Tác giả : Lm. Pierre Benoit, OP.
Chuyển ngữ : Lm. Vinh sơn Phạm Xuân Hưng, OP.
Trong bài viết ngắn gọn này, tôi muốn điểm lại phần đóng góp của thánh Tôma trong những tranh luận gần đây liên quan đến ơn linh hứng trong Kinh Thánh. Tôi biết trong những tác phẩm mới đây nhất, người ta đã lên tiếng khẳng định rằng, những vấn đề do các khoa tâm lý, xã hội học và chú giải hiện đại đặt ra đã làm cho những bước đầu chập chững về ơn linh hứng của thời Trung cổ trở nên lỗi thời [1]. Đành rằng các quan điểm mới, phát sinh từ những tiến bộ của các khoa nhân văn phải được quan tâm. Nhưng tôi nghĩ rằng ý kiến của các thần học gia cổ thời và đặc biệt của thánh Tôma phần lớn vẫn còn giá trị và tiếp tục cống hiến cho các công trình thần học mới những nền tảng vững chắc. Xem thường những ý kiến đó, toà nhà thần học sẽ lâm nguy. Thánh Tôma không trình bày đầy đủ các vấn đề chúng ta đang quan tâm, và lối tiếp cận Sách Thánh của người cũng không giống chúng ta hoàn toàn. Như vậy, cần đánh giá đúng những gì người trình bày và bổ túc các kết luận người đưa ra. Nhưng không được phủ nhận. Nếu không, ta sẽ để mất những điểm quan trọng giúp soi sáng vấn đề. Nhắc lại những điều quan trọng ấy ở đây, tôi muốn cho thấy quan điểm của thánh Tôma đã giúp khai thông một số bế tắc và mở đường cho những giải pháp tốt đẹp hơn như thế nào. Đồng thời cũng muốn đưa ra những điểm mà ngày nay tư tưởng của thánh Tôma cần được giải thích lại và áp dụng rộng rãi hơn.
I. Điểm đầu tiên cho thấy việc dựa vào thánh Tôma là bảo đảm. Đó là vấn đề Thiên Chúa và con người cộng tác trong việc viết nên Sách Thánh.
Vấn đề khá rõ, tôi chỉ xin trình bày vắn tắt. Qua bao nhiêu thế kỷ, người ta gìn giữ, đọc và giải thích Sách Thánh trong yên ổn, coi đó là bộ sách hoàn hảo không ai chối cãi được. Chỗ nào trong Sách Thánh người ta cũng thấy bàn tay của Thiên Chúa mà không mấy quan tâm đến phần đóng góp của con người. Những thế kỷ đó đã qua rồi. Nhưng rồi sự phát triển của khoa học thực nghiệm và lịch sử hiện đại buộc Sách Thánh phải chấp nhận những đối chiếu để lộ những khuyết điểm về phía tác giả loài người trong Sách Thánh. Từ đó, người ta tìm cách xác định vị trí xác đáng của con người trong việc hình thành quyển sách được linh hứng. Có những người đánh giá quá lớn phần đóng góp của con người đến độ giảm thiểu tối đa phần của Thiên Chúa, thậm chí là không còn gì cả : Kinh Thánh có nguy cơ trở thành một quyển sách cũng như bất kỳ quyển sách nào khác. Các nhà thần học khác, nhất là thuộc Dòng Tên, lo giữ gìn tính cách thiêng thánh cho Sách Thánh, đã phân chia vai trò của Thiên Chúa và của con người. Xem ra quân bình hơn, nhưng vẫn còn lấn cấn. Các vị ấy cho rằng Thiên Chúa thì cung cấp các ý tưởng, còn con người thì cung ứng những từ ngữ. Sự phân chia công việc như thế không những khó hiểu, ngay cả đối với một suy nghĩ triết lý đúng đắn – chẳng lẽ ý tưởng được truyền thông mà không cần từ ngữ xét như phương tiện chuyển tải đầy màu sắc (giàu tưởng tượng, nhiều hình ảnh) ? – mà cả đối với một nền thần học đúng đắn nữa – chẳng lẽ Thiên Chúa và con người lại hành động như hai nguyên nhân song hành?
Việc phân chia trên không giải quyết được gì cả, bởi vì nếu nó chấp nhận những bất toàn của con người về phương diện ngữ vựng hay văn chương thì nó lại đòi tất cả mọi tư tưởng của Sách Thánh đều phải trực tiếp bắt nguồn từ Thiên Chúa. Và như thế là đòi Sách Thánh phải là một công trình hoàn hảo. Thế nhưng dữ kiện cụ thể của Sách Thánh lại phủ nhận điều ấy. Chính trong lúc đó, các nhà thần học theo trường phái Tôma, như các tu sĩ Đa Minh : Zigliara, Pègues, Lagrange – các vị này cũng đồng thời là những nhà chuyên môn Kinh Thánh – đã khai thác học thuyết của thánh Tôma về nguyên nhân dụng cụ để áp dụng vào trường hợp đặc biệt này [2]. Nguyên nhân dụng cụ chỉ được áp dụng cho sự nhận thức ngôn sứ một cách rộng rãi và không chặt chẽ, vị ngôn sứ vẫn là nguyên nhân chính đệ nhị của nhận thức của ông. Nhưng nguyên nhân dụng cụ được áp dụng riêng cho từng trường hợp ơn linh hứng Kinh Thánh, vì Sách Thánh với mọi ý nghĩa phong phú của nó, như một kết quả, vượt lên trên tất cả hành vi của tác giả viết Kinh Thánh, thậm chí cả ơn linh hứng nữa. Đối với sự phong phú này, tác giả thực sự là “nguyên nhân đệ nhị”.
Thiên Chúa không cộng tác với tác giả Kinh Thánh theo kiểu tương quan giữa ông chủ với viên thư ký – ý niệm “tác giả” hiểu theo kiểu con người có thể làm cho người ta nghĩ như thế – nhưng Người hướng dẫn tác giả từ bên trên và ở bên trong, bằng quyền năng sáng tạo thúc đẩy tối ưu thụ tạo của Người trong khi vẫn hoàn toàn tôn trọng thể thức hiện hữu và hoạt động của tác giả : Người làm cho tác giả suy nghĩ, ước muốn, viết ra theo sự thao tác trọn vẹn của các cơ năng con người của tác giả, kể cả những giới hạn, những bất toàn của các cơ năng ấy. Tác động của Thiên Chúa không làm tê liệt các tài năng của các tác giả thánh, trái lại nâng cao và kiện toàn chúng. Đồng thời Người vẫn để cho các tài năng ấy ở trong những điều kiện không gian, thời gian, văn hoá cần thiết để tác giả có thể đối thoại được với người đương thời. Do đó, Sách Thánh mang đặc tính vừa thật sự nhân loại, nghĩa là Sách Thánh hoàn toàn là tác phẩm của Thiên Chúa là nguyên nhân chính vừa là sản phẩm của con người là nguyên nhân dụng cụ. Về tư tưởng cũng như về lời văn, Thiên Chúa và con người thực sự và cùng là tác giả, mỗi bên theo cấp độ riêng như là hai nguyên nhân không phải đặt ngang nhau song song với nhau, nhưng cái này vượt trên cái kia. Cả đến chữ của Sách Thánh cũng là kết quả của sự cộng tác giữa Thiên Chúa và con người. Điều này phục hồi quan niệm cổ điển về ơn linh hứng “lời lẽ”, không hiểu theo nghĩa “đọc chính tả” như ngày nay, nhưng đúng hơn là một sự hướng dẫn rất hữu hiệu nhờ đó, con người vẫn tự do suy nghĩ chọn lựa lời lẽ ngôn từ. Thiên Chúa chủ trì việc biên soạn bản văn trong đó Người tỏ bày tư tưởng của Người và gieo vào đó những ý nghĩa sâu xa mà Người sẽ mặc khải về sau.
Đó là tư tưởng trước tiên và quí báu thánh Tôma đóng góp cho vấn đề ơn linh hứng.
II. Và đây là một đóng góp khác, cũng rất phong phú, nhưng chuyên biệt hơn.
Trong khảo luận về ơn ngôn sứ, thánh Tôma đã áp dụng vào ơn mặc khải ngôn sứ sự phân tích tri thức con người thành hai phần: các biểu tượng tức là những ý tưởng hoặc hình ảnh là chất liệu của các biểu tượng ấy, và phán đoán mà lý trí thực hiện về các biểu tượng ấy [3]. Theo thánh Tôma, ân sủng của Thiên Chúa có thể tác động trên cấu tố này hoặc cấu tố kia hay trên cả hai cấu tố liên kết lại. Trường hợp sau là ơn ngôn sứ thuần túy : qua một thị kiến khả giác, hoặc tưởng tượng hay trí năng, Thần Khí Thiên Chúa mặc khải những điều mà ngôn sứ không biết và ban cho ông thứ ánh sáng giúp phán đoán về các điều ấy một cách siêu nhiên, chẳng hạn trường hợp ngôn sứ Isaia và Giêrêmia chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa. Một khi thiếu ánh sáng ấy, ta không thể nói về mặc khải ngôn sứ được nữa, ví dụ như Pharaô hay Balthasar đã không hiểu các thị kiến nên họ không thành ngôn sứ được. Nếu Thiên Chúa chỉ ban ánh sáng, còn người được ơn linh hứng thì có những ý tưởng hay hình ảnh rút ra từ kinh nghiệm tự nhiên của mình, thì vẫn có mặc khải ngôn sứ thật. Vì rằng ánh sáng siêu nhiên ban cho tâm trí con người khả năng nhận định về một dữ kiện tự nhiên bằng những phán đoán siêu nhiên, nhờ đó ngôn sứ khám phá ra những ý nghĩa tôn giáo trong công cuộc cứu độ và đạt tới một mặc khải đích thực.
Trường hợp vừa nói thì nhiều và thường xuyên hơn trong Kinh Thánh, và đó là lý do tại sao các nhà chú giải đã đặc biệt quan tâm đến trường hợp trên. Điều này giải thích nhiều trường hợp trong đó tác giả Sách Thánh không cần có một thị kiến nào, mà chỉ luận giải về các biến cố hay những vấn đề của thời đại mình, như trường hợp tác giả sách các Vua, hay tác giả sách Sử biên niên thuật lại lịch sử Israel, hay trường hợp vua Salômon hay một nhà khôn ngoan nào đó khi nghiền ngẫm những vấn nạn muôn thuở về định mệnh con người và về đạo đức. Theo thánh Tôma, tất cả những điều đó cũng thuộc mặc khải ngôn sứ, bởi vì ơn soi sáng của Thần Khí đã giúp con người phán đoán tất cả các thực tại nhân loại “với sự chắc chắn của chân lý siêu nhiên” [4].
Đó lại là một đóng góp quí giá nữa cho việc giải thích Kinh Thánh : vậy không cần đòi tất cả các tư tưởng trong Kinh Thánh đều phải được Thiên Chúa trực tiếp cung cấp, như một số nhà thần học trước kia đã cho là cần thiết phải như thế. Các tư tưởng trên có thể hoàn toàn do kinh nghiệm nhân loại cùng với tất cả những giới hạn và khiếm khuyết, và ơn soi sáng giúp phán đoán vượt lên trên chứ không loại bỏ.
Như thế, quan điểm khai phóng này của thánh Tôma cần được đón nhận với lòng tri ân, và có thể nói nó đã trở thành lập trường căn bản được mọi người thừa nhận. Tuy nhiên, không nên làm hỏng lập trường trên vì cách hiểu từ ngữ sai và cũng nên áp dụng quan điểm đó cách rộng rãi hơn. Ở thời đại của người, thánh Tôma đã không thể thực hiện được điều đó. Xin giải thích dưới đây.
III. Người ta thường hay ráp nối một cách ít chuẩn xác các danh từ “mặc khải” và “linh hứng”, như tôi vừa trình bày, vào việc phân biệt giữa ánh sáng siêu nhiên có hoặc không có các biểu tượng thiên phú [5].
Nhiều tác giả đã dùng danh từ “mặc khải” cho trường hợp thứ nhất và “linh hứng” cho trường hợp thứ hai. Tệ hơn nữa, một số người còn từ đó đi tới chỗ chỉ nhận rằng trong ơn mặc khải có sự phú bẩm các biểu tượng siêu nhiên, còn ơn linh hứng lại bao trùm tất cả những gì liên quan đến ơn soi sáng để phán đoán. Điều đó không phù hợp với ngôn ngữ của thánh Tôma. Và đó không chỉ là vấn đề tranh luận về ngôn từ. Khi phân chia hai thứ đoàn sủng như thế, người ta thực hiện một cuộc cắt xẻ nguy hiểm. Đối với thánh Tôma cũng như trước đó đối với Kinh Thánh [6], linh hứng và mặc khải là hai phương diện khác biệt nhưng không tách biệt của cùng một đoàn sủng. Linh hứng thì chỉ nâng cao lý trí lên bình diện siêu nhiên, còn mặc khải là khám phá ra chân lý siêu nhiên như là kết quả. Hay nói theo kiểu Kinh Thánh hơn, linh hứng là Lời Thiên Chúa tự tỏ bày cho tác giả thánh và thấm nhập vào đời sống của ông. Sự cách ly hai khía cạnh của đoàn sủng trên chỉ làm cho cả hai khía cạnh ấy nghèo nàn đi mà thôi.
IV. Học thuyết nói trên của thánh Tôma đã gây nên một cuộc tranh luận khác về bản chất của phán đoán được linh hứng: là phán đoán thuần lý hay phán đoán thực hành? [7]
Ở đây, hai vấn đề đối lập nhau, mỗi bên đều có nhiều người ra sức ủng hộ. Các quan điểm đầu thì đúng nhưng phiến diện. Những người này có lý khi quả quyết rằng ở đây thánh Tôma nói về một thứ phán đoán thuần lý : trong phần trình bày về ơn ngôn sứ, đối với thánh Tôma, vấn đề là sự biểu hiện siêu nhiên một chân lý mặc khải. Vậy phán đoán nói trên nằm ở bình diện nhận thức thuần lý. Còn những người khác cũng không sai khi đòi việc biên soạn Sách Thánh phải có sự can thiệp của các phán đoán thực hành. Vì rằng viết một quyển sách là chuyện khác với chiêm ngắm thuần tuý một chân lý. Tuy nhiên, những người này đã lầm khi muốn dựa vào thánh Tôma, vì thánh Tôma không nghiên cứu đích xác trường hợp mà họ đề cập đến. Nói gì thì nói, thánh Tôma đã không bàn riêng về ơn linh hứng để viết sách Kinh Thánh đúng nghĩa, mà người chỉ nói và nói rất rõ ràng về ơn mặc khải ngôn sứ. Đó là điều quan trọng. Và ngộ nhận về sự kiện này chắc chắn đã đưa tới những lầm lẫn. Khi nghiên cứu trường hợp tiêu biểu của “vị ngôn sứ” nhận được mặc khải về những mầu nhiệm thần linh, thánh Tiến sĩ thiên thần buộc phải đặt mình trên bình diện nhận thức thuần lý. Điều mà sau đó người đã nói về sự thông truyền tri thức mặc khải ấy bằng lời nói và bằng phép lạ, thì chỉ liên quan đến việc truyền đạt trung thành và hữu hiệu sứ điệp đã chiêm ngắm, là hệ quả [8] tất yếu không đặt ra vấn đề riêng biệt nào nữa. Nếu ta muốn nghiên cứu trường hợp hoàn toàn khác của một người được Thiên Chúa gọi để biên soạn Sách Thánh, không phải để ghi lại một thị kiến nhận được trực tiếp nhưng để biện giải những sự việc mang tính nhân loại, để thu thập các kỷ niệm của quá khứ, khích lệ niềm hy vọng của dân, canh tân phong hoá, thì theo tôi, còn cần phải xây dựng một luận điểm độc đáo, song song nhưng lại khác hẳn với luận điểm của thánh Tôma, vừa dựa vào các nguyên tắc của người, lại vừa biết rút ra những áp dụng mới mẻ.
Tuỳ mức độ tác giả thánh muốn nêu lên một giáo huấn thuộc bình diện nhận thức mà phán đoán thuần lý của ông cần có ơn soi sáng, như thánh Tôma đã nói tới, còn đối với phần lớn việc lựa chọn sắp xếp, kỹ thuật biên soạn sách, thì ơn linh hứng sẽ trở thành ơn soi sáng cho phán đoán thực hành kèm theo một sự khơi động ý muốn và tất cả các quan năng thực hành. Về chuyện này, đã có nhiều tranh luận trường phái vô bổ.
Thật vậy, phán đoán thực hành sẽ có ảnh hưởng trên phán đoán thuần lý, ảnh hưởng ấy sẽ phẩm định một cách rất quan trọng các phát biểu, các quả quyết, các giáo huấn của sách. Một phán đoán thuần lý không luôn luôn nhằm đối tượng là một chân lý tuyệt đối và nó không dứt khoát khẳng định cũng không dạy chân lý ấy. Có thể tác giả chỉ nhằm đến một khía cạnh giới hạn của đối tượng, chỉ phần nào xác tín, chỉ chịu trách nhiệm tương đối khi trình bày cho người khác chấp nhận. Tất cả những điều trên đều chủ yếu phụ thuộc vào mục đích ông nhắm cho công việc, nghĩa là phụ thuộc vào phán đoán thực hành vẫn hướng dẫn ông. Điều vừa nói có giá trị cho quyển sách được linh hứng cũng như cho bất kỳ quyển sách nào khác, và đoàn sủng của Thiên Chúa sẽ thích ứng với các dạng thức như thế. Nhờ ảnh hưởng của đoàn sủng ấy, ảnh hưởng được phẩm định tùy mục đích mà Thiên Chúa ấn định cho Sách Thánh, tác giả thánh sẽ chỉ nói những điều, chỉ khẳng định, chỉ dạy những điều trong những giới hạn do mục đích ấy đòi hỏi. Bởi vì giáo huấn của Thiên Chúa được trình bày qua giáo huấn của tác giả loài người, nên điều hết sức quan trọng là nhận thức đúng các phẩm định và các giới hạn ấy, nếu như ta muốn khỏi làm sai lạc Lời Thiên Chúa, tức là bắt Lời Thiên Chúa nói điều mà Lời Thiên Chúa không muốn nói tới.
V. Việc biên soạn các Sách Thánh không phải là cách thức duy nhất Thiên Chúa dùng để dẫn dắt Dân của Người.
Nếu tham cứu Kinh Thánh [9], chúng ta sẽ nhận thấy rằng Thần Khí thúc đẩy con người hành động và nói nhiều hơn là viết. Thần Khí không chỉ thúc đẩy một ông Ghítôn (Tl 6,34) hay một ông Gíptắc (Tl 11,29) chiến đấu chống lại kẻ thù của Israel, nhưng còn và nhất là Thần Khí đã hướng dẫn ông Môsê (Is 63,11.13), ông Giôsuê (Ds 27,18), vua Đavít (1 Sm 16,13) trong sứ mạng lãnh đạo dân. Mặt khác, chính Thần Khí Thiên Chúa đã khiến ông Balaam nói (Ds 24,2), rồi vua Đavít (2 Sm 23,2), ông Isaia (Is 58,29), ông Êdêkien (Ed 11,5) và các ngôn sứ khác nữa (Dcr 7,12 ; 2 Pr 1,21). Có điều lạ là Kinh Thánh không hề nói Thần Khí bảo ai viết Sách Thánh. Sách Thánh đôi khi có nói là Thiên Chúa truyền lệnh viết (Xh 17,14 ; 34,27 ; Is 30,8 ; Gr 30,2 ; Kb 2,2 ; Đn 12,4), nhưng không bao giờ lệnh truyền đó được nối kết rõ ràng với một hoạt động đặc biệt của Thần Khí. Điều ấy không có nghĩa là phải đặt vấn đề về lời xác quyết của 2 Tm 3,16 : “Toàn bộ Kinh Thánh được Thiên Chúa linh hứng”. Nhưng chỉ muốn nhấn mạnh rằng việc viết thành sách là chung cuộc của toàn thể một Mặc khải đã được thực hiện trước tiên bằng hành động và lời nói. Việc viết ra là sự ấn định, cố định nhưng chưa hoàn tất mà là lược tóm, có tính cách tổng hợp và cốt yếu, của mọi diễn biến qua đó Thiên Chúa tỏ mình ra cho Dân của Người và đào luyện họ theo kế hoạch cứu độ của Người.
Dữ kiện Kinh Thánh trên đã mở rộng cách đặc biệt các quan niệm về ơn linh hứng và mặc khải. Vì là sức thúc đẩy không chỉ để viết nhưng trước hết để hành động và để nói lên, ơn linh hứng bao trùm tất cả sức năng động đã nâng đỡ và dẫn dắt lịch sử thánh. Đó là luồng sinh lực cổ võ các thủ lãnh được Thiên Chúa tuyển chọn và qua họ cổ võ toàn Dân thánh bằng cách soi sáng và dạy dỗ họ đi trong con đường cứu độ. Còn về mặc khải. Mặc khải không còn đơn thuần là sự khám phá những chân lý trừu tượng để chiêm ngưỡng, nhưng mặc khải bao gồm cách rộng rãi hơn tất cả những cách thức tỏ bày tấm lòng của Thiên Chúa, tất cả những lần Thiên Chúa đích thân gặp gỡ con người, tất cả những lời Thiên Chúa nói mà hẳn là đem lại những hiểu biết, nhưng cũng còn, và nhất là, gửi đến lời mời gọi quay trở về và sống yêu thương. Tóm lại là tất cả “chân lý” về sự sống cụ thể và hiện sinh ấy, được làm nên bởi sự bền vững, thủy chung và chính trực mà tiếng “êmet” trong ngôn ngữ Hípri đã cho thấy rõ. Cuối cùng, một đàng ơn linh hứng và mặc khải vẫn là sự kiện một cá nhân được Thiên Chúa tuyển chọn làm trung gian giữa Thiên Chúa với Dân của Người. Nhưng đàng khác, nó lại mang lấy một tính cách đoàn thể hơn. Những trung gian này thì nhiều và phần lớn vẫn còn khuyết danh. Khi hiểu biết Kinh Thánh đúng đắn hơn thì đàng sau những khuôn mặt lớn của một vua Đavít hay một Isaia, của một Mátthêu hay một Gioan, ta sẽ thấy thấp thoáng một số đông những người mà nhờ cử chỉ, lời nói, những đóng góp văn chương của mình, họ đã góp phần xây dựng và viết nên lịch sử thánh. Tất cả những con người ấy, mỗi người một cách và tuỳ góp phần lớn hay nhỏ, đều đã nhận được sức thúc đẩy của Thánh Thần và đã mang cũng như chuyển trao sứ điệp Lời Thiên Chúa.
Thánh Tôma không thể có được những quan điểm như trên. Một đàng và nói chung, chân trời tư tưởng trong đó triết học Aristote chi phối thời kinh viện, đã khiến thánh Tôma nghiên cứu chân lý như một đối tượng trừu tượng để nhận thức một cách suy lý. Đàng khác, trường phái kinh viện thời thánh Tôma đã đề cập đến vấn đề linh hứng dưới phương diện hạn hẹp của vị ngôn sứ đón nhận, một cách hơn kém thụ động, một thị kiến mà vị ngôn sứ phải thấu hiểu và truyền đạt lại cách trung thành tối đa. Đó là một quan niệm truyền thống thủ đắc từ thời Hy-lạp cổ đại, và thậm chí là từ Do-thái giáo chịu ảnh hưởng Hy-lạp của một Philon hay một Josèphe. Thánh Tôma không thể hoàn toàn tránh khỏi cách đặt vấn đề của thời đại mình. Như chúng ta đã thấy, thánh nhân đã có công nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phán đoán, là phản ứng tích cực của người được ơn linh hứng trước dữ kiện được tỏ bày cho ông quan sát. Thậm chí người còn cho rằng không nhất thiết phải có thị kiến và một phán đoán siêu nhiên đối với những kinh nghiệm tự nhiên có thể đã đủ để mang lại một mặc khải đích thực. Cuối cùng, ta có thể nêu lên nhiều chỗ trong khảo luận của người, trong đó người thâu tóm các hình thức linh hứng vào hành động hay vào lời nói như đã nêu trên.
Trong a.2 của q.173, thánh Tôma nói đến trường hợp phán đoán của người được ơn linh hứng dựa vào “việc phán đoán một cách đúng đắn và hữu hiệu điều phải làm”. Trong a.4 cũng của q.173, thánh Tôma viết : “Lý trí của vị ngôn sứ được khơi động (bởi Thánh Thần) không chỉ để hiểu một điều nào đó, nhưng còn để nói hay làm một điều gì đó”. Trong a.3 của q.174, thánh Tôma công nhận một cấp độ của ơn ngôn sứ, thực ra không đúng lắm, trong đó “con người được khơi động bởi một bản năng bên trong để thực hiện những hành động bên ngoài” như khi ông Samson bứt đứt các dây trói. Rõ ràng là các hành động đi kèm theo ơn ngôn sứ chỉ là hệ quả chứ không hẳn là những cử chỉ chính yếu và mang những ý nghĩa làm nên lịch sử cứu độ, và nguyên chúng không cho thấy những ý định của Thiên Chúa. Dù sao đi nữa, các nhận xét của thánh Tôma cũng cung cấp những khả năng khai triển mà chắc hẳn người đã khai thác nếu như người được hưởng chân trời Kinh Thánh rộng lớn của chúng ta ngày nay [10].
VI. Chúng ta còn phải để ý đến một khía cạnh sau cùng và quan trọng trong vấn đề của chúng ta. Đó là sự tiến triển của mặc khải theo dòng nhiều thế kỷ và những hệ luận của nó trong những lãnh vực chú giải và tính cách không sai lầm của Kinh Thánh.
Điều tôi đã nói ở trên về Mặc Khải được quan niệm như là một lịch sử những bước đi của Thiên Chúa giữa nhân loại, bao hàm một sự tiến triển được đường lối sư phạm Thiên Chúa dẫn dắt. Thiên Chúa tỏ bày cách tiệm tiến cho con người mầu nhiệm về sự hiện hữu của Người, về tình yêu, về ý định cứu độ của Người sao cho con người được giải thoát dần khỏi bóng tối u mê và vô luân hầu đạt đến ánh sáng đầy đủ và sự chính trực trọn vẹn mà Đức Kitô mặc khải sau này.
Sự phát triển của các khoa học lịch sử đã đặc biệt giúp chúng ta nhận ra sự tiến triển tiệm tiến của Mặc Khải. Thời Trung cổ, người ta cũng đã nhận thấy và thánh Tôma đã nói tới điều này trong phần trình bày của người về ơn ngôn sứ [11]. Người phân biệt làm ba thời kỳ, mỗi thời kỳ được bắt đầu bởi một mẫu người tiêu biểu : trước khi có Lề Luật, với ông Ápraham ; dưới thời Lề Luật, với ông Môsê ; dưới thời ân sủng, với các Tông Đồ. Rõ ràng lối phân chia này còn giản lược và có khuynh hướng suy lý như tất cả khảo luận đó cho thấy : trước hết Thiên Chúa tự mặc khải Người là Đấng toàn năng, rồi về yếu tố đơn thuần của Người, cuối cùng là mầu nhiệm Ba Ngôi. Còn về hướng đi của hành vi nhân linh, tức là luân lý, thánh Tôma không cho rằng mặc khải ngôn sứ đã tiến triển theo tuần tự của các thời đại. Tuy thế, ít là trong những gì liên quan đến việc nhận thức các mầu nhiệm, tư tưởng của thánh Tôma có bao gồm nhận thức về một sự tiến triển của Mặc Khải, trong đó các giai đoạn khởi đầu thì kém hoàn hảo hơn các giai đoạn hoàn tất. Chúng ta có thể thấy được quan niệm đúng đắn này đã có những âm hưởng nào đối với thời đại chúng ta, khi mà tính cách biến chuyển và phát triển đúng là đang trở thành những đề tài được người ta thích nghiên cứu.
VII. Đối với vấn đề chúng ta đang tìm hiểu, thì sự tiến triển của Mặc Khải bao gồm hai áp dụng quan trọng.
Trước hết, là sự áp dụng các nghĩa thứ hai trong Kinh Thánh. Các ý nghĩa ấy còn mặc nhiên trong giai đoạn đầu của Mặc Khải, đến nỗi người được ơn linh hứng không thể nhận biết, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho giai đoạn về sau, lúc mà các ý nghĩa ấy trở nên rõ ràng và được nhận biết. Thánh Tôma đã nói trong a.10, q.1, I về ý nghĩa này mà người gọi là nghĩa “tinh thần, thiêng liêng”. Nhưng thánh Tôma chú ý đến ý nghĩa “tiêu biểu” (typique) của nghĩa này [12] là ý nghĩa về những con người hay những biến cố do Thiên Chúa tác động, tiên trưng cho những gì được thực hiện trong tương lai. Thánh nhân đã không trình bày rõ về một nghĩa thứ hai khác mà ngày nay gọi là nghĩa “sung mãn”, là nghĩa chính các từ ngữ Kinh Thánh mặc lấy, chủ yếu là của Cựu Ước, được Thiên Chúa lặp lại trong Tân Ước, nhưng được giải thích cách mới mẻ, được đào sâu, thậm chí được biến đổi nhờ ánh sáng của việc hoàn tất được Đức Kitô thực hiện. Ở chỗ khác, tôi đã trình bày vấn đề này khá đầy đủ, nên ở đây có thể chỉ tóm tắt như thế thôi. Vắn gọn, tôi cho rằng và tôi đã cố gắng chứng minh rằng nghĩa sung mãn là có và quan trọng, thậm chí là thiết yếu nữa, và nói chung là thường rất hay gặp. Nhưng tôi nhận thấy thánh Tôma đã không trình bày nghĩa ấy cách minh nhiên. Có thể chúng ta thấy nó được gợi lên trong câu sau đây ở a. 4, q. 173 : “Vì lý trí của vị ngôn sứ, như chúng ta đã nói, là một dụng cụ khiếm khuyết, ngay cả nơi các ngôn sứ thật, nên không biết được mọi đều Thánh Thần đã nhắm tới hoặc trong thị kiến họ thấy, hoặc trong lời họ nói, hay cả trong việc họ làm”. Có ám chỉ hay không thì cũng có điều cần thừa nhận rằng thánh Tôma cũng như tất cả các Giáo phụ và các nhà thần học xưa kia đều đã không đả động đến vấn đề nghĩa sung mãn. Nhưng sự im lặng này cũng dễ hiểu thôi. Các tác giả cổ thời đã không biết hay đúng hơn không bận tâm đủ về sự tiến triển của lịch sử và của ngôn ngữ để lo phân biệt ý nghĩa của một từ ngữ trong những giai đoạn đầu của lịch sử cứu độ với ý nghĩa đã tiến triển hơn mà từ ngữ ấy đã mang lấy trong các giai đoạn về sau. Các ngài đem lòng thành đọc sách ngôn sứ Isaia hay Giêrêmia theo nhãn quan của thánh Phaolô hay thánh Gioan. Thực ra, các ngài đã sử dụng nghĩa sung mãn của Kinh Thánh mà không ý thức và không thấy cần phải xác định chính xác ý nghĩa ấy. Vậy, ngày nay, khi chúng ta cố gắng xác lập định nghĩa ấy, chúng ta đừng đi ngược với thánh Tôma, mà ngược lại phải tiếp nối một cách có ý thức và suy nghĩ điều mà chính thánh nhân đã làm một cách tự phát và mặc nhiên.
Trước khi rời khỏi lãnh vực giải thích này, tôi thấy cần phải nói sơ qua một vấn đề đã từng gây tranh luận mạnh mẽ. Đó là thánh Tôma có chấp nhận là có nhiều nghĩa theo chữ (sens littéral) trong Kinh Thánh không ? Xin trả lời dứt khoát là không, nếu hiểu về nhiều nghĩa theo chữ thực sự khác nhau đến độ có thể gây hiểu lầm.
Sở dĩ thánh Tôma tạm nhượng bộ về quan điểm này [13], là vì người muốn kính cẩn (reverenter) trình bày một tư tưởng của thánh Augustinô. Và điều mà người thừa nhận theo chân vị tiến sĩ giáo phận Hippone, đó không phải là cùng một chữ mà có những ý nghĩa thực sự khác nhau, mà chỉ là việc người ta có thể chọn lựa những lối giải thích khác trước một bản văn tối.
VIII. Một hệ luận quan trọng khác của sự tiến triển của Mặc Khải, đó là đặc tính không sai lầm của Kinh Thánh
Thánh Tôma ít nói tới vấn đề này. Hẳn là người có xác định nguyên tắc tổng quát, theo đó thì “mọi điều hàm chứa trong Kinh Thánh đều là chân thật” (quidquid in Sacra Scriptura continetur, verum est) [14]. Nhưng người ít có cảm tưởng rằng nguyên tắc này có thể bị lâm nguy. Đối với người cũng như đối với các Giáo phụ cổ thời, các khó khăn hệ tại các mâu thuẫn nội tại của Sách Thánh, chẳng hạn như có sự khác nhau giữa các sách Tin Mừng. Đó là những khó khăn dễ giải quyết. Hồi thế kỷ XIII, Kinh Thánh chưa phải chịu sự giám sát nghiêm khắc của các khám phá hiện đại. Vũ trụ quan của Kinh Thánh được chấp nhận mà không tranh cãi, trừ một số điểm khó hiểu, thì phải nhận rằng các tác giả thánh đã nói về các vấn đề thuộc khoa học tự nhiên theo hiện tượng bên ngoài của chúng. Và cũng vậy, Thánh Thần đã không muốn dậy người ta những môn học hoàn toàn phàm tục [15]. Thánh Tôma đã lấy lại những nhận xét tuyệt vời trên của thánh Augustinô vẫn được khoa thần học truyền thống tiếp tục vận dụng. Thời đó, trong lĩnh vực sử học, các khó khăn ít được nhấn mạnh hơn vì thiếu dữ kiện ngoài Kinh Thánh để kiểm chứng và người ta chấp nhận mà không tranh luận về các niên đại và về các khung cảnh rộng lớn được Sách Thánh trình bày.
Thế nhưng, chính trong thời đại của chúng ta đó lại là các trở ngại trầm trọng nhất. Vì không tìm được trong truyền thống các giải pháp có sẵn, nên người ta đã bắt đầu buông lỏng khi đề nghị loại ra khỏi ơn linh hứng hay ít là khỏi tính cách vô ngộ của Kinh Thánh tất cả những gì trong Kinh Thánh không liên quan đến đức tin và luân lý. Vì chỉ có đức tin và luân lý mới là và duy nhất là điều Thiên Chúa muốn dậy. Nguyên tắc này không xấu. Nhưng áp dụng mới thật là nguy hiểm, vì có nguy cơ bỏ mặc cho sự sai lầm những sự kiện dầu tự nó có tính cách thế tục nhưng không phải là không có gì liên quan khá đến đạo lý của Kinh Thánh, chẳng hạn như việc giải phóng trong biến cố Xuất hành.
Vì Hội Thánh không chấp nhận các lối giải thích tránh né vấn đề như thế, nên nhà thần học lại đến với thánh Tôma và tìm được trong học thuyết của người về ơn linh hứng có những nguyên tắc tốt hơn để giải quyết. Vì Thiên Chúa điều khiển cách tuyệt diệu mọi hoạt động của tác giả thánh, nên Sách Thánh là kết quả của hoạt động ấy và hoàn toàn là tác phẩm của Thiên Chúa được Người đảm nhận và được ơn linh hứng của Người bảo đảm. Nhưng vì Thiên Chúa tôn trọng cách thức hoạt động của tác giả thánh là dụng cụ của Người, với những giới hạn về lý trí, về môi trường và văn hoá, thì Người vẫn để mặc cho suy tư của tác giả có những điều bất toàn và thậm chí có những sai sót trong bất kỳ điều gì không liên quan đến sứ điệp mà Người trao phó. Tuy nhiên – và đây mới là mấu chốt của chân lý trong Kinh Thánh – ánh sáng linh hứng khiến tác giả chỉ dạy sứ điệp đó và ngăn không cho tác giả ràng buộc chân lý của Thiên Chúa vào những ý kiến riêng của cá nhân ông. Những ý kiến không được bảo đảm này hẳn sẽ có thể xuất hiện trong Sách Thánh, nhưng chúng có ở đó không nhằm mục đích để dạy dỗ, vì Thiên Chúa giúp các tác giả thánh viết sao cho độc giả có được những cách thế khách quan để phân biệt điều được dạy với điều không được dạy.
Khoa chú giải có nhiệm vụ làm công việc ấy. Nhưng rốt cuộc, các “phương thế khách quan” do Thiên Chúa đặt định trong bản văn Kinh Thánh là gì ? Một tiêu chuẩn đầu tiên được suy diễn từ các nguyên tắc của thánh Tôma là tiêu chuẩn về “các thể văn”. Ở trên chúng ta đã nói đến các định loại xem đâu là đối tượng chính (objet formel), đâu là khẳng quyết, đâu là giáo huấn mà phán đoán thực hành của tác giả cung cấp cho phán đoán thuần lý của ông. Việc lựa chọn một thể văn chính là việc sử dụng một loại định như thế. Khi chọn trình bày theo văn xuôi hay bằng thi ca, theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, bằng con đường sử học chuẩn xác hay bằng lối văn tiểu thuyết lịch sử, tác giả đã chọn lấy một cách thức nhất định để trình bày sứ điệp của mình. Sứ điệp này mang đến cho độc giả của ông cách thức nhận biết điều mà ông muốn nói, và biết được tác giả muốn đưa tính xác thực vào đến đâu và ở mức nào và, qua đó, là chân lý của Thiên Chúa. Nếu cách thức ấy dựa trên một nhận thức khoa học và khách quan về các thể văn được sử dụng vào thời ấy và trong môi trường Sách Thánh được soạn thảo, thì phương pháp này là tuyệt vời. Như thế, phương pháp này cuối cùng đã được thừa nhận như một qui tắc chính yếu để chú giải. Sau khi xem xét vấn đề cách nghi ngại và dè dặt [16], Huấn Quyền đã minh nhiên thừa nhận qui tắc trên và còn giới thiệu trong các văn kiện nữa [17].
Tuy vậy, tôi không cho rằng giải pháp này là đầy đủ. Có hai lý do khiến phải tìm hiểu kỹ hơn. Một đàng sẽ là ngây thơ khi cho rằng tác giả thánh, tự mình đã biết phân định giữa một bên là giáo huấn được Thiên Chúa bảo đảm và trao phó cho ông, với một bên kia là các quan niệm cá nhân sai lầm vẫn được đặc sủng thiêng liêng để cho tồn tại trong tâm trí mình [18]. Một sự phân biệt như thế đôi khi có thể có trong ý thức tác giả [19]. Thường nhất là không thể có. Và tác giả sẽ trình bày tư tưởng của mình theo một cách thức, ít là đối với ông, pha trộn cả hai phương diện trên. Đàng khác, và đây là điều quan trọng hơn, chúng ta thấy tác giả trình bày những giáo lý và những nguyên tắc đối với chúng ta ngày nay xem ra là sai lầm, ngay cả về phương diện đức tin và luân lý, thế mà cũng xem ra chính Thiên Chúa lại cho phép như thế. Tác giả Thánh vịnh đã chẳng nói “chốn tử vong, ai nào nhớ Chúa, trong nơi âm phủ, ai ngợi khen Ngài !” (Tv 6,6) đấy sao ? Nghĩ như thế phải chăng là chối bỏ một tương lai bất diệt? Và sách Dân số đã chẳng cho thấy một Đức Chúa đã ra lệnh cho ông Môsê sát hại các phụ nữ và trẻ em Mađian (31,1.17), một cuộc tàn sát mà lương tâm chúng ta ngày nay không thể chấp nhận đó sao?
Chính vì để giải quyết vấn nạn gay go này mà chúng ta phải nại đến một tiêu chuẩn khác được các nhà thần học nhìn nhận ngày càng nhiều hơn, đó là đừng tìm chân lý siêu nhiên trong đoạn văn Kinh Thánh này hay đoạn văn Kinh Thánh khác được tách riêng ra, nhưng phải tìm trong toàn bộ Sách Thánh, trong tổng thể của Sách Thánh. Thiên Chúa chỉ dạy nhân loại theo đường lối sư phạm tiệm tiến và nhẫn nại. Đường lối này vén mở dần dần chân lý và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Điều đó hàm ý là trong những giai đoạn đầu, Thiên Chúa chịu đựng những quan niệm hay những phong tục còn rất bất toàn. Và không chỉ là chịu đựng nhưng còn chấp nhận, chịu trách nhiệm, còn coi đó như là mầm chứa đựng chân lý hay của sự chính trực. Thế cho nên tiếng kêu của tác giả Thánh vịnh giả thiết nỗi niềm khắc khoải mong chờ một cuộc sống tương lai với Thiên Chúa. Hay vì ý nghĩa thánh hiến của dân được tuyển chọn đòi phải tránh đi mọi thứ ô nhiễm bởi các dân khác. Khi chấp nhận, khi truyền dạy ngay cả các kiểu quan niệm hay hành động bất toàn ấy, Thiên Chúa không dậy những điều sai lầm, nhưng là những chân lý tương đối hay đúng hơn là những trình bày tương đối về chân lý của Người, là chân lý tuyệt đối. Chúng ta hiểu sai mà cho đó là những sai lầm, khi chúng ta tách riêng chúng ra và cho chúng một giá trị tuyệt đối đó thôi.
Chính Thiên Chúa giữ cho mình việc sửa chữa và thanh luyện dần những bước đầu chập chững, “còn bất toàn và tạm thời” đó [20]. Và Thiên Chúa đã làm điều đó xuyên suốt Mặc Khải, ngang qua Cựu Ước và Tân Ước, khi dẫn dắt con người đi từ chỗ thù hận theo bản năng đến chỗ yêu thương kẻ thù địch, từ viễn ảnh buồn thảm của âm phủ tới niềm hy vọng chắc chắn vào hạnh phúc bất diệt ở bên Thiên Chúa. Nếu chúng ta muốn minh oan cho giá trị của giáo huấn siêu nhiên được mặc khải trong Kinh Thánh và nhận ra chân lý hoàn hảo của Kinh Thánh, chúng ta phải tìm kiếm chân lý ấy trong toàn thể Sách Thánh, một khi Thiên Chúa đã viết xong chương cuối cùng và đã nói ra lời cuối cùng của Người. Rốt cuộc, đó là tiêu chuẩn đúng đắn nhất để nhận ra tính không sai lầm của Kinh Thánh [21]. Chính tiêu chuẩn này phân biệt các ý hướng của bản văn thánh nhờ vào các phương thế khách quan mà Thiên Chúa đã đặt vào đó khi lập lại ở chỗ này điều đã nói ở chỗ khác, khi điều chỉnh, khai triển, làm sáng tỏ hơn giáo huấn của Người cho tới khi được hoàn thành trọn vẹn nơi Đức Kitô.
Như tôi đã nói, thánh Tôma không đưa ra tiêu chuẩn trên. Vấn đề thời đại của người đặt ra không đòi hỏi điều đó. Tuy nhiên, người đã đưa ra một nguyên tắc về vấn đề trên khi nhìn nhận trong Mặc Khải có một sự tiến triển đi từ chỗ ít hoàn hảo nhất đến chỗ hoàn hảo nhất. Về điểm này, cũng như về các điểm khác tôi đã nghiên cứu, chỉ cần khai triển thêm, đào sâu thêm các chỉ giáo và trực giác của người để có thể đạt được các giải pháp càng ngày càng chuẩn xác mà các tiến bộ trong việc nghiên cứu thần học đòi hỏi.
IX. Tôi xin bổ túc thêm – và đây cũng là nhận xét cuối cùng của tôi – rằng học thuyết của thánh Tôma về loại suy sẽ đưa vào vào toàn bộ vấn đề trên một sự uyển chuyển cần thiết.
Dù là nói về tác động của đoàn sủng trải rộng đến ngôn từ cũng như ý tưởng, đến các chi tiết phụ tùy cũng như đến các học thuyết cốt yếu, dù là nói đến các dạng thức khác nhau mà sự thúc đẩy của Thiên Chúa khiến người ta hành động, nói lên, viết ra, dù là nói về các tác động hỗ tương giữa ơn linh hứng và mặc khải, giữa phán đoán suy lý và phán đoán thực hành, dù là nói về các lối diễn tả chân lý của Thiên Chúa nối tiếp nhau và tiến triển dần qua các thế kỷ, thì các lối phân biệt trên phải luôn được thẩm định theo cách thức loại suy. Ta hay làm chai cứng các vấn đề trên khi quan niệm các vấn đề theo một thứ đơn nghĩa cứng ngắc. Sự uyển chuyển loại suy mà thánh Tôma đã để lại qua nhiều ví dụ sẽ giúp chúng ta biết tôn trọng và hiểu đúng hơn sự phong phú vừa phức tạp vừa sống động của vô số những việc mà Thiên Chúa của chân lý và tình yêu đang đối thoại với con người.
Bài Saint Thomas et l’Inspiration des Écritures
Trong “Tommaso d’Aquino nel suo VII centenario, Congresso Internazionale”, Roma-Napoli, 17-24 Aprili 1974, pp.115-131
———————————————
1. X. James T. Burtchell, Catholic Theories of Biblical Inspiration since 1810. A review and Critique. Cambridge, University Press, 1969 chẳng hạn.
2. Nguyên nhân dụng cụ chỉ áp dụng cho nhận thức của ngôn sứ một cách rộng rãi, chứ không sát nghĩa. Trong nhận thức của mình, ngôn sứ vẫn là nguyên nhân chính đệ nhị. Nhưng khi áp dụng vào ơn linh hứng Kinh Thánh thì soạn giả thánh là dụng cụ theo nghĩa chặt. Vì Sách Thánh, với tất cả ý nghĩa phong phú của nó, là thành quả vượt hẳn hoạt động của soạn giả thánh, kể cả khi ông được linh hứng. Đối với sự phong phú này, soạn giả thánh thực sự là một dụng cụ khiếm khuyết” (instrumentum deficiens) (ST II-II, q.173, a.4 corp.). Nhất là xem : P. Synave et P. Benoit, La Prophétie, Éd. de la Revue des Jeunes, Paris 1947, pp. 286-293 ; 303tt ; những suy tư của M. Labourdette, O.P. trong La Revue Thomiste, 1950, pp. 415-419 ; và những sửa chữa tôi đã thêm vào trong ấn bản tiếng Anh : Prophecy and Inspiration, Desclée 1961, pp. 80-81, và nhất là 118tt.
3. ST, II-II, q. 173, a.2.
4. Ibid. q. 173, a. 2 ad 3.
5. X. Révélation et Inspiration selon la Bible, chez St. Thomas et dans les discussions modernes, trong Revue Biblique 70 (1963), pp. 322-323 ; lấy lại trong Exégèse et Théologie, Paris, vol. III (1968, pp. 91-92 ; 135-138.
6. Ibid. RB, pp. 325-349 ; Exégèse et Théologie, pp. 94-120.
7. Ibid. RB, pp. 350-363 ; Exégèse et Théologie, pp.121-135.
8. ST II-II, q. 177 và 178.
9. RB, pp. 336-349 ; Exégèse et Théologie, pp. 106-135.
10. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về mặc khải, Dei Verbum, số 2 : “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người (x. Ep 1,19)… Trong việc mặc khải này, với tình thương chan chứa của Người, Thiên Chúa bất khả thị (x. Cl 1,15 ; 1 Tm 1,17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xh 33,11 ; Ga 15,14-15)…Công cuộc mặc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau. Nên các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ tỏ bày, củng cố giáo lý và những điều được giải thích qua lời nói. Còn lời nói thì công bố việc làm và khai sáng mầu nhiệm chứa đựng trong đó”. Đem so sánh với bản dự thảo chuẩn bị Công Đồng, thì những dòng trên và nhiều dòng khác tương tự, phản ánh và tạo nên một mối bận tâm phải khai triển các quan niệm về mặc khải Kinh Thánh và về chân lý mặc khải theo chiều hướng mà tôi cho rằng chúng ta cần phải áp dụng rộng rãi tư tưởng của thánh Tôma.
11. ST, II, q. 174, a. 6 ; x. II-II, q.1, a.7.
12. Từ này xuất hiện trong Quodlibet VII, art. 15 corp. Đây là từ tôi cho là thích hợp nhất ; x. bài La plénitude de sens des Livres saints tôi viết trong Revue Biblque 67 (1960), p. 166 ; Exégèse et Théologie, III, p. 36
13. ST, I, q. 1, a.10 corp. fin.
14. Quodlibet XII, q. 17, a. 1 ad 1.
15. Th. Augustinô, De Gen. Ad litt. ii, 9 ; PL, XXXIV, 270.
16. Các sắc lệnh của Ủy Ban Kinh Thánh ngày 23.6.1905 và ngày 30.6.1909 (Enchiridion Biblicum, ed. 1961, số 161 và 325) ; Thông điệp Spiritus Paraclitus, EB, số 461.
17. Thông điệp Divino afflante Spiritu, EB, số 558-560 ; Thư của Ủy Ban Kinh Thánh gửi Hồng y Suhard, EB, số 577-581 ; Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Mặc Khải, Dei Verbum, số 12.
18. Khi viết là ông Môsê nói về sáng tạo trong sách Sáng thế, “rudi populo condescendens, sequutus est quae sensibiliter apparent” (I, q. 70, a.1 ad 3 ; x. q. 68, a. 3 corp), dường như thánh Tôma cũng nhận rằng ông Môsê đã thủ đắc cho mình một tri thức chuẩn xác về nguồn gốc vũ trụ mà ông không thể chia sẻ với người đương thời. Điều này khó có thể tưởng tượng nổi.
19. So sánh với 2 Sm 7,2-3 và 4tt ; Gr 28,5-6 và 12-14.
20. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Mặc Khải, Dei Verbum, số 15.
21. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Mặc Khải, Dei Verbum, số 12.