THẾ NÀO LÀ LINH MỤC TRONG DÒNG ĐAMINH?
Thomas P. Rausch SJ
Một linh mục Dòng Tên viết về chức linh mục trong Dòng Đaminh. Người ta thường đối chọi linh đạo của hai Dòng, nhưng tác giả lại vạch ra nhiều điểm tương đồng giữa thánh Đaminh và thánh Inhaxiô trong quan niệm về chức linh mục: linh mục ngôn sứ, dấn thân phục vụ Tin mừng trên khắp thế giới. Tiếc rằng do những hoàn cảnh lịch sử, cả hai dòng đều mất đi nhiều nét đặc sắc của hai vị tổ phụ. Tác giả là giáo sư thần học tại đại học Loyola Marimount University, Los Angeles. Nguyên văn tiếng Anh: What is Dominican priesthood? đăng trên tạp chi Spirituality today 42 (1990) 323-339. Bản dịch của Huỳnh Hữu Phúc O.P.
——————————————
Phải hiểu chức linh mục trong Dòng Đaminh như thế nào? Linh mục Đaminh là linh mục thuộc về một Dòng tông đồ và phải được hiểu như thế. Thế nhưng, như cha John O’Malley đã viết trong một bài báo gần đây, những phạm trù cổ điển dùng để mô tả Linh mục tu sĩ Dòng thì không mấy chính xác và dẫn đến một sự lẫn lộn làm hại cho đời tu. Mặc dù sự lẫn lộn này đã bén rễ sâu, nhưng cha O’Malley ghi nhận cách riêng ở trong sắc lệnh về chức Linh mục của Công đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis. Văn kiện này thừa nhận rằng tất cả các linh mục đều lãnh đạo các cộng đồng tín hữu ở một địa phương và thi hành tác vụ cơ bản là ban bí tích trong sự hợp nhất phẩm trật với các Giám mục.(1)
Vấn đề mà cha O’Malley nêu lên là công đồng đã lấy mô hình linh mục giáo phận làm kiểu mẫu cho chức linh mục. Nhưng chức linh mục trong Giáo Hội có nhiều kiểu mẫu và hình thức. Chức linh mục của một cha xứ thì rất khác với chức linh mục của một đan sĩ hoặc của một tu sĩ thuộc một dòng tông đồ. Điều này đúng cách đặc biệt đối với hình thức của chức linh mục mà thánh Đaminh muốn cho những người tham gia vào tác vụ của ngài và trở nên phần tử của Dòng ngài.
Quan niệm của Giáo hội công giáo về chức linh mục đã kết hợp hai vai trò mà lịch sử các tôn giáo xem như khác biệt: tế tự và ngôn sứ. (2)Vai trò tế tự là chủ sự nghi lễ diễn đạt kinh nghiệm tôn giáo của một cộng đoàn: tư tế hướng dẫn cộng đoàn để nói với Thiên Chúa. Ngôn sứ là người mà qua đó, Lời Chúa được nói với cộng đoàn.
Sự khác biệt về ý niệm giữa hai vai trò này có ích cho việc nghiên cứu tôn giáo, mặc dù trên thực tế có những trùng hợp giữ hai bên ngay từ trong Kinh thánh. Nhưng trong truyền thống Kitô giáo, từ thời các ngôn sứ và thầy dạy của Giáo hội sơ khởi, vai trò phụng tự bén rễ trong vai trò ngôn sứ. Những người được gọi là linh mục (kỳ mục: presbyteroi) chủ sự Thánh Lễ bởi vì họ đã giảng dạy cho cộng đoàn bằng lời và thi hành chức năng lãnh đạo. Nói theo ngôn ngữ thần học Công giáo, họ được phép giảng dạy nhân danh Giáo hội. Vì thế chức vụ mục tử của Giáo hội không thể thu hẹp vào vai trò thuần túy phụng tự.
Thế nhưng, như Michael Buckley đã gợi ý, trên thực tế, trong đời sống cụ thể của Giáo hội chức linh mục có lúc chú trọng đến khía cạnh phụng tự có lúc chú trọng đến khía cạnh ngôn sứ. Trong một bài viết dành cho các sinh viên chuẩn bị lãnh chức linh mục trong Dòng Tên, cha Buckley đã phác họa những khác biệt giữa linh mục phụng tự và linh mục ngôn sứ như thế này. Đặc trưng của linh mục phụng tự là nhấn mạnh đến tác vụ bí tích và kinh nguyện phụng vụ. Đó là trách nhiệm của linh mục đan tu chuyên lo Opus Dei (cử hành phụng vụ), hoặc kinh sĩ nhà thờ chánh tòa đảm trách tác vụ bí tích tại một thánh đường, hoặc là một cha sở chủ sự đời sống phụng vụ và bí tích của một cộng đoàn địa phương.
CHỨC LINH MỤC NGÔN SỨ
Linh mục ngôn sứ là một người dấn thân cho tác vụ của Lời theo nghĩa sung mãn nhất. Trước tiên đó là sứ vụ công bố Tin mừng (kerygma) hơn là phụng vụ, tuy không loại trừ phụng vụ. Khác với các Linh mục mà trách vụ được tập trung vào việc lãnh đạo những cộng đoàn địa phương cố định, các Linh mục ngôn sứ luôn sẵn sàng lên đường truyền giáo. Theo lời của Buckley:
Vị linh mục ngôn sứ là người luôn quan tâm giảng dạy Lời Chúa bằng hết mọi cách để cho lời ấy có thể được nghe, được hiểu và trở thành hiện thực trong đời sống xã hội của con người, một linh mục nói với kinh nghiệm tôn giáo của con người và – giống như những ngôn sứ trong Cựu ước – kết nối mối quan tâm đến đức tin chính xác với sự lo lắng cho những người nghèo khổ trong xã hội: đó là sứ vụ của Lời, sứ vụ của nội tâm, sứ vụ đến với nỗi khổ của xã hội. (3)
Theo Buckley, linh mục ngôn sứ là đặc trưng của Dòng Tên. Những tu sĩ Dòng Tên, như là một Dòng giáo sĩ, tượng trưng cho hình thức mới của chức linh mục; họ là một nhóm những Linh mục với một sứ mệnh cơ bản là ngôn sứ.
Vào thời ấy, cộng đoàn thánh Inhaxiô thật là độc đáo, bởi vì nó được thành lập mà không buộc giữ giờ nguyện kinh chung. Vì thánh Inhaxiô đã muốn các tu sĩ của mình có tính cơ động, sẵn sàng lên đường, điển hình qua lời khấn thứ tư về sự vâng phục Giáo hoàng cách đặc biệt để đi truyền giáo cho sứ vụ, cho nên một vài tác vụ đã bị loại bỏ. Hiến pháp ghi rằng:
Bởi vì các tu sĩ phải sẵn sàng bất cứ lúc nào để đi đến nơi này hoặc nơi khác trên thế giới, những nơi mà đức giáo hoàng hoặc các bề trên sai đi, cho nên họ không được phép đảm nhận việc coi sóc các linh hồn, lại càng không được phép nhận làm cha giải tội thường xuyên hay linh hướng cho các nữ tư hoặc các phụ nữ khác. (4)
Mặc dù linh đạo Dòng Tên đậm đà với việc Bí tích Thánh Thể, nhưng thánh I-nha-xi-ô đã không bắt buộc mỗi tu sĩ phải cử hành Thánh Thể hằng ngày, và chính người cũng chẳng dâng lễ mỗi ngày. Nhưng các tu sĩ phải tham dự Thánh lễ mỗi ngày. Trong truyền thống Dòng Tên, mãi cho đến khi việc đồng tế trở thành thông dụng, thì tu sĩ vào ngày khấn vĩnh viễn không dâng thánh lễ mà chỉ dự lễ và rước lễ từ vị bề trên đã nhận lời khấn.
CHỨC LINH MỤC TRONG DÒNG ĐAMINH
Chức Linh mục ngôn sứ mà chúng ta đang bàn có nhiều nét chung với phong trào sống Tin mừng vào giữa thế kỷ XIII, được biết đến như vita apostolica (nếp sống Tông đồ). Thánh Đaminh có quan điểm như thế nào về chức linh mục của mình và của các đồng bạn: điều này xem ra không khó diễn tả. Nhưng tôi tự hỏi phải chăng trong truyền thống tiếp sau đó, chức linh mục đã phát triển theo hướng phụng tự.
Công đồng Vaticanô II đã mời gọi các Dòng tu trong Giáo hội hãy canh tân đời sống tu trì của họ dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: thứ nhất là “liên tục quay về với những nguồn cội của mọi đời sống Kitô giáo và với hứng khởi ban đầu của mỗi cộng đoàn tu trì,” và thứ hai là “thích ứng với những điều kiện thay đổi của thời đại.” (5)Giống như những Dòng khác, Anh em Đa minh đã hết sức cố gắng thực thi mệnh lệnh của công đồng.
Nhưng sự cố gắng trở về hứng khởi nguyên thủy trở thành phức tạp khi phải đi từ những vị trí khác nhau của các tu sĩ nam và nữ vào hồi thế kỷ XIII và XIV sang đến chủ trương muốn rằng tất cả mọi thành phần đều được tham gia trọn vẹn vào đặc sủng của cái mà ngày nay người ta gọi là gia đình Đaminh.
Cuộc tranh luận đã diễn ra cách sôi nổi. Cha Edward Schillebeekx cho rằng đặc sủng của thánh Đaminh nằm ở chỗ ngài đã đón nhận nếp sống tông đồ; ngài đã thành lập một Dòng có khả năng kết hợp di sản tinh thần thuộc về quá khứ với một cuộc thích nghi vào những nhu cầu tôn giáo mới.(6) Theo cha Leonard Boyle, Đức giáo hoàng Honoriô III đã chấp thuận cho Dòng Đaminh được thành lập vào năm 1217 như “một Dòng của những nhà Giảng Thuyết nói chung”, và bốn năm sau đó thì thêm một sứ vụ chung nữa là giải tội. (7) Cha Simon Tugwell, trong một khảo luận tựa đề The Way of the Preacher (Con đường của Người Giảng Thuyết), đã xác định đặc sủng ấy là gratia praedicationis (ân sủng giảng thuyết). (8) Cha Jeremy Miller, dường như nhận ra rằng sự nhấn mạnh của Tugwell về việc giảng thuyết, cách riêng là giảng bằng lời, đã không bao hàm tất cả tính đa dạng của anh chị em Đaminh cũng như của những công trình của họ về nghệ thuật và trí thức, cho nên muốn mở rộng nhãn giới hơn. Cha Miller chú trọng đến châm ngôn của dòng là veritas (chân lý): trước hết là chân lý được chiêm niệm và rồi được chia sẻ; và cha kết luận rằng đặc sủng Đaminh là một nguyên lý mạo hiểm (principle of adventurousness). (9) Có người đã đưa ra đề nghị rằng “Tốt hơn cả là Dòng nên bắt đầu suy nghĩ về một đặc sủng dành cho các anh em, và một đặc sủng khác dành cho các nữ đan sĩ, vv…” (10) Nhưng các tổng hội đã bác bỏ đề nghị ấy. (11)
Dù nói gì về đặc sủng của gia đình Đaminh trong đời sống Giáo hội đương thời đi nữa, ở đây chúng tôi chỉ hạn chế vào một điểm: thánh Đaminh đã hình dung như thế nào về chức linh mục của các anh em mình, và ngày hôm nay Dòng hiểu về chức linh mục như thế nào?
Khác với sự thay đổi đã xảy ra nơi Dòng nhất Phan-sinh, ngay từ đầu dòng nhất Đaminh đã là dòng giáo sĩ. Thánh Đaminh đã là một Linh mục, một kinh sĩ nhà thờ chánh tòa, tuy nhiên ngài cũng là con người độc đáo. Ý định lập dòng đã nảy sinh trong tác vụ lưu động với đức cha Diego giám mục Osma trong cuộc chống lại lạc giáo Albigeois ở miền Nam nước Pháp. Dòng Đaminh được thành hình từ nhóm những thừa sai liên kết với thánh Đaminh. Chịu ảnh hưởng bởi nếp sống Tông đồ, họ đã sống một đời sống lưu động, chỉ sở hữu những gì họ có thể mang theo người, và hành khất để sinh sống, vì mục đích rao giảng Tin mừng.
Cha Simon Tugwell ghi lại một câu chuyện, được kể lại do một anh em Giảng thuyết Đaminh tiên khởi. Khi Thánh Đaminh đề nghị Đức giáo hoàng Innocent III chấp thuận cộng đoàn mới của mình như là Dòng những nhà giảng thuyết (Ordo Praedicatorum), Đức giáo hoàng đã thắc mắc tại sao thánh nhân muốn thiết lập một Dòng gồm toàn là các giám mục. Đức giáo hoàng đã bối rối vì người ta vẫn cho rằng duy chỉ những Giám mục mới là các nhà giảng thuyết chính thức. (12) Chẳng biết câu chuyện này thực hư thế nào, nhưng nó cho một bài học. Hồi thế kỷ XIII việc giảng thuyết không được xem như công việc thông thường của các linh mục, họ phụ giúp Giám mục bằng cách thực hiện tác vụ bí tích trong các giáo xứ, nhưng Giám mục mới là nhà giảng thuyết chính thức. Các Linh mục tiên vàn là những tác viên phụng tự.
LINH MỤC DÒNG ĐAMINH NHƯ MỘT NGÔN SỨ
Khi thánh Đaminh định dạng cho cộng đoàn giáo sĩ của mình như là Dòng giảng thuyết, thì ngài đã nhắm tới chức linh mục ngôn sứ, theo ý nghĩa mà chúng tôi đã nói trên đây. Tác vụ của những anh em ngài không rập khuôn theo các linh mục giáo phận, tức là những người quản trị các giáo xứ kèm theo những quyền lợi tài chính. Ngài nhắm đến một thứ linh mục mới mẻ, một hình thức dòng tu giáo sĩ tông đồ chú trọng vào tác vụ giảng thuyết. Sứ vụ giảng thuyết được Đức giáo hoàng Honoriô III trao cho Dòng vào năm 1217 đã là một sự kiện chưa từng có trước đó, cũng như việc giải tội được trao cho Dòng vào năm 1221. Sứ vụ giảng thuyết bắt nguồn từ đặc trưng miễn trừ dành cho các Linh mục Dòng như là những trợ tá theo Tin mừng cho các Giám mục và Đức giáo hoàng, hơn là từ trách nhiệm của các Giám mục và các chủ chăn phải giảng hoặc lo liệu cho có các bài giảng trong các thánh đường của mình.
Đồng thời, đời sống của anh em linh mục Đaminh cần được bắt nguồn từ phụng vụ và chiêm niệm. Thế nhưng xét vì hình thức truyền thống của đời sống cộng đoàn là tính đan tu, cho nên ngay từ buổi đầu, đời sống Đaminh mang một chiều kích đan tu, dù đã được chế giảm bởi vì thánh Đaminh dành ưu tiên cho việc giảng thuyết. Chúng ta có thể nhận thấy sự căng thẳng ở đây, trong việc nhấn mạnh đến tác vụ giảng thuyết, lồng trong đời sống chiêm niệm và phụng vụ của cộng đoàn. Nhưng phụng tự chịu lệ thuộc vào ngôn sứ.
Thánh Đaminh đã du nhập nếp sống Tông đồ cho các phần tử của Dòng mình, dựa vào Tin Mừng Luca chương 10. Điều cốt yếu là giảng Tin Mừng. Các cơ cấu và nếp sống của Dòng, kể cả sự đề cao đức thanh bần, đều nhằm phát triển công tác đó ra thực hành. Tất cả đều tùy thuộc vào điều đó. Những nữ đan sĩ và trợ sĩ chia sẻ công tác ấy bằng cách cung cấp một cơ sở vật chất hay tinh thần cho các nhà giảng thuyết. Nhưng họ cũng phục vụ phục vụ Lời Chúa bằng việc chia sẻ đời sống nội tâm của mình. Người ta thuật lại rằng thánh Catarina Siêna đã kể nhiều lần cho cha giải tội biết rằng điều mang lại cho mình nhiều an ủi nhất là được nói về Chúa cho tha nhân. (13)
Linh đạo Dòng Đaminh đã phát sinh từ sứ vụ giảng thuyết. Bởi vì định hướng của Dòng là tông đồ, cho nên việc khổ hạnh tu trì được xếp vào hàng thứ yếu. Thánh Đaminh đã sai các môn đệ đi ngang dọc khắp nơi để giảng dạy và sau đó để học hành. Hiến pháp được coi như là luật của con người và không buộc thành tội. Các Bề trên có thể miễn chuẫn sự tuân thủ những việc khổ hạnh cổ truyền của nếp sống đan tu, kể cả việc nguyện kinh chung, nếu chúng làm cản trở sứ vụ giảng thuyết và học hành. Từ lúc ban đầu Dòng đã phải tranh đấu để bảo vệ tác vụ giảng thuyết của mình, tách rời khỏi trách nhiệm quản trị giáo xứ, và Dòng đã thành công vì được nhìn nhận như là một Dòng những người giảng thuyết theo như thánh Đa minh đã có ý thực hiện.
NHỮNG YẾU TỐ PHỤNG TỰ TRONG CHỨC LINH MỤC DÒNG ĐAMINH
Thế nhưng trong những giai đoạn lịch sử kế tiếp của Dòng, một số những yếu tố đã gây ra sự biến đổi người linh mục ngôn sứ ban đầu hay truyền giảng Tin Mừng thuở ban đầu, trở thành một người linh mục phụng tự. Những yếu tố đó là: tiến trình “đan tu hóa” của Dòng, gia tăng việc đảm nhận trách nhiệm coi sóc các cộng đồng địa phương, sự bá chủ của thần học thánh Tôma Aquinô, và sự thắng thế của thánh lễ tư. Chúng ta sẽ bàn vắn tắt mỗi yếu tố này.
- Tiến trình đan-tu-hóa. Được thành lập như là một cộng đoàn tông đồ, Dòng Đaminh kết hợp những yếu tố cổ truyền của các đan sĩ và kinh sĩ với phong trào sống Tin Mừng cách mới mẽ ở cuối thế kỷ XII. Sứ vụ xác định lối sống và linh đạo của Dòng. Nhưng tiến trình định-chế-hóa diễn ra trong những thế hệ sau thánh Đaminh đã mang lại cho Dòng một bộ mặt đan tu.
Cha Schillebeekx, tuy nhìn nhận giá trị đào tạo của truyền thống nhưng vẫn dùng từ ngữ “lối tĩnh tu nguy hiểm của các đan sĩ và kinh sĩ” (242). Cha Tugwell, trong quyển sách “The Way of the Preacher”, lưu ý rằng các bộ luật đã dần dần biến tu viện Đaminh, vào lúc đầu được gọi là praedicatio nghĩa là cộng đồng rao giảng, trở thành cộng đồng tu trì để chuẩn bị rao giảng qua việc đào tạo đời tu (82-83). Nhưng điều này đã quay lại hình ảnh đời đan tu giống như cái bát cần phải được tràn đầy bằng đời sống chiêm niệm hơn là giống như cái phễu thông chuyển tức khắc ân sủng đã lãnh nhận. Cha Miller đã giải thích chính xác tư tưởng của cha Tugwell khi coi đó một lời cảnh báo chống lại khuynh hướng gán cho Dòng Đaminh đặc tính đan tu (244-245)
Phần lớn tiến trình định-chế-hóa diễn ra trong suốt thời gian lãnh đạo của cha Humbert de Rômans, trở thành Bề trên Tổng quyền thứ 5 của Dòng vào năm 1254. Đối với việc xác định căn tính của Dòng thì ảnh hưởng của cha Humbert chỉ thua thánh Đaminh mà thôi. Cha Humbert cũng nhấn mạnh rằng việc giảng thuyết là mục đích tông đồ của Dòng. Công cuộc lập pháp của ngài đã giúp ổn định cộng đoàn và tổ chức đời sống tu trì, nhưng lại làm mất động lực sáng tạo của thuở ban đầu. Ngài đã mang lại cho Dòng một Phụng vụ đơn sơ và hợp lý, phù hợp cho một cộng đoàn mang sứ vụ tông đồ toàn cầu, nhưng nó vẫn được xây dựng xoay quanh việc cử hành chung ở cung nguyện và do đó vẫn giữ hình thức đan viện. Ba trăm năm sau, thánh Inhaxiô tiến xa hơn khi ngài thiết lập một cộng đoàn tông đồ không buộc phải giữ giờ kinh nguyện chung. Phụng vụ Dòng Đaminh khác với nghi thức Rôma, vẫn phản ánh nhiều tập tục đan tu. Phụng vụ này được duy trì cho tới sau công đồng Vaticanô II, và nó cũng đã góp phần vào việc giải thích chức linh mục theo hướng phụng tự.
- Trách nhiệm đối với cộng đoàn địa phương. Vì không chuyên môn về lịch sử Dòng Đaminh, tôi viết điều này với tính cách giả thuyết. Thánh Đaminh đã muốn cộng đoàn của mình là một nhóm những nhà giảng thuyết lưu động, họ không bị ràng buộc bởi những tác vụ cổ điển. Do đó, ngài đã để lại cho Dòng, ít là thoạt đầu, một thứ bản năng chống lại việc coi sóc các linh hồn. (14) Theo cha Humbert, việc giảng thuyết phải ưu tiên hơn những công tác thiêng liêng khác, kể cả Thánh lễ, giải tội, cử hành các bí tích và kinh thần vụ. (15) Nhưng ngay từ đầu, Dòng đã đương đầu với trách nhiệm đối với những cộng đoàn địa phương.
Vào thế kỷ thứ XIII, Dòng đã kiên quyết chống lại việc nhận trách nhiệm linh hướng cho các nữ tu; đặc biệt Tổng hội năm 1228 đã minh thị ngăn cấm điều này. Nhưng dưới thời cha Humbert điều này đã thay đổi; ngài đã thảo ra một bộ hiến pháp dành những nữ đan viện nữ muốn được sáp nhập vào Dòng; vì vậy, đã thiết lập luật pháp cho phép các linh mục Đaminh có thể phục vụ như là tuyên úy cho các nữ tu Đaminh. (16)
Nhiều công tác mục vụ khác đã gắn bó anh em Đaminh với các hội đoàn và cộng đoàn. Họ đã xây dựng và coi sóc những thánh đường lớn, được xây cất đặc biệt cho việc giảng thuyết. Không biết ngày nay bao nhiêu linh mục Đaminh làm việc mục vụ tại các giáo xứ. Hoàn cảnh hôm nay trở nên phức tạp do việc thiếu những linh mục trong Giáo hội; điều này đòi hỏi các linh mục tu sĩ càng ngày càng phải dấn thân vào tác vụ phụng tự và bí tích. Nhưng đây là một tình trạng khẩn trương dẫn đến nguy cơ làm biến thái đặc sủng của Dòng.
Không thể nào chỉ trích các Anh em Đaminh vì đảm nhận việc chăm sóc những người mà lòng nhiệt thành của mình đã thu hút, hoặc do giáo quyền ủy thác, cũng như không thể nào chỉ trích các tu sĩ Dòng Tên vì đã dấn thân vào các học đường.
Nhưng cả hai đều là những môi trường dấn thân mà các vị sáng lập không dự định lúc đầu. Ở đây, điều đáng nói là trách nhiệm ngày càng gia tăng đối với những cộng đoàn địa phương, kèm theo các tác vụ bí tích, cho thấy rằng chức linh mục ngôn sứ thuở ban đầu ngày càng trở thành chức linh mục phụng tự trong thực trạng của cuộc sống.
- Sự bá chủ của thần học thánh Tôma. Thật là kỳ: một người được xem là nhà thần học lừng danh của “Dòng Giảng Thuyết” nhưng lại không đề cập đến việc giảng thuyết trong định nghĩa về chức linh mục. Giống như những thần học gia khác vào thời trung cổ, thánh Tôma đã định nghĩa chức linh mục theo chiều hướng của quyền cử hành bí tích. Đàng sau quan niệm này là sự phân biệt giữa quyền thánh chức và quyền tài phán do giáo luật phát triển thế kỷ XI và XII. Việc đề cao quyền thánh chức của linh mục nhấn mạnh đến vai trò phụng tự hơn là mối tương quan của linh mục với cộng đoàn Giáo hội địa phương: (17) theo thánh Tôma, quyền thánh chức được thiết lập để ban bí tích … (và) chính yếu là thánh hiến Mình thánh Chúa Kitô và trao ban Mình Thánh cho các tín hữu, và thanh tẩy tín hữu khỏi tội lỗi (18).
Thánh Tôma không coi nhẹ sứ vụ giảng thuyết; ngài đã bàn đến giảng thuyết cũng với giải tội và học hành trong những đoạn viết về đời sống tu trì trong sách Tổng luận thần học.(19) Ngài cho rằng giảng thuyết là trách nhiệm của những dòng giống như dòng của mình, mặc dù phải tùy vào quyền bính của Đức giáo hoàng và tôn trọng quyền của Giám mục trong giáo phận của ngài.
Nhưng sự thiếu vắng việc giảng thuyết trong khảo luận về chức linh mục đã gây ra những hệ quả không tốt trong lịch sử của thần học Công giáo. Thần học Công giáo về chức Linh mục đã được khẳng định bởi Công đồng Trentô và được các sách giáo khoa truyền lại cho đến thời đại của chúng ta. Những ai chuẩn bị làm linh mục trước Công Đồng Vaticanô II đều học thần học theo các sách giáo khoa ấy. Khác với những truyền thống Tin lành nhấn mạnh đến chức vụ giảng thuyết (Predigtamt) hoặc tác vụ (Dienst), thần học Công giáo nhấn mạnh về chức linh mục như là quyền thánh chức ban cho linh mục thánh hiến Mình Thánh Chúa. Như thế, linh mục là một người thánh thiêng, thi hành chức vụ phụng tự.
Rõ ràng là Dòng của thánh Tôma đã bị ảnh hưởng cách tiêu cực bởi một nền thần học thiếu sót về chức Linh mục. Dòng đã nối kết việc giảng thuyết với ơn gọi Đa minh ngay từ buổi đầu, nhưng mãi đến năm 1571 Dòng mới minh nhiên liên kết việc giảng thuyết với chức linh mục trong hiến pháp (21) Dường như thần học của Đa minh về việc giảng thuyết đã được phát triển tốt hơn là thần học của dòng về chức thánh.
- Sự thắng thế của Thánh lễ tư. Không đâu quan niệm về chức linh mục phụng tự biểu lộ rõ rệt hơn việc cử hành Thánh lễ không có cộng đoàn. Cha Schillebeeckx cho rằng nguồn gốc Thánh lễ tư là tục lệ tôn kính các di hài vào thế kỷ VI. Tục lệ này đòi hỏi sự hiện diện của một linh mục cử hành Thánh lễ tại bàn thờ, nơi đặt di hài. Sang thế kỷ IX, các thánh lễ tư và thánh lễ ngoại lịch cầu nguyện theo một ý riêng đã trở thành phổ thông. (22)
Ngoài việc tái khẳng định thần học trung cổ về chức linh mục theo chiều hướng quyền thánh hiến, công đồng Trentô còn khẳng định rằng Thánh lễ là một hy lễ xá tội dành cho kẻ sống và kẻ chết (DS.1753). Trái ngược với quan điểm Tin lành, Linh mục trong thần học công giáo vẫn được xem là người được thánh hiến để tiến dâng in persona Christi (trong cương vị của đức Kitô) hy lễ của Giáo hội lên Thiên Chúa, dù có hay không có giáo dân.
Hiến pháp Dòng Đaminh nêu rõ Thánh lễ tu viện như là trung tâm của đời sống phụng vụ cộng đoàn. (23) Cũng như trong nhiều cộng đoàn có chiều hướng đan tu, trước công đồng Vaticanô II, anh em Đaminh đã tham dự vào Thánh lễ tu viện còn cử hành một Thánh lễ nữa, thường là một Thánh lễ tư. Đây không phải là cái gì riêng của Dòng Đa minh, bởi vì đối với nhiều linh mục Dòng sống trong những cộng đoàn lớn thì Thánh lễ tư đã trở thành quy luật từ lâu. Một hiệu quả của lối thực hành như vậy là củng cố quan niệm phụng tự của chức linh mục, bởi vì trong những giây phút yên tĩnh vào buổi sáng sớm, nhiều Linh mục Dòng nhận thấy chức linh mục của mình được diễn tả cách trọn vẹn.
Nhưng thật thú vị để ghi nhận rằng, việc dâng Thánh lễ thuần túy tư riêng không có sự hiện diện của một người giúp lễ là điều đã bị giáo luật ngăn cấm cho đến sau công đồng Vaticanô II. (24) Sự kiện này ít khi được nói đến. Nó cho thấy rằng trong tiềm thức thâm sâu của Giáo hội vẫn tồn tại sự nhìn nhận Thánh lễ là phụng vụ cộng đồng của Giáo hội chứ không phải là việc cầu nguyện riêng tư của linh mục. Tuy nhiên, đối với nhiều Linh mục Dòng ngày nay, Thánh lễ riêng đã trở thành luật chung.
CHỨC LINH MỤC NGÔN SỨ NGÀY NAY LÀ GÌ?
Ở đây, tôi không có ý định gợi ra cho các linh mục Đaminh những tác vụ mà họ nên làm. Nhiều Dòng giáo sĩ mà chức Linh mục được quan niệm như là ngôn sứ, hiện đang đặt lại vấn đề nên chọn những hình thức nào cho tác vụ của mình.
Ngày nay, có một chủ trương nhấn mạnh đến thừa tác viên như vị chủ sự phụng vụ của một cộng đoàn địa phương. Việc phát triển của những cộng đoàn Giáo hội cơ bản (comunidades ecclesiales de base) hoặc gọi là những cộng đoàn cơ bản Kitô giáo tại Châu Mỹ Latinh và tại những nơi khác đã đặt ra câu hỏi về việc phong chức cho những giáo dân đứng đầu các cộng đoàn ấy.(25) Có một chiều kích ngôn sứ nơi tác vụ của những người đứng đầu cộng đoàn giáo dân này: họ công bố lời Chúa cho cộng đoàn và giúp cộng đoàn tìm ra sự đồng thuận trong những hệ luận cụ thể của lời Chúa. Mặt khác, sự kiện là họ thi hành tác vụ tại một cộng đoàn địa phương nhất định, kèm theo việc chăm sóc mục vụ và chủ sự các cuộc cử hành phụng vụ bí tích thì không khác gì đa số các cha sở, và rồi tác vụ của họ, xét như là những người lãnh đạo cộng đoàn, mang nặng tính chất phụng tụ và hành chánh.
Giáo hội vẫn cần đến những linh mục với tư cách ngôn sứ hơn là phụng tự. Chúng ta thử vạch ra vài đặc trưng về linh mục như thế. Linh mục ngôn sứ là người loan báo Tin mừng. Do những đòi hỏi của việc của việc rao giảng, linh mục ngôn sứ bao gồm những điều sau đây:
- Tính Lưu Động: Để rao giảng Tin Mừng bất cứ ở đâu mà Đức Kitô cần được loan báo thì cần phải có sự di động. Về điều này có vài điểm tương đồng giữa Dòng Đaminh và Dòng Tên vào thời điểm ban đầu do định hướng của họ đối với đời sống tông đồ. Ngay từ đầu, Thánh Đa minh là người đầu tiên đã thành công trong việc thực hiện“một cách thức tổ chức giáo sĩ hoạt động tông đồ lưu động, không gắn liền với lãnh thổ”. (26) Hiến chương của Dòng Tên diễn tả ơn gọi của Dòng như là một ước muốn ra đi mà không thoái thác hay lẩn tránh, để đến bất kỳ nơi nào bề trên sai đến – dù các ngài thích sai chúng ta đến với người Thổ Nhĩ Kỳ hoặc những người ngoại giáo khác, thậm chí là đến với những người sống trong những vùng được gọi là Ấn Độ, hoặc dị giáo hoặc lạc giáo, hoặc bất cứ nhóm tín hữu nào. (27)
Cha Jerome Nadal, bí thư của thánh Inhaxiô, đã nói rằng Dòng Tên biểu lộ đúng căn tính của mình khi di động, để cho “toàn thế giới trở nên nhà của mình” (28).
Ngày nay, cả hai Dòng này đã mất đi phần lớn tính lưu động của họ do sự dấn thân cho những cơ sở đã thiết lập. Vào lúc đầu, các vị sáng lập đã không muốn cho họ bị ràng buộc vào những nơi, cơ chế, giáo phận hoặc quốc gia. Thậm chí họ cũng không gắn bó với một tầng lớp xã hội hoặc một nền văn hóa riêng biệt. Linh mục ngôn sứ cần được tự do để đến bất cứ nơi đâu cần đến họ.
- Rao Giảng Tin Mừng: Một linh mục dấn thân cho Lời Chúa thì đương nhiên là phải rao giảng Tin mừng. Thật đáng tiếc, Giáo hội công giáo ngày nay đã hầu như đã nhường công việc rao giảng Tin Mừng cho phái Tin Lành. Ở Mỹ, Giáo hội Công giáo chỉ mới chập chững đáp lại thách đố của việc rao giảng Tin Mừng trong một nền văn hóa trù phú và tục hóa. Những gì chị Mary Catherine Hilkert đã viết về các đường hướng mà các tu sĩ Đaminh nên quan tâm trong việc rao giảng Tin Mừng ngày nay thì cũng có thể áp dụng cho những Dòng khác mang đặc sủng ngôn sứ: “Thế mạnh đang lớn dần của trào lưu bảo căn (fundamentalism), ảnh hưởng chính trị của cánh hữu tôn giáo, và những mảng bao la của những kẻ tự xưng là “không theo tôn giáo nào”: đó là những thách đố của một Dòng được thành lập việc rao giảng Tin Mừng.” (29)
Chị Hilkert đã cho thấy điểm tương đồng giữa nước Mỹ ngày nay với nước Pháp vào thời thánh Đa minh. Giáo hội Công giáo ở nước Hoa kỳ và châu Mỹ Latinh đang mất hàng triệu người nói tiếng Tây Ban Nha chuyển sang phái Tin lành (evangelical) và Ngũ tuần (pentecostal). Khi bị tố cáo là “chiêu dụ” thì các đại diện của phái Tin lành trả lời rằng những người công giáo nói tiếng Tây Ban Nha chỉ mới “được rửa tội chứ chưa được rao giảng Tin mừng”, và phần nào họ có lý.
Nhưng các đại diện Công giáo cũng có thể phản hồi hữu lý rằng các phái Tin lành thường trình bày một thứ Kitô giáo cá nhân, không hợp với Tin mừng trọn vẹn. Một trong những biệt tài của thánh Đaminh là nhận ra vị trí của phong trào Tin mừng (=Tin lành) trong Giáo hội thời ấy. Ngày nay, linh mục ngôn sứ có thể phục vụ Giáo hội một cách tương tự như vậy. Giáo hội cần đến một cuộc rao giảng Tin Mừng năng động, kết hợp niềm tin vừa cá nhân vừa cộng đồng với sự quan tâm về công bằng. Nhu cầu này rất là bén nhạy nơi những người công giáo nói tiếng Tây Ban Nha.
- Công Bằng Xã Hội: Giáo hội vào cuối thế kỷ XX đã dần dần nhận ra những chiều kích xã hội của Tin Mừng và việc rao giảng Tin Mừng. Thượng hội đồng các Giám mục năm 1971 đã khẳng định rõ ràng: “Hoạt động cho sự công bằng là một chiều kích cơ bản của việc rao giảng Tin Mừng.” (30) Trong việc canh tân đời sống tu trì sau Công Đồng Vaticanô II, một số đáng kể các Dòng tu đã đặt sự dấn thân cho công bằng và liên đới với người nghèo như là thành phần nội tại của sứ vụ của họ. Việc dấn thân ấy cũng phải là đặc trưng cho một dòng tu với các linh mục mang tính ngôn sứ. Hơn nữa, hoạt động cho công bằng lại còn mang một ý nghĩa đặc biệt nữa, đó là những thành viên không có chức thánh cũng có thể chia sẻ với người lãnh chức thánh trong việc diễn tả đặc sủng giảng thuyết hoặc linh mục ngôn sứ ra các tác vụ cụ thể.
- Đời Sống Trí Thức. Mặc dù cả thánh Đaminh lẫn thánh Inhaxiô không hề xem việc dấn thân vào đời sống trí thức như là đặc trưng của Dòng mình, nhưng cả hai Dòng đều bị lôi cuốn vào các giáo dục cao đẳng và việc nghiên cứu ngay khi các vị sáng lập còn sống. Trong cả hai trường hợp, sự dấn thân này là một hệ luận trực tiếp của nỗ lực cung cấp một sự đào tạo chất lượng cho những tu sĩ trẻ. Thánh Đa minh đã gửi những anh em sinh viên của ngài đến hai trường đại học lớn ở châu Âu, Paris và Bologna, và Thánh Inhaxiô đã thành lập các học viện bên cạnh những trường đại học danh tiếng đương thời để huấn luyện các sinh viên của mình. Trong cả hai trường hợp, những bài giảng của họ đã nhanh chóng thu hút những sinh viên khác tìm đến học hỏi ở những tu viện hoặc học viện này.
Hiến pháp của cả hai Dòng đều phản ánh mối quan tâm của các vị sáng lập đối với cuộc đào tạo trí thức cách vững chắc. Thánh Đaminh đã miễn chuẩn một vài kỷ luật tu viện cho những người chuyên lo học hành cũng như giảng thuyết. Thánh Inhaxiô đã nhận ra sự phát triển của bất cứ thiên tài hoặc khả năng tự nhiên nào cũng đều hữu ích cho sứ vụ của Dòng. Vì thế nên Dòng của ngài đã trở nên đồng nghĩa với việc đào tạo tri thức lâu dài. Khi thánh nhân qua đời năm 1556, con số học viện của Dòng Tên đã gia tăng lên đến bốn mươi sáu.
Trong một Dòng mà linh mục mang tính ngôn sứ thì việc lơ đễnh đời sống tri thức sẽ gây thiệt hại cho sứ vụ rao giảng Lời. Nếu Tin Mừng cần phải nhuần thấm và soi sáng một văn hóa phức tạp, công nghệ như của chúng ta, thì nó đòi hỏi những đầu óc không những là được huấn luyện cao cấp mà còn là những đầu óc biết nhìn xa trông rộng và bác học. Điều này đòi hỏi một sự nhấn mạnh đến nền giáo dục cao đẳng và sự dấn thân cho sinh hoạt trí thức. Nếu không thì sẽ rơi vào não trạng cuồng tín. Một linh mục ngôn sứ không thể nào lơ đễnh sinh hoạt trí thức, ngay cả khi dấn thân cho công bằng xã hội. Đặc biệt trong lĩnh vực này, thái độ phi trí thức sẽ dễ dàng dẫn đến ý thức hệ mù quáng làm phương hại sự hòa giải đích thực.
KẾT LUẬN
Bộ máy tổ chức của của Giáo hội có thể chấp nhận những tác vụ đa dạng. Do nạn thiếu linh mục trong Giáo hội ngày nay, và nhu cầu cần có nhiều người chủ sự Thánh lễ ở các cộng đoàn địa phương, có lẽ Giáo hội tương lai sẽ thấy nhiều dạng linh mục hơn, thay vì giảm bớt.
Những Dòng tu, cả đan tu và tông đồ, với những hình thức riêng về chức linh mục của họ, sẽ tiếp tục làm Giáo hội được phong phú nhờ đời sống chứng tá và các tác vụ của họ. Nhưng Tin Mừng phải được loan báo và giải thích, không chỉ trong khung cảnh của giáo xứ và cộng đoàn địa phương, mà còn cho toàn thể Giáo hội, cho những nền văn hóa khác biệt trong đó Giáo hội sinh sống, cho những người ở bên lề xã hội. Dù không ai có thể dự đoán được tương lai, nhưng rõ ràng là sẽ còn cần thiết Dòng tu thi hành chức linh mục ngôn sứ, say mê lý tưởng Tin Mừng, tự do để di chuyển đến những nơi đang cần, có tài đem Lời Chúa đến sinh hoa kết trái trong hết mọi môi trường nhân sinh. Đó là chức linh mục mà thánh Đaminh đã nghĩ đến.
Chú thích
- John W. O’Malley, “Priesthood, Ministry, and Religious Life: Some Historical and Historiographical Considerations,” Theological Studies 49 (1988), 223-224.
- Karl Rahner, “Priestly Existence,” Theological Investigations Vol. III (Baltimore: Helicon Press, 1967), 239-262.
- Michael J. Buckley, “Jesuit Priesthood: Its Meaning and Commitments,” Studies in the Spirituality of Jesuits 8 (1976), 150.
- Ignatius, Constitutions, 588; xem The Constitutions of the Society of Jesus, trans. by George E. Ganss (St. Louis: Institute of Jesuit Sources, 1970), 262-263.
- Perfectae caritatis, no 2, in Walter M. Abbott, (ed.) The Documents of Vatican II (New York: America Press, 1966), 468.
- Edward Schillebeeckx, “Dominican Spirituality,” in his God Among Us (New York: Crossroad, 1983), 236-238.
- Leonard E. Boyle, The Setting of the Summa Theologiae of Saint Thomas (Toronto: Pontifical Institute of Mediaeval Studies, 1982), 1.
- Simon Tugwell, The Way of the Preacher (London: Darton, Longman & Todd, 1979), 36.
- Jeremy Miller, “Tugwell’s Way of the Preacher and a Proposal for Another Way,” in Jeremy Miller and Simon Tugwell, “What Is the Dominican Charism: An Exchange of Views,” Spirituality Today 34 (1982), 251.
- Xem Leonard P. Hindsley, “Dominican Spirituality: Bowel or Funnel?”, Dominican Ashram 3 (1984), 139.
- Mary Catherine Hilkert, “The Dominican Charism: A Living Tradition of Grace,” Spirituality Today 38 (1986), 158.
- Simon Tugwell, “Introduction,” in Early Dominicans (New York: Paulist Press, 1982), 14.
- Tugwell, Way of the Preacher, 23.
- Tugwell, 17.
- Xem Tugwell, Ways of Imperfection (Springfield, IL: Templegate, 1985), 140.
- Xem Edward Tracy Brett, Humbert of Roman: His Life and Views of Thirteenth-Century Society (Toronto: Pontifical Institute of Mediaeval Studies, 1984).
- Xem Edward Schillebeeckx, The Church with a Human Face (New York: Crossroad, 1985), 190-193.
- Thomas Aquinas, Summa Contra Gentiles, Bk. 4, chaps. 74, 75 (New York: Image Books, 1957); 287,289.
- Summa Theologiae, II-II, 188, 4, 5.
- Xc. Thomas P. Rausch, “Priesthood Today: From Sacral to Ministerial Model,” Irish Theological Quarterly 55 (1990), 206-214.
- Tugwell, The Way of the Preacher, 71.
- Edward Schillebeeckx, The Church with a Human Face, 151-161.
- Book of Constitutions and Ordinations of the Order of Friars Preachers (Rome: General Curia, 1984), 59. 1, p. 43.
- Xc. Thomas P. Rausch, S.J., “Is the Private Mass Traditional?” Worship 64 (1990), 237-242.
- Xem Leonardo Boff, Ecclesiogenesis: the Base Communities Reinvent the Church (Maryknoll, NY: Orbis Books, 1986), 63.
- Tugwell, The Way of the Preacher, 19.
- Ignatius, Constitutions, 4; Ganss, p. 68.
- trích dẫn do John O’Malley, “To Travel to Any Part of the World: Jeronimo Nadel and the Jesuit Vocation,” Studies in the Spirituality of Jesuits 16 (1984), 7.
- Mary Catherine Hilkert, “The Dominican Charism,” 155.
- Công bằng trên thế giới Tuyên ngôn của Thượng hội đồng giám mục 1971, 34.
——————————————–
* Chú thích bổ túc
Bài này bàn về chức linh mục trong dòng Đa minh. Trong những năm gần đây có nhiều bài viết về tương quan giữa ơn gọi linh mục và ơn gọi tu sĩ. Thí dụ:
AA.VV., “Sacerdozio: Il sacerdozio cristiano nella storia della vita religiosa”, in: Dizionario degli Istituti di perfezione, VIII, Ed. Paoline, Roma 1988, coll. 53-95.
Agostino Montan (a cura di), La situazione del Religioso Presbitero nella Chiesa oggi. Atti del Seminario di studio della Conferenza Italiana dei Superiori Maggiori, Roma 31 marzo 2005, Il Calamo, Roma 2005.
Rossano Zas Friz De Col S.I., “La condizione attuale del presbitero religioso nella Chiesa”, in: Rassegna di Teologia 45 (2004), p. 35-71. Id., “L’identità ecclesiale del presbitero religioso. Il caso dei gesuiti”, in: Rassegna di Teologia 45 (2004) 325-360. Tác giả trích dẫn nhiều tác phẩm khác, chẳng hạn
– B.E. Daley, “The Ministry of Disciples: Historical Reflections on the Role of Religious Priests”, in: Theological Studies 48 (1987) 605-630.
– J.O. Malley, “Priesthood, Ministry, and Religious Life: Some Historical and Historiographical Considerations”, in: Theological Studies 49 (1988) 223-257.
– P.J. Philibert, “Priesthood within the Context of Religious Life”, in D.J. Goergen (ed.), Being a Priest Today, Liturgical Press, Collegeville (Minnesota) 1992, 73-96.
– P. Hennesy (ed.), A Concert of Charisms: Ordained Ministry in Religious Life, New York 1997.