THANH LUYỆN TRÁI TIM – Mục IV. Tham lam

0
936

THANH LUYỆN TRÁI TIM
THEO TRUYỀN THỐNG TÂM LINH ĐÔNG PHƯƠNG CÔNG GIÁO

Trích Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập V,
(Truyền thống tâm linh trong các giáo hội Đông phương)
Phương Đông, TPHCM 2017, trang 267-388.

Mục IV. Tham lam

Danh từ avaritia trong tiếng Latinh (dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh là avarice) mang hai nghĩa: tham lam và hà tiện. Tuy cả hai đều dính dáng đến tài sản, nhưng tính “tham lam” ám chỉ kẻ muốn thu tích tiền bạc nhiều hơn nữa, còn tính “hà tiện” thì bo bo giữ của.

Trong tiếng Hy-lạp, tật xấu thứ ba được đặt tên là philargyria,  có nghĩa là: ham vàng, ham tiền. Nó ám chỉ thái độ quyến luyến đối với tài sản vật chất: vui thích vì có tiền, lo lắng để giữ tiền, xót xa khi phải cho đi. Bên cạnh từ ngữ ấy (được ông Evagrius sử dụng trong bản liệt kê các tà kiến), các giáo phụ còn sử dụng một từ ngữ nữa là pleonexia, có nghĩa là ước ao chiếm hữu thêm tài sản. Nói một cách đơn giản, từ thứ nhất nói đến “ham”, còn từ thứ hai nói đến “tham”, với một đối tượng chung là tài sản vật chất.

I. Bản chất

Khi so sánh tật tham lam với tật tham ăn và dâm dục, Cassianus nhận định rằng con người đã mang nhu cầu ăn uống và yêu đương ngay từ khi thụ thai, còn sự ham tiền thì nảy sinh muộn hơn (Inst. VII,2-3). Nói cho đúng, thật khó kiểm chứng được mối tham nào do bẩm sinh và mối tham nào do giáo dục; tuy nhiên xét về tính cách luân lý thì cả ba đều giống nhau, theo nghĩa là sự xấu xa không nằm nơi đối tượng nhưng nằm ở lòng tham lệch lạc. Thực vậy, tiền bạc và tài sản  đâu phải là đồ xấu xa? Chúng cần thiết để tạo cho con người những điều kiện sinh tồn. Sự xấu bắt đầu len lỏi khi con người không còn sử dụng chúng như phương tiện, nhưng biến chúng thành cứu cánh; và thay vì hưởng dụng chúng thì lại ham mê chiếm giữ chúng.

Ngoài sự lệch lạc trong quan điểm về tiền bạc, thánh Maximus Confessor (Capita de caritate, cent. III,3-4) còn vạch ra ba thứ xáo trộn khác mà tính tham lam gây ra cho mối tương quan đối với Thiên Chúa, với bản thân, với tha nhân.

1/ Trong tương quan đối với Thiên Chúa, kẻ tham lam không còn biết sử dụng tài sản như hồng ân để chúc tụng Ngài, nhưng lại bám víu vào tài sản như thần tượng. Đó là lý do mà Tân ước gọi nó là ngẫu tượng: “Không ai có thể phụng sự hai chủ được: hoặc ghét chủ này hoặc mến chủ kia; hoặc quý chủ này và chê chủ kia. Các ngươi không thể phụng sự Thiên Chúa và Tiền tài” (Lc 16,13; Mt 6,24). Thánh Phaolô cũng khẳng định rằng lòng tham của cải là tôn thờ ngẫu tượng (xc. Cl 3,5; Ep 5,5).

Thoạt tiên xem ra lối sánh ví này hơi quá đáng, bởi vì đâu có ai quỳ gối thờ lạy vàng bạc đâu! Tuy vậy thánh Gioan Kim-khẩu cho biết rằng (In Ioannem homiliae, LXV,3) nếu phân tích thái độ nội tâm thì ta sẽ hiểu được lý do của sự so sánh đó: kẻ tham lam cũng đặt tiền tài lên hàng thần thánh, dành hết nỗ lực ưu tư để tìm nó, trân trọng quý mến nó, và không ngần ngại  hy sinh để bảo vệ nó. Thánh Maximus Confessor (Capita de caritate cent. III,18) giải thích lý do của sự so sánh kẻ tham lam với ngẫu tượng dưới một góc độ khác, đó  là tìm hiểu căn nguyên phát sinh ra nó. Thực vậy, kẻ tham tiền loại bỏ Thiên Chúa theo nghĩa là thiếu tin tưởng và hy vọng nơi Ngài. Hắn tính toán dự trù tất cả cho cuộc đời mình, thay vì đặt niềm tin nơi Cha trên trời, Đấng sẽ lo liệu cho con cái (xc. Mt 6,31-34). Hắn cũng muốn nắm chắc tương lai của mình, mà quên rằng mạng sống con người tùy thuộc vào Thiên Chúa (xc. Lc 12,16-21).

2/ Trong tương quan với bản thân, lòng tham của cũng gây ra sự xáo trộn, bởi vì nó lo lắng tìm kiếm và gìn giữ tài sản vật chất hơn là phần rỗi linh hồn. Kẻ mê tiền của thì lo làm giàu về vật chất hơn là quan tâm trau dồi vẻ đẹp tinh thần. Theo như lời Phúc âm “của cải các ngươi ở đâu thì tim các ngươi cũng ở đó” (Mt 6,21), kẻ mê tham của cải thì cũng đặt hạnh phúc của mình nơi tài sản. Tiếc rằng đó chỉ là một ảo tưởng, bởi vì tiền tài không mang lại hạnh phúc bền vững (xc Lc 12,16-20), đó là chưa kể đến những mối ưu tư lo lắng khác mà nó gây ra cho người chiếm hữu.

3/ Trong tương quan với tha nhân, kinh nghiệm cho thấy nhiều lần sự tranh chấp tiền bạc đã phá vỡ những mối tình thắm thiết nhất (tựa như anh em hay vợ chồng), như thường xảy ra khi đụng đến chuyện phân chia gia tài. Cũng vậy, vì muốn làm giàu, nhiều người cũng không ngần ngại khai thác bóc lột tha nhân.  Ngoài những nhận xét chua chát của kinh nghiệm, vài giáo phụ còn đi tới những suy tư khắt khe hơn nữa, tựa như thánh Basiliô Cả (Bài giảng chống người giàu) hoặc thánh Gioan Kim khẩu (Expositio in Ps. 4). Theo các ngài, Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ này cho toàn thể nhân loại hưởng dụng.  Thế mà có người muốn chiếm đoạt tài sản, giữ riêng cho mình, loại trừ không cho người khác đụng chạm đến: đó chẳng phải là “chiếm công vi tư” đó sao? Khi nói lên những lời này, có lẽ các giáo phụ không chủ trương kết án quyền tư hữu, nhưng chỉ muốn kêu gọi những người giàu hãy biết san sẻ cho người nghèo túng. Dù vậy, các ngài cũng cảnh cáo chúng ta về nguy cơ luôn rình rập đàng sau lòng ham của: đó là chúng ta chỉ lo tích cóp vơ hết tất cả cho mình, chứ không quan tâm đến quyền lợi kẻ khác[1]. Nói khác đi, lòng tham lam tiền của dễ lỗi phạm đến công bình và bác ái.

II. Hậu quả

Khi bàn về các tật xấu, các sư phụ vạch ra những mắt xích của chúng, không những giữa các tật xấu với nhau mà ngay cả trong cùng một nết xấu: một khi ta đã mở cửa cho một tên nào lẻn vào con tim rồi, thì từ chỗ làm hậu quả nó dần dần sẽ chiếm chỗ căn nguyên để cắm rễ sâu hơn trong tâm hồn của ta[2]. Trên đây, chúng ta đã thấy lòng tham lam tiền bạc có lẽ bắt nguồn từ chỗ thiếu tin tưởng nơi Thiên Chúa quan phòng; đến khi lòng tham đã chiếm đoạt con tim rồi, thì nó sẽ trở thành chủ nhân của con tim, khiến cho con tim quay lưng lại với Thiên Chúa.

Ông Evagrius (Praktikos 18) đã đưa ra nhận xét hí hữu như sau về nguồn gốc của tật tham lam nơi các thầy tu, cách riêng là các ẩn sĩ sống đơn độc trên sa mạc. Ma quỷ gợi lên cho họ hai lý do rất hợp tình hợp lý. Lý do thứ nhất là:  cần phải dự phòng cho tương lai; nếu mình không tích trữ gom góp bây giờ, thì lỡ mai sau lúc già yếu bệnh tật, ai sẽ lo cho mình? Lý do thứ hai cao thượng hơn nữa bởi vì do đức bác ái thúc đẩy: mình cần dành dụm tiền bạc để bố thí cho người nghèo. Hai lý do quả thật là chính đáng đấy, nhưng ai dại dột chiều theo thì sẽ lâm vào ngõ bí không lối thoát. Thực vậy, lòng tham vô đáy: khi con tim đã bị nó chiếm đoạt rồi thì sẽ mãi bất ổn, bởi vì nó không bao giờ cảm thấy đầy đủ. Một cách tương tự như vậy, ai thu góp của cải để làm việc bác ái thì dễ quên rằng đức bác ái không mấy khi tồn tại với tài sản. Nhân bàn về đời tu, tưởng cũng nên biết là Cassianus (Inst. VII, 14) nói đến ba hình thức tham lam tiền của: một là mong muốn những của cải mà trước kia mình không có; hai là lấy lại những gì mà mình đã dâng hiến cho Chúa; ba là thiếu tin tưởng vào Chúa cho nên tích cóp để dành.  Ta thấy rằng Evagrius nói đến các ẩn sĩ, còn Cassianus nói đến các đan sĩ sống cộng đoàn.

Đi sâu vào vấn đề hơn, các giáo phụ vạch ra những hậu quả tai hại của tật tham lam của cải như sau.

1/ Lòng tham lam vô đáy: con người sẽ không bao giờ thoả mãn với những gì mình đã có; nó cứ muốn thâu tích thêm mãi. Điều này đúng cho cả người giàu cũng như người nghèo. Do đó, sự xấu không nằm ở chỗ có nhiều hay có ít của, nhưng ở chỗ lòng tham vô độ: khi chưa có thì mong chiếm đoạt; chiếm được rồi thì lo lắng bảo vệ; có một thì muốn mười. Trong tình trạng như vậy, làm sao mà con tim an bình được? Thánh Gioan Kim khẩu đã có lần nói trào phúng rằng: biết bao nhiêu người giàu thiếu hạnh phúc bởi vì họ không biết hưởng thụ tài sản mà mình đã có! Họ cứ lo lắng, một đàng sợ mất của và đàng khác muốn có thêm nữa![3]

2/ Đối với lý trí, lòng tham gây ra phán đoán lệch lạc về các giá trị. Không những nó đặt các giá trị vật chất lên trên giá trị tinh thần, mà lòng tham cũng dễ làm quáng mắt khi đánh giá các của cải vật chất nữa. Thánh Gioan Kim khẩu (Bài giảng về thư thứ nhất gửi Corintô IX,4) đã tự hỏi:  phải chăng vàng, kim cương thực sự quý giá bởi vì chúng bền vững, hay chỉ tại vì nó được thiên hạ đua đòi tìm kiếm? Nếu chúng quý giá thực sự thì làm gì có chuyện thay đổi giá cả?

3/ Lòng tham còn gây hậu quả tai hại cho mối tương quan với tha nhân. Bao nhiêu chuyện xích mích bất hoà đã xảy ra vì tranh chấp tài sản? Nói thế có nghĩa là lòng tham lam gây ra nhiều lỗi phạm với bác ái. Chúng ta coi nặng tiền bạc hơn là tình người. Tha nhân không còn được kính trọng như là hình ảnh Thiên Chúa nữa, nhưng trở thành những kẻ thù: ta sợ họ sẽ chiếm đoạt tài sản của mình. Từ đó, ta nhìn tha nhân với cặp mắt nghi ngờ, đố kị;  và đoạn đường từ đố kị đến ghen ghét thù hận không xa lắm.

4/ Bàn đến những  mắt xích của các nết xấu, các sư phụ móc nối tính tham lam với tật tìm hư danh, kiêu ngạo. Kẻ có nhiều tiền thì cũng thích ăn nhậu trác táng, nhưng lại ngại ngùng biếng nhác đối với các công việc đạo đức.

III. Phương dược: đức thanh bần và san sẻ

Các sư phụ nhận xét rằng: tuy tật mê ăn và tật dâm dục gợi lên lòng ham muốn mãnh liệt khó chống cưỡng, nhưng khi đã thoả rồi thì chúng tạm lắng dịu; còn tật ham tiền thì có lẽ không bùng nổ mãnh liệt như vậy, nhưng nó chẳng khi nào thoả mãn. Chính vì thế ta phải ngăn chặn nó ngay từ đầu, bởi vì một khi đã để nó lẻn vào con tim rồi thì không cách nào trục xuất nó nữa.

Những phương dược cần áp dụng để chữa trị tật tham lam gồm ba điểm: điểm thứ nhất gồm những điều tâm niệm tổng quát về giá trị tài sản; thứ hai là đức thanh bần (khước từ tài sản); thứ ba là đức san sẻ (phân phát tài sản).

A. Những tâm niệm tổng quát

Tiền bạc tài sản tự nó không phải là đồ xấu xa. Sự tham tiền trở thành tật xấu do con tim của ta gắn bó với nó cách lệch lạc. Vì thế sự chữa trị cần bắt đầu bằng việc điều chỉnh con tim, giúp nó biết đánh giá tiền bạc đúng mức.

1/ Người đời lao đao đuổi theo tiền của, nhưng thử hỏi: mấy ai nhớ tới tính cách hư ảo của nó? Thánh Simeon Theologus (Catechesis XIX, 140-143) sánh ví tiền bạc như là một cái bóng: nó không bền lâu, và ai muốn tìm cách bắt bóng thì cũng tựa như một kẻ đổ nước vào một cái thùng không đáy. Thánh Phaolô cũng mời gọi các tín hữu hãy ngẫm nghĩ đến tính cách mau qua của mọi tài sản trên đời, để đừng quyến luyến với chúng (1Cr 7, 29-31).

2/ Hãy biết vui lòng với những gì ta đang sở hữu. Bởi vì  không biết hưởng niềm vui đang ở trong tầm tay của mình cho nên ta cứ muốn có thêm nữa, để rồi ta bị ám ảnh bởi nhiều xao xuyến âu lo.

3/ Tiến thêm một bước nữa, các giáo phụ giải thích nguyên do sâu xa của tính tham lam ở chỗ thiếu lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa. Vì thế, phương thuốc chữa trị là tìm cách củng cố đời sống tâm linh: “Thầy bảo anh em biết: đừng lo cho mạng sống, lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc …Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,25.31-33). Trước đó vài hàng, thánh Matthêu cũng đã viết: “Anh em đừng tích trử cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,19-21). Khi suy niệm những lời Phúc âm vừa nói, thánh Gioan Climacus (Scala XVI, 17) kết luận rằng con tim càng gắn bó với Thiên Chúa bao nhiêu thì càng thanh thoát đối với tài sản bấy nhiêu.  Nếu ta đặt kho tàng của mình ở trên trời, thì ta không màng đến các kho tàng dưới đất nữa. Con tìm của ta bị giằng co giữa hai mối tình: nếu dành cho bên này thì mất bên kia. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã cảnh giác khi nói rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ” (Mt 6,24).

Từ những tâm niệm vừa nói, các giáo phụ đã khai triển hai nhân đức cụ thể để chữa trị tật tham tiền: đức thanh bần và đức bố thí.

B. Đức thanh bần

Như đã nói, việc sở hữu tài sản không phải là điều xấu xa. Con người rơi vào tật tham lam khi nó gắn bó với tài sản đến độ coi nó như cứu cánh cuộc đời chứ không phải như phương tiện để sinh sống. Sự chữa trị tật tham lam bắt đầu bằng việc cắt đứt lòng ham muốn lệch lạc đó. Các sư phụ còn khuyến khích ta đi xa hơn nữa, đó là khước từ việc sở hữu và thủ đắc tài sản. Đây là đức thanh bần mà các đan sĩ thực hành, và được bàn tới trong nhiều tác phẩm của các giáo phụ. Trong nguyên ngữ  Hy-lạp, đức thanh bần được gọi là “không sở hữu” (aktêmosýne), nhằm nói lên sự từ bỏ dứt khoát tài sản vật chất. Thiết tưởng nên lưu ý  vài điểm sau đây:

1/ Đức thanh bần được biểu lộ qua việc từ bỏ tài sản. Tuy nhiên, các đan sĩ luôn luôn được nhắc nhở rằng trọng tâm của đức thanh bần nằm ở con tim, nghĩa là không quyến luyến tài sản. Thực vậy, một đan sĩ có thể từ bỏ hoàn toàn mọi tài sản, nhưng chưa nhất thiết đã có đức thanh bần bao lâu ông chưa cắt đứt khỏi lòng dính bén đối với của cải, bao lâu ông vẫn còn muốn chiếm hữu cái gì đó, dù chỉ nhỏ bé thôi (xc. Cassianus Inst. VII,21)

2/ Ta có thể lý luận ngược lại: một giáo dân (không phải là đan sĩ) vẫn có thể đạt tới đức thanh bần, nếu ông không bị vướng vất bởi tài sản mặc dù ông vẫn sở hữu nó. Điều này có thể xảy ra được, tuy hơi khó. Lý do bởi vì, theo thánh Gioan Climacus (xc. Scala XVI,11), một dấu chỉ của sự thanh thoát đó là không còn bận tâm lo lắng đến tài sản nữa. Điều này khó đối với một người có bổn phận quản lý tài sản của mình.

C. Đức san sẻ

Một nguyên nhân khác đưa đến tình trạng ngang trái trong việc chiếm hữu tài sản là lỗi công bằng. Điều này rõ rệt khi ta trục lợi làm giàu bằng cách bóc lột tha nhân.

Vài giáo phụ (như thánh Gioan Kim Khẩu) mở rộng tầm nhãn giới của đức công bằng, khi khẳng định rằng sự chiếm hữu tài sản dưới bất cứ hình thức nào cũng đều trái nghịch đức công bằng, bởi vì họ chiếm đoạt cho mình những tài nguyên mà Thiên Chúa đã dựng nên cho hết mọi người sử dụng. Nếu xét dưới khía cạnh luân lý thì phải nhận rằng lập luận đó quá đáng; nhưng nếu ý kiến đó được lồng trong khung cảnh của toàn mạch văn, thì thiết tưởng có thể chấp nhận được.

Thực vậy, các giáo phụ không có dụng ý đưa ra một phán đoán luân lý về quyền tư hữu cho bằng hô hào những người giàu hãy biết chia sẻ cho những người túng thiếu. Nhằm thúc đẩy người giàu hãy quan tâm đến thân phận dân nghèo, diễn giả nhấn mạnh rằng sự chia sẻ tài sản không chỉ là điều tùy tiện dựa theo lòng hảo tâm mà còn là một nghĩa vụ công bằng[4]. Ngoài ra, các bài giảng này còn nhắm tới một điều xa hơn nữa, đó là diệt trừ tính tham lam của cải. Nói khác đi, từ lãnh vực luân lý các giáo phụ muốn chuyển qua lãnh vực tu đức.

Dù giải thích ý định của các giáo phụ thế nào  đi nữa,  điều chắc chắn là các ngài đã đề ra đức “san sẻ” (eleêmosýnê)[5] như  một phương thuốc để điều trị lòng tham vô độ. Trong Tân ước, việc san sẻ đã nhiều lần được Chúa Giêsu và thánh Phaolô khuyến khích (xc. Mt 5,42; 6,2; 10,18; 19,21; Lc 3,11; 6,30.38; 12,33; Mc 10,21; Rm 12,8; 1Cr 16,1-3; 2Cr 8,3-15; 9,8; Gl 2,10), với nhiều cấp độ và hoàn cảnh khác nhau: có lúc chia sẻ điều dư thừa có lúc chia sẻ ngay cả điều mình đang cần  cho kẻ túng thiếu (xc. Mc 12,43-44). Đức san sẻ đi ngược lại khuynh hướng tham lam, muốn vơ vét tất cả cho mình, hoặc nắm chặt cái mình đang có.

Hiểu theo nghĩa đen, đức san sẻ tài sản là một phương thuốc dành cho các giáo dân sống ngoài đời (bởi vì đan sĩ đã khước từ tài sản thì đâu còn gì mà chia sẻ). Tuy nhiên, theo một nghĩa rộng thì đan sĩ cũng có thể thực hành đức san sẻ, hiểu về phạm vi tinh thần: đan sĩ có nghĩa vụ chia sẻ cho tha nhân những của cải tinh thần (Lời Chúa, các công phúc). Trong cả hai hoàn cảnh, sự san sẻ trở thành “nhân đức” do động lực mà nó thúc đẩy. Nguyên việc phân phát tài sản cho người nghèo chưa đương nhiên là một hành vi đức hạnh: sự phân phát được gọi là “đức hạnh” khi nó được thúc đẩy bởi lòng trắc ẩn (chứ không vì muốn phô trương, hoặc tự đắc). Riêng trong lãnh vực tu đức mà ta đang bàn (chữa trị tật tham lam), sự san sẻ là một hành vi đức độ khi nó giúp ta được giải thoát khỏi sự ràng buộc với tài sản.

Đặt trong bối cảnh của một nhân đức chữa trị tật tham lam, các giáo phụ nêu bật rằng sự san sẻ không chỉ làm ích cho người nhận, nhưng tiên vàn giúp ích cho người cho (xc. Thánh Gioan Kim Khẩu, De elemosyna V), dựa theo lời của thánh Phaolô: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Dĩ nhiên, để  mang tính cách đức độ và trở nên hữu ích về tinh thần, sự san sẻ cần phải tuân giữ những điều kiện mà Tân ước  đã nhắc đến, chẳng hạn như: “kín đáo” chứ không phô trương ầm ĩ (Mt 6,2-4); “bất vụ lợi”, không trông mong được báo đáp (Mt 10,8); “vui vẻ” chứ không rầu rĩ hoặc bị ép buộc (2Cr 9,7); “hào hiệp” chứ không tính toán (Rm 12,8).

Tóm lại, sự san sẻ trở thành nhân đức cao quý khi muốn được thông hiệp vào tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại, như thánh Gioan Kim Khẩu nhận xét chí lý. Như vậy ta thấy nhân đức san sẻ liên hệ mật thiết với đức ái (yêu mến Chúa và yêu mến hình ảnh của Thiên Chúa nơi tha nhân). Một lần nữa, ta thấy sự móc nối nhân quả giữa các nhân đức: nhờ đức ái thúc đẩy mà ta thực hiện đức san sẻ; và đức san sẻ giúp ta tiến triển hơn trong đức ái. Trước đây, chúng ta đã có dịp nêu bật ảnh hưởng của lòng quyến luyến với Thiên Chúa và đối với sự dứt bỏ dây ràng buộc với thụ tạo; hoặc ngược lại. Vì thế không lạ gì khi một thanh niên đến chất vấn Chúa Giêsu về việc phải làm để được nên trọn lành, thì Ngài đã đặt điều kiện đầu tiên là từ bỏ tài sản (Mt 19,21). Sự thoát ly khỏi dây ràng buộc với tài sản sẽ giúp con người đến gần Chúa hơn, và cũng giúp con người đến gần tha nhân nữa.

——————

[1] Xem thêm Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2402-2405, trích dẫn số 69 của hiến chế Vui mừng và Hy vọng, nơi mà độc giả tìm thấy rất nhiều đoạn văn của các giáo phụ.

[2] Xc. Cassianus, Inst.VII, 2.

[3] Xc. Chú giải thánh Matthêu XXXVIII,3; Bài giảng về thư gửi Philippi XIV,2.

[4] Nên hiểu về sự công bằng xã hội chứ không phải công bằng giao hoán. Về sự phân biệt giữa công bình “giao hoán”, “phân phối”, “xã hội”, xem: Đời sống tâm linh, tập III trang 257.

[5]  Từ eleêmosýnê (tiếng Hy-lạp, chuyển âm sang tiếng La-tinh là elemosyna) thường được dịch là”bố thí”. Tuy nhiên, từ “bố thí” mang một nghĩa hơi tiêu cực, ám chỉ thái độ của người dư giả  ban phát cho người túng thiếu. Chúng tôi dịch là “san sẻ”, sát với nội dung tư tưởng đang bàn. Nên biết là động từ eleéo còn có nghĩa là thông cảm, tỏ lòng thương xót.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here