Thánh Tôma Aquinô Và Lý Thuyết Vũ Trụ Học Hiện Đại

0
2904


Lm. GB. Nguyễn Đăng Trực, OP.

 

Đối với thánh Toma, trí tuệ con người không có được ý niệm về tạo dựng nếu không đón nhận nó từ mạc khải Do thái và Kitô giáo, vì khuynh hướng tự nhiên của trí tuệ có phần cưỡng lại một loại ý tưởng như vậy. Khoa học không làm cho chúng ta biết được hành vi sáng tạo của Thượng Đế, nhưng chỉ cho chúng ta biết về thực tại đã được tạo thành. Biến cố khởi đầu thời gian này là nền tảng cho thời gian và lịch sử, nhưng không là biến cố lịch sử theo nghĩa thông thường vì không thể quan sát được, không có nhân chứng như trong trường hợp các sự kiện lịch sử khác. Vì thế Karl Barth gọi là sự kiện lịch sử siêu lịch sử, là lịch sử vì là sự thực mà tất cả lịch sử tùy thuộc vào, là siêu lịch sử vì chỉ có một mình Thiên Chúa có thể cho chúng ta biết bằng con đường mạc khải.

Đối với Aristote, không có sự sáng tạo và càng không có sự sáng tạo trong thời gian như đã trình bày trên đây. Thánh Toma cũng cho rằng, xét theo quan điểm triết học thì không thể phản bác lập trường của Aristote. Do đó đã có một thời quan điểm của ngài về vấn đề này đã ảnh hưởng đến tính cách chính thống của ngài. Trong tổng luận thần học (Q.46, a.1 và 2), thánh Toma cho rằng: không thể minh chứng chắc chắn là vũ trụ hiện hữu từ đời đời, nhưng cũng không có gì tất yếu đòi Thiên Chúa phải tạo dựng vũ trụ từ đời đời. Ngài chỉ thi hành khả năng ấy bằng một quyết định tự do. Ý muốn của Thiên Chúa là nguyên nhân sáng tạo, không thể dò thấu bằng trí tuệ con người. Thế giới bắt đầu trong thời gian cũng là một dữ kiện mạc khải.

Còn đối với thánh Âu Tinh, để nhấn mạnh ý niệm sáng tạo, ngài nại đến sự tương phải giữa thời gian và vĩnh cửu. Tạo vật với tư cách là tạo vật mang trong mình tính thời gian. Tạo vật là hữu thể thời gian, chỉ một mình Thiên Chúa là vĩnh cửu. Thời gian là chiều kích cốt yếu gắn liền với tạo vật. Tạo vật được dựng nên cùng với thời gian. Không có tạo vật thì không có thời gian (De Civitate Dei XI,6) và khi nói tới thời gian là nói tới giới hạn. Quan điểm của ngài làm nổi bật tính bất tất và tương đối của tạo vật.

Theo thánh Toma, sáng tạo chủ yếu không phải là một sự khai mào xét về mặt niên đại mà hệ tại ở mối tương quan lệ thuộc về hữu thể. Hành động sáng tạo chỉ muốn nói lên rằng vũ trụ không là lý do hiện hữu của chính mình. Nó không thể ra khỏi tình trạng hư vô nếu không có nguyên nhân tác động sáng tạo.

Gần đây, Đức Hồng y Paul Poupard, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, trong bài diễn văn với tựa đề: “Khoa học và đức tin: cho một đối thoại mới”, đọc tại Đại học Laval, Québec, Canada, 1996, ngài nói rằng: “Phần tôi, tôi tán đồng triết học thánh Toma, chủ trương việc sáng tạo trong thời gian là không thể minh chứng được đối với lý trí, chỉ mình đức tin có thể khẳng định nó” (L’Observatore Romano số 19-20).

Quan điểm của Thánh Toma về sáng tạo dựa trên những nguyên tắc và nhận thức sau đây:

Đức Kitô giáo khẳng định Thiên Chứa sáng tạo mọi sự từ hư vô. Đối với người Hy Lạp cổ đại: hư vô chỉ phát sinh hư vô, không thể có gì đến từ hư vô. Một cái gì đó phải luôn luôn xuất phát từ một cái gì đó. Phải luôn luôn có một cái gì. Vũ trụ hiện hữu từ đời đời.

Thế nhưng theo mạc khải Kitô giáo, vũ trụ có một khởi điểm thời gian. Công đồng Laterano 1215 cũng đã long trọng công bố như thế. Thánh Toma không chống lại quyết định của công đồng, ngài chỉ cho rằng việc sáng tạo trong thời gian là không thể chứng minh được đối với lý trí, chỉ mình đức tin cố thể khẳng định điều đó (S.T. Ia, Q.46, a.2).

Đối với thánh Toma, để lĩnh hội vấn đề sáng tạo từ hư vô và vấn đề hiện hữu vĩnh cửu của vũ trụ, cần phân biệt ý niệm sáng tạo và biến dịch (motion, change). Khoa học Hy Lạp cổ đại cũng như khoa học tự nhiên hiện đại quan niệm vũ trụ bao gồm các sự vật luôn đổi thay. Trái lại, sáng tạo không phải là tạo nên sự thay đổi nơi các sự vật nhưng tác tạo chính sự hiện hữu của sự vật. Khi làm như thế, Thiên Chúa không dựa trên một chất liệu nào có sẵn. Nếu chỉ làm mới, nghĩa là làm thay đổi nơi sự vật, tác nhân cần vận dụng cái có sẵn, do đó không còn là nguyên nhân trọn vẹn (complete cause) của sự vật mới. Sáng tạo là tạo ra trọn vẹn hiện hữu của sự vật từ hư vô và chính sự hiện hữu đó lệ thuộc hoàn toàn vào Đấng sáng tạo.

Thánh Toma phân biệt sự kiện sáng tạo (fact of creation) và phương cách hình thành vũ trụ (mode of formation of the world). Sự kiện sáng tạo thuộc lãnh vực triết học, thần học và đức tin. Phương cách hình thành vũ trụ thuộc lãnh vực khám phá của các khoa học tự nhiên. Tiến hóa cũng nằm trong tiến trình khảo sát này. Đàng khác, đối với thánh Toma, sáng tạo không phải là một biến cố thuộc về quá khứ xa xăm như một số người mường tượng khi chơi trò chơi xếp quân cờ domino nghệ thuật vối cả trăm ngàn con cờ. Họ cho rằng ngón tay người chơi chỉ chạm vào quân domino đầu tiên và các quân cờ tiếp theo tác động trực tiếp lên nhau, ngón tay người chơi không còn ảnh hưởng tới các con tiếp theo nữa. Với thánh Toma, sáng tạo có thể gọi là biến cố hiện tại vì sáng tạo và quan phòng theo ngài chỉ là một, nếu ngài buông tay ra, tất cả vạn vật trở về hư vô. Chúng ta đã bàn thoáng qua trong phần ngũ đạo của ngài.

Thánh Toma cho rằng một mình lý trí cũng có thể đạt tới thực tại sáng tạo qua suy tư siêu hình học. Có hai ý nghĩa về ý niệm sáng tạo liên kết mật thiết với nhau:

1) Sáng tạo theo ý nghĩa triết học nói lên sự lệ thuộc siêu hình hay hiện hữu của vạn vật vào Thiên Chúa như nguyên nhân đệ nhất (con đường 2);

2) Sáng tạo theo ý nghĩa thần học, phong phú hơn, đón nhận tất cả ý nghĩa triết học trên đây nhưng khẳng định thêm: vũ trụ có khởi điểm thời gian.

Cần nhắc lại, theo mạc khải Thánh kinh, vũ trụ không hiện hữu từ đời đời. Tuy nhiên thành Toma không thấy có mâu thuẫn nào trong khái niệm vũ trụ được sáng tạo từ đời đời vì mặc dầu không có khởi điểm thời gian, sự hiện hữu của vũ trụ cũng hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa về phương diện hữu thể, tức hiện hữu vì ý nghĩa nền tảng của sáng tạo không liên quan đến nguồn gốc thời gian, nhưng hệ tại sự lệ thuộc siêu hình hay hữu thể của vạn vật vào Thiên Chúa.

Cũng không có sự xung đột giữa lý thuyết về sáng tạo và các lý thuyết vật lý về tiến hóa. Các lý thuyết trong khoa học tự nhiên chỉ giải thích sự biến đổi của vạn vật, còn sáng tạo giải thích về hiện hữu của vạn vật. Không lạ gì Đức Benedicto XVI, khi còn là Hồng y Ratzinger năm 1995, đã khẳng định: Không được nói “sáng tạo hay tiến hóa” (creation or evolution) nhưng phải nói “sáng tạo và tiến hóa” (creation and evolution). Có một sự nhất quán sâu sắc giữa sáng tạo và tiến hóa.

Một vấn đề nữa, Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô; vậy cái vô hữu (non-being) có đi trước cái hữu (being) về thời gian không? Sáng tạo từ hư vô (out of nothing) không đồng nghĩa với sáng tạo sau hư vô (made after nothing). Cái sau bao hàm một trật tự thời gian. Nếu có một thứ ưu tiên (priority) thì không phải là ưu tiên xét về phương diện thời gian nhưng là ưu tiên xét về phương diện bản chất: thụ tạo hoàn toàn lệ thuộc Đấng Sáng tạo về phương diện hiện hữu. Cũng cần lưu ý sáng tạo từ đời đời không đồng nghĩa với lưu xuất tất yếu (necessary emanation) và sáng tạo cũng không đồng nghĩa với nhiệm sinh vĩnh cửu (eternal generation). Chúa Con không phải là thụ tạo do đó không có chuyện cha buông tay ra, con trở về hư vô. Con là hữu tuyệt đối như Cha (III Sent Q.1, a.2).

Thánh Alberto và Bomaventura đều liên kết sáng tạo với nguồn gốc thời gian, nên các ngài cho rằng, trong sáng tạo nhất thiết phải có hữu sau vô hữu. Chúng ta thường quen với khái niệm nguyên nhân phát sinh hiệu quả qua tiến trình biến dịch nên thường liên kết ý niệm trước sau về thời gian. Thiên Chúa là nguyên nhân tác tạo hiệu quả tức thời không qua biến dịch nên không nhất thiết Ngài phải đi trước hiệu quả về thời gian.

Mặc dù thánh Âu Tinh đưa ra nhiều luận chứng bác lại quan niệm vũ trụ hiện hữu từ đời đời (De Civitate Dei XI, XII) ngài cũng không bao giờ cho rằng quan điểm đối lập là mâu thuẫn. Trái lại De Civitate Dei X. Cap 31, ngài nói tới sự chiêm ngưỡng một khởi đầu xét về nguyên nhân tính hơn là khởi đầu xét về thời gian.

Lại nữa, nhiều người cho rằng tường thuật về sáng tạo trong sách Khởi nguyên bất tương hợp với khoa sinh học tiến hóa. Theo thánh Toma, tường thuật này không gây khó khăn cho các khoa học tự nhiên vì sáng Khởi nguyên không phải là sách khoa học. Như đã nói trên đây, thánh Toma phân biệt “Sự kiện sáng tạo” và “phương cách hình thành vũ trụ”. Sự kiện liên quan đến bản chất đức tin; Phương cách thuộc lãnh vực khoa học tự nhiên. Bản thân ngài luôn gắn bó với chân lý Thánh kinh nhưng không để mình rơi vào cạm bẫy của lối đọc theo sát văn tự. Ý nghĩa văn tự được diễn tả thông qua các hình thức ẩn dụ, so sánh hay hình thái tu từ (figure of speech). Như khi diễn tả Thiên Chúa giang tay ra thì không có nghĩa là Thiên Chúa có tay như ta, nhưng ám chỉ quyền năng Thiên Chúa. Hoặc theo tường thuật, Thiên Chúa sáng tạo trong sáu ngày, đừng vội cho rằng Thiên Chúa hoạt động trong thời gian. Thánh Âu Tinh cũng cho rằng khi tranh luận về những đoạn Thánh kinh nói về các hiện tượng thiên nhiên, chúng ta phải căn cứ vào thế giá các khoa học tự nhiên: theo thường thuật sách Sáng thế, có hiện tượng ánh sáng xuất hiện trước khi Thiên Chúa tạo dựng mặt trời, mặt trăng… Theo các nhà vật lý, không thể có ánh sáng vật lý nếu không có nguồn ánh sáng. Như vậy không thể khẳng định ánh sáng xuất hiện trước khi có nguồn sáng mặt trời là ánh sáng vật lý. Theo thánh Toma, chây lý khoa học không thể mâu thuẫn với chân lý đức tin vì Thiên Chúa là tác giả mọi chân lý.

* Tiến hóa và đồ án thông minh (intelligent design)

Ngày nay, vấn đề tiến hóa và phong trào đồ án thông minh được khơi lại trên nhiều báo chí thế giới và lan rộng sang nhiều lãnh vực khác như chính trị, xã hội, văn hóa, đôi khi còn bị lợi dụng phục vụ cho một ý thức hệ nào đó.

Nhiều người cho rằng chắp nhận tiến hóa đồng nghĩa với khẳng định quan điểm vô thần và tục hóa về thực tại. Mục “tiến hóa” trong Tân bách khoa từ điển Britannica viết “Darwin khẳng định: tiến hóa là một sự kiện phủ nhận các truyền thuyết Thánh kinh về tạo dựng. Sự chọn lựa tự nhiên (natural selection) trong tiến hóa có tính tự động, không có chỗ cho sự thiết kế hay hướng dẫn thần linh nào cả”. Đặc biệt, gần đây trong tờ New York Time (7/7/2005), Hồng y Schonborn đã khơi lên cuộc tranh cãi gay gắt khi ngài khẳng định “Thuyết tiến hóa Darwin là tiến trình tiến hóa ngẫu nhiên không được hướng dẫn, không theo kế hoạch thần linh, chỉ dựa theo chọn lọc đào thải tự nhiên”. Và ngài kết luận bằng cách trích văn kiện “Communion and Stewardship: Human persons created in the Image of God” (Hiệp thông và cương vị quản lý: con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa), của Ủy ban thần học quốc tế, năm 2004 “một tiến trình tiến hóa không được hướng dẫn – Diễn ra ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa – tuyệt đối không thể hiện hữu”. Ngài không đả động gì tới một lời giải thích cũng nằm trong văn kiện đó về hạn từ “ngẫu nhiên” được sử dụng trong lãnh vực khoa học với ý nghĩa “ngẫu nhiên thiết kế” đơn thuần. Từ đó có dư luận cho rằng Giáo hội muốn rút lại tuyên bố của Đức Gioan Phaolo II “Thuyết tiến hóa còn hơn một giả thuyết” (more than a hypothesis) người ta cũng cho rằng Hồng y phủ nhận giáo huấn của Đức Pio XII trong thông điệp Humani Generis “Tiến hóa có thể tương hợp với đức tin nếu không bao hàm vấn đề tiến hóa của linh hồn con người”.

Nên biết, thần học Công Giáo chưa bao giờ thực sự bút chiến về vấn đề tiến hóa các loại (species). Bách khoa từ điền Công Giáo 1909 (Catholic Encyclopedia) đã cho rằng tiến hóa các loại hoàn toàn phù hợp với quan niệm Kitô Giáo về vũ trụ. Về nguốn gốc con người Bách khoa từ điển cũng công nhận: tiến hóa về thân xác tự thân không phải là không chắc chắn. Còn linh hồn là hữu thể linh thiêng không thể là kết quả tiến trình vật chất. Những lời tuyên bố chính thức đầu tiên về tiến hóa của Huấn quyền Giáo Hội mãi năm 1950 mới xuất hiện trong thông điệp Humania Generis của  Đức Pio XII, khẳng định tín lý cách dứt khoát là linh hồn con người không phải là sản phẩm tiến hóa còn tiến hóa về thân xác thuộc về giả thiết khoa học.

Nửa thế kỷ sau, 1996 trong lá thư gửi Hàn Lâm Viện khoa học Giáo Hoàng (Pontifical Academy of Science) Đức Gioan Phaolo II viết: thuyết tiến hóa còn hơn một giả thuyết nhờ những bằng chứng rất ấn tượng và giống nhau thuộc nhiều lãnh vực khác nhau. Ngài cũng lập luận lại quan điểm chính yếu của Đức Pio XII “nếu thể xác có nguồn gốc từ sinh vật tiền hữu, thì linh hồn được Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo”. Cần hiểu đúng các từ tình cờ, ngẫu nhiên (Chance, random) trong lý thuyết tiến hóa.

Trong văn kiện Communion and Stewatship của Ủy Ban Thần học Quốc tế năm 2004 viết “một tiến trình tiến hóa không được hướng dẫn nghĩa là nằm ngoài sự quan phòng thần linh thì tuyệt đối không thể tồn tại”. Vì kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa bao trùm mọi biến cố trong vũ trụ không có gì diễn ra mà không theo kế hoạch của Thiên Chúa. Theo văn kiện, các từ tình cờ, ngẫu nhiên không được hiểu là không được hướng dẫn, không được kế hoạch hóa (unguided, unplanned) nhưng chỉ có nghĩa là không nhận ra mối tương quan hỗ tương. Theo nhà vật lý Barr, các từ đó được sử dụng trong khoa học cũng không có nghĩa là không được kế hoạch hóa, không nguyên nhân (uncaused). Chỉ những nhà khoa học được mệnh danh vô thần mới có khuynh hướng hiểu như vậy.

Trong lãnh vực văn chương cũng vậy. Văn xuôi khác văn vần, mỗi loại có qui định gieo vần khác nhau. Trong văn vần, việc chọn từ bị chi phối theo sự hòa hợp âm tiết (syllabes) trong khi văn xuôi sự hòa hợp âm tiết chỉ là ngẫu nhiên (random), nhưng như thế không có nghĩa là tác phẩm văn xuôi không được hướng dẫn hay không được lên kế hoạch. Nhà văn không chọn các từ nhằm mục đích hòa hợp âm tiết hay nhằm tạo nên tương quan hỗ tương, nhưng các từ vẫn được lựa chọn cẩn thận.

Thực ra, các từ ngẫu nhiên, tình cờ đã được sử dụng từ nhiều thiên niên kỷ mà không hề hàm ý phủ nhận sự quan phòng của Thiên Chúa “Tôi lại thấy dưới ánh mặt trời, không phải cứ nhanh chân là chạy giỏi, cứ mạnh là thắng, hễ khôn ngoan là có ăn, hễ thông thái là giàu có, hễ hiểu biết là được ân huệ, vì điều may rủi đến với hết mọi người” (Giảng viên 9,11).

Ngày nay, nhiều người cho rằng thuyết Darwin dựa trên nguyên lý chọn lựa tự nhiên không đủ khả năng giải thích tính phức tạp của đồ án trong thiên nhiên, do đó đề xuất một phong trào gọi là “đồ án thông minh”. Đồ án này được cho là một lý thuyết khoa học nhằm thay thế thuyết tiến hóa. Với đồ án này, người ta cho rằng bản thân khoa học có thể nhận ra vị thiết kế (designer) có thể gọi là nguyên nhân thông minh (intelligent cause) nhưng không nhất thiết phải mang tên gọi là Thiên Chúa. Vì theo họ, với tư cách khoa học, vị đó không thể được nêu rõ danh xưng là Thiên Chúa. Tuy nhiên “đồ án thông minh” cũng không chấp nhận thuyết sáng tạo là thuyết loại bỏ mọi hình thức tiến hóa và ủng hộ lối giải thích sát văn tự theo tường thuật sáng tạo của Thánh kinh.

* Quan điểm của Đức Gioan Phaolo II và Benedicto XVI

Các ngài công khai tuyên bố tiến trình tiến hóa là một sự kiện và Thiên Chúa can dự vào tiến trình đó. Năm 1996, ngỏ lời với Viên Hàn lâm Giáo hoàng về khoa học, Đức Gioan Phaolo II tuyên bố “Ngày nay… nửa thế kỷ sau thông điệp Humani Generis của Đức Pio XII, với một số khám phá mới, chúng ta có thể thừa nhận rằng tiến hóa “còn hơn là một giả thuyết…” Phương tiện truyền thông đã bình luận nhiều về tuyên bố này. Tuy nhiên, đây không phải là ghi nhận đầu tiên về tiến trình tiến hóa của ngài. Tháng 4 năm 1985, ngỏ lời với hội nghị chuyên đề về tiến hóa ngài đã tuyên bố: “Tiến hóa phải đi đôi với sáng tạo, trở thành như một biến cố sáng tạo liên tục…” Sau đó ngài tuyên bố: “Thuyết tiến hóa, nếu không loại trừ nguyên nhân tính thần linh (Divine causality) thì không mâu thuẫn với chân lý sáng tạo”. Tuy nhiên ngài cũng nhấn mạnh: “linh hồn con người không nằm trong tiến trình này vì bản chất linh thiêng của nó”. Và dù thế nào đi nữa giả thuyết này cũng chỉ có tính cách cái nhiên chứ chưa phải là sự kiện có tính chính xác khoa học”. Sau cùng, ngài cũng khẳng định thêm một số lý thuyết tiến hóa dựa trên quan điểm duy vật và chủ nghĩa giản lược (reductionism) không tương hợp với đức tin Kitô Giáo.

Đức Benedicto XVI thời còn là Hồng y Ratzinger, năm 1995, xuất bản loạt bài giảng về sáng tạo, ngài đã khẳng định “chúng ta không được nói: sáng tạo hay tiến hóa;  phải nói sáng tạo và tiến hóa”. Giữa sáng tạo và tiến hóa có một sự nhất quán sâu sắc, tương tự như sự nhất quán giữa đức tin và lý trí. Sau đó bài giảng đầu tiên của triều Giáo hoàng, ngài nhấn mạnh: “Chúng ta không phải là sản phẩm của một cuộc tiến hóa tình cờ và vô nghĩa. Mỗi chúng ta được Thiên Chúa ước mong và yêu mến. Mỗi chúng ta là cần thiết”.

* Quan điểm của Ủy ban Thần học Quốc tế (ITC – International Theological Commission)

Ủy ban bàn về vấn đề sáng tạo và tiến hóa trong văn kiện “Hiệp thông và cương vị quản lý: Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa”. Việc thâu nhận chứng cứ nhiều cuộc nghiên cứu của khoa vật lý và sinh học càng hỗ trợ cho thuyết tiến hóa, giải thích về sự phát triển và tính đa dạng của sự sống trên trái đất. Còn về nhịp độ cà cơ cấu cuộc tiến hóa vẫn tiếp tục được tranh cãi” (63). Tuy nhiên “cần lưu ý rằng theo quan điểm Giáo hội Công giáo: nguyên nhân tính thần linh, tính bất tất trong trật tự thụ tạo, không bất tương hợp với sự quan phòng của Thiên Chúa. Nguyên nhân tính thần linh và nguyên nhân tính thụ tạo hoàn toàn khác nhau về loại chứ không về cấp độ. Do đó hiệu quả của tiến trình bất tất tự nhiên cũng nằm trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa” (69).

Tóm lại, dù là chấp nhận tiến hóa để giải quyết vấn đề đa dạng sinh vật học, trong đó có con người; dù là chấp nhận tiến hóa diễn tiến qua biến thể ngẫu nhiên thì Thiên Chúa vẫn hiện diện trong tiến trình ấy dù cho vai trò của Ngài không thể phát hiện được về phương diện khoa học. Theo sự quan phòng, Ngài có thể hoạt động trong vũ trụ qua những biến cố ngẫu nhiên để đạt tới mục tiêu của Ngài.

Ủy ban Thần học còn tuyên bố “Theo viễn tượng Công giáo, Tân thuyết tiến hóa Darwin viện dẫn sự biến thể gen ngẫu nhiên và sự lựa chọn tự nhiên để minh chứng tiến trình tiến hóa và tuyệt đối không được thần linh hướng dẫn là một quan điểm lệch hướng, vượt quá những gì được khoa học minh chứng. Nguyên nhân tính thần linh có thể tác động trong tiến trình vừa có tính ngẫu nhiên vừa được thần linh hướng dẫn. Mọi cơ cấu tiến hóa ngẫu nhiên hay bất tất chỉ mang tính ngẫu nhiên hay bất tất vì Thiên Chúa muốn như vậy” (69).

Văn kiện “Hiệp thông và Cương vị quản lý” cũng trích dẫn “Tổng luận Thần học” của thánh Toma để nhấn mạnh sự dung hợp quan điểm Công giáo với khái niệm khoa học về ngẫu nhiên tính: Tiến trình tiến hóa không được thần linh hướng dẫn và nằm ngoài lĩnh vực quan phòng của Thiên Chúa thì tuyệt đối không thể tồn tại, “vì nguyên nhân tính thần linh là tác nhân đệ nhất bao trùm mọi hiện hữu, không nguyên với nguyên lý cấu tạo các loại, nhưng cả với những nguyên lý cá thể nữa…” Theo đó, vạn vật xét như tham dự vào hiện hữu, nhất thiết phải tùy thuộc sự quan phòng của Thiên Chúa” (S.T. Ia, q.22, a.2).

“Hiệu quả của sự quan phòng thần linh không chỉ diễn ra cách nào đó, không nhận ra được mối liên hệ nhưng còn diễn ra hoặc theo tính tất yếu, hoặc theo tính bất tất. Do đó, bất cứ điều gì quan phòng thần linh qui định diễn ra cách chắc chắn và tất yếu thì diễn ra cách chắc chắn và tất yếu. Những gì được qui định diễn ra cách bất tất thì diễn ra cách bất tất” (S.T. Ia, q.22, a.4, ad.1) (69)

Như vậy, Ủy ban Thần học Quốc tế hiện nay đã dựa trên những nguyên tắc truyền thống và những khám phá của khoa học hiện đại, giúp làm sáng tỏ vấn đề tiến hóa và sáng tạo là những vấn đề vẫn còn mang tính thời sự trong thế giới hôm nay.