Thánh Giuse và giấc ngủ của Chúa

0
1122

Giuse Phan Tấn Thành

(19-3-2020)

Năm ngoái, chúng ta đã suy gẫm đề tài về thánh Giuse bổn mạng những người ngủ, và đã có nhiều người áp dụng có hiệu quả. Năm nay, chúng ta sẽ tiếp tục đề tài, nhưng dưới một góc độ khác: “Thánh Giuse và giấc ngủ của Chúa”.

Đề tài này có thể hiểu theo nhiều nghĩa. 1/ Nghĩa đen là thánh Giuse đã nhiều lần thức đêm bên cạnh hài nhi Giêsu, để cho bà mẹ đi ngủ. Một bức họa mới được trưng bày gần đây tại Roma đã được gợi hứng từ đó, để nêu bật vai trò của người cha trong việc chăm sóc con thơ: ông cũng phải phụ giúp vợ đã quá mệt mỏi ban ngày với bao nhiêu công việc nội trợ.

2/ Chúng ta có thể xoay chủ để sang một hướng khác, đó là thánh Giuse đã bị Thiên Chúa ngủ quên. Tại sao nói như vậy? Thưa rằng dựa trên lịch sử phụng vụ. Trong khi các thánh tông đồ, tử đạo cũng như Đức Maria đã được kính nhớ trong lịch phụng vụ từ những thế kỷ đầu tiên, thì thánh Giuse mới được kính nhớ tại vài địa phương vào thế kỷ XIII và được ghi vào ghi lịch phổ quát từ thế kỷ XVII. Có nghĩa là thánh Giuse đã bị bỏ quên, hay nói ngược lại cũng được, thánh Giuse đã bị Thiên Chúa ngủ quên trong thời gian trên dưới 15 thế kỷ.

3/ Còn một đường lối khác nữa để nói về thánh Giuse trong giấc ngủ của Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa chẳng nói gì với thánh Giuse, và họa chăng chỉ nói lúc ông ấy ngủ.

Sau những lời giáo đầu để cho anh em khỏi ngủ, bây giờ tôi xin vào bài suy gẫm dựa trên đoạn Tin mừng vừa nghe, mà tôi thấy rất hợp với hoàn cảnh chúng ta đang sống. Chúng ta đã nói nhiều về tấm gương thinh lặng của thánh Giuse. Trong các sách Tin mừng, đức Maria có lên tiếng 7 lần, nhưng thánh Giuse không hề lên tiếng. Nhưng có lẽ ít ai nghĩ đến thánh Giuse đã khổ sở thế nào trước sự thinh lặng của Thiên Chúa. Ông bị đặt trước những ngõ cụt mà chẳng biết cách phải cư xử thế nào. Mãi về sau, ông mới được giải thích.

Bài Tin mừng ngày hôm nay mở đầu bằng một xì-căng-đan. Bà Maria vợ ông bỗng dưng mang thai. Ông biết cái thai đó không phải do sự tham gia của ông, thế thì nguồn gốc từ đâu? Chẳng lẽ bà vợ ngoại tình? Hoặc có thể bà bị hãm hại??? Bà Maria không lên tiếng,  bởi vì có phân trần thì ông cũng chẳng tin.

Đến đây, người ta mới thấy tài của thánh sử Matthêu. Theo cha Raymond Brown, trong lịch sử Giáo hội, đã có rất nhiều bài chủ giái cảnh truyền tin cho Đức Mẹ theo thánh Luca, nhưng ít người dừng lại suy niệm cảnh truyền tin cho thánh Giuse theo thánh Matthêu. Thánh sử tặng cho ông một tính từ gói ghém sự cao cả của ông, đó là “công chính”.

Ông Giuse là người công chính. Công chính có nghĩa là gì? Trong tiếng Latinh cũng như các ngôn ngữ châu Âu, iustus bao hàm nhiều ý nghĩa: công bình, công minh, chính trực, ngay thẳng, công chính.

Áp dụng vào trường hợp đang bàn, nhiều người chỉ giới hạn vào tương quan giữa ông Giuse và bà Maria: ông muốn cư xử công bằng với bà. Ông không muốn tố giác bà phạm tội ngoại tình vì sẽ bị ném đá. Ông đâu biết nguyên nhân của cái thai trong bụng bà: bà ngoại tình hay là bị hãm hại? Thật là khó xử. Vì thế ông chọn con đường khác, là hy sinh, chia tay bà cách âm thầm kín đáo.

Có thể giải thích như vậy cũng được, nhưng có lẽ chưa lột được ý của Matthêu. Ông đang nói đến sự công chính trước mặt Chúa, chứ không phải là công bình trong tương quan với tha nhân. Người công chính là người tuân giữ luật Chúa. Và tất cả chương trình của Matthêu nhằm cho thấy rằng Đức Giêsu đến để kiện toàn luật chứ không phải để phá luật. Chúng ta mới nghe trong bài Tìn mừng hôm qua. Trong bối cảnh này, không có gì đáng khen ngợi hơn khi Matthêu cho thấy ông Giuse là người đã chu toàn lề luật. Chúng ta đừng hiểu sai vấn đề. Mấy người Kinh sư và Pharisêu bị Chúa Giêsu quở trách vì đầu óc vụ luật, nghĩa là hiểu sai luật. Và Chúa đến để vạch cho thấy đâu là ý nghĩa chân chính của luật.

Đi vào cụ thể, vì lý do gì ông Giuse được ca ngợi là công chính? Thưa bởi vì ông đang kiện toàn kế hoạch của Chúa. Hay nói đúng, Chúa cần ông để hoàn tất kế hoạch của Ngài. Bằng cách nào? Chúng ta hãy phân tích lời của sứ thần.

“Này Giuse con vua Đavit”. Những lời này đối với Matthêu rất là quan trọng. Hơn các tác giả Tin mừng khác, thánh Matthêu nhiều lần gọi đức Giêsu là “con vua Đavit” (9,27; 12,23; 15,22; 20,30.31; 21,9.15; 22,41-45). Đức Giêsu xuất hiện như là để hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa với nhà Đavit, mà chúng ta đã nghe trong bài đọc I. Bằng cách nào Đức Giêsu trở thành con vua Đavit? Thưa nhờ ông Giuse. Ông là con vua Đavit, và là chồng bà Maria trước mặt pháp luật. Ông sẽ đặt tên cho con trẻ. Ông nhận đứa trẻ làm con ông. Đó, Thiên Chúa đang cần đến ông: “Ông làm ơn nhận bà Maria về làm vợ đi”.

Một thắc mắc được nêu lên: bà Maria mang thai cách nào vậy? Thiên thần giải thích: “bà cưu mang do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Tôi xin cam đoan là lúc ấy ông Giuse chưa có khái niệm gì về Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa đâu. Có lẽ Thánh Thần ở đây gợi lên ý tưởng thần khí Chúa lúc sáng tạo vũ trụ. Thần khí ấy sẽ khởi đầu một cuộc sáng tạo mới.

Thiên thần nói tiếp với ông Giuse: “Ông sẽ đặt tên cho trẻ là Giêsu, vì chính người sẽ cứu dân người khỏi tội lỗi”. Vai trò của ông Giuse thật là cao quý. Ông có vai trò giống như ông Giuse trong Cựu ước. Trước kia, ông Giuse (con út của tổ phụ Giacop) đã đưa dân Israel sang Ai cập để tránh nạn đói, rồi từ đó Môsê sẽ giải cứu dân Chúa khỏi cảnh nô lệ. Bây giờ ông Giuse mới sẽ đức Giêsu qua Ai cập để tránh vua Herot, rồi từ Ai cập, lại dẫn Đức Giêsu, nghĩa là “Gia-vê cứu chữa”, ra khỏi cảnh nô lệ. Lần này không phải là cảnh nô lệ chính trị mà là cảnh nô lệ tội lỗi.

Dù sao, đối với Matthêu và các Kitô hữu, đức Giêsu không chỉ là con vua Đavit và là Đấng cứu tinh của Irael, Đức Giêsu còn là Con Thiên Chúa. Đúng rồi, Đức Giêsu là Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Ông Giuse hãy lấy bà Maria làm vợ, để hoàn tất lời tiên tri của Isaia. Bà sẽ sinh ra Emmanuel, Emmanuel không chỉ là Chúa của người Do thái, nhưng là của toàn nhân loại. Matthêu kết thúc sách Tin mừng bằng lời hứa của Đấng Kitô Phục sinh: “Các con hãy đi khắp muôn dân… Thầy ở cùng chúng con mỗi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28.19-20)

Như vậy, chúng ta cần đọc  tất cả 2 chương đầu thì mới hiểu rõ vai trò của Giuse trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa có một kế hoạch cứu độ, và mời ông Giuse góp phần.

Matthêu kết luận: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần đã dạy”. Người công chính là thế đó, tuân hành kế hoạch của Thiên Chúa. Ông làm như lời Chúa dạy, giống như dân Israel trước đây đã đáp lại lời Môsê khi ông này công bố giao ước trên núi Sinai.

Ông Giuse là người công chính. Ông chưa biết được những gì Chúa sẽ dành cho mình. Matthêu chỉ kể ra vài đoạn chung quanh việc Chúa sinh ra, cho đến khi định cư ở Nararet. Bao nhiêu nhà tu đức đã ca ngợi diễm phúc của thánh Giuse được sống ở bên cạnh Chúa Giêsu suốt 30 năm. Tôi không nghĩ như vậy. Đó là 30 năm của Chúa ngủ. Làm thế nào chấp nhận được Thiên Chúa phải chịu những giới hạn của con người, phải học ăn học nói, học gói học làm? Làm sao chấp nhận Thiên Chúa không can thiệp gì cho dân chúng đang khổ sở dưới ách đô hộ của ngoại bang?

Chúng ta đang ở một thời điểm khó khăn do nạn dịch: “Chúa ở đâu? Sao Chúa ngủ mãi? Lạy Chúa xin thức dậy đi”. Đó không phải là lời xấc láo của tôi, nhưng là của vịnh gia: “Lạy Chúa, xin tỉnh giấc, Ngài cứ ngủ mãi sao? Xin trỗi dậy đi nào, đừng đuổi xua mãi mãi? (Tv 43, 24-25, Kinh sách thứ 5 tuần II và IV). Và các môn đệ cũng thưa với Chúa đang ngủ ở đầu thuyền: “Thầy ơi chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38)

Chúng ta xin thánh Giuse giúp chúng ta biết đối phó với lúc Chúa ngủ, không chỉ vào những lúc rối ren như hiện nay, nhưng mỗi ngày, khi chúng ta cầm Minh Thánh Chúa trên tay. Tấm bánh này chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở với chúng ta, giống như ngày nào thánh Giuse đã chung sống ở Nazareth.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here