18,15-16) với thánh Gioan. Như thế, ta thấy ông đã đóng vai trò chứng nhân quan trọng trong cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô.
  3. Ở những chương đầu của Tông đồ Công vu, chúng ta thấy ông Gioan xuất hiện bên cạnh ông Phêrô, khi rao giảng Tin mừng Chúa sống lai cũng như khi bị điệu ra tòa. Thế nhưng, từ chương 8 trở đi (sau khi nói tới việc hai ông được cử đi Samaria để đặt tay cầu nguyện Chúa Thánh Thần xuống trên các tân tòng: 8,14-17), thì ông biệt tăm tích. Một cách gián tiếp, qua thư của thánh Phaolô gửi Galát (2,9), ta biết là ông Gioan có mặt tại Giêrusalem để thảo luận về việc có nên bó buộc các tín hữu gốc dân ngoại phải tuân giữ các luật lệ Môsê hay không. Nhưng không ai biết chắc ong Gioan tiếp tục ở lại Giêrusalem cho đến chết hay là đã đi truyền giáo ở đâu khác. Ở chương 12,2 khi thuật lại cuộc tử đạo của thánh Giacôbê do lệnh của vua Hêrôđê Agrippa I (năm 43), tác giả ghi chú thêm “ông là anh của Gioan”. Có lẽ đây là một dấu chỉ về vị thế quan trọng của Gioan trong Hội thánh tiên khởi, nhất là khi ta biết rằng Luca luôn xếp tên của Gioan trước tên của Giacôbê (Lc 8,51; 9,28). Trong Đại hội của các thánh tông đo tại Giêrusalem nói ở chương 15, người ta không thấy nhắc đến tên của ông Gioan.
  4. Vào cuối thế kỷ II, một lưu truyền lâu đời ở vùng Tiểu Á quả quyết rằng thánh Gioan đã giảng Phúc âm tại Êphêxô và đã qua đời tại đay;[10] và cũng tại đây ngài đã biên soạn các tác phẩm (Phúc âm thứ tư, ba lá thư, sách Khải huyền). Theo thánh Irênêô (+202),[11] thánh Gioan đã viết Phúc âm thứ tư tại Êphêxô, sách Khải huyền tại Patmos, gồm những bức thư gửi đến các giáo đoàn ở vùng Tiểu Á. Nên biết là vào lúc đó (tức là cuối thế kỷ II), có nhiều giáo đoàn không nhìn nhận Phúc âm thứ tư như là sách thánh, bởi vì một đàng các nhóm ngộ đạo thích trưng dẫn tác phẩm này, và đàng khác, ngôn ngữ của nó khác với ba quyển Phúc âm kia. Thánh Irênêo (một đối thủ kịch liệt của nhóm ngộ đạo) đã đứng ra bênh vực Phúc âm thứ tư: ông khẳng định rằng tác phẩm này là do tông đồ Gioan viết ra. Gioan chính là “môn đệ được Chúa yêu”. Ông đã nghe ông Polycarpô (giám mục Smirna, tử đạo năm 156) kể lại rằng tông đồ Gioan sống tại Êphêxô cho mãi tới thời hoàng đế Trajanô (98-117). Trong cuộc tranh luận trong thế kỷ II về ngày mừng lễ Phục sinh, các giáo đoàn Tiểu Á bênh vực chủ trương của họ dựa theo truyền thống do thánh Gioan tông đồ để lại (Chúa Giêsu chết vào lễ Vượt qua của người Do thái, ngày 14 tháng Nisan; vì vậy lễ Phuc sinh được cử hành vào ngày 14 thánh Nisan, bất luận vào ngày nào trong tuần; đối lại với chủ trương của các giáo đoàn khác mừng vào ngày Chúa nhật). Càng về lâu, nhiều truyền thống đã được dựng lên chung quanh thánh Gioan, chẳng hạn như ngài đã đương đầu với Cerintô (thủ lãnh của nhóm “thiên niên”),[12] hoặc như ngài đã chịu tử đạo.[13] Tuy nhiên, ngày nay có những sử gia đã xét lại truyền thống này: họ không nghĩ là thánh Gioan đã rời Palestina. Có lẽ Gioan con ông Dêbêđê cũng chịu tử đạo tại Palestina giống như anh mình, dựa theo Mc 10,39, khi Chúa Giêsu hứa cho cả hai anh em cùng được uống chén của Người. Ngoài ra, các nhà phê bình cho rằng Phúc âm thứ tư, ba lá thư của thánh Gioan và sách Khải huyền không phải do cùng một tác giả viết ra. Thực ra, nghi vấn này đã được nêu lên từ lâu rồi. Sử gia Eusêbiô cho rằng Irênêo đã lẫn lộn hai người cùng mang tên là Gioan: Gioan tong đồ (con ông Dêbêđê), và Gioan kỳ mục (presbyter) tại Êphêxô. Tại Êphêxô, các tín hữu đã dành hai ngôi mộ khác nhau cho hai người, được xây tại nơi họ qua đời. Có lẽ ông Gioan thứ hai này mới thực sự là tác giả của sách Khải huyền.[14] Hồi thế kỷ IV, ông Policratê (giám mục Êphêxô) cho rằng tác giả của Phúc âm thứ tư là ông Gioan, một người “môn đệ của Chúa” làm tư tế trong đền thờ, khác với tông đồ Gioan, con ông Dêbêđe.

Cuộc tranh luận về tác giả của Phúc âm thứ tư có thể tóm lại như sau: có phải là do chính Gioan tông đồ viết hay không? Có thể đồng hoá người “môn đệ được Chúa yêu” với ông Gioan tông đồ (con ông Dêbêđê, em của ông Giacôbê) hay không? Làm thế nào mà ông Gioan tông đồ, con nhà thuyền chài, mà lại quen được với vị thượng tế để theo dõi cuộc tra vấn Đức Giêsu tại dinh ông này (18,15)? Làm thế nào một người con nhà ngư phủ có thể viết một tác phẩm với tư tưởng cao siêu như là Phúc âm thứ tư? Phúc âm thứ tư do một hay nhiều bàn tay viết ra, bởi vì ở cuối chương 20, tác giả đã kết thúc tác phẩm của mình; không hiểu tại sao lại còn thêm chương 21, với một kết luận nữa?

Khi đối chiếu Phúc âm thứ tư với Sách Khải huyền thì lại còn gặp lắm vấn đề khác nữa. Đành rằng tác giả của sách Khải huyền tự xưng mình là Gioan (1,1.4.9; 22,8) nhưng kèm thêm biệt hiệu là “ngôn sứ” (22,9; xc.1,3) chứ không phải là “tông đồ”. Trong những thế kỷ đầu tiên, đã có nhiều cuộc tranh luận xảy ra chung quanh sách Khải huyền tại nhiều giáo đoàn, không chấp nhận vào sổ bộ Kinh thánh, thí dụ như tại Rôma (khiến cho Hippôlitô phải đứng ra bênh vực), và tại Alexanđria (và Điônixiô Alexanđria biện hộ).[15] Lý do là vì nhóm lạc giáo mệnh danh là “Thiên niên” (milleranismus: một ngàn năm) đã dựa vào các bản văn của sách này (chương 20) để biện minh cho thuyết của họ. Ngày nay, vấn nạn phủ nhận sách Khải huyền không do cùng một tác giả của Phúc âm thứ tư dựa theo sự khác biệt nhãn giới thần học giữa hai tác phẩm. Sau đây là vài thí dụ:

a/ Những tư tưởng chủ chốt của Phúc âm thứ tư không hề xuất hiện trong sách Khải huyền, chẳng hạn như:

– thần học về “bác ái yêu thương”;

– thần học về Chúa Thánh Thần;

– sự đối chọi giữa: sáng / tối; chân lý / xảo trá; trên cao / dưới thấp;

– quan điểm về “thế gian” đối lập với Chúa Giêsu.

b/ Tác giả của sách Khải huyền tự xưng là “đầy tớ của Chúa Giêsu Kitô” (1,1; 22,9), đang khi trong Phúc âm, Chúa Giêsu đã nói rằng “Thầy không gọi cac con là đầy tớ nữa, bởi vì đầy tớ không hiểu biết việc ông chủ làm; nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu, bởi vì Thầy đã cho các con biết điều mà Thầy đã nghe từ Cha” (Ga 15,15).

c/ Quan điểm về cánh chung với tính cách thế mạt (xáo trộn vũ trụ trời đất) trong sách Khải huyền hoàn toàn ngược với quan điểm cánh chung trong Phúc âm thứ tư, theo đó sự phán xét luận phạt kết án diễn ra ngay trong nội tâm của mỗi người (dựa theo thái độ tiếp đón hay khước từ Lời Chúa), chứ không phải tại tòa án trước mặt thiên hạ.

Tuy nhiên, những nghi vấn của các học giả cận đại không phá đổ hoàn toàn những dữ kiện của truyền thống. Khác một điều là trước đây, truyền thống gán các tác phẩm của Gioan cho một nhân vật (tông đồ Gioan); còn ngày nay, các học giả cho rằng chúng là công trình của một “trường phái” của ông Gioan. Trong Hội thánh tiên khởi, một số cộng đoàn đã chịu ảnh hương của thánh Gioan tông đồ và đã xuất bản những tác phẩm đặt dưới uy tín của ngài. Trong những tác phẩm đó, có những đoạn hầu như được ghi lại trực tiếp từ giáo huấn của thánh tông đồ, có những đoạn đã được biên soan và thích nghi vào những môi trường mới.

Nếu quan niệm như vậy, ta có thể nhận rằng sách Khải huyền cũng có họ hàng xa gần với Phúc âm thứ tư. Còn tác giả của ba bức thư thì không đề tên riêng mà chỉ tự xưng là “Kỳ mục”. Chắc rằng độc giả thời đó đã biết căn cước của nhân vật ấy cho nên tác giả không cần phải xưng danh nữa. Dù sao, các học giả cận đại không thấy khó khăn gì khi gán các bức thư này cho “trường phái của thánh Gioan”, bởi vì tư tưởng của chúng rất gần với Phúc âm thứ tư.

Tóm lại, tuy rằng chúng ta không có chứng tích lịch sử đương thời về những chuyến hành trình truyền giáo của thánh Gioan tông đồ, nhưng phải nhìn nhận ảnh hưởng tinh thần của ngài đã lan rộng sang nhiều vùng Tiểu Á, và nhất là gia sản đạo lý mà ngài đã để lại cho Kitô giáo, như chúng ta sẽ thấy trong chương bàn về đạo lý.

Mục 2

SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA KITÔ GIÁO

Nhờ hoạt động của các tông đồ cùng với các cộng sự viên, Tin mừng được loan truyền đến nhiều địa điểm. Tuy nhiên, tác giả sách Tông đồ Công vụ không mấy bận tâm đến việc mô tả địa lý của Kitô giáo hoặc thống kê các người xin gia nhập Kito giáo. Có vẻ như đối với ông, việc truyền giáo và trở lại là công việc của Thiên Chúa chứ không phải là một hiện tượng xã hội học. Thực vậy, khi bàn về sự bành trướng của Hội thánh, chúng ta đọc thấy những lời mo tả như sau:

Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ (2,47). Lời Thiên Chúa vẫn lớn lên, và tại Giêrusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin (6,7). Hồi ấy, khắp miền Giuđê, Galilê và Samari, Hội thánh được bình an, được xây dựng vững chắc, và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ (9,31). Vì có bàn tay Thiên Chúa ở vơi họ, nên một số đông (tại Antiôkia) đã tin và trở lại cùng Chúa (11,21). Trong khi ấy, lời Thiên Chúa vẫn lớn lên và phát triển (12,24). Vậy các Hội thánh được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày thêm đông số (16,5). Nhờ uy lực của Chúa, Lời Chúa cứ lan tràn và vững mạnh (19,20).

Tác phẩm kết thúc như thế này khi kể lại hoạt động của ông Phaolô tại Rôma:

Suốt hai năm tròn, ông Phaolô ở tại nhà ông đã thuê, và tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào (28,30-31).

Bên cạnh cái nhìn thần học của thánh Luca về sự bành trướng của Hội thánh, các nhà sử học cận đại muốn có một cái nhìn khác dựa trên những thống kê cụ thể. Tiếc rằng các tài liệu được biên soạn vào thế kỷ đầu của Công nguyên không theo những tiêu chuẩn mà khoa sử học hiện đại đặt ra. Tuy vậy, chúng cũng cung cấp cho chúng ta vài khái niệm về các địa điểm truyền giáo và các thành phần xã hội của cộng đoàn Hội thánh tiên khởi.

I. Sự bành trướng về địa lý

Vào cuối thế kỷ thứ nhất sang đầu thế kỷ thứ hai, Kitô giáo đã thâm nhập vào nhiều miền của đế quốc Rôma, và thậm chí đã lan tràn ra khỏi biên cương của đế quốc. Tại vài vùng ven Địa trung hải thuộc miền Trung đông, Kitô giáo đã đặt nền móng vững chắc trong các tầng lớp nhân dân.

Trong bản tường trình cho hoàng đế Trajanô (viết khoảng năm 112), ông Pliniô, tổng trấn vùng Bitinia, cho biết là Kitô giáo đã lan sang vùng Bitinia và lấn ảnh hưởng của các tôn giáo cổ truyền (Epistula X,96).

Cũng vào thời gian này, các lá thư của thánh Inhaxiô Antiôkia cho thấy các cộng đoàn Kitô hữu đã được tổ chức quy củ tại Antiôkia, vùng Tiểu Á và tại Rôma. Vài năm trước đó, tác giả của sách Khải huyền đã gửi các thư mang tính cách cảnh giác đến các vị lãnh đạo các giáo đoàn Smirna, Pergamô, Sarđi, Philađelphia, Tiatira, Êphêxô, Laođikia: tất cả thuộc vùng Tiểu Á. Còn lá thư thứ nhất của Phêrô được gửi đến các Kitô hữu tại Pontô, Galát, Cappađôxia, Asia, Bitinia. (Những địa điểm này ngày nay nằm trong lãnh thổ của nước Thổ nhĩ kỳ).

Tóm lại, từ Palestina, trong vùng mấy chục năm, Kitô giáo đã lan rộng ra vùng Trung đông ven bờ Địa trung hải. Đồng thời, sach Tông đồ Công vụ nói tới việc thiết lập các giáo đoàn tại Âu châu, khởi sự từ các thị trấn của Maxêđônia (Philípphê, Thêxalônica) và Hy lạp (Côrintô, Athêna). Khi ông Phaolô bị điệu đến Rôma thì ông đã gặp các người đồng đạo tại đây rồi (Cv 28,15). Khi viết thư cho các tín hữu Rôma, thánh Phaolô nhìn nhận rằng Tin mừng Chúa Kitô đã được những người khác mang đến thủ đô của đế quốc (Rm 15,19), và tại đây đã có một cộng đoàn nổi bật về lòng tin (Rm 1,8). Không rõ từ lúc nào các Kitô hữu đã đến Rôma; chắc phải là trước năm 49, khi hoàng đế Clauđiô ra lệnh trục xuất hết các người Do thái ra khỏi thủ đô, tiếp theo những vụ lộn xộn giữa họ với nhóm môn đệ của ông Giêsu.[16]

Ngoài ra, truyền thống còn nói tới thánh Máccô truyền giảng Tin mừng ở Alêxanđria bên Ai cập.[17] Từ đây, Tin mừng được bành trướng sang các vùng khác của Phi châu, đặc biệt là Giáo hội Êtiôpia hãnh diện về nguồn gốc lịch sử từ thời các tông đồ, dựa theo trình thuật của viên thái giám trở lại, được nói ở chương 8 của sách Tông đồ Công vụ (câu 27-39).

Tóm lại, vào cuối thế kỷ thứ nhất, Kitô giáo đã có mặt hầu như tại những địa điểm quan trọng dọc theo bờ biển Địa trung hải. Chúng ta đừng nên quên rằng trước đó các tín hữu Do thái giáo đã hiện diện tại những nơi ấy, và có cơ sở để đoán rằng địa bàn của Kitô giáo với Do thái giáo lắm khi trùng hợp. Một đàng, các nhà truyền giáo Kitô giáo (như thánh Phaolô) tìm đến các hội đường Do thái để giảng Tin mừng cho họ. Đàng khác, các nhà truyền giáo Kitô giáo cũng sử dụng những phương tiện giao thông móc nối Palestina với các địa điểm kinh tế văn hoá trong lãnh thổ đế quốc Rôma.

II. Sự bành trướng về mặt xã hội

Sự bành trướng về địa lý cũng mang theo sự bành trướng xã hội: Kitô giáo đã thâm nhập vào mọi giai tầng của xã hội. Thực ra, dựa theo thư của thánh Phaolô gửi cộng đoàn Côrintô 1,26-27, ta có cảm tưởng là các Kitô hữu tiên khởi thuộc thành phần cùng đinh trong xã hội, cũng như chính các tông đồ xuất thân từ lớp thuyền chài. Ông viết như sau: “Thưa anh em, anh em nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái”. Tuy vậy, trong phần kết luận của thư gửi cộng đoàn Philípphê (4,22), thánh Phaolô gửi lời chào “những người thuộc về nhà của hoàng đế Cêsar”: kiểu nói này có thể hiểu theo nghĩa là các người đang phục vụ hoàng đế (kể cả các nô lệ), nhưng mà cũng có thể hiểu theo nghĩa là đã có các nhân viên làm việc tại triều đình trở lại Kitô giáo. Trong thư của thánh Giacôbê, tác giả đã khiển trách nặng nề những người trong cộng đoàn tỏ ra khúm núm lễ độ với hạng quý phái nhưng lại khinh rẻ các người nghèo (2,1-6; 5,1-6). Như vậy cho thấy rằng các Kitô hữu thuộc về nhiều giai cấp xã hoi khác nhau: có người giàu và có người nghèo. Chúng ta cũng biết rằng thánh Phaolô đã viết một lá thư cho ông Philêmôn để yêu cầu ông đón nhận anh Ônêsimô, tên nô lệ, theo tình nhân đạo và huynh đệ Kitô hữu.

Truyền thống ghi lại trong Tử-đạo-thư là trong cuộc bắt đạo của vua Đômixianô, có những nhà quý tộc bị giết vì theo đạo Kitô, chẳng hạn như hoàng thân Flavius Clêmens (anh em họ với Titô và Đômixianô) và phu nhân, Flavia Đomitila.[18] Trong lá thư của ông Pliniô đã nói trên đây, ông báo cáo rằng ở Bitinia, các công dân thuộc đủ mọi lứa tuổi, thành phần xã hội, cả nam lẫn nữ đã gia nhập Kitô giáo, và tôn giáo này bành trướng không những tại các thành thị mà cả tại các làng mạc nông thôn nữa.

III. Nguyên nhân của sự phát triển

Chúng ta không nắm được những bản thống kê về sự gia tăng con số các tín hữu, để đối chiếu với sự gia tăng của các tôn giáo hay của các phong trào khác vào thời đó, hoặc để đo lường nhịp độ tăng trưởng ra sao. Các nhà sử học chỉ có thể vạch ra vài nhân tố thuận lợi cho sự bành trướng này. Những nhân tố này- bao gồm lãnh vực xã hội, văn hoá, tôn giáo, chính trị- có thể tóm lại như sau.

1/ Sự đồng nhất về ngôn ngữ và văn hoá trong nhiều miền thuộc đế quốc Rôma. Cách riêng, tiếng Hy lạp phổ thông, được sử dụng trong các cuộc giao dịch chính trị thương mại, cũng là phương tiện truyền bá tư tưởng Hy lạp ra khắp vùng Địa trung hải. Các tư tưởng về “nhân phẩm”, “huynh đệ đại đồng”, cũng như những việc chỉ trích các thần thoại có thể coi như dọn đường cho việc rao giảng Tin mừng. Các tín đồ Do thái cũng đã truyền bá tín ngưỡng về một Thiên Chúa khác biệt với các ngẫu tượng tượng trưng các hiện tượng thiên nhiên.

2/ Đế quốc Rôma tạo ra những điều kiện thuận lợi về giao thông, nhờ đó các nhà truyền giáo co thể di chuyển bằng đường bộ hay hàng hải tới hết các miền trong đế quốc.

3/ Tuy nhiên, ngoài các yếu tố thiên thời địa lợi, thiết tưởng lý do chính của sự bành trướng Kitô giáo cần phải tìm ở những động lực hấp dẫn của tôn giáo này. Chúng ta thử kê ra vài điểm nổi bật.

– Sứ điệp của Đức Kitô về hạnh phúc dành cho những người nghèo, những người bị đàn áp đã thu hút được những người nô lệ, những phu dịch, nạn nhân của chế độ trong đó quyền hành nằm trong tay những người lắm tiền lắm của.

– Sứ điệp về tình huynh đệ đại đồng và về sự bình đẳng giữa hết mọi người đã thu hút không những người bị gạt ra bên lề xã hội, mà cả những người đang cổ vũ tư tưởng cao thượng đã khơi nguồn từ các triết gia Hy lạp.

– Lòng đạo đức của Kitô giáo chú trọng đến tâm linh đã đáp ứng lại niềm khát khao của những người chán ngán các buổi tế tự ồn ào náo nhiệt và lâu giờ; đó la chưa kể những tập tục mê tín hay vô luân nơi nhiều tín ngưỡng dân gian hay tôn giáo huyền bí.

– Mặc dầu bị bách hại, các Kitô hữu vẫn tỏ ra kiên trung với niềm tin và bình thản đón nhận các cuộc tra tấn và tử hình. Điều này gây ra kinh ngạc cho nhiều người, và họ đã tìm hiểu những động lực nào đã đem lại sự can đảm và bình thản như vậy.

– Tác dụng của Kitô giáo đối với việc chấn hưng phong hoá đồi trụy vào thời đó. Chúng ta có thể xem một chứng tích đương thời hãnh diện về điểm này nơi một tác phẩm vô danh, tựa đề “Thư gửi ông Điônhêtô” (viết vào thế kỷ II):

Họ ở trong các thành phố văn minh cũng như bán khai, tùy theo số phận mỗi người đưa đẩy. Ho theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và trong lối sống, mà vẫn cho thấy một nếp sống lạ lùng và ai cũng phải nhận là khó tin. Họ sống ở quê hương mình mà như những khách kiều cư. Họ có chung mọi thứ như công dân, nhưng phải gánh chịu đủ thứ như khách lữ hành. Miền đất lạ nào cũng là quê hương của họ, nhưng quê hương nào cũng là đất khách đối với họ. Họ lập gia đình và sinh con đẻ cái như mọi người, nhưng không phá thai. Họ ăn chung với nhau một bàn, nhưng không chồng chung vợ chạ. Họ sống trong xác thịt, nhưng không theo xác thịt. Họ sống ở trần gian nhưng họ là công dân Nước Trời. Họ tuân hành luật pháp, nhưng cách sống của họ vượt trên những đòi hỏi của luật pháp. Họ yêu thương mọi người nhưng mọi người lại ngược đãi họ. Họ không được nhìn nhận, lại còn bị kết án. Họ bị giết mà vẫn được sống. Họ là những người hành khất, nhưng lại làm cho nhiều người được nên giàu. Họ thiếu thốn mọi thứ, nhưng lại dư dật mọi sự. Họ bị sỉ nhục, nhưng giữa những sỉ nhục, họ lại được vinh quang. Danh thơm của họ bị chà đạp nhưng bằng chứng về đời sống công chính của họ lại được phô bày.

Đây chỉ là một đoạn ngắn của tác phẩm. Độc giả có thể đọc bản văn đầy đủ hơn nơi sách Phụng vụ Giờ kinh, bài đọc Kinh Sách, thứ Tư tuần V mùa Phục sinh).

———————

[1] Tài liệu mang tựa đề Kerygma Petrou (Bài giảng của thánh Phêrô), được Clêmentê Alexanđria nói tới (Stromata VI,5,43,3).

[2] Historia Ecclesiastica III,1,3. Xc. II,1,6-7.

[3] Xc. Phụ lục ở cuối sách, về tiểu sử các thánh tông đồ.

[4] Historia Ecclesiastica III,36,2; cf. S. Hieronymus, De viris illustribus, 1

[5] Commentarium in Genesim.

[6] Theo Đionysiô Corintô (khoảng 166-174) được Eusêbiô ghi lại trong Historia Ecclesiastica II,25,8.

[7] Được ghi lại trong Historia Ecclesiastica III,39,15.

[8] Theo Điônixiô Corintô, do Eusêbiô ghi lại trong Historia Ecclesiastica II,25,6; Irênêo (Adv.Haer. III,1,3), Tertullianô (De praescriptione haereticorum 36,3).

[9] Đươc ghi lại trong Historia Ecclesiastica, 25,7.

[10] Historia Ecclesiastica III,18,1; 23,3-4; 39,3-4; IV 18,6-8; V,8,4; 18,14; 20,6. Irênêô, Adversus Haereses, II 22,3.5; III, 1,2), Giustinô, Dial. 81,4. Tertullianô, De anima,50.

[11] Adversus Haereses III,1,2; V,33,4.

[12] Adv. Haer. III, 3.4. Thánh Hiêrônimô thuật lại rằng vào những ngày cuối đời thánh Gioan không ngừng khuyên nhủ các môn đệ “Các con ơi, hãy thương yêu nhau” (Comm. In Gal. 6,10).

[13] Theo Hêraclêon, xc. Clementê Alêxanđria, Stromata 4,9.

[14] Historia Ecclesiastica III, 23.3; 31.3; 39,6.

[15] Historia Ecclesiastica VII, 25,7-8.

[16] Xc. Cv 18,1-4; Suetonius, Vita Claudii XXV,4.

[17] Xc. Eusêbiô, Hist. Eccl. II,16,1. Theo sách Tông đồ Công vụ (18,24-25), ông Apollô là người quê tại Alexanđria. Không có gì khó hiểu nếu sau đó, ông ta tìm cách để đồng bào của mình cũng được nghe giảng Tin mừng.

[18] Suetonius, Domitianus 15.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here