THIỀN VIPASSANA (Thiền minh sát tuệ)

0
1840

Trích Thời sự Thần học – Số 20, tháng 06/2000, tr. 89-96.

Đăng Sơn Vô Trú

Thiền, cốt lõi của tất cả tám vạn bốn ngàn pháp môn tu tập của Phật giáo đều là sự tập trung tinh thần. Mới theo hình tướng, Thiền có vẻ giống như các pháp Yoga, Khí Công,… Nhưng trong bản chất, Thiền là cái gì khác hẳn.

Sự khác biệt giữa Thiền Phật giáo và các pháp tâm linh khác thì ở ngay trong tên gọi của Phật giáo. Phật là Biết, là Thức, là Tâm. Tất cả những gì thuộc về Phật giáo đều xoay quanh và qui về và thể hiện cái Biết, cái Thức, cái Tâm. Rồi đây, trong ngôn ngữ của Phật, ta còn tìm thấy vô vàn vô số những từ để nói về bản chất và sự tu tập của Phật giáo: Phật, Tâm, Thức, Trí, Huệ, Tuệ, Minh, Giác, Ngộ, Quang, Quan, Quán, Sát, Tỉnh Thức…

Cũng vì thế, có thể nói rằng Thiền Vipassana, một thứ Thiền Nguyên Thủy của Phật giáo, chính là pháp Thiền căn bản nhất của tám vạn bốn ngàn pháp môn Thiền. Vì “Vi” là Biết, là Quán, là Sát. Pháp tu Vipassana là Biết cho rõ từng tâm niệm nơi mình. Biết cho đến cùng, thì đi đến Giải Thoát tận tuyệt.

“Chân Lý sẽ giải thoát anh em” vậy

Thiền là tu tâm, tức thực hành chánh niệm

Thiền là tu tâm, tức bền bỉ liên tục (miên mật tinh tấn) thực hành chánh niệm. Thực hành chánh niệm là lấy TÂM để theo dõi, điều khiển, an trụ dòng TÂM. Khi không thực hành chánh niệm, người ta luôn sống trong tình trạng xôn xao vọng động gọi là loạn tâm: Tâm vun vút phóng rượt theo đủ mọi đối tượng bên ngoài, bị những cảnh trạng bên ngoài lôi kéo, thu hút, để rồi liên tục khốn khổ phiền não vì được mất, hay dở, đẹp xấu, hơn thua, vinh nhục. Nay, thực hành chánh niệm, hành giả trụ tâm vào MỘT ĐỐI TƯỢNG DUY NHẤT. Trong từng phút từng giây, thay vì phóng tâm ra ngoài, hành giả nhiếp tâm (thu tâm) về, trụ tâm vào đối tượng duy nhất đó, khởi chánh niệm trên đối tượng duy nhất đó, và chỉ khởi niệm trên đối tượng duy nhất đó.

Liên tục bền bỉ khởi chánh niệm trong mọi nơi mọi lúc, dù vui, dù buồn, dù hứng, dù chán, đặc biệt trong thời tọa thiền, hành giả sẽ đi đến tình trạng nhất tâm nhất niệm, cũng là nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn không phải là để cho nội tâm trở nên trống rỗng, hư vô, “không ngơ”. Hoàn toàn ngược lại, nhất tâm bất loạn là lắng đọng nội tâm, thanh luyện những xáo trộn liên tục của dục vọng, sân hận và mù tối trong tâm, thể nhập vào tình trạng “đại định tam muội” trong tâm, tức sống một “đời sống nội tâm” dồi dào mãnh liệt, đầy hùng lực, trầm ổn, trong suốt và bình an. Hành giả như thể tìm lại được con người chân chính đích thực của mình. Hành giả sống đến tận những chiều sâu thăm thẳm. Hành giả như chạm đến đáy thẳm hiện hữu. Hành giả khơi lại nguồn năng lượng hầu như vô biên xưa nay ẩn kín. Thân tâm hành giả như được đúc thành một khối thống nhất, vững vàng mà thanh thoát như mọc lên từ đáy lòng đất, uy hùng mà cũng khiêm cung như đang lượn bay bát ngát giữa bầu trời trong xanh thanh tịnh. Biết bao nhiêu năng lực xưa bị chôn vùi hoặc bị tán loạn, nay được dồn tụ lại, tập trung thành một, và phát tác mạnh mẽ như mưa nguồn, như thác đổ, như sóng biển dạt dào…

Tình trạng xuất thần nhập định như thế đã là một “đời sống tâm linh” rất sâu thẳm và mãnh liệt. Bấy giờ, những vui buồn, sướng khổ, khen chê, hay dở, được mất bình thường bỗng trở nên nhỏ nhoi, chẳng có gì quan trọng. Nhưng, với Đức Phật, thể nhập đại định tam muội vẫn còn là sống trong tình trạng tương đối, vẫn còn những chấp trước nô lệ rất tinh vi. Ngay sự nhập định tức sự thống nhất toàn thể mọi năng lực bao la và mãnh liệt như biển cả trong thân tâm rồi cũng phải buông xả. Nhập định, là đi vào tình trạng ngơi nghỉ của lý trí xôn xao với cái tôi ích kỷ, thống nhất được những nguồn năng lượng trong mình, thu tóm tích tụ toàn thể con người mình lại, để có thể đưa tất cả vào cái chết, cái chết tận tuyệt, cái chết trọn vẹn. Chết đi tất cả những năng lực dồi dào sâu ẩn nhất, chết đi cho đến những gì thiêng liêng, kỳ vĩ, tinh tế, thầm lặng và mãnh liệt nhất. Từ đỉnh cao bát ngát uy hùng của hiện hữu, hành giả phải “buông tay vào hố thẳm”, tức là chết đi .

Ngay khi hành giả “buông tay vào vực thẳm” và chết đi, thì cũng lập tức, một tình trạng hoàn toàn mới xuất hiện. Một con người mới xuất hiện. Một thế giới mới xuất hiện. Thực ra, vẫn là con người này, trời đất này, thế giới này, nhưng cũng ngay đó, là “con người mới”, là “thiên đàng”, là “niết bàn”, là “trời mới đất mới”, được Thấy bằng con mắt mới, con mắt Trí Tuệ, mà xưa nay, vì chỉ thấy bằng đôi mắt phàm trần, nên không hề nhận ra. Tình trạng hoàn toàn siêu việt và mới mẻ đó, gọi là Giác, Ngộ, Minh, Tuệ, Đảo Lộn, Vượt Qua, Phục Sinh…

Như vậy, Thiền của Đức Phật không phải là Yoga của Bà La Môn Giáo. Mới nhìn, thì Yoga cũng là sự định tâm, chú tâm, vào một đối tượng, và xuất thần nhập định vào đối tượng đó. Thiền của Đức Phật cũng là định tâm, chú tâm vào một đối tượng, nhưng đối tượng của định tâm của Thiền lại chính là Tâm, một thứ đối tượng ở ngay nơi chính mình; sau đó, “đích đến” của Thiền lại không phải chỉ là nhập định, nhưng là Vượt Qua, là Giác Ngộ, là sống một cuộc sống hoàn toàn mới, trong một Tâm Thức Mới.

Đạo Phật, hay tâm đạo, là “đạo biết”

Như thế, đức Phật đã làm một cuộc cách mạng lớn lao khi Ngài trung tín với truyền thống các Đạo sư (Guru) ngút ngàn trên những rặng cao Hy Mã, chỉ một niềm đăm đắm tiến sâu vào cõi tâm linh, với niềm cháy bỏng khát khao Giải Thoát đến cùng tận. Trung thành với truyền thống, đức Phật cũng chỉ một niềm khát khao mong cầu Giải Thoát. Dù là hoàng thái tử, Ngài đã từ bỏ tất cả: từ bỏ nhà cửa, vợ con, quyền chức, lầu đài, vui thú, từ bỏ luôn cả những lớp áo vương giả, để trở thành người sa môn nghèo nàn trần trụi, lang thang khắp nơi tìm thầy học Đạo. Trung thành với truyền thống, Ngài cũng đã quyết liệt hãm mình ép xác để tu tập theo các pháp môn Bà La Môn với các vị đạo sư vĩ đại thời bấy giờ, đạt tới những tình trạng nhập định siêu xuất cao vời nhất (Không vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ…). Trung thành với truyền thống, đức Phật cuối cùng cũng rời bỏ những pháp môn sâu sắc ấy, vì thấy rằng những cảnh giới định tâm siêu xuất ấy vẫn còn ẩn chứa cái tôi, dù cái tôi bấy giờ rất cao vời, rất thánh thiện, rất thanh thoát, rất ngất ngây.

Trung thành với truyền thống cha ông, đức Phật đã trở nên vị đại cách mạng với truyền thống cha ông. Thay vì chìm ngập trong những lý luận thần học theo kiểu các kinh sư, đức Phật nhấn mạnh đến sự thể nghiệm và phải thể nghiệm đích thật. Thay vì nhấn mạnh đến sự hiệp nhất với Thần Linh Hữu Ngã ở bên ngoài mình, đức Phật cho rằng Thần Linh ở ngay trong con người, và chỉ khi con người trở về với chính mình, bấy giờ, con người mới “thờ lạy đích thực, trong Tinh thần và trong Chân lý”. Thần Linh vẫn biểu hiện ở ngay trong “TÂM”, trong “LỜI”, tức trong cái BIẾT, tức NGÔN NGỮ, TƯ TƯỞNG, TÂM THỨC. Con người là kẻ sống trong Thần Linh, vì con người là kẻ ở trong Lời, trong Tâm, trong Thức, trong Đạo Ngôn sáng tạo vũ trụ. Nhưng con người cũng đang phản bội Đạo Ngôn, phản bội Thần Linh, khi Lời hay Tâm Thức của con người lại luôn quay về với mình, bảo vệ mình, lấy cái tôi của mình làm trung tâm qui chiếu mọi sự, biến mình thành kẻ “khôn ngoan đệ nhất”, thành kẻ “bằng Thiên Chúa”, lấy mình là phán quan cho mọi giá trị tuyệt đối: ta người, lành dữ, hay dở, tốt xấu, cao thấp, dài ngắn, thánh phàm, được thua, hơn kém, còn mất, sống chết…

Sự “kiêu ngạo” và cũng là sự phân biệt trong tâm thức (lời) của con người đã khiến con người không còn sống TRUNG THỰC và THỐNG NHẤT nữa. Mỗi người chỉ dừng lại ở cái thấy cái biết bằng những quan năng và thần kinh óc não vật chất. Và cũng vì thế, mỗi người chỉ sống trong một thế giới có thời gian, không gian, với những giá trị phân đôi đối lập: dài ngắn, cao thấp, được thua, vinh nhục, đúng sai… Con người trở thành kẻ hời hợt, kẻ ngu si mê muội, kẻ bám lấy những thành kiến, kẻ đọng lại trong một thế giới hình tướng bề mặt. Địa đàng Eden xưa đã mất rồi. Lý trí khôn ngoan của người lớn tự cho rằng mình làm chủ tất cả, mình hiểu biết tất cả, mình đã thông đạt tất cả. Sự nhận lầm, hiểu lầm ấy liên tục đưa đến những giả tạo, tranh chấp, náo loạn, xao động trong nội tâm.

Không còn ai thực sự BIẾT MÌNH là gì nữa. Bằng lý trí và chỉ với lý trí, nên mỗi con người là kẻ cô liêu và giả dối với chính mình khi họ càng qui chiếu thu vén tất cả về cho mình. Vì thế, dòng tâm của họ biến thành THỨC. Thức là từng niệm, từng niệm phóng ra nhưng đụng phải thành vách của cái tôi, nên quay về tích tụ lại làm dày thêm cho cái tôi, và cứ như vậy hết ngày nay qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác…

Mỗi một tâm niệm phát ra, tức là một động tác BIẾT được phát ra, cũng là một LỜI được phát ra. Một tâm niệm hay một động tác Biết, tức một LỜI vừa phát ra, thì tức khắc cũng có một SỨC MẠNH phát ra. Tâm niệm là NGÔN NGỮ (LỜI), là BIẾT, là ĐỘNG LỰC. Tâm niệm càng qui về mình, thì sức mạnh của Tâm càng không lan toả mênh mông vào trong vũ trụ với tất cả tình thương bao la bát ngát. Thay vào đó, sức mạnh của tâm niệm đời này qua đời khác đọng lại trong mình, ẩn ức sôi sục trong mình, tích tụ tập họp lại thành một cái tôi to lớn, mà trong đó, ngoài phần ý thức sáng rõ của lý trí, thì bên trong, lại là cả một đại dương bão tố với bao nhiêu niệm niệm qui ngã như muôn vàn con sóng ngấm ngầm mà dữ dội.

Cái tôi như vậy, thực ra, là một BIỂN THỨC. Thức là sự tập hợp của vô vàn vô số những TÂM NIỆM QUÁ KHỨ vẫn ẩn ức sôi sục ngấm ngầm. Thức là cái Biết thuộc về quá khứ nhưng vẫn tồn tại sâu kín mà thúc đẩy lôi kéo. Thức làm nên cái Tôi, và kéo cái Tôi luôn phải sống với quá khứ, tuân thủ những sức mạnh ẩn ức từ quá khứ, ôm giữ những thành kiến, định kiến lầm lạc và hời hợt, khốn khổ và giới hạn. Sức mạnh lôi kéo trở về quá khứ ấy, gọi là NGHIỆP THỨC hay NGHIỆP LỰC.

Vì Tâm là cái Biết, nên Tâm cũng là TRÍ HUỆ. Tâm là một LỜI, nên Tâm cũng là tương quan, là tương giao, tức là YÊU THƯƠNG. Và Tâm cũng là một động lực, nên Tâm cũng là DŨNG KHÍ. Nhưng khi Tâm bị biến thành THỨC, thì Trí Huệ trở thành SI tức đầy mù tối (ý, lý trí), Yêu Thương trở thành THAM (tình), và Dũng Khí trở thành SÂN yếu ớt, bạc nhược, và đau đớn giận dữ bất mãn ngấm ngầm (chí). Những sức mạnh và sự hiểu biết lầm lạc theo những định kiến quá khứ không ngừng chi phối dẫn dắt, không cho con người là kẻ mở toang, kẻ thênh thang, kẻ tự do.

Con người của “tội nguyên tổ” hay con người trong thúc phọc của nghiệp lực tham, sân, si là kẻ LUÔN LUÔN THU TÍCH VÀ PHÒNG VỆ (Tập Đế). Và cũng vì thế, con người luôn luôn chật hẹp với những phân biệt, chia lìa, loại trừ, nên không ngừng phiền não khổ đau (Khổ Đế). Mỗi người đều chủ quan, phức tạp, giả dối với chính mình.

Vì thế, đức Phật quả là bậc Đại Y Vương, là nhà Tâm Lý Trị Liệu vĩ đại, khi Ngài chữa bệnh lớn ngu si mù tối của con người bằng cách dám BIẾT MÌNH. Đạo Phật là Đạo Biết. Anh Biết đến từng tâm niệm của anh. Anh dám theo dõi từng tâm niệm của anh. Và càng Biết mình thay vì sống với những u mê, thì cái Tôi vốn được tích tụ bằng những thành kiến của quá khứ càng được hóa giải tan đi, những nghiệp chướng tham sân si ồn ào thúc phọc ngấm ngầm càng được trở nên lặng lẽ, biển thức với muôn ngàn con sóng ngấm ngầm trở nên lắng trong, thanh tịnh. Và bấy giờ, người trở nên một CON NGƯỜI TRẺ THƠ, sống từng tích tắc hoàn toàn mới mẻ, sống từng tích tắc như giây phút đầu tiên mới được ra đời, sống từng tích tắc mà mở toang không quá khứ không tương lai, sống từng tích tắc sơ nguyên, lạ lùng, mới toanh, ngạc nhiên, sáng tạo, yêu thương, mạnh mẽ, ngập tràn, trọn vẹn…

Tích tắc mà THỨC BIẾN THÀNH KHÔNG, thì TÂM được phục hồi trọn vẹn. Thức bấy giờ trở về nguyên trạng là Chân Tâm, là Phật, là Như Lai Như Khứ, là Viên Giác, là Tâm Không bao trùm tình yêu thương và an lạc sơ nguyên tràn đầy một Trời Mới Đất Mới. Con người trở về nguyên trạng thuở sống trong Vườn Địa Đàng, vô ưu, vô phân biệt, vô chấp, vô trụ, thênh thang như chim sẻ và bông huệ ngoài đồng, giản dị như một bé thơ, yêu thương và hạnh phúc như một bầu trời xanh thẳm.

Pháp hành Vipassana

Pháp hành Vipassana thật đơn giản. “Vi” vốn gốc từ “video” có nghĩa là Biết, là Nhìn, là Quán, là Sát, là Phật. Pháp hành Vipassana là dùng tâm để quán tâm, xoay tâm vào bên trong, để biết rõ từng tâm niệm xảy ra nơi mình. Pháp hành Vipassana lấy chính từng tâm niệm làm đối tượng mà quán sát.

Cụ thể, hành giả Vipassana thay vì để cho mình sống mù mờ với chính mình, thay vì bị thúc đẩy và phản ứng ngay theo những thúc đẩy từ bên trong mình, thì luôn nhiếp tâm để NHẬN THỨC RÕ những tâm niệm đang tự động khởi lên. Luôn nhận thức rõ từng tâm niệm, đó là khởi chánh niệm theo Vipassana: Niệm giận, thì biết là niệm giận; niệm yêu, thì biết là niệm yêu; niệm ghét, thì biết là niệm ghét; niệm lo, thì biết là niệm lo; niệm buồn thì biết là niệm buồn; niệm sợ, thì biết là niệm sợ; niệm ghen, thì biết là niệm ghen; niệm muốn đi, thì biết là niệm muốn đi; niệm muốn nằm, thì biết là niệm muốn nằm; niệm muốn ngồi học, thì biết là niệm muốn ngồi học; niệm lười muốn nghỉ, thì biết là niệm lười muốn nghỉ…

Đơn giản hơn, Viapassana là NGHĨ, LÀM HAY SỐNG CÁI GÌ THÌ BIẾT RÕ ĐANG NGHĨ, ĐANG LÀM HAY ĐANG SỐNG CÁI NẤY, với tất cả ý thức, chứ không mù mờ, không lừa dối, không gặp đâu sống đó, không để cho những chủ quan và thành kiến cứ mãi dẫn dắt thúc đẩy mình đi. Luôn nhạy bén với chính mình và trung thực với chính mình, dám nhìn thẳng và gọi tên cho chính xác những gì dù ẩn kín bên trong của mình, đó là Vipassana.

Nhạy bén với mình mãi như vậy, tức thực hành chánh niệm Vipassana liên tục bền bỉ như vậy, hành giả sau một thời gian, sẽ như lặn sâu xuống cả một đại dương tâm thức. Sẽ có những loại niệm của quá khứ liên tục trở về. Chẳng hạn, có người rất hay tức tối nóng giận, có người lại thường xuyên buồn bã tủi thân, có người thấy mình thường xuyên khoác lác hoặc thường xuyên hướng chiều về tham dục. Đến đây, điều quan trọng là hành giả KHÔNG SỢ HÃI và cũng KHÔNG KHINH CHÊ GHÉT BỎ những tâm niệm ấy. Hành giả PHÂN TÍCH và NHẬN ĐỊNH chúng, và thấy rõ rằng tuy những loại tâm niệm ấy luôn lập đi lập lại, nhưng rõ ràng chúng đến và đi, đi rồi đến, sau đó, lại đến và đi, rồi lại đi và đến… Rõ ràng chúng luân hồi trong mình, chúng đến và đi cách vô thường trong mình, chứ những tâm niệm ấy không phải là chính mình, không phải là căn cốt của hiện hữu của mình. Những tâm niệm ấy, chúng nương gá vào mình, chúng sống chung với mình. Và một khi ta biết rõ chúng chỉ là khách trọ, là người tạm trú, nay đến rồi mai đi, nay đi rồi mai đến, ta sẽ thản nhiên đón nhận nhưng cũng thản nhiên để không quan trọng hoá chúng nữa.

Thực hành Vipassana, những điểm giáo lý phương tiện của Phật sẽ xuất hiện rất rõ ràng, khác hẳn với những khi ta ngồi yên mà săm soi lý thuyết: Tứ Diệu Đế (Khổ Tập Diệt Đạo) được chứng nghiệm bằng tất cả thân tâm: Nhờ thực hành chánh niệm Vipassana (Đạo Đế, đặc biệt là chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định), ta càng lúc càng rõ ra được cái tôi giả tạo đầy những mãnh lực của ba nghiệp tham sân si ngấm ngầm luôn thu tích, phân biệt, loại trừ và phòng vệ (Tập Đế) vốn là nguồn cội của phiền não khổ đau. Và cũng thế, một khi càng biết rõ từng tâm niệm của mình, biết được mọi tâm niệm đều vô thường, vô ngã, nhân quả, duyên sinh, ta chứng nghiệm được sự an lạc niết bàn THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH, cũng là tình trạng nội tâm đầy TỪ, BI, HỈ, XẢ của Chân Tâm với những năng lực dạt dào BI, TRÍ, DŨNG.một cuộc liên tục “thờ lạy trong Tinh Thần và Chân Lý”. Cuộc hành trình nội tâm về với Lời này, là cuộc chuyển hóa “lời người” ồn ào, vọng động, nô lệ, ích kỷ, mà trở về với “LỜI CHÚA” mà Phật Giáo, bằng tất cả con đường tự nhiên, tạm gọi là Chân Tâm, là Như Lai, là Giác Tánh vốn tiềm tàng trong bản thân và trong toàn thể vũ trụ.

Nguồn: https://tsthdm.blogspot.com/2023/07/thien-vipassana-thien-minh-sat-tue.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here