Thánh Gioan Thánh Giá

0
7386

 

Trích ĐGH Bênêdictô XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ (Tp. HCM: Nxb Phương Đông, 2017),
tr. 400-412.

Đây là vị “Tiến Sĩ Thần Bí,” nhà thần học vĩ đại của gia đình Cát Minh. Thánh Gioan Thánh Giá để lại nhiều bài thơ đậm chất thần bí và giàu tư tưởng thần học, nhấn mạnh tới cuộc thanh luyện linh hồn. Bốn tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngày nay là “Đường Lên Núi Cát Minh,” “Đêm Tối,” “Bài Thánh Ca Thiêng Liêng” và “Lửa Tình Yêu Hằng Sống.” Đức Bênêđictô XVI đã dành buổi tiếp kiến chung ngày 16 tháng 02 năm 2011 để nói về cuộc đời và tư tưởng của thánh nhân.

*****

Anh chị em thân mến,
Lần trước, tôi đã giới thiệu một nhà thần bí vĩ đại người Tây Ban Nha, thánh nữ Têrêsa Giêsu. Hôm nay, tôi sẽ nói về một vị thánh quan trọng khác cũng là người Tây Ban Nha, bạn thiêng liêng của thánh nữ Têrêsa, đã cùng với thánh nữ cải tổ “Gia Đình Cát Minh”: đó là thánh Gioan Thánh Giá. Ngài đã được đức giáo hoàng Piô XII tuyên phong là “Tiến Sĩ Hội Thánh” vào năm 1926, và theo truyền thống, ngài được biết đến với danh hiệu là vị “Tiến Sĩ Thần Bí” (Doctor Mysticus).

Gioan Thánh Giá sinh năm 1542 tại một ngôi làng nhỏ miền Fontiveros, gần Avila thuộc vùng Castille, là con của ông Gonzalo de Yepes và bà Catalina Alvarez. Gioan sinh trưởng trong một gia đình rất nghèo. Thân phụ của ngài, ông Gonzalo, vốn xuất thân từ dòng dõi quý tộc, nhưng sau đó bị trục xuất và không được nhìn nhận là một thành viên trong gia đình vì đã cưới cô Catalina, một thợ dệt lụa, thuộc tầng lớp thấp kém.

Gioan mất thân phụ khi còn ở độ tuổi rất nhỏ. Lúc lên 9, ngài đã cùng với thân mẫu và người em trai là Francisco, di chuyển đến Medina del Campo, không xa Valladolid, một trung tâm thương mại và văn hóa của Tây Ban Nha thời bấy giờ. Tại đây, ngài theo học ở trường Colegio de los Doctrinos, và đảm nhận vài công tác khiêm hạ cho các nữ tu của Tu viện và nhà thờ Mađalena. Sau khi được chứng nhận có phẩm chất đạo đức tốt và kiến thức vững vàng, Gioan bắt đầu làm trợ tá cho bác sĩ ở Bệnh viện Conception, rồi tiếp tục theo học ở trường Cao đẳng của dòng Tên, mới được thiết lập ở Medina del Campo. Gioan chính thức học ở trường Cao đẳng này năm mười tám tuổi và nghiên cứu các môn khoa học Nhân văn, Hùng biện, Cổ ngữ trong khoảng ba năm. Lúc mãn chương trình học, Gioan có trực giác về ơn gọi tu trì. Trong số rất nhiều dòng đang hiện diện ở Medina, ngài cảm thấy như được mời gọi đến với Anh Em Cát Minh.

Mùa hè năm 1563, Gioan bắt đầu thời gian tập viện ở một tu viện Cát Minh trong thị trấn, nhận danh hiệu là Juan de San Mattia. Một năm sau đó, ngài theo học tại trường Đại học danh tiếng Salamanca, nghiên cứu Nhân văn và Triết học khoảng ba năm.

Năm 1567, ngài được thụ phong linh mục và trở về Medina del Campo để cử hành thánh Lễ Tạ Ơn, với sự tham dự đông đảo của gia đình huyết thống. Chính tại đây, lần đầu tiên Gioan gặp thánh nữ Têrêsa Giêsu. Cuộc gặp gỡ này mang tính quyết định cho cả hai vị. Têrêsa đã giải thích cho Gioan về kế hoạch cải tổ dòng Cát Minh của mình, bao gồm cả ngành nam của dòng, và đề nghị Gioan ủng hộ kế hoạch này nhằm “vinh danh Chúa hơn.” Vị linh mục trẻ đã bị cuốn hút bởi ý tưởng của thánh nữ Têrêsa, đến nỗi can đảm trở thành người tiên phong trong kế hoạch cải tổ này.

Hai vị có mấy tháng làm việc chung với nhau, cùng chia sẻ lý tưởng và soạn thảo kế hoạch, muốn bắt đầu tiến trình cải tổ bằng việc thành lập cộng đoàn Cát Minh không đi giày đầu tiên, tiến hành càng sớm càng tốt. Và một cộng đoàn như thế đã chính thức xuất hiện vào ngày 28 tháng 12 năm 1568, tại Duruelo, một nơi hẻo lánh thuộc tỉnh Avila.

Cộng đoàn Cát Minh không đi giày theo tinh thần cải tổ này gồm có Gioan và ba bạn đồng hành. Đời sống tu trì của họ có nhiều thay đổi, quay lại nếp sống nhiệm nhặt với bản Tu luật nguyên thủy, mỗi thành viên nhận lấy một danh xưng mới: từ đây Gioan lấy danh hiệu là “Thánh Giá,” và cho đến ngày nay, ngài vẫn được biết đến trên toàn thế giới với danh hiệu đáng kính này.

Cuối năm 1572, theo lời đề nghị của Têrêsa, Gioan trở thành cha giải tội và vị đại diện của đan viện Nhập Thể ở Avila, nơi Têrêsa Giêsu làm Bề trên. Đây là khoảng thời gian hai vị đã cộng tác thân thiết và xây dựng tình bạn hữu thiêng liêng, làm phong phú tinh thần cho cả hai. Những tác phẩm quan trọng nhất của Têrêsa cũng như của Gioan ra đời trong khoảng thời gian này.

Việc cải tổ dòng Cát Minh không dễ dàng, Gioan nỗ lực kêu gọi anh em cộng tác, và rồi ngài phải chịu nhiều đau khổ. Chuyện tệ hại nhất xảy ra vào năm 1577, Gioan bị bắt giam trong ngục tại một Tu viện theo luật cũ, với một cáo trạng bất công. Ở chốn lao tù, Gioan phải chịu túng thiếu và kìm kẹp cả về thể lý lẫn tinh thần. Tại đây, ngài đã sáng tác bài thơ nổi tiếng, với nhan đề “Bài Thánh Ca Thiêng Liêng”, cùng với nhiều bài thơ khác. Cuối cùng, vào đêm ngày 16 rạng sáng ngày 17 tháng 8 năm 1578, Gioan thực hiện một cuộc đào tẩu mạo hiểm và tìm đến trú ẩn tại tu viện của các nữ tu Cát Minh cải tổ trong thị trấn. Thánh Têrêsa và các bạn hữu cùng chí hướng của ngài rất vui mừng vì Gioan được tự do, và sau đó, ngài ở lại đó ít lâu, đến khi bình phục sức khoẻ hoàn toàn, mới chuyển đến Andalusia, nơi đây ngài cư trú trong nhiều tu viện khác nhau khoảng 10 năm, đặc biệt ở Granada.

Gioan ngày càng được trao phó những chức vụ cao hơn trong dòng, cho đến khi ngài trở thành vị đại diện Tỉnh dòng và đã hoàn tất vài khảo luận về đời sống tâm linh. Sau đó, ngài trở về vùng đất đã sinh trưởng, với cương vị là một thành viên trong ban tổng đại diện của gia đình Cát Minh Têrêsa, khi ấy đã có được sự tự trị hoàn toàn về mặt pháp lý.

Gioan đến sống ở Carmel Segovia, đảm nhận chức bề trên của cộng đoàn. Năm 1591, ngài được cắt hết tất cả trọng trách và được bổ nhiệm đến một tỉnh dòng mới ở Mêxicô. Trong thời gian chuẩn bị cho chuyến hành trình dài cùng với 10 bạn đồng hành, Gioan lui về một tu viện hẻo lánh ở gần Jaen, nơi đây ngài ngã bệnh nặng.

Thánh nhân đối diện với đau khổ bệnh tật bằng một thái độ bình thản và kiên nhẫn. Ngài qua đời vào giữa đêm ngày 13 rạng sáng ngày 14 tháng 12 năm 1591, khi anh em còn đang nguyện kinh sáng. Rời bỏ anh em, thánh nhân nói: “Hôm nay, tôi sẽ nguyện kinh trên Thiên Đàng.” Thi thể của ngài được di dời đến Segovia. Ngài được đức giáo hoàng Clêmentê X phong Chân phước vào năm 1675 và được đức giáo hoàng Bênêdictô XIII phong thánh vào năm 1726.

Gioan được xem là một trong những nhà thơ nổi bật nhất của nền văn chương Tây Ban Nha. Bốn tác phẩm chính của ngài là “Đường Lên Núi Cát Minh,”“Đêm Tối,”“Bài Thánh Ca Thiêng Liêng,” và “Lửa Tình Yêu Hằng Sống.”

Trong tác phẩm “Bài Thánh Ca Thiêng Liêng,” thánh Gioan Thánh Giá giới thiệu một tiến trình thanh luyện của linh hồn diễn ra từng bước. Linh hồn phấn khởi khi dần đạt đến Thiên Chúa, cho tới khi cảm nghiệm được rằng, linh hồn yêu mến Thiên Chúa bằng một tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu mến linh hồn. Tác phẩm “Lửa Tình Yêu Hằng Sống” tiếp tục làm rõ quan điểm này, bằng cách mô tả chi tiết hơn tình trạng biến đổi, nên một với Thiên Chúa.
Thí dụ mà Gioan thường sử dụng là ngọn lửa: lửa cháy càng mạnh, càng thiêu huỷ mùn gỗ, thì càng bừng sáng cho đến khi tất cả thành một ngọn lửa lớn; cũng thế, Thánh Thần, Đấng thanh luyện và “tẩy rửa” linh hồn suốt thời kỳ đêm tối, cũng soi sáng và đốt nóng linh hồn, cho đến khi linh hồn hóa thành ngọn lửa. Sự sống của linh hồn là lời tán dương không ngừng của Thánh Thần, Đấng vén mở cho chúng ta thoáng thấy phần vinh quang Thiên Quốc vì được kết hiệp với Thiên Chúa trong vĩnh cửu.

Tác phẩm “Đường lên núi Cát Minh” trình bày một hành trình tâm linh, khởi đi từ việc thanh luyện linh hồn, là điều vô cùng cần thiết để đạt tới đỉnh cao của sự trọn lành Kitô giáo, được biểu trưng hóa bằng đỉnh núi Cát Minh. Hành trình thanh luyện này do con người đảm nhận, có sự tác động của ơn thánh, sẽ giúp giải thoát linh hồn khỏi mọi quyến luyến hay gắn bó với những gì chống lại thánh ý Thiên Chúa.

Để đạt đến sự hiệp nhất trọn vẹn trong tình yêu Thiên Chúa, thì linh hồn cần phải trải một hành trình thanh luyện, khởi đầu bằng việc thanh luyện các giác quan, rồi tiếp tục bằng việc sống ba nhân đức hướng Chúa: Tin, Cậy, Mến, hầu thanh luyện lý trí, ký ức và ý chí.

Tác phẩm “Đêm tối” mô tả khía cạnh “thụ động,” ở đó, Thiên Chúa can thiệp vào tiến trình thanh luyện linh hồn. Thật vậy, chỉ cố gắng tự sức mình, con người không thể triệt tiêu căn nguyên sâu xa của những khuynh hướng và nết xấu nơi bản thân: tất cả những gì linh hồn có thể thực hiện là kiểm điểm chúng, nhưng không thể hoàn toàn bứng đi gốc rễ chúng. Tiến trình này cần sự tác động đặc biệt của Thiên Chúa, Đấng thanh luyện triệt để linh hồn và chuẩn bị cho linh hồn những điều kiện xứng hợp nhất, hầu có thể nên một trong tình yêu của Người.

Thánh Gioan mô tả tiến trình thanh luyện này như là một tiến trình “thụ động,” mặc dù linh hồn chấp nhận đi vào, nhưng tiến trình này diễn ra nhờ được tác động nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần, Đấng như một ngọn đuốc bừng cháy, đốt cháy mọi điều ô uế. Trong tình trạng này, linh hồn chịu khuất phục trước mọi thử thách, như thể linh hồn ở trong đêm tối vậy.

Tri thức về hành trình tâm linh được tìm thấy trong các tác phẩm nổi tiếng nhất của thánh Gioan, giúp chúng ta tiếp cận những điểm nổi bật về đạo lý thần bí thâm sâu của ngài, mục đích là mô tả một con đường chắc chắn để đạt đến sự thánh thiện, đến tình trạng thành toàn viên mãn mà Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta.

Theo Gioan Thánh Giá, tất cả những gì hiện hữu đều do Thiên Chúa dựng nên và tự bản chất là tốt lành. Vì thế, qua các thụ tạo, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa, Đấng đã khắc ghi nơi thụ tạo dấu tích của chính Người. Trong mọi trường hợp, đức tin luôn là nguồn mạch giúp con người nhận biết Thiên Chúa đúng như Người là, xét trong nội tại, Một Chúa Ba Ngôi. Tất cả những gì Thiên Chúa muốn là trò chuyện với con người, Thiên Chúa nói trong Đức Giêsu, là Lời đã mặc lấy xác phàm. Đức Giêsu Kitô là con đường duy nhất và đáng tin cậy nhất dẫn chúng ta đến với Chúa Cha (x. Ga 14,6). Bất kỳ thứ gì được tạo ra, thì hiển nhiên, chẳng là gì so với Thiên Chúa, và không có giá trị gì nếu ở ngoài Thiên Chúa; vì vậy, để đạt đến tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa, mọi tình yêu khác phải được quy chiếu vào Đức Kitô mà đến với tình yêu Thiên Chúa.

Điều này dẫn tới lời khẳng định của thánh Gioan Thánh Giá về sự cần thiết phải thanh luyện và tự làm trống rỗng nội tâm, ngõ hầu được biến đổi trong Thiên Chúa, đó là cùng đích duy nhất của sự trọn lành.

Sự “thanh luyện” này không hệ tại ở việc loại bỏ đi mọi thứ thuộc về thể lý, hoặc không muốn dùng đến thế giới vật chất; trái lại điều làm cho linh hồn nên thanh khiết và tự do chính là loại bỏ đi sự lệ thuộc vào thế giới thụ tạo này một cách vô trật tự. Mọi thứ phải được đặt trong Thiên Chúa như là trọng tâm và cùng đích của đời sống chúng ta.

Dĩ nhiên, tiến trình thanh luyện rất dài và gian khó, đòi hỏi nỗ lực của bản thân, nhưng tác nhân thực sự vẫn là Thiên Chúa: điều có thể thực hiện ở phía con người là làm cho mình trở nên “sẵn sàng,” mở rộng tâm hồn đón nhận sự tác động của ơn thánh và không để cho bất kỳ rào cản nào xuất hiện ngăn trở ơn thánh. Bằng việc sống các nhân đức Tin – Cậy – Mến, con người nâng bản thân mình lên và làm cho cuộc tận hiến của mình trở nên rất giá trị. Tiến trình thanh luyện giúp tăng trưởng đức tin, đức cậy, và đức mến, từng bước kết hiệp với Thiên Chúa, cho tới khi linh hồn được chuyển biến trong Người.

Khi tiến trình thanh luyện đạt đến cùng đích, linh hồn được chìm ngập vào trong đời sống của Ba Ngôi, từ đó thánh Gioan Thánh Giá khẳng định rằng, linh hồn sẽ vươn lên tới chỗ yêu mến Thiên Chúa bằng một tình yêu giống với tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương linh hồn, vì Người vẫn yêu thương linh hồn trong Thần Khí của Người.

Vì lý do này mà vị Tiến Sĩ ThầnBí khẳng định rằng, sẽ không có sự hiệp nhất thực thụ trong tình yêu với Thiên Chúa, nếu không đạt đến cực điểm trong sự hiệp nhất Ba Ngôi. Ở giai đoạn cuối cùng này, linh hồn thánh thiện nhận biết mọi thứ nơi Thiên Chúa và không còn phải nhờ các thụ tạo để vươn tới Thiên Chúa nữa. Giờ đây, linh hồn cảm thấy được chìm ngập trong tình yêu Thiên Chúa và hỷ hoan trong tình yêu Thiên Chúa mà không có gì cản trở.

Sau cùng, một câu hỏi đặt ra là: phải chăng thánh Gioan Thánh Giá, trong quan điểm thần bí trổi vượt, với rất nhiều đòi hỏi khác nhau của hành trình thanh luyện linh hồn hầu đạt đến đỉnh cao trọn lành, chẳng cóbất cứ điều gì để nói với chúng ta hôm nay, những Kitô hữu bình thường, đang sống cuộc đời thường nhật, cùng với những điều kiện hết sức bình dị mà thôi? Phải chăng thánh Gioan Thánh Giá là một khuôn mẫu điển hình chỉ dành cho một vài linh hồn ưu tuyển nào đó, vốn thực sự đủ khả năng đảm nhận hành trình thanh luyện này, hay chỉ dành cho những vị khổ tu thần bí mà thôi?

Để có câu trả lời, trước hết, chúng ta phải ghi nhớ rằng, cuộc đời của thánh Gioan Thánh Giá không phải luôn suôn sẻ, lướt trên “những đám mây thần bí”; đúng hơn ngài đã trải qua nhiều gian khổ, cụ thể và rõ ràng, vì là một nhà cải tổ dòng Cát Minh, ngài đã bị rất nhiều người chống đối, cả từ phía Bề trên tỉnh dòng, đồng thời, trong thời gian ở chốn lao tù do anh em hiểu lầm, ngài đã hứng chịu những lời nhục mạ cay nghiệt và bị hành hạ cách tàn bạo.

Tuy rằng, cuộc đời của thánh Gioan có nhiều đau khổ, nhưng trong thời gian mấy tháng ở tù, ngài đã viết một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất của mình. Và vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng, hành trình với Đức Kitô, đồng hành với Đức Kitô, Con Đường, không phải là chất thêm gánh nặng cho cuộc đời của chúng ta, không phải là điều gì đó vốn làm cho gánh cuộc đời của chúng ta thêm nặng, nhưng là một điều gì đó hoàn toàn khác biệt. Đó là nguồn ánh sáng, nguồn động lực giúp chúng ta mang lấy gánh nặng và bước trên hành trình này.

Nếu ai đó cưu mang tình yêu cao cả nơi bản thân mình, thì tình yêu sẽ mang đến cho người ấy đôi cánh, nhờ thế, người ấy có thể đương đầu với tất cả những phiền muộn của cuộc đời dễ dàng hơn, bởi chất chứa trong mình nguồn ánh sáng vĩ đại; đây là niềm tin của chúng ta: được Thiên Chúa yêu thương và để cho chính mình được Thiên Chúa yêu thương trong Đức Giêsu Kitô. Để cho chính mình được Thiên Chúa yêu là ánh sáng Thiên Chúa, giúp chúng ta mang lấy gánh nặng hằng ngày.

Và sự thánh thiện cũng không phải là một hành động quá khó khăn đối với chúng ta, nhưng phải hiểu rằng, thánh thiện chính xác là hãy “mở rộng”: mở rộng những cánh cửa của linh hồn để ánh sáng của Thiên Chúa chiếu vào, và đừng bao giờ lãng quên Thiên Chúa; vì chính khi rộng mở cho ánh sáng Thiên Chúa chiếu vào tâm hồn, con người đón nhận sức mạnh, tìm được niềm vui ơn cứu độ.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta khám phá sự thánh thiện này, để chính chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, vì Người là cùng đích và là ơn cứu độ đích thực của toàn thể nhân loại.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here