Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: Tác phẩm – Linh đạo

0
5883

Phan Tấn Thành

I. Các tác phẩm của thánh nữ Têrêxa Lisieux

Thánh Têrêxa không còn phải là một người xa lạ đối với các tín hữu Việt Nam, bởi vì không những Người đã được Đức Thánh Cha Piô XI đặt làm bổn mạng các nơi truyền giáo vào năm 1927 (2 năm sau khi phong hiển thánh), nhưng Người đã có dự định sẽ sang đan viện Carmel Hànội. Chúng tôi sẽ không dừng lại ở phần tiểu sử cho bằng giới thiệu những tác phẩm hầu giúp hiểu biết thêm về linh đạo của Người.

Nói đến các tác phẩm của thánh Têrêxa hài đồng Giêsu, quý vị sẽ nghĩ ngay đến truyện “Một tâm hồn”. Tuy nhiên cuốn truyện đó chỉ mới hé mở một phần về cuộc đời và tư tưởng của Người. Hơn thế nữa, truyện “Một tâm hồn” không phù hợp trung thực với nguyên bản do chính tác giả viết ra, nhưng đã được các chị em trong Dòng thêm bớt sửa đổi! Việc tìm hiểu các thủ bản của tác giả đã trở nên một đề tài sôi bỏng vào những thập niên 60-70 của thế kỷ XX. Chúng tôi xin nói qua vấn đề xuất bản các tác phẩm của Têrêxa, mà phần cốt yếu là truyện “Một tâm hồn” và các “Thư”.

Truyện “Một tâm hồn” gồm bởi 3 bản tự thuật viết vào 3 hòan cảnh khác nhau. Sau đó 3 bản tự thuật này được sửa chữa, và thêm vào một lời dẫn nhập nói về nguồn gốc gia thế, và một chương chót thuật lại những ngày cuối đời, và được xuất bản dưới tựa đề “Tiểu sử của một linh hồn”. Ngòai 3 bản tự thuật vừa nói, Têrêxa còn viết nhiều bài thơ, vở kịch, lời nguyện, và các thư. Khác với các bản tự thuật được viết ra theo lệnh của bề trên, các lá thư bộc lộ tâm tình cách tự phát hơn. Têrêxa viết bức thư đầu tiên khi mới lên 3 tuổi (nói đúng ra, đó chỉ là viết ké vào thư của Céline gửi cho chị Marie). Từ đó cho đến khi qua đời, chị viết trên dưới 265 lá thư nữa.

A. Việc biên sọan truyện “Một tâm hồn”

Thực ra chị Têrêxa không hề nghĩ tới việc biên soạn tác phẩm để xuất bản. Sự thành hình của truyện “Một tâm hồn” hòan tòan có tính cách ngẫu nhiên. Một buổi chiều mùa đông năm 1894, khi đang ngồi bên lò sưởi, Têrêxa kể lại vài kỷ niệm thời thơ ấu cho các bà chị của mình đã vào Dòng trước. Chị Marie “Thánh-tâm Chúa-Giêsu” (Marie du Sacré Coeur, bà chị cả) ngỏ ý với Bề trên (Mẹ Agnès de Jesus, tức là chị Pauline) yêu cầu Têrêxa viết lại những kỷ niệm đó. Sau khi phân vân một hồi, Bề trên tán thành đề nghị ấy. Têrêxa đã dành suốt năm 1895 để hòan tất, và tới ngày 21 tháng giêng năm 1896 đã có thể trao cho Bề trên tập hồi ký làm quà mừng thánh bổn mạng (được các học giả đặt tên là “Thủ bản A”, 87 trang vở).

Bản tường thuật thứ hai (được đặt tên là “Thủ bản B”) được viết vào những ngày 13-16 tháng 9, cũng năm 1896, theo lời yêu cầu của chị Marie- Thánh-tâm. Được phép của Bề trên, chị xin Têrêxa hãy thuật lại ánh sáng đã nhận được nhân kỳ tĩnh tâm riêng hồi đầu tháng, đặc biệt là chuyện về “con đường nhỏ”. Chính trong thủ bản này mà Têrêxa khám phá ra ơn gọi của mình giữa lòng Hội thánh, đó là Tình yêu (Dans le coeur de l’Eglise, ma Mère, je serai l’Amour)

Bản tường thuật thứ ba (“Thủ bản C”) được thành hình vào những tháng cuối đời của Têrêxa. Sau khi đã nhận được các bản tường thuật, Mẹ Agnès thấy còn nhiều thiếu sót. Têrêxa đã viết khá đầy đủ về buổi thieu thời, theo như được yêu cầu. Nhưng giai đọan ở trong nhà tu thì chỉ thấy phớt qua. Vì thế Mẹ Agnès (vừa mãn nhiệm kỳ Bề trên) đã xin người kế vị (Mẹ Marie de Gonzague) yêu cầu Têrêxa quảng diễn thêm giai đọan sống trong dòng Carmêlô. Lúc đó là vào đầu tháng 6 năm 1897, 4 tháng trước khi chị qua đời. Bản tường thuật này được viết trên giường bệnh, bằng bút chì.

Tóm lại, các bản tường thuật được viết ra vì vâng lời bề trên, trong những điều kiện bất lợi: thiếu bàn làm việc, thiếu thời giờ, giấy mực thô sơ. Xét vì là những tự thuật viết cho bề trên, tác giả không chú ý đến văn chương trau chuốt.

B. Việc xuất bản truyện “Một Tâm hồn”

Têrêxa qua đời ngày 30/9/1897. Một tháng sau, ngày 29/10, bề trên đan viện Lisieux, Mẹ Marie de Gonzague gửi các bản tự thuật cho linh mục Godefroid Madelain, nhờ cha đọc lại và sửa chữa nếu cần. Sau khi đã đọc đi đọc lại, cha Godefroid đã phân chia thành từng chương, đẽo gọt văn từ đây đó. Khi gửi trả lại thủ bản cho Mẹ Bề trên vào đầu tháng 3 năm 1898, cha đã đề nghị nhiều sửa chữa. Có những đọan (ghi nét màu xanh), cần phải bỏ khi in, bởi vì hoặc là vì quá tư riêng hay là quá cao siêu khiến cho đại chúng không hiểu. Có những đọan lặp đi lặp lại, cũng nên lọai bỏ.

Vào đúng giáp năm ngày qua đời (30/9/1898), truyện “Một tâm hồn” được xuất bản (dày 475 trang), với phép của Đức cha Hugonin, giám mục sở tại. Tác phẩm được tái bản nhiều lần, mỗi lần thêm vài lá thư hoặc bài thơ của Têrêxa.

Những phụ chương đó, cộng vào những nguồn thông tin khác nhau, đã khiến các học giả đặt nghi vấn về đường lối xuất bản những tác phẩm của Têrêxa. Từ đó bắt đầu một chiến dịch truy tầm nguyên bản các bút tích. Người khởi xướng chiến dịch này là cha Ubald de Alençon (đồng hương với Têrêxa). Trong một bài báo đăng tại Barcelona năm 1926, cha hòai nghi về tính cách trung thực của quyển sách “Một tâm hồn”, bởi vì trình bày khuôn mặt Têrêxa cách ủy mị, khác với Têrêxa mà cha đã biết. Tiếp theo đó, nhiều học giả cũng nêu nghi vấn tương tự.

Tuy nhiên, phải chờ đến năm 1942, công cuộc xuất bản các nguyên bản của Têrexa mới tiến hành. Linh mục A. Combes đã được đan viện Lisieux chấp thuận cho nghiên cứu các thủ bản. Cần phải gây áp lực mạnh, nhà dòng mới cho xuất bản các lá thư của Têrẽa vào năm 1948 (Lettres, Paris 1948). Cha Combes thấy vẫn còn thiếu sót, và yêu cầu nhà dòng phải cho xuất bản hết tất cả các thủ bản của Têrêxa, ngõ hầu có thể biết rõ tòan bộ bản lĩnh và tư tưởng của tác giả. Đến lượt các Bề trên Dòng Nam Carmêlô phải can thiệp thì đan viện Lisieux mới chịu cho phát hành tất cả các thủ bản.

Từ năm 1956, lần lượt các thủ bản được đưa ra ánh sáng, khởi đầu là bản chup của 3 bản tự thuật (Manuscrits autobiographiques de Sainte Therese de l’Enfant Jesus). Việc xuất bản các tác phẩm đã hòan tất vào năm 1973, kỷ niệm bách chu niên Têrêxa chào đời (Edition du Centenaire). Tòan bộ các tác phẩm được chia thành 8 quyển.

  1. Các bản tự thuật (Manuscrits autobiographiques), với những lời dẫn nhập, chú thích.
  2. Truyện “Một tâm hồn”, theo ấn bản đầu tiên vào năm 1898.

3-4. Các lá thư (Correspondance génerale). Trong số 266 lá thư, 199 thư do Têrêxa viết; phần còn lại là những trích dẫn các chỗ nhắc tới các bức thư của tác giả.

  1. Các bài thơ (Poésies). Gồm 54 bài thơ do Têrêxa sáng tác nhân dịp một lễ trong cộng đòan (thí dụ: khấn dòng). Hầu hết các bài thơ là những lời nguyện.
  1. Các vở kịch (Théâtre au Carmel – Récréations pieuses) và các lời nguyện (Prières): gồm 8 vở kịch sọan ra để giúp vui cho cộng đòan; và 21 lời nguyện. Trong số các lời nguyện, quan trọng nhất là bản kinh dâng mình cho Tình Yêu lân tuất.
  2. Những cuộc đàm thọai cuối cùng (Les derniers entretiens). Các tư tưởng, tâm tình, ước ao, do chị em thu lại như là chúc thư của thánh nữ, trong thời gian 6 tháng chót của cuộc đời.
  3. Những lời chót (Novissima Verba). Thuật lại những cuộc đàm thọai chót, do Mẹ Agnès ghi lại.

Dĩ nhiên, để hiểu biết hơn về cuộc đời của Têrêxa, các sử gia còn phải đối chiếu các tác phẩm vừa kể với những nguồn sử liệu khác nữa. Đừng kể những tài liệu nói về hòan cảnh chính trị tôn giáo tại Pháp vào thế kỷ 20 (được coi như là bối cảnh), một nguồn tư liệu quan trọng khác là lịch sử của đan viện Carmel tại Lisieux1. Đan viện này được thành lập năm 1838, nghĩa là 50 năm trước khi Têrêxa gia nhập (vào thỉnh viện ngày 9/4/1888, mặc áo dòng ngày 10/1/1889). Lúc đó, đan viện đã có 24 nữ tu, trong số đó có 2 người là chị ruột của Têrêxa: Pauline (Agnes), vào dòng năm 1882 và Marie vào dòng năm 1886. Chị Pauline làm bề trên Lisieux từ năm 1893-1896 (20/2/1893- 20/3/1896), và hầu như liên tục trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, cho tới khi qua đời vào năm 1951. Nên biết là một người chị nữa tên Céline, sau khi thân phụ qua đời, cũng vào Lisieux năm 1894 (6 năm sau Têrêxa). Như vậy là vào đầu năm 1897, trong tổng số 25 nữ tu của đan viện Lisieux, thì có 4 chị em ruột của gia đình Têrêxa, cộng thêm một người chị họ là Marie Guérin.

Một nguồn tài liệu khá quan trọng để hiểu biết về Têrêxa là hồ sơ án phong thánh, khởi đầu từ năm 1907 tại cấp giáo phận (các phiên tòa kéo dài trong 2 năm 1910-1911) và từ năm 1915 ở cấp Tòa thánh (kết thúc năm 1917). Vào dịp bách chu niên sinh nhật của thánh nữ tòan thể hồ sơ được tái bản, gồm 2 chặng: chặng tòa án giáo phận và chặng tòa án Tòa thánh. (Procès de béatification et canonisation de sainte Therese de l’Enfant Jesus. Procès Ordinaire . Rome 1973. Procès Apostolique Rome 1976).

Dựa theo các nguồn tư liệu vừa nói, chúng ta sẽ tìm hiểu học thuyết về “con đường nhỏ”, một nét mới mà Têrêxa đóng góp cho lịch sử linh đạo Kitô giáo.

II. Con đường nhỏ của thánh Têrêxa

Chúng tôi đã giới thiệu sơ qua những nguồn tư liệu để hiểu biết cuộc đời và tư tưởng của Têrêxa. Ngòai những tác phẩm mang tính cách tự thuật, các sử gia còn phải đối chiếu với bối cảnh chính trị, xã hội, tôn giáo thời đó nữa. Thêm vào đó, một khung cảnh không thể nào bỏ qua là bầu khí đạo đức của đan viện Carmêlô tại Lisieux. Sự kiện mà Têrexa đã có lòng tôn kính đối với “Thánh nhan Chúa Giêsu” không phải là chuyện tình cờ ngẫu nhiên, nhưng dựa theo thói tục mà Mẹ Geneviève (sáng lập đan viện Lisieux: 1805-1891) đã du nhập từ đan viện Tours. Có tác giả còn cho rằng linh đạo của Lisieux vào thế kỷ XIX chịu ảnh hưởng của trường phái Pháp quốc (De Bérulle, Charles Gay, nhấn mạnh tới hy sinh đền tạ, hiến tế) hơn của truyền thống Dòng Carmêlô (Gioan thánh giá, Têrêxa Avila)! Trên thực tế, trong suốt cuộc đời của Têrêxa tại Lisieux, đan viện này hầu như không có liên lạc gì với các cha dòng Carmêlô hết. Vì lý do thời giờ eo hẹp, chúng tôi không thể đi sâu vào hết các chi tiết, nhưng chỉ giới hạn vào vài nét đặc trưng của linh đạo thánh Têrêxa Lisieux. Linh đạo này không phải là kết qủa của một cuộc nghiên cứu truy tầm các sách vở trong thư viện, nhưng là cảm nghiệm bản thân về mối tương quan với Thiên Chúa. Vì thế thay vì trình bày tư tưởng của tác giả theo hệ thống mạch lạc, chúng tôi áp dụng một phương pháp khác, đó là theo dõi những bước thăng trầm của cuộc cảm nghiệm này. Thực vậy, như chúng ta sẽ thấy, “con đường nhỏ” của Têrêxa không phải trơn tru bằng phẳng như nhiều người lầm tưởng: con đường ấy có lúc êm trôi, phẳng lặng; có lúc sóng gió và tăm tối!

A. Buổi thiếu thời

Têrêxa được may mắn sinh ra trong gia đình đạo hạnh. Ngay từ khi còn nhỏ, cô bé đã có ước mơ muốn làm thánh khi đọc tiểu sử các vị anh thư của Pháp quốc, đặc biệt là thánh Nữ Jeanne d’Arc. Tuy nhiên, từ chỗ ước mơ tới chỗ thực hiện, quãng đường không ngắn ngủi. Têrêxa cũng biết rằng đường nên thánh phải trải qua nhiều đau khổ. Cô bé cũng sớm nếm cảnh đau khổ: khi mới được 4 tuổi rưỡi (28/8/1877) đã nếm cảnh mồ côi mẹ; lên 6 tuổi (1879), vào dịp xưng tội lần đầu, em đã được thị kiến về bệnh tình của thân phụ. Vào năm 9 tuổi (2/10/ 1882), em đã nếm thêm một cảnh chia ly khác, đó là chị Pauline đi tu; từ khi mất mẹ, Têrêxa coi bà chị này như hiền mẫu. Vài tháng sau (25/3/1883), Têrêxa lâm bệnh nặng: phải chăng tại vì nhớ chị? Dù sao, thì không đầy 2 tháng sau (13/5) em đã lành bệnh nhờ sự chăm sóc của thân nhân, những tuần cửu nhật cầu nguyện, và đặc biệt là sự can thiệp của Đức Mẹ Maria: em thấy bức tượng Đức Mẹ đặt ở đầu giường đã mỉm cười với mình.

Xem ra những thử thách vừa nói thuộc về phạm vi tình cảm trong gia đình. Nhưng có một cuộc thử thách khác có lẽ ảnh hưởng nhiều tới tinh thần đạo đức trong tương lai là cuộc khủng hoảng bối rối, xảy ra trong dịp tĩnh tâm kỷ niêm giáp năm ngày rước lễ vỡ lòng2 (17/5/1885). Khi hồi tưởng lại cuộc khủng hỏang này (kéo dài 18 tháng), Têrêxa gọi là cuộc tử đạo (Thủ bản A 39r). Sự đau khổ còn tăng thêm khi bà chị Marie rời gia đình đi tu vào giữa tháng 10 năm 1886. Trong gia đình, bây giờ chỉ còn có cha già với chị Céline. May thay, đến cuối tháng thì các cơn bối rối tan biến. Hơn thế nữa, ra như để bù lại, vào đêm lễ Chúa Giáng sinh năm 1886, Têrêxa đã nhận được ơn cải hóan. Sau khi đi lễ về, Têrêxa mong đợi nhận được quà như thói quen. Nhưng khi nghe thân phụ nói với Céline rằng đây là lần chót mà các con còn nhận quà Giáng sinh, Têrêxa được ơn soi sáng cho biết rằng thời con nít đã qua, và cần phải lớn lên. Têrexa bước sang giai đọan thứ hai của cuộc đời.

B. Vào Dòng Carmêlô

Năm 1887 đánh dấu vài bước tiến nữa. Khoảng đầu năm, Têrêxa lên 14 tuổi, và cảm thấy ước nguyện mãnh liệt muốn đi tu Dòng Carmêlô. Như chúng ta đã biết, chị phải đương đầu với nhiều khó khăn, trước là trong gia đình, và sau là về phía ngăn trở giáo luật. Phải chờ hơn 1 năm sau, các chướng ngại mới được giải quyết ổn thỏa. Vào khỏang tháng 7, khi chiêm ngắm tượng Chúa chịu nạn phán ra “Tôi khát”, Têrêxa ước ao muốn gíup Chúa. Dịp may cụ thể là chị biết tin tử tội Pranzini sắp bị hành quyết. Chị đã cầu nguyện xin cho anh được ơn trở lại. Và lời cầu đã mang lại công hiệu là anh đã ăn năn thống hối trước khi chết. Chị càng thêm xác tín hơn về lòng ước ao cứu vớt các linh hồn.

Têrêxa vào nhà dòng ngày 9/4/1888 (năm ấy là lễ Truyền tin, được dời lại vì trùng với Tuần thánh). Khi được Đức Giám mục thẩm vấn trước khi mặc áo và khấn dòng, chị trả lời là mình đã có ý hướng đi tu ngay từ khi mới có trí khôn; và động lực thúc đẩy vào Dòng Carmêlô là để cứu các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục.

Khi nghĩ đến các gian truân đã vượt qua, Têrêxa tưởng rằng ngày đặt chân vào nhà dòng đánh dấu giai đọan của bình an. Tuy nhiên, con đường thăng tiến nội tâm mới còn ở chặng khởi đầu. Xét về tuổi tự nhiên, chị mới có 15 tuổi; xét về tuổi tâm lý và siêu nhiên, chị chưa thể nói là đã trưởng thành. Dù sao, chị luôn thâm tín rằng sự trưởng thành siêu nhiên đòi hỏi thanh lụyên thử thách.

1- Có lẽ sự thử thách đầu tiên mà chị phải đương đầu là mối tình đối với 2 bà chị ruột đã vào nhà dòng trước mình (Pauline và Marie). Các chị em trong cộng đòan không muốn thấy cảnh gia đình trị! Các đương sự cũng biết điều đó, cho nên họ cũng muốn để lộ tình cảm ruột thịt. Chị Pauline (Agnes) không còn phải là hiền mẫu như khi còn ở gia đình nữa; chị sửa sai cô bé liên miên. Têrêxa có dịp tập đức khiêm nhường đã vậy, nhưng còn phải tập thanh lọc tình cảm nữa. Tuy không ngừng gắn bó với bà chị, nhưng Têrêxa phải cố gắng để thăng hoa nó. Mình vào dòng là để đi theo Chúa Giêsu chứ đâu phải là đi theo các chị ruột của mình? Khi thuật lại tình cảm dành cho các chị ruột trong thời gian sống trong nhà dòng, Têrêxa thú nhận là một sự “tử đạo”, một cuộc “lưu đày” (Thủ bản C, 8-9)

2- Một nguồn đau khổ khác mà Têrêxa phải chịu trong nhà dòng là bệnh tình của cha già. Một năm trước khi chị vào dòng (1/5/1887), ông cụ đã bị cơn liệt. Bệnh tình trở thành nguy kịch hơn sau khi chị rời gia đình. Ông chỉ tham dự lễ mặc áo Dòng của Têrêxa (10/1/1889), nhưng vào ngày 12/2 năm ấy, ông được đưa vào dưỡng trí viện tại Caen; vì thế ông vắng mặt vào dịp khấn (8/9/1890) và đội lúp (24/9 cùng năm) của chị. Nhà dòng cho rằng ông ta bị bệnh tâm thần bởi vì nhớ con cưng của mình! Chị chỉ biết lợi dụng cơ hội để suy niệm thêm về mầu nhiệm Nhan thánh đau khổ của Chúa Giêsu. Khuôn mặt ấy tuy bị khạc nhổ sỉ nhục, nhưng vẫn là dung nhan của Con Thiên Chúa. Một cách tương tự như vậy, bệnh tật của người cha già không làm giảm đi phẩm giá của ông là con yêu quý của Thiên Chúa.

3- Cộng đòan đan viện cũng là cơ hội giúp cho Têrêxa trưởng thành. Nói chung, cả nhà dòng đều quá biết cá nhân và gia đình của chị; nhưng không vì thế mà chị được ưu đãi. Trái lại là khác. Mẹ Bề trên Marie de Gonzague rất nghiêm khắc đối với chị (và bà chỉ thay đổi thái độ từ khi được tái cử vào tháng 6 năm 1896, khi Têrêxa đã bị bệnh). Các chị em khác thì coi chị là con nít, cần phải chỉ vẽ từng ly từng tí một. Ngày mặc áo và ngày khấn dòng đã bị hõan lại từ 4 tháng đến hơn nửa năm đã làm chị khá buồn tủi. Cộng đòan chỉ giao cho chị những công tác lặt vặt, hay phụ tá cho các chị khác, chứ không trao trách vụ nào quan trọng cho Têrêxa. Sau này, chị được cử làm giáo tập (1893-1897), nhưng kỳ thực, chị vẫn là phụ tá cho Mẹ Marie Gonzague thôi. Vả lại, cần biết là suốt đời chị vẫn thuộc hàng ngũ tập sinh. Trong đan viện Lisieux, vì đã có hai chị ruột có quyền đầu phiếu rồi; bởi thế cộng đòan không cho Têrêxa được hưởng hết mọi quyền lợi của các khấn sinh.

Đó là những cơ hội để Têrêxa khám phá ra con đường nhỏ bé khiêm nhường. Chị biết mình không có khả năng làm công chuyện to tác trong nhà dòng. Thậm chí, vì sức khỏe yếu kém, nên chị không được phép thực hành các việc hãm mình theo như luật dòng quy định. Chị khéo lợi dụng những hòan cảnh ngang trái đó để trở nên khiêm nhường. Chẳng hạn, bề trên cho phép chị được bồi dưỡng sức khỏe, được ăn nhiều hơn. Trên thực tế, chị phải ăn đồ thừa của những bữa trước còn lại. Khổ hơn nữa, theo lời khai của Chị Guerin trong hồ sơ phong thánh, ngay từ khi vào nhà dòng, Têrêxa đã thấy đồ ăn khó nuốt! Sự hãm mình đích thực của chị là hãm dep ý riêng, không thể làm điều mà mình muốn hoặc là phải chiều theo ý của người khác. Nhất là chị khám phá rằng điều cốt yếu của đường trọn lành là tình yêu.

Chắc hẳn cuộc khám phá này mang tính cách tiệm tiến chứ không đột phát. Dù vậy, chính tác giả cũng thuật lại cho vài nhật kỳ đáng nhớ.

Vào khỏang cuối năm 1894, nhờ đọc hai đọan Kinh thánh (Châm ngôn 9,4; Is 66,12-13), chị nhận thấy rằng Thiên Chúa chỉ đòi hỏi có một điều, đó là hòan tòan tín thác nơi Tình thương Lân tuất của Ngài. Thay vì buồn phiền vì những yếu đuối, không có khả năng thi hành những công tác thiêng liêng mà mình muốn, Têrêxa cần phải biết chấp nhận và yêu mến sự nhỏ bé của mình, và để cho Chúa Giêsu dẫn dắt như trẻ thơ. Đây là “con đường nhỏ” mà Têrêxa không những muốn mang ra thi hành, mà còn truyền thụ cho các tập sinh và cho hai vị thừa sai mà chị nhận đỡ đầu.

Từ ngày 24/2/1895 trở đi, Têrêxa bắt đầu thêm biệt hiệu “bé tí” vào chữ ký (la toute petite Thérèse). Trước đây trong gia đình, người ta đã gọi chị là “cô bé” (petite Thérèse), vì là con út.

Nên biết là Têrêxa gọi linh đạo của mình là “con đường nhỏ” (petite voie). Danh xưng “đường thơ ấu thiêng liêng” (voie d’enfance spirituelle) là do Mẹ Agnes (Pauline) sử dụng từ năm 1907 (10 năm sau khi Têrêxa qua đời). Cho dù gọi thế nào chăng nữa, con đường đó không đơn giản trơn tru như nhiều người lầm tưởng. Chính Têrêxa đã nếm cảnh thử thách hãi hùng khi đi vào con đường đó.

III. Cuộc thử thách đức tin

Tuy rằng đạo lý “con đường nhỏ” dựa trên bản văn Kinh thánh, nhưng chị đã khám phá ra ý nghĩa bằng chính cuộc đời của mình, một nữ tu tầm thường trong tu viện, không được giao phó trọng trách nào hết. Theo lời tự thuật, Têrêxa khám phá con đường đó vào khỏang cuối năm 1894. Con đường “nhỏ” đối lại với con đường “lớn”. Cả hai con đường đều nhắm tới việc nên thánh. Thế nhưng, theo Têrêxa, sự đối chọi hai con đường không phải chỉ dựa theo tiêu chuẩn phương tiện mà nhất là dựa theo quan niệm về Thiên Chúa. Con đường nên thánh cổ truyền được đặt tên là “lớn”, bởi vì đòi hỏi phải thi hành nhiều công tác anh hùng, hoặc là trong việc khổ chế bản thân hoặc là trong các công tác bác ái giúp đỡ tha nhân. Con đường “nhỏ” thì chỉ sử dụng những công việc tầm thường hằng ngày, nhưng được thực hiện với nồng độ cao của tình yêu. Thực ra đây là điểm nòng cốt của linh đạo Têrêxa. Chị nghĩ rằng các chị em trong Dòng rất quảng đại khi tình nguyện lãnh nhận các việc hãm mình đền tội thay có các tội nhân. Thế nhưng quan điểm này hàm ngụ hình ảnh của một Thiên Chúa công thẳng, trừng phạt các tội nhân. Vì vậy mà chúng ta cần đứng ra xin lãnh hình phạt thay cho họ. Còn chị thì quan niệm Thiên Chúa là Tình yêu lân tuất. Sự khám phá ấy có ảnh hưởng gì đối với đường tu đức? Trong bài hôm nay, chúng ta hãy tiếp tục theo dõi sự tiến triển của chị, và nhất là cuộc thử thách đức tin vào giai đọan cuối đời.

A. Tận hiến cho Tình yêu lân tuất

Năm 1895 đã đánh dấu một chặng đường quan trọng trong cuộc đời của Terêxa. Được lệnh của Bề trên viết hồi ký gia đình, Têrêxa có dịp ôn lại cuộc đời dưới ánh sáng của tình yêu Chúa. Tuy nhiên, biến cố quan trọng nhất là việc dâng mình cho Tình yêu lân tuất. Có thể coi đây là cuộc cải hóan lần thứ hai trong đời, tiếp theo cuộc cải hóan lần thứ nhất vào đêm Giáng sinh năm 1886.

Vào dịp kính Chúa Ba Ngôi (9/6), đang khi tham dự Thánh lễ, Têrêxa nhận được cảm hứng dâng mình cho Tình yêu lân tuất. Như vừa nói trên đây, xưa này đã có tục lệ dâng mình đền tạ, nghĩa là xin lãnh nhận hình phạt thay cho các tội nhân để đền bù phép công thẳng của Chúa. Nhưng Têrêxa đã khám phá rằng Thiên Chúa là tình yêu lân tuất, chứ không phải là sự Công thẳng. Sự Công thẳng thì đòi hỏi việc bồi thường các sự vi phạm; còn Tình thương thì chỉ đòi hỏi sự đáp lại bằng tình thương. Điều mà Thiên Chúa mong đợi nơi ta là dâng hiến trái tim mình để cho tình yêu Chúa thiêu đốt.

Đó là động lực thúc đẩy Têrêxa tiến tới việc dâng mình cho Tình yêu lân tuất của Thiên Chúa. Khởi đầu từ việc chiêm ngắm Tình yêu dạt dào của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ba Ngôi, nơi mà ngọn lửa Tình yêu bừng cháy trong hạnh phúc, chị muốn để cho ngọn lửa đó chiếm đọat tất cả con tim của mình. Chị sọan ra bản kinh dâng mình cho Tình yêu lân tuất, và tuyên đọc 2 ngày sau đó cùng với chị Céline (mới vào nhà dòng từ tháng 7 năm ngóai, và trở thành bạn tâm giao của Têrêxa).

Từ nay, Têrêxa hòan tòan sống cho Tình yêu Chúa: sống là sống cho Tình yêu, chết là chết cho Tình yêu. Tuy nhiên, mối tương quan với Tình yêu không thơ mộng tí nào cả. Hình như Têrêxa chỉ biết được có một phần bí quyết của con đường này. Chị biết rằng sống cho Tình yêu có nghĩa là tín thác hòan tòan vào Thiên Chúa, tựa như đứa con thơ không dựa vào sức lực của mình. Nhưng đồng thời chị cũng biết rằng sống cho Tình yêu cũng là gắng làm đẹp lòng Chúa, dâng những bông hoa nhỏ của tinh yêu và hy sinh để cho Ngài vui. Sống cho tình yêu cũng ngụ ý là không bao giờ khước từ Chúa bất cứ điều gì dù lớn hay nhỏ, cốt sao để làm hài lòng Chúa.

Những điều vừa nói nằm trong yêu sách của tình yêu, mà ai đã quen thuộc với văn chương tu đức đều nhận ra được. Tuy nhiên, có lẽ điều mà Têrêxa không ngờ là những cuộc đột kích mà Tình yêu Chúa đã dành cho chị, dưới hình thức của cuộc thử thách đức tin.

B. Thử thách đức tin

Têrêxa luôn luôn cố gắng mỉm cười với Chúa Giêsu. Chị cũng dạy những tập sinh thực hành điều đó. Nhưng mà lắm lần phải gượng mà cười, nhất là khi trong lòng không thấy vui. Cuộc sống trong cộng đòan đã gây ra nhiều đau khổ cho chị, nhất là khi chứng kiến cuộc bầu cử bề trên đan viện diễn ra vào ngày 21/3/1896. Bề trên Marie de Gonzague đắc cử sau 7 vòng đầu phiếu. (Nên biết là trước đó, bà đã giữ chức vụ bề trên từ năm 1874-82, 1886-93, và rồi 1896-1902). Bầu khí trong cộng đòan không lúc nào cũng đượm lòng mến Chúa. Thực khó mà biết được tình cảnh đó ảnh hưởng thế nào đến tâm hồn của chị Têrêxa. Điều chắc chắn là không đầy 2 tuần sau, vào chiều thứ 5 tuần thánh, chị đã thổ huyết. Hiện tượng này còn xảy ra vào đêm hôm sau. Tiếc rằng bác sĩ chỉ coi đó là chứng chảy máu cam, chứ không biết là chị mắc bệnh lao, cơn bệnh đã kết liễu cuộc đời.

Dù sao, những ai đọc tiểu sử của chị Têrêxa đều biết đến cơn bệnh này rồi. Nhưng về cơn khủng hoảng đức tin của chị thì chỉ có cha giải tội và bề trên biết. Chi tiết này đã bị giấu kín trong hồ sơ phong thánh, và chỉ được đưa ra ánh sáng với việc xuất bản các tác phẩm.

Vào chính ngày lễ Phục sinh năm 1896, chị bắt đầu trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin và kéo dài cho tới khi chết. Cho đến lúc ấy, đức tin là mặt trời đối với Têrêxa, nghĩa là cái gì trong sáng, đơn sơ. Đức tin là tia sáng giúp cho chị nhìn thấy tình âu yếm của Thiên Chúa dành cho mình cũng như dành cho hết mọi người, đặc biệt là những người nghèo, những người tội lỗi. Thế mà từ lễ Phục sinh năm 1896, ánh sáng đó đã mờ đi, ẩn khuất sau lớp mây. Đức tin trở nên cuộc chiến đấu đối với chị. Đức tin đã bị tối tăm bao phủ. Sự tối tăm trở nên dày đặc đến nỗi chị hình dung nó như một hình nhân tiến tới vật ngã và tiêu hủy mình. Thậm chí có lúc chị đã mô tả tình trạng này như là “đêm tối của hư không”. Cơn cám dỗ ấy như thế nào? Đó là cơn cám dỗ nghi ngờ về tình yêu của Chúa. Chị bị cám dỗ không còn tin tưởng gì nữa hết, không còn tin có Chúa, và cũng chẳng tin được Chúa yêu thương. Chị có cảm tưởng rằng sau khi chết rồi thì chẳng còn có gì nữa hết!

Những cuộc thử thách đức tin đã được các tác giả tu đức của Dòng Carmêlô (tựa như Gioan Thánh giá, Têrêxa Avila) nói từ lâu rồi. Đó là đêm tối thanh luyện linh hồn khỏi những quyến luyến tạo vật hay những an ủi giác cảm. Chị đã biết điều đó. Thế nhưng, cơn thử thách này trở nên nặng nề cách khác thường đối với chị, bởi vì nó xảy đến vào lúc chị vừa khám phá ra con đường nhỏ, con đường của tình yêu lân tuất của Thiên Chúa, thay vì con đường cổ điển của Thiên Chúa công thẳng? Phải chăng là chị đã lầm?

Chị đã phải chiến đấu và chịu dằn vặt dữ dội. Người ngòai chỉ biết là chị bị bệnh lao hành hạ, đưa tới tình trạng khạc ra máu. Nhưng sự đau khổ nội tâm còn kinh khủng hơn. Dù vậy, chị cũng dám đặt câu hỏi: Tại sao Chúa lại để cho tôi như thế này?

Dần dần chị mới khám phá ra ý nghĩa của nó: Chúa muốn cho chị được chia sẻ tình trạng của những người không hề biết Thiên Chúa là gì, những người không thể nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa. Cuộc thử thách này nằm trong kế họach sư phạm mà Tình yêu lân tuất dành cho chị. Trước đó, chị không thể tưởng tượng được rằng trên đời này có những người vô thần, vô tín ngưỡng. Chị cho rằng những người vô thần chỉ bo bo chống đối Thiên Chúa ngòai miệng, nhưng trong lòng họ vẫn tin thờ Đấng Thiêng liêng nào đó. Giờ đây, qua cảm nghiệm này, chị mới hiểu được rằng thực sự có những người vô thần, vô tín ngưỡng: họ chẳng tin tưởng gì hết. Chị nhận biết rằng Chúa Giêsu đã muốn cho chị được nếm thử tâm trạng của người vô thần, để mà thông cảm với họ và tỏ tình liên đới đối với họ. Thay vì đứng ở một vị trí từ trên cao nhìn xuống các người vô thần với cặp mắt thương hại, Chúa muốn cho chị đồng hóa với thân phận của họ, và từ vị trí đó mà cầu nguyện cho họ. Chị muốn ví mình như là ngồi cùng bàn với người vô thần, chia sẻ niềm cay đắng của sự thiếu bóng Thiên Chúa. Chị chấp nhận món cay đắng đó, để cầu xin Thiên Chúa ban cho họ được ánh sáng đức tin, thay vì đứng dậy ra khỏi bàn của họ. Như đã nói, những cơn thử thách đó kéo dài cho tới lúc chị qua đời.

Phải thú nhận rằng không dễ mà hiểu được tâm trạng của Têrêxa trong khỏang thời gian đó. Vào tháng 6 năm 1897, tức là một tháng trước khi qua đời, chị viết rằng: “Từ một năm qua, tôi đã giục lòng tin nhiều lần hơn là trong suốt cả cuộc đời”. Nhưng đồng thời, chị vẫn không ngừng tiếp tục trên con đường của Tình yêu. Giữa đêm tối của đức tin, vào tháng 9 năm 1896, chị viết rằng sứ mạng của chị là trở thành trái tim yêu mến ở giữa lòng Mẹ Hội thánh (Thủ bản B). Cũng nên biết là trái tim đó ước muốn ôm ấp hết mọi người, không phân biệt biên cương, nhưng vào những tháng cuối đời, chị cảm thấy rằng tình yêu đó cần diễn đạt cách cụ thể từ cộng đòan mà mình đang sống, chấp nhận những chị em khó tính, và tỏ ra đại lượng với Mẹ Bề trên, cả khi bà ấy xử tệ với mình.

IV. Thánh Têrêxa, bổn mạng các nơi truyền giáo

Đối với lịch sử linh đạo Kitô giáo nói chung, thánh Têrêxa đã giữ một vai trò đặc biệt ở thế kỷ XX bởi vì đã đề ra một đường lối nên thánh dựa theo căn bản Phúc âm (tình yêu mến) thay vì chú trọng đến các công tác vĩ đại. Ngòai ra, thánh Têrêxa còn được Đức Piô XI đặt làm bổn mạng các miền truyền giáo (AAS 20,1928,1478). Thánh nữ có liên quan gì đến công cuộc truyền giáo? Việc đặt Người làm bổn mạng các nơi truyền giáo có ý nghĩa gì? Đó là những điểm mà chúng tôi muốn tìm hiểu trong bài hôm nay.

A. Têrêxa với công tác truyền giáo

1- Phải nhìn nhận rằng vào cuối thế kỷ XIX, phong trào cổ động việc truyền giáo đang lên cao tại Pháp. Thực ra, không thể nào chối được là cao trào đó đã chịu ảnh hưởng của chính sách thuộc địa của Pháp, cách riêng là cuộc bành trướng thế lực tại Á châu. Tuy nhiên, xin đừng vội đồng hóa công tác truyền giáo với chính sách thuộc địa! Dù sao, chúng tôi không muốn đi sâu vào vấn đề này. Chỉ cần ghi nhận là nước Pháp là nơi phát xuất nhiều Dòng tu nam nữ chuyên việc truyền giáo, cũng như của 3 Hiêp hội Truyền giáo (Hội Truyền bá đức tin do bà Jaricot thành lập tại Lyon năm 1822; Hội nhi đồng truyền giáo do Đức Cha De Forbin lập tại Nancy năm 1843; Hội thánh Phêrô tông đồ do ông Picard thành lập tại Caen năm 1889). Các tín hữu nhận được tin tức về sinh họat truyền giáo nhờ các tạp chí “Annales de la Propagation de la Foi” (1822), “Annales de la Sainte Enfance” (1846), “L’oeuvre des écoles d’Orient” (1857), “Missions catholiques” (1868).

Têrêxa đã được hấp thụ tinh thần truyền giáo ngay từ trong gia đình. Ngòai việc đọc kinh cầu nguyện, ông bà thân sinh đóng góp tiền của giúp Hội Truyền bá Đức tin. (Hai ông bà mong được có đứa con trai để trở thành nhà thừa sai: nhưng đứa con út vẫn là gái; dù vậy Têrêxa hứa sẽ không làm song thân thất vọng ). Hai ông bà cũng đã giáo dục con cái mình về tinh thần hãm mình hy sinh để cầu nguyện cho các tội nhân được trở lại. Khi còn nhỏ, Têrêxa đã mơ ước sẽ cải hóan các bạn học trong lớp, các thợ thuyền, các người nghèo.

2- Thế nhưng, sau đó, Chị không gia nhập một Dòng họat động để đi truyền giáo nhưng đã chọn vào tu trong Dòng kín Carmêlô. Việc lựa chọn này không phải là chuyện ngẫu nhiên, nhưng đã được suy tính. Từ lâu (ít là từ khi nhận được ơn cải hóan vào lễ Giáng sinh năm 1886), Têrêxa ý thức rằng muốn sống hạnh phúc thì phải biết quên mình và làm hài lòng kẻ khác. Liền sau đó, trong một thị kiến chị thấy Chúa Giêsu trên thập giá đã đổ máu ra cứu chuộc hết mọi người, nhưng không có ai đã hứng máu cứu chuộc. Chị dốc quyết sẽ đón nhận hồng ơn cứu chuộc thay cho hết mọi người, cầu nguyện cho mọi người được cứu rỗi. Chúa đã cho chị cảm thấy lời cầu nguyện được chấp nhận trong một hòan cảnh cụ thể, đó là tử tội Pranzini đã ăn năn hối cải trước khi chết nhờ lời cầu nguyện của chị. Đó là lý do vì sao chị chọn đi tu dòng Carmêlô. Các vị thừa sai thì đi rao giảng tình thương của Thiên Chúa; còn chị thì chọn lựa dòng kín để tìm cách giúp cho mọi người đón nhận tình yêu đó, bằng lời cầu nguyện và việc hy sinh. Đối với chị, cuộc đời tận hiến trong Dòng Carmêlô là cuộc đời tông đồ bằng lời cầu nguyện và đồng thời cũng là cuộc tử đạo. Tinh thần hy sinh này càng tăng gia hơn nữa vào thời gian chịu bệnh vào lúc cuối đời. Dù sao, niềm xác tín căn bản của Têrêxa là tình yêu (đức ái) là động lực của hết mọi công cuộc tông đồ. Nhờ tình yêu này mà chị có thể ôm ấp hết mọi người, không những trong thời gian còn sống mà kể cả khi đã sang thế giới bên kía nữa.

3- Ngòai việc cộng tác vào công tác truyền giáo qua việc cầu nguyện và hãm mình, Dòng Carmêlô còn duy trì một hình thức tham gia nữa, đó là cầu nguyện cho các vị thừa sai, qua việc bảo lãnh tinh thần cho các vị. Têrêxa được ủy thác chia sẻ công tác truyền giáo của hai linh mục người Pháp: cha Maurice Barthelémy Bellière truyền giáo tại Phi châu (1874-1907) và cha Adolphe Roulland truyền giáo bên Trung quốc (+1934). Têrêxa bắt đầu liên lạc thư từ với hai vị từ năm 1895 cho tới lúc qua đời. Ngày nay, người ta còn giữ được 10 thư gửi cho Belliere và 6 thư gửi cho cha Roulland. Qua những lá thư đó, không những Têrêxa đã nâng đỡ tinh thần cho các thừa sai qua những khuyến khích cầu nguyện, nhưng chị không ngần ngại trình bày đạo lý về “con đường nhỏ” nữa. Chị cũng nhận đỡ đầu cho các em nhi đồng được cha Roulland rửa tội.

4- Một biến cố liên kết đan viện Lisieux với miền truyền giáo là việc chị Philomène de l’Immaculée Conception nhập dòng tại đây vào năm 1846. Nữ tu này la chị em họ với Đức Cha Dominique Lefebre, Đại diện Tông tòa tại địa phận Tây Đàng trong (tức là Sàigòn). Người xin đan viện Lisieux nghĩ đến việc thành lập cơ sở tại Đông dương. Ước mơ này được thành tựu vào năm 1861, với việc thành lập nhà Carmêlô tại Saigon, cơ sở đầu tiên của Dòng tại miền Viễn Đông. Sau đó, nhà Carmêlô có ý định mở thêm nhà tại Hànội, và viết thư về Lisieux để xin thêm nhân sự. Danh tánh của các chị Pauline, Céline, Têrêxa được nhắc đến, nhưng cuối cùng xem ra Têrêxa được coi là người thích hợp hơn cả để xuất ngọai. Tiếc rằng dự án này bị đình lại vì lý do sức khỏe của chị. Nhà dòng đã làm tuần cửu nhật kính cha Théophane Vénard (chịu tử đạo tại Hànội ngày 2/2/1861), khấn cho chị được lành bệnh. Cái chết đã cắt đứt mối hy vọng đó; dù vậy trong thư gửi cho cha Roulland, chị xác tín rằng cái chết của chị vẫn mang ích lợi nào đó cho các vị thừa sai.

B. Têrêxa bổn mạng các miền truyền giáo

Vào ngày 14/12 năm 1927, thánh Têrêxa được đức Piô XI đặt làm bổn mạng các nơi truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xavier. Nên nhớ là cũng chính Đức Piô XI đã phong chân phước (29/4/1923) và hiển thánh (17/5/1925) cho chị. Đức Piô XI (1922-1939) đã để lại nhiều sáng kiến trong kế hoạch truyền giáo của Giáo hội, trong số đó có việc tiến cử hàng giáo sĩ bản quốc với việc tấn phong giám mục Ấn độ tiên khởi năm 1923, 6 giám mục Trung hoa vào năm 1926, giám mục Nhật bản năm 1927.

Thực khó mà biết được tất cả các động lực đã đưa đến việc tôn phong Têrêxa làm bổn mạng các nơi truyền giáo. Dù sao, thì quan niệm về họat động truyền giáo đã thay đổi rất nhiều trong vòng 70 năm qua, nhất là từ công đồng Vaticano II. Các nhà thừa sai không còn đồng hóa với các chính quyền thực dân bảo hộ nữa. Giáo hội cũng tỏ bày thái độ tôn trọng đối với các nền văn hóa và các tín ngưỡng khác. Trong bối cảnh mới của họat động truyền giáo, sứ điệp của thánh Têrêxa có còn thích thời nữa không?

Ngoài những đề tài quen thuộc nêu bật tầm quan trọng của việc cầu nguyện và hy sinh hãm mình đối với công cuộc truyền giáo của Giáo hội, các học giả muốn vạch thêm vài nét đặc sắc của linh đạo Têrêxa đối với tinh thần truyền giáo thời này. Khi đọc bức thư của hai vị Bề Trên Tổng quyền của Dòng Carmêlô gửi cho các tu sĩ tòan dòng vào ngày 16/7/1996 (xc. Documentation Catholique, n.2145, 6 oct.1996, p.830-839), chúng ta có thể ghi nhận 3 điểm như sau:

1/ Động lực truyền giáo nằm ngay trong ơn gọi của mỗi người Kitô hữu. Ai thực tình mến Chúa thì cũng mong muốn cho Thiên Chúa được mọi người nhận biết và yêu mến. Tình yêu của Thiên Chúa chỉ có thể đền đáp lại bằng tình yêu.

2/ Việc truyền giáo cần phải thực hiện do lòng yeu mến. Truyền giáo không phải chỉ là tuyên truyền một lý thuyết, nhưng cần phải đượm thắm tình yêu mến. Thánh Têrêxa đã chấp nhận tự đồng hóa với những người tội lỗi, những người vô thần, chia sẻ những lo âu khắc khỏai của họ. Chị không truyền giáo với thái độ trịch thượng, muốn dạy bảo cho họ con đường cứu rỗi, song chị đã ngồi đồng bàn với họ, bày tỏ cảm nghiệm của mình về tâm trạng của một con người yếu đuối, đầy tội lỗi, lam nghi nan, nhưng đã được tình thương của Chúa cứu vớt.

3/ Đứng trước bao nhiêu cảnh bất công của xã hội hiện nay, cuộc truyền giáo bao hàm cả việc thăng tiến nhân bản, giúp cho con người sống xứng với nhân phẩm, thóat ra khỏi cảnh nghèo đói, bệnh tật, dốt nát. Những đường lối cổ võ sự thăng tiến thì đa dạng, tùy theo hòan cảnh của mỗi địa phương. Dù sao, thánh Têrêxa nhắc nhớ chúng ta đến môi trường đầu tiên cần được truyền giáo là chính con tim của con người. Khi con tim được cải hóan, trở nên chân thành đơn sơ, tín thác vào Thiên Chúa, thì nó có thể triển nơ, không còn hoang mang sợ hãi. Đó là động lực căn bản cho một cuộc dấn thân bảo vệ công lý hòa bình.

********************

Thư tịch. “Therese de l’Enfant Jesus” in: Dictionnaire de Spiritualité XV col.576-611. Num. especiales Revista de Espiritualidad n.219-220 (1996).

——————————————

1 J.F. Six, Thẻrèse de Lisieux au Carmel, Cerf Paris 1973.

2 Têrêxa rước lễ vờ lòng 8/5/1884 trùng vào dịp khấn dòng của bà chị Pauline. Nên biết là phải chờ tới Đức Piô X, (sắc lệnh Quam singulari 8/8/1910), tuổi rước lễ vờ lòng được giảm xuống vào khỏang 7 tuổi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here