Trích ĐGH Bênêdictô XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ (Tp. HCM: Nxb Phương Đông, 2017),
tr. 248-257.
Đây là một nhân vật rất quan trọng vào thế kỷ XI, người nổi bật với lòng yêu mến Thánh Giá Chúa Kitô. Ngài có công lớn trong việc đưa ra ba thuật ngữ căn bản, sau này trở thành những hạn từ chính yếu được sử dụng trong triết học Tây Phương: processio (phát xuất), relatio (tương quan) và persona (ngôi vị). Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 09 tháng 09 năm 2009 để nói về thánh nhân.
*****
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm về cuộc đời và giáo huấn của một trong những nhân vật quan trọng nhất ở thế kỷ XI, đó là thánh Phêrô Đaminanô, một vị đan sĩ, một người yêu mến đời sống cô tịch, đồng thời, cũng là bậc anh hùng dũng cảm của Giáo Hội, dấn thân hết mình trong công cuộc cải tổ được khởi xướng từ các vị giáo hoàng thời kỳ đó.
Thánh nhân được sinh ra ở Ravenna năm 1007, trong một gia đình quý tộc nhưng lại lâm cảnh túng thiếu. Ngài là một đứa trẻ mồ côi, tuổi thơ khá nhiều cay đắng, gian khổ, mặc dầu chị của ngài là Roselinda đã cố gắng trở nên một người mẹ cho đứa em của mình, và người anh là Đamianô, đã nhận em về làm con nuôi (vì lý do này, thánh nhân thường được gọi là Phêrô Đamianô). Mới đầu, Phêrô được giáo dục ở Faenza, và tiếp đó, theo học ở Parma, rồi tiếp tục ở đấy cho đến năm hai mươi lăm tuổi, ngài đã bắt đầu công việc giảng dạy. Vì có kiến thức tốt trong lãnh vực luật pháp, nên Phêrô mới thành thạo trong nghệ thuật viết lách ars scribendi, và am tường văn chương Latinh cổ điển, nên đã trở thành “một trong những nhà ngữ học Latinh xuất sắc nhất trong thời đại ấy, một trong trong những văn sĩ Latinh vĩ đại nhất thời Trung Cổ.”[1]
Thánh nhân nổi bật trong đa dạng các thể loại văn chương khác nhau: từ thư từ đến bài giảng, từ sử liệu các thánh đến những lời kinh nguyện, từ phong cách thơ ca đến hình thức trào phúng. Là người nhạy cảm trước muôn vàn vẻ đẹp, Phêrô Đamianô có nhiều bài thơ chiêm niệm về thế giới này. Ngài suy ngẫm: vũ trụ này tựa như “một dụ ngôn không bao giờ ngừng” và như một chuỗi các biểu tượng, mà từ đó, chúng ta có thể giải thích về đời sống nội tâm và các thực tại siêu nhiên. Khoảng năm 1034, nhờ chiêm niệm về sự vĩnh hằng tuyệt đối của Thiên Chúa, thánh nhân được thôi thúc từ bên trong, cứ dần dần tách biệt khỏi thế gian cùng những thực tại phù vân chóng qua, rồi rút vào đan viện Fonte Avellana. Đan viện này mới được thành lập vài thập niên trước đó, nhưng rất nổi tiếng về độ nhiệm nhặt trong nếp sống. Hầu soi sáng cho các đan sĩ, thánh nhân viết tác phẩm “Cuộc Đời của Đấng Sáng Lập”, thánh Romuald Ravenna, đồng thời, cố gắng đào sâu hơn nữa linh đạo của các đan sĩ, diễn giải lý tưởng của ngài về nếp sống ẩn sĩ.
Một chi tiết nên được nhấn mạnh ngay ở đây: đan viện ở Fonte Avellana được dâng hiến cho Thánh Giá Chúa, và đây là một mầu nhiệm của Kitô giáo, đã lôi cuốn thánh Phêrô hơn bất cứ một chủ đề nào khác. Thánh nhân nói: “Những ai không yêu mến thánh giá Chúa Kitô là không yêu mến Chúa Kitô.”[2] Ngài thường diễn tả bản thân mình là “tôi tớ của các tôi tớ Thánh Giá Chúa Kitô” (Petrus crucis Christi servorum famulus)[3]. Thánh Phêrô hướng những lời cầu nguyện đẹp nhất lên Thánh Giá Chúa, trong đó ngài diễn tả một lối nhìn về mầu nhiệm này với những chiều kích vũ trụ, vì nó ôm lấy toàn thể lịch sử cứu độ. Thánh nhân thốt lên: “Ôi Thánh Giá Diễm Phúc, được sùng kính, rao giảng và tôn vinh bởi đức tin của các vị Tổ phụ, bởi những lời loan báo của các vị ngôn sứ, bởi Hội đồng xét xử các Tông đồ, bởi đạo binh huy hoàng của các vị tử đạo, cùng hàng hàng lớp lớp thánh nhân.”[4]
Anh chị em thân mến, ước gì gương sáng của thánh Phêrô Đamianô thúc giục chúng ta luôn nhìn lên thánh Giá Chúa, nghĩa là nhìn lên hành vi cao cả nhất của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, Đấng trao tặng ơn cứu độ cho tất cả chúng ta.
Thánh nhân còn soạn ra một bản Luật cho đời sống ẩn sĩ, trong đó ngài đặc biệt nhấn mạnh “tính khắc khổ của nếp sống ẩn sĩ”: trong sự thinh lặng của nội vi, các đan sĩ được mời gọi sống đời cầu nguyện, ngày đêm ăn chay trường kỳ, nhiệm nhặt; đan sĩ phải thực hành bác ái huynh đệ cao cả, mau chóng và sẵn sàng vâng phục bề trên. Nhờ nghiền ngẫm và suy niệm Kinh Thánh mỗi ngày, thánh Phêrô Đamianô khám phá ra ý nghĩa huyền bí của Lời Chúa, tìm thấy trong đó dưỡng chất cho đời sống thiêng liêng. Trong lối nhìn này, ngài diễn tả túp lều của vị ẩn sĩ như một “phòng khách, nơi đó Thiên Chúa đến trò chuyện với con người.” Đối với ngài, nếp sống đan sĩ là đỉnh cao của sự hiện hữu Kitô giáo, là “đỉnh cao nhất trong mọi bậc sống,” bởi vì đan sĩ, giờ đây đã hoàn toàn thoát khỏi mối dây ràng buộc của đời sống thế tục và của riêng bản thân, đón nhận “của hồi môn từ Chúa Thánh Thần, và linh hồn hạnh phúc của mình được nên một với Người Bạn Đời trên Thiên Quốc.”[5] Điều này rất quan trọng với chúng ta hôm nay, mặc dù chúng ta không phải là đan sĩ: cần phải làm cho tâm hồn chúng ta thinh lặng, để có thể lắng nghe Lời Chúa nói, để xây dựng một “phòng khách”, trong đó Thiên Chúa đến trò chuyện với chúng ta: phải ghi nhớ rằng học hỏi Lời Chúa với thái độ cầu nguyện và suy niệm chính là con đường dẫn đến sự sống.
Thánh Phêrô Đamianô là con người của cầu nguyện, suy niệm và chiêm niệm, đồng thời cũng là nhà thần học đích thực: suy tư về nhiều chủ đề đạo lý khác nhau dẫn thánh nhân tới những đúc kết quan trọng về cuộc sống. Chẳng hạn, thánh nhân diễn tả sáng rõ và sống động đạo lý Chúa Ba Ngôi (dựa vào các bản văn Kinh Thánh và tác phẩm của các vị Giáo phụ) qua ba thuật ngữ căn bản, sau này trở thành những hạn từ chính yếu được sử dụng trong triết học Tây Phương: processio (phát xuất), relatio (tương quan) và persona (ngôi vị).[6] Tuy nhiên, vì những phân tích thần học về mầu nhiệm dẫn thánh nhân tới việc chiêm niệm đời sống nội tại của Thiên Chúa và chiêm niệm cuộc đối thoại của một tình yêu không thể diễn tả nổi giữa Ba Ngôi, nên ngài đã rút ra những kết luận rất nghiêm ngặt cho đời sống cộng đoàn và thậm chí cho những tương quan giữa các Kitô hữu thuộc Giáo Hội Latinh và các Kitô hữu thuộc Giáo Hội Hylạp, được phân chia theo chủ đề này.
Thánh nhân suy niệm về hình ảnh Đức Kitô và điều này được phản ánh trong đời sống thực tiễn, vì toàn bộ Kinh Thánh đều tập trung vào Đức Kitô. Thánh Phêrô Đamianô lưu ý rằng: “Qua nhiều bản văn Kinh Thánh, có thể nói người Dothái gánh vác Đức Kitô trên đôi vai của họ.”[7] Thánh nhân còn thêm rằng: do đó, Đức Kitô phải là trung tâm đời sống của đan sĩ, “ước gì Đức Kitô được nhắc đến trong ngôn ngữ của chúng ta, ước gì Người được nhận thức trong tâm trí của chúng ta.”[8] Việc kết hiệp mật thiết với Đức Kitô không những cần thiết cho các đan sĩ mà còn cho tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa tội. Ở đây, có một lời mời gọi mạnh mẽ dành cho mỗi người: đừng để mình hoàn toàn bị lôi kéo và chi phối vì những hoạt động, vấn đề hay bất cứ mối bận tâm nào trong đời sống hằng ngày, đến độ quên rằng Đức Giêsu Kitô mới đích thực là trung tâm đời sống của chúng ta.
Kết hiệp với Đức Kitô hình thành nơi người Kitô hữu một sự hiệp nhất của tình yêu. Trong lá thư 28 (một khảo luận mang tính Giáo Hội học rất rõ), thánh Phêrô Đamianô đã phát triển một nền thần học rất sâu sắc về sự hiệp thông của Giáo Hội. Thánh nhân viết: “Giáo Hội của Chúa Kitô được hiệp nhất nhờ mối dây bác ái, đến độ cũng như Giáo Hội có nhiều thành viên, thì theo một cách huyền nhiệm, Giáo Hội cũng bao gồm trong đó chỉ một thành viên duy nhất mà thôi; trong cách thức ấy, toàn thể Giáo Hội được mời gọi trở thành Hiền Thê của Chúa Kitô, đồng thời mỗi linh hồn được chọn, qua mầu nhiệm bí tích, cũng được xem là một Giáo Hội trọn vẹn.” Tư tưởng này rất quan trọng: không những Giáo Hội toàn thể được hiệp nhất nên một, mà Giáo Hội, trong tính toàn thể của mình, cũng hiện diện nơi mỗi người chúng ta. Vì thế, việc phục vụ của mỗi cá nhân trở thành “một cách diễn tả tính phổ quát.”[9]
Tuy vậy, hình ảnh lý tưởng về Hội Thánh mà thánh Phêrô Đamianô diễn tả lại không tương hợp với thực tại đời sống trong thời đại của thánh nhân. Do vậy, thánh nhân mạnh mẽ lên tiếng cảnh cáo tình trạng đồi bại, mục ruỗng, đã xuất hiện trong các đan viện và trong hàng giáo sĩ, lý do trên hết, là các chức sắc trong Giáo Hội lại ban phát các thẩm quyền dân sự. Thực vậy, nhiều giám mục và viện phụ đang hành động như những nhà cai trị các thần dân, thay vì là mục tử chăm sóc các linh hồn. Đời sống luân lý của họ thường quá sa sút, khác xa những gì người ta mong ước. Bởi thế, năm 1057, thánh Phêrô Đamianô đã rời bỏ đan viện của mình với tâm trạng buồn bã, sầu khổ, và dù chưa sẵn sàng, ngài đã chấp nhận chức vụ hồng y giám mục Ostia. Thế là ngài hết lòng cộng tác với các vị giáo hoàng trong một nhiệm vụ khó khăn là cải tổ Giáo Hội. Thánh nhân nhận thấy rằng: để cộng tác vào việc cải tổ Giáo Hội, nếu chỉ chiêm niệm thôi vẫn chưa đủ. Vậy nên ngài từ bỏ vẻ đẹp của đời ẩn sĩ và can đảm chấp nhận lên đường vì sứ vụ.
Vì rất mực yêu mến đời sống đan tu, nên mười năm sau đó, tức là năm 1067, thánh nhân xin phép trở lại Fonte Avella và từ bỏ việc cai quản giáo phận Ostia. Tuy nhiên, sự thanh bình mà ngài khao khát đã không thể kéo dài: hai năm sau, ngài lại được sai đến Frankfurt để can ngăn vua Henry IV ly dị với hoàng hậu Bertha. Và một lần nữa, hai năm sau (tức năm 1071), thánh Phêrô Đamianô tới Monte Cassino để thánh hiến nhà thờ của đan viện, và đầu năm 1072, ngài lại phải đi Ravenna để tái lập nền hoà bình với vị tổng giám mục địa phương, là người đã ủng hộ nguỵ giáo hoàng, khiến cho thành phố bị Toà thánh ra lệnh cấm chế. Đang trên đường trở về với đời ẩn sĩ của mình, thánh Phêrô Đamianô bất ngờ ngã bệnh, phải dừng lại ở đan viện Santa Maria Vecchia Fuori Porta ở Faenza. Thánh nhân qua đời tại đây vào đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23 tháng 02 năm 1072.
Anh chị em thân mến, quả là một ân sủng lớn lao khi Thiên Chúa cho xuất hiện trong đời sống Giáo Hội một con người đầy tài năng, và hội tụ nhiều phẩm chất tốt đẹp như thánh Phêrô Đamianô. Hơn thế nữa, cũng hiếm khi tìm thấy những tác phẩm thần học và linh đạo nào sâu sắc và ấn tượng như những tác phẩm của vị ẩn sĩ ở Fonte Avellana này. Thánh Phêrô Đamianô là một đan sĩ đích thực, thực hành nhiều thức khổ chế mà đối với chúng ta ngày nay dường như quá sức tưởng tượng. Nhưng, với nếp sống khổ hạnh như thế, thánh Phêrô Đamianô đã làm cho đời đan tu của mình trở thành một bằng chứng tỏ tường của lòng yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và cũng trở thành một lời mời gọi mạnh mẽ, thôi thúc tất cả những ai muốn tiến bước trên con đường thánh thiện, quyết xa tránh ma quỷ và sự dữ. Với lòng kiên trung và thái độ cương quyết, thánh nhân gắng sức cải tổ đời sống Giáo Hội trong thời kỳ bấy giờ. Ngài đã dùng hết năng lực thể chất cũng như tinh thần cho Đức Kitô và Giáo Hội, nhưng mãi luôn ý thức (như chính ngài đã miêu tả) mình chỉ là “đầy tớ thấp hèn nhất trong số các đan sĩ” (Petrus ultimus monachorum servus).
[1] J. Leclercq, Pierre Damien, ermite et homme d’Église, Rome, 1960, p. 172.
[2] Sermo XVIII, 11, p. 117.
[3] Ep. 9, 1.
[4] Sermo XLVII, 14, p. 304.
[5] Ep.18, 17; Ep. 28, 43.
[6] x.Opusc. XXXVIII: PL CXLV, 633-642; và Opusc. II và III; ibid., 41 ff. và 58 ff.
[7]Sermo XLVI, 15.
[8]Sermo VIII, 5.
[9]Ep.28, 9-23.