Thiên Chúa ngươi ở đâu?

0
540

Thiên Chúa ngươi ở đâu?

Vài tiền đề cho suy tư thần học về lịch sử vào đầu thế kỷ XXI

Juan Alberto Casas Ramírez[1]

Trích Thời sự Thần học, Số 72 – Chủ đề: Thần học lịch sử

——————-

I. Những tiền đề của sử học.

1/ Các nhân tố của lịch sử.
2/ Không có sự kiện, chỉ có giải thích.
3/ Quan niệm cận đại về lịch sử chịu ảnh hưởng của Kitô giáo.
4/ Nhiều trang sử được viết bởi kẻ thắng trận.

II. Những cái nhìn khác nhau về tương quan giữa Thiên Chúa và lịch sử

A. Mô hình tha lực
B. Mô hình tự lực
C. Mô hình thiên lực

III. Thiên Chúa hành động trong lịch sử như là lịch sử

Kết luận. “Thiên Chúa ngươi ở đâu?”: Thiên Chúa nào?

————–

Thánh vịnh 42 ghi lại lời than khóc của một tư tế giữa cảnh lưu đày ở Babilonia, khi đền thờ đã bị tàn phá, khi nghe quân thù chế nhạo: “Thiên Chúa ngươi ở đâu?” (câu 4.11). Trải qua dòng lịch sử, câu hỏi này vẫn tiếp tục thách thức biết bao người tín hữu về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa những thiên tai, chiến tranh, bất công xã hội… Xem ra phản ứng đơn giản hơn cả là phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa: “chẳng có Thiên Chúa nào hết!” Nhưng người tín hữu chân thành tìm cách suy nghĩ về đường lối hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử, không phải một thứ suy tư trừu tượng, nhưng cố gắng khám phá trách nhiệm của mình trong lịch sử. Tuy nhiên, để có một cái nhìn đúng đắn, chúng ta cần xác định lại vài tiền đề: 1/ Lịch sử là gì? 2/ Những cái nhìn khác nhau về tương quan giữa Thiên Chúa và lịch sử nhân loại.

I. Những tiền đề của sử học

Từ xưa, người Rôma đã phân biệt giữa lịch sửsử học: “lịch sử” (res gesta) là những biến cố đã xảy ra trong quá khứ; “sử học” (historia) là việc ghi lại, mô tả những biến cố ấy[2]. Nhờ “sử học” mà các biến cố không bị rơi vào quên lãng nhưng trở nên thực tại sống động. Có điều là trong tiến trình đưa biến cố quá khứ về với hiện tại, “lịch sử” đã được “sử học” luyện lọc.

Vào thời nay, người ta cũng phân biệt giữa “lịch sử” (histoire) và “sử ký” (historiographie). Môn sử học đã được kiện toàn thành một khoa học (thuộc ngành nhân văn xã hội), nhưng đồng thời các nhà sử học cũng ý thức rõ hơn về những giới hạn của mình. Thiết tưởng nên ghi nhận bốn điểm liên quan đến bản tính của sử học và những cách thức tiếp cận lịch sử.

1. Những nhân tố của lịch sử

Theo giáo sư Bermejo[3], trong tiến trình viết sử, cần phân biệt các nhân tố cơ bản sau đây: không gian, thời gian, tiến trình, tác nhân, nguyên nhân và ý nghĩa. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn chú trọng đến ba nhân tố: hai nhân tố khách quan và một nhân tố chủ quan. Các yếu tố khách quan là: “thời gian” và “không gian”, ấn định khung cảnh của biến cố; tuy nhiên, thời gian và không gian chỉ có ý nghĩa cụ thể khi được ghi chép, giới hạn và thuật lại nhờ một yếu tố chủ quan là “tác nhân” hoặc trung gian.

Như thế, thời gian và không gian gặp gỡ nhau nhờ sự tham gia của những con người trở thành nhân vật chủ chốt của biến cố, của những con người “làm nên lịch sử” hoặc “thuật lại lịch sử”. Vì thế, sự phân chia giữa “tiền sử” và “lịch sử” không phải là không có lý do. Thực vậy, tiêu chuẩn của sự phân chia này là sự xuất hiện chữ viết, đánh dấu một giai đoạn mới trong ý thức của con người: ý thức thân phận hữu hạn của mình, con người muốn vượt lên trên dòng thời gian, tìm cách lưu lại những dấu hiệu của nếp sống và ý nghĩ của mình.

Vì thế, trước hết, lịch sử do con người tạo ra. Tuy rằng người ta nói đến “lịch sử thiên nhiên” (hay lịch sử tự nhiên: histoire naturelle) của loài động vật hay thảo mộc; nhưng nói đúng ra, loài vật không làm và cũng không thể làm lịch sử, mà chỉ có con người viết lại lịch sử của chúng hoặc ghi lại ảnh hưởng của chúng đối với nhân loại.

2. Không có sự kiện, chỉ có giải thích

Như hệ luận của tiền đề thứ nhất, cần phải khẳng định rằng không có lịch sử thuần túy, một thứ lịch sử khách quan. Mọi lịch sử đều đã được thanh lọc qua cặp kính “giải thích”. Vì thế cần phải sửa lại quan niệm về tính khách quan của lịch sử như người ta thường nghĩ. Không có sự kiện “thô” nhưng chỉ có những sự kiện đã được “lọc”. Tiền đề thứ hai đã được ông Nietzche phát biểu rất chí lý: “Không có sự kiện, chỉ có giải thích”[4].

Vì thế, đứng trước một thực tại, chúng ta gặp thấy nhiều lối giải thích và nhiều viễn cảnh khác nhau. Thực tại lịch sử đã qua đi mất rồi. Sử gia tìm cách dựng lại nó nhờ những dữ kiện đã được ghi lại (nhật ký, hồi ký) hoặc qua những di tích (luật pháp, kiến trúc, vv). Dĩ nhiên, có nhiều sự kiện đã không được ghi lại; và những chứng tích thu thập được cũng cần được phân tích và giải thích để người thời nay có thể hiểu được ý nghĩa của chúng. Như vậy sự kiện đã trải qua một đợt thanh lọc thứ nhất khi nó được ghi lại; nó lại phải trải qua một đợt thanh lọc thứ hai khi được nhà sử học khám phá và giải thích. Cả người ghi chép lẫn người giải thích đều mang trong đầu óc một vài “tiên kiến” (pre-comprehension) nào đó.

3. Quan niệm cận đại về lịch sử chịu ảnh hưởng của Kitô giáo

Nếu chấp nhận rằng lịch sử  chịu lệ thuộc vào sự giải thích, thì cần phải tiến thêm một bước nữa: quan niệm cận đại về lịch sử (bên châu Âu) chịu ảnh hưởng của quan niệm về thời gian của Kitô giáo.

Quan niệm này được phản ánh nơi Kinh thánh của truyền thống đạo Do thái và Kitô, được khai triển bởi các giáo phụ của các thế kỷ đầu tiên, và được du nhập vào văn hóa Tây phương từ thời hoàng đế Constantinô. Quan niệm ấy đã dần dần thay thể quan niệm cổ điển của văn hóa Hy-lạp. Người Hy-lạp thời xưa quan niệm thời gian theo chu kỳ xoay vòng, trong đó con người cứ phải lặp đi lặp lại định mệnh của mình, mà các thần linh đã ấn định. Trong bối cảnh này, lịch sử đã được tiền định, không còn chỗ đứng cho tự do của con người: giả như con người có vùng vẫy đi nữa, thì rút cục cũng là để thực thi điều đã được xếp đặt rồi. Trái lại, Kitô giáo quan niệm thời gian theo đường thẳng, với một khởi điểm và đích điểm, chứ không quay ngược lại.

Nói cho đúng, trải qua hai mươi thế kỷ, Kitô giáo cũng đã trình bày nhiều mô hình khác nhau về lịch sử. Chẳng hạn như nơi vài giáo phụ, ta gặp thấy quan niệm hình chữ U. Vào lúc khởi đầu, con người được tạo dựng trong tình thân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng sau đó đã sa ngã vì tội lỗi; đức Kitô đã cứu chuộc và nâng con người đứng lên, và mở đường cho nó trở về tình trạng thánh thiện nguyên thủy. Mục đích của lịch sử cứu độ là hồi phục tình trạng nguyên tuyền. Thế nhưng, vào những thế kỷ gần đây, quan niệm này đã bị chao đảo bởi thuyết tiến hóa của Darwin, theo đó lịch sử là một cuộc tiến hóa từ bất toàn đến hoàn hảo, chứ không phải là sự thoái hóa từ tình trạng hoàn thiện nguyên thủy. Để trả lời thách đố ấy, cha Teilhard de Chardin muốn mở rộng tầm nhìn sang lịch sử của toàn thể vũ trụ (chứ không phải chỉ riêng loài người), và trình bày dòng lịch sử như một cuộc tiến đến điểm Omega, thời viên mãn, khi muôn loài được quy tụ dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô (x. Ep 1,10)[5]. Ngày nay, người ta đặt lại vấn đề: phải hiểu thế nào là quan niệm thời gian theo đường thẳng? Phải chăng chỉ có lên (tiến hóa) chứ không có xuống (thoái hóa)? Hay là nên hình dung nó như đợt sóng (lên lên xuống xuống, ba chìm bảy nổi), chịu ảnh hưởng của cả ân sủng và tội lỗi[6]?

4. Nhiều trang lịch sử được viết bởi kẻ thắng trận

Trên đây, chúng ta đã nói rằng không có sự kiện lịch sử thuần túy mà chỉ có những giải thích lịch sử. Sự kiện bị thanh lọc bởi người ghi lại và bởi người giải thích. Vào thời buổi hôm nay, sau kinh nghiệm của những chế độ bá quyền thế giới, thiết tưởng cần thêm một nhận xét nữa: mỗi chế độ muốn áp đặt một cái nhìn về lịch sử theo nhãn quan của mình, chứ không chừa chỗ cho những nhãn quan khác. Lịch sử được viết bởi phe cầm quyền, và họ muốn xóa bỏ mọi tàn tích của phe bại trận: chỉ người thắng trận mới “làm nên” lịch sử. Hẳn nhiên, cái nhìn của phía bên kia thì hoàn toàn trái ngược: những cuộc tranh đấu (dù thắng dù bại) cũng làm nên lịch sử[7].

II. Những cái nhìn khác nhau về tương quan giữa Thiên Chúa và lịch sử

Trong tác phẩm Otro cristianismo es posible, linh mục Roger Lenaers S.J.[8], có lẽ chịu ảnh hưởng của Paul Tillich[9], đã cho thấy sự thay đổi của não trạng con người từ thế kỷ XVI trong quan niệm về tương quan với Thiên Chúa. Tác giả sử dụng ba từ ngữ để ám chỉ ba giai đoạn: tha lực (heteronomia), tự lực (autonomia), thiên lực (theonomia)[10]. Thời xưa, trong giai đoạn “tha lực”, con người xem thế giới thiên nhiên của chúng ta lệ thuộc vào thế giới siêu nhiên của các thần linh; các thần linh từ trời cao tác động vào thế giới loài người. Nhờ sự tiến triển của khoa học, con người đạt được sự “tự lực”: họ khám phá sự vận hành các định luật tự nhiên, và có thể điều khiển các sự kiện mà không cần đến sự can thiệp của thần thánh nào hết. Trong bối cảnh mới này, cần phải đặt lại vấn đề trình bày các chân lý đức tin cũng như cách thức sống đạo. Chúng ta sẽ điểm qua những nét chính trong cách thức quan niệm về tác động trong lịch sử dựa theo mỗi giai đoạn vừa kể.

A. Mô hình tha lực

Điểm căn bản trong quan niệm này là giả thiết có hai thế giới song song: thế giới “tự nhiên”, trái đất, vũ trụ vật lý; thế giới này lệ thuộc vào thế giới “siêu nhiên”, trên trời, nơi Thiên Chúa ngự trị cùng với các thiên thần và các thánh.

Như thế Thiên Chúa hoàn toàn cao vời và xa cách trần thế. Mọi sự trong thế giới “tự nhiên” hay “siêu nhiên” xảy ra theo kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa cao vời, Đấng đã hoạch định tất cả. Lịch sử đã được thiết lập trước khi nó xảy ra, và tất cả đã được ấn định, không thể nào thay đổi được. Trong bối cảnh như vậy, người ta quen hình dung những sự can thiệp của Thiên Chúa như sau.

1. Những cuộc can thiệp của Thiên Chúa được coi là “phép lạ”, bởi vì Thiên Chúa toàn năng, vượt lên các định luật vật lý tự nhiên. Nguy cơ là phép lạ dễ bị lẫn lộn với ma thuật (bởi vì mối tương quan nhân quả không hiển nhiên), và thường được sử dụng để thu hút tín đồ (vào tôn giáo, giáo phái, hoặc phong trào).

2. Mọi sự việc trên đời đã được tiền định: mạng sống cá nhân cũng như định mệnh nhân loại, sứ mệnh và thậm chí số phận tương lai đều đã được xếp đặt. Một lối nhìn như vậy mang theo tâm trạng tất định, nhắm mắt buông trôi theo định mệnh, chứ không tìm cách cải thiện. Não trạng ấy cũng là mảnh đất phì nhiêu cho những sứ điệp tiên tri về tai ương khủng khiếp của ngày tận thế. Các người tín hữu vô tình quên rằng Thiên Chúa đã ban cho con người khả năng tự do để làm thay đổi dòng lịch sử.

3. Một quan niệm ngây ngô về sự an bài của Thiên Chúa, miễn cho con người khỏi đảm nhận sáng kiến và trách nhiệm đối với cuộc đời của mình, của xã hội. Khi giải thích theo chữ đen một vài đoạn văn Kinh thánh (G 1,21; Tv 138; Mt 6,25-33; 10,29-31; Lc 12,22-32), người ta xác tín rằng mọi sự trên đời (kể cả tai ương, bệnh tật, đau khổ, bất công) xảy ra là “do Chúa muốn như vậy”, “Chúa biết công việc mà ngài làm”. Vì thế, thái độ của con người là chấp nhận số phận (an phận), yên vui trong cảnh nghèo khổ.

4. Nếu thời gian đã được xếp đặt đâu vào đấy, thì việc trông đợi những vị cứu tinh là điều dễ hiểu. Người ta mong chờ những lãnh đạo tôn giáo, những lãnh tụ chính trị, những nhà cách mạng, đến để cứu dân. Đó đây, người ta tuyên truyền rằng một nhân vật nào đó xuất hiện như “thiên sai” (sứ giả nhà trời) để giải thoát nhân dân khỏi cảnh áp bức. Những ai chấp nhận các nhân vật thì đặt tất cả niềm tin tưởng vào họ, nhắm mắt để cho họ dìu dắt. Ngược lại, những ai dám đặt nghi vấn về sự sùng mộ của nhân dân thì sẽ bị xã hội lên án và loại trừ.

5. Tình trạng nghèo đói (của đa số) và giàu sang (của một thiểu số) được chấp nhận như là ý Chúa muốn. Não trạng đó đã biện minh chế độ nguyên trạng (statu quo), chấp nhận mọi quyền bính, dù là của các vua chúa thời xưa hoặc các lãnh tụ thời nay. Chính quyền đã nhận được mệnh trời để cai trị: nhân dân phải tùng phục quyền bính như tuân phục Thiên Chúa. Đoạn văn Tân ước (Rm 13,1-7) thường được trưng dẫn để ngăn ngừa mọi cuộc cách mạng chính trị xã hội.

6. Cũng theo lập luận ấy, người ta tin vào công lý của Trời : những tội phạm trên đời này mà chưa bị trừng trị xứng đáng thì sẽ bị Thiên Chúa xét xử. Thiên Chúa là Đấng công minh, sẽ ban thưởng cho người lành (mà hiện đang bị đối xử bất công), và trừng phạt quân gian phi xứng với tội ác mà họ đã gây ra. Tuy đôi khi Thiên Chúa đã ra hình phạt ngay từ đời này (chẳng hạn những thiên tai, dịch tễ), nhưng dù thế nào đi nữa, công lý sẽ được thực hiện ở đời sau, ở thế giới bên kia.

Đứng trước công lý của Thiên Chúa, ai mà chẳng run sợ? Tâm thức của nhiều người gắn liền thiên tai, bệnh tật với hình phạt dành cho tội lỗi. Từ đó không lạ gì, người ta tổ chức những nghi lễ “ đền tội” hoặc một công tác tốt lành nào đó (hành hương, bố thí) ngõ hầu xoa dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.  Điều trớ trêu là đôi khi người ta tuân giữ cách tỉ mỉ các “nghi thức đền tội”, nhưng lại chẳng quan tâm đến việc thay đổi nếp sống.

7. Ngoài ra, người ta giả thiết sự phân biệt giữa cái thánh thiêng và cái phàm tục. Đó là hai “khu vực” tách rời nhau. Từ đó, người ta tìm cách xác định những nơi thánh, đồ vật thánh, hành vi thánh, và những con người thánh. Khu vực thánh thiêng được tách rời khỏi khu vực phàm tục, trở thành bất khả xâm phạm. Từ quan điểm tách rời hai lãnh vực “thiêng” và “tục”, vài phong trào tôn giáo đi đến thuyết nhị nguyên (chẳng hạn phong trào Manikê), coi thế giới này được cai quản bởi hai lực lượng đối nghịch: thần lành (thiện) và thần dữ (ác), hoặc đồng hóa tinh thần với cái tốt và vật chất với cái xấu.

8. Sự phân chia vừa nói lôi kéo theo quan niệm rằng thế giới hiện tại chỉ là tạm bợ, một giai đoạn chuẩn bị cho hạnh phúc vĩnh hằng ở “quê hương trên trời” (xem 1Pr 1,17; 2,11; 2Cr 5,1-8; Cl 3,1-4; Pl 3,20). Nhiều người nghĩ rằng cuộc chuẩn bị này cam go kham khổ, nơi mà những đau khổ hiện tại có giá trị thanh luyện linh hồn để gặp gỡ Thiên Chúa. Xét vì trần gian là nơi “lưu đày”, “vũng nước mắt” mà ta phải kiên nhẫn chịu đựng, cho nên không ai nghĩ đến việc cần thiết phải ra công chăm sóc, phát triển nó.

9. Sau cùng, người ta tin rằng lịch sử có một cứu cánh và tận cùng. Nhiều người còn tiên đoán ngày tận thế, ngày mà thế giới sẽ bị hủy diệt tan tành bằng một đại họa hồng thủy, hoặc cơn nắng lửa mưa dầu. Sau đó, thế giới và lịch sử sẽ được thay thế bởi một thực tại hoàn toàn mới mẻ, khác hẳn thế giới mà chúng ta nghiệm thấy. Mặc dù đôi khi tư tưởng này dựa trên hình ảnh của Kinh thánh về trời mới và đất mới, nơi công lý ngự trị (2Cr 5,2; 2Pr 3,13), nhưng trên thực tế, người ta mang một não trạng “khải huyền” (apocalyptic), chỉ nghĩ đến cảnh tượng điêu tàn của thế giới và lịch sử.

Đứng trước viễn ảnh ấy, thái độ của con người đối với lịch sử sẽ như thế nào? Có thể có hai thái độ căn bản: kiên nhẫn hoặc trốn thoát.

a/ Kiên nhẫn chịu đựng. Xét vì lịch sử đã được hoạch định và sẽ diễn ra đúng như đã sắp xếp, cho nên con người đành khoanh tay, cúi đầu chấp nhận. Sự chất vấn hoặc chống đối bị coi như cưỡng lại ý Chúa.

b/ Trốn tránh thực tại. Xét vì con người hoàn toàn bất lực, không thể nào thay đổi dòng lịch sử, cho nên ta chỉ còn biết ngước mắt lên trời, tìm chỗ ẩn náu ở trên cao. Đứng trước câu hỏi “Chúa ngươi ở đâu?” được nêu lên bởi những nạn nhân của bất công bạo lực, người ta trả lời: “Chúa chúng ta ở trên trời cao” (xa xôi với loài người, lại càng xa cách hơn nữa với những kẻ tội lỗi); Ngài cho phép xảy ra cảnh tượng một số người dư thừa của cải đang khi đa số lâm cảnh vất cả lầm than, theo một chương trình khôn ngoan nhiệm mầu. Để trả lời cho những đám dân bị áp bức, người ta trưng dẫn lời giảng của các ngôn sứ: Thiên Chúa trừng phạt dân của ngài; ngài bỏ rơi dân vào tay kẻ thù địch bởi vì họ đã từ bỏ giao ước[11]. Đó cũng là luận điệu của các bạn hữu của ông Gióp (G 4-5;8;11;15;18;20;22;25;32;34): trước sự rên siết của người lầm than, họ cố gắng thuyết phục để ông ta nhận ra tội lỗi của mình; đó là hình phạt xứng với những tội của ông, vì thế ông hãy biết ăn năn và tin tưởng vào Thiên Chúa.

B. Mô hình tự lực

Theo cha Lenaers, mô hình tha lực đã gặp khủng hoảng bên châu Âu từ thế kỷ XVII với trào lưu Ánh sáng, và từ thế kỷ XIX, với sự phát triển của thuyết luận lý thực nghiệm, triết học phân tích và học thuyết vô thần. Hai câu châm ngôn đã đánh dấu khúc ngoặt này: một của ông Newton và các khoa học thực nghiệm, một của ông Kant và lý trí thực tiễn:

1- Thiên nhiên tuân theo những định luật riêng của nó. Các định luật này xảy đều đặn, mà ta có thể đo lường, tiên đoán và kể cả điều chỉnh. Chúng ta có thể hiểu biết thiên nhiên mà không cần đến một Thiên Chúa can thiệp vào đó.

2- Hành động con người được quyết định bằng việc tuân theo nghĩa vụ mà chủ thể đã tự do chấp nhận. Trong cách cư xử, không có luật lệ do bên ngoài đặt ra; chỉ có những mệnh lệnh bắt buộc mà chủ thể đã lựa chọn làm quy chuẩn cho hành động của mình.

Như thế, đối với khoa học, ta có thể giải thích vũ trụ mà không cần nại đến một đệ nhất nguyên nhân để lý giải sự hiện hữu và tiến trình của nó[12]. Ngoài thế giới hiện tại này, chẳng có “thế giới bên kia” nào khác mà số phận của chúng ta phải lệ thuộc. Tự do của con người đòi hỏi rằng không thể có Thiên Chúa toàn năng, bởi vì đôi bên không thể nào chung sống với nhau được; vì thế nếu phải chọn lựa, ta cần phải khẳng định tự do con người và phủ nhận Thiên Chúa toàn năng[13]. Hai thỉnh đề này là nguồn mạch của các trào lưu vô thần và các phong trào tục hóa của thời hiện đại.

Trong khung cảnh này, ta có thể hiểu rằng lịch sử có ba động cơ chính, tức là ba chủ thể góp phần vào việc chuyển động và nhào nắn lịch sử[14]:

1. Thiên nhiên với những định luật vật lý. Các biến cố thiên nhiên, kể cả những sự kiện vốn được nhìn như là thiên tai hoặc bệnh hoạn, được giải thích nhờ động lực nội tại của vũ trụ và tác động cộng sinh của các hữu thể ở trong đó, chứ không do một ý định độc đoán của những lực lượng siêu nhiên.

2. Ngẫu nhiên.  Ở đây, ngẫu nhiên không có nghĩa chẳng có liên hệ gì giữa nguyên nhân và hậu quả, hoặc trái nghịch với tất yếu tự nhiên. Sự ngẫu nhiên không hiểu theo nghĩa siêu hình, nhưng là một giả định của tri thức luận. Một khi đã loại trừ ý tưởng tất định tự nhiên, sự ngẫu nhiên là một nguyên tắc khảo cứu: cần phải tìm ra manh mối của những sự kiện mà ta không rõ nguyên nhân. Ngẫu nhiên là một tên gọi chung cho những sự kiện vượt qua khỏi các định luật thông thường theo thống kê[15].

3. Hoạt động của con người. Từ các tiền đề nói trên, ta hiểu được rằng chính con người là tác nhân của lịch sử. Con người hành sử tự do của mình, nhào nặn nên các xã hội, các dân tộc; con người phác họa tương lai cho mình, tìm cách đối phó với những hiệu quả của thiên nhiên và của ngẫu nhiên.

Đang khi mô hình tha lực đặt hoạt động của Thiên Chúa làm động cơ cho hai yếu tố đầu tiên (thiên nhiên / ngẫu nhiên), thì mô hình tự lực khẳng định rằng vận mệnh con người hoàn toàn lệ thuộc vào hai yếu tố ấy, nhưng yếu tố thứ ba (con người) có khả năng biến đổi hai yếu tố trên mà không cần đến sự can thiệp của những sức mạnh bên ngoài.

Từ đó ta không thể nào quả quyết một mục tiêu cho lịch sử (ngược với mô hình tha lực cũng như ngược với các viễn ảnh của các sử quan duy vật dù là tư bản hay cộng sản). Lịch sử, cho dù tiến bộ hoặc thụt lùi đi nữa, tùy thuộc hoàn toàn vào quyết định của con người, cho dù quyết định ấy có trách nhiệm hoặc vô trách nhiệm.

C. Mô hình thiên lực

Vào thời buổi hôm nay, ta không thể nào khư khư duy trì mô hình tha lực cổ truyền được nữa. Khởi đi từ mô hình tự lực, chúng ta cần phải nghĩ lại cách thức Thiên Chúa tác động trong lịch sử; đây là một trong những nỗ lực đáng kể của công đồng Vaticanô II trong hiến chế tín lý về mặc khải Dei Verbum. Ở số 2, văn kiện đã vạch ra một vài yếu tố nền tảng:

1. Đối tượng của mặc khải gồm bởi hai thực tại: bản tính Thiên Chúa (Thiên Chúa là ai?) và ý định của Ngài dành cho con người (Thiên Chúa muốn gì?). Vì thế nếu ai đi tìm những “chân lý mặc khải” nào khác (chẳng hạn vận mệnh các quốc gia, chung cục lịch sử) thì e rằng đã lạc đề.

Công đồng Vaticanô II quan niệm mặc khải không phải là thông truyền các chân lý hoặc công thức mà ta cần phải lặp đi lặp lại, nhưng như là Thiên Chúa tự thông đạt (thông ban chính mình) cho con người trong lịch sử cụ thể. Thiên Chúa vừa là chủ thể vừa là đối tượng của mặc khải. Như vậy Thiên Chúa tự mặc khải qua việc cứu độ trong một khung cảnh lịch sử. Thật vậy, Cựu ước cũng như Tân ước không quan tâm đến bản tính của Thiên Chúa cho bằng những biến cố qua đó Thiên Chúa cứu độ và mặc khải. Thiên Chúa tự mặc khải  qua sự kiện giải phóng khỏi cảnh nô lệ; qua sự kiện dẫn đưa Israel vào Cana; qua sự kiện thiết lập họ thành một dân tộc (Xh 6,6; 7,5; 7,17; 11,4); qua sự kiện cho họ chiến thắng các lực lượng mạnh thế hơn (1Sm 20,13); qua sự  kiện bảo vệ họ khỏi sự đô hộ của những cường quốc lân bang (Ed 39,28; 12,16; 37,12). Qua những sự kiện và nhờ những sự kiện này mà vua Pharao cũng như chư dân “nhận biết Giavê”: họ biết Thiên Chúa không phải nhờ suy tư nhưng là nhờ cảm nghiệm lịch sử.

2. Mặc dù mục tiêu của mặc khải vượt lên trên lịch sử (đó là con người được hiệp thông vào đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa), nhưng mặc khải diễn ra qua những phương tiện của lịch sử (những sự việc và lời nói liên kết chặt chẽ với nhau), với tột đỉnh là việc Lời Chúa nhập thể vào lịch sử, nhờ đó mọi xác phàm được thần hóa và mọi thụ tạo trở nên “ngôi nhà của Lời”[16]. Như vậy, Thiên Chúa không can thiệp vào thế giới như một yếu tố ngoại lai (từ bên ngoài) nhưng ngài tác động từ bên trong thế giới, qua những nhân tố của con người. Hoạt động của Thiên Chúa hòa nhập với những hoạt động tự nhiên của lịch sử; duy chỉ với cặp mắt đức tin, người ta mới nhận ra được sự can thiệp ấy. Lịch sử của Thiên Chúa hòa nhập với lịch sử của con người, tuy không hoàn toàn đồng hóa nên một.

Một hệ luận của niềm xác tín vừa kể là khái niệm “dấu chỉ thời đại” được công đồng Vaticanô II nhắc đến trong hiến chế Gaudium et spes (số 4 và 11): Thiên Chúa tác động trong lịch sử, biến đổi các cơ cấu xã hội  và cứu chuộc chúng ngay từ nội tại[17].

Điều này đòi hỏi người tín hữu hãy biết quan tâm để biết khám phá ra những dấu vết của Thiên Chúa ở trong lịch sử: đây là một sự giải thích của đức tin.

III. Thiên Chúa tác động trong lịch sử như là lịch sử

Như vậy, cuộc Nhập thể, cũng tương tự như việc mặc khải và cứu độ, diễn ra trong lịch sử. Thiên Chúa không tác động từ bên ngoài lịch sử, nhưng ngay từ giữa lòng lịch sử. Dưới viễn tượng này, ta cần phải nhìn lại những cách hình dung về Thiên Chúa dựa theo mô hình tha lực trước đây:

1. Từ một khái niệm về phép lạ như là một biến cố khác thường đối với sự hiểu biết của chúng ta, đến quan niệm phép lạ như là hồng ân của Thiên Chúa tác động để mang lại sự sống dồi dào (x. Ga 10,10). Như vậy, dưới viễn tượng đức tin, chính cuộc sống (biểu lộ tác động tạo dựng liên tục của Thiên Chúa) có thể xem như là kỳ lạ, không những bởi vì Thiên Chúa duy trì sự hiện hữu cho vạn vật, nhưng bởi vì khi con người tự ý đón nhận sự trao ban chính mình của Thiên Chúa, thì nó đã để cho ngài tái tạo và biến đổi ngõ hầu trở nên khí cụ trao ban mình cho những người đồng loại và kiến tạo cộng đoàn (x. Ga 2,20).

2. Từ một quan niệm tất định về tiền định đến chỗ hiểu nó như là một ơn gọi và lựa chọn tự do về phía con người. Như thế, dựa theo tư tưởng của thư Ephêsô 1,5 (“Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Ki-tô”), chúng ta là những thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, được mời gọi hãy trở nên giống như Ngài nhờ ơn làm nghĩa tử mà Đức Kitô trở thành mẫu mực và con đường. Dầu vậy, mỗi người có nhiệm vụ đạt tới trình độ sung mãn ấy bằng cách sống ơn gọi làm con cái Chúa trong điều kiện sinh sống hằng ngày (1Ga 3,9-10; 5,1-2). Đối lại thế giới này sẽ được thăng tiến hoặc bị tiêu diệt, không phải do chương trình tiền định của Thiên Chúa, nhưng bởi khả năng định đoạt của con người, muốn đón nhận hoặc khước từ ý định của ngài.

3. Từ chỗ hiểu quan phòng theo nghĩa là Thiên Chúa bao che phủ lấp, đến chỗ hiểu quan phòng như là sự hiện diện nhân từ của Thiên Chúa. Quan niệm Thiên Chúa từ trời cao xa gửi đến số phận may hoặc rủi, sức khỏe và bệnh tật, được thay thế bởi hình ảnh của Thân phụ Đức Giêsu Ki-tô đứng bên cạnh những kể yếu đuối, những kẻ nghèo túng, những người bị gạt ra bên lề; một người Cha không bỏ rơi con cái mình ngay cả trước sự vấp phạm của thập giá.

Mặc dù Thiên Chúa không mong muốn sự dữ cho bất cứ thụ tạo nào của ngài, nhưng ngài cũng không tránh cũng chẳng loại trừ nó theo kiểu ma thuật. Lòng lân tuất của ngài đi đến tột đỉnh là cho phép kẻ ác đàn áp và bóp chẹt người lành, kể cả đối với người Con của ngài. Thế nhưng, giữa tình trạng bi đát ấy, ngài đã biểu lộ tình yêu và lòng trung tín của mình khi ở lại và chịu đau khổ với các nạn nhân, khi trở nên Emmanuel với họ (xem Is 7,14; Mt 1,23; 28,20), khi kêu gào công lý với những tiếng rên siết và máu vô tội của mình, khi, nhờ Thánh Linh, thúc đẩy họ đi tìm kiếm chân lý và đòi hỏi trả lại phẩm giá.

4. Từ một vị Mêsia lãnh đạo đến một cộng đoàn lấy sự phục vụ làm luật lệ và người bé nhỏ nhất trở thành người lớn nhất (Lc 9,48). Niềm xác tín rằng Đức Ki-tô phục sinh vẫn ở lại trong lịch sử (xem Mt 28,20) và đồng hành với cộng đoàn các tín hữu, giúp ta hiểu rằng công cuộc cứu độ không chỉ tùy thuộc vào một vài nhân vật xuất chúng qua những hành động lẫy lừng, nhưng là công việc của toàn thể cộng đoàn, nơi mà Thần khí của Chúa Ki-tô cư ngụ và hướng dẫn họ trong việc xây dựng một cộng đoàn phục vụ và liên đới.

5. Từ một cuộc đời phó mặc cho số phận đến một cuộc sống hoạt động cho Vương quốc Thiên Chúa trong lịch sử. Khác với các vương quốc hoặc chính thể khác, trong đó chỉ có một người làm vua và tất cả những người khác làm thần dân, trong vương quốc mà Đức Giêsu loan báo không có vua (Người không bao giờ nói rằng Thiên Chúa làm vua), cũng chẳng còn những giai cấp vốn thịnh hành xưa nay (xem Mc 10,42-43); nhưng chỉ có một Cha, mà chúng ta là con cái chứ không phải là thần dân. Vì thế, chúng ta không phải là những người lãnh nhận phần thưởng hoặc hình phạt bởi một nhà vua độc đoán, nhưng là những người lãnh nhận tình yêu vô điều kiện bởi một người Cha của tất cả những kẻ lành người dữ (xem Mt 5,45), và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (xem 2Pr 1,4).

Nếu trong vương quốc Thiên Chúa mối tương quan chính yếu là Cha và con cái, thì đương nhiên, mối tương quan giữa con người với nhau là các anh chị em (xem Mt 5,22-24; 12,50; 23,8-11). Điều này có nghĩa là mối tương quan với Thiên Chúa không chỉ là một tâm tình riêng tư nhưng lôi kéo theo chiều kích xã hội, bởi vì tất cả đều là con cái của ngài và là anh chị em với nhau (xem 1Ga 4,20). Từ đó, mọi chức vụ lãnh đạo và quyền bính cần được quan niệm như là sự phục vụ vô vị lợi (xem Ga 13, 12-16).

6. Từ một quan niệm công bình quả báo đến tương quan tự do với Thiên Chúa là Cha. Mô hình tự trị cho thấy rằng đang khi thế giới tự nhiên vận hành theo vài định luật vật lý có thể xác định được, thì con người, tuy cũng bị chi phối bởi định luật tự nhiên nhưng hành động theo tự do, và lãnh trách nhiệm đối với các hành vi của mình. Một cách tương tự như vậy, ta không thể nào quan niệm một thế giới hoàn toàn được điều khiển bởi quy luật quả báo (xem Ga 9,1-3), hoặc quan niệm những nỗi bất hạnh như là hình phạt dành cho kẻ dữ và sự thịnh vượng như là phần thưởng dành cho người lành. Đối với một Thiên Chúa là cha của tất cả mọi người, tốt cũng như xấu, sự công bình trở thành “ân sủng và chân lý” (xem Ga 1,14.17) cho tất cả mọi người, dù là người lành hoặc kẻ dữ (xem Mt 5,45). Tất cả tùy thuộc vào sự hợp tác của mỗi người biết đón nhận hoặc khước từ ân huệ của Thiên Chúa. Do đó, cầu nguyện không phải là một thứ mặc cả trả giá, nhưng trở thành cơ hội gặp gỡ âu yếm giữa cha và con (xem Mt 6,6-9; Ga 17).

7. Từ chỗ phân chia hai lãnh vực linh thiêng và phàm tục đến chỗ nhìn nhận tính cách thánh thiêng của tất cả mọi sinh linh. Như đã nói, biến cố lịch sử của Ngôi Lời nhập thể bao hàm rằng xác phàm mang điều kiện thần linh; vì thế không còn phân cấp hoặc tách biệt giữa các con người, nơi chốn, thời gian, vật dụng. Tất cả mọi thực tại đều có thể là “Lời của Chúa” bởi vì chúng biểu lộ sự hiện diện và hoạt động của Đấng Tạo thành[18]. Do đó, mọi hữu thể và ngay cả lịch sử đều trở thành “nơi thần học” (loci theologici), nguồn mạch của mặc khải, thánh điện để thờ lạy và chúc tụng Thần khí (xem Ga 4,23-24).

Vì thế, người tín hữu có bổn phận dấn thân vào lịch sử, để bảo vệ sự sống và thiên nhiên, phẩm giá của những kẻ bị gạt bỏ, cũng như để cỗ võ sự thăng tiến đồng đều giữa các dân tộc (Mc 7,24-30).

8. Từ quan niệm thế gian như là nơi tạm trú, đến việc nhìn nhận thế giới như là khung cảnh của ơn cứu độ. Không gian và thời gian không còn là kho chứa đựng những sự kiện nhưng trở thành lịch sử cứu độ. Lịch sử nhân loại là nơi diễn ra lịch sử cứu độ, nơi ưu tiên để Thiên Chúa thiết lập vương quốc của ngài. Vì thế, người tín hữu có nhiệm vụ phải chăm sóc và biến đổi trần thế này, ngõ hầu nơi mà gia đình nhân loại đang sinh sống có thể nếm trước thế giới mai hậu, như công đồng Vaticanô II đã khẳng định[19]

9. Từ sự trông đợi ngày tận thế đến niềm hy vọng tích cực vào “thời điểm” (kairos) của Thiên Chúa. Mặc dù Đức Giêsu đã khai mào Vương quốc của Thiên Chúa, nhưng thực tại này chưa được thiết lập toàn diện trên thế gian: thế giới vẫn còn chứng kiến đau khổ, tội lỗi, chết chóc. Vương quốc ấy không “ở trong” thế gian nhưng cũng không “ở trên” thế gian, mà ở “đàng trước”[20]. Người tín hữu không khoanh tay chờ nó ập xuống, nhưng góp phần tích cực bằng cách đón nhận ơn huệ cứu độ của Thiên Chúa. Cũng giống như hành trình lịch sử của dân tộc Israel, ta không thể nào lường trước dòng lịch sử. Tuy nhiên sứ điệp Ki-tô giáo mời gọi con người đón nhận “thời” của Thiên Chúa một cách có trách nhiệm, để hợp tác vào việc thiết lập Vương quốc Thiên Chúa. Người tín hữu không sống trong nỗi lo âu về ngày tận thế, nhưng mong đợi với niềm hy vọng tích cực, và tha thiết khẩn nài: “Lạy Chúa, xin mau đến, maranatha” (Kh 22,20).

Kết luận: “Thiên Chúa ngươi ở đâu?”. Thiên Chúa nào?

Người tín hữu trong Kinh thánh (Cựu ước cũng như Tân ước) nhìn nhận tác động của Thiên Chúa trong lịch sử. Mặc dù giữa lúc đau khổ cùng cực, con người tín hữu nêu lên câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa (xem Tv 42, sách Giób), nhưng trong thâm tâm, họ thâm tín rằng (theo mô hình tha lực) chính Thiên Chúa đã đưa họ vào chốn lưu đày như án phạt về những sự vi phạm giao ước, dựa theo thần học của sách Đệ-nhị-luật.

Nhưng dần dần, người tín hữu đã nhận được một lời giải đáp mới: đền thờ không còn là nơi duy nhất để ta có thể kêu cầu Giavê. Nơi thích hợp để khẩn nài Thiên Chúa là chính dân của Ngài. Nói khác đi, dân Israel nhận ra rằng chính Thiên Chúa đã đến tìm kiếm họ ở nơi lưu đày và cùng chia sẻ cảnh lưu đày với họ (Đnl 30,4tt)[21]. Đây là một khám phá kỳ diệu: Giavê, kẻ trừng phạt họ bây giờ lại hiện diện tại chính nơi trừng phạt, Babilonia, và chia sẻ thân phận của kẻ chịu phạt. Hơn thế nữa, ngài không những hiện diện với họ nhưng còn tranh đấu chống lại kẻ quyền thế, đứng đầu là Babilona, an ủi vỗ về họ, dẫn dắt họ và đưa họ trở về quê hương. Như thế, kẻ chịu đau khổ đã trở nên kẻ công chính nhờ sự đau khổ và được kể là đầy tớ của Giavê. Thế là từ nay, – trong thời lưu đày và sau thời lưu đày -, dân Israel trở thành dân riêng của Giavê vì là kẻ nghèo hèn và đau khổ. Kể từ thời lưu đày,  Giavê đã tuyển chọn Israel vì là người đầy tớ đau khổ: đây là một cách đọc lại truyền thống Xuất hành của Kinh thánh. Nói khác đi, kể từ nay, những kẻ được tuyển chọn là những kẻ đau khổ[22]. Sự đau khổ của kẻ bị áp bức là dấu hiệu cho thấy sự trung tín của một Thiên Chúa hiện diện nơi họ và chịu khổ với họ.

Do đó, để gặp Thiên Chúa trong lịch sử thì ta phải đi tìm ở nơi mà ngài hiện diện, đó là nơi những người bị áp bức, những người đau khổ, bị gạt bỏ và loại trừ. Đây không phải là ngài gây ra sự đau khổ hoặc để thử thách họ (theo như mô hình tha lực), nhưng là tình trạng đau khổ của họ đã kêu gào sự hiện diện lân tuất và liên đới của ngài, như được chứng tỏ nơi cuộc nhập thể. Thật vậy, chúng ta gặp được Thiên Chúa của Đức Giêsu ở nơi mà Người đã chỉ cho ta: nơi những người đói khát, những khách trọ (nghĩa là kẻ xa lạ với ta), nơi những người không có nhà cửa, không thiếu cơm ăn áo mặc, những kể bệnh tật, những kẻ bị giam cầm, những kẻ bị tước mất quyền lợi và phẩm giá[23] (xem Lc 6,20-23; Mt 25,31-46).

Những người đau khổ trở thành nơi để Thiên Chúa ban ơn cứu độ trong lịch sử, bởi vì điều kiện khốn cùng của họ đòi hỏi mọi người hãy tỏ tình liên đới và nhân ái với họ. Thái độ này họa lại cách thức mà Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử, mở rộng lòng để đón tiếp tình yêu lân tuất của Thiên Chúa, và nhờ thế họ được thông phần vào bản tính Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8), mở cửa cho tiến trình thần hóa. Kỳ diệu hơn nữa, chính nhờ các nạn nhân của đau khổ, mà những kẻ bóc lột, đàn áp có cơ may để hối cải: họ sẽ thay đổi cái nhìn đối với các nạn nhân, như ta thấy ở trường hợp của viên đại đội trưởng Rôma dưới chân thập giá: ông tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Kẻ đàn áp nhìn nhận rằng nạn nhân bị đàn áp có khả năng mang lại ơn cứu độ. Sự hoán cải (metanoia) là như thế đó: ông được cứu độ nhờ kẻ là nạn nhân của ông[24].

Nói tóm lại, chúng ta cần có một cái nhìn của đức tin, thì mới có thể hiểu được ý nghĩa của lịch sử (Kh 3,18), khi nhận ra Thiên Chúa hiện diện nơi những con người đau khổ và bị đàn áp, chứ không phải là Thiên Chúa ngự trên chính tầng trời. Câu hỏi “Thiên Chúa ngươi ở đâu?” có thể được đặt ngược lại: “Bạn đang nói đến Thiên Chúa nào vậy?”.  Câu hỏi này không xoay quanh vấn đề hiện hữu của Thiên Chúa (có Thiên Chúa không?), cho bằng cách thức quan niệm về sự hiện diện của ngài (Thiên Chúa hiện diện như thế nào trong lịch sử của chúng ta? Làm thế nào nhận ra ngài?). Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự sống[25].

—————-

[1] Tác giả là giáo sư đại học Javeriana, Colombia. Nguồn: “Dónde está tu Dios?” Apuntes para una reflexión teológica sobre la historia en los albores del siglo XXI, in: “Theologia Javeriana”  vol. 62 (2012) no.174, p.343-378. Vì giới hạn khuôn khổ tờ báo, một vài đoạn đã được rút gọn.

[2] Chú thích của người dịch. Res gesta có nghĩa là sự việc đã xảy ra. Historia trong nguyên gốc Hy-lạp có nghĩa là: “truy tầm, nghiên cứu”; rồi từ đó, cũng có nghĩa là: “phán đoán, làm chứng”.

[3] Bermejo Barrera, José Carlos. Introducción a la historia teórica. Tomo I. Madrid: Akal, 2009, p.155-168.

[4] Nietzsche, Friedrich. Más allá del bien y del mal. Preludio a una filosofía del futuro (Madrid: Alianza, 1980) § 2.4.14.19.

[5] X. Teilhard de Chardin, Pierre. El fenómeno humano. Madrid: Taurus, 1967.

[6] Cullmann, Oscar. La historia de la salvación. Barcelona: Ediciones 62, 1967, p.12.

[7] Fukuyama, Francis. El fin de la historia y el último hombre. Barcelona-Buenos Aires: Planeta, 1992.

[8] Lenaers, Roger. Otro cristianismo es posible. Fe en lenguaje de modernidad. Traducido por Manuel Ossa. Quito: Abya Yala, 2008. Tác giả là một linh mục dòng Tên người Bỉ. Nguyên tác bằng tiếng Đức xuất bản năm 2005 và được dịch sang nhiều ngôn ngữ, chẳng hạn tiếng Pháp: Un autre christianisme est possible, Editions Golias,  Paris 2011.

[9] Tillich, Paul. Teología de la cultura y otros ensayos, Buenos Aires: Amorrortu Editores, 1974, 236-241.  

[10] Chú thích của người dịch. Các từ ngữ « tha lực » và « tự lực » đã được sử dụng trong văn chương Phật giáo khi bàn về sự cứu độ ; chúng tôi dùng những từ ấy để dịch những khái niệm của triết học châu Âu (đặc biệt từ Immanuel Kant) bàn về quy chuẩn tham chiếu trong hành động luân lý. 1) « tha lực » : heteronomia, ghép  bởi hai từ Hy-lạp heteros (người khác) và nomos (luật lệ, quy tắc), có nghĩa là quy tắc do tự bên ngoài đặt ra ; b) « tự lực » : autonomia, gốc bởi autos (riêng, tự mình), có lẽ là quy luật do mình đặt ra ; c) « thiên lực » : theonomia, gốc bởi theos (Thiên Chúa), có nghĩa quy luật cho Thiên Chúa đặt ra. Lẽ ra nên đặt tên cho loại thứ ba là « cộng lực » thì đúng hơn (Thiên Chúa cùng với con người).

[11] Đó là ý tưởng gặp thấy nơi các văn phẩm sau thời lưu đày. Xem: Đnl 4,25-28; 28,63-68; 29,21-27; 2Sb 36,16; Is 1,23; 5,8; 8,6; 30,1tt.; Gr 13,23; 16,12tt.; 29; Ed 16,38; 17,19tt.

[12] Hai nhà khoa học Hawking và Mlodinow, dưới cái nhìn của vật lý lý thuyết, đã tuyên bố: “Xét vì có một định luật tương tự như luật hấp lực, cho nên vũ trụ có thể tự tạo dựng từ hư vô. Sự tạo dựng tự phát là luận cứ cho thấy rằng vai trò của một tạo hóa trở nên thừa thãi” (Hawking Stephen y Mlodinow, Leonard. El gran diseño, Barcelona: Crítica, 2010, 82).

[13] Đó là song luận của Jean Paul Sartre: « Nếu Thiên Chúa hiện hữu thì con người không được tự do, và nếu con người được tự do thì Thiên Chúa không thể hiện hữu” (Sartre, Jean Paul. Teatro II. El diablo y el buen Dios, Buenos Aires: Losada, 1961, 54).

[14] Arana, Juan. “Necesidad, libertad, azar. Reflexiones a partir de las precisiones del profesor Millán-Puelles sobre la libertad humana.” In: Realidad e irrealidad. Estudios en homenaje al profesor Millán-Puelles, coordinado por José Ibañez-Martín, 33-42. Madrid: Rialp, 2001, 33-42.

[15] Arana, op.cit., 37-38

[16] Xem Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 460, trích dẫn tư tưởng của các giáo phụ Irênê và Athanasiô: Con Thiên Chúa đã trở thành con người, ngõ hầu con người được làm con Thiên Chúa.

[17] Xem khái niệm về loan báo Tin mừng (evangelisatio, hoặc: Phúc-âm-hóa) theo tông huấn Evangelii nuntiandi của ĐGH Phaolô VI, số 18.

[18] Xem ĐGH Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini về Lời Chúa trong đời soosng và sứ mạng của Hội thánhsố 7.

[19] Xem Hiến chế Gaudium et spes, số 39. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng mặc dầu Vương quốc Thiên Chúa được thiết lập trong trần gian, nhưng đồng thời nó vượt lên trên trần gian. Không thể nào đồng hóa hoàn toàn trần gian với Vương quốc Thiên Chúa.

[20] Ferreira de Holanda, “La tensión escatológica: carácter futuro y presente del Reino de Dios”, 52.

[21] Baena Bustamante, Gustavo. “Exilio y desplazamiento: un desafío a la esperanza, in:  Los métodos en teología, por el Grupo de Investigación Didaskalia. Bogotá: Pontificia Universidad Javeriana, Facultad de Teología, 2007, 545.

[22] Baena, “Exilio y desplazamiento: un desafío a la esperanza, 549. Chú thích của người dịch. Truyền thống Ki-tô giáo hiểu người Đầy tớ đau khổ như là tiên báo Đức Ki-tô (nghĩa cá nhân); truyền thống Do thái hiểu về chính đám dân trung thành với Thiên Chúa (nghĩa tập thể)

[23] Castillo, José María. La humanización de Dios. Ensayo de cristología, Madrid: Trotta, 2009, 122.

[24] Baena, “Exilio y desplazamiento: un desafío a la esperanza, 552.

[25] Vitoria Cormenzana, F. Javier, “Una teología de ojos abiertos. Teología y justicia. Perspectivas”, in:  25 años de teología: balance y perspectivas, por Rafael Aguirre, Dolores Alexandre, José María Arnaiz, Dionisio Borobio, y otros, (Madrid: Fundación Santa María, 2006).448.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here