Thế Gian (Kosmos) Trong Tin Mừng Gioan

0
1368


Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.

I. DẪN NHẬP

Cách dùng từ “thế gian” (kosmos) trong Tin Mừng Gio-an có thể gây ngộ nhận. Chẳng hạn, Đức Giê-su nói ở 3,16: “Thiên Chúa đã quá yêu mến thế gian (kosmon), đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì không hư mất, nhưng có sự sống đời đời.” Tuy nhiên, đến cuối sứ vụ công khai, Đức Giê-su thưa với Cha của Người ở 17,9: “Con can thiệp cho họ [các môn đệ], Con không can thiệp cho thế gian (kosmou) nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, vì họ là của Cha.” Phải chăng Đức Giê-su đưa các môn đệ ra khỏi thế gian và Người không quan tâm, không cầu nguyện, không can thiệp cho thế gian nữa? Thế gian mà Đức Giê-su không can thiệp ở 17,9 là thế gian nào?

Ở 17,18, Đức Giê-su nói với Cha của Người: “Như Cha đã sai Con đến thế gian (kosmon), Con cũng sai họ [các môn đệ] đến thế gian (kosmon).” Thế gian (kosmos) trong câu này là đối tượng sứ vụ của Đức Giê-su, đồng thời thế gian (kosmos) cũng là nơi các môn đệ thi hành sứ vụ. Một nghĩa khác của từ “thế gian” xuất hiện ở 15,18, đó là thế gian ghét Đức Giê-su và các môn đệ. Đức Giê-su cho các môn đệ biết: “Nếu thế gian (kosmos) ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (15,18). Tại sao ghét? Thế gian đó là ai? Thế gian mà Đức Giê-su sai các môn đệ đến, là thế gian nào?

Đứng trước những điều xem ra mâu thuẫn và khó hiểu, cần tìm hiểu ý nghĩa của từ “thế gian” (kosmos) trong Tin Mừng Gio-an. Từ “thế gian” (kosmos) xuất hiện 78 lần ở các nơi:

Ch. 1–12 (33 lần): 1,9.10a.10b.10c.29; 3,16.17a.17b.17c.19; 4,42; 6,14.33.51; 7,4.7; 8,12.23a23b.26; 9,5a.5b.39; 10,36; 11,9.27; 12,19.25.31a.31b.46.47a.47b.

Ch. 13–17 (40 lần): 13,1a.1b; 14,17.19.22.27.30.31; 15,18.19a.19b.19c.19d.19e; 16,8.11.20.21.28a.28b.33a.33b;  17,5.6.9.11a.11b.13.14a.14b.14c.15.16a.16b.18a.18b.21.23.24.25.

Ch. 18–21 (5 lần): 18,20.36a.36b.37; 21,25.

Với 78 lần, từ “thế gian” (kosmos) có thể là từ khóa để xây dựng thần học Tin Mừng Gio-an. Phần sau sẽ trình bày năm nghĩa của từ “thế gian” qua hai mục lớn: (I) Thế gian là sự vật: (1) Thế gian vũ trụ, (2) Thế gian trái đất); (II) Thế gian là con người: (1) Thế gian nhân loại, (2) Thế gian chưa tin, (3) Thế gian thù ghét.

II. THẾ GIAN LÀ SỰ VẬT

Nhóm nghĩa thứ nhất của từ “thế gian” (kosmos) liên quan đến tạo thành của Thiên Chúa với hai cấp độ: “Thế gian” là “vũ trụ” và “thế gian” là “địa cầu”, “trái đất”.

1. Thế gian vũ trụ

Ở đầu và cuối ch. 17 (Ga 17,5.24), Đức Giê-su mặc khải về nguồn gốc và tương quan của Người với Chúa Cha. Đức Giê-su thưa với Cha của Người ở 17,5: “Vậy giờ đây, lạy Cha, xin Cha tôn vinh Con bên Cha, vinh quang mà Con đã có bên Cha trước khi có thế gian (kosmon).” Cuối ch. 17, Đức Giê-su nói: “Lạy Cha, về những người mà Cha đã ban cho Con, Con muốn rằng Con ở đâu, thì họ cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con, vinh quang mà Cha đã ban cho Con vì Cha đã yêu mến Con trước khi thế gian (kosmou) được tạo thành” (17,24).

Ở 17,5 có cụm từ: “trước khi có thế gian (pro tou ton kosmon einai).” Đây là cách dùng tiếng Hy Lạp: Giới từ (pro) + mạo từ ở thuộc cách (tou) + danh từ ở đối cách (ton kosmon) + động từ ở lối vô định (einai). Động từ Hy Lạp “eimi” có nghĩa “là”, “có”, “hiện hữu” ở lối vô định: “einai”, và không có thuộc từ (attribut), nên kiểu nói “trước khi có thế gian” tương đương với “trước khi thế gian hiện hữu.” Trong một số thủ bản Hy Lạp: D* (s D2; Irlat Epiph), cụm từ “trước khi có thế gian” có dị bản (variante): “Trước khi thế gian sinh ra” (pro tou genesthai ton kosmon). Dị bản này dùng động từ “ginomai” (sinh ra, trở thành) ở lối vô định (infinitif) thì aoriste: “genesthai”. Như thế, ở Ga 17,5, động từ “eimi” (là, có, hiện hữu) và động từ “ginomai” (là, sinh ra, trở thành, trở nên) được dùng để mô tả thời điểm Đức Giê-su có vinh quang của Người. Thời điểm được xác định là “trước khi thế gian hiện hữu”, “trước khi thế gian được sinh ra” (17,5).

Ga 17,5 gợi đến câu đầu tiên của Tin Mừng Gio-an (1,1). Người thuật chuyện cho biết: “Lời có lúc khởi đầu (en arkhêi), và Lời ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Trong câu “Lời có lúc khởi đầu”, động từ “có” là động từ “eimi”, chia ở thì chưa hoàn thành (imparfait) “ên”, và danh từ “khởi đầu” (arkhê) gợi lại khởi đầu tạo thành vũ trụ ở đầu sách Sáng thế (sách đầu tiên của Kinh Thánh). Trong bản LXX (la Septante), bản dịch Kinh Thánh Híp Ri sang tiếng Hy Lạp, St 1,1 xuất hiện cụm từ “lúc khởi đầu”: “Lúc khởi đầu (en arkhêi), Thiên Chúa sáng tạo trời và đất” (St 1,1). Nối kết giữa Ga 17,5 với Ga 1,1 và St 1,1 như trên cho phép hiểu từ “thế gian” (kosmos) ở Ga 17,5 chỉ về tất cả những gì được tạo thành, tất cả những gì hiện hữu, nghĩa là toàn thể vũ trụ này.

Cuối Ga 17, Đức Giê-su lập lại ý tưởng này bằng từ ngữ khác. Người ngỏ lời với Cha của Người ở 17,24b: “Cha đã yêu mến Con trước khi thế gian được tạo thành.” Cụm từ “trước khi thế gian được tạo thành (pro katabolês kosmou)”, dịch sát là “trước sự khởi đầu của thế gian.” Trong cụm từ này, danh từ Hy Lạp “katabolê” có nghĩa là “nền móng”, “nền tảng” (foundation), “lúc khởi đầu”, “lúc bắt đầu”, “căn nguyên” (beginning). Khi mở đầu (17,5) và kết thúc (17,24) ch. 17 như trên, Đức Giê-su khẳng định cách mạnh mẽ nguồn gốc và căn tính của Người với hai đặc điểm:

Đức Giê-su có vinh quang (doxa) bên Chúa Cha trước khi thế gian hiện hữu (17,5).

Chúa Cha yêu mến Đức Giê-su trước khi thế gian được tạo thành (17,24).

Với hai khẳng định thần học quan trọng này, từ “thế gian” (kosmos) ở 17,5.24 bao hàm tất cả những gì hiện hữu, nghĩa là tất cả tạo thành của Thiên Chúa. Heinrich Schlier viết: “Thế gian, trước hết là ‘tất cả’, panta. Thế gian là tất cả những gì được làm ra và những gì hiện hữu.” (H. SCHLIER, Essais sur le Nouveau Testament, [Lectio Divina 46], Paris, Le Cerf, 1968, p. 281). Như thế, có thể gọi “thế gian” (kosmos) nói đến ở 17,5.24 là “THẾ GIAN VŨ TRỤ” để phân biệt với các nghĩa khác của từ này. Trong mạch văn Ga 17, “thế gian vũ trụ” không hiểu theo nghĩa khoa học hay lịch sử sự hình thành vũ trụ, nhưng đây là khẳng định thần học về nguồn gốc và căn tính của Đức Giê-su. Thế gian vũ trụ trong tương quan với vinh quang mà Đức Giê-su đã có (17,5) và với tình yêu của Chúa Cha dành cho Người (17,24).

Trong các kiểu nói trên, giới từ “pro” (trước khi) ở 17,5.24 diễn tả sự “tiền hữu” (préexistence, sự có trước) của Đức Giê-su. Trong lời tựa sách Tin Mừng (1,1-18), tác giả khẳng định sự tiền hữu của Lời–Giê-su cách mạnh mẽ: “Lời có lúc khởi đầu, và Lời ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa” (1,1); “Nhờ Người (Logos), mọi sự được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (1,3). Ở Ga 17, không còn là lời tuyên xưng của tác giả mà chính Đức Giê-su khẳng định sự tiền hữu của Người. Người đã hiện hữu trước khi có thế gian vũ trụ.

Cách dùng từ “thế gian” (kosmos) ở 17,5.24 cho phép rút ra khẳng định thần học nền tảng: Thế gian hiện hữu là công trình của Cha (Thiên Chúa) và Con (Đức Giê-su), nên chủ quyền tối thượng và tuyệt đối trên vũ trụ thuộc về Chúa Cha và Đức Giê-su. Theo Tin Mừng thứ tư, với chủ quyền này, Đức Giê-su bày tỏ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại (x. 3,16).

Từ “thế gian” (kosmos) theo nghĩa “thế gian vũ trụ” ít được sử dụng trong Tin Mừng Gio-an, nhưng lại là mặc khải quan trọng về nguồn gốc của Đức Giê-su. Ở các nơi khác trong Tin Mừng, từ “thế gian” (kosmos) có thể hiểu theo nghĩa hẹp hơn: Thế gian là trái đất.

2. Thế gian trái đất

Trong Tin Mừng Gio-an, từ “thế gian” (kosmos) nói về trái đất qua hai kiểu nói: (a) “Rời khỏi thế gian” (16,28) và (2) “Đến thế gian” (3,19).

a) “Rời khỏi thế gian” (16,28b)

Một số nơi trong Tin Mừng thứ tư cho phép hiểu từ “thế gian” theo nghĩa “trái đất” như ở 16,28; 17,11.13. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 16,28: “Thầy xuất phát từ Cha và đã đến thế gian (kosmon). Nay Thầy lại rời khỏi thế gian (kosmon) mà đi về với Cha.” Trong ch. 17, Đức Giê-su ngỏ lời với Cha của Người ở 17,11a.13 về biến cố Thương Khó sắp xảy ra. Người nói: “Con không còn ở trong thế gian nữa, họ [các môn đệ] còn ở trong thế gian. Phần Con, Con đến với Cha” (17,11a). Lời nói: “Con không còn ở trong thế gian nữa” được hiểu trong viễn cảnh sau Phục Sinh, lúc đó Đức Giê-su thể lý không còn hiện diện trong thế gian nữa. Ở 17,13, Đức Giê-su thưa với Cha: “Nhưng bây giờ, Con đến với Cha và Con nói những điều này ở trong thế gian để họ [các môn đệ] có nơi họ niềm vui trọn vẹn của Con.”

Hai kiểu nói: “Rời khỏi thế gian” (16,28) và “không còn ở trong thế gian” (17,11), gợi đến sự chết thể lý của con người. Quả thế, Đức Giê-su nói về cái chết của Người bằng hình ảnh ra khỏi thế gian (16,28; 17,11.13). Đối với Đức Giê-su, “không còn ở trong thế gian” (17,11), nghĩa là Người đi về với Cha (16,28). Lời này báo trước chia ly thể lý giữa Đức Giê-su và các môn đệ vì Người sẽ chết trên thập giá. Tuy nhiên, biến cố thập giá được hiểu là Đức Giê-su rời khỏi thế gian mà trở về với Cha. Người thuật chuyện nói về giờ chết của Đức Giê-su ở 13,1a: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết rằng giờ của Người đã đến để ra khỏi thế gian này mà về với Cha.”

Từ “thế gian” (kosmos) trong những trích dẫn trên có nghĩa là trái đất, là nơi con người cư trú và sinh sống. Khi sinh ra, người ta “đến trong thế gian” (1,9; 16,21; 18,37). Bao lâu còn sống, người ta “ở trong thế gian” (17,11; 1,10; 9,5). Khi chết, người ta “ra khỏi thế gian” (13,1), “rời bỏ thế gian” (16,28). Như thế, bối cảnh một số câu văn trong Tin Mừng Gio-an cho phép hiểu “thế gian” (kosmos) theo nghĩa “trái đất”, “địa cầu”. “THẾ GIAN TRÁI ĐẤT” là ngôi nhà của nhân loại, trong tương quan với sự sống và sự chết thể lý của thân phận làm người.

b) “Đến thế gian” (3,19)

Theo thần học Tin Mừng thứ tư, Đức Giê-su được đồng hoá với ánh sáng (8,12; 9,5; 12,46). Ở 3,19 và 12,46, Đức Giê-su dùng kiểu nói “ánh sáng đến thế gian” để nói về sứ vụ của Người. Đức Giê-su tuyên bố: “Đây là án xử: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã yêu mến bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc của họ thì xấu xa” (3,19); “Tôi là ánh sáng đến trong thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi thì không ở lại trong bóng tối” (12,46).

Đức Giê-su xuất hiện trong thế gian, nhưng thay vì đón nhận Người, “người ta đã yêu mến bóng tối hơn ánh sáng” (3,19), nghĩa là họ đã không tin vào Đức Giê-su. Cuối sứ vụ công khai, Đức Giê-su nhắc lại rằng Người đến thế gian để đưa người tin ra khỏi bóng tối (12,46). Như thế, từ “thế gian” (kosmos) trong hai câu này (3,19; 12,46) có thể hiểu theo nghĩa “thế gian trái đất”. Trong viễn cảnh phổ quát của ơn cứu độ, trái đất này là nơi Đức Giê-su thi hành sứ vụ nhằm cứu độ toàn thể nhân loại.

Tóm lại, phần trên đã xác định nghĩa của từ thế gian khi từ này nói về sự vật: (1) “Thế gian vũ trụ” là tất cả những gì hiện hữu (17,5.24). (2) “Thế gian trái đất” là nơi sinh sống của con người, là nơi Đức Giê-su mặc khải ý định của Thiên Chúa cho con người. Trong Tin Mừng Gio-an, từ “thế gian” (kosmos) còn nói đến những nhóm người khác nhau.

III. THẾ GIAN LÀ CON NGƯỜI

Từ “thế gian” (kosmos) trong Tin Mừng Gio-an không những là sự vật (chose) mà còn nói về những nhóm người cụ thể. Có thể phân biệt ba nhóm người trong từ “thế gian” (kosmos): “Thế gian nhân loại”, “thế gian chưa tin” và “thế gian thù ghét”.

1. Thế gian nhân loại

Thế gian có nghĩa “nhân loại” được trình bày trong các kiểu diễn tả: (a) Thiên Chúa yêu mến thế gian (3,16) và (b) Đức Giê-su là ánh sáng của thế gian (8,12; 9,5).

a) Thiên Chúa yêu mến thế gian (3,16)

Toàn bộ sứ vụ của Đức Giê-su được giới thiệu từ đầu sách Tin Mừng, Đức Giê-su khẳng định ở 3,16-17: “16 Thiên Chúa đã quá yêu mến thế gian (kosmon), đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì không hư mất, nhưng có sự sống đời đời. 17 Vì Thiên Chúa không sai Con đến thế gian (kosmon) để lên án thế gian (kosmon), nhưng để nhờ Người, thế gian (kosmos) được cứu.”

Từ “thế gian” (kosmos) ở 3,16-17 có nghĩa phổ quát và nói về nhân loại. Đây không phải là thế gian sự vật (vũ trụ hay trái đất), bởi vì tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian này là để ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Đức Giê-su, Con Một của Thiên Chúa. Như thế, đối tượng của tình yêu Thiên Chúa là toàn thể loài người trên mặt đất. Tất cả mọi người được mời gọi “tin” để không phải “hư mất” (3,16). Câu tiếp theo (3,17) xác nhận cách hiểu này, Đức Giê-su đến không phải để “lên án thế gian” mà “để nhờ Người, thế gian được cứu” (3,17b). Trong viễn cảnh này, thế gian ở đây là những con người (personnes), là toàn thể nhân loại, không loại trừ một ai.

Trong mạch văn 3,16-17, có thể thay từ “thế gian” (kosmos) bằng từ “nhân loại” hay “loài người”. Thiên Chúa đã yêu thương loài người và đã sai Con Một của Người đến cứu nhân loại khỏi sự chết. Như thế, sứ vụ của Đức Giê-su là trao ban sự sống đời đời cho bất cứ ai tin vào Người. Tác giả sách Tin Mừng dùng từ “thế gian” ở 3,16-17 để trình bày điểm thần học quan trọng: tính phổ quát của ơn cứu độ, nên thế gian ở đây là “thế gian nhân loại.”

b) Đức Giê-su là ánh sáng của thế gian (8,12)

Sự đồng hoá giữa Đức Giê-su và ánh sáng (8,12; 9,5; 12,46) là điểm độc đáo của thần học Gio-an. Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 8,12: “Chính Tôi là ánh sáng của thế gian. Người theo Tôi, chắc chắn sẽ không bước đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống.” Từ “thế gian” (kosmos) trong kiểu nói “ánh sáng của thế gian” có nghĩa là toàn thể nhân loại, vì vế thứ hai của 8,12, (8,12b) nói đến hành động của con người: “Không bước đi trong bóng tối” và “có ánh sáng của sự sống.” Mọi người được mời gọi “đi theo ánh sáng” để có sự sống đích thực. Ánh sáng là Đức Giê-su đã đến với loài người, đến với từng người để cứu bất cứ ai tin vào Người. Về đề tài đồng hoá giữa Đức Giê-su và ánh sáng, xin xem các bài viết: (1) Ánh sáng và bóng tối trong Tin Mừng Gio-an. (2) Trong Tin Mừng Gio-an, biểu tượng ánh sáng dùng để làm gì?

Tóm lại, từ “thế gian” (kosmos) trong các kiểu nói: “Yêu mến thế gian” (3,16) và “ánh sáng của thế gian” (8,12; 9,5) chỉ “loài người”, nên gọi là “THẾ GIAN NHÂN LOẠI”. Theo Tin Mừng Gio-an, thế gian này là một thực tại khách quan, không tốt, không xấu theo nghĩa luân lý. Tuy nhiên, thế gian nhân loại này không có sự sống đời đời nơi mình. Vì thế Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian để ban sự sống đời đời cho thế gian (3,16). Với tư cách con người, các môn đệ Đức Giê-su thuộc về thế gian nhân loại này.

“Thế gian nhân loại” là một trong những yếu tố thiết yếu để xây dựng thần học Tin Mừng Gio-an. Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến với nhân loại, nên thế gian nhân loại là đối tượng sứ vụ của Đức Giê-su. Người đến thế gian để cứu nhân loại khỏi hư mất. Tất cả những ai đón nhận Đức Giê-su và tin vào Người thì có sự sống đời đời ngay bây giờ và cả đời sau, như Người đã mặc khải cho Mác-ta ở 11,25-26a: “25 Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống, 26a và tất cả những ai sống và tin vào Thầy, muôn đời sẽ không chết.”

Khi bàn về “Thế gian là nhân loại, là trái đất”, ta hiểu “Thế gian trái đất” là sự vật (chose), còn “thế gian nhân loại” là con người (personne). Ở 17,18, từ “thế gian” còn có nghĩa hẹp hơn để nói về những người chưa tin vào Đức Giê-su, nên có thể gọi là “thế gian chưa tin.”

2. Thế gian chưa tin

Một trong những đề tài lớn của Ga 17 là mặc khải của Đức Giê-su về sứ vụ của Người và về sứ vụ các môn đệ, qua đó gợi đến sứ vụ của người tin qua mọi thời đại. Khi ngỏ lời với Chúa Cha, Đức Giê-su gọi các môn đệ là “những người mà Cha đã ban cho Con” (17,6.9). Nhóm môn đệ này có sứ vụ trong thế gian, vì Đức Giê-su nói với Cha ở 17,18: “Như Cha đã sai Con đến thế gian (kosmos), Con cũng sai họ [các môn đệ] đến thế gian (kosmos).” Từ nay, các môn đệ được Đức Giê-su sai vào thế gian để tiếp tục sứ vụ của Người. Sứ vụ của Đức Giê-su đặt nền tảng nơi ý định của Chúa Cha và sứ vụ của các môn đệ đặt nền tảng nơi lệnh truyền của Đức Giê-su ở 17,18. Chúa Cha đã sai Đức Giê-su đến thế gian, và khi hoàn thành sứ vụ, Đức Giê-su sai các môn đệ vào thế gian để tiếp tục sứ vụ rao giảng và làm chứng về Người. Nhờ đó mà “thế gian chưa tin” có thể “tin” và “nhận biết” là Chúa Cha đã sai Đức Giê-su đến thế gian (17,21.23).

Các môn đệ (người tin) có sứ vụ làm cho tất cả những ai chưa tin nhận ra điều Đức Giê-su ban tặng cho mọi người: Sự sống đời đời. Từ “thế gian” (kosmos) trong kiểu nói: “Sai họ đến thế gian (eis ton kosmon)” ở 17,18b chỉ tất cả những người chưa tin vào Đức Giê-su. Các môn đệ thuộc về “thế gian nhân loại” và họ được Đức Giê-su sai đến với “thế gian chưa tin”, nghĩa là khi trở thành người tin, các môn đệ không còn thuộc về “thế gian chưa tin” nữa. Như thế, từ “thế gian” (kosmos) ở 17,18b bao hàm tất cả những người chưa nhận biết Đức Giê-su, nên gọi là “THẾ GIAN CHƯA TIN.” Thế gian này là đối tượng sứ vụ của các môn đệ qua mọi thời đại. Trong Tin Mừng Gio-an, “thế gian chưa tin” bao gồm cả những kẻ chống lại Đức Giê-su. Họ không tin vào Đức Giê-su và tìm cách bắt Người. Nói chung, “thế gian chưa tin” không có nghĩa xấu; ngược lại, sứ vụ của Đức Giê-su và của các môn đệ là đến với “thế gian chưa tin” này.

Trong thực tế, sứ vụ giảng dạy của Đức Giê-su và của các môn đệ gặp phải sự chống đối của hai thế lực: (1) Thế lực bóng tối mà Tin Mừng thứ tư gọi là “Xa-tan (satan)” (13,27), “quỷ (diabolos)” (13,2), “Ác thần (ponêros)” (17,15) và “thủ lãnh của thế gian (arkhôn tou kosmou)” (14,30). Đây là thế lực vô hình, chống lại Thiên Chúa. (2) Thế lực chống đối thứ hai có khuôn mặt người, họ từ chối tin vào Đức Giê-su. Họ ghét Đức Giê-su và các môn đệ, họ “thuộc về thế gian” (kosmos) và có thể gọi là “thế gian thù ghét.”

3. Thế gian thù ghét

Trong Tin Mừng Gio-an, danh từ “thế gian” (kosmos) còn là chủ từ của động từ “ghét” (miseô). “Thế gian” ghét ba đối tượng: ghét Đức Giê-su (7,7), ghét các môn đệ (15,18; 17,14) và ghét Chúa Cha (15,23-24). Thế gian ghét Đức Giê-su được nói đến lần đầu tiên ở 7,7. Người nói với anh em của Người: “Thế gian (kosmos) không thể ghét các anh, nhưng Tôi thì nó ghét, vì Tôi làm chứng về nó là các việc của nó thì xấu xa” (7,7).

Sau khi kết thúc sứ vụ công khai, Đức Giê-su cho các môn đệ biết ở 15,18-19: “18 Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19 Nếu anh em thuộc về thế gian, thế gian đã yêu thích cái gì là của riêng nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, vì điều này, thế gian ghét anh em.” Một trong những lý do để thế gian ghét các môn đệ là các môn đệ lắng nghe và đón nhận lời Đức Giê-su. Vì tin vào Đức Giê-su nên các môn đệ bị thế gian bách hại và đương nhiên họ không thuộc về “thế gian thù ghét” này. Đức Giê-su nói với Cha của Người, trước sự hiện diện của các môn đệ: “Con đã ban cho họ [các môn đệ] lời của Cha và thế gian đã ghét họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như chính Con không thuộc về thế gian” (17,14).

Khi thế gian không tin, không đón nhận và ghét Đức Giê-su, thế gian ghét cả Chúa Cha. Đức Giê-su kết tội thế gian này khi nói với các môn đệ ở 15,22-24: “22 Nếu Thầy không đến và nói với họ (thế gian), họ đã chẳng có tội. Nhưng bây giờ, họ không thể bào chữa tội của họ được. 23 Ai ghét Thầy cũng ghét Cha của Thầy. 24 Nếu Thầy không làm những việc giữa họ, những điều không một ai khác đã làm, họ đã chẳng có tội. Nhưng nay họ đã thấy và họ ghét cả Thầy lẫn Cha của Thầy.” Xavier Léon-Dufour đề nghị phân biệt “thế gian thù ghét” và “thế gian nhân loại” trong đoạn văn 15,18-21 như sau: “Từ ‘thế gian’ ở đây [15,18-21] không nói về nhân loại, cho dù nhân loại này chưa có ‘sự sống đời đời’ nhưng được mời gọi đón nhận. Thế gian trong đoạn văn trên nói đến tất cả những ai từ chối tin vào Đức Giê-su là Đấng mặc khải của Chúa Cha; thế gian ở đây thâu tóm những dữ liệu liên quan đến bóng tối (x. 3,19).” (X. LéON-DUFOUR, Lecture de l’Évangile selon Jean, t. III, [Parole de Dieu], Paris, Le Seuil, 1993, p. 188-189). Như thế, “thế gian thù ghét” và “thế gian nhân loại” là hai thực tại khác nhau.

Theo thần học Tin Mừng Gio-an, danh từ “thế gian” (kosmos) nói về những người ghét Đức Giê-su, các môn đệ và Chúa Cha, nên gọi là “THẾ GIAN THÙ GHÉT.” Trong bối cảnh Tin Mừng này, “thế gian thù ghét” là một nhóm nhỏ những người không tin. Họ chống đối và thù nghịch với Đức Giê-su. Đó là các nhóm nhân vật: “những người Do Thái,” “những người Pha-ri-sêu,” “các thượng tế.” Họ quyết định giết Đức Giê-su (11,47-54) và tìm cách bắt Người (11,57). Hơn nữa, việc tác giả Tin Mừng dùng từ khái quát: “thế gian” (kosmos) để mô tả sự khước từ và thù ghét cho phép hiểu rằng “thế gian thù ghét” trong Tin Mừng gợi đến những kẻ bách hại cộng đoàn các môn đệ cuối thế kỷ I. Đối với độc giả ngày nay, “thế gian thù ghét” này là hình ảnh của mọi hình thức thù ghét các môn đệ Đức Giê-su ở mọi nơi và qua mọi thời.

IV. KẾT LUẬN

Bài viết đã phân biệt năm nghĩa của từ thế gian. Các nghĩa trên cho thấy sự phong phú, tinh tế và độc đáo của thần học Tin Mừng Gio-an trong cách dùng từ “thế gian” (kosmos) và đã trình bày được những khẳng định thần học quan trọng:

(1) “Thế gian vũ trụ” xác định nguồn gốc và căn tính của Đức Giê-su. Người đã có vinh quang và tình yêu của Chúa Cha trước khi thế gian được tạo thành.

(2) “Thế gian trái đất” mô tả nơi Đức Giê-su được sai đến để thi hành sứ vụ. Người được sai đến thế gian và Người sẽ rời bỏ thế gian mà về với Cha của Người.

(3) “Thế gian nhân loại” là đối tượng để Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người. Chúa Cha đã sai Đức Giê-su đến với nhân loại, đến với từng người, để cứu con người và ban cho họ sự sống đời đời.

(4) “Thế gian chưa tin” bao gồm tất cả những ai chưa tin vào Đức Giê-su. Các môn đệ thi hành sứ vụ giữa nhóm người này. Các môn đệ là những người đã tin, được Đức Giê-su sai đến với “những người chưa tin” để làm cho họ “tin” và “nhận biết” Đức Giê-su.

(5) “Thế gian thù ghét” là những người đã nghe giáo huấn của Đức Giê-su, đã thấy những dấu lạ Người làm mà vẫn không tin (15,22-24). Đức Giê-su cho các môn đệ biết những khó khăn trong đoạn văn 15,18–16,4a. Họ có thể bị thế gian này thù ghét và bách hại.

Năm nghĩa của từ “thế gian” có thể minh hoạ bằng sơ đồ:

Sơ đồ trên cho thấy, nếu không phân biệt các thực tại khác nhau: “Thế gian thù ghét”, “thế gian chưa tin” và “thế gian nhân loại” thì có nguy cơ hiểu sai bản văn Tin Mừng Gio-an. Chẳng hạn, khái quát sự thù ghét của thế gian, như thể hễ “không tin” là “thù ghét các môn đệ” là không phù hợp với bối cảnh văn chương và thần học Tin Mừng Gio-an. Phân biệt các nghĩa của từ “thế gian” cho phép hiểu rằng: Các môn đệ thuộc về “thế gian nhân loại”, họ được Đức Giê-su tách ra từ giữa “thế gian chưa tin” để trở thành những người tin. Vì vậy, họ không còn thuộc về “thế gian chưa tin” nữa. Họ được trao sứ vụ đến với “thế gian chưa tin”, trong đó có “thế gian thù ghét”. Thế gian này là một nhóm nhỏ gồm những kẻ thù ghét, chống đối, bách hại Đức Giê-su và các môn đệ.

Vòng tròn thứ tư (thế gian chưa tin) và thứ năm (thế gian thù ghét) biểu thị bằng đường chấm liên tục. Lý do là vì con người, với sự tự do của mình, có thể qua lại giữa các vòng tròn ấy. Một môn đệ có thể từ bỏ niềm tin để thuộc về “thế gian chưa tin”, thậm chí có thể trở thành “thế gian thù ghét” và bách hại người tin. Trong Tin Mừng Gio-an, có nhiều môn đệ đã bỏ Đức Giê-su, họ quyết định không làm môn đệ của Người nữa (6,66). Ngược lại, những người hiện nay chưa tin hay thù ghét, có thể trở thành môn đệ Đức Giê-su trong tương lai. Chẳng hạn, Ni-cô-đê-mô, thuộc nhóm Pha-ri-sêu, một thủ lãnh của những người Do Thái (3,1), lại cư xử như môn đệ của Đức Giê-su ở cuối sách Tin Mừng. Cùng với ông Giu-se A-ri-ma-thê, Ni-cô-đê-mô đã lo tẩm liệm thi hài Đức Giê-su và đặt trong một ngôi mộ mới (19,38-42).

Không nên hiểu rằng: Những người hiện nay là môn đệ thì đương nhiên thuộc về Đức Giê-su mãi mãi, và những người thuộc về thế gian thù ghét thì mãi mãi có tội và hư mất. Thực ra, lựa chọn thuộc về ai, thuộc về Thiên Chúa hay thuộc về quỷ, thuộc về thế gian hay thuộc về Đức Giê-su, là vấn đề không ngừng đặt ra cho tất cả mọi người (đã tin hay chưa tin). Vì thế, để “là môn đệ” và để “làm môn đệ đích thực” của Đức Giê-su, cần liên lỷ lựa chọn thuộc về Thiên Chúa, thuộc về sự thật, thuộc về Đức Giê-su, thuộc về đàn chiên của Người và nghe tiếng Người. Vì Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 10,26-27: “26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên của Tôi. 27 Chiên của Tôi nghe tiếng Tôi; Tôi biết chúng và chúng theo Tôi.”

Tìm hiểu các nghĩa của từ “thế gian” như trên giúp hiểu rõ hơn bản văn, nhưng tính dị nghĩa (nhiều khía cạnh, không rõ) của từ này trong bản văn Gio-an vẫn còn đó, bởi vì tác giả chỉ dùng một từ “kosmos” (thế gian) để nói về nhiều thực tại khác nhau. Thế gian thù ghét và những kẻ chống đối Đức Giê-su là những đề tài quan trọng để xây dựng thần học Gio-an. Các thế lực chống đối này có những đặc điểm nào? Chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi này trong bài viết tiếp theo./.

***

MỤC TỪ NGỮ

kosmos, -ou, ho, dt., thế gian

Trong Tin Mừng Gio-an, từ “thế gian” (tiếng Hy Lạp: kosmos, -ou, ho, Anh: world, Pháp: monde) xuất hiện 78 lần, trong đó Ga 1–12:  33 lần, Ga 13–17: 40 lần và Ga 18–21: 5 lần. Chi tiết các lần xuất hiện:

Ch. 1–12, 33 lần:

           1,9.10a.10b.10c.29; 3,16.17a.17b.17c.19; 4,42;

           6,14.33.51; 7,4.7; 8,12.23a.23b.26;

           9,5a.5b.39; 10,36; 11,9.27;

          12,19.25.31a.31b.46.47a.47b.

Ch. 13–17, 40 lần:

          13,1a.1b;

          14,17.19.22.27.30.31;

          15,18.19a.19b.19c.19d.19e;

          16,8.11.20.21.28a.28b.33a.33b;

          17,5.6.9.11a.11b.13.14a.14b.14c.15.16a.16b

          17,18a.18b.21.23.24.25.

Ch. 18–21, 5 lần:

          18,20.36a.36b.37; 21,25.

Trong phần thứ nhất sách Tin Mừng Gio-an (ch. 1–12), từ “thế gian” xuất hiện nhiều trong các chương: Ch. 1 (5 lần); ch. 3 (5 lần) và ch. 12 (7 lần). Sang phần sau thứ hai của sách Tin Mừng, số lần xuất hiện nhiều nhất tập trung vào bốn chương: Ch. 14 (6 lần); ch. 15 (6 lần); ch. 16 (8 lần) và nhiều nhất là ch. 17 (18 lần). Trong ch. 13–17, có 40 lần từ “thế gian”, hơn một nửa của số lần xuất hiện trong toàn bộ sách Tin Mừng (78 lần).