THÁNH MARTINÔ THÀNH TOURS, MÔ HÌNH NGƯỜI LOAN BAO TIN MỪNG

0
1868

Lm. Gilles Berceville, O.P.

 

DÀN BÀI

Dẫn nhập – Martinô, quy chiếu ưu tiên cho thần học loan báo Tin Mừng

1. Thế giới của thánh Martinô – Cuộc đời và việc tôn kính người thời trung cổ

2. Tác phẩm của Simone Martini – Bảy cảnh về cuộc đời thánh Martinô

3. Thánh Martinô và thế giới hiện đại

Kết luận – Và Việt Nam ?

 ————————————-


Dẫn nhập – 
Martinô, quy chiếu ưu tiên cho thần học loan báo Tin mừng

Trong Tông huấn niềm vui Tin mừng (Gaudium Evangelii), Đức Thánh cha Phanxicô, sau khi nhắc lại rằng việc truyền giáo luôn mới mẻ, có nói thêm: “Chúng ta không nên hiểu sự mới mẻ của việc truyền giáo như là một sự mất gốc, như một lãng quên lịch sử sống động vốn đón tiếp chúng ta và đẩy chúng ta tới phía trước.” [1]Việc loan báo Tin mừng không phải là một lý thuyết, nhưng là một kinh nghiệm ngàn đời mà mỗi giai đoạn đều thuộc về kế hoạch của Thiên Chúa, soi sáng hiện tại và định hướng tương lai của chúng ta.

Nếu hoạt động của Hội thánh hoàn toàn cho việc loan báo Tin mừng, thì toàn bộ đời sống của vị thánh có thể được nghiên cứu như gương mẫu của việc loan báo Tin mừng. Giữa nhiều những ngôi sao trên bầu trời lịch sử của Hội thánh có thể định hướng hành trình của chúng ta hôm nay, thánh Martinô xứng đáng được trình bày như mô hình người loan báo Tin mừng hoàn hảo cách đặc biệt. Chúng ta đã nêu lên điều này trong giảng huấn của Phaolô VI: ý niệm loan báo Tin mừng là phức tạp. “Không một định nghĩa thành phần và rời rạc nào trình bày đủ nghĩa thực tại phong phú, phức tạp và năng động của việc loan báo Tin mừng, nếu không nói là làm cho nó nghèo nàn đi và ngay cả bị què quặt. Không thể nào nắm trọn vẹn ý nghĩa việc loan báo Tin mừng nếu như không tìm cách nhìn bao quát toàn bộ mọi yếu tố thiết yếu của nó[2]”. Cuốn sách Đời sống của thánh Martinô, do Sulpice Sévère viết, một trong những bản văn được đọc nhiều nhất vào thời Trung cổ sau Thánh Kinh, hội nhập trong một cái nhìn cụ thể và thơ mộng, tất cả những yếu tố thiết yếu của việc loan báo Tin mừng, và như thế cho phép suy tư về những vấn nạn chính yếu gắn liến với nó.

Chúng ta sẽ khảo sát tuần tự:

1) Tình hình lịch sử của thời đại khi đó thánh Martinô thành Tours (316 hoặc 336 ? – 397) đã được mời gọi làm chứng cho Chúa Kitô. Là người môn đệ của thánh Hilariô thành Poitiers (315-367), sống cùng thời với thánh Ambrôsio (khoảng năm 340-397), người sống vào giai đoạn đầu thời hoàng kim các giáo phụ. Đây là thời kỳ, khi mà những nền tảng của khoa thần học và cả những nền tảng của đời sống phụng vụ và cơ chế của catholica (Giáo Hội công giáo) bị loại bỏ, thì cũng như thời đại của chúng ta, đây là thời kỳ chuyển tiếp hướng về một thế giới mới, lúc đó Hội thánh cũng như xã hội và văn hóa sẽ gặp phải những biến chuyển thay đổi sâu xa. Việc loan báo Tin mừng phải mặc hình thức nào trong một bối cảnh mới lạ như thế?

2) Những mặt đa dạng của nhân cách và hoạt động của ngài. Tiểu sử của ngài, được một môn đệ là Sulpice Sévère soạn ngay khi ngài còn sống, và được bổ túc sau khi ngài qua đời, trong những thư tín và những tác phẩm khác của cùng tác giả này, sẽ cống hiến cho khoa viết truyện thánh thời trung cổ và hiện đại một mô hình gặp gỡ Chúa Kitô trong người nghèo và kinh nghiệm cứu độ như một sự giải thoát (metanoia); mô hình của việc rao giảng Tin mừng qua lời nói và hành động, việc loan báo minh nhiên và chứng từ cuộc sống; mô hình của sự hiểu biết việc theo Chúa Kitô và việc khổ chế kitô giáo như con đường của đức khiêm nhường dẫn đưa tới sự tốt lành phổ quát; mô hình phục vụ Hội thánh, là thân mình của Chúa Kitô. “Truyền thuyết” về thánh Martinô (tường thuật phụng vụ về đời sống của người, được biên soạn để nuôi dưỡng ký ức của Hội thánh) tạo nên một trong những bài thơ lớn của văn hóa thời trung cổ[3]. Truyền thuyết này là nơi gặp gỡ giữa đức tin và văn hóa. Chúng ta sẽ có một nhận định về điều này khi nhìn những bích họa mà Simone Maritni đã thực hiện cho đại giáo đường bên dưới ở thành Assise, vào đầu thế kỷ XIV.

3. Hậu duệ của người, có thể không có tương đương nào trong lịch sử của việc nên thánh. “Cuộc đời của một vị thánh khởi sự sau cái chết của người”. Martinô là vị thánh bình dân nhất của thời Trung cổ. Nơi phần mộ của người, đã trở nên một trong những nơi hành hương lớn nhất của Tây phương, nhiều người như Clovis, thánh nữ Geneviève và thánh Louis đã đến đây tìm kiếm gợi hứng cho mình. Tường thuật về cuộc đời của người được dùng như kiểu mẫu cho tường thuật cuộc đời thánh Đaminh, thánh Phanxicô, thánh nữ Catherine thành Sienna, của những nhà truyền giáo thế kỷ thứ mười bảy[4], và của nhiều người khác nữa. Vào thời cận đại, việc tôn kính người được đổi mới và mang một tầm quan trong lớn hơn từ những năm nay. Viêc tôn kính này có một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thế tục hóa: nó làm cho chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa, khi đến gặp gỡ một thế giới loại trừ ngài nhân danh con người, và để hòa giải thế giới vô thần này lại với ngài, đã mặc lấy khuôn mặt của Đức Giêsu người tôi tớ. Vì thế hậu duệ của Martinô bao trùm lịch sử việc loan báo Tin mừng ở Âu châu và ngay cả vượt ra bên ngoài.

1. Thế giới của thánh Martinô – Cuộc đời và việc tôn kính người thời trung cổ[5]

Thời gian những vị tử đạo đã trôi qua. Kitô giáo không còn bị bách hại nữa (313: chiếu chỉ của Constantinô) và Kitô giáo đang vào thời kỳ trở nên quốc giáo (380 : chiếu chỉ của Théodose). Những người ngày hôm qua bị bách hại nay trở nên những kẻ bách hại. Có nhiều người lãnh nhận phép rửa, nhưng họ có thể được thúc đẩy vì cơ hội, và không phải luôn sống đời đạo đức nhiệt thành. Phản ứng lại thứ kitô giáo “tài tử” này, một cuộc “cách mạng khổ hạnh” bùng nổ trong Đế quốc rôma kể từ những năm 350. Thánh nữ Macrine, chị của thánh Basiliô Xêsarê (329-379), đã biến đổi lâu đài của mình thành tu viện và gia đình của mình thành cộng đoàn tu trì. Sulpice Sévère, tác giả tác phẩm Cuộc đời thánh Martinô, đã không thể từ khước đời sống đại địa chủ của mình, nhưng sống như một người khổ hạnh trong biệt thự của mình. Phong trào đan tu (thánh Antôn đã lui vào hoang địa vào năm 271), đã phát triển ban đầu độc lập với phẩm trật giáo sĩ, và đã tự giới thiệu như là điều “ngược lại – văn hóa” kitô giáo. Trong hệ thống của Constantinô, vị giám mục đã trở nên như một quan chức hành chánh, chịu trách nhiệm những phận vụ quan trong về pháp lý: Cuộc đời của Sulpice Sévère gợi lên hình ảnh vị giáo sĩ gallo-rôma giàu có, chãi chuốt, có đầy những đặc quyền. Martinô có một thái độ hoàn toàn chống lại Giáo Hội đã được thiết lập này và rất thường thỏa hiêp với quyền bính của triều đình. Người kết hợp nơi mình mẫu hình của người khổ hạnh và mẫu hình của mục tử. Người tạo nên loại hình giám mục-đan sĩ, được dân chúng quí mến và đã chọn người và áp đặt chọn lựa của mình đối với những giám mục lưỡng lự. Sự nghèo khó, đời độc thân và việc cầu nguyện liên lĩ biểu lộ sự gắn bó với Thiên Chúa của vị giám mục đan sĩ này. Và Thiên Chúa chuẩn nhận những chọn lựa đời sống này của người bằng cách ban cho người những đặc sủng phi thường, ơn chữa bệnh và ơn làm hoán cải.

Thánh Martinô sinh tại Pannonie, ngày nay là Hungari. Cha của Martinô là một người ủng hộ phe quân đội (nên tên của con trai ông là : “Tiểu thần chiến tranh”). Luật lệ của đế quốc buộc Martinô, con trai của một cựu chiến binh, phải gia nhập quân đội, và những phẩm chất của người làm cho người được gia nhập vào đội quân ưu tuyển vệ binh hoàng gia. Martinô đã hoàn thành, theo những giả thuyết, ba năm hay 25 năm quân ngũ (Sulpice Dévère có thể đã muốn giảm tối đa thời gian quân ngũ này, nơi bị những người quí tộc cũng như những kitô hữu khinh ghét). Sau khi lãnh phép rửa, Martinô đến sống với thánh Hilariô thành Poitiers là nhà quán quân vô địch bảo vệ đức tin công đồng Nixê. Được Hilariô phong chức trừ quỉ, người chia sẽ những thăng trầm của thánh Hilariô trong cuộc chiến đấu vì giáo thuyết chính thống. Martinô thiết lập một cộng đoàn đan tu tại Ligugé vào năm 362. Con người này “với khuôn mặt đáng thương, với quần áo dơ bẩn, tóc rối bù” bị các giám mục khinh ghét, nhưng lòng tốt và những đặc sủng của người thu hút đám đông dân chúng. Vào năm 371 người được bầu làm giám mục thành Tours bởi sự biểu quyết của dân chúng. Người thành lập đan viện Marmoutier gần thánh Tours. Martinô là người đầu tiên đã tận hiến thể xác và tâm hồn cho việc loan báo Tin mừng ở những miền nông thôn (từ ngừ paganus, nông dân, đã tạo ra trong pháp ngữ từ «paien » ngoại giáo), bằng cách loan báo về Đức Kitô, đồng thời cũng chiến đấu chống lại những thực hành thờ ngẫu tượng, và bằng cách thực hành hoạt động làm phép lạ. Người thường xuyên cầu nguyện, tỏ ra là người trung gian giữa trời và trần thế hơn chỉ là người quản lý hành chánh. Người chia sẽ cùng với các tín hữu kitô đương thời đang chờ đợi Chúa Kitô trở lại gần kề , bằng cách lật tẩy những tiên tri giả. Người kiên quyết chống đối việc dùng bạo lực chống lại những người lạc giáo, lúc bấy giờ đang được chính quyền dân sự chủ trương và do vài giám mục yêu cầu. Trong khi mà đế quốc đang theo kitô giáo, thì bởi chọn lựa đức khó nghèo và không bạo lực, bởi việc chiến đấu cho tự do của Hội thánh đối với quyền bính chính trị, thánh Martinô sẽ gợi hứng cho những nhà cải cách của những thời đại tiếp nối sau này.

Thánh Martinô qua đời ngày 8 tháng 11 năm 397. Việc tôn kính người lan truyền vào hậu bán thế kỷ thứ năm và nhất là sau khi Clovis là người đã xin thánh nhân bầu cử cho mình trong cuộc chiến đấu chống những người Wisigót theo lạc thuyết ariô, và đã chiến thắng ở Vouillé (năm 507), đã diễn tả lòng biết ơn đối với thánh nhân bằng nhiều tặng phẩm dâng cho đại giáo đường nơi đặt phần mộ của người. Cùng thời kỳ này, đức giáo hoàng Symmaque ra lệnh xây dựng tại Rôma một đại giáo đường được đặt dưới sự bảo trợ của thánh nhân và sự bảo trợ của thánh Sylvestre, thánh đường kitô giáo đầu tiên dâng hiến cho hai thánh không tử đạo (498-514). Từ đó, hình ảnh của thánh Martinô hiện diện khắp nơi, gương mẫu của những người rao giảng Tin mừng: Augustinô thành Cantorbéry (+ 604) dâng hiến cho người thánh đường đầu tiên của ông ở Anh quốc. Colomban hành hương đến thành Tours vào năm 610 và xây dựng nhà thờ thánh Martinô ở Luxueil. Sau triều đại nhà Mérovingien, Martinô là người bảo đảm cho tính hợp pháp và là người bảo vệ cho những người nhà Caroligien vào những thế kỷ VIII và IX, đoạn đến những người nhà capétien.

Việc sùng kính thánh Martinô lan tràn khắp Âu châu. Một người cùng quê với thánh Martinô là Martin de Braga (+579), người rao giảng Tin mừng của Tây ban nha, tôn vinh sự trùng tên của mình với người như là thủ lãnh của tất cả những công trình rao giảng Tin mừng của thời đại của mình : “Ngài đã làm cho nhiều những dân tộc mênh mông đến dưới cùng một liên minh đạo đức của Chúa Kitô: dân tộc Alaman, dân tộc Saxon, dân tộc Thuringien, dân tộc Pannonien, dân tộc Ruge, Slave, Noricien, Sarmate, Dace…. mọi người đều vui mừng nhận biết Thiên Chúa dướI sự dẫn dắt của ngài’. Etienne xứ Hungarie đã phó dâng cho thánh Martinô vận mệnh của vương quốc của ông, đã trở lại kitô giáo vào thế kỷ XI. Vì thế nên vào tháng ba năm 1312, đức hồng y dòng phanxicô Gentile Partinno de Montefiore, là cựu khâm sứ của đức giáo hoàng ở Hungarie, đã tài trợ tài chánh cho đại thánh đường bên dưới của Assise một nhà nguyện dâng hiến cho thánh Matinô. Simone Martini chịu trách nhiệm trang trí và đã để lại cho chúng ta một kiệt tác nghệ thuật và đức tin, ở đó ông đã vẽ hình ảnh lý tưởng của người rao giảng Tin mừng để trang điểm cho cung thánh, một trong những người bắt chước Chúa Kitô và thánh Martinô trung thành nhất, là thánh Phanxicô, một người bé nhỏ nghèo hèn (povorello)[6].

2. Tác phẩm của Simone Martini – Bảy cảnh về cuộc đời thánh Martinô

Vào lúc khởi đầu của hành trình chúng ta về tác phẩm nghệ thuật, chúng ta dành thời gian để dừng lại sẽ có một ý nghĩa đặc biệt. Nghệ thuật là một phương thế ưu tiên để loan báo Tin mừng. Nghệ thuật làm chứng cho quyền lực biến đổi các văn hóa bởi đức tin. Nhiều người ít học hoặc xa lạ với đức tin đã khám phá đức tin hay nối kết lại với đức tin nhờ nghệ thuật. Nghệ thuật cho phép có sự hiểu biết tinh tế về những thực tại của cuộc sống nhân sinh và những chân lý mạc khải vốn là những mầu nhiệm sống động và vì thế người ta không có thể giản lược những chân lý này vào những lý thuyết thuần lý. Khai tâm vào nghệ thuật làm phát triển những khả năng tha giác và biện phân. Ở đây, chúng ta sẽ dừng lại trên bảy khung cảnh đầu tiên do Martini vẽ.

Việc gặp gỡ Chúa Kitô và việc truyền giáo (cảnh 1 tới 4)

Bức bích hoạ 1. “Đức ái” của thánh Martinô.

“[…] một ngày nọ, khi đó người chỉ có trên mình khí giới và một chiếc áo khoác bình thường của quân nhân, vào giữa mùa đông đang hòanh hành khắc nghiệt hơn mọi khi, đến mức nhiều người đã gục ngã vì trời đông giá rét dữ dội, người đã gặp nơi cửa thành Amiens một người nghèo trần truồng: kẻ bất hạnh này đã van xin không kết quả những người qua đường thương xót cảnh khốn cùng của mình, nhưng những người này đều tiếp tục đi theo con đường của mình. Người có đầy Thiên Chúa hiểu rằng người nghèo này được dành riêng cho mình, bởi vì những người khác không dành cho người nghèo này chút lòng thương xót. Nhưng làm sao bây giờ? Người không có gì cả, chỉ còn lại tấm choàng mà người đang mặc: thực ra người đã hy sinh mọi thứ còn lại cho một việc bác ái tương tự. Vì thế, người nắm lấy thanh gươm đang mang bên mình, chia tấm áo choàng làm đôi và chia một phần cho người nghèo và mặc phần còn lại. Lúc đó, một vài người có mặt bắt đầu cười cợt, bởi vì họ thấy người có dáng vẻ xấu hẳn với chiếc áo đã cắt đi. Nhưng nhiều người khác, suy nghĩ lành mạnh hơn, đã tiếc nuối sâu xa vì đã không làm được gì như thế cả, trong khi mà đúng ra, vì giàu có hơn người, họ đã có thể mặc cho người nghèo mà chính họ không hề phải bị trần truồng gì cả”. (Sulpice-Sévère[7])

Về hình ảnh, người ta nêu lên tầm quan trọng của những cái nhìn. Một linh đạo gặp gỡ toát ra từ bức bích hoạ. Người ta không cho mà không nhìn, người ta không nhìn mà không cho. Chúng ta có thể nối kết cảnh đầu tiên này với Công vụ chương 3,3-6.

Martinô, bị trần trụi không còn y phục, bị những người này chế nhạo, làm cho những người khác tiếc nuối, gợi lại Chúa Giêsu bị sĩ nhục trong cuộc thương khó. Luca 23,33-43.

Bức bích họa 2. Giấc mơ của Martinô

Cảnh về “đức ái của Martinô” chỉ toát ra tất cả ý nghĩa của nó hợp với đoạn sau đây, là đoạn về giấc mơ của người. Dấu nhấn không đặt trên cử chỉ quảng đại của Martinô, theo như bản văn nhấn mạnh, người không phải là người đầu tiên, nhưng dấu nhấn đặt trên sự gợi hứng đã thúc đẩy Martinô và khai mở người hướng về mầu nhiệm Chúa Kitô được khám phá nơi người nghèo. Chính từ cách này mà Martinô tuyên xưng đức tin của mình vào thần tính của Đức Giêsu. Chính bởi vì Đức Giêsu đã phục sinh, Thiên Chúa làm người, mà người hiện diện cách thân mật trong người nghèo mà người sai đến với chúng ta.

“Đêm hôm sau, khi người đang say giấc ngủ, người thấy Chúa Kitô mặc một nửa chiếc áo choàng của mình mà người đã mặc cho người nghèo. Người được mời gọi ngắm nhìn thực kỹ Chúa và nhận ra chiếc áo mà người đã cho. Đoạn người nghe Chúa Giêsu nói bằng một giọng vang dội cho đám đông các thiên thần đang đứng bao quanh họ: “Martinô, khi còn là dự tòng, đã mặc cho Ta chiếc áo này”. Thực vậy, Chúa nhớ lại những lời mà người đã công bố xưa kia: “Mỗi khi mà các con làm điều gì đó cho một trong những người bé mọn này, thì chính là các con đã làm cho Ta”, khi người tuyên bố đã được mặc nơi người nghèo này. Và để khẳng định chứng từ của người vì một công việc tốt đẹp như thế, Chúa Giêsu đã muốn để mình được nhìn thấy trong chiếc áo mà người nghèo đã nhận được.

Thị kiến này không đề cao niềm kiêu hãnh hoàn toàn con người nơi vị thánh của chúng ta, nhưng người nhìn nhận sự tốt lành của Thiên Chúa trong công việc của mình, và vì người mới mười tám tuổi, người vội vàng lãnh bí tích rửa tội. Dầu vậy, người chưa tức khắc rời bỏ nghiệp quân ngũ, vì sau cùng người đã để mình bị chinh phục bởi những lời khẩn khoản của người bênh vực của mình là người mà những mối liên hệ bạn bè và tình thân hữu đã gắn kết người với người ấy: chính vì vậy, mà khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, người này đã hứa từ bỏ thế gian. Bị vướng vào sự chờ đợi này trong vòng hai năm, sau khi lãnh phép rửa, Martinô tiếp tục phục vụ trong quân ngũ, nhưng một cách thuần túy trên danh nghĩa”. (Sulpice Sévère)

Chúng ta sẽ nêu lên những chủ đề thường gặp trong Cuộc đời của thánh Martinô. Sự biện phân: Martinô được mời gọi xem xét rất cẩn thận người đến với mình. Ở đây việc biện phân là sự kiện của một đức tin sống động, luôn tỉnh thức. Biện phân khiêm nhường: Martinô chỉ nhìn thấy trong hành động quảng đại riêng của mình và ân sủng thị kiến là công trình của Thiên Chúa và người vội vàng để dìm mình trong dòng nước phép rửa. Hai nhân đức đời đan tu là biện phân và khiêm nhường được bổ túc bởi một sự sẵn sàng tông đồ trọn vẹn: một cách thường xuyên, Martinô để mình bị chinh phục bởi lời cầu nguyện của những người gần gũi cần đến mình dù phải bỏ đi mọi tiện nghi thiêng liêng.

Bích họa 3 và 4. Martinô, được hoàng đế phong kỵ sĩ, đã xin hoàng đế được cất đi những bó buộc binh nghiệp.

 “Cho tới nay tôi đã phục vụ cho nhà vua: giờ đây xin ngài cho phép tôi được phục vụ Thiên Chúa: ai có ý định chiến đấu hãy chấp nhận “ân lộc” của nhà vua; phần tôi, tôi là người chiến sĩ của Chúa Kitô, tôi không có quyền chiến đấu […] nếu người ta qui cho thái độ của tôi là hèn nhát chứ không phải là đức tin, thì ngày mai tôi sẽ đứng không khí giới trước chiến tuyến hàng ngũ, và nhân danh Chúa Giêsu, dưới sự bảo vệ của dấu thánh giá, không khiên hay mủ giáp, tôi sẽ lao một cách bình an vào đoàn quân địch” (Sulpice Sévère).

Sau khi lãnh phép rửa, Martinô đã ở trong quân đội để giúp đỡ cho một trong những người bạn cùng quân ngũ của mình đã quyết định lãnh phép rửa. Nhưng vì là người môn đệ của Chúa Kitô, người đã tuyên thệ bất bạo động. Người khai mào một dòng dõi không cùng nhịp so với những tâm trạng và thực hành của đế quốc và những vương quốc kitô giáo khi đó, dù có nguyên tắc là đức tin không ép buộc bằng vũ lực, nhưng mọi người đều thừa nhận là vũ lực nâng đỡ cho việc loan truyền đức tin và bảo vệ đức tin. Dầu vậy, tính chất bất bạo động của Martinô, khi người không khí giới đứng trước quân thù, đã gợi hứng cho những nhà thuyết giảng như thánh Đaminh, tự đặt mình dưới sự bảo vệ của Thiên Chúa nơi đất người lạc giáo. Vào thời Tân đại, những hệ thống như hệ thống bảo hộ, khi mà việc thương mại, lực lượng vũ trang và những chiến lược liên minh với những thế lực địa phương, đồng hành với việc loan báo Tin mừng, sẽ chống lại việc chọn lựa một cung cách sống trần trụi bị tước đoạt và liên đới với những người nghèo nhất. Đó là chọn lựa cuối cùng mà Đức cha Lambert de la Motte (1624-1679) mạnh mẽ rao giảng vào thời gian đầu của Hội thánh Viêt Nam.

4-7. Để phục vụ dân Thiên Chúa

Bích họa 4. Thánh lễ của thánh Martinô.

“Người nghèo tràn vào trong phòng thánh, than phiền là bị vị giáo sĩ bỏ quên, khóc lóc than van cảm thấy lạnh lẽo. Ngay lập tức vị thánh, không để cho người ăn xin trông thấy và khuất khỏi tầm nhìn của người ăn xin, đã cởi áo các phép và cởi chiếc áo của mình và mặc cho người nghèo để cho ông ta đi […] Nhưng các thánh đã hành động vô ích: vì cho các ngài có dấu tất cả những điều này? Dù cho các ngài có muốn hay không, mọi sự rồi cũng được biết”. (Sulpice-Sévère).

Martinô cử hành thánh lễ. Việc cử hành các bí tích là bộ phận của hoạt động rao giảng Tin mừng.

“Người ta không bao giờ nhấn mạnh đủ điều này là việc rao giảng Tin mừng không cạn kiệt trong việc rao giảng và giảng dạy một giáo thuyết. Bởi vì việc rao giảng Tin mừng phải đạt đến cuộc sống: cuộc sống tự nhiên mà việc rao giảng Tin mừng sẽ tạo cho nó một ý nghĩa mới, nhờ vào những viễn tượng Tin mừng mà việc rao giảng này mở ra; và cuộc sống siêu nhiên, vốn không phải là sự phủ nhận, mà là việc thanh luyện và nâng cao đời sống tự nhiên. Đời sống siêu nhiên này có cách diễn tả sống động trong bảy bí tích và trong sự tỏa chiếu kỳ diệu của ân sủng và sự thánh thiện vốn có của mình. Vì thế, việc loan báo Tin mừng khai triển tất cả mọi sự phong phú của mình khi thực hiện sự nối kết thân mật nhất, và hơn nữa thực hiện sự hiệp thông không bao giờ gián đoạn giữa lời và bí tích.” (Phaolô VI, EN 47).

Trong hình ảnh của Simone Martini, chính sự khiêm tốn của thánh Martinô được nêu bật lên rõ ràng. Ông sợ rằng chiếc áo các phép trơn dễ trượt trong khi nâng cao để lộ ra những cánh tay trần, bỏi vì chiếc áo của người nghèo quá ngắn. Nên các thiên thần đến che phủ những cánh tay của người theo một truyền thuyết chứng nhận vào thế kỷ XII. Martinô đang chăm chú thờ lạy Chúa Kitô cùng với dân chúng. Không hề muốn được nổi bật, người biết tự che dấu mình, tự xóa mình trong việc phục vụ dân Thiên Chúa. Trong khi nhiều nhà thuyết giảng tôn vinh chính mình, và lợi dụng lòng tin của quần chúng thay vì qui hướng họ về Thiên Chúa!

Bích họa 5 . Việc phục sinh em bé.

“Một đám đông vô kể đến tập họp trước chúng tôi. Đám đông toàn là những người ngoại; bởi vì trong thị trấn này không ai biết đến một người kitô hữu. Nhưng khi nghe tin có một người rất cao trọng đi qua, thì từ xa, cả cánh đồng đã đông nghẹt nhiều người, đổ xô tuôn về từ mọi nơi. Martinô cảm thấy cần phải hành động. Thánh Thần loan báo trong người, người cảm thấy rùng mình. Bằng một giọng nói siêu phàm, người rao giảng Ngôi Lời Thiên Chúa, và thường than thở tự hỏi tại sao một đám đông người như thế không được biết Đấng cứu độ. Tuy nhiên, khi đám đông vô kể vây bọc chúng tôi, thì có một người phụ nữ có một con trai vừa mới chết, bà mang tới cho vị thánh, trên đôi tay đưa ra của bà, một thi thể bất động và nói: “Chúng tôi biết rằng ngài là bạn hữu của Thiên Chúa. Xin ngài hãy trả lại con trai cho tôi, bởi vì đây là con trai độc nhất của tôi”. Tất cả đám đông cũng hòa theo bà, hòa giọng với những lời cầu xin của bà mẹ. Khi đó Martinô hiểu rằng để cho đám đông đang chờ đợi được biết ơn cứu độ, cũng như sau này chính người nói với chúng ta về điều này, là người có thể xin được phép lạ. Người bồng thi thể đứa bé đã chết trong tay. Trước cặp mắt của mọi người, người quì gối xuống. Và khi người dứt lời cầu nguyện, người đứng lên, và trao cho người mẹ đứa con của bà đã được cứu sống. Lúc bấy giờ toàn thể đám động hô những tiếng thật to thấu trời, tung hô Đức Kitô là Thiên Chúa.” (Sulpice Sévère).

Việc loan báo Nước Thiên Chúa đi kèm với những dấu chỉ mời gọi các dân tộc chú ý, đón nhận đức tin và trở lại. Chúng ta dễ dàng nêu lên trong trình thuật của Sulpice Sévère những hồi ức về những bản văn Đấng cứu thế của Thánh Kinh: một ánh sáng bùng lên trên dân tộc còn bước đi trong vùng thâm u và bóng tối sự chết (Luca 1,79; và nhất là trình thuật việc làm cho con trai của bà góa thành Naim được sống lại : 7,11-17). Martinô được phong ban bởi Thánh Thần, yếu tố đầu tiên của việc loan báo Tin mừng. Trong bức bích họa của Martini, nhân đức khiêm nhường của Martinô được diễn tả bởi vị trí của người: người không ở tư thế nghiêng người, nhưng quì gối, như thể dưới chân của dân chúng đang tạ ơn[8]. Mỗi người trong đám đông diễn tả qua những cử chỉ của mình, biểu lộ qua nét mặt của mình một phản ứng đặc thù trước dấu chỉ: từ thái độ tôn thờ đến thái độ cứng tin khinh khỉnh.

Bích họa 6. Martinô và hoàng đế

“Lúc bấy giờ Valentinien già đang là người thống trị của đế quốc. Khi được biết rằng Martinô đòi hỏi những điều mà ông không muốn ban cho, ông truyền lệnh đóng tất cả mọi cánh cửa của cung điện không cho Martinô vào. Ông là một con người tính tình hung dữ và kiêu căng. Mặt khác, vợ của ông lại là một người theo lạc thuyết ariô, bà hoàn toàn dành cho thánh nhân thái độ của hoàng đế: bà ngăn cản hoàng đế dành cho giám mục sự kính trọng mà hoàng đế phải có [Martinô, đang cần gặp hoàng đế, nên hãm mình thống hối và cầu nguyện]. Ngày thứ bảy, người nhìn thấy một thiên thần đứng gần mình, truyền lệnh cho người đi vào cung điện một cách bình an vô sự: các cửa của cung điện hoàng gia, dù vẫn khóa rất chắc chắn như thế, đã tự động mở ra [… Khi Martinô đến nơi, Valentinien không muốn đứng dậy trước vị giám mục đang đứng, cho đến khi mà chiếc ngai của ông bị lửa cháy hừng hực […]. Lúc bấy giờ, ông hoàng kiêu căng bị hất khỏi ngai, và dù bất đắc dĩ, phải đứng dậy trước Martinô”(Sulpice Sévère).

Trình thuật này là hoạt cảnh của bài tán tụng ca Magnificat: Người lật đổ những kẻ kiêu căng khỏi ngai vàng. Trong bối cảnh cuộc đấu tranh giữa giáo hoàng và hoàng đế, vào thế kỷ thứ XIV, bức bích họa này muốn trình bày sự hài hước của Sulpice Sévère nhằm phục vụ cho việc tuyên truyền của “guelfe”( đảng chính trị ủng hộ giáo hoàng). Sự độc lập đối với quyền bính chính trị là một thách độ thường hằng đối với việc rao giảng Kitô giáo. Lần này, trong bức họa, Martinô đang đứng (trong khi trước đây người quì gối giữa đoàn dân của mình. Dầu vậy, người không thay thế quyền lực chính trị. Một nụ cười nở rạng trên khuôn mặt của người: người không có gì là vẻ cứng răn và vẻ nghiêm túc xấu xa của một nhà độc tài.

Bích họa 7. Cho đến cùng, khiêm tốn và sẵn sàng.

 “[…] quay về phía cử toạ, Martinô đáp lại bằng những lời lẽ giản dị cho cử toạ đang khóc: Lạy Chúa, nếu con còn cần thiết cho dân của ngài, con không bỏ trốn khỏi sự cực khổ này [non recuso laborem]: xin cho ý Chúa được thành sự […] Và bởi vì các môn đệ của người xin người cho phép họ được đặt ít là dưới mình của người những tấm chăn cũ, nhưng người nói : “Không được, một người kitô hữu phải chết trên tro bụi thôi: nếu tôi để cho anh em một gương mẫu khác, tôi mắc tội […] người thấy quỉ đứng sẵn bên cạnh gần người : “Tại sao mày đứng đây vậy, người nói, thứ rượu đẩm máu (brute sanglante)? Ngươi không tìm được gì nơi ta đâu, đồ khốn kiếp: Ta được nhận vào lòng Abraham. […] Martinô được đón tiếp một cách hạnh phúc vào lòng Abraham, Martinô, nghèo khổ và khiêm tốn, lên trời giàu có. Từ trời cao, tôi hy vọng điều này, người bảo vệ chúng ta bằng một cái nhìn thân thiện, tôi là người viết cho bạn những dòng này và bạn là người đọc những hàng chữ này.” (Sulpice-Sévère)

Hy lễ của Martinô đã được thiêu đốt trong tâm tình sẵn sàng tông đồ, trong khiêm nhu và sự biện phân khiến ma quỉ không thể gài bẩy được người. Người được nhìn nhận như là đấng bầu cử quyền lực trước toà Thiên Chúa, ngang với các thánh tử đạo. Sự hiện diện của người tiếp tục nâng đỡ và gợi hứng cho Hội Thánh. Người không chết, người đi vào cõi sống và đi về trời để ban ơn lành trên thế gian.

3. Thánh Martinô và thế giới hiện đại

Trong suốt lịch sử rao giảng Tin mừng, có một truyền thống theo thánh Martinô, trung thành với Chúa Giêsu, đã chọn lựa vũ khí là sự tin tưởng và khó nghèo trong cuộc chiến đấu chống việc tôn thờ ngẫu tượng trong thế giới và trong Hội Thánh: “Đoàn Dân Thiên Chúa, đang dìm mình trong thế gian, và thường bị các ngẫu tượng cám dỗ, Hội thánh luôn cần lắng nghe loan báo những công trình vĩ đại của Thiên Chúa là Đấng đã hoán cải Hội thánh trở về với Chúa”. (Phaolô VI, EN 15)

Vào thời kỳ hiện đại, một phong trào thiêng liêng và truyền giáo được khai sinh dưới chân mộ của thánh Martinô. Ông Léon Papin-Dupont (1797-1876), một người giáo dân, “vị thánh thành Tours” điều khiển nhóm tái cổ động việc tôn thờ thánh Martinô sau những tàn phá của cuộc Cách Mạng, đã tìm lại được ngôi mộ của người mà người ta nghĩ rằng đã vĩnh viễn mất đi, ông đã khỏi sự công việc tái kiến trúc đại thánh đường nơi người an nghỉ. Ông chia sẻ cùng với thánh Martinô việc tận tụy phục vụ cho mọi hình thức nghèo khổ, một đời sống khổ hạnh và chiêm niệm, và việc truyền bá đức tin bằng mọi phương tiện phù hợp với thời đại của mình. Nhưng nhất là ông tiếp nối nòng cốt linh đạo của Martinô trong việc sùng kính đối với dung nhan thánh thiện, khuôn mặt của Chúa Giêsu bị lăng nhục, mà ông đã làm cho nhiều đám đông dân chúng cầu nguyện trước khuôn mặt của người. Vả lại, lòng sùng kính này là lời giải đáp cho thuyết vô thần hệ thống, vừa lý thuyết và thực hành đang lan tràn lúc bấy giờ, và lời giải đáp này trước hết là một bước sửa lại đối với những bất trung của những người mà Bí tích rửa tội, bậc sống và tác vụ tận hiến cho Thiên Chúa.

“Thực vậy, trong việc khai sinh vô thần thuyết, người tín hữu có thể dự phần không phải là nhỏ, do bởi việc họ xao lãng trong việc giáo dục đức tin của mình, do bởi những trình bày lầm lạc giáo thuyết và cũng do bởi những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội của mình, người ta có thế nói về họ rằng họ che dấu khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và của tôn giáo hơn là họ biệu lộ khuôn mặt này”. (Gaudium et Spes 19)

Thánh Têrêsa thành Lisieux (1873-1897) đã được thúc đẩy bởi linh đạo này khiến cho thánh nữ sống cách sâu sắc thảm kịch của thời đại mình, và khiến người trở thành thánh bảo trợ và Tiến sĩ phổ quát mọi công việc Truyền giáo. Vào cuối hành trình thiêng liêng, người nói lại chân lý đơn giản này vốn là nguồn của mọi ơn gọi tông đồ:

“Khi Chúa Giêsu ban cho các tông đồ của mình một giới răn mới, giới răn của người, như Người nói điều này sau đó, là không phải yêu người lân cận như chính mình nhưng yêu người này như Người, Đức Giêsu đã yêu mến người đó, như Người sẽ yêu người đó cho đến tận cùng mọi thời gian […] Phải tôi hiểu điều này khi tôi sống vị tha, chính là Chúa Giêsu hành động một mình trong tôi; tôi càng kết hiệp với Người thì tôi càng yêu mến các chị em của mình hơn”. (ms C 12v).

Chúa Giêsu ở cùng chúng ta “cho đến khi tận thế” để qua chúng ta, tình yêu của người được trải rộng tới mọi dân tộc. Đó là ý nghĩa và mục đích của việc truyền giáo (Mt 28,18). Đó là “lệnh truyền”mà người đã để lại cho Hội Thánh người và việc chu toàn công việc “truyền giáo” này là chính trọn cuộc đời của người: yêu thương như người đã yêu thương, hiến mạng sống mình cho bạn hữu (Ga 13,34 và 15,12).

Kết luận – Và Việt Nam?

Năm 2016 là “năm thánh Martinô”trong giáo phận Tours, kỷ niệm 1700 năm sinh của vị thánh của chúng ta. Một hệ thống khắp Âu châu tham dự vào năm thánh này và làm sống lại những “con đường của thánh Martinô”. Lịch sử việc rao giảng Tin mừng ở nước Pháp và Âu châu có thể được đi lại, từ nguồn gốc ban đầu cho tới ngày nay, trên những con đường và xuyên qua lịch sử nhiều thế kỷ này, mầu nhiệm của Tin mừng ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô được khám phá và đào sâu. Mầu nhiệm này giải tỏa sức mạnh sự sống của mình.

Từ gần năm thế kỷ qua, Tin mừng được loan báo ở Việt Nam. Tin mừng thừa hưởng từ lịch sử Hội thánh vá nối dài lịch sử này. Đâu là những mẫu hình ưu tiên của những nhà rao giảng Tin mừng mà Thiên Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam để đến
lượt mình “Hội Thánh lại thực hành đối thoại”, “Tin mừng được tiếp nối”?

—————————————

[1] Gaudium Evangelii 13

[2] Evangelii nuntiandi 17

[3] “Thánh Martinô. Tiểu sử của người, việc tôn sùng người, là cả một bài thờ”, được viết trong bài báo của người, ngày 11 tháng mười một 1947, Đức cha Roncalli, giáo hoàng XXIII tương lai, khi còn là Khâm sứ Tòa Thánh ở Pháp, I, 1945-1948, trg 430.

[4] Jean-Jacques Olier cũng như những vị giám đốc đầu tiên của Hội Thừa Sai Paris đã viết thư xin được liên kết trong lời cầu nguyện cho Hội dòng của họ ở Tổng công nghị các Liên kết thánh Martinô thành Tours.

[5] Những thông tin được rút ra từ Dẫn nhập của M.SAGHY à SULPICE SEVERE, Saint martin de Tours, Paris, Editions du Cerf, 2016, trg. 9-31.

[6] Cuộc đời của Sulpice Sévère kể lại cuộc gặp gỡ của Martinô với một người cùi ở cộng thành Paris được dùng như mẫu hình cho việc viết “cái hôn người cùi” danh tiếng trong cuộc đời thánh Phanxicô. Ngay cả có một sử gia của thế kỷ XIX, để chối sử tính của nó, thận chí chối cả cuộc đời thánh Phanxicô, lại được người nhìn nhận trong cuộc đời của Phanxicô như một chuyện tưởng tượng đánh dấu cuộc đời của thánh Martinô.

[7] Bản dịch là của J.FONTAINE trong ấn bản Cuộc đời thánh Martinô, Paris, Cerf, coll. “Sources Chrétiennes”, các số 133 tới 135, 1967-1969.

[8] Ngay cả trong nhà thờ của mình. Martinô không muốn ghế ngồi nào khác hơn chiếc ghế đẩu khiêm tốn, trong khi đó người ta đã có thói quen đặt các giám mục ngự trên tòa cao như là các hoàng đế và các quan tòa.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here