THÁNH GIOAN AVILA, TIẾN SĨ HỘI THÁNH

0
2575

Manuel Ruiz Jurado S.I.

(Trích Thời Sự Thần Học số 57 (tháng 8/2012), trang 130-144

Nhân kỷ niệm 450 năm, ngày tạ thế 10-05–1569/ 2019 )

Trong hai vị thánh sắp được phong tiến sĩ Hội thánh, cha Gioan Avila (Juan de Avila) được tặng biệt hiệu là “tiến sĩ về chức linh mục”. Cha sinh ngày 6/1/1499 (có nơi viết là 1500), thụ phong linh mục năm 1526, qua đời ngày 10/5/1569. Cha được phong chân phước ngày 4/4/1894 và hiển thánh ngày 31/5/1970. Cha được Đức Piô XII đặt làm quan thầy các linh mục giáo phận của nước Tây-ban-nha ngày 2/7/1946. Tác giả bài này, giáo sư đại học Grêgorianô Roma, giải thích ý nghĩa của chức tiến sĩ Hội thánh, và trình bày lý do vì sao thánh Gioan Avila được phong “tiến sĩ”. Nên biết là trong tiếng La-tinh, “doctor” là thầy dạy (do động từ “docere”), vì thế trong bài này, đôi khi được dịch là “thầy dạy” cho hợp với mạch văn. Nguyên tác tiếng Ý được đăng trên báo Civiltà Cattolica số 3888, ra ngày 16/6/2012, trang 579-588.

Đối với những người đã quen biết thánh Gioan Avila, thì việc tuyên phong Tiến sĩ Hội thánh vào ngày 7 tháng 10 tới đây là một điều đáp ứng một ước mong và thỉnh nguyện từ lâu. Đối với đức thánh cha Phaolô VI, đây là một hệ luận của bài giảng cao siêu được đọc trong dịp phong hiển thánh cho ngài vào năm 1970. Đối với đức Bênêđictô XVI, ngoài những xác tín cá nhân, đây là tận điểm của một tiến trình dựa theo những quy luật mới đây về việc tôn phong tiến sĩ Hội thánh cho một vị thánh: sự nhìn nhận chính thức của đức thánh cha, sau khi đã có ý kiến thuận của Bộ Giáo lý đức tin và Bộ phong thánh, và của Mật hội các hồng y. Những chặng còn lại là đức giáo hoàng ban hành sắc lệnh và công bố cho toàn thể Hội thánh.

Các “tiến sĩ” trong Hội thánh

Trong Hội thánh nguyên thủy đã có các “tiến sĩ” (thầy dạy). Trong thư gửi các tín hữu Ephêsô (4,11), thánh Phaolô coi những tiến sĩ như là một ân huệ mà Chúa Kitô ban cho Hội thánh. Đức Kitô đã thiết lập các tông đồ, ngôn sứ, người loan báo tin mừng, mục tử và tiến sĩ để xây dựng Hội thánh là Thân thể của Người. Trong Hội thánh, mỗi người phải thi hành tác vụ hay chức năng của mình, nhắm kiện toàn sự hợp nhất và sung mãn của đức Kitô toàn diện, tùy theo mức độ ân huệ đã lãnh nhận.

Như thánh Phaolô đã giải thích trong thư gửi Timôthê, mỗi phần tử được kêu gọi góp phần làm tăng trưởng Thân thể của Chúa bằng lời giảng dạy thì hãy thi hành trong sự trung thành với Kinh thánh. Kinh thánh dạy dỗ ơn cứu độ được ban nhờ đức tin vào đức Kitô. Những lời giảng dạy nào trái nghịch với Kinh thánh đều là lạc lối và dẫn tới sự lầm lẫn (2 Tm 13-17). Những ai dạy như vậy là những ông thầy (tiến sĩ) giả dối, họ không hiểu cũng chẳng biết điều mà mình nói, bởi vì điều xây dựng Hội thánh không phải là những chuyện hoang đường hay là ý tưởng của loài người nhưng là “đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thằng và đức tin chân thành” (x. 1 Tm 1,1-7).

Chính thánh Phaolô cũng như tự nhận mình là tông đồ và thầy dạy (tiến sĩ) của dân ngoại trong đức tin và chân lý. Các giám mục do chức vụ cũng là những thầy dạy (tiến sĩ) trong Hội thánh (x.1 Tm 3,1-3) và phải thi hành nhiệm vụ như là những “người phục vụ tốt của đức Kitô” bằng cách phi bác những học thuyết giả dối và sai lầm và truyền thụ cho các tín hữu những học thuyết phù hợp với Tin mừng (x. 1 Tm 4,1-11; Tt 1,7-9).

Trong danh sách những đặc sủng mà Chúa ban cho Hội thánh, thánh Phaolô (x. 1Cr 12,28-31) kể thứ nhất là các tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ và thứ ba là các thầy dạy (tiến sĩ). Rồi đến các đặc sủng làm phép lạ, chữa bệnh, nói nhiều ngôn ngữ, hoặc giải thích ngôn ngữ, rồi cuối cùng Người khẳng định rằng đặc sủng cao cấp nhất là đức ái.

Ngày nay trong Hội thánh chúng ta dễ nhận thấy sự phân biệt giữa các tông đồ và các giám mục, nhưng khó phân biệt được các ngôn sứ và thầy dạy (tiến sĩ). Một người có bằng tiến sĩ thần học, lãnh nhận năng quyền giảng dạy trong Hội thánh sau khi đã hoàn tất chương trình học và tuyên thệ trung thành với huấn quyền Hội thánh. Nhưng trong những danh sách các chức vụ của Hội thánh mà thánh Phaolô để lại, thì chúng thấy rằng trong Hội thánh nguyên thủy, các “thầy dạy” (tiến sĩ) là những người trung thành với giáo huấn đã học trong Hội thánh, được Thánh Linh ban cho để dạy dỗ các tín hữu, và được cộng đoàn Giáo hội nhìn nhận như vậy (x. Rm 12,4-8) [1]

Các “tiến sĩ Hội thánh” được nhìn nhận trong phụng vụ

Trong dòng lịch sử, Hội thánh nhận thấy cần đề cao vài nhân vật (là giám mục hay không) bằng đời sống và giáo huấn đã đặc biệt góp phần – và theo phán đoán của Hội thánh sẽ còn góp phần – vào việc xây dựng dân Thiên Chúa nhờ đạo lý trổi vượt và đặc sủng giảng dạy. Vì thế trải qua thời gian, Hội thánh đã tôn vinh trước hết là các giáo phụ (những người cha của Hội thánh), và kế đến là các tiến sĩ (thầy dạy của Hội thánh) trong số những vị thánh nổi bật về đạo lý cao siêu và đời sống gương mẫu. Tên của họ được nhắc đến trong Phụng vụ Giờ kinhSách Lễ. Trong số 33 tiến sĩ hiện nay, phần lớn là các giám mục (một vài giáo hoàng, hồng y, vv); nhưng trong số đó một vài đan sĩ hay tu sĩ (viện phụ, linh mục giáo sư thần học) và vài phó tế (thánh Ephrem); gần đây thêm bốn nữ tu: thánh Caterina Siena và thánh Têrêsa Giêsu, thánh Tê­rêsa Giêsu hài đồng và thánh Hildegarda Bingen, sẽ được tuyên phong “tiến sĩ” cùng ngày với thánh Gioan Avila.

Các ngài sống vào những thế kỷ khác nhau của lịch sử Hội thánh, từ thế kỷ IV cho đến thế kỷ XIX. Hầu như thế kỷ nào cũng có một vài “tiến sĩ”. Thánh Tôma Aquinô (thế kỷ XIII), một linh mục dòng Đaminh và giáo sư thần học, được tôn làm “tiến sĩ” Hội thánh năm 1567 dưới thời đức giáo hoàng Piô V. Nhiều giáo hoàng và giám mục thời cổ được tôn làm “tiến sĩ” trong thế kỷ XVII, vài vị trong thế kỷ XIX; một số khác mới được phong trong thế kỷ XX. Nhiều vị “tiến sĩ” hoạt động vào thế kỷ XVI: Robertô Bellarminô, Phêrô Canisiô, Têrêsa Giê­su, Gioan Thánh giá, Laurenxô Brindisi; thêm vào đó là thánh Gioan Avila, linh mục và thầy dạy các linh mục.

Vài vị thánh được phong “tiến sĩ” Hội thánh vì học thuyết nổi bật được trình bày trong các khảo luận thần học hoặc các tác phẩm khác, một số khác qua những bài giảng: chúng ta nghĩ cách riêng đến thánh Gioan Kim khẩu và thánh Phêrô Kim ngôn (thế kỷ V), hoặc các bài giảng của thánh Antôn Pađôva (thế kỷ XIII).

Thánh Gioan Avila: thân thế và tác phẩm

Trong chuyến viếng thăm Tây-ban-nha mới đây, đức thánh cha Bênêđictô XVI đã nhắc đến thánh Gioan Avila như là một trong số vĩ nhân của Giáo hội Tây-ban-nha hồi thế kỷ XVI. Người sống đồng thời với những nhân vật nổi tiếng tựa như thánh Inhaxiô Loyola, thánh Phanxicô Xavier, thánh Tê­rêsa Giêsu và thánh Gioan Thánh giá. Hiện nay thánh Gioan Avila là quan thầy của hàng giáo sĩ Tây-ban-nha.

Gioan Avila đã theo học luật khoa tại Đại học Sala­manca, và chương trình đào tạo linh mục tại Alcala de Henares, một lò đào tạo nhiều nhà trí thức và vị thánh ở thời ấy. Chào đời năm 1499 trong một gia đình thượng lưu và đạo đức ở Almodóvar del Campo (Ciudad Real), anh được gửi đi học luật khoa ở Salamanca. Nhưng anh đã bỏ dở việc học hành, trở về gia đình, sống gần ba năm khắc khổ và cầu nguyện, cho đến khi được cổ động tinh thần nhờ một tu sĩ Phan-sinh, anh đến Alcala để học và chịu chức linh mục.

Sau khi đã thụ phong linh mục (1526), cha đã từ bỏ tài sản và muốn đi truyền giáo ở châu Mỹ. Thay vì tổ chức yến tiệc linh đình vào dịp này như tục lệ, cha đã khoản đãi mười hai người nghèo và đứng ra hầu bàn cho họ. Đang khi chờ đợi xuống tàu sang châu Mỹ, cha sống đời đạm bạc tại Sevilla, nhưng rồi vị tổng giám mục thành phố này, đức cha Alonso Manrique đã khám phá biệt tài giảng thuyết Tin mừng của cha, và truyền cha phải ở lại Sevilla. Lập tức cha đã thu hút được nhiều người đến nghe giảng, hoặc những người mong muốn được hướng dẫn tâm linh và các linh mục ước ao được học hỏi nơi cha.

Có những người ganh tị vì thấy cha nổi tiếng hoặc khó chịu về những bài giảng thẳng thắn của cha, vì thế cha bị tố cáo là lạc đạo trước tòa giáo pháp (Inquisitio), và cha bị ngồi tù gần một năm, và sau đó được phóng thích vì xét thấy vô can vào tháng 6 năm 1553. Chính trong lúc bị giam tù và không muốn tự biện hộ, mà cha đã đào sâu mầu nhiệm Chúa Kitô và biên soạn một số tác phẩm. Khi ra khỏi tù, cha được khuyên răn là hãy thận trọng trong lời nói, và cha đã chấp nhận. Cha thi hành tác vụ linh mục tại giáo phận Cordoba, và được đức cha Domingo cho nhập tịch vào đây.

Khu vực hoạt động của cha là miền Andalucia (mạn nam nước Tây-ban-nha), với nhiều công tác khác nhau: giảng thuyết, linh hướng, cố vấn, giám đốc một trường đào tạo linh mục, thành lập các học viện để huấn luyện các thanh niên Andalucia, sáng lập đại học Baeza. Nhờ cái nhìn nội tâm được hun đúc từ trái tim Chúa Giêsu, cha quan tâm đến các vấn đề của toàn thể Hội thánh; vì thế cha đã gửi đến công đồng một dự án đào tạo các linh mục tương lai, và trình bày về những căn nguyên của lạc giáo và phương thức đối phó.

Gần đây toàn bộ tác phẩm của cha đã được xuất bản theo phương pháp phê bình; trước đó, các tác phẩm được phát hành riêng rẽ và được dịch ra nhiều ngôn ngữ: Pháp, Đức, Ý, Bồ-đào-nha, La-tinh và Hy-lạp. Những cuốn sách được quảng bá hơn cả là: “Khảo luận về đời sống tâm linh” (Audi, filia), “Khảo luận về chức linh mục” (Tratado sobre el sacerdocio), “Khảo luận về tình thương của Chúa” (Tratado del amor de Dios), “Đàm thoại với các linh mục” (Pláticas), “Huấn giáo lý về đạo lý công giáo” (Catecismo), “Thư tín” (Epistolario), “Những biên khảo về việc cải tổ” (Tratados de reforma) và các bài giảng về Thánh Thể, Đức Maria, Thánh Linh. Cha cũng để lại rất nhiều bài giảng, những bài chú giải thư gửi Galast, về các thư của thánh Gioan tông đồ, bản dịch sách Gương Chúa Giêsu.

Lời giảng và tác phẩm của cha đã gây ảnh hưởng vượt lên biên cương của nước Tây-ban-nha, và mở rộng đến nhiều trường phái linh đạo và các nhà đào tạo giáo sĩ ở các thế kỷ sau.

Tại sao phong “tiến sĩ” cho Gioan Avila?

Đức thánh cha Phaolô VI nhìn nhận rằng bản lĩnh của thánh Gioan Avila “biểu lộ nơi sứ vụ giảng thuyết”; nhưng đạo lý trổi vượt cũng tỏ ra nơi các tác phẩm của ngài. Trong bài giảng vào dịp lễ phong thánh, đức Phaolô VI giới thiệu ngài như một ngôn sứ, chiếu tỏa cho thế giới chân lý, tình yêu và hòa bình của đức Kitô [2]. Trong Kiến nghị cải tổ đệ lên công đồng Trentô, ngài đã phác họa công cuộc đào tạo các linh mục, mà công đồng đón nhận trong sắc lệnh về chủng viện.

Điều mà đức Phaolô VI mới phớt qua trong bài giảng Thánh lễ thì đã được khai triển hơn trong sắc chiếu phong thánh. Cha Gioan Avila được nhìn nhận như một người am tường đạo lý Phaolô, “một bản sao của thánh tông đồ (Phaolô)” và “một hình ảnh rõ rệt của việc rao giảng Tin mừng”[3]. Đạo lý của ngài tập trung vào mầu nhiệm Chúa Kitô theo như thánh Phaolô đã nắm bắt. Học thuyết của ngài đã chứa đựng đạo lý về Thân thể mầu nhiệm của đức Kitô, mà về sau này Hội thánh đã khai triển. Ngài có một đức tin trong sáng, lòng yêu mến Đức Kitô và Hội thánh nồng nàn khiến cho ngài, giống như thánh Phaolô, mong muốn thấy Hội thánh “không còn tì ố nhăn nheo”[4].

Ngày nay, nhờ sự tiến triển của khoa thần học tâm linh, chúng ta có thể nhận thấy rằng thánh Gioan Avila đã triển khai quan điểm của thánh Phaolô về sự thánh thiện Kitô giáo: khởi đi từ kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa trong đức Kitô (x. Ef 1), sự thánh thiện được đặt nền trong bí tích rửa tội và tăng trưởng dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, đưa mỗi người tín hữu đến chỗ nên đồng hình đồng dạng với đức Kitô (x. Rm 7 và 8,1-30). Đây là một cuộc giao tranh trường kỳ giữa nếp sống theo xác phàm và nếp sống theo Thánh Linh, như là một phần của mầu nhiệm Thập giá, mà mỗi người Kitô hữu phải lãnh lấy và điều hướng sự tiến triển của mình (x. Ef 2-3; 4,15-6,20; Pl 2,1-16; Cl 1,18-­4,6). Thêm vào đó là quan điểm của thánh Phaolô về ý định của Thiên Chúa, và sự phân định ý Chúa về phía con người, để có thể đạt đến sự thể hiện ý Chúa như là con đường nên thánh (x. Rm 12; 1 Cr 12).

Thánh Gioan Avila trình bày một cái nhìn sáng sủa và sâu sắc về những đạo lý đức tin, và tỏ ra là một bậc thầy đã đạt được sự tổng hợp cao minh vẫn còn giá trị ở thời nay. Thực vậy, trong thế kỷ XX, ở nhiều đại học khắp nơi trên thế giới, rất nhiều luận án tiến sĩ và cử nhân đã nghiên cứu đạo lý của ngài, như có thể thấy ở thư tịch được Hội đồng giám mục Tây-ban-nha xuất bản nhân dịp kỷ niệm 500 năm sinh nhật của ngài [5].

Khi còn sống, cha Gioan Avila đã được nhìn nhận là một “danh sư” (maestro); và danh hiệu này vẫn còn được duy trì sau đó. Cha đã được yêu cầu đưa ra lời phê phán cuộc đời và lời dạy phi thường của thánh Têrêsa. Nhận biết uy tín và ảnh hưởng của cha đối với đời sống nên thánh, nhiều người đã đến bàn hỏi, chẳng hạn như cha Luis de Granada, thánh Gioan Thiên Chúa, thánh Phanxicô Borgia, thánh Inhaxiô Loyola, thánh Tôma Villanova. Các vị sau đây đã nhìn nhận minh chịu ảnh hưởng của cha: thánh Gioan Ribera, thánh Phanxicô de Sales, cha Pierre de Berulle, người khởi xướng trường phái Pháp quốc[6], thánh Gioan Eudes, thánh An-phong và thánh Antôn Claret.

Đặc sủng giảng dạy

Không phải tất cả mọi người đều có đặc sủng giảng dạy. Có những thầy rất thông thái nhưng các sinh viên khó theo dõi nổi bởi vì hoặc tư tưởng của họ tối tăm hoặc vì họ không biết cách truyền đạt.

Thánh Gioan Avila được gọi là “danh sư” bởi vì ngài biết giảng dạy, trong bài giảng, trong lớp huấn giáo, trong các tác phẩm và các lời hướng dẫn. Theo đức Phaolô VI, ngài là một cha linh hướng biệt tài, mà ảnh hưởng được chứng thực qua lịch sử. Ngày nay, khi đọc tác phẩm của ngài, chúng ta thán phục vì tinh thần ngài đã được soi sáng nhờ tiếp xúc với Thiên Chúa và ngài có tài diễn tả với lời lẽ sống động, dễ hiểu, và đánh động tâm hồn người đọc.

Trong một bài giảng vào lễ Đức Mẹ lên trời, ngài nói: “Ôi, ngôi sao biển! Ngài thật xứng đáng ngự trên trời là ngai tòa! Ngai ấy thật là xứng cho ngài!”. Các thuật ngữ “sao biển” nói về thế giới này, “trên trời” mời gọi chúng ta hãy nhìn lên cao, “ngai tòa” chiếu tỏa vinh quang, đạo lý chắc chắn. Khi giảng về Chúa Giêsu, thánh nhân nói: “Chúa đã ban tất cả cho bạn, không giọt máu nào mà Chúa không đổ ra cho bạn, không những khi còn sống mà cả sau khi đã chết; bạn đã được Chúa ban cho bao nhiêu hồng ân, thế mà lại dè giữ khi phải phụng sự Chúa; bạn cho rằng thái độ vô ơn như vậy là chuyện nhỏ nhen ư?”. Có một sự đối chọi giữa Chúa với ta, giữa sống và chết, giữa hồng ân bao la và phụng sự hẹp hòi. Đó là một lưỡi gươm đâm thấu tim, nhưng lời đã được nói lên sau cuộc suy niệm dựa trên đức tin và đức mến.

Trong một chúa nhật Lễ Hiện xuống, cha Gioan Avila đã nói về Thánh Linh như sau: “Có lúc nào linh hồn bạn cảm thấy, khô khan, trống rỗng, bực bội, chán nản, và chẳng còn thấy cái gì tốt lành trên đời nữa không? Và giữa lúc chán chường, xao xuyến, thì một luồng gió đến, một hơi thở thánh, một làn khí mát mẻ mang lại cho bạn sức sống, khích lệ bạn, giúp bạn trở về với chính mình, gợi cho bạn những ước mơ mới, một tình yêu sống động, những niềm vui lành thánh, ban cho bạn nói năng và hành động mà bạn không lường được. Đó là Chúa Thánh Linh, đó là Đấng An ủi”. Đó là những lời bộc phát từ con người đã từng nếm cảnh an ủi cũng như chán chường. Tác giả đã dùng những tác động của Thánh Linh để mà diễn tả bản tính của Ngài.

Trong một bài giảng về Thánh Thể, cha nói như sau: “Có biết bao người thốt lên rằng: tôi muốn nhìn thấy dung nhan của Chúa Giêsu, áo của Chúa, dép của Chúa! Bạn hãy biết rằng trong bí tích này, bạn nhìn thấy Chúa, chạm đến Chúa, được Chúa dưỡng nuôi. Bạn muốn nhìn thấy y phục của Chúa, nhưng Chúa cho bạn không những được thấy Ngài mà còn ăn Ngài, được đụng chạm đến Ngài và đón tiếp Ngài vào trong con người của bạn”. Thật là một ngôn ngữ cụ thể cho người dân bình thường để cắt nghĩa chân lý về bí tích Thánh Thể.

Trong một cuộc nói chuyện dành cho các linh mục, cha nói với họ: “Lưỡi của linh mục là một chìa khóa để đóng cửa hỏa ngục và mở cửa thiên đàng, mở cửa lương tâm để thánh hiến nó cho Thiên Chúa. Thưa quý cha, nếu chúng ta muốn phạm tội bằng miệng lưỡi, thì hãy đi mượn một cái lưỡi khác; bởi vì cái lưỡi mà chúng ta đã dâng hiến cho Thiên Chúa và thu lượm bao công việc diệu kỳ thì không thể nào có thể dùng vào chuyện xấu của ma quỷ được” [7]. Đây là một nhận định sâu sắc về chức linh mục, dựa trên đức tin và đức khôn ngoan của Kitô giáo, và được truyền đạt với những ngôn ngữ cụ thể để lay động lương tâm, đặc biệt là bàn về cách thức linh mục sử dụng miệng lưỡi. Thánh Gioan đang truyền đạt ánh sáng và ngọn lửa của Thánh Linh.

Chúng tôi muốn trưng dẫn vài thí dụ để minh họa cho lời khẳng định trên đây về những đề tài thường gặp trong giáo huấn của thánh nhân. Đã có nhiều sách thu thập những thí dụ tương tự hoặc còn hay hơn nữa, trích từ các bài giảng, khảo luận, thư tín của ngài.

Trong những giáo huấn vừa kể, chúng ta có thể quý trọng hồng ân đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho Hội thánh, không những qua một nền đạo lý chắc chắn và trung thành, mà còn qua ngọn lửa đức mến để minh chứng và truyền đạt cảm nghiệm của mình cho người nghe hay người đọc; cũng như biệt tài tìm được một tích tóp, một biểu tượng có ý nghĩa đối với người nghe. Tóm lại, cha vừa nhận được đạo lý cao sâu vừa nhận được đặc sủng để thông truyền đạo lý ấy, với một tinh thần tự do và khả năng diễn đạt lưu loát nhờ mối liên lạc mật thiết với Chúa. Như đức Phaolô VI đã khẳng định, nơi thánh Gioan Avila ta có thể gặp thấy một sự tổng hợp khôn ngoan vẫn còn hữu ích cho thời nay.

“Tiến sĩ” về chức linh mục

Trong sắc chiếu phong thánh, đức Phaolô VI khẳng định rằng chủ đề linh mục chiếm hàng đầu trong các tác phẩm và trong cuộc đời của thánh Gioan Avila. Đạo lý của ngài có thể tóm lại như sau: linh mục đã lãnh nhận quyền thánh để thi hành chức tư tế của đức Kitô; linh mục cần phải ý thức phẩm giá cao quý ấy, vì thế linh mục phải dâng Thánh lễ với tâm tình run sợ thánh thiêng; bởi vì chức linh mục là dấu chỉ của Thiên Chúa Tình yêu cho nên cần phải được thi hành bằng tình yêu, xét vì chức tư tế của linh mục là chức tư tế của đức Kitô, cho nên các linh mục phải giống Người như là kẻ chuyển cầu giữa đoàn dân và Thiên Chúa, phải làm cách nào để cho Lời Chúa đạt đến mọi người; khuôn mẫu của linh mục không là ai khác ngoài đức Kitô, đấng không thể nào hoài thai mà không yêu mến thân mẫu của mình là Đức Maria [8].

Trong bài giảng Thánh lễ phong thánh, đức Phaolô VI đã trình bày những điều vừa nói về chức linh mục dựa theo giáo huấn của thánh Gioan Avila, và nhấn mạnh về sự thích thời của nó: “Thánh Gioan Avila dạy cho các giáo sĩ thời nay ít là một điều, và đặc biệt là điều này, đó là: đừng bao giờ hoài nghi về căn cước của mình là linh mục của đức Kitô, kẻ phục vụ Hội thánh, người hướng dẫn các anh em của mình” [9]. Đức thánh cha tiếp tục bài giảng để chú giải một đặc trưng của linh mục Kitô giáo, trích từ thánh Phaolô, đó là “được tuyển chọn để loan báo Tin mừng của Thiên Chúa” (Rm 1,1); “một bộ phận trổi vượt và không thể nào thiếu được cho thiện ích của một thân thể sống động” và ngài trích dẫn 1 Cr 12,16-18.

Nơi thánh Gioan Avila, đức Phaolô VI nhận thấy sự thể hiện những định hướng của công đồng Vaticanô II về linh mục, và sẽ được nêu bật trong tông huấn Pastores dabo vobis của đức Gioan Phaolô II: sự thánh thiện bắt nguồn từ việc thi hành tác vụ, sự biến đổi nên đồng hình đồng dạng với “đức Kitô Tư tế và Mục tử, thanh bần và siêu thoát, khiết tịnh, vâng lời và phục vụ, với một đời sống cầu nguyện và có kinh nghiệm về Thiên Chúa, say mê Thánh Thể, sùng kính đức trinh nữ Maria, được đào luyện về khoa học nhân văn và thần học, hiểu biết văn hóa thời đại, chuyên cần học hỏi để đào luyện liên lỉ, niềm nở, cởi mở với sự kết nghĩa, thân tình với anh em trong hàng linh mục, tông đồ hăng say với việc truyền giáo, giảng dạy mầu nhiệm đạo thánh và sự hoán cải, người cha và thầy trong bí tích hoà giải, hướng dẫn đời sống tâm linh, biết phân định các đặc sủng, cổ võ ơn gọi giáo sĩ tu sĩ và giáo dân, đổi mới phương pháp mục vụ, quan tâm đến việc giáo dục thanh thiếu niên”10: đó là đức ái mục tử sống động. Những đặc tính của linh mục mà tông huấn Pastores dabo vobis nói đến thì đã được thực thi nơi thánh Gioan Avila.

Vì thế, đức Phaolô VI đã muốn giới thiệu thánh Gioan Avila như khuôn mẫu cho các nhà giảng thuyết, các linh mục và chủng sinh, như tấm gương của đức ái mục tử là điểm chốt của linh đạo linh mục. Đức Bênêđictô XVI cũng đã ca ngợi ngài tại Madrid với những lời tương tự, trước mặt hàng giáo sĩ tụ họp ở nhà thờ chính tòa, khi loan báo quyết định sắp sửa tôn phong thánh nhân làm tiến sĩ Hội thánh.

Đức Phaolô VI đã nhìn ngắm thánh Gioan Avila như là thầy của những nhà loan báo Tin mừng và mẫu gương của cuộc “loan báo Tin mừng cách mới mẻ” qua các tác phẩm và cuộc đời của ngài. Chúng ta có thể học nhiều điều ở đây.

————————————

* Phụ thêm

Hầu hết các thư tịch về thánh Gioan Avila được viết bằng tiếng Tây-ban-nha

– Những tác phẩm: San Juan de Avila. Obras completas, (ed. critica por L. Sala Balust – F. Martín Hernández), BAC Madrid, 1970-71, 6 vol.

– Khảo luận

Esquerda Bifet, Diccionario de San Juan de Avila, Monte Carmelo, Burgos 1999.

Id., Introduccion a la doctrina de San Juan de Avila, BAC Madrid 2000.

Id., Juan de Avila. Escritos sacerdotales, BAC Madrid 2000.

Andrés Martin, San Juan de Avila. Maestro de espiritualidad, BAC Madrid 1997

————————————————-

[1]  Trong đoạn văn này thánh Phaolô dạy rằng: “cũng như trong một thân thể có nhiều bộ phận và tất cả những bộ phận này không có cùng chức năng, thì chúng ta cũng vậy, tuy rằng nhiều nhưng chúng ta là một thân thể trong đức Kitô” (Rm 12,4-5). Mỗi bộ phậm trong tương quan với người khác, đã nhận được một quà tặng khác biệt, được ban như một ân huệ, và phải hoạt động theo như ân huệ đã nhận được: “Ai được ơn ngôn sứ thì hãy thi hành theo như đức tin đã dạy; ai được ơn phục vụ thì hãy lo phục vụ; ai giảng dạy thì hãy giảng dạy; ai khuyên nhủ thì hãy lo khuyên nhủ… ” (Rm 12,6-8).

[2]  X. ĐTC PHAOLÔ VI, Bài giảng trong lễ phong thánh, 31/5/1970.

[3]  Bulla canonizationis, n. 12.

[4]  Ibid., n. 17.

[5]  X. San Juan de Avila. Obras completas, ed. critica di L. Sala Balust – F. Martín Hernández, Madrid, 2000, vol. I, XLVII-LXVIII; M. Ruiz Jurado, «Estado actual de los estudios sobre san Juan de Avila», in El Maestro Avila. Actas del Congreso Interna­tional. Madrid 27-30 de Noviembre 2000, Madrid, Edice, 2002, 637-647.

[6]  Cha Berulle có lần đã nói rằng, giả như mình sống vào thời cha Gioan Avila, thì sẽ đến quỳ gối dưới chần ngài để được hướng dẫn công cuộc cải cách của mình. X. Berulle, Oeuvres, Paris, Migne, 1856, t. 1, VIII.

[7] San Juan de Avila. Obras completas, vol. I, 789.

[8]  Bulla canonizationis, số 16.

[9]  «La lección del Maestro Juan de Avila para los sacerdotes de nuestro tiempo», in Obras completas, cit., 360.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here