LUẬN GIẢI THẦN HỌC
Thiên Chúa – Căn Nguyên Đệ Nhất Của Các Thụ Tạo
ST Ia, q. 44, a.1-4
Môn Sinh Tôma
NỘI DUNG
Dẫn nhập
I. Tóm lược vấn nạn 44 trong Tổng luận Thần học của Tôma (ST. Ia, q. 44, a.1-3)
Mục 1. Vạn vật xuất phát từ Thiên Chúa
Mục 2. Chất thể đệ nhất là thụ tạo
Mục 3. Nguyên nhân kiểu mẫu
Mục 4. Nguyên nhân cứu cánh
II. “Thiên Chúa là căn nguyên tác thành vạn vật” trong quan niệm của Tôma
1. Vị trí của quaestio 44 trong Summa Theologiae và mạch tư tưởng
2. Phân tích và nhận định
2.1. Chống lại các chủ thuyết
2.1.1. Đa thần
2.1.2. Phiếm thần
2.1.3. Nhị nguyên (lưỡng thần)
2.1.4. Ngộ đạo
2.1.5. Một số triết thuyết khác
2.2. Cơ sở nền tảng của đạo lý
2.2.1. Kinh Thánh
* Cựu ước
* Tân ước
2.2.2. Truyền thống Giáo hội
* Các Giáo phụ
* Các tín biểu
2.3. Lý luận thần học
2.3.1. Vạn vật hiện hữu nhờ thông dự
2.3.2. Chất thể đệ nhất thuộc về hữu thể được tạo thành
2.4. Lượng định chung
Kết luận
DẪN NHẬP
“Thiên Chúa là căn nguyên tác thành vạn vật”, đấy là đạo lý nền tảng trong niềm tin Kitô giáo. Đạo lý ấy có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc hiện sinh của con người, vì nó giải đáp vấn nạn về nguồn cội hiện hữu: Tôi từ đâu đến? Tôi sẽ đi về đâu? Đời tôi có ý nghĩa gì? Đạo lý ấy cũng nói lên giá trị cao quý của thế giới này: vũ trụ không phải là kết quả của sự ngẫu nhiên, mà là tác phẩm của Đấng toàn năng cao cả. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, đạo lý ấy đang gặp phải rất nhiều chất vấn từ các triết thuyết đối lập và sự tiến triển của khoa học.
Về các triết thuyết, nổi bật phải nhắc đến chủ nghĩa vô thần và đồng minh của nó là chủ nghĩa duy vật biện chứng. Người ta phủ nhận hoặc phớt lờ sự hiện hữu của Thiên Chúa, và vì thế, cũng không tin vào việc tạo dựng và những gì liên quan đến Thượng Đế. Người ta muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình, để con người giành lấy quyền làm chủ và tự do, rồi sống và làm những gì mình cho là đúng.
Về sự tiến triển của khoa học, người ta đưa ra nhiều giả thuyết về khởi nguyên của vũ trụ và con người. Vũ trụ này bắt đầu cách đây hơn một tỉ năm về trước, sau vụ nổ “big bang” cực mạnh. Còn loài người cũng có một quá trình tiến hoá hàng ngàn năm từ những loài động vật cấp thấp, theo nghiên cứu vĩ đại của Darwin. Dường như chẳng có một Đấng cao cả nào tác thành và quan phòng vạn vật cả, vì thế giới này xuất hiện từ sự kết hợp tình cờ của các nguyên tố vật chất và cứ thế tiến triển với sự chọn lọc tự nhiên.
Những quan điểm đối nghịch ấy đòi hỏi Giáo Hội đưa ra lời biện giải thích hợp cho thế giới hôm nay. Chắc chắn, Kitô hữu phải bảo vệ niềm tin “Thiên Chúa là căn nguyên vạn vật”, vì đó là chân lý mạc khải. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng không thể phủ nhận những giá trị chính đáng mà khoa học và trí tuệ con người đạt được, vì suy cho cùng, đó cũng là ân huệ của Thiên Chúa. Vậy là, có một cuộc giằng co giữa đức tin và khoa học.
Thế giằng co ấy không phải để đức tin và khoa học (hay lý trí con người) phủ nhận, loại trừ nhau; trái lại đó là cơ may để Giáo Hội đào sâu lý luận của đức tin, nhờ những thành quả đáng quý của lý trí con người. Nói cách khác, Giáo Hội cần có một cuộc học hỏi và đối thoại chân thành với khoa học, hầu đạt tới một sự hoà hợp giữa đức tin và lý trí. Điều này, gần tám thể kỷ về trước, thánh Tôma đã nêu gương sáng cho chúng ta.[1]
Thiết nghĩ, trong bối cảnh này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần trở về tìm hiểu học thuyết của thánh Tôma, học theo phương pháp nghiên cứu và cách thức lý giải chân lý đức tin của ngài, để vừa có thể gìn giữ kho tàng mạc khải, vừa có thể thuyết phục con người thời đại hôm nay rằng “Thiên Chúa đích thực là căn nguyên tác thành vạn vật.”
I. TÓM TẮT VẤN NẠN (ST Ia, q.44, a.1-4)
Trong quaestio 44, khi trình bày căn nguyên đệ nhất của các thụ tạo, thánh Tôma đề cập đến bốn vấn đề theo thứ tự logic như sau:
(1) Khẳng định Thiên Chúa là căn nguyên tác thành của vạn vật.
(2) Xác định chất thể đệ nhất không phải là căn nguyên tác thành ngang hàng với Thiên Chúa, mà chỉ là thụ tạo xuất phát từ Thiên Chúa.
(3) Khi tác thành vạn vật, Thiên Chúa lấy chính Người là kiểu mẫu.
(4) Vạn vật được tạo thành đều quy hướng về Thiên Chúa vì Người là cùng đích tất cả.
Mục 1. Một hữu thể nào đó hiện hữu hoặc do tất yếu, hoặc do thông dự. Hữu thể hiện hữu tất yếu chính là Thiên Chúa, còn hữu thể hiện hữu do thông dự (hay bất tất) là những thụ tạo được thông phần vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Sự hiện hữu của một hữu thể bất tất suy cho cùng xuất phát từ sự hiện hữu của hữu thể tất yếu (Thiên Chúa). Nói cách khác, vạn vật trong vũ trụ đều xuất phát từ Thiên Chúa.[2]
Mục 2. Các sự vật được tạo nên từ hai yếu tố căn bản: chất thể đệ nhất và mô thể bản thể.[3]Để sự vật có thể lập hữu một mình, mô thể bản thể cần có sự đón đỡ của một tiềm năng phân biệt, đó là chất thể đệ nhất. Thế nên, chất thể đệ nhất cũng được xem là căn nguyên của sự vật, và có người nghi vấn nó là căn nguyên độc lập ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng thực ra, chất thể đệ nhất thuộc về một hữu thể, chứ không đứng riêng một mình, mà hữu thể xuất phát từ Thiên Chúa, do đó chất thể đệ nhất cũng được Thiên Chúa tạo thành, chứ không ngang hàng với Thiên Chúa.
Mục 3. Một nghệ nhân làm ra một đồ vật theo một kiểu mẫu do mình suy nghĩ ra (hoặc tự sáng kiến hoặc mô phỏng theo vật khác). Như vậy, kiểu mẫu thì đồng nhất với ý niệm (hay ý tưởng của người làm ra). Các sự vật trong thiên nhiên ắt hẳn có những kiểu mẫu nhất định, các kiểu mẫu ấy xuất phát từ ý tưởng của Thiên Chúa, mà ý tưởng của Thiên Chúa đồng nhất với yếu tính của Thiên Chúa (vì Người là hữu thể đơn thuần). Thế nên, có thể nói chính Thiên Chúa là nguyên nhân kiểu mẫu của vạn vật.
Mục 4. Thông thường, một tác nhân làm ra sự vật là để sự vật phục vụ cho một nhu cầu nào đó của chính tác nhân. Nhưng đối với tác nhân Thiên Chúa thì không như vậy, vì Thiên Chúa là hữu thể hoàn bị viên mãn, không cần thêm gì nữa cho mình. Trái lại, vạn vật được thông chia sự hoàn bị và thiện hảo của Thiên Chúa. Vạn vật có khuynh hướng đạt được sự hoàn bị mỗi ngày một hơn, do đó khát khao và quy hướng về chính Thiên Chúa là sự hoàn bị viên mãn. Nói khác đi, Thiên Chúa là cùng đích của vạn vật.
CHƯƠNG II. PHÂN TÍCH VÀ NHẬN ĐỊNH
1. Vị trí của quaestio 44 và mạch tư tưởng
Một cách tổng quát, cần nói ngay rằng, q.44 thuộc phần I của của bộ Summa Theologiae, phần bàn trực tiếp những vấn đề liên quan đến Thiên Chúa.
Dễ dàng nhận thấy, q.44 đánh dấu bước chuyển mạch tư tưởng của phần I này, vì từ q.44 trở đi (đến hết q.119), thánh Tôma bàn về vấn đề tạo dựng và các thụ tạo, nghĩa là một cuộc “exodus” ra khỏi Thiên Chúa; còn những quaestio trước, thánh Tôma tập trung bàn về yếu tính Thiên Chúa và sự phân biệt Ba Ngôi. Chính thánh Tôma đã khẳng định điều này trong phần Dẫn Nhập vào q.44: “Sau khi nghiên cứu sự phát xuất của các Ngôi Vị Thiên Chúa, chúng ta tiếp tục bằng việc nghiên cứu các thụ tạo phát xuất từ Thiên Chúa.” Hay có thể nói cách khác, q.44 đánh dấu việc nghiên cứu các hành động Thiên Chúa (trước đó nghiên cứu yếu tính), nghiên cứu Thiên Chúa xét về ngoại tại (trước đó, bàn về các vấn đề nội tại).[4]
Nội dung chính của q.44 bàn về Thiên Chúa, Đấng là căn nguyên tác thành vạn vật.[5]Chúng ta thấy rằng có nhiều nội dụng khai triển ở đây vọng lại những vấn đề đã được khai triển trước đó, phần bàn về yếu tính của Thiên Chúa (q.2 – q.26), chẳng hạn: về sự thực hữu của Thiên Chúa (q.2), đặc tính bất biến của Thiên Chúa (q.9).[6]Vì thế, có những nguyên lý triết học thánh Tôma không nhắc lại ở quaestio này nữa, được hiểu là đã trình bày rồi, chẳng hạn về hữu thể tất yếu có những đặc tính tối hậu của nó so với hữu thể bất tất. Gần như, thánh Tôma chỉ muốn tập trung vào một chân lý ở q.44 này: Thiên Chúa là căn nguyên vạn vật.
2. “Thiên Chúa là căn nguyên tác thành của vạn vật” theo quan niệm của thánh Tôma
Trong toàn bộ q.44 nói chung, cách riêng ở a.1, thánh Tôma muốn trình bày Thiên Chúa là căn nguyên đệ nhất của mọi hữu thể: vạn vật đều xuất phát từ Thiên Chúa. Đây là một chân lý mà thánh Tôma muốn khẳng định, để bảo vệ niềm tin Kitô giáo và chống lại nhiều chủ thuyết khác vốn phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, hoặc phủ nhận công cuộc tạo thành của Thiên Chúa.
2.1. Chống lại các triết thuyết
2.1.1. Đa thần (polytheism)
Nội dung: chủ thuyết này cho rằng có nhiều vị thần minh khác nhau, mỗi vị có chức năng riêng biệt, dù rằng các thần có thể liên hệ họ tộc với nhau hoặc được tổ chức như cơ cấu triều đình (có đẳng cấp).
Nguy cơ: chủ thuyết này dễ dàng cho rằng Thiên Chúa cũng chỉ là một thần minh như bao vị thần khác mà thôi, do đó Thiên Chúa không phải là Đấng duy nhất và càng không phải là Đấng sáng tạo. Như vậy, không thể công nhận có một Đấng Thiên Chúa là căn nguyên của vạn vật.
Chủ đích của thánh Tôma: khẳng định Thiên Chúa là căn nguyên của vạn vật, chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, ngoài Người ra không có thần minh nào khác và từ nơi Người phát xuất mọi thụ tạo.[7]
2.1.2. Phiếm thần (pantheism)
Nội dung: chủ thuyết này cho rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và Thiên Chúa này đồng hoá với vũ trụ: mọi vật đều mang dấu vết Thiên Chúa và đều có thần tính linh thiêng. Mạnh hơn nữa, chủ thuyết này còn quan niệm thế giới này trở nên Thiên Chúa thông qua một tiến trình vươn lên, hoặc chính Thiên Chúa đã hạ mình, trở thành vạn vật, như thuyết phát xuất (emanatio).[8]
Nguy cơ: chủ thuyết này hạ thấp Thiên Chúa và thần thánh hoá vạn vật, từ đó dẫn tới thái độ xem Thiên Chúa và vạn vật cũng như nhau mà không có sự phân biệt.
Chủ đích của thánh Tôma có hai điểm:
– (1) Khẳng định Thiên Chúa là căn nguyên đệ nhất, là hữu thể tuyệt đối bất biến và đơn thuần. Ngay cả khi thông chia sự hiện hữu cho thụ tạo, Thiên Chúa cũng không bị chia nhỏ hay biến đổi. Nên không thể xảy ra chuyện Thiên Chúa trở nên vạn vật và vạn vật được đồng hoá với Thiên Chúa. Dù có mang dấu vết Thiên Chúa, vạn vật vẫn chỉ là thụ tạo.Thiên Chúa hoàn toàn phân biệt với thế giới khả biến và phức hợp này.
– (2) Hơn thế nữa, vì Thiên Chúa là căn nguyên tác thành nên hoàn toàn ở bên ngoài công hiệu và không đi vào sự phức hợp của vật thụ tạo. Không thể có chuyện xảy ra tác căn trở thành vật thụ tác, và Thiên Chúa cũng không làm ra chính mình, Thiên Chúa tự hữu và vẫn mãi là Thiên Chúa.
2.1.3. Lưỡng thần hay nhị nguyên (dualism)
Nội dung: nhìn nhận có một Đấng tạo hoá dựng nên vũ trụ, tuy nhiên, ngài không giữ quyền bá chủ. Quyền hạn của ngài bị giới hạn bởi một đối thủ khác, vì vậy thế giới này bị chia sẻ bởi hai quyền lực: thiện và ác giao tranh. Khi bàn về về nguồn gốc cấu tạo vũ trụ, chủ thuyết nhị nguyên xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: chẳng hạn hình thái và vật chất, nguyên lý âm và dương, lành và dữ.[9]
Nguy cơ: chủ thuyết này chấp nhận có Thiên Chúa tạo thành nhưng phá vỡ quyền năng tối cao và vị trí thượng tôn của Người. Đồng thời, chủ thuyết này cũng giới hạn số thụ tạo được tác thành bởi Thiên Chúa, điển hình vào thời thánh Tôma đã có quan niệm cho rằng chất thể đệ nhất không bởi Thiên Chúa mà có, nhưng là yếu tố ngang hàng với Thiên Chúa.
Chủ đích của thánh Tôma: khẳng định hai điều sau đây. (1) tất cả vạn vật, hữu hình hay vô hình, đều do Thiên Chúa tạo dựng; (2), chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, ngoài Người ra không còn Đấng nào khác ngang hàng với Người, mà tất cả chỉ là thụ tạo nhờ Người mà hiện hữu và tồn tại.
2.1.4. Nhóm ngộ đạo (gnosticism)
Nội dung: nhóm này cho rằng có Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không phải là Đấng sáng tạo. Ngoài Thiên Chúa, còn có một đấng Demiurgo, một thần hạ cấp dưới Thiên Chúa, trực tiếp tạo dựng muôn loài.[10]
Nguy cơ: quá tách biệt Thiên Chúa với thụ tạo, Thiên Chúa trở nên xa cách và không dính dáng gì đến thụ tạo. Cùng lắm, Thiên Chúa cũng chỉ là căn nguyên gián tiếp làm phát sinh thụ tạo, không chấp nhận Thiên Chúa là Đấng tác thành.
Chủ đích của thánh Tôma: Thiên Chúa là căn nguyên tác thành vạn vật. Sự hiện hữu của vạn vật là sự hiện hữu thông dự. Vạn vật thông dự vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng là chính sự hữu, là hữu thể hiện hữu tự thân duy nhất.Do đó, vạn vật xuất phát từ chính Thiên Chúa chứ không phải do một Đấng hạ cấp nào khác.
2.1.5. Một số chủ thuyết khác [11]
Ngoài ra, có thể đề cập đến một số chủ thuyết khác bất đồng với quan niệm Thiên Chúa là căn nguyên tác thành vạn vật.
Tư tưởng duy vật: xuất hiện từ thờ cổ đại với đại diện tiêu biểu là Epicure, cho rằng mọi sự được cấu tạo từ vật chất (dưới dạng hạt nhỏ, như nhiều nguyên tử hợp thành phân tử), và thế giới này xuất hiện hoàn toàn do ngẫu nhiên chứ không có một Đấng tạo hoá nào. Những người theo quan niệm này hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của một Đấng tạo thành.
Tư tưởng vô thần: vào thời Trung Cổ, chưa phải là chủ thuyết lớn mang tính hệ thống, nhưng cũng không đề cập hoặc không thừa nhận sự xuất hiện của thần linh trong thế giới. Vì vậy, những người có tư tưởng này không nghĩ đến việc có một Thiên Chúa uy quyền nào đó làm nên thế giới này.
Như vậy, một khi khẳng định Thiên Chúa là căn nguyên tác thành vạn vật, thánh Tôma hoàn toàn đi ngược lại những chủ thuyết này. Đối với thánh Tôma, vũ trụ vạn vật không hằng hữu và cũng không xuất hiện ngẫu nhiên. Vũ trụ có nguồn gốc của nó là Thiên Chúa, đồng thời, Thiên Chúa, căn nguyên đệ nhất ở đây cũng không phải là yếu tố vật chất (như căn nguyên đệ nhất của Aristotle).
Tóm lại, có nhiều chủ thuyết bất tương hợp với quan niệm Thiên Chúa là căn nguyên tác thành vạn vật. Thánh Tôma dùng những lý lẽ triết học sâu sắc để làm nổi bật một chân lý đức tin: Thiên Chúa là Đấng sáng tạo muôn loài, là nguồn phát xuất vạn vật.
2.2. Cơ sở nền tảng của đạo lý
“Thiên Chúa là căn nguyên tác thành vạn vật”, đây là một chân lý mà Tôma xác tín. Chân lý ấy được mạc khải trong Kinh Thánh và truyền thống Giáo Hội lưu giữ. Phần thánh Tôma, ngài dùng những lý lẽ thần học để biện giải và làm cho sáng rõ.
2.2.1. Kinh Thánh
Kinh Thánh nhiều lần nhắc đến Thiên Chúa là Đấng sáng tạo muôn loài. Đây không phải là một đạo lý mới mẻ các Tông Đồ loan báo, nhưng đã có từ thời xa xưa trong tâm thức và đức tin của Dân Thiên Chúa.
* Cựu Ước
Ngay từ những lời mở đầu của bộ Kinh Thánh, tác giả sách Sáng Thế đã khẳng định: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Như vậy, có thể nói, chân lý về Thiên Chúa tạo dựng là niềm tin căn cốt được các thánh ký nhắc đến đầu tiên. Theo bản văn, “sự khởi đầu” của vạn vật chính là hành động tạo dựng của Thiên Chúa, Người là căn nguyên hiện hữu của muôn loài. [12]
Có thể tìm thấy một chứng cứ khác trong Ngũ Thư ở một đoạn văn ghi lại Mười Lời. Ông Môsê truyền dạy con cái Israel phải ghi nhớ một chân lý: “Trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài” (Xh 20, 11).
Tiếp nối giáo huấn ấy của ông Môsê, ngôn sứ Isaia cũng nhắc nhở Dân Chúa khắc cốt ghi tâm lời Đức Chúa phán: “Chính Ta là Đức Chúa đã dựng nên vạn vật, một tay Ta đã căng vòm trời” (Is 44,24).
Đặc biệt, trong các Thánh Vịnh, tác giả không ngớt ca ngợi Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo muôn loài: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 32,6); “Người đã phán là muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 32,9); “Người là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó” (Tv 145, 6).
Ngay cả khi chịu bách hại bởi ngoại bang, Dân Chúa vẫn không ngừng tuyên xưng niềm tin Thiên Chúa tạo thành. Điều này được minh chứng qua một đoạn văn có trong sách Macccabê, nói về niềm tin sắt đá của một người mẹ can đảm: “Mẹ không biết các con đã hình thành trong lòng mẹ thế nào … chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài … Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất cùng muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy” (2 Mcb 7,22-23.28).[13] Cũng trong trường hợp gặp gian nan, ông Mooc-đo-khai khẩn xin Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, như sau: “Lạy Chúa là Vua toàn năng, …, chính Ngài đã tạo dựng trời đất và thực hiện mọi kỳ công dưới bầu trời” (Et 4,17b-c).
Từ những dẫn chứng đó, có thể khẳng định niền tin “Thiên Chúa là căn nguyên của vũ trụ” không phải là một mặc khải mới trong thời Tân Ước, mà từ xa xưa, con cái Israel đã được giáo huấn về điều đó.[14] Niềm tin này ăn sâu trong tâm hồn dân Chúa và tiếp tục được củng cố dưới nhiều hình thức khác nhau khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Các tác giả Tân Ước cũng nhiều lần nhắc tới chân lý đức tin này.
* Tân Ước
Truyền thống Nhất Lãm có ghi lại một lời cầu nguyện và chúc tụng Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô, khi Người ngẫm về sự khôn ngoan và đường lối kỳ diệu của Thiên Chúa: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha …” (Mt 11, 25; Lc 10, 21). Tuy lời xưng tụng này không đề cập đến mầu nhiệm tạo thành một cách rõ ràng, nhưng khẳng định quyền làm chủ của Thiên Chúa. Từ đó, có thể suy ra Thiên Chúa là Tác Giả của muôn loài. Ngoài ra, chúng ta còn thấy Đức Giêsu đã dùng chân lý Thiên Chúa là Chúa tể vạn vật để khuyến khích con người tín thác nơi Cha trên trời, Đấng sáng tạo và quan phòng cho cả chim trời và hoa cỏ ngoài đồng (Mt 6, 25-34), Đấng hằng quan tâm và biết rõ chúng ta đến độ đếm hết tóc trên đầu chúng ta (Mt 10,29).
Khác với Nhất Lãm, Tin mừng Gioan nhắc đến mầu nhiệm tạo dựng ngang qua mầu nhiệm vạn vật hiện hữu nhờ Ngôi Lời: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, không có Người, chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành nơi Người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1, 3-4). Lời hằng hữu từ nguyên thuỷ, Lời đã từng tham dự vào công cuộc tạo dựng cũng là Lời Thiên Chúa dùng để mạc khải, đối thoại với dân Người.
Một bản văn khác tham chiếu rất rõ về chân lý Thiên Chúa tạo thành có lẽ là lời cầu nguyện của các tín hữu ở cộng đoàn Giêrusalem, được ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ: “Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất biển khơi và muôn loài trong đó” (Cv 17,24). Lời cầu nguyện này vọng lại lời chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa của dân Israel như truyền thống từ thời Cựu Ước xa xưa.
Thánh Phaolô, trong các lá thư của mình, cũng nhiều lần nhắc đến mầu nhiệm căn cốt này, tiêu biểu là những lời vinh tụng ca ở phần mở đầu lá thư gởi tín hữu Côlôxê: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, trong Người, muôn vật được tạ thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình cũng như vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng, hay bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người” (Cl 1,15-16). Ngoài ra, đối với thánh Phaolô, niềm tin vào Thiên Chúa tạo thành sẽ là động lực để giúp cho người tín hữu mạnh dạn tiến bước, không sợ hãi trước bất cứ thế lực nào vì biết rằng tất cả mọi loài đều phải suy phục Thiên Chúa (1 Tm 4,2-5).
Một bằng chứng khác về mầu nhiệm tạo dựng được tìm thấy trong thư gởi tín hữu Hípri (tác giả có lẽ là môn đệ của thánh Phaolô, thấm nhuần truyền thống Do Thái): “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời Thiên Chúa” (Hr 11,3).
Cuối cùng, tác giả sách Khải huyền đã kể lại một thị kiến huy hoàng về ngày “lớn lao”, ngày Thiên Chúa trao vận mệnh thế giới cho Con Chiên, trong đó, ghi lại bài thánh thi ngợi khen Thiên Chúa là Đấng tác thành vạn vật: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền, vì ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên” (Kh 4,11).[15]
Tóm lại, chân lý Thiên Chúa tạo tựng được mặc khải rõ ràng trong Kinh Thánh, được nhiều thánh ký ghi lại như một đạo lý nền tảng của niềm tin Kitô giáo: xác tín sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự hiện hữu của vụ trụ nhờ Thiên Chúa. Đạo lý nền tảng này đã ghi sâu vào tâm trí của các tín hữu, cách riêng là thánh Tôma, nên ngài đã dùng hết khả năng tài trí của mình để giải thích, khẳng định một cách mạnh mẽ với nền tảng chắc chắn: Thiên Chúa là căn nguyên tác thành vạn vật.
Thực ra khi khẳng định như thế, thánh Tôma đã đi vào truyền thống của Giáo hội, tiếp nối tư tưởng của các vị Giáo phụ, bài bác những tư tưởng lạc giáo chống lại chân lý này và biện bác để bạo vệ đạo lý đức tin. Có thể thấy rõ điều này khi nhìn lại lịch sử và quan niệm của các Giáo phụ từ thời Giáo hội sơ khai đến thời vàng son Trung cổ của thánh Tôma.
2.2.2. Truyền thống Giáo Hội
* Các Giáo phụ
Tài liệu cổ xưa nhất ngoài Kinh Thánh nhắc đến mầu nhiệm Thiên Chúa tạo thành có lẽ là tác phẩm Didache. Thực vậy, trong lời cầu nguyện bày tỏ tâm tình tạ ơn sau khi rước lễ, có ghi lại những lời như sau: “Lạy Cha là Chúa toàn năng, Cha đã sáng tạo muôn loài vì danh thánh của Cha. Cha đã ban của ăn thức uống cho con người hưởng dùng để họ tạ ơn cha” (Dida. 10,3).[16]
Trong phần giáo huấn về mầu nhiệm Giáo hội, thư gởi tín hữu Côrintô của thánh Clêmentê Rôma cũng có một chi tiết nhỏ nhắc lại mầu nhiệm Thiên Chúa tạo dựng trong Kinh thánh: “Tôi thiết nghĩ anh em không phải không biết rằng Giáo Hội hằng sống là thân thể Chúa Kitô, bởi vì Sách Thánh đã nói Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ, nam chính là Chúa Kitô, và nữ chính là Giáo hội” (14,2-3).
Điều thứ nhất, trong mười hai giới luật có trong thư của Mục tử Hermas, viết về mầu nhiệm tạo dựng như sau: “Trên hết mọi sự, hãy tin có một Thiên Chúa, tạo thành và viên thành mọi vật từ hư vô”.[17] Với quan điểm này, tác giả dường như đã đi tới một điểm tín lý đặc biệt: ex nihilo. Điều này sẽ được nhiều Giáo phụ sau này tiếp nối và thánh Tôma cũng khẳng trong bộ ST Ia, q.45, liều ngay sau quaestio 44 – bàn về Thiên Chúa là căn nguyên tác thành vạn vật.
Một tác giả nổi bật thời các Giáo phụ nhấn mạnh về mầu nhiệm tạo dựng, đó là văn sĩ Theophilô thành Antiôkhia. Trong tập sách gởi Autôlycô, tác giả khẳng định rất nhiều điều về yếu tính và công trình vĩ đại của Thiên Chúa. Trong đó, về mầu nhiệm tạo dựng, tác giả viết: “Thiên Chúa vô nguyên khởi, vì không do ai sinh ra. Người là Chúa cai quản vạn vật, là Cha vì có trước muôn loài, là Đấng tạo hoá và tác thành vạn vật” (Ad Eutolycum 1,4).
Tertulianô, trong tác phẩm Chống Phraxeas (một người theo thuyết hình thái modalism) đã viết: “Chỉ có một Thiên Chúa, không còn Đấng tạo thành nào ngoài Đấng lấy Lời của mình tạo thành vạn vật từ hư vô” (Adversus Phraxean 13). Còn trong tác phẩm Hộ giáo, tác giả viết như sau: “Chính bản thân Hoàng đế cũng thuộc về Đấng là chủ sở hữu của trời cao và mọi thụ tạo. Ông là Hoàng đế nhờ Đấng đã tác tạo ông thành người trước khi cho ông làm Hoàng đế” (Apologia 24,24,5-6).[18]
Ngoài ra, không thể quên nhắc đến những lời biện hộ mạnh mẽ của thánh Irênê trong tác phẩm chống lạc giáo: “Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Người là Cha, là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá, là Tác Giả, là Đấng làm nên mọi sự, Đấng tự mình tác tạo mọi sự, nghĩa là nhờ Lời và Đức Khôn Ngoan của Người” (Adversus haraeses 2,30,9).
* Các tín biểu
Các tín biểu cổ truyền đều tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng toàn năng, chẳng hạn Kinh tin kính của các Tông Đồ: “Tôi tin Thiên Chúa, Cha toàn năng, Đấng sáng tạo trời đất…”[19].
Sau rất nhiều tranh luận thần học, các Công đồng chung đã đưa ra những định tín nền tảng của đức tin Kitô giáo. Về phần mầu nhiệm Thiên Chúa tạo dựng, có thể thấy như sau:
– Tín biểu của Công đồng Nixêa: “Chúng tôi tin một Thiên Chúa, Cha toàn năng, Đấng tạo thành muôn vật hữu hình và vô hình…”;
– Tín biểu của Công đồng Constantinople: “Chúng tôi tin một Thiên Chúa, Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời và đất, muôn vật hữu hình và vô hình…”[20];
– Ngoài ra, có thể nhắc đến một tín biểu khác vào thời Trung cổ. Khi thuyết nhị nguyên của Manikê tái phát nơi phong trào “Cathar” và bè rối “Albigensê”, Công đồng Latêranô IV (nằm 1215) đã phải can thiệp và tuyên bố rằng: “Chỉ có một Chúa Tạo thành, Người dựng nên vạn vật từ hư vô.”
Tất cả những dẫn chứng này cho thấy rằng niềm tin Thiên Chúa tạo thành đã đi vào truyền thống và kho tàng đức tin của Giáo Hội. Kể từ khi được định tín bởi các Công Đồng hoàn vũ, các tín hữu xem đó là giáo huấn chắc chắn, là niềm tin nền tảng cần phải ghi nhớ. Tuy nhiên, qua dòng thời gian, khi xuất hiện lạc thuyết, Giáo Hội vẫn không ngừng dùng lý lẽ và các hình thức diễn giải khác nhau để biện hộ, bảo vệ chân lý đức tin này. Chính trong bối cảnh ấy, thánh Tôma cố gắng giải đáp các nghi vấn và khẳng định chân lý Thiên Chúa tạo thành trong các tác phẩm của mình, đặc biệt là bộ Summa Theologiae.
2.3. Lý luận của thánh Tôma
2.3.1. Mọi vật hiện hữu nhờ thông dự
Để luận giải Thiên Chúa là căn nguyên tác thành vạn vật, thánh Tôma chủ yếu dựa vào học thuyết thông dự.[21] Trong q.44, thánh Tôma lập luận như sau: có hai loại hữu thể, hữu thể bất tất và hữu thể tất yếu. Hữu thể bất tất thông dự vào sự hiện hữu của hữu thể tất yếu. Do đó những gì hiện hữu nhờ thông dự thì đều do Thiên Chúa, hữu thể tất yếu, tạo thành. Đồng thời, vì chỉ mình Thiên Chúa là hữu thể tất yếu, nên kết luận chỉ Thiên Chúa là Đấng tác thành và vạn vật trong vũ trụ đều có căn nguyên hiện hữu là chính Thiên Chúa.
Ở đây, có hai vấn đề cần phải giải thích rõ hơn: (1) thế nào thông dự? và (2) vì sao nói Thiên Chúa là hữu thể tất yếu?
– (1) Ý niệm thông dự của Tôma được tác giả Fabro giải thích như sau: thuật ngữ thông dự – participatio – trong tiếng Latinh có nghĩa là “dự phần” vào (partem capere) hoặc “có phần” (partem habere). Tác giả này còn trích dẫn một tác phẩm khác của Tôma để làm sáng tỏ vấn đề: “thông dự tựa như việc dự phần vào; khi một vật nhận lấy một thành phần của cái tổng thể nào đó vốn thuộc về vật khác một cách hoàn toàn, thì nó được xem là thông dự vào cái vật khác ấy” (De Hebdomadibus I.2).[22]
– (2) Hữu thể tất yếu, hay còn gọi là hữu thể hiện hữu tự yếu tính, là nguyên nhân đệ nhất trong lý thuyết siêu hình của Aristotle. Trong q. 2, Thánh Tôma đã chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng là hữu thể đệ nhất. Từ chân lý này, Thánh Tôma có thể đi đến kết luận rằng Thiên Chúa hiện hữu tự bản tính (ST Ia.3). Trước hết, Thánh Tôma chỉ ra rằng Thiên Chúa là hiện thế thuần tuý. Tôma nói rằng hữu thể đệ nhất phải hoàn toàn ở trong hiện thế và không có chút nào trong tiềm năng. Lý do Thiên Chúa phải hiện thế thuần tuý là vì mặc dầu trong bất kỳ vật hoàn bị nào, tiềm năng đến trước hiện thế, nhưng “nói cách tuyệt đối, hiện thế có trước tiềm năng; vì bất cứ gì ở trong tiềm năng chỉ có thể trở thành hiện thế nhờ một hữu thể nào đó ở trong hiện thế” (ST Ia.3.1). Phải nhớ nguyên lý: cái nào là nguyên nhân đệ nhất của mọi vận động phải là hiện thế thuần tuý mà không chút tiềm năng, vì nếu nó có tiềm năng, nó ắt hẳn phải được tác động bởi một thứ khác, trong trường hợp này nó sẽ không phải là nguyên nhân đệ nhất nữa. Chính vì thế, thánh Tôma cho rằng Thiên Chúa là hiện thế thuần tuý mà không chút tiềm năng và Người trở thành căn nguyên tác thành vạn vật.[23]
2.3.2. Chất thể đệ nhất cũng là thụ tạo
Để hiểu cách biện giải của thánh Tôma, trước hết cần nhắc lại vài ý niệm căn bản: sự hiện hữu của một vật thụ tạo cần có hai yếu tố kết hợp là mô thể bản thể và chất thể đệ nhất; mô thể bản thể là yếu tố xác định loại biệt của vật so với các vật thụ tạo khác; còn chất thể đệ nhất là một nguyên lý vật chất ban đầu, tự nó không hiện hữu như một bản thể độc lập mà cần có một mô thể bản thể trợ đỡ.
Trong thực tế, chất thể đệ nhất không phải là hữu thể, vì vậy chất thể đệ nhất không thể là căn nguyên sinh ra một vật hay một hữu thể được. Bởi đã có một nguyên lý căn bản của triết học: một tác nhân không thể sinh ra một hệ quả hơn tác nhân được, chẳng hạn một con người không thể tạo ra một sản phẩm vật chất gì đó còn cao cấp hơn cả con người. Do đó, sẽ là sai lầm nếu ai đó cho rằng chất thể đệ nhất là căn nguyên của sự vật. Từ đấy, có thể đưa ra kết luận, chất thể đệ nhất không ngang hàng với Thiên Chúa.
Thêm nữa, chất thể đệ nhất không lập hữu, nghĩa là không tự đứng một mình, nhưng phải luôn gắn với một mô thể bản thể, hay nói khác đi phải gắn với một hữu thể, thuộc về hữu thể nào đó. Mà, như trên đã nói, Thiên Chúa là căn nguyên tác thành vạn vật, tác thành hữu thể trong tính toàn vẹn của nó, thì tấy yếu, Thiên Chúa tác thành cả chất thể đệ nhất nữa (q.44, a.2).
Trong trường hợp của thuyết nhị nguyên, người ta dễ cho rằng chất thể đệ nhất là một yếu tố độc lập, một nguyên lý vật chất ngang hàng với Thiên Chúa trong việc tạo dựng. Trường phái Platon đã cho rằng thế giới ý niệm có trước, Thượng Đế tạo ra những hình thái, rồi từ đó hình thái bị đày ải, phải kết hợp với vật chất, trở nên hữu thể giới hạn. Vật chất là yếu tố xấu, tác hại, không thể do Thượng Đế tạo thành.[24] Thậm chí, sau này, quan niệm này phát triển mạnh mẽ, còn cho rằng vật chất do Thần ác tác thành, vậy là có Thiên Chúa là nguyên lý sự thiện và có một Thần ác nào đó nữa trở thành lực lượng đối nghịch với Thiên Chúa.
Thánh Tôma mượn những nguyên tắc của triết học Aristotle để chống lại quan điểm nhị nguyên và bảo vệ niềm tin Thiên Chúa là căn nguyên tác thành vạn vật. Chất thể đệ nhất không phải là một lực lượng xấu, và càng không phải là nguyên nhân tác thành sự vật. Chất thể đệ nhất thuộc về hữu thể, do đó cũng do Thiên Chúa tạo thành.
2.4. Lượng định chung
* Về phương pháp
Thánh Tôma vận dụng học thuyết của Aristotle để trình bày chân lý về Thiên Chúa, căn nguyên tác vạn vật, dưới khía cạnh siêu hình. Thiên Chúa là căn nguyên đệ nhất của mọi hiện hữu. Thiên Chúa là hữu thể tuyệt đối, thuần tuý và có sự hữu tự yếu tính. Còn các thụ tạo hiện hữu bất tất, xuất hiện vì được thông dự vào sự hữu của Thiên Chúa. Như thế, giữa Thiên Chúa và thụ tạo vừa có sự tương đồng (đều có sự hữu) vừa có sự dị biệt (một bên là chính sự hữu và một bên là được thông dự vào sự hữu).
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đấy, từ những suy tư thuần lý, thánh Tôma còn kết hợp với các chân lý mạc khải, để khẳng định vũ trụ này được dựng nên theo kiểu mẫu Thiên Chúa và quy hướng về cùng đích tối hậu của nó là chính Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa, Người vừa là căn nguyên tác thành phổ quát (diễn tả tính toàn năng), vừa là căn nguyên kiểu mẫu (diễn tả đặc tính thông tuệ và khôn ngoan), vừa là căn nguyên cùng đích của vạn vật (diễn tả sự thiện hảo tối hậu).
* Về nội dung đạo lý
Chúng ta có thể nói ba điểm như sau :
– Một, thánh Tôma đã rất trung thành với đức tin của Giáo Hội, một đức tin được mạc khải mà ngài thụ hưởng từ nhỏ và luôn xác tín.
– Hai, thánh nhân đi vào truyền thống cao quý của Hội Thánh và làm cho gia sản, làm cho kho tàng đức tin của Hội Thánh ngày càng phong phú với những lối trình bày, biện giải đầy tính thuyết phục.
– Ba, thánh Tôma cương quyết bảo vệ chân lý đức tin, sẵn sàng đối thoại với các triết thuyết khác và thuyết phục họ bằng lý lẽ ngay chính, bằng những quy luật khách quan của lý trí con người.
* Những giá trị để lại
Thánh Tôma để lại một phương pháp nghiên cứu thần học tuyệt vời: đức tin và lý trí hoà hợp với nhau, dẫn đưa con người đi đến nguồn chân lý. Lý trí đón nhận chân lý nhờ có bằng chứng minh nhiên trực tiếp hoặc qua trung gian. Còn đức tin, đón nhận chân lý trên nền tảng thẩm quyền lời Thiên Chúa. Cả hai nâng bước con người trong hành trình tìm kiếm chân lý. Điều này đã được khẳng định trong thông điệp Fides et Ratio của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II (năm 1998, số 105). Kể từ thời thánh Tôma về sau, mọi công cuộc nghiên cứu thần học đều phải tuân thủ những quy luật lý trí nhất định và được mời gọi theo gương sáng của thánh nhân sẵn sàng đối thoại với những phát kiến mới của khoa học.
Thần học về tạo dựng kể từ thời thánh Tôma bước sang một giai đoạn mới, mang tính cách siêu hình xét về hữu thể luận, trong khi đó trước đây, thường được nhìn dưới nhãn quan lịch sử cứu độ. Nói cách khác, thánh Tôma mở ra hướng nghiên cứu thần học về tạo dựng xét như một mảng riêng, tách biệt với mầu nhiệm quan phòng, cách chung.[25]
KẾT LUẬN
Qua đời sống thánh thiện và rất nhiều tác phẩm, thánh sư Tôma để lại một di sản cao quý cho toàn thể Giáo Hội. Di sản ấy là đạo lý đức tin chân chính, là những tư tưởng thần học sâu sắc và đặc biệt là phương pháp nghiên cứu thánh khoa của ngài. Phương pháp ấy đặt nền trên một nhãn quan tôn trọng con người, cố gắng vận dụng ân huệ lý trí mà Thiên Chúa đã phú ban cho con người ngay từ buổi tạo dựng, đồng thời, kết hợp với đạo lý mạc khải để tiến đến Chân Lý là chính Thiên Chúa.
Noi theo phương pháp của thánh Tôma, Giáo Hội mạnh dạn tiến bước trong thế giới hôm nay và sẵn sàng gặp gỡ, đối thoại với khoa học, cũng như các trào lưu tư tưởng ngoài Kitô giáo. Thay cho thái độ khích bác và loại trừ, Giáo Hội tìm hiểu đâu là những chân giá trị của các nghiên cứu khoa học, và đâu là những khiếm khuyết của chúng cần phải thanh lọc, bổ túc. Hơn nữa, Giáo Hội cũng không ngừng phân tích và trình bày lý lẽ đức tin, hầu có thể làm sáng tỏ hơn những chân lý mạc khải qua các thành tựu của lý trí. Trên hết là, Giáo Hội bảo vệ được kho tàng đức tin của mình và giúp cho mọi người biết mở lòng ra đón nhận kho tàng ấy.
Đã qua rồi những chuyện cưỡng bức lý trí như vụ án Galilê xưa kia, nay Giáo Hội hướng tới sự đối thoại chân thành và thuyết phục mọi người bằng lý lẽ đức tin. Quả thực, nếu đức tin không có sự soi sáng của lý trí, sẽ rơi vào thái độ duy tín, thậm chí là quá khích và mên tín dị đoan. Ngược lại, lý trí không có ánh sáng đức tin sẽ đi vào bế tắc và chẳng thể vượt qua giới hạn của con người. Giáo Hội cần có đức tin để được ơn cứu độ. Song song đó, Giáo Hội cần có lý trí để hiểu được giá trị của ơn cứu độ và giúp mọi người đón nhận đức tin, ngõ hầu toàn thể nhân loại được ơn cứu độ. Đó là sứ mạng mãi mãi của Giáo Hội trên dương thế.
Thánh Tôma đã sống, đã thực thi sứ mạng ấy của Giáo Hội và trong Giáo Hội. Ngài đã dùng hết khả năng Chúa ban để khẳng định và diễn giải chân lý đức tin căn bản nhất của Do Thái – Kitô giáo: Thiên Chúa là căn nguyên tác thành vạn vật. Cách diễn giải của ngài dựa trên những quy luật nền tảng của lý trí mà Aristotle đề ra. Bởi thế, ngài giúp chúng ta hiểu tốt hơn về Thiên Chúa, về nguồn cội và cùng đích của con người, để rồi chúng ta biết yêu mến Thiên Chúa và trân quý những ân huệ lớn lao Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta.
*************************
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tài liệu Việt ngữ
Jacques Liébaert, Michel Spanneut, Giáo Phụ (tập 1-2), dg. Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Tp. HCM, Đại Chủng Viện Giuse (không rõ năm xuất bản).
Lê Văn Chính, Giáo Phụ Học (Giáo trình), Tp. HCM, Đại Chủng Viện Giuse, 2009.
Nguyễn Văn Liêm, OP., Giải Thích Thần Học – Mầu nhiệm Thiên Chúa Tạo Thành, Tp. HCM, Học viện Đa Minh, 1988.
Phan Tấn Thành, OP., Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Tp. HCM, Học viện Đa Minh, 2012.
Phan Tấn Thành, OP., Về Nguồn (tập 3), Thời Các Giáo Phụ (Giai đoạn 1), Tp. HCM, Chân Lý, 1999.
Tomas Alvira, Luis Clavell, Tomas Melendo, Siêu Hình Học, dg. Đỗ Ngọc Bảo, OP., TP. HCM, Học viện Đa Minh, 2008.
Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, bd. Đỗ Văn Tuấn, Lưu Văn Hy, Hà Nội, Lao Động, 2004.
2. Tài liệu Anh ngữ
Alister E. McGrath, Historical Theology (An introduction to the History of Christian Thought), UK., Wiley-Blackwell, 2013.
Brian Davies, Thomas Aquinas’s Summa Theologiae – A Guide and Commentary, USA., Oxford University Press, 2014.
Daniel J. Sullivan, An Introduction to Philosophy, Rockford, Illinois, Tan Books and Publishers, Inc., 1992.
Edward J. Gratsch, S.T.D., Aquinas’ Summa, An Introduction and Interpretation, Bangalore, Theological Publications in India, 1985.
John Rziha, Perfecting Human Actions, st. Thomas Aquinas on Human Participation in Eternal Law, Washington, D.C., the Catholic University of America Press, 2009.
Joseph M. de Torre, Christian Philosophy, Manila, Sinag-Tala Publishers, 1980.
H. D. Gardeil, Introduction to the Philosophy of St. Thomas Aquinas (v.4 – Metaphysic), trans. John A. Otto, Eugene, Wipf and Stock Publishers, 2012.
Neil Ormerod, Creation, Grace, and Redemption, New York, Orbis Books, Maryknoll, 2007.
Paul J. Glenn, A Tour of the Summa of st. Thomas Aquinas, Tan Books and Publishers Inc., USA., 1978.
3. Từ điển và trang web
Marguerite-Marie Thiollier, Từ Điển Tôn Giáo, dg. Lê Diên, Hà Nội, Khoa Học Xã Hội, 2001, “JUDAISME” (ĐẠO DO THÁI).
Gerald O’Collins, S.J, Edward G. Farrugia, S.J., A Concise Dictionary of the Theology, Quezon City, Claretian Publications, 2001, “DUALISM”.
Karl Rahner (ed.), Encyclopedia of Theology, the Concise Sacramentum Mundi, New York, The Seabury Press, 1975, “GNOSIS”.
Phan Tấn Thành, OP., “Thần Học Về Tạo Dựng”, truy cập ngày 05.09.2017, https://catechesis.net.
Christopher M. Brown, “Thomas Aquainas”, truy cập ngày 13.08.2017, https://iep.utm.edu.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, “Phương Pháp của Thánh Tôma”, tiếp kiến chung ngày 16.06.2010, truy cập ngày 23.08.2017, w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en.html.
[1]Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong buổi tiếp kiến chung ngày 16.06.2010 đã nói về phương pháp của thánh Tôma như sau: “Chúng ta có thể hiểu rằng, trong thế kỷ XIX, khi sự bất tương hợp giữa lý trí thời hiện đại và vấn đề đức tin nảy sinh mạnh mẽ, thì Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã nhắc nhớ: thánh Tôma là bậc tôn sư dẫn dắt chúng ta bước bào một cuộc đối thoại sẵn sàng giữa đức tin và lý trí.” Dịch từ bản tiếng Anh, được đăng tải trên trang web: w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en.html (truy cập ngày 23 tháng 08 năm 2017).
[2]Cần lưu ý, Thiên Chúa thông chia sự hiện hữu cho các thụ tạo, nhưng không phân chia chính Người, vì Thiên Chúa là hữu thể đơn thuần, duy nhất và bất khả phân chia. Thiên Chúa thông ban sự hiện hữu cho thụ tạo qua hành vi sáng tạo. Sáng tạo nghĩa là làm ra một thứ gì đó từ hư vô. Ở q. 44 này, thánh Tôma chưa phân tích hành động và cách thế tạo dựng – sáng tạo (thuộc về các vấn nạn sau), nhưng có tác giả đã tóm tắt và giới thiệu điểm này ngay từ q.44 này vì cho rằng xét một cách nào đó lối trình bày của Tôma dường như đã ngầm nói tới điều đó rồi. xc. Paul J. Glenn, A Tour of the Summa of st. Thomas Aquinas, Tan Books and Publishers Inc, USA, 1978, p. 39-40.
[3]Vấn đề này sẽ được phân tích và làm sáng tỏ hơn trong những nội dung sau. Ở đây chỉ xin lưu ý rằng: ý niệm về chất thể đệ nhất rất trừu tượng, khó diễn giải và cần phải hiểu cho rõ để không rơi vào những trường hợp lầm lẫn như q.44 đã nói tới. Thực tế, chất thể đệ nhất không hiện hữu tự thân, nó cần đến một mô thể bản thể mới được đón nhận vào. Chất thể đệ nhất không thể tồn tại trừ phi được thực hữu hoá nhờ một mô thể bản thể nào đó phân biệt với nó. Về điểm này, xin xem thêm: Tomas Alvira, Luis Clavell, Tomas Melendo, Siêu Hình Học, dg. Đỗ Ngọc Bảo, OP., TP. HCM, Học viện Đa Minh, 2008, p. 277-280.
[4]Tuy nhiên, có một hướng nhìn khác, không xét q.44 là bước chuyển mạch tư tưởng trong phần I của bộ Tổng Luận Thần Học, nhưng là một sự mở rộng phạm vị cứu xét. Khi đối chiếu với bộ Summa Contra Gentiles, nhiều học giả xem phần nội dung từ q.44 đến q.46 vẫn thuộc phần Mầu Nhiệm Thiên Chúa, bở vì việc tạo dựng được xem như là kéo dài sự “phát xuất” (processio) tình yêu Thiên Chúa ra bên ngoài. x. Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Tp. HCM, Học viện Đa Minh, 2012, p. 339 – 340. Thực tế, dù nhìn dưới góc cạnh nào, thì q.44 cũng được trình bày sau phần Ba Ngôi, và nói đến hành động hay công trình của Ba Ngôi.
[5] Thực tế, Thiên Chúa ở đây được trình bày là nguyên nhân tác thành, nguyên nhân kiểu mẫu và nguyên nhân cứu cánh. Nhưng chủ đạo và nền tảng của vấn nạn vẫn là tư tưởng Thiên Chúa là căn nguyên tác thành của vạn vật. Vì thế, trong giới hạn ở đây, chỉ xin phân tích một nguyên nhân nền tảng này mà thôi.
[6] Về sự hiện hữu cũng như các ưu phẩm của Thiên Chúa, hữu thể mang mọi nét hoàn bị của căn nguyên đệ nhất, Thánh Tôma phân tích rất kỹ ngay từ những quaestio đầu tiên trong bộ Tổng Luận, đến độ có người đã từng chỉ trích rằng Tôma đưa ra một khảo luận về Thiên Chúa ngay từ trước khi bàn về hoạt động nội tại (immanent) cũng như ngoại tại (transitive) của Thiên Chúa. xc. Brian Davies, Thomas Aquinas’s Summa Theologiae – A Guide and Commentary, USA, Oxford University Press, 2014, p. 109.
[7]Ở đây, khi đã chống lại chủ thuyết đa thần, hẳn nhiên thánh Tôma phần nào cũng chống lại chủ thuyết nhị nguyên (lưỡng thần) rồi. Nhưng vì, thánh Tôma dành riêng a.2 trong q.44 để khẳng định rõ chất thể đệ nhất cũng là thụ tạo, nên vấn đề này sẽ được phân tích kỹ hơn ở những nội dung sau.
[8]Thuyết phát xuất (cũng có chỗ dịch là sinh xuất) khởi đi từ quan điểm của Plotinus, nếu thượng đế là Một, ngài không thể tạo dựng vì tạo dựng là một hành động, và hành động sẽ bao hàm sự thay đổi. vạn vật tất yếu phát xuất từ Thiên Chúa như kiểu ánh sáng phát ra từ mặt trời. Có người cho rằng, không hẳn Plotinus chủ trương phiếm thần, mà dường như chỉ cố gắng giải thích tính đa dạng của các cấp bậc thụ tạo qua thuyết emanatio: xc. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, bd. Đỗ Văn Tuấn, Lưu Văn Hy, Hà Nội, Lao Động, 2004, p. 107-108. Có lẽ chỉ sau này, thuyết tân-Platon thời hậu Plotinus mới dần đánh đồng thuyết emanatio với chủ trương phiếm thần.
[9] Tư tưởng nhị nguyên có lẽ khởi đi từ quan điểm triết học của Platon. Tư tưởng này có ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài đến đến văn hoá Hy Lạp và La Mã. Trong đời sống Giáo Hội, các Kitô hữu cũng chịu tác động khá nhiều bởi triết thuyết này, khiến xảy ra nhiều phong trào lạc giáo khác nhau, chẳng hạn: nhóm Manikê, bè rối Albigensê. Những phong trào lạc giáo và tư tưởng nhị nguyên này cũng rộ lên vào thời Trung Cổ, thời đại của thánh Tôma. Vì vậy, không lạ gì, có người lầm lẫn rằng chất thể đệ nhất là yếu tố siêu vật chất, không phải thụ tạo, thậm chí còn như một lực lượng ngang hàng với Thiên Chúa trong việc tạo dựng. Về điểm này xin xem thêm: Gerald O’Collins, S.J, Edward G. Farrugia, S.J., A Concise Dictionary of the Theology, Quezon City, Claretian Publications, 2001, “DUALISM”, p. 68.
[10] Xc. Karl Rahner (ed.), Encyclopedia of Theology, the Concise Sacramentum Mundi, New York, The Seabury Press, 1975, “GNOSIS”, p.552-553.
[11] Về các triết thuyết bất tương hợp với quan niệm Thiên Chúa là căn nguyên tác thành, người ta thường phân chia thành hai nhóm khác nhau: (1) – nhóm có tư tưởng thái quá, bao gồm đa thần, nhị nguyên, Tân Platon – phiếm thần, ngộ đạo; (2) – nhóm có thái độ bất cập, bao gồm vô thần, duy tâm. Xc Nguyễn Văn Liêm, OP., Giải Thích Thần Học – Mầu nhiệm Thiên Chúa Tạo Thành, Tp. HCM, Học viện Đa Minh, 1988, p. 10-12. Ở đây, chỉ tập trung phân tích kỹ một vài chủ thuyết lớn gần như đi ngược hoàn toàn với đạo lý Kitô giáo về vấn đề căn nguyên tác thành. Còn những triết thuyết khác, chỉ giới thiệu khái lược.
[12] Sách GLHTCG khẳng định rằng, trong tất cả những lời Kinh Thánh nói về công trình tạo dựng, ba chương đầu của sách Sáng Thế có một chỗ đứng độc đáo. Về phương diện văn chương, những bản văn đó do nhiều nguồn khác nhau. Các tác giả được linh hứng đã đặt các bản văn này ở đầu Sách Thánh để long trọng diễn tả những chân lý về công trình tạo dựng, về nguồn gốc và cùng đích của công trình đó trong Thiên Chúa (số 289).
[13] Bản văn Maccabê của Cựu ước này rất đặc biệt, lần đầu tiên dữ liệu Kinh Thánh đưa đến một điểm thần học quan trọng: Thiên Chúa sáng tạo và sáng tạo từ hư vô. Đây là điều mà mãi sau này các Giáo phụ mới đề cập đến khi phải đối diện với nhiều lạc giáo và triết thuyết chống Kitô giáo. Để hiểu rõ hơn điểm này, xin xem: Neil Ormerod, Creation, Grace, and Redemption, New York, Orbis Books, Maryknoll, 2007, p. 3-6.
[14]Liệu đạo lý niềm tin này của dân Israel có chịu ảnh hưởng của các dân tộc lân cận trong vùng Cận Đông không, ở đây không đi vào phân tích điều này vì không trực tiếp liên quan đến nội dung chính của q.44. Nhưng, xin nói thêm, giả như cộng đồng Israel đã thụ hưởng hoặc chịu tác động nhiều tư tưởng của các dân tộc chung quanh, điều đó cũng không ảnh hưởng đến đạo lý đức tin Thiên Chúa là căn nguyên vũ trụ như đang nói ở đây. Thậm chí, từ đặc tính là một tôn giáo nhất thần (so với các dân tộc khác, có thần riêng của họ), đã có một cú nhảy đức tin, dẫn đến hình thành tôn giáo độc thần (chỉ có Thiên Chúa là thần duy nhất và là căn nguyên của vũ hoàn). Về điểm này, xin xem: Marguerite-Marie Thiollier, Từ Điển Tôn Giáo, dg. Lê Diên, Hà Nội, Khoa Học Xã Hội, 2001, “Judaisme” (đạo Do Thái), p. 346-349.
[15] Ngoài những trích dẫn Kinh Thánh rõ ràng về chân lý tạo dựng ở đây, có thể tham khảo thêm một số bản văn khác cũng nói nhắc đến mầu nhiệm Thiên Chúa tạo dựng, dù rằng chúng không khẳng định trực tiếp, nhưng dễ dàng suy ra. Chẳng hạn bài ca về Đức Khôn Ngoan trong công trình tạo dựng có trong Cn 8,22-31; lời cầu nguyện của caon cái Israel trong nghi thức sám hối trong Nk 9, 5-6; thánh Phaolô nói tới công trình tạo dựng mới trong Đức Kitô ở Rm 8, 18-23.11,36 hoặc Ep 1,3-14.
[16]Thực ra, ngay từ đầu tác phẩm này đã có những lời nhắc đến mầu nhiệm tạo dựng, tuy rằng chỉ giới hạn vào việc tạo dựng con người mà thôi: “Có hai con đường, một là con đường sự sống, và con đường kia là con đường sự chết. Nhưng có một khác biệt lớn lao giữa hai con đường. Con đường sự sống là con đường như sau: trước hết, ngươi phải yêu mến Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên ngươi” (Dida. 1,1-3). Có lẽ, vì tác phẩm này không phải là một bản hộ giáo về niềm tin, nên không chủ đích trình bày chân lý tạo dựng. Tác giả chỉ đưa ra những lời giáo huấn, hướng dẫn đời sống luân lý cho các dự tòng, ngang qua đó gián tiếp trình bày đạo lý tạo dựng. Về điểm này, xc. Lê Văn Chính, Giáo Phụ Học (Giáo trình), Tp HCM, Đại Chủng Viện Giuse, 2009, p. 24-27.
[17] Lưu ý rằng còn nhiều chi tiết khác trong thư của Mục tử Hermas nói về mầu nhiệm tạo dựng, nhưng lại không tương hợp hoàn toàn với đạo lý chính thống của Kitô giáo, chẳng hạn việc đồng hoá Thánh Thần với Ngôi Con và Thánh Thần là Thiên Chúa tạo dựng. Thế nên, các học giả đã vạch ra nhiều điều thiếu sót về mặt tín lý trong lá thư này, và ở đây không trích dẫn thêm những điểm đó. Xc. Phan tấn Thành, Về nguồn (tập 3), Thời Các Giáo Phụ (Giai đoạn 1), Tp. HCM, Chân Lý, 1999, p. 103-105.
[18] Những lời Hộ giáo này trích lại nguyên văn trong quyển: Jacques Liébaert, Michel Spanneut, Giáo Phụ, tập 1-2, dg. Đại Chủng Viện Thánh Giuse, p. 114 (không rõ năm xuất bản).
[19] Ở đây, dịch sát với bản văn tiếng Anh có trong quyển: Alister E. McGrath, Historical Theology (An introduction to the History of Christian Thought), UK., Wiley-Blackwell, 2013, p.30.
[20] Để thấy sự khác biệt và tiến triển của đạo lý, ở đây xin dịch sát nghĩa từ bản văn Latinh có trong quyển: Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Tp. HCM, Học viện Đa Minh, 2012, p.274. (Credimus in unum Deum, Patrem omnipotentem, factorem caeli et terrae, visibilium omnium et invisibilum)
[21] Đây là nhận định ngay từ lời dẫn nhập trước khi đi vào phân tích học thuyết Tôma trong quyển: John Rziha, Perfecting Human Actions, st. Thomas Aquinas on Human Participation in Eternal Law, Washington, D.C., the Catholic University of America Press, 2009, p.2-3.
[22] Xc. John Rziha, ibid, p. 8-15. Tác phẩm này phân tích rất kỹ lưỡng ý niệm thông dự của thánh Tôma khi nghiên cứu lại nhiều tác giả trường phái Tôma nổi tiếng trong thế kỷ XX.
[23] Thiên Chúa là căn nguyên đệ nhất, điều này không chỉ áp dụng cho việc sáng tạo ra muôn loài mà thôi. Thiên Chúa là căn nguyên đệ nhất ngay cả trong việc điều khiển mọi hành động khác của con người. Con người được xem là nguyên nhân dụng cụ, hay nguyên nhân thứ cấp, nguyên nhân phổ quát đệ nhất cho sự hiện hữu và hành động của con người chính là Thiên Chúa. Xc. Joseph M. de Torre, Christian Philosophy, Manila, Sinag-Tala Publishers, 1980, p. 108-109.
[24] Xc. Daniel J. Sullivan, An Introduction to Philosophy, Rockford, Illinois, Tan Books and Publishers, Inc., 1992, p. 40-42.
[25] Về điểm này, xin xem bài viết về sự tiến triển của thần học tạo dựng trong: Phan Tấn Thành, OP., “Thần Học Về Tạo Dựng”, có trên trang web https://catechesis.net.