TĨNH TÂM THƯỢNG HỘI ĐỒNG
Suy niệm 6: “Thánh Thần Chân Lý”
Fr. Timothy Radcliffe OP
03/10/2023
Các môn đệ nhìn thấy vinh quang của Chúa và nhân chứng là hai ông Môsê và Êlia. Giờ đây các ông mạnh dạn xuống núi và cuốc bộ lên Giêrusalem. Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 9, 51 – 56), chúng ta thấy họ đang trên đường đi. Họ gặp phải sự chống đối của những người Samari vì họ đang đi lên Giêrusalem. Phản ứng tức thời của các môn đệ là xin lửa từ trời xuống tiêu diệt những người này. Cũng phải thôi, họ vừa nhìn thấy ông Êlia và đây là điều ông ấy đã làm với các ngôn sứ của Baal! Nhưng Chúa quở trách họ. Họ vẫn chưa hiểu được cuộc hành trình mà Chúa đang dẫn dắt họ đi.
Trong ba tuần tới, chúng ta có thể bị cám dỗ gọi lửa từ trời xuống trên những người mà chúng ta bất đồng ý kiến! Xã hội của chúng ta tràn ngập sự thịnh nộ bừng bừng như thế. Chúa mời gọi chúng ta loại bỏ những thôi thúc mang tính hủy diệt như vậy khỏi cuộc gặp gỡ của chúng ta.
Cơn thịnh nộ lan tràn này nảy sinh từ nỗi sợ hãi, nhưng chúng ta không cần phải sợ hãi. Chúa đã hứa ban Thánh Thần là Đấng sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn. Vào đêm trước khi chịu chết, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em; nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng Người sẽ nói lại những gì Người nghe, và sẽ loan báo cho anh em những điều sẽ xảy đến.” (Ga 16, 12-13).
Bất kể gặp phải những xung đột nào trên hành trình, chúng ta đều xác tín về điều này: Thánh Thần Chân Lý đang dẫn chúng ta tới sự thật toàn vẹn. Nhưng điều này sẽ không dễ dàng. Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ: ‘Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi.’ Ở Xêdarê Philipphê, Phêrô không thể chịu nổi khi nghe tin Chúa Giêsu phải chịu đau khổ và chịu chết. Vào buổi tối cuối cùng, trước khi Chúa Giêsu chịu chết, Phêrô không thể chịu nổi được sự thật là ông sẽ chối bỏ Chúa Giêsu. Được dẫn đến sự thật có nghĩa là lắng nghe những điều không thể chấp nhận được.
Đâu là những sự thật mà ngày nay chúng ta thấy khó đối mặt? Thật vô cùng đau đớn khi phải đối mặt với quy mô lạm dụng tình dục và tham nhũng trong Giáo Hội. Nó giống như một cơn ác mộng mà người ta hy vọng có thể tỉnh dậy và thoát khỏi. Nhưng nếu chúng ta dám đối mặt với sự thật đáng xấu hổ này thì sự thật sẽ giải thoát chúng ta. Chúa Giêsu hứa rằng ‘anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui’ (c.20), như cơn đau chuyển dạ của người phụ nữ lúc sinh con. Những ngày Thượng Hội Đồng này đôi khi sẽ rất đau đớn, nhưng nếu chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thì đây sẽ là những cơn đau đẻ cho một Giáo Hội hồi sinh.
Đây là chứng tá của chúng ta cho một xã hội cũng đang trốn tránh sự thật. Nhà thơ T. S. Eliot đã nói, ‘Con người không thể chịu đựng được nhiều hiện thực’[1]. Chúng ta đang lao nhanh tới một thảm họa sinh thái nhưng các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta lại hầu như giả vờ như thể không có chuyện gì xảy ra. Thế giới của chúng ta bị đóng đinh bởi nghèo đói và bạo lực, nhưng các quốc gia giàu có lại không muốn nhìn thấy hàng triệu anh chị em chúng ta đang đau khổ và đang tìm kiếm một mái nhà.
Xã hội Tây phương sợ phải đối mặt với sự thật là chúng ta là những sinh vật dễ bị tổn thương, những người nam và nữ bằng xương bằng thịt. Chúng ta trốn tránh sự thật về sự tồn tại thể lý của chúng ta, giả vờ rằng chúng ta có thể tự nhận dạng mình theo ý muốn, như thể chúng ta chỉ là tinh thần. Văn hóa loại bỏ có nghĩa là những người bất đồng với chúng ta phải câm nín, không được diễn thuyết trên diễn đàn, giống như các môn đệ muốn gọi lửa từ trời xuống trên những người Samari không chào đón Chúa Giêsu. Đâu là những sự thật đau đớn mà anh chị em chúng ta từ các châu lục sợ phải đối mặt? Đó không phải là điều tôi phải nói.
Nếu chúng ta dám thành thật về con người của chúng ta, những con người phải chết và dễ bị tổn thương, và các anh chị em trong một Giáo hội luôn vừa anh hùng và vừa tội lỗi, thì chúng ta sẽ có thể nói hùng hồn với một thế giới vẫn đang khao khát sự thật ngay cả khi sợ rằng không thể đạt được điều đó. Điều này đòi hỏi lòng can đảm, mà thánh Tôma Aquinô gọi là fortitudo mentis, sức mạnh của tinh thần để nhìn mọi thứ như chúng là, để sống trong thế giới thực. Nhà thơ Maya Angelou đã nói: ‘Can cảm là đức tính quan trọng nhất trong tất cả các đức tính, bởi lẽ nếu không có lòng can cảm thì bạn không thể kiên định thực hành bất kỳ đức tính nào khác được.’[2]
Khi thánh Oscar Romero trở về nhà ở El Salvador, một viên chức nhập cư đã nói: ‘Sự thật là như thế.’ Ngài đã thành thật khi đối mặt với cái chết. Ngồi trên ghế dài, ngài hỏi một người bạn xem anh có sợ chết không. Người bạn nói rằng không. Romero trả lời: ‘Nhưng tôi thì có. Tôi sợ chết.’ Chính sự chân thật này đã làm cho cuộc tử đạo của ngài trở nên thật là đẹp. Kể từ khi nhìn thấy thi thể bị cắt xẻo của người bạn Rutilio, cũng là tu sĩ Dòng Tên, ngài đã biết điều gì đang chờ đợi mình. Khi ngài chịu tử đạo, người ta thấy thi thể của ngài đầy mồ hôi. Có vẻ như ngài đã nhìn thấy người đàn ông sắp giết mình và đã không bỏ chạy.
Vào đêm cuối cùng, Chúa Giêsu đã cảnh báo các môn đệ rằng nếu họ thuộc về Người, cây nho đích thực, họ sẽ bị cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái hơn. Trong Thượng Hội đồng này, chúng ta có thể cảm thấy mình đang bị cắt tỉa! Làm như vậy là để chúng ta có thể sinh nhiều hoa trái hơn. Điều này có thể có nghĩa là chúng ta sẽ bị cắt tỉa những ảo tưởng và định kiến về nhau, bị cắt tỉa những nỗi sợ hãi và những ý thức hệ hẹp hòi. Cắt tỉa niềm kiêu hãnh của chúng ta.
Một người anh em trẻ đã khuyến khích tôi nói từ kinh nghiệm cá nhân về điểm này, mặc dù tôi ngần ngại không muốn. Cách đây vài năm, tôi đã trải qua một cuộc phẫu thuật nghiêm trọng vì bệnh ung thư quai hàm, kéo dài mười bảy tiếng đồng hồ. Tôi phải nằm viện năm tuần, không thể ăn uống. Tôi thường không nhớ mình là ai và đang ở đâu. Tôi đã bị tước bỏ phẩm giá và hoàn toàn phụ thuộc vào người khác ngay cả trong những nhu cầu căn bản nhất. Thật là một sự cắt tỉa khủng khiếp. Nhưng đó cũng là một phúc lành. Trong khoảnh khắc bất lực này, tôi không thể tự cho mình là quan trọng và không thể khoe khoang về bất kỳ thành tựu nào. Tôi chỉ là một bệnh nhân nằm trên giường trong phòng bệnh, không có gì để cho đi. Tôi thậm chí không thể cầu nguyện. Sau đó, mắt tôi được mở ra thêm một chút trước tình yêu hoàn toàn nhưng không và vô điều kiện của Chúa. Tôi không thể làm gì để xứng đáng với tình yêu này và điều tuyệt vời là tôi cũng không cần phải làm như vậy.
Thánh Thần cư ngụ trong mỗi người chúng ta, dẫn chúng ta cùng nhau tới sự thật toàn vẹn. Tôi được Đức Giám mục vĩ đại Butler truyền chức linh mục. Ngài là người duy nhất trong Công đồng Vatican II nói tiếng Latinh hoàn hảo thời Cicero! Ngài thích nói ‘Chúng ta đừng sợ rằng sự thật có thể gây nguy hiểm cho sự thật’[3]. Nếu điều người khác nói quả thực là sự thật thì nó không thể đe dọa đến sự thật mà tôi vẫn trân trọng. Tôi phải mở rộng trái tim và tâm trí của mình trước sự bao la của chân lý thần linh. Nếu tôi tin rằng điều người kia nói không là sự thật thì tất nhiên tôi phải nói như vậy trong sự khiêm tốn đúng mực. Người Đức có một từ rất dễ thương zwischenraum. Nếu tôi hiểu đúng, thì từ này có nghĩa là sự thật trọn vẹn nằm trong không gian giữa chúng ta khi chúng ta nói chuyện. Mầu nhiệm Thiên Chúa luôn được tỏ lộ trong những khoảng không gian trống, từ không gian trống giữa các cánh của thần hộ giá trên hòm giao ước, cho đến ngôi mộ trống.
Sự xung khắc giữa những sự thật có vẻ như không tương thích với nhau có thể gây đau đớn và giận dữ. Hãy nhớ lại trình thuật của thánh Phaolô về cuộc xung đột giữa ngài với thánh Phêrô ở Antiôkhia như được kể trong Thư gửi tín hữu Galát: ‘Khi ông Kêpha đến Antiôkhia, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt!’ (2.11). Nhưng các ngài đã trao cho nhau cánh tay phải của tình bằng hữu, và Tòa Thánh coi cả hai vị là những trụ cột! Các ngài đã hiệp nhất trong cái chết như những vị tử đạo.
Chúng ta phải tìm cách nói lên sự thật để người khác có thể nghe mà không cảm thấy bị loại trừ. Hãy nghĩ đến cảnh khi thánh Phêrô gặp Chúa Giêsu trên bờ biển, trong Gioan chương 21. Vào buổi tối cuối cùng trước khi Chúa Giêsu chịu chết, thánh Phêrô đã khoe khoang rằng ông yêu Chúa hơn tất cả những người khác. Nhưng rất nhanh sau đó, ông đã chối Chúa ba lần, một khoảnh khắc đáng xấu hổ nhất trong đời ông. Trên bờ biển, Chúa Giêsu đã không chất vấn ông về sự yếu đuối. Ba lần, Người hỏi nhẹ nhàng, có lẽ với một nụ cười: ‘Anh có yêu mến Thầy hơn những anh em này không? Với sự dịu dàng bất tận, Người đã ba lần giúp Phêrô xóa bỏ ba lần chối Thầy của mình. Người thách thức ông đối mặt với sự thật bằng tất cả sự dịu dàng của tình yêu. Liệu chúng ta cũng có thể thách thức nhau bằng sự thật dịu dàng như thế?
Nhà thơ người Mỹ Emily Dickinson đưa ra lời khuyên rất hay: (xin xem thêm phần chú thích)
Tell all the truth but tell it slant – Sucess in Circuit lies
Xin lỗi vì đã trích dẫn thơ. Nó có thể rất khó để dịch. Ý chính ở đây là đôi khi sự thật được nói ra một cách mạnh mẽ nhất lại là khi nó được diễn đạt cách gián tiếp, để người khác có thể lắng nghe. Nếu bạn nói với ai đó rằng họ là một người bảo thủ gia trưởng, có lẽ sẽ không giúp được họ đâu! Dĩ nhiên, đôi khi nó sẽ vẫn còn rất là đau đớn. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: ‘Hãy nói sự thật ngay cả khi không thoải mái.’[4]
Điều này sẽ đòi hỏi tất cả chúng ta một sự mất kiểm soát nhất định. Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.” (Ga 21, 18-19).
Nếu Thượng Hội đồng có động lực cầu nguyện nhiều hơn là một nghị viện, thì tất cả chúng ta được mời gọi buông bỏ sự kiểm soát, thậm chí là chết đi cho chính mình. Hãy để Thiên Chúa là Thiên Chúa. Trong tông huấn Niềm vui Tin mừng, Đức Thánh Cha viết: ‘Không có sự tự do nào lớn hơn việc để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, từ bỏ mọi nỗ lực lên kế hoạch và kiểm soát mọi thứ đến từng chi tiết cuối cùng và thay vào đó để Người soi sáng, hướng dẫn và điều khiển và đưa dẫn chúng ta đến bất cứ nơi nào Người muốn.’ (số 280). Buông bỏ sự kiểm soát không phải là không làm gì cả! Bởi vì Giáo Hội vốn đang là một cấu trúc mang tính kiểm soát nặng nề, nên đôi khi cần có những can thiệp mạnh mẽ để Chúa Thánh Thần đưa chúng ta đến nơi mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến.
Chúng ta có một bản năng mạnh mẽ là muốn nắm quyền kiểm soát, đó là lý do tại sao nhiều người sợ Thượng Hội Đồng lần này. Vào Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống mạnh mẽ trên các môn đệ được sai đi đến tận cùng trái đất. Nhưng thay vào đó, các tông đồ lại định cư tại Giêrusalem và không muốn rời đi. Chính sự bắt bớ đã đẩy họ ra khỏi tổ và đi khỏi Giêrusalem! Đúng là tình yêu thô bạo! Phía trên văn phòng của tôi ở Santa Sabina, hàng năm lũ chim cắt đều xây tổ. Đến một lúc chim bố mẹ đuổi những con chim non ra khỏi tổ, bắt chúng phải bay đi hoặc phải chết. Ngồi ở bàn làm việc, tôi có thể thấy chúng đang cố gắng để bay! Đôi khi Chúa Thánh Thần đá chúng ta ra khỏi tổ và bắt chúng ta bay! Chúng ta vỗ cánh trong hoảng loạn, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ bay!
Trong vườn Ghếtsêmanê, Chúa Giêsu từ bỏ quyền kiểm soát cuộc đời Mình và giao phó cho Chúa Cha. Không phải như tôi muốn! Khi tôi còn là một tu sĩ trẻ, có một tu sĩ Đa Minh người Pháp, từng là linh mục thợ, sống trong cộng đoàn. Tu sĩ ấy sẽ đến Ấn Độ để phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo, và đến Oxford để học tiếng Bengali. Tôi hỏi anh ấy dự định làm gì: ‘Kế hoạch của anh ra sao?’ Anh ấy trả lời: ‘Làm sao tôi biết được cho đến khi người nghèo nói cho tôi biết?’
Khi còn là một Giám tỉnh trẻ, tôi đã đến thăm một đan viện Đa Minh sắp phải đóng cửa. Chỉ còn lại bốn nữ tu già nua. Có anh Peter, cựu Giám tỉnh, cùng đi với tôi. Khi chúng tôi nói với các nữ tu rằng tương lai của đan viện có vẻ như rất là bấp bênh, một người trong số họ nói: ‘Nhưng thưa cha Timothy, chắc Đức Chúa yêu dấu của chúng ta sẽ không để đan viện của chúng ta chết đâu nhỉ?’ Anh Peter trả lời ngay rằng: ‘thưa sơ, Người đã để Con của Người phải chết. ‘ Vì vậy, chúng ta có thể để mọi thứ chết đi không phải trong tuyệt vọng mà trong hy vọng, để nhường chỗ cho cái mới.
Thánh Đa Minh đã cố gắng trao quyền điều hành Dòng cho các anh em vì mỗi người đều đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Vì vậy, để Chúa Thánh Thần dẫn dắt có nghĩa là để được giải thoát khỏi nền văn hóa kiểm soát. Trong xã hội chúng ta, sự lãnh đạo chủ yếu là nắm tay những cần gạt quyền lực. Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII nói đùa rằng mỗi đêm ngài đều thưa với Chúa: ‘Bây giờ Đức Giáo Hoàng phải đi ngủ, và vì thế, Chúa ơi, Ngài phải trông coi Giáo Hội trong vài giờ’. Như ngài hiểu rất rõ, lãnh đạo đôi khi có nghĩa là quẳng đi sự kiểm soát.
Tài liệu làm việc Instrumentum Laboris kêu gọi chúng ta ‘lựa chọn ưu tiên dành cho người trẻ’ (x. B.2.1.). Hàng năm, chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa đã đến với chúng ta như một trẻ sơ sinh. Tin tưởng vào người trẻ là một phần nội tại của sự lãnh đạo Kitô giáo. Những người trẻ ở đây không phải để lấy đi chỗ của những người già chúng ta mà là để làm những điều chúng ta không thể tưởng tượng được. Khi thánh Đa Minh sai các tập sinh trẻ đi rao giảng, một số đan sĩ đã cảnh báo ngài rằng ngài có thể sẽ mất họ. Thánh Đa Minh trả lời: ‘Tôi biết chắc rằng các tu sĩ trẻ của tôi sẽ ra đi và sẽ quay trở lại, sẽ được sai đi và sẽ trở về; Còn những người trẻ của các ngài bị khoá nhốt một chỗ nhưng vẫn sẽ đi ra ngoài.’[5]
Được Thánh Thần dẫn tới sự thật toàn vẹn cũng có nghĩa là buông bỏ hiện tại, tin tưởng rằng Thánh Thần sẽ khai sinh ra những thể chế mới, những dạng thức mới của đời sống Kitô giáo, những sứ vụ mới. Trong suốt hai thiên niên kỷ qua, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong việc tạo ra những cách thức hiện diện mới của Giáo hội, từ thời các giáo phụ giáo mẫu trong sa mạc cho đến các dòng hành khất vào thế kỷ thứ mười ba, thậm chí là Dòng Tên trong thời kỳ Chống Cải cách! Các phong trào mới của Giáo Hội trong thế kỷ trước. Chúng ta phải để Chúa Thánh Thần hoạt động một cách sáng tạo giữa chúng ta bằng những cách thức hiện diện mới của Giáo Hội mà bây giờ chúng ta vẫn không thể tưởng tượng được nhưng có lẽ người trẻ sẽ có thể! Hãy vâng nghe lời Người, giọng nói trên núi đã vang lên như thế. Điều đó bao gồm việc lắng nghe người trẻ, chính Chúa sống và nói trong họ (Mt 11, 28).
Như chúng ta thấy, được dẫn tới sự thật toàn vẹn không chỉ là vấn đề tranh luận lý trí. Chúng ta không chỉ là những bộ não. Chúng ta mở lòng ra với nhau về con người thật của chúng ta, bản tính nhân loại dễ bị tổn thương. Thánh Tôma Aquinô rất thích một câu nói của Aristotle, đó là ‘Anima est quodammodo omnia’: ‘Linh hồn, theo một cách nào đó, là tất cả mọi thứ’. Chúng ta hiểu biết sâu sắc bằng cách mở lòng mình trước những gì là của người khác. Chúng ta để chính mình được đánh động và thay đổi khi gặp gỡ lẫn nhau. Sự thật toàn vẹn mà Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta tới không phải là sự hiểu biết lãnh đạm đứng nhìn từ xa. Nó còn hơn cả kiến thức mệnh đề. Nó không thể tách rời khỏi tình yêu có tính biến đổi (IL A.1 27). Con đường của Đa Minh là nhờ hiểu biết mà chúng ta đi đến tình yêu. Con đường của Phanxicô là nhờ tình yêu, chúng ta đi đến sự hiểu biết. Cả hai đều đúng.
Mầu nhiệm mà chúng ta đang được dẫn tới là mầu nhiệm của một tình yêu toàn vẹn không có sự đối kháng. Tất cả những gì Cha có đều được trao cho Con và Thánh Thần. Ngay cả sự ngang hàng. Chia sẻ sự sống thần linh là để mình được giải thoát khỏi mọi sự ganh đua và cạnh tranh. Trong suốt Thượng Hội Đồng này, chúng ta phải yêu mến nhau bằng chính tình yêu thần linh này, cởi bỏ mọi sự ganh đua. Thánh Gioan đã viết: ‘Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh chị em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu mến người anh chị em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.’ (1Ga 4, 20)
Cuộc hành trình đi tới sự thật toàn vẹn không thể tách rời khỏi việc học cách yêu thương. Sự thay đổi sâu sắc sẽ chỉ xảy ra nếu việc tìm hiểu ý muốn của Chúa được gắn kết với vòng xoắn kép của việc học cách yêu thương những người mà chúng ta thấy khó yêu. Điều này sẽ khó truyền đạt tới những người không có mặt ở đây. Có phải tất cả những người này thực sự đi đến tận đây, với chi phí rất lớn, chỉ để yêu nhau? Những quyết định thực tế tất nhiên là không thể tránh khỏi và cần thiết. Nhưng chúng phải nảy sinh từ sự biến đổi cá nhân và cộng đồng của chính con người chúng ta, nếu không chúng chỉ là sự quản lý.
Hãy tưởng tượng niềm vui được giải thoát khỏi mọi sự ganh đua lẫn nhau để việc giáo dân càng có nhiều tiếng nói không có nghĩa là các Giám mục có ít đi, hay việc càng có nhiều phụ nữ được trao quyền không có nghĩa là đàn ông có ít hơn, hoặc việc các anh chị em Châu Phi của chúng ta được công nhận nhiều hơn không làm suy giảm thẩm quyền của Giáo Hội ở Châu Á hay Tây phương.
Điều này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có lòng khiêm tốn sâu sắc trong khi tin tưởng chờ đợi những hồng ân của Thiên Chúa. Simone Weil là một nhà thần bí người Pháp gốc Do Thái, qua đời năm 1943, là người trên hành trình tìm kiếm sự thật đã nói ‘Tôi tin vào Thiên Chúa, vào Chúa Ba Ngôi, Ơn Cứu Chuộc, Bí tích Thánh Thể và những lời dạy của Tin Mừng’[6]. Chị viết rằng ‘chúng ta không thủ đắc được những món quà quý giá nhất bằng cách đi tìm kiếm chúng nhưng chỉ bằng cách chờ đợi …Cách kiếm tìm này trước hết phải chăm chú. Linh hồn trút bỏ tất cả những gì chứa đựng trong mình để đón nhận con người mà nó đang nhìn, đúng như họ là, trong tất cả sự thật của họ.[7]
Nếu chúng ta để Thánh Thần Chân Lý hướng dẫn, chắc chắn chúng ta sẽ cùng tranh luận. Đôi khi nó sẽ rất đau đớn. Sẽ có những sự thật chúng ta không muốn đối mặt. Nhưng chúng ta sẽ được dẫn sâu hơn một chút vào trong mầu nhiệm tình yêu thần thiêng và chúng ta sẽ nhận ra niềm vui, đến nỗi mọi người sẽ ghen tị vì chúng ta có mặt ở đây và sẽ mong được tham dự phiên họp tiếp theo của Thượng Hội đồng!
Chuyển ngữ :Vinh Sơn Lê Quốc Hưng OP
Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật OP
————————————–
[1] Burnt Norton, The Four Quarters
[2] Convocation, Conrwell, May 24th 2008
[3] Ne timeamus quod veritas veritati noceat’
[4] January 25th 2023
[5] Ed. Simon Tugwell OP Early Dominicans: selected writings Ramsey N.J., 1982 p.91
[6] S. PÉTREMENT, La vita di Simone Weil, Adelphi, Milano 2010, p. 646
[7] Waiting on God, trans. Emma Crauford, London 1959, p.169
————————————–
Chú thích:
“Tell all the truth but tell it slant…”
Tell all the Truth but tell it slant—
Success in Cirrcuit lies
Too bright for our infirm Delight
The Truth’s superb surprise
As Lightening to the Children eased
With explanation kind
The Truth must dazzle gradually
Or every man be blind—
Trong Toàn tập thơ Emily Dickinson, bài thơ này được đánh số 1129.
—————–
Bản dịch của Thái Bá Tân
Phải nói hết Sự Thật, tuy nhiên
Muốn Thành công đừng nói thẳng
Vì con người ưa nịnh, yếu mềm
Mà Sự Thật quá thẳng thừng, cay đắng
Như với Chớp, muốn Trẻ quen dần
Phải giải thích dài dòng, không vội
Nên đón nhận Sự Thật từ từ
Nếu không, ta sẽ mù – vì chói
————
Bản dịch của Nguyễn Chí Hoan
Hãy nói hết Sự Thật nhưng bằng lời gần xa
Thành công trong Lối Vòng vẫn đợi
Quá chói sáng với chúng ta trong niềm Sướng Vui ốm yếu
Là Sự Thật mang theo nỗi kinh ngạc lớn lao
Cũng như Tia Chớp được Trẻ Con xoa dịu
Với đôi lời giải thích trẻ con
Sự Thật phải làm cho dần dà sửng sốt
Hoặc người ta hết thảy sẽ mù –
————–
Bản dịch của Nguyễn Văn Trung
Nói hết sự thật nhưng nói tà tà
Thành công ở chỗ ta vòng tránh
Sự thật là ánh sáng quá mạnh
Bất ngờ cho niềm vui mong manh
Như sấm chớp với những đứa trẻ
Giải thích nhẹ nhàng sẽ yên tâm
Sự thật cũng phải loé sáng dần
Nếu không người ta mù mắt