Thánh Giuse trong các tác phẩm ngụy thư Tân ước

0
2190

Phan Tấn Thành

Các đoạn Tin mừng không cung cấp một chi tiết nào về cuộc đời của thánh Giuse: sinh năm nào, ở đâu? đính hôn với bà Maria lúc nào? qua đời hồi nào? chôn cất ở đâu?

Đàng khác, chúng ta thấy nhiều bức tranh vẽ hình thánh Giuse đầu tóc bạc phơ, hoặc cầm cành hoa huệ, hoặc nhắm mắt lìa trần với Đức Mẹ và Chúa Giêsu đứng bên cạnh. Các dữ kiện này dựa vào tài liệu nào?

Câu trả lời vắn tắt cho những câu hỏi vừa rồi là: những chi tiết về cuộc đời thánh Giuse dựa theo những lưu truyền dân gian, được ghi lại trong các tác phẩm ngụy thư Tân ước. Trước khi đi vào chi tiết, cần xác định ý nghĩa của từ ngữ “ngụy thư”.

I. Khái niệm

Theo nguyên ngữ Hy Lạp, apokryphos chỉ có nghĩa là “bí mật, giữ kín”, và được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Lúc đầu nó được dùng để áp dụng cho toàn thể Sách thánh: cần phải cất giữ các tác phẩm này, không nên để lọt vào tay người ngoại (Ý nghĩa này có lẽ do ảnh hưởng của các nhóm ngộ đạo: chỉ có ai đã được khai tâm thì mới được đọc các sách thiên khải). Sau đó, nó được áp dụng cho những sách chỉ nên đọc tư, chứ không được phép đọc chính thức trong các buổi cử hành phụng vụ. Đến khi sổ bộ quy thư (libri canonici) được xác định, thì nó ám chỉ những sách nào không thuộc quy thư, vì thế cấm không được đọc công khai. Từ đó, người ta dịch là “ngụy thư” (đối lại với “quy thư”), và mang một ý nghĩa xấu. Thực ra, các ngụy thư không hẳn lúc nào cũng xấu. Một quyển sách có thể được xếp vào ngụy thư bởi vì không phải là do các Tông đồ viết, mặc dù nội dung của nó rất lành mạnh: thí dụ như “thư của Clêmentê”, “thư của Barnabê”. Lúc đầu có giáo đoàn coi đó như là quy thư và sau đó đã loại ra khỏi sổ quy thư (và trở thành ngụy thư). Ngược lại, sách Khải huyền của thánh Gioan từng bị coi là ngụy thư nhưng sau đó được xếp vào quy thư. Ngày nay, các học giả đã dùng nhiều tiêu chuẩn khác nhau để phân loại các apocrypha.

– Một số tác phẩm ra đời vào thời các thánh Tông đồ, đã được vài giáo đoàn nhìn nhận làm Sách thánh nhưng sau đó bị gạt ra bởi vì không do các Tông đồ viết. Những tác phẩm này được đặt tên là Văn chương Kitô giáo nguyên thủy, đó là: sách Điđakhê, thư Clêmentê, sách Mục tử của Hermas, thư của Barnabê. Ngược lại, một tác phẩm tuy mang danh một tông đồ nhưng sau khi bị lật tẩy thì đương nhiên bị xếp vào hàng ngụy thư, chẳng hạn: thư thứ ba của thánh Phaolô gửi Côrintô, hoặc thư gửi Laođikia.

– Đa số các ngụy thư ra đời sau thế kỷ II, dựa theo thể văn của các tác phẩm Tân ước. Mục tiêu của các soạn giả khác nhau. Đôi khi vì muốn thoả mãn tính tò mò, bằng cách thêu dệt nhiều phép lạ. Đôi khi muốn biện minh cho một học thuyết nào đó (chẳng hạn chủ trương của nhóm ngộ đạo, ảo nhân thuyết). Các tác phẩm này được phân ra bốn loại: Tin mừng, Hoạt động tông đồ, Thư, Khải huyền. Nhiều tác phẩm chỉ được biết qua sự trích dẫn của các giáo phụ chứ không còn được lưu lại nguyên bản.

A. Tin mừng

Tuy được gom một loại mang danh là “Tin mừng ngụy thư”, nhưng giá trị của chúng khác nhau xét về lịch sử cũng như đạo lý.

1/ Một số tác phẩm ra đời đồng thời với các Tin mừng quy điển, và dĩ nhiên là được xếp vào hạng nhất xét về giá trị lịch sử. Trong tiến trình biên soạn các sách Tin mừng, các thánh sử đã sử dụng những nguồn tư liệu đã được thu thập trước đó, gồm các lời nói (đặc biệt là các dụ ngôn). Vài tác giả đương thời cũng sử dụng những nguồn tư liệu đó và soạn ra tác phẩm song hành. Các sử gia đặt tên cho chúng là agrapha, (những lời nói của Chúa Giêsu). Thường các lời nói được thuật lại trong bối cảnh của một cuộc đàm thoại với các môn đệ, chẳng hạn như: Tin mừng thánh Tôma, thu thập 114 câu nói của Chúa Giêsu, hoặc do tự Người dạy hoặc để trả lời cho câu hỏi mà môn đệ đặt ra; hoặc Cuộc đàm đạo của Chúa Cứu thế, thuật lại cuộc đàm đạo của Chúa Phục sinh với ông Giuđa và ông Matthêu, với thể văn tương tự như cuộc đàm đạo tại nhà Tiệc ly theo Tin mừng thánh Gioan.

2/ Hạng thứ hai sử dụng các tư liệu vừa nói để soạn có vẻ những tác phẩm biện minh cho chủ thuyết nào đó, chẳng hạn hoặc phủ nhận nhân tính của Đức Giêsu (thuyết ảo nhân), hoặc phủ nhận thiên tính của Người (các Tin mừng của người Do Thái).

3/ Hạng thứ ba chỉ mang danh là “Tin mừng” theo nghĩa là kể lại cuộc đời của Chúa Giêsu, nhưng mục tiêu chúng không còn là loan báo Tin mừng cứu độ cho bằng thoả mãn tính tò mò. Nội dung xoay quanh hai giai đoạn đặc biệt của cuộc đời của Chúa Cứu thế, đó là thời thơ ấu và hồi tử nạn Phục sinh.

a) Một nhóm chú trọng đến nguồn gốc gia thế và thời thơ ấu của Chúa. Nổi tiếng nhất là Tin mừng tiên khởi thánh Giacôbê, mà chúng tôi sẽ trở lại dưới đây. Tác phẩm này ra đời vào khoảng năm 150, và được quảng bá trong nhiều cộng đoàn phụng vụ bên Đông phương. Cùng với tác phẩm “Cuộc từ trần của đức Maria” (Transitus Mariae) nó đánh dấu khởi điểm của lòng tôn kính đức Maria trong các thế kỷ đầu tiên của Giáo hội. Nói chung, các Tin mừng thơ ấu thích kể lại các phép lạ xảy ra lúc Chúa Giêsu ra đời, lúc tị nạn bên Ai cập và thời niên thiếu, chẳng hạn Tin mừng thơ ấu của ông Tôma (khác với Tin mừng thánh Tôma vừa nói trên).

b) Một nhóm chú trọng đến cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu: Tin mừng ông Nicôđêmô, Tin mừng thánh Phêrô.

B. Công vụ các Tông đồ

Nếu muốn theo sát nguyên bản thì phải dịch là “Những hoạt động của các Tông đồ” (Actus apostolorum), chứ không phải là “Công vụ” (Acta). Dù sao, tác giả không chỉ đóng vai trò một ký giả ghi chép các biến cố đã xảy ra trong Hội thánh nguyên thủy nhưng còn muốn trình bày một thần học về đường hướng truyền giáo của Hội thánh.

Các tác phẩm ngụy thư không còn duy trì viễn ảnh thần học, nhưng chỉ thích kể các phép lạ, có vẻ như muốn đề cao các Tông đồ như là các “siêu nhân” hoặc ít là “người hùng” của Kitô giáo. Các tác phẩm này ra đời vào thế kỷ II. Các giáo phụ nhiều lần nhắc đến các “Hoạt động của ông Phêrô” (soạn khoảng năm 180-190), của ông Phaolô (khoảng 185-195), Anrê, Gioan và Tôma. “Hoạt động của ông Tôma” được duy trì trọn vẹn hơn cả trong bộ sưu tập 5 cuốn, lưu hành trong nhóm Manikê vào cuối thế kỷ IV.

C. Các thư

Ngoài các thư của thánh Phaolô được nhận vào sổ quy thư, còn một số thư khác được lưu hành giữa các giáo đoàn, chẳng hạn: thư thứ Ba gửi Côrintô, thư gửi Laođikia, thư gửi Alêxanđria.

D. Khải huyền

Ngoài các sách Khải huyền mang danh các thánh Tông đồ (Phêrô, Phaolô, Tôma, Stêphanô), tại vài nơi còn có các tác phẩm của đạo Do thái, chẳng hạn: Sự thăng thiên của ông Isaia.

Nên biết là vào thời các giáo phụ, các tác phẩm vừa kể được đánh giá khác nhau. Có những tác phẩm được trích dẫn trong các bài giảng ngang hàng với các quy thư (vào lúc mà sổ quy thư chưa thống nhất). Có những tác phẩm khác đã bị gạt bỏ bởi vì chứa đựng đạo lý sai lầm hoặc bởi vì chỉ lưu hành trong các nhóm lạc giáo. Dưới phương diện lịch sử, giá trị của các tác phẩm này tuỳ thuộc vào những nguồn tư liệu, nghĩa là dựa theo những sự kiện có thể kiểm chứng được, hoặc do óc tưởng tượng bày ra, đó là chưa kể trường hợp sao chép.

II. Những ngụy thư liên quan đến thánh Giuse

Trong số những nguỵ thư nói đến thánh Giuse, ta có thể kể[1]:

1/ Hoạt động của ông Ponxiô Pilatô

Từ giữa thế kỷ II, thánh Giustinô đã nói đến tác phẩm này. Sang các thế kỷ sau, tên của nó cũng được ông Tertullianô cũng như ông Eusêbiô Cêsarêa nhắc đến, nhưng không ai biết nội dung ra sao. Tác phẩm được lưu lại ngày nay là một phiên bản mới, được soạn vào thế kỷ IV, do một tác giả tự xưng là Anania. Tác phẩm mang tính cách hộ giáo, nhằm bênh vực Chúa Giêsu trước những lời tố cáo của dân Do thái trước toà tổng trấn Pilatô.

Khi bàn về gia đình của Chúa Giêsu, chúng ta biết được những sự đàm tiếu và vu khống của người Do thái thời ấy[2]: họ tố cáo đức Giêsu là con hoang. Phần biện hộ chứng minh rằng đức Maria đã lập giá thú với ông Giuse, và hai ông bà là người đức hạnh kính sợ Chúa.

2/ Tin mừng thánh Philipphê

Tác phẩm này ra đời khoảng đầu thế kỷ III, trong khung cảnh hộ giáo, chống lại lạc thuyết ngộ giáo (không chấp nhận rằng Chúa Giêsu có một thân xác con người).

Tác giả khẳng định rằng đức Giêsu có thân xác con người. Đức Giêsu có hai người cha: Cha trên trời, và cha dưới đất là ông Giuse. Ông Giuse làm nghề thợ mộc. Ông trồng nhiều cây trong vườn để lấy gỗ. Gỗ thập giá được lấy từ vườn đó, và nhờ cây thập giá mà cửa thiên đàng đã được mở cho nhân loại.

Dù khẳng định rằng ông Giuse đã cấp thân xác con người cho đức Giêsu, tác giả vẫn bênh vực sự trinh khiết của Đức Maria.

3/ Tin mừng thánh Phêrô

Ông Origène (In Mattheum 10,17: PG 13, 876-877) và Eusêbiô Cêsarêa (Historia Ecclesiastica: PG 20, 217.269-271) nhắc đến “Tin mừng thánh Phêrô”, nhưng bản văn không được tồn tại đến nay. Nội dung tường thuật cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu. Vào lúc Chúa bị treo trên thập giá, tác giả không đả động gì đến bà thân mẫu hoặc các phụ nữ khác, ngoại trừ cô Maria Magđala và các anh em của Chúa. Theo ông, các anh em này là con mà ông Giuse đã có với đời vợ trước. Eusêbiô cho biết giám mục Serapion Antiokia đã liệt sách này vào loại lạc đạo.

4/ Tin mừng tiên khởi thánh Giacôbê

Tựa đề “Tin mừng tiên khởi” (hay “Tiền Tin mừng”: Protoevangelium) do ông Guillaume Postel đặt ra khi xuất bản năm 1522 tại Bâle, dựa vào tên của tác giả, tự xưng là Giacôbê, một người anh cùng cha khác mẹ với Chúa Giêsu. Tựa đề muốn nêu bật là tác phẩm này ra đời trước các quyển Phúc âm chính quy. Thực ra các thủ bản cổ điển mang tựa đề chính xác hơn “việc sinh hạ đức Maria” (De Nativitate Mariae = Gennêsis Marias) bởi vì nói nhiều đến đức Maria. Tác phẩm này được viết bằng tiếng Hy-lạp vào hậu bán thế kỷ II, và đã được ông Origène nhắc đến.

Mục tiêu biên soạn có lẽ nhằm chống lại những vu khống của người Do thái về thân thế của Chúa Giêsu, và đề cao việc cưu mang trinh khiết của đức Maria. Tác giả đưa ra một nhân chứng là thánh Giacôbê, một nhân vật được người Do thái kính nể.

Phần lớn tác phẩm dành để nói tới nguồn gốc lai lịch của đức Maria; còn thánh Giuse xuất hiện vào lúc đức Maria thành hôn và mang thai. Nội dung gồm 24 chương ngắn, có thể chia làm 3 phần. Phần thứ nhất (gồm 16 chương đầu), kể lai lịch, thời thơ ấu đức Maria cho tới lúc kết hôn với ông Giuse. Phần thứ hai (từ chương 17 đến 21) thuật lại những phép lạ chung quanh cuộc sinh hạ Chúa Giêsu. Phần chót (ba chương cuối từ 22 đến 24) kể chuyện vua Hêrôđê tàn sát các thiếu nhi ở Bêlem.

Tác phẩm mở đầu với cảnh ông Gioakim, một nhà phú hộ và quảng đại, bị một người tên là Rubel chế diễu vì không có con, và không muốn cho ông dâng lễ vật như các tín hữu khác. (Nên biết là xã hội Do thái coi đôi vợ chồng không có con là bạc phước). Ông Gioakim buồn tủi vô hạn, vì thế đã rời bỏ nhà cửa và vào nơi hoang địa, ăn chay 40 đêm ngày, với lòng dốc quyết rằng nếu Chúa không đến viếng thăm thì ông sẽ không trở về nhà. Bà Anna, ở nhà cô quạnh, cũng buồn rầu và than khóc số phận hiếm muộn của mình chẳng khác gì thân phận góa bụa. Bà đã than khóc thảm thiết, vào một ngày lễ của dân tộc, một dịp hân hoan của toàn dân. Trông lên trời thấy những đàn chim bay nhảy, nhìn xuống nước thấy đàn cá bay lội, bà lại càng tủi thân, bởi vì chúng được Thiên Chúa chúc phúc với hậu duệ đông đảo, còn mình thì giống như mảnh đất khô cằn không có sức sống.

Giữa lúc tuyệt vọng như vậy thì một thiên sứ hiện đến với bà Anna, báo tin cho biết Thiên Chúa đã nhậm lời của bà, và sẽ ban cho bà một hậu duệ sẽ được muôn đời nhắc đến. Nghe tin đó, bà Anna liền hứa rằng dù sinh con trai hay con gái thì cũng sẽ dâng nó cho Thiên Chúa để phục vụ nhà Chúa trót đời. Thiên sứ cũng hiện ra với ông Gioakim và loan tin như vậy. Ông liền đứng dậy trở về nhà, và truyền giết 10 con chiên, 12 con bò tơ để dâng lễ tạ ơn Chúa, và giết 100 con dê để đãi cả làng.

Câu chuyện vừa rồi nhắc lại những cuộc sinh hạ kỳ diệu nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa mà ta gặp thấy trong Cựu ước, chẳng hạn như ông Abraham (với bà Sara son sẻ), ông Samson cũng được sinh ra trong hoàn cảnh tương tự, hoặc như ông Samuel. Phép lạ không chỉ chứng tỏ bàn tay đặc biệt của Thiên Chúa, nhưng nhất là cho thấy sứ mạng dành cho người con sắp sinh ra. Tác giả sách Tiền Tin mừng thánh Giacôbê cũng mang một não trạng đó, nghĩa là ông muốn nêu bật vai trò và sứ mạng mà Chúa sẽ dành cho đức Maria.

Sau khi sinh con được 14 ngày, bà Anna đặt tên cho cô bé là Maria, một danh tánh khá quen thuộc trong dân Do thái. Khi cô bé tròn một tuổi, song thân mời các tư tế và toàn dân dự lễ cai sữa; đây là cơ hội để bà Anna dâng lời ca tụng Thiên Chúa vì đã đoái nhìn đến mình và cất đi sự ô nhục vì son sẻ. Đến khi cô bé lên ba tuổi, thì song thân mang lên đền thờ. Cô bé hí hửng ở lại đó chứ không đòi theo bố mẹ trở về nhà.

Khi cô lên 12 tuổi và phải rời đền thờ, thì hội đồng các tư tế bàn định chuyện kết hôn qua một thủ tục diệu kỳ. Nhờ ơn trên soi sáng, thượng tế hô hào các chàng trai tới, mỗi người mang một cái que và đặt trong đền thờ. Sáng hôm sau, thượng tế vào đền thờ cầu nguyện thì thấy các que còn y nguyên như trước, và mỗi chàng lại vác que về nhà. Thế nhưng còn sót lại một que của ông Giuse và chủ nhân được gọi tới; khi ông Giuse vừa lấy lại cây que của mình thì một con chim bồ câu thoát ra từ cây que và đáp xuống trên đầu của ông Giuse. Thật đúng là dấu lạ! Nhưng ông Giuse không dám nhận cô Maria, viện cớ là mình đã già lại phải nuôi nấng một đàn con. Thầy cả phải doạ rằng nếu ai không tuân theo ý Chúa thì sẽ bị trời phạt; ông cụ sợ quá đành rước Maria về nhà.

Đưa cô về nhà rồi, ông Giuse ra đi kiếm việc làm (ông làm nghề xây cất). Đang khi đó, thiên thần hiện đến báo tin cho đức Maria về việc thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu. Sáu tháng sau, ông Giuse trở về nhà thấy bạn mình mang bầu. Khỏi nói ai cũng đoán được tấn bi kịch diễn ra thế nào. May thay, đến đêm thiên thần hiện ra giải thích đầu mối nguyên do. Nhưng đó mới là chuyện nội bộ giữa hai người; đến lượt hàng xóm và nhất là vị Thượng tế trong đền thờ cũng trách móc ông Giuse vì đã xâm phạm tiết hạnh của bà Maria[3]. Cả ông Giuse lẫn cô Maria đều hết sức thanh minh nhưng vô ích. Sau cùng để kiểm chứng, thượng tế bắt cả hai phải uống nước đắng, theo luật của sách Dân số (5, 11-31) đã truyền khi người nào bị tố cáo về tội ngoại tình. Cả hai đều uống nước đắng nhưng không bị tác dụng; cả làng mừng rỡ tung hô Chúa. Ông Giuse đưa Maria về nhà cho tới ngày đi Bêlem. Còn nhiều phép lạ nữa xảy ra khi Đức Mẹ sinh con tại Bêlem và khi Hêrôđê truy nã các anh hài.

Ảnh hưởng của tác phẩm này trên các giáo phụ rất lớn: thánh Giuse được vẽ như một ông lão (góa vợ), mặc dù không thể xác định tuổi tác. Ông đã nghi ngờ vợ mình ngoại tình khi thấy bà mang bầu.

Nhiều tác phẩm ngụy thư khác cũng lấy lại dữ liệu của Tiền Phúc âm thánh Giacôbê: Tin mừng mạo-Matthêu (Pseudo Mattheum, thế kỷ VII-VIII), Tin mừng thơ ấu bằng tiếng arap (hay: Tin mừng thơ ấu tiếng syriac, thế kỷ VI-VII), Tin mừng thơ ấu tiếng armêni (khoảng năm 590).

Ngoài những chi tiết liên quan đến thánh Giuse, thiết tưởng cũng nên ghi nhận những ảnh hưởng khác của tác phẩm đối với phụng vụ, cụ thể là danh tính của thân sinh đức Maria (ông Gioakim và bà Anna) và lễ đức Maria dâng mình vào đền thờ.

5/ Cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu theo thánh Tôma

Đừng nên lẫn lộn với “Tin mừng thánh Tôma” (một hợp tuyển các lời nói của Chúa Giêsu, được viết vào tiền bán thế kỷ II). Sách “Cuộc đời thơ ấu” (Ta paidika tu Kyriou) không chứa đựng đạo lý quan trọng, nhưng được viết ra do óc hiếu kỳ. Cậu bé Giêsu, con ông Giuse, thường quấy phá các bạn bè. Được thầy giáo và hàng xóm mách bảo, ông Giuse cũng chỉ trách lấy lệ, chứ không dám làm mạnh tay bởi vì ông biết con mình là một nhân vật khác thường. Trên thực tế, cậu bé làm phép lạ dễ như chơi, dù khi phụ giúp cha trong nghề thợ làm mộc, dù khi chơi giỡn với chúng bạn.

6/ Chuyện ly trần của ông Giuse thợ mộc

Nội dung tường thuật những giây phút cuối đời của thánh Giuse, được Chúa Giêsu kể lại cho các môn đệ ở trên núi Cây Dầu.

Có lẽ tác phẩm này xuất phát từ Ai cập vào khoảng thế kỷ thứ IV-V ; ngày nay chỉ còn giữ được thủ bản bằng tiếng arap và coptô. Một ý kiến khác cho rằng tác phẩm này ra đời sớm hơn nữa, khoảng thế kỷ II, tại Nazareth, để đọc bên mộ thánh Giuse vào dịp giỗ ngày qua đời (ngày 26 tháng Abib theo lịch coptô, tương đương với ngày 2 tháng 8 dương lịch). Khi các Kitô hữu gốc Do thái bị hoàng đế Eracliô (610-614) trục xuất khỏi Nazareth, họ di cư sang Ai cập, mang theo bản văn và dịch ra tiếng địa phương (với nhiều chi tiết được thêm thắt).

Thánh Giuse quê tại Bêlem làm thợ mộc, nhưng cũng là người học thức. Ông lấy vợ và có 4 con trai: Giuđa, Giosep, Simon và Giacôbê, và hai con gái: Lisia và Lyđia.

Ông lấy bà Maria, và bà đã mang thai cách lạ lùng. Một thiên sứ đã hiện ra để giải thích cho ông. Sau khi sinh con, ông phải đưa hài nhi sang Ai-cập lánh nạn, cùng với bà Salomê. Sau một năm ngụ cư ở đất khách, ông đưa thánh gia trở về Nazareth. Các đứa con lớn của ông đã lập gia đình, chỉ còn đứa út (Giacôbê) ở lại sống chung với cậu Giêsu.

Lúc ông được 111 tuổi và dù sức khoẻ còn tốt, một thiên sứ hiện ra báo tin đã tới lúc ly trần. Ông lên đền thờ Giêrusalem cầu nguyện, và khi trở về Nazareth thì ngã bệnh. Ông đâm ra bàng hoàng lo sợ, nghĩ tới bao nhiêu tội lỗi đã phạm. Chúa Giêsu đã đến bên giường trấn an. Đức Maria cũng ở bên cạnh cùng với các con cái quây quần. Trước khi nhắm mắt, ông đã xin lỗi đức Maria bởi vì đã có lúc nghi ngờ đức khiết tịnh của bà. Mọi người oà lên khóc. Đức Giêsu đã xin Thiên Chúa sai thiên thần Micael và Gabriel đưa linh hồn ông về trời. Đám tang được tổ chức long trọng ở Nazareth, do Chúa Giêsu chủ sự buổi cầu nguyện và hứa không để thân xác ông bị tan rữa.

Ở chương XIV, tác phẩm tóm tắt niên biểu cuộc đời của ông Giuse như sau: lúc 40 tuổi ông lập gia đình với bà Melcha (hay Escha) và sống với bà này được 49 năm, sinh được bốn trai hai gái. Như vậy, khi vợ mất thì cụ đã được 89 tuổi rồi. Một năm sau, cụ được lệnh phải lấy cô Maria (lúc ấy mới có 12 tuổi). Sau đó hai năm, cô Maria có thai, và khi Chúa Giêsu ra đời thì cụ đã được 93 tuổi. Cụ qua đời khi Chúa Giêsu lên 18 tuổi, hưởng thọ 111 tuổi. Tại sao lại già quá vậy ” Theo cha Pierre Benoit O.P., tại vì tổ phụ Giuse trong Cựu ước qua đời lúc 110 tuổi, nên ông Giuse trong Tân ước phải được tăng thêm một tuổi!

Sau cùng, thiết tưởng nên ghi nhận lưu truyền về ngôi mộ của thánh Giuse: một lưu truyền cho rằng ngôi mộ của Người ở Nazareth, một lưu truyền khác cho rằng ngôi mộ ở Giêrusalem, bên cạnh thánh Gioakim và Anna.

                                                                  Kết luận

Đừng kể những chi tiết được thêu dệt để thoả tính tò mò, ta thấy mối bận tâm chính của các lưu truyền này là bênh vực đạo lý về sự trinh khiết của Đức Maria: Người mang thai do quyền năng Thánh Thần, và suốt đời giữ mình trinh khiết. Tại sao các sách Phúc âm lại nói đến các anh em của Chúa Giêsu? Nhằm trả lời câu hỏi đó, các tác giả sách ngụy thư cho rằng họ là những người con mà thánh Giuse đã có với một bà vợ trước.

Ngày nay, khoa chú giải Kinh thánh tìm cách giải thích cách khác (anh em theo nghĩa là anh em họ), nên không cần tới giả thuyết anh em cùng cha khác mẹ nữa. Ngoài ra cũng nên biết là ngay từ thời Trung cổ, thánh Tôma Aquinô đã bác bỏ những truyền kỳ đó, và quả quyết rằng thánh Giuse trinh khiết suốt đời (Summa Theologica, III, q.28, a.3, ad 5m). Nhiều bức tranh cũng vẽ thánh Giuse cầm cây bông huệ tượng trưng sự trinh khiết.

[1] J.M. Canal Sanchez, San José en los apocrifos del Nuevo Testamento, in: AA.VV., San Giuseppe nei primi quindici secoli della Chiesa, Lib.Ed. Murialdo, Roma 1971, 123-149.

[2] Theo sách Talmud, bà Maria có con với chàng Pandera, một tên lính Rôma. Có lẽ người ta muốn chế nhạo, bằng cách cắt nghĩa tính từ Hy-lạp parthênos (đồng trinh) là tên riêng của một người đàn ông: không phải là sinh bởi mẹ ?đồng trinh” nhưng là bởi Pandera. Chưa hết, khi lớn lên, chàng Giêsu sang Ai cập để học nghề phù thuỷ. Đó là nguồn gốc các ?phép lạ? sau này.

[3] Xem ra tác giả mẫu thuẫn: bởi vì một đàng ông Giuse lấy bà Maria làm vợ (VIII,3), cho nên chuyện có thai phải kể là thường tình ; tuy nhiên đàng khác, khi thượng tế trao Maria cho Giuse, thì ông được dặn dò là bà Maria được giao cho ông trông nom mà thôi (IX 3; XV,1-4).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here