Thánh Thể Theo Nhãn Quan Của Thánh Phaolô

0
551


Đình Phương, OP.

Dẫn nhập

Thần học đưa ra nhiều tên gọi cũng như khái niệm về Thánh Thể. Điều này cho thấy vẻ phong phú và chiều kích nền tảng của mầu nhiệm Hy tế mà chính Đức Giêsu đã thiết lập. Trải qua hơn hai ngàn năm, Giáo hội không ngừng cử hành nghi thức ấy để tưởng nhớ đến Người. Tên gọi Thánh Thể được bắt nguồn từ Thánh Kinh, hoặc xuất phát từ truyền thống của Hội Thánh như: Bữa ăn của Chúa, Lễ Bẻ Bánh, Nghi lễ tạ ơn, Thánh Lễ Misa,… Lịch sử tính đóng góp rất lớn vào việc hình thành cấu trúc nghi thức Thánh Thể với từng phần như ngày nay.

Khi xét nghi thức Thánh Thể theo tư tưởng của thánh Phaolô, có thể nói, Giáo hội sơ khai chưa có cấu trúc nghi thức Thánh Thể hay Thánh Lễ. Tuy nhiên, khái niệm về sự hiệp thông hay bữa ăn huynh đệ đã được các Kitô hữu sống và cử hành từ rất sớm. Bởi thế, thánh Phaolô gọi Thánh Thể là “Bữa ăn của Chúa” (1Cr 11, 20), nhằm xây dựng tình liên đới và tưởng nhớ bữa tiệc cuối Đức Giêsu cùng ăn với các Tông đồ tại nhà Tiệc Ly; và đây cũng là nền tảng thần học của nghi thức Thánh Thể sau này. Tất cả tư tưởng của thánh Phaolô về “Bữa ăn của Chúa” đều có ý nhắc nhở các Kitô hữu phải sống thế nào, cả về chiều kích cá nhân lẫn tương quan cộng đoàn, để tham dự bữa ăn ấy cách xứng đáng.

Tìm hiểu ý nghĩa Thánh Thể theo tư tưởng của thánh Phaolô, trong giới hạn bài viết này, người viết chỉ muốn trình bày một vài quan điểm về đời sống nhân bản của người Kitô hữu trong “Thân Mình Đức Kitô”; Hơn nữa, cũng cần phân biệt giữa “Bữa ăn của Chúa” và “bữa ăn của ma quỷ”. Và sau cùng, để tham dự “Bữa ăn của Chúa” cho xứng đáng, nhất thiết cần đến sự hiệp thông, tình bác ái, sự sẻ chia giữa những người cùng tin vào Đức Kitô.

1. Mỗi Kitô hữu là “tế bào” trong Thân Mình Đức Kitô

Trong tất cả các thư của Phaolô, ngoại trừ thư Rôma, ngài đều đề cập đến những vấn đề cụ thể diễn ra trong các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi; Những vấn đề phức tạp như: Chia bè phái theo người lãnh đạo, tham dự và ăn đồ cúng, sự phân biệt giữa người giầu và nghèo trong Bữa Tiệc của Chúa,… Thư gửi cộng đoàn Côrintô được gọi là thư mục vụ đầu tiên thánh Phaolô, bởi không những chỉ dẫn cụ thể mà còn khai triển ý nghĩa thiêng liêng để đi đến hành động theo tinh thần của Tin mừng. Từ những vấn đề phức tạp đang diễn ra trong cộng đoàn Côrintô, thánh Tông đồ triển khai ý nghĩa sự hiệp thông trên nền tảng thần học về bí tích Thánh Thể như là kim chỉ nam của đời sống huynh đệ. Vậy làm thế nào để có một nền thần học về bí tích Thánh Thể, và làm sao để người Kitô hữu có thể tham gia vào Bữa Tiệc của Chúa một cách ý thức? Đó chính là chìa khóa để thánh Phaolô triển khai thần học về bí tích Thánh Thể.[1]

Theo Phaolô, điều kiện để tham dự vào Bữa Tiệc của Chúa cách xứng đáng, tín hữu phải giữ mình thanh sạch, không hùa theo những ăn chơi trụy lạc của dân ngoại cũng như môi trường tội lỗi xã hội lúc bấy giờ. Vào thời thánh Phaolô sống, Côrintô là một thành phố lớn, tọa lạc trên cao nguyên cao chừng 550m, nối biển Êgiê (phía Đông) và biển Adriatich (phía Tây) nhờ các hải cảng ở Kenkhơrê và Lêkhaiô; nổi tiếng giàu có, xa hoa và phóng đãng (thờ thần Aphrodite/Venus); là thành phố đông dân với nhiều sắc dân và thành phần xã hội khác nhau; được gọi là thủ phủ miền Hy Lạp lúc bấy giờ.[2] Tuy nhiên, theo thánh Phaolô, vấn đề chia rẽ trong cộng đoàn Côrintô, sự suy đồi về đời sống đạo đức và sai lầm trong việc thờ phượng ngẫu tượng có thể vượt qua, nếu mỗi cộng đoàn địa phương biết nhận ra giá trị của sự hiệp thông trong Thân Mình Đức Kitô.

Quan điểm Giáo hội là thân thể mầu nhiệm Đức Kitô của thánh Phaolô không chỉ giới hạn trong nghĩa siêu hình hay thiêng liêng, nhưng còn bao gồm cả hiện thực chính trị và xã hội nữa.[3] Thánh Phaolô lấy lại quan niệm của người Do thái cho rằng: Thân xác con người là một hiện hữu cụ thể, con người hiện diện trên trần gian qua thân xác và hành động trong thân xác ấy. Cũng vậy, Giáo hội là Thân Mình Đức Kitô, thân mình ấy cũng là một hiện hữu cụ thể trên trần gian. Đức Kitô đã và sẽ hành động trên thân thể của Ngài là Giáo hội.[4] Vì vậy, người Kitô hữu thuộc về Giáo hội thì không có nghĩa chỉ sở hữu trong “tâm trí về Đức Kitô”, mà phải thực sự là Thân Mình của Ngài. Và cũng chính qua Thân Mình ấy mà ta có thể chia sẻ yêu thương với người khác và thể hiện đời sống nhân bản nơi mình. Đây là lý do tại sao đối với thánh Phaolô, quan hệ nhục dục với gái điếm là trọng tội. “Anh em không biết sao? Thân xác anh em là những chi thể của Đức Kitô! Vậy tôi sẽ giựt lấy chi thể của Đức Kitô mà làm thành chi thể của con điếm sao?” (1Cr 6, 15).

Tương quan giữa người Kitô hữu với thân mình Đức Kitô là tương quan không thể tách rời: “Của ăn dành cho bụng, và bụng dành cho của ăn. Và đôi đàng, Thiên Chúa sẽ hủy cả ra không! Nhưng thân xác không phải dành cho dâm dật, mà là dành cho Chúa, và Chúa dành cho thân xác” (1Cr 6, 13). Sự liên kết thân xác chúng ta với Thân Mình Đức Kitô chỉ đạt tới hoàn hảo trong sự Phục Sinh khi “Ngài biến đổi thân xác yếu hèn của ta nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Ngài” (Pl 3, 21).

Người Kitô hữu thuộc về thân mình Đức Kitô qua phép Rửa để lãnh nhận đức tin: “Vì tất cả chúng ta được thanh tẩy mà gia nhập vào một thân mình độc nhất”“được cùng uống Thần Khí độc nhất” (1Cr 12, 13). Khi thuộc về Thân Mình Đức Kitô, nhờ bí tích, người Kitô hữu được trở nên hoàn trọn qua việc tham dự vào Mình và Máu của Người, đồng thời được thánh hóa trong thân xác phục sinh khi cử hành Bữa Tiệc của Chúa. “Chén chúc tụng ta (cầm lên mà) đội ơn, lại không phải là thông phần Máu Đức Kitô sao? Bánh ta bẻ, lại không phải thông phần Thân mình Đức Kitô sao? Vì chưng, chỉ có một bánh, nên ta tuy nhiều cũng chỉ là một thân mình, vì hết thảy ta cùng chia phần một Bánh (1Cr 10, 16 – 17).

Khi nghiên cứu nền tảng thần học về bí tích Thánh Thể, các tác giả cho rằng chính những thuật ngữ của thánh Phaolô đã tiên liệu trước về niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể.[5] Dường như khi nói đến Bữa Tiệc của Chúa, thánh Phaolô không dạy điều gì mới, nhưng ngài đơn giản chỉ gợi lại những hiểu biết theo truyền thống của người Kitô hữu về Thánh Thể nhằm rút ra một kết luận từ những điều họ đã tin ngay từ đầu.

2. “Bữa Tiệc của Chúa” và “tiệc của ma quỷ”

Đây là vấn đề phức tạp mà các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai phải đối diện trước những nghi thức thờ cúng của dân ngoại. Người Kitô hữu cần phải phân biệt đâu là “Bữa Tiệc của Chúa” và đâu là tiệc của ma quỷ. Thánh tông đồ khẳng định: “Chỉ có một Thiên Chúa là Cha, và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô” (1Cr 8, 6). Vì thế, các thần thánh khác chỉ là những tạo vật của Thiên Chúa. Thánh nhân không quá khắt khe với việc người tín hữu ăn đồ cúng, nhưng cũng đừng vì đồ cúng mà có người phải mất đức tin. Những gì người ta bày bán ngoài chợ hay người ngoại mời ăn thì cứ việc dùng (1Cr 10, 25-27), nhưng để tránh gương mù gương xấu cho những người còn yếu đức tin, thì không nên ăn thịt cúng vì có thể khiến người ta hiểu lầm. Tuy nhiên, với những Kitô hữu đồng cử hành các nghi thức dâng cúng tế thần trong các cuộc qui tụ của dân ngoại, thánh Phaolô tuyệt đối cấm. Thánh nhân “không muốn anh em hiệp thông với ma quỷ. Anh em không thể vừa uống chén của Thiên Chúa, vừa uống chén của ma quỷ được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ được” (1Cr 10, 20-21).

Hơn nữa, chữ hiệp thông (koinonia) trong các bản văn của Phaolô thường mang nhiều ý nghĩa khác nhau; Có thể là sự hiệp thông huynh đệ, hiệp thông trong chính nội tâm mỗi người với Chúa, hiệp thông trong cùng một Thánh Thần của những người tin vào Đức Kitô. Tuy nhiên, sự hiệp thông thánh Phaolô nói ở 1Cr 10,16 chính là sự hiệp thông trong việc phụng thờ Thiên Chúa.[6] Không như trong Tin mừng nhất lãm, ở đây, thánh Phaolô không chỉ đơn giản nói về sự hiệp thông với Chúa Con, nhưng còn là sự hiệp thông sâu xa trong Mình và Máu của Đức Kitô. Nhấn mạnh điều này, thánh nhân muốn khẳng định việc tham gia vào các nghi thức thờ cúng của dân ngoại chính là mối tương giao với ma quỷ (1Cr 10, 20). Như thế, việc hiệp thông với Mình và Máu trong Bữa Tiệc của Chúa hoàn toàn trái với những nghi thức thờ cúng của dân ngoại. “Chén của Chúa khác với chén của ma quỷ”, cũng như “bàn tiệc của Chúa” khác với “bàn tiệc của ma quỷ” (1Cr 10, 21). Chỉ có tham dự vào Bữa Tiệc của Chúa mới là nghi thức thờ phượng chính đáng của Hội Thánh.

3. Những lạm dụng và chia rẽ khi cử hành Bữa Tiệc của Chúa

Thư gửi giáo đoàn Côrintô mang tính mục vụ, nên thánh Tông đồ dùng những lời nhận định và khuyên nhủ có tính xây dựng cộng đoàn: “Trước tiên tôi nghe rằng khi hội họp, anh em chia rẽ nhau” (1Cr 11, 18). Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, có thể thánh Phaolô đề cập đến khung cảnh xã hội, mà người ta thường tổ chức các buổi họp Thánh Thể tại nhà những người giàu có. Khi tổ chức như vậy, người ta phải tiếp đón mọi Kitô hữu, kể cả những người nghèo và các nô lệ. Nhưng thay vì phải tổ chức đúng theo tinh thần ấy, đôi khi chủ nhà chỉ mời những bạn bè khá giả vào ăn tiệc trước, trong khi thực phẩm lại do nhiều người mang đến đóng góp. Có lẽ những khách mời hạng sang được mời ăn trong phòng, những người khác thì ở ngoài sân.[7] Cũng có thể vào thời gian này, một số Kitô hữu sung túc đến trước, đã không chờ những người khác, vì thế kẻ thì no say người thì bụng đói. Hậu quả là lương thực cho bữa ăn chung còn lại rất ít, và những người nghèo đến trễ thì chẳng còn gì để ăn. Như vậy, đây là một sự xung đột ảnh hưởng của xã hội văn hóa, một sự đối xử bất công giữa người giàu và kẻ nghèo (1Cr 1, 26). Chính vì thế, thánh Phaolô lưu ý họ: Nếu sống như vậy, cho dù họ có qui tụ lại để “ăn bữa tối của Chúa” thì cũng chỉ là “ăn bữa của riêng mình”, và cuộc qui tụ không còn là một cử hành thánh thiêng nữa; Đó không chỉ là thái độ coi thường người nghèo, mà còn xúc phạm đến sự hiệp thông của Hội Thánh. “Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa mà làm nhục những người không có của? Tôi phải nói gì với anh em? (1 Cr 11, 22).

Bởi vậy, thánh Phaolô nhắc nhở: “Thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa Tiệc của Chúa, anh em hãy đợi nhau!” (1Cr 11, 33). Ngài nói lên hiện trạng thực tế của cộng đoàn “anh em chia rẽ nhau” như thế thì không có đức bác ái. Thuở ban đầu, bữa ăn huynh đệ (Agape) có được là do lương thực của mọi người đem đến. Khi đó, “thầy phó tế” đón nhận tất cả những lễ vật này và chia ra, phần nào dành cho Thánh Lễ, phần nào dành cho người nghèo, còn lại anh em chia nhau ăn tại chỗ. Lương thực mà mọi người đem đến không còn là của riêng ai, mà là của chung để dâng lễ, để giúp đỡ nhau, nhất là người nghèo.

Mặt khác, bữa ăn huynh đệ còn được thánh Phaolô trình bày như một điều kiện tất yếu trong Thân Mình Đức Kitô. Nếu trong cộng đoàn “kẻ thì đói, người lại say” thì đó là một sự bê bối của cộng đoàn Côrintô. Bữa tiệc được gọi là Agape khi mọi người cùng góp chung lương thực với nhau rồi chia đều cho từng người. Còn trong cộng đoàn này, mỗi người lo ăn phần riêng của mình, ai đói mặc ai, thì đó không phải là một bữa ăn huynh đệ mà là bữa ăn trần tục; Một khi đã không có bác ái, xúc phạm đến người khác, thì chính anh cũng xúc phạm đến Thân Thể của Chúa, anh chỉ rước lấy án phạt nơi mình.

4. Cuộc tưởng niệm việc Đức Kitô trao hiến thân mình

Ý nghĩa thần học về Bữa Tiệc của Chúa theo thánh Phaolô khởi đi từ những hiện trạng rối ren của cộng đoàn. Vì thế, nhằm chống lại những thái độ thiếu bác ái trong tiệc Agape, Thánh nhân nhắc đến giá trị cứu độ trong máu Đức Kitô. “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 24).

Các cử chỉ Đức Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly là nghi thức tưởng nhớ bữa tiệc Vượt Qua của người Do thái. Mở đầu bữa ăn, người chủ gia đình đọc lời chúc phúc trên bánh và lời tạ ơn. Sau đó, ông bẻ bánh, phân phát cho mọi người như dấu chỉ diễn tả sự thông phần vào các ân huệ của Thiên Chúa. Việc cử hành Thánh Lễ chính là làm theo mệnh lệnh của Đức Kitô, cử hành mầu nhiệm hy tế Người đã đổ máu trên thập giá để chuộc tội muôn người. “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11, 26). Thánh Lễ hiện tại hóa hy tế của Đức Giêsu trên thập giá cho tới khi Người lại đến. Hơn nữa, thần học của thánh Phaolô cũng nhắc đến tính liên tục của chức linh mục. Nếu Đức Giêsu ban quyền cho các Tông Đồ “hãy làm việc này”, điều này cũng có nghĩa các ông đã lãnh nhận chức quyền linh mục từ chính Đức Giêsu, và được tiếp nối cho đến khi Người lại đến trong vinh quang.

Từ ngữ “tưởng niệm” không chỉ nhớ lại sự kiện trong ký ức, nhưng còn làm thực tại hóa chính biến cố đó. Bởi thế, việc cử hành Bữa Tiệc của Chúa trong cộng đoàn Kitô hữu là hiện thực cuộc tưởng niệm, tái hiện Đức Kitô trong tư cách Đấng phục sinh và đang sống. Thánh Phaolô nhắc lại lời Đức Giêsu mời gọi: “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11, 26). Mỗi khi cộng đoàn Kitô hữu qui tụ để cử hành tiệc Thánh Thể, là cộng đoàn loan truyền cái chết của Chúa, Đấng đã sống lại, đồng thời chờ đợi Người trong niềm tin yêu và cậy trông. Không chỉ những tín hữu Côrintô, mà tất cả người Kitô hữu, cần hiểu rằng: khi mọi người qui tụ nhau cử hành tiệc Thánh Thể, tức là tưởng niệm về cái chết của Đức Kitô trên thập giá, đồng thời còn hiện thực hóa bí tích nơi chính Thân Mình Đức Kitô, vừa Phục sinh vừa hiện diện trong thế giới nhân loại.[8]

“Chén này là giao ước mới trong máu Thầy”. Chén của Chúa, Chén mà mọi người truyền cho nhau để uống trong nghi lễ Tiệc Thánh. Đức Giêsu làm Chiên Vượt Qua, lấy máu mình để lập giao ước mới. Giao ước muôn thuở, vĩnh cửu, không còn một giao ước nào khác có thể thay thế. Giao ước đời đời và dứt khoát, giao ước giữa Thiên Chúa và loài người được ký kết bằng máu Con Thiên Chúa. Thánh Phaolô tin rằng: chén chúc tụng là sự thông phần thực sự vào Máu Đức Kitô. Người tín hữu không những đụng chạm mà còn rước vào lòng chính máu thịt của Đức Kitô; do vậy, họ không những được tha tội mà còn được thánh hiến nhờ chính Đức Kitô. Như thế, Chén giao ước mới không những nói lên hy tế là Đức Kitô, mà còn cho người tín hữu được thông phần vào chính Máu của Người để lãnh nhận những hồng ân do giao ước này mang lại.

Đối với thánh Phaolô, nghi thức Thánh Thể vừa là biểu tượng sự bình an, hiệp nhất nhưng đồng thời cũng là đau khổ, bởi Thánh Lễ là cử hành lại một hành động “điên rồ” trong tình yêu tự hiến của Đức Kitô. Tình yêu đó gánh lấy tội muôn dân để chịu đóng đinh vào thập giá, hầu xóa bỏ tất cả tội lỗi của nhân loại. Cử hành và sống mầu nhiệm Thánh Thể, đồng nghĩa mặc lấy tâm tình của Đức Kitô, nên đồng hình đồng dạng với Người trong ý nghĩa tình yêu tự hiến, một tình yêu “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 7).

5. Để cử hành xứng đáng Bữa Tiệc của Chúa

Sau khi đã gợi nhớ Bữa Tiệc của Chúa và giá trị cứu độ trong máu Đức Kitô, thánh Phaolô nhắc giáo đoàn Côrintô về ý nghĩa của bí tích Thánh Thể. Giá trị Tiệc Thánh không thể ngang bằng như mọi bữa tiệc giữa nhân gian. Bí tích Thánh Thể do chính Đức Giêsu thiết lập và có tính chất tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Người. Và việc nhắc nhớ này sẽ kéo dài mãi cho đến tận cùng thời gian, cho đến khi Người lại đến. Trong tư tưởng này, chúng ta thấy rõ tính cánh chung của bí tích: việc tưởng nhớ ơn cứu độ, đồng thời với việc được kết hiệp với Mình và Máu Đức Kitô, cho phép và nâng đỡ người tín hữu kiên cường trong hy vọng để chờ ngày Người đến. Thánh Phaolô công kích mạnh mẽ những kẻ lạm dụng giàu sang giữa cộng đoàn tín hữu trong việc cử hành Tiệc Thánh, và gián tiếp lên tiếng cảnh cáo những việc làm bất xứng đối với bí tích Thánh Thể. “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” (1Cr 11, 27). Cách bất xứng theo Phaolô là việc “khinh dể Hội Thánh”“làm nhục những người không có của” (1Cr 11, 22). Những người như thế đều thiếu bác ái, và nhất là, đã biến bàn Tiệc Thánh trở thành tiệc tầm thường, đã quên cái chết của Chúa khi lãnh nhận Bánh Thánh. “Ai ăn và uống mà không phân biết được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt” (1Cr 11, 29). Thánh nhân xem đây là những hình phạt Thiên Chúa gửi đến cho những ai không coi trọng bí tích Mình Thánh Chúa, không tự xét mình mà lãnh nhận bí tích cách bất xứng; nhưng các hình phạt này chỉ mang tính chất cảnh cáo, sửa trị, hơn là kết án đời đời. Ai tham dự cách bất xứng vào Bữa Tiệc của Chúa thì không những phạm tội chống lại loài người, mà còn phạm đến Chúa, bởi vì Bánh và Rượu là Mình và Máu Ngài. “Phạm đến anh em mà Đức Chúa đã chịu chết để cứu chuộc… là phạm đến Đức Kitô” (1Cr 8, 11).

Vì thế chỉ thị đối với cộng đoàn Côrintô là “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa là ăn và uống án phạt” (1Cr 11, 28). Để khỏi bị kết án, cần phải xét mình với mục đích là để kiểm tra xem mình có ở trong điều kiện đủ để được tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể hay không. Thuật ngữ “Thân Thể Chúa” chỉ về Hội Thánh, được tạo nên bởi những người thông phần vào một tấm bánh duy nhất, nên một thân thể duy nhất. Nhận biết Thân Thể Chúa có nghĩa là sống tương quan liên đới với Người và với các tín hữu khác. Ai không sống tình liên đới này mà lại tham dự trong bối cảnh còn chia rẽ thì đó là “ăn và uống án phạt” của Thiên Chúa.

Thánh Augustin đã diễn giải tư tưởng của Phaolô về mầu nhiệm Thánh Thể qua một đoạn văn rất đáng để ta suy nghĩ. “Anh em là Thân Mình của Chúa Kitô và các chi thể của Người (1Cr 12, 27). Bởi thế, nếu anh em là Thân Mình của Chúa Kitô và là các chi thể của Người, thì huyền nhiệm của anh em được đặt trên Bàn Thánh của Chúa; anh em nhận lãnh chính huyền nhiệm của mình: Hãy trở nên điều anh em thấy và anh là. Anh em trả lời “Amen” cho điều anh em là, và câu trả lời của anh em ghi dấu sự gắn bó của anh em. Khi anh em nghe: “Mình Thánh Chúa Kitô”, và anh em thưa “Amen”. Hãy trở nên chi thể của Thân Mình Chúa Kitô, để tiếng Amen của anh em trở thành sự thật.”[9]

Kết luận

Trên đây là những tóm tắt tư tưởng của thánh Phaolô về Bữa Tiệc của Chúa mà ngày nay gọi là Thánh Lễ hay nghi thức Thánh Thể. Bữa Tiệc tuy đơn sơ và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như văn hóa, xã hội, hoàn cảnh cộng đoàn, nhưng cũng đã trình bày ý nghĩa của việc qui tụ trong cộng đoàn tiên khởi. Mọi tư tưởng của Phaolô về Thánh Thể, đều nhắm đến cao điểm là sự hiệp thông huynh đệ, được thánh nhân diễn tả trong Bài Ca Đức Ái (1Cr 13, 4-8). Hơn nữa, lệnh truyền của Đức Giêsu: “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” đặt cộng đoàn và mỗi Kitô hữu cần phải uốn nắn cuộc đời theo khuôn mẫu của “tình yêu tự hiến”, đặc tính của mối tương quan giữa Đức Kitô với các chi thể của Người. Trong việc cử hành Thánh Lễ, cộng đoàn được hòa giải trong bình an với Thiên Chúa, được ban tặng tình yêu thân mật không phai tàn. Tình yêu đó cũng gây thương tích cho lòng người tín hữu ít nhiều, nhất là những thách đố đòi hỏi phải vượt qua những phạm vi riêng tư của đời sống cá nhân, và những biên giới hạn hẹp của cộng đoàn nhỏ bé để đến với cộng đoàn nhân loại. Cử hành Thánh Lễ là cử hành cuộc tưởng niệm ơn cứu độ, tưởng niệm cái chết mang ý nghĩa hiến tế của Đức Kitô. Bí tích Thánh Thể chính là mầu nhiệm hiệp thông giữa các Kitô hữu và làm nên Giáo hội là Thân Mình Đức Kitô. Và sau cùng, Thánh Thể cũng chính là hy tế tình yêu tự hiến, tình yêu không an nghỉ cho tới ngày viên mãn của lịch sử, khi mọi tạo vật được hoàn toàn biến đổi và con người được gặp gỡ Thiên Chúa trong yến tiệc vinh quang.

—————/-/-/—————

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước. Nhóm CGKPV chuyển ngữ. Tp.HCM: Tòa Tổng Giám Mục Tp.HCM, 1998.

2. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo. Tp.HCM: Tòa Tổng Giám Mục Tp.HCM, 1997.

3. Vocabulaire de Théologie Biblique. Paris: du Cerf, 1971. Bản Việt ngữ: Điển ngữ Thần học Thánh Kinh. 4 tập. Đà Lạt: Phân khoa Thần học – Giáo hoàng Học viện thánh Piô X, 1973.

4. Koch, Gunter. Sakramentenlehre. Graz Wien Koln: Styria Verlag, 1991. Bản Việt ngữ: Bí tích học qua các tác giả. Nguyễn Văn Hòa chuyển ngữ.

5. Roch A. Kereszty. Wedding Feast of the Lamb, Eucharistic Theology from a Historical, Biblical and Systematic Perspective. Chicago: HillenbrandBoooks.

6. Trần Văn Hiến Minh. Bí Tích Học. Sài Gòn: Ra Khơi, 1959.

7. A. Drexel. Bí Tích Đại Cương – Tín Lý. Sài Gòn: Giáo Hoàng Học Viện, 1970.

8. Macquarrie John. A Guide to de Sacraments. London: Oxford University, 1996. Bản việt ngữ: Nguyễn Đức Thông. Dẫn Vào Bí Tích. Tp.HCM: Học Viện Chúa Cứu Thế Việt Nam, 2002.

9. Nguyễn Văn Trinh. Bí Tích Thánh Thể. Tp.HCM: Đại Chủng Viện Giuse Sài Gòn, 2002.

10. Đỗ Xuân Quế. Thần Học Bí Tích. Tp.HCM: Đức Tin Văn Hóa, 2005.

11. Thánh Augustin. Sermon 272 – Tài liệu về bí tích Thánh Thể. Tp.HCM: Trung Tâm Học Vấn Đaminh, 2008.

12. Phạm Xuân Hưng. Tìm hiểu các thư Phaolô. Tp.HCM: Trung Tâm Học Vấn Đaminh, 2010.

13. R. Vatican. Bí tích – Nguồn ơn cứu rỗi.

14. Phan Thanh Long. Bữa Tiệc của Chúa. Nội san thần học mục vụ – tu đức. số 45.

 

 

 


[1] Roch A. Kereszty, Wedding Feast of the Lamb, Eucharistic Theology from a Historical, Biblical and Systematic Perspective, Chicago: HillenbrandBoooks, p. 64.

[2] Nguyễn Văn Trinh, Bí tích Thánh Th, 2002, tr. 191. Và Phạm Xuân Hưng, Tìm hiu các thư Phaolô, Tp.HCM: Trung Tâm Học Vấn Đaminh, 2010, tr. 83.

[3] Roch A. Kereszty, op. cit., p. 64.

[4] Ibid., p. 63.

[5] Ibid.,p. 66.

[6] Roch A. Kereszty, op. cit. p. 64.

[7] Phan Thanh Long, Ba Tic ca Chúa, Nội san thần học mục vụ, tu đức, số 45, tr. 12.

[8] “Tưởng Nhớ”, Vocabulaire de Théologie Biblique, Paris: du Cerf, 1971. Bản Việt ngữ: Đin ng Thn hc Thánh Kinh, tập 4, Đà Lạt: Phân khoa Thần học – Giáo hoàng Học viện thánh Piô X, 1973.

[9] Thánh Augustin, Sermon 272, Tài liệu về bí tích Thánh Thể, học viện Đa Minh 2008, tr. 8.