Thiên Chúa Trong Isaia: Thiên Chúa Chọn (4)

0
2060


 

THIÊN CHÚA TRONG ISAIA

GOD IN ISAIAH

Tác giả: Pamela  A. Foulkes

Chuyển ngữ: Piô Phan Văn Tình

***

 

***

THIÊN CHÚA CHỌN

I. DÂN ĐƯỢC CHỌN

Đối với các tác giả sách Isaia, sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại đều có một mục đích chính. Chúng ta tìm thấy điều này trong việc giải thích dành cho quyền hạn thiêng liêng của vua Kyrô như một khí cụ khả dĩ thay đổi lịch sử. Thiên Chúa đã làm như vậy:

“Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp,

và của người Ta chọn là Israel,

Ta đã gọi ngươi đích danh,

đã ban cho ngươi một tước hiệu,

dù ngươi không biết Ta” (45,4).

Tất cả mọi lịch sử được nhìn nhận là một diễn tả về sự chăm sóc của Thiên Chúa Israel:

“Vì chính Ta là Đức Chúa,

Thiên Chúa của ngươi thờ,

là Đức Thánh của Israel, Đấng cứu độ ngươi.

Ta đã thí Ai-cập làm giá chuộc ngươi về,

nộp Cút và Xơ-va để đổi lấy ngươi.

Vì trước mặt Ta, ngươi thật quý giá,

vốn được Ta trân trọng và mến thương,

nên Ta đã thí bao người để đổi lấy ngươi,

nộp bao dân nước thế mạng ngươi” (43,3-4).

Israel là một dân tộc trong lịch sử được các ngôn sứ công nhận là công trình sáng tạo của Thiên Chúa:

“Nhưng bây giờ, đây là lời Đức Chúa phán,

lời của Đấng tạo thành ngươi, hỡi Gia-cóp,

lời của Đấng nắn ra ngươi, hỡi Israel:

Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về,

đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi:

ngươi là của Ta!” (43,1).

Các ngôn sứ quả quyết rằng dân Chúa được tạo thành cả chung lẫn riêng, giống như đất sét được thợ gốm nặn, đúc thành một chiếc bình, lọ:

“Người đã phán: ‘Thật chúng là dân của Ta,

là những đứa con không biết lừa dối!’

và đối với họ, Người đã là một vị cứu tinh” (64,8).

Trong trường hợp của họ, thợ gốm chính là Thiên Chúa. Sự hiện hữu của họ tùy thuộc vào Đấng mà họ gọi là “Cha”.

Các ngài tin rằng Israel chính là sở hữu kỳ diệu dành cho Thiên Chúa. Dân Chúa được đưa về từ những miền đất khác trong quá khứ xa xôi để rồi Thiên Chúa sẽ tạo nên một cộng đoàn mới:

“Nhưng phần ngươi, hỡi Israel, tôi tớ của Ta,

hỡi Gia-cóp, kẻ Ta tuyển chọn,

dòng dõi Abraham, bạn của Ta,

Ta đã nắm chặt lấy ngươi,

đưa ngươi từ cùng tận trái đất,

kêu gọi ngươi từ những miền xa thẳm.

Ta đã nói với ngươi: Ngươi là tôi tớ Ta,

Ta đã chọn ngươi, Ta đâu ruồng bỏ.

Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi.

Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi.

Ta đã cho ngươi vững mạnh,

Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta” (41,8-10).

Ở đây vị ngôn sứ nhắc cho họ biết nguồn gốc của mình trong lịch sử về tổ tiên vĩ đại của họ là Abraham, cùng với Sarai vợ mình đã được Thiên Chúa kêu gọi từ miền đất cũ xưa là Ur thuộc những người Can-đê và biến ông trở thành người mang lại lời hứa và chúc phúc cho muôn thế hệ đến đó:

“Thế là trái đất cùng với thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St12,1-2).

Chắc chắn Israel vẫn là người mang theo lời hứa và phúc lành thiêng liêng này, nhờ vậy họ được thêm tin tưởng vững vàng.

Niềm tin của Israel trong sự chọn lựa trở thành sở hữu riêng của Thiên Chúa không có ý đòi hỏi phải là dân tộc siêu đẳng. Môsê nói với dân trước khi họ vào đất hứa:

“Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân” (Đnl 7,7).

Đây là một nhận thức thực sự rằng: vì họ là một dân tộc nên họ được mời gọi gánh vác những trách nhiệm trong mối tương quan với Thiên Chúa, và để sống những quy luật của tương quan ấy. Những luật lệ này rõ ràng đã được Môsê công bố. Họ hiện hữu là để yêu mến Thiên Chúa và để giữ các lệnh truyền của Người (Đnl7,9). Nếu như các điều kiện này được thực hiện thì mọi phúc lành mà Thiên Chúa đã hứa sẽ không ngừng tuôn trào xuống trên họ.

Điều quan trọng cần chú ý là mối tương quan giữa Israel và Thiên Chúa luôn luôn được hiểu là do Thiên Chúa khởi xướng chứ không phải do dân. Thiên Chúa mà Isaia loan báo là Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta; Ngài tìm kiếm chúng ta và an bài thỉnh cầu chúng ta, chúng ta có muốn hay không muốn? Chính Thiên Chúa đã chọn Abraham và gọi ngài đi vào một tình bạn, sẽ không còn con đường nào khác hơn được nữa. Abraham đáp trả bằng cách đi theo tiếng gọi dưới sự hướng dẫn của đức tin. Sách Sáng Thế cho chúng ta hay: “Vì Abraham đã ra đi như lời Đức Chúa đã bảo ông” (St12,4). Dưới con mắt của các ngôn sứ thì đây là bổn phận của Israel; cần phải mở ra cho lời mời gọi của Thiên Chúa, chăm chú lắng nghe lời của Thiên Chúa đòi hỏi và vâng phục với lòng trung thành và yêu mến.

Thiên Chúa đã ngỏ lời đặc biệt với dân Người trong Isaia II như sau: “Ta đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi, ngươi là của Ta” (43,1). Thời xưa, gọi bằng chính danh là quyền đặc biệt của người chủ dành cho người được gọi. Ở câu chuyện Sáng Thế thứ hai trong sách Sáng Thế, tất cả các tạo vật trên mặt đất đều được đem tới trước mặt Ađam để ông đặt tên cho, cho nên mới xác nhận được quyền cai quản thú vật trên thế giới đã được ban cho nhân loại (St2,19-20). Thường thường trong các câu chuyện của Israel, chúng ta thấy một tên mới được ban tặng trong nhận thức về một vận mệnh mới do Thiên Chúa điều khiển. Do vậy, Abram được đặt cho một cái tên mới là Abraham khi Thiên Chúa lập giao ước lời hứa với ông trong sách Sáng Thế đoạn 17. Và vợ ông là Sarai được Thiên Chúa đặt lại tên là Sara vì lẽ bà phải khởi đầu một vai trò mới là mẹ của Israel (St17,15-16).

II. DÂN TƯ TẾ

Có một yếu tố được xem xét trong sự hiểu biết riêng tư của Israel, là một dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Mối tương quan không phải không có mục đích. Mọi dân tộc đều thuộc về Thiên Chúa, nhưng Israel được gọi là để cho một vận mệnh đặc biệt. Điều này diễn tả rõ ràng nhất trong lời Thiên Chúa truyền cho Môsê nói với dân tại núi Sinai, sau khi thoát khỏi vua Pharaô và quân lực của người Ai-cập:

“Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập như thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim Bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thật sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Israel” (Xh 19,4-6).

Lời tuyên bố này không phải là một sự cao quý dành cho một tầng lớp riêng. Đây là một lời mời gọi sống theo lệnh truyền trong tương quan với Thiên Chúa. Chức năng tư tế của họ sẽ được kiện toàn nhờ đời sống phục vụ Thiên Chúa. Sự thánh thiện của họ sẽ được bày tỏ qua sự kính sợ và tuân phục đối với Đấng đã kêu gọi họ.

Lời mời gọi đặc biệt này đối với sự thánh thiện được nhắc lại trong phần cuối của sách Isaia. Điều này vẫn được duy trì đối với những người trở về từ cuộc lưu đày như một phần của dự phóng tương lai:

“Còn anh em, anh em sẽ được gọi là

‘tư tế của Đức Chúa’,

người ta sẽ gọi anh em là

‘người phụng sự Thiên Chúa chúng ta’.

Phú quý vinh hoa của chúng,

anh em sẽ được hưởng” (61,6).

Nhờ trở về với sự thánh thiện tư tế, sống vâng phục và phụng thờ Thiên Chúa, mà Israel sẽ đứng vững như chứng tá cho quyền lực thiêng liêng và lòng nhân hậu trước mặt mọi dân tộc.

Vị ngôn sứ nhắc lại một lời hy vọng của vị tiền bối là Isaia I, người đã công bố trong cảnh sầu thương mà Thiên Chúa nhắc cho họ nhớ lại:

“Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ,

đã tăng thêm nỗi vui mừng.

Họ mừng vui trước nhan Ngài

như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt,

như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm” (9,2).

Ngài đã gọi dân thời đại ngài với niềm hoan hỷ:

“Đứng lên, bừng sáng lên!

Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.

Vinh quang của Đức Chúa

như bình minh chiếu tỏa trên ngươi.

Kìa bóng tối bao trùm mặt đất,

và mây mù phủ lấp chư dân;

còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa,

vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.

Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,

vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (60,1-3).

Bởi thế, vận mệnh của những người được mời gọi và phúc lành sẽ được viên mãn, họ sẽ trở thành những người mang ánh sáng của Thiên Chúa đến cho toàn thế giới.

Nhờ phép rửa, chúng ta được mời gọi chia sẻ phúc lành từ tình bạn của Thiên Chúa cùng với Israel. Thiên Chúa đã mời gọi Abraham và Sara cũng sẽ tiếp tục mời gọi chúng ta đi vào một mối tình. Chúng ta cũng được mời gọi mở lòng ra trước lời mời đó, mở lòng trí để biết Thiên Chúa muốn gì nơi chúng ta khả dĩ giúp chúng ta đáp trả trong lòng tin và yêu mến. Chúng ta cũng được mời gọi trở thành một dân tư tế và một dấu chỉ ánh sáng Thiên Chúa trong thế gian; một dân tộc mang trên mình chứng tá niềm vui đối với tình yêu thiêng liêng.