Thánh Đaminh và Dòng Giảng Thuyết

0
3036


Fr. Simon Tugwell O.P.

 

1. VỊ TỔ PHỤ ẨN DANH

“Sự thánh thiện của Giáo Hội được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau qua những con người khác nhau” (Vat. II).

Quả thực, trong Giáo Hội, có những vị thánh đã trở thành một thứ hình ảnh sống động về sự thánh thiện khiến người ta mến phục ngay khi còn đang sống và được người ta tôn kính ngay khi họ qua đời. Những vị thánh này đã để lại trong tâm trí người ta qua nhiều thế hệ những kỷ niệm sống động về những gì họ đã sống, đã thực hiện. Chẳng hạn, dù đã qua đời từ năm 1226, hình ảnh Thánh Phanxicô vẫn còn in đậm nét tuyệt vời và luôn gợi hứng cho Giáo Hội.

Nhưng cũng có những vị thánh khác tuy sống thật âm thầm lặng lẽ, rất ẩn dật, thế mà cuộc đời của các vị này vẫn để lại những thành quả giá trị, với những lý tưởng cao đẹp đã khiến nhiều người dõi bước noi theo. Tuy cá tính của các vị này ít gây ấn tượng nơi ký ức của Giáo Hội; nhưng giống như các bảng chỉ đường, cái gì đó nơi con người của các vị này vẫn mang đầy đủ những ý nghĩa thật lớn lao. Giáo Hội có thể quên cá nhân của các vị này, nhưng không thể quên lý tưởng mà các vị đó đã sống.

Thánh Đaminh là một trong những vị thánh ẩn dật đó. Sau khi Ngài qua đời năm 1221, Dòng do Ngài thiết lập – Dòng ANH EM GIẢNG THUYẾT mà người ta vẫn quen gọi là Dòng Đaminh, đã đau buồn tiễn đưa Ngài đến nơi an nghỉ cuối cùng; nhưng anh em trong Dòng lại tiếp tục sống một cuộc sống bình thường qua việc tiếp tục những gì mà Ngài ủy thác chứ không nghĩ đến việc tôn phong vị sáng lập của Dòng cho người ta tôn kính. Khác với Dòng Anh Em Hèn Mọn – Dòng Phanxicô, Anh em Dòng Giảng Thuyết lúc ấy chẳng quan tâm đến việc viết tiểu sử đời sống của Ngài để quảng bá sự thánh thiện cá nhân của Ngài. Cuốn sách đầu tiên nói về Thánh Đaminh không thể gọi được là cuốn sách “Cuộc đời Thánh Đaminh”, nhưng là “Tập sách nhỏ về những ngày đầu của Dòng Anh Em Giảng Thuyết”.

Khi còn sống ở trần gian, Thánh Đaminh chỉ luôn mong được đối xử như “một người trong anh em”, và khi qua đời, Ngài chỉ mong được chôn cất dưới chân anh em. Theo cá tính riêng, Ngài sống động được mãi trong Giáo Hội, không với tư cách một cá nhân nổi bật, nhưng nơi công việc rao giảng Tin Mừng mà Ngài đã để lại qua Dòng do Ngài thiết lập.

Và như thế, chúng ta có thể không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy Ngài không phải là một trong những vị thánh được đông đảo quần chúng biết đến và mộ mến. Người ta không dừng lại nơi con người Thánh Đaminh như nơi con người Thánh Phanxicô. Nhưng người ta không thể không dừng lại nơi lý tưởng của Dòng mà Đaminh đã sáng lập. Khi tranh đấu phục hưng Dòng Đaminh ở Pháp năm 1839, Cha Lacordaire – nhà hùng biện người Pháp nổi tiếng – đã viết: “Nếu Chúa cho tôi quyền sáng lập một Dòng mới, tôi dám đoan chắc rằng, với tất cả suy nghĩ của mình, tôi thấy chẳng có gì phù hợp và hoàn hảo hơn để thích nghi với thời đại và nhu cầu của thời đại chúng ta hơn luật của Thánh Đaminh và cũng chẳng có gì cựu trào cổ kính hơn là lịch sử của nó”.

Sau đó bảy năm sau, băn khoăn về ơn gọi Kitô hữu của mình, Hồng Y Newman đã viết: “Theo cảm nhận riêng của tôi bây giờ, tôi thấy, điều mà thế giới hay ít nhất là nước Anh đang rất cần, đó là các tu sĩ Dòng Đaminh”. Ngài đã phát biểu như thế mặc dù lúc ấy, Ngài hơi lo ngại những tu sĩ Đaminh đánh mất đi truyền thống của họ; vì bản thân Ngài cũng đã khám phá nơi những tu sĩ Đaminh miền Florence rằng : “Các tu sĩ Đaminh này là những nhà sản suất nước hoa … và trong phòng họ có những loại rượu hảo hạng”. Nhưng dù lo ngại “một lý tưởng vĩ đại đang bị tàn lụi”, Ngài vẫn khẳng định: “Đó vẫn là lý tưởng tôi rất mến chuộng”, bởi vì theo Ngài: đã là lý tưởng tuyệt vời thì còn lâu mới tàn lụi được.

Cuộc phục hưng vĩ đại của Dòng Đaminh vào thế kỷ 19 và 20 đã cung cấp cho Giáo Hội những thần học gia và những nhà giảng thuyết lỗi lạc nhất, như cha M.J. Lagrange (học giả Kinh Thánh tiên phong) và Hồng Y Yves Congar (một trong những thần học gia nổi tiếng nhất của Vatican II). Năm 1970, nhắc lại lời của Đức Grêgôriô IX (Đấng phong thánh cho Đaminh năm 1234), Đức Phaolô VI nhấn mạnh đến tầm quan trọng và rất thích hợp một cách kỳ diệu của Dòng Đaminh trong hoàn cảnh hiện tại của Giáo Hội.

Đành rằng, chúng ta có thể bằng mọi cách để tìm hiểu cho biết rõ một con người có vẻ như bị che khuất dưới một lý tưởng đầy sáng tạo như thế. Quả thực, các sử gia mới đây đã giúp chúng ta biết rõ con người Ngài. Tuy nhiên, căn cứ theo cá tính riêng của Ngài cũng như sáng kiến Ngài đã để lại cho lịch sử Giáo Hội, phương thức tốt nhất giúp chúng ta biết bản thân Ngài chính là tìm hiểu việc Ngài đã làm thế nào để gầy dựng và tái tạo một cách sống động một lối sống cơ bản của người Kitô hữu trong Giáo Hội và Ngài đã làm thế nào để nhận ra và đáp trả những đòi hỏi thường xuyên của thế giới.

2. NHÀ GIẢNG THUYẾT KHIÊM TỐN

“Tôi không đọc thấy Đức Kitô là một tu sĩ áo đen hay áo trắng, nhưng chỉ thấy Ngài là một nhà giảng thuyết khiêm tốn”. Đó là phát biểu của một tập sinh Đaminh thế kỷ XIII để trả lời về việc anh chọn lựa gia nhập Dòng Đaminh cho một số đan sĩ muốn anh gia nhập Dòng họ. Chính Đức Kitô đi đây đó “không nơi dựa đầu” để rao giảng nước Thiên Chúa đã trở nên kiểu mẫu căn bản được Thánh Đaminh vạch ra và giới thiệu cho thế kỷ XIII. Và chính Đức Kitô cũng đã cử các môn đệ ra đi và thực hành như vậy. Giáo Hội được rộng lan khắp cùng bờ cõi trái đất chính là nhờ những vị giảng thuyết của Giáo Hội đã ra đi rao giảng không biết mệt mỏi. Trải qua các thời đại của lịch sử Kitô giáo, đã có biết bao những tâm hồn quảng đại đáp trả lời mời gọi của Đức Kitô, sẵn sàng từ bỏ gia đình, quê hương, xứ sở để ra đi lên đường đem Tin mừng Đức Giêsu Kitô đến cho mọi người.

Một phần nào như những trang phục thay đổi theo từng thời kỳ và tùy địa phương, những kiểu mẫu diễn tả sự thánh thiện cũng có phần đổi thay. Chẳng hạn, trong thời Trung cổ, có nhiều kiểu mẫu diễn tả sự thánh thiện rất khác biệt nhau. Lối sống thời này nhấn mạnh đến đời sống ẩn dật và ổn định (vĩnh cư). Chính vì thế, số tu sĩ nam nữ của đại gia đình Biển Đức không ngừng gia tăng một cách rõ ràng như là dấu chỉ cho thấy đó là kiểu mẫu thánh thiện chính yếu dành cho những ai muốn hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Lối sống Biển Đức cung cấp một khung cảnh an hòa trong kỷ luật của lũy cấm, xa khỏi những cám dỗ của cuộc sống bình thường và không bị phân tâm chia trí hay bị căng thẳng do những sinh họat của đời tông đồ. Việc tuân giữ lề luật đan tu hoàn thiện như thế khiến cho người ta có cảm nhận rằng nước Thiên Đàng đã rất cận kề ngay tại dương gian này.

Nhưng rồi chính kiểu mẫu đó cũng lại bắt đầu thay đổi. Vào thế kỷ XII, một số Kitô hữu đạo đức bắt đầu cảm thấy nỗi khát mong được sống một đời sống đơn giản hơn, ít cơ chế hơn và ít bảo đảm hơn, và như vậy, gần gũi với Tin mừng hơn. Nhưng nguyện vọng đó, xét một cách toàn diện, không dễ dàng đạt được trong giai đoạn đó của Giáo Hội. Và từ đó, họ đâm ra e ngại thẩm quyền của Giáo Hội. Và cũng từ đó, vì lý do nào đó, họ đã tự tách rời khỏi Giáo Hội và bắt đầu giảng dạy những giáo thuyết lạ.

Khoảng đầu thế kỷ XIII, một khủng hoảng lớn đã xảy ra tại nhiều nơi bên Âu châu, nhất là tại miền nam nước Pháp, nơi đã phát sinh một liên minh chống Giáo Hội. Với chủ thuyết nhị nguyên, liên minh này chủ trương rằng thế giới hữu hình này là xấu xa, do một thần xấu đối nghịch với Thiên Chúa tạo dựng.

Vấn đề trở đó càng trở nên phức tạp hơn khi phần lớn các Giám mục, và linh mục không khéo trình bày đạo lý đích thực của Kitô giáo sao cho thật hấp dẫn và đầy tính thuyết phục. Trong khi những người theo bè rối lại sống một đời sống bề ngoài rất gương mẫu hơn hẳn hàng Giáo sĩ của Giáo Hội. Chính vì thế, dân chúng không nhận ra nổi chân dung đích thực của những người kế vị các tông đô nơi hàng giáo sĩ thời đó.

Trước bối cảnh đó, Giáo Hội hơn bao giờ hết cần phải đáp ứng những khát vọng tôn giáo của dân chúng ngay trong lòng Giáo Hội và làm sao để loan báo Tin Mừng Đức Kitô với một cung cách bình dân và dễ hiểu hơn.

Bằng những cách thức khác nhau, Thánh Đaminh và Thánh Phanxicô đã thỏa mãn được nhu cầu này, vì cả hai vị đều áp dụng những lối sống tương tự như lối sống của chính các nhóm lạc giáo: can đảm sống nghèo triệt để và hoàn toàn phó thác vào Chúa quan phòng, dám sống mạo hiểm giữa trần gian, không ẩn dật theo kiểu sống đan tu, chấp nhận một lối sống dấn thân tích cực phục vụ tha nhân; riêng Thánh Đaminh, Ngài sống hết mình cho việc đi rao giảng và làm sao để lôi cuốn người khác cũng đi rao giảng và điều Ngài quan tâm hơn cả, đó là, làm sao để bản thân Ngài cũng như mọi anh em phải thấm nhuần giáo lý đức tin và có thể trình bầy giáo lý đó thật mạch lạc dễ hiểu.

Chẳng thế mà thi hào Dante đã mô tả Thánh Đaminh như “Người yêu nồng nàn của Đức tin Kitô giáo”. Nếu Thánh Phanxicô yêu “Chị Nghèo”, thì Thánh Đaminh yêu đức tin Kitô giáo. Ước nguyện sục sôi của Ngài là đem Chân lý Đức tin đến cho mọi người, bởi vì chỉ có chân lý đức tin mới giải thoát và mang lại ơn cứu độ cho con người. Khi còn trẻ, Ngài đã luôn tha thiết nguyện xin Thiên Chúa ban cho Ngài một đức ái đích thực để có thể mang lại ơn cứu độ đến cho tha nhân một cách hữu hiệu, và Ngài hằng mong mỏi được tận hiến cả cuộc đời để phục vụ Tin Mừng như Chúa Kitô đã hiến thân trọn vẹn cho đến chết để cứu độ trần gian.

Thánh Đaminh hoàn toàn không nhằm tới kiếm tìm một lối sống đầy thuận lợi hay an toàn cho bản thân và cũng chẳng hề mơ ước sự trọn lành bản thân. Nhưng Ngài chỉ mong muốn được đi rao giảng Tin Mừng cho những nơi nào cần thiết nhất và bằng cách thức nào thích hợp nhất để Tin Mừng thực sự mang lại kết quả.

Và theo Ngài, cách thức tốt nhất để rao giảng Tin Mừng trong thời đại của Ngài là mô phỏng cách thức của các Tông đồ. Và cũng theo Ngài, đã hẳn một nhà giảng thuyết cần được Giáo Hội tiến cử, nhưng không có lý do gì mà một nhà giảng thuyết chính thức lại xử sự như một chức quyền thế tục. Ngài dứt khoát khước từ bất cứ địa vị nào khiến Ngài ở vào vị trí trên người khác và thi hành quyền bính trên họ. Theo quan điểm của Ngài, nhà giảng thuyết đến với dân chúng như một người hành khất van xin Thiên Chúa ban lời để mình rao giảng và nài xin con người cho cơm bánh để nuôi mình. Nhiều giáo sĩ và tu sĩ đã dây mình vào những công việc trần thế nhằm có được những quyền lợi và nghĩa vụ kinh tế. Làm như thế, không những họ không còn tập trung vào Tin Mừng, mà lại thường xuyên dẫn tới những căng thẳng lâu dài có liên quan đến dân chúng. Thánh Đaminh đã tự giải thoát mình khỏi những lo toan đó đó. Và cũng chính vì thế chúng ta mới hiểu được một trong những lý do căn bản để những người – nam cũng như nữ – cam kết thực hành đức khó nghèo và khiết tịnh trong Giáo Hội: đó chẳng qua chỉ là giúp họ đạt được sự tự do hiến trọn đời mình cho Chúa và cho Tin Mừng một cách vô vị lợi

Ngài cũng nhận thấy rằng Tin Mừng có thể bị bóp nghẹt bởi sự an toàn bảo đảm về mặt thiêng liêng cũng như vật chất. Các Dòng đan tu rất ý thức về sự yếu đuối của con người nên đã thiết lập nhiều hình thức khôn ngoan tinh tế để gìn giữ các tu sĩ của họ. Nhưng nếu mối nguy cơ bị sa ngã không còn nữa thì sự mạo hiểm của đức ái cũng tiêu ma. Thánh Đaminh đã tái khẳng định giá trị của sự mạo hiểm, làm sao để cả con tim và tinh thần luôn rộng mở, rộng mở quảng đại như Abraham, và can đảm dõi theo những nẻo đường phiêu lưu trong việc vâng phục Thiên Chúa, để chỉ cậy dựa vào sự che chở của Thiên Chúa và sự trợ giúp của Đức Mẹ hơn là cậy nhờ vào sự canh phòng cẩn mật cá nhân.

3. CON NGƯỜI TỰ DO CỦA TIN MỪNG

Vào dịp mừng 800 năm sinh nhật Thánh Đaminh, Hồng Y Villot đã mô tả thánh nhân như một con người tự do rất đáng thán phục. Và tinh thần tự do được in đậm trong toàn bộ truyền thống Đaminh. Nó phát sinh do việc dám mạo hiểm tín thác nơi Thiên Chúa dám tin tưởng nơi lòng quảng đại của bất cứ con người nào.

Sở dĩ Thánh Đaminh áp dụng chế độ hành khất ngay từ buổi đầu khi Ngài thi hành tác vụ với tư cách của nhà giảng thuyết là vì Ngài dám cậy nhờ vào sự quảng đại của dân chúng trong việc họ cung cấp thực phẩm và những thứ cần thiết. Dĩ nhiên, Thánh Đaminh không muốn đương nhiên được giúp đỡ; mà Ngài tùy thuộc vào ý muốn tặng trao của họ một cách tự do.

Cũng vậy, Ngài không muốn ràng buộc quá chặt chẽ những ai theo Ngài, ép buộc họ tham gia vào nhóm Ngài. Tuy tỏ ra rất cương quyết và nghiêm khắc đối với những người thiển cận; nhưng Ngài làm thế chỉ vì muốn hướng dẫn họ tới lý tưởng mà chính họ đã chọn. Vì không muốn họ cảm thấy bị đe dọa hay khiếp sợ điều thiện hảo, nên ở đâu lúc nào Ngài cũng không hề canh chừng họ. Ngài càng không muốn họ mang mặc cảm tội lỗi khi họ vi phạm luật Dòng. Điều quan trọng tiên quyết là sự tự do và quảng đại trong việc phục vụ của họ.

4. TẤM LÒNG CHIA SỚT SẦU ĐAU

Nhiều tài liệu rất có ý nghĩa còn lưu lại nói về những tháng năm khởi đầu của Dòng Đaminh. Qua đó chúng ta biết được Thánh Đaminh đã sống như thế nào và đã phục vụ Thiên Chúa nơi Giáo Hội làm sao. Sau đây là những thí dụ.

Vào khoảng năm 1195, vào thời điểm Đaminh đang là sinh viên Cao đẳng Palencia, sau trở thành đại học đầu tiên của Tây ban nha; Ngài đang học Thần học ở đó thì có một nạn đói khủng khiếp và Đaminh đã bán những sách quí và đồ đạc của Ngài để có tiền giúp người nghèo. Gương của Ngài đã gợi hứng cho nhiều người khác noi theo, và sau đó, khi Ngài trở thành một nhà giảng thuyết, nhiều người đã theo Ngài.

Nhạy cảm trước đau khổ của người khác chính là đặc tính sâu sắc đã chi phối suốt cả cuộc đời của Thánh Đaminh và Ngài đã vận dụng tất cả năng lực của mình để tìm mọi cách thức, mọi biện pháp nhằm giải thoát con người khỏi khổ đau. Đã hai lần, khi không còn gì để bán nữa, Ngài xin được bán mình làm nô lệ để có tiền giúp đỡ những người nghèo khó.

Lòng trắc ẩn sâu sa đó của Ngài không chỉ biểu lộ ra bên ngoài một cách triệt để theo kiểu anh hùng cá nhân, mà theo Ngài, vấn đề quan yếu chính là làm sao thiết lập được một thể chế khả dĩ thi thố lòng quảng đại đó nữa. Chính vì thế, Ngài đã thiết lập một viện tế bần ở Palencia.

5. NHÀ TỔ CHỨC ĐẠI TÀI

Khi còn là một thanh niên, Đaminh đã tỏ ra là người có tư chất xuất sắc trong việc điều hành tổ chức. Chính vì thế, không lạ gì khi thấy lòng quảng đại của Đaminh đối với người nghèo đã gây được sự quan tâm chú ý của Giám mục Diego đang là Bề trên kinh sĩ đoàn ở nhà thờ chánh toà Osma. Đang chiêu mộ những thành viên cho kinh sĩ đoàn mới được Ngài cải tổ thì Ngài gặp được Đaminh và đã thuyết phục Đaminh gia nhập. Từ đó, khoảng năm 1195, Đaminh đã chính thức là một kinh sĩ của kinh sĩ đoàn nhà thờ chánh toà Osma.

Tại đây, Ngài học đã học để biết sống trong một cộng đoàn tu trì, đã nắm lấy cơ hội để học thần học và dành nhiều thời gian để cầu nguyện chung và riêng. Đời sống của Ngài đã gây được một ảnh hưởng tốt nơi các kinh sĩ khác, nên vào năm 1201, Ngài được tín nhiệm cắt cử vào chức vụ phó bề trên. Dầu vậy, Ngài vẫn luôn khao khát hiến trọn đời mình cho phần rỗi tha nhân. Chúng ta không đủ lý do để khẳng định Ngài không phù hợp với đời sống kinh sĩ, nhưng ơn gọi đích thực của Ngài ở chỗ khác chứ không phải ở kinh sĩ đoàn.

Bước đầu tiên của việc khám phá ra nhiệm vụ đặc biệt mà Thiên Chúa kêu gọi Ngài là vào năm 1203, Diego bấy giờ là Giám mục Osma được vua Castile cử làm sứ giả đi Đan Mạch để cầu hôn công chúa nước này cho hoàng tử nước Scandinavia. Giám mục Diego đã chọn Đaminh tháp tùng mình. Có lẽ từ đó hai Ngài đã trở nên những người bạn thân thiết, mặc dù Đaminh chỉ là thành viên của đoàn tùy tùng.

Trên đường tới Đan Mạch, họ nghĩ đêm tại Toulouse. Và Đaminh đã phát hiện ra chủ quán là người theo chủ thuyết nhị nguyên chủ trương chống Giáo Hội của bè rối Albigense. Đứng trước sự việcấy, Đaminh đã phải thức suốt đêm để tranh luận với chủ quán cho đến khi thuyết phục được ông ta nhận ra chân lý của Đức tin Công Giáo.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh, Giám mục Diego và Đaminh trở về. Ngay sau đó, họ lại được cử đi với đoàn tùy tùng đông hơn để đón công chúa.

Dường như công chúa đã thay đổi ý kiến và sau này trở thành một nữ tu. Sự việc đã gây rắc rối cho Tổng Giám mục Giáo phận Lund. Trong trường hợp này Giám mục Giáo phận Lund đã không đưa ra một quyết định nào nếu không có ý kiến của Đức Thánh Cha. Có lẽ Giám mục Diego được nhờ đem thư của Giám mục về vụ việc đó tới Đức Thánh Cha.

Và thay vì trở về Osma ngay, Giám mục Diego và đoàn tùy tùng lại đi Roma; Giám mục Diego gặp Đức Thánh Cha để xin từ nhiệm hầu có thể đi giảng đạo cho dân ngoại. Có lẽ Đaminh cũng ở trong kế hoạch đó và dường như cả hai ngài đều quan tâm đến việc tham gia truyền giáo tại vùng dọc theo bờ biển Baltic đã được Tổng giám Mục Đan Mạch hoạch định. Cho đến cuối đời, Đaminh vẫn bị ám ảnh bởi ước muốn trở thành thừa sai trong vùng đất ngoại giáo, và dù bản thân Ngài không bao giờ thực hiện được ước vọng đó, nhưng trước khi chết, Ngài đã cử một số anh em tới miền đất dân ngoại đó.

Đức Thánh Cha từ chối thỉnh nguyện của Giám mục Diego và truyền cho Ngài trở về Giáo phận. Dù biết rằng không thể không xảy ra những chuyện rắc rối khi trở về, Giám mục Diego vẫn cúi đầu vâng phục. Khi Giám mục và đoàn tùy tùng của Ngài đi ngang qua nước Pháp, họ gặp ba vị Dòng Xitô đã được Đức Thánh Cha chỉ định làm sứ giả để đi chống lạc giáo tại miền nam nước Pháp. Những tu sĩ kém may mắn này chẳng những không giải quyết được gì mà lại chỉ gặp thất bại, và họ băn khoăn không biết nên bỏ sứ mệnh hay chỉ bỏ việc rao giảng để chỉ chú tâm vào việc cải tổ hàng giáo sĩ mà gương xấu của những người này là một trong những nguyên do chính gây nên lạc giáo. Vào cuối tháng ba hay đầu tháng tư năm 1205, trong khi họ đang bàn định về vấn đề này ở Montpellier thì Giám mục Diego tới, và họ đã hỏi ý kiến Ngài về vụ việc.

Giám mục Diego, có lẽ đã trao đổi vấn đề này với Đức Thánh Cha, nên đã đề nghị họ chẳng những không được bỏ mà còn phải đặc biệt chú tâm vào việc giảng thuyết nữa. Và để ngăn ngừa không cho lạc giáo lan rộng, Giám mục Diego khuyên họ nên cải tổ bản thân chứ không phải cải tổ hàng giáo sĩ. Họ nên áp dụng cách sống của các tông đồ mà chính nhưng người theo lạc giáo đang cố gắng mô phỏng. Giám mục Diego nhận ra ngay được rằng lợi điểm lớn lao mà các nhà giảng thuyết lạc giáo đang có chính là lối sống bề ngoài rất khắc khổ mang dáng dấp của tinh thần Phúc âm. Phương pháp tốt nhất để chống lại họ là người Công Giáo cũng phải sống khắc khổ và theo tinh thần Phúc âm như người lạc giáo. Họ cũng phải đi chân không, cũng khó nghèo và khiêm tốn, đi khất thực từng nhà, rao truyền Tin Mừng đích thực của Chúa Kitô. Tại sao họ không làm được như thế?

Khi nghe như thế, ba tu sĩ Xitô này đã có những phản ứng rõ ràng rằng: Trước hết, việc các chức phẩm cao cấp tu sĩ trong Giáo Hội phải đi khất thực thì quả là không xứng hợp. Và cả những tu sĩ Xitô cũng đi khất thực cũng không coi được. Giả sử vào năm tới, nếu một đan viện Thụy sĩ có nguy cơ bị đóng cửa do các tu sĩ không tự lo liệu được lương thực thực phẩm thì khi đó mới có chuyện đi khất thực.

Nhưng sau cùng, phái đoàn gồm ba tu sĩ Xitô đó đều sẵn sàng chấp nhận vừa đi rao giảng vừa khất thực theo kiểu của những người lạc giáo với điều kiện là cả những nhà lãnh đạo của Giáo Hội cũng cùng đi khất thực. Cụ thể hơn, ba tu sĩ này sẽ sẵn sàng đi khất thực ngay nếu có một vị lãnh đạo Giáo Hội tình nguyện cùng đi khất thực. Giám mục Diego không ngần ngại trước những lời thách thức. Ngài cho đoàn tùy tùng về, chỉ giữ lại Đaminh theo mình. Hai ngài chấp nhận đi chân không để lên đường đi rao giảng Tin Mừng quanh miền.

6. NHÀ TRUYỀN GIÁO KHÓ NGHÈO

Giám mục Diego rao giảng như thế không được lâu thì được lệnh phải trở về địa phận. Dù sao, những cung cách táo bạo của Giám mục cũng đã mang lại những kết quả khả quan. Từ đó, nảy sinh một cung cách rao giảng mới mẻ mà chính Đaminh cũng đã góp phần đáng kể vào đó. Sau này, theo sự công nhận của một số các sử gia Đaminh, đó chính là một bước khởi đầu khá quan trọng của Dòng Đaminh.

Tiếp nối cách thức rao giảng đó, nhiều nhà giảng thuyết cũng đã tham gia nhưng rồi cũng lại ra đi. Chỉ còn lại một mình Đaminh vẫn kiên trì đằng đẵng 10 năm trời để đi rao giảng đây đó trong khắp vùng Languedoc. Trong thời kỳ này, nhiều nhà giảng thuyết Công Giáo đã tổ chức nhiều cuộc tranh luận công khai với lạc giáo. Kết quả là sau mỗi lần tranh luận như thế, có khoảng 150 người trở về với Giáo Hội. Có người đã từng tham gia vào những cuộc tranh luận đó sau này đã kể lại rằng: ông không bao giờ nghĩ được rằng những người Công Giáo lại có thể có những lý luận vững chắc được như thế. Điều đó cho thấy người dân thường quá yếu kém về phương diện Giáo lý Công Giáo. Trong thời điểm này, có rất nhiều người đã trở về với Giáo Hội do cung cách rao giảng như thế.

Tuy nhiên, việc rao giảng như thế không kéo dài yên ổn được lâu. Bởi vì vào cuối năm 1207, Giám mục Diego qua đời; Và một tháng sau, một sứ thần Tòa Thánh bị quân lạc giáo giết chết. Sự ra đi của Giám mục Diego đồng nghĩa với việc Đaminh phải lãnh đạo đoàn truyền giáo và phải chịu trách nhiệm cai quản chính thức cộng đoàn gồm những phụ nữ lạc giáo đã trở lại do Giám mục Diego đã thiết lập ở Prouille. Chính cộng đoàn này về sau trở thành nữ tu viện Đaminh đầu tiên.

Hậu quả việc ám sát sứ thần Tòa Thánh quá nặng. Đức Thánh Cha Innocent III đã quyết định phải dùng biện pháp cứng rắn để tái lập trật tự cũng như bảo đảm tính cách đúng đắn trong toàn miền. Ngài kêu gọi vua nước Pháp gia nhập đạo binh Thánh Giá. Vào năm sau, cuộc chiến kéo đẫm máu bắt đầu xảy ra, gây nên những mối thù hằn và cuộc chiến càng trở nên thảm khốc hơn sau cái chết của lãnh tụ đạo quân Thánh Giá Simon de Montfort. Chính biến cố này đã để một hậu quả khá nặng nề đó là làm sao để hòa giải được với nhau về phương diện tôn giáo và chính trị.

Nhưng suốt thời gian xảy ra cuộc chiến tranh khủng khiếp để chống bè Albigense đó, Đaminh chỉ chuyên lo việc đi rao giảng. Dù là bạn của Simon de Montfort, người sau này giúp đỡ Dòng khá nhiều, nhưng Đaminh không bao giờ tham gia trực tiếp vào những hoạt động binh nghiệp như nhiều giáo sĩ khác. Ngài vẫn là một vị giảng thuyết nghèo khó, không dính dáng đến chính trị.

Năm 1215 Đaminh đã dời đến ở tại Toulouse và ở đây, một thương gia giàu tên là Peter Selhan đã tặng Ngài một căn nhà. Và ý nghĩa hơn cả, đó là chính thương gia Peter này và một người bạn tên là Thomas đã gia nhập Dòng và tuyên khấn trong tay Đaminh. Họ là một trong những môn đệ chính thức đầu tiên của Đaminh. Và cũng chính Toulouse là cái nôi đầu tiên của Dòng Giảng Thuyết.

Giám mục Fulk Giáo phận Toulouse, nguyên là một ca sĩ trở về với Giáo Hội đã niềm nở đón tiếp Đaminh và anh em Ngài và coi các Ngài như những vị giảng thuyết chính thức của Giáo phận mình. Không những được trao nhiệm vụ chống lại lạc giáo, các ngài còn được mời trợ giúp Giám mục Giáo phận trong nhiều lãnh vực liên quan đến tác vụ bảo vệ đức tin.

7. TỔ PHỤ DÒNG GIẢNG THUYẾT

Trong thời gian ở tại Toulouse, Đaminh được dịp cùng đi với Đức Giám mục Fulk dự công đồng Laterano IV năm 1215. Nhưng ý định của Đaminh còn đi xa hơn nữa. Ngài có ý định đi Roma xin Đức Thánh Cha chúc lành cho Cộng đoàn mới của mình và phê chuẩn cộng đoàn đó với danh hiệu là Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Thời đó, chức năng giảng thuyết theo truyền thống chỉ dành cho các Giám mục.

Công Đồng truyền lệnh rằng không phê chuẩn cho sáng lập một Dòng mới nào nữa, trừ phi Dòng mới đó chấp thuận sống theo một tu luật có sẵn. Vì thế, Đaminh trở về Toulouse thảo luận với anh em. Vào năm 1216, sau khi Ngài và các anh em đồng ý chấp nhận luật Thánh Augustin, Đức Giáo Hoàng Honorio III, đấng kế vị Đức Giáo Hoàng Innocent III chấp thuận mọi thỉnh nguyện của Đaminh. Từ đó, Dòng Anh Em Giảng Thuyết chính thức hiện diện trong Giáo Hội.

Ban đầu, Dòng chỉ hiện diện khiêm tốn như một tu hội thuộc Giáo phận; nhưng ngay từ năm 1216, Đaminh đã có tầm nhìn sâu rộng và rõ ràng hơn. Người ta kể lại rằng khi ở Roma, Ngài có một thị kiến thấy anh em từng hai người một đi giảng Phúc âm khắp thế giới. Và vì thế, năm 1217, Ngài sai mấy anh em tới Paris để thành lập một nhà ở đó và những anh em khác tới Tây Ban Nha. Trong vòng vài năm, nhiều nhà lần lượt mọc lên ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý; và các đoàn truyền giáo được sai đi mỗi ngày mỗi rộng khắp hơn.

Giữa năm 1216 và 1220 thị kiến của Ngài trở nên rõ hơn và Ngài cố gắng thuyết phục anh em chấp nhận tính cách khả thi hiện thực của thị kiến đó. Điều Ngài rất mong muốn đó là nơi ở của anh em phải biểu lộ cái nghèo. Ngài kêu gọi anh em không chỉ ra đi rao giảng như những người khất thực, nhưng còn phải sống nhờ của bố thí ngay trong chính cộng đoàn, không được bảo đảm bởi lợi tức và tài sản gì cả. Điều này được thi hành vào năm 1220.

8. HỌC TẬP VÀ RAO GIẢNG

Thánh Đaminh rất nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc học. Ở Toulouse, trong năm 1215, Ngài đưa anh em đến theo học thần học của một thần học gia người Anh là Alexander Stavensby. Rồi Ngài gởi một số anh em tới học tại Đại học Paris. Nhà ở của anh em cũng phải coi như nơi để học hành nghiên cứu. Một trong những luật tiên khởi của Dòng là không nhà nào được thiết lập mà không có một vị giảng sư về thần học. Với cái nhìn xa trông rộng, Đaminh chú trọng đến các trung tâm đại học lớn ở châu Âu. Năm 1221, ngay khi đến Nước Anh, các tu sĩ Đaminh đã trực chỉ đến đại học Oxford.

Nhưng dù việc học là quan trọng, Đaminh không bao giờ có ý định biến các tu sĩ của Ngài thành những học giả thuần túy. Nhiệm vụ hàng đầu của họ vẫn là giảng thuyết. Để thi hành sứ vụ này, họ cần được giáo dục và đào tạo, nhưng trên hết, họ phải có một đức tin sâu sắc và sống động nơi chúa và luôn sẵn sàng để Chúa Thánh Linh soi sáng cho lời nói và việc làm của họ. Trấn an anh em bằng lời cầu nguyện của Ngài, Đaminh đã cử những anh em trẻ đi rao giảng, khuyên họ tin tưởng vào Chúa sẽ ban cho họ những lời đích thực để rao giảng.

Và chính Đaminh cũng đã luôn ý thức rằng trên hết tất cả, Ngài chỉ là một nhà giảng thuyết. Mặc dù mất nhiều thời gian và năng lực cho Dòng mới lập, Ngài vẫn tiếp tục đi xa và rao giảng rộng rãi. Và khi cần, Ngài cố gắng chiêu mộ cả những người không phải là tu sĩ Đaminh mà Ngài dám tin là họ có ơn rao giảng và sẵn sàng tham gia vào đoàn truyền giáo của Ngài.

9. PHỤ NỮ TRONG DỰ PHÓNG CỦA THÁNH ĐAMINH

Đaminh cũng quan tâm đến kế hoạch mà Đức Giáo Hoàng Honorio III dự kiến, đó là thiết lập một đan viện mới và nghiêm túc hơn cho các nữ tu ở Roma. Lúc đó, kế hoạch này rất cần thiết vì nhiều đan viện đã không còn sống nhiệt tâm đạo đức nữa, khiến nhiều chị em muốn sống đời sống tu nghiêm chỉnh hơn không đạt được ý nguyện. Nhà thờ Thánh Sixto đã được dành riêng cho mục tiêu đó; nhưng Dòng Gilbertines được trao trách nhiệm thực hiện dự án đó đã chẳng quan tâm thực hiện điều gì cả. Vì thế, năm 1218, Đaminh đã tự nguyện đảm nhận trách nhiệm này. Tháng hai năm 1221, một cộng đoàn nữ tu đã đến ở tại nhà thờ Thánh Sixto, dưới quyền cai quản của Đaminh. Đồng thời Ngài cũng thiết lập một nữ đan viện ở Madrid và chuẩn bị thiết lập một cộng đoàn nữ tu khác nữa ở Bologna.

10. TỔNG HỘI TIÊN KHỞI

Năm 1220, Đaminh triệu tập các đại biểu từ các cộng đoàn về họp Tổng Hội ở Bologna. Trong Tổng Hội này, Ngài tha thiết xin anh em cho Ngài thôi trách nhiệm lãnh đạo Dòng; nhưng tất cả anh em đều không đồng ý. Ngài ra sức thuyết phục anh em, chứ không phải Ngài, phải đề ra những quyết định về Hiến Pháp Nền Tảng của Dòng. Ít nhất cũng có một điểm anh em không đồng ý với Ngài. Dù thế, Ngài vẫn không hề muốn áp đặt ý riêng Ngài trên anh em. Ngài xin các anh em trợ sĩ hãy hoàn toàn lo liệu về đời sống vật chất trong Dòng để anh em tư giáo hoàn toàn có thời gian nghiên cứu và giảng dạy. Anh em không chấp nhận đề nghị này của Ngài.

Khi Tổng Hội kết thúc, toàn bộ những nét cơ bản Dòng đã được thành hình; sau này, vào năm 1221, chỉ cần bổ túc thêm một số chi tiết liên quan đến hành chánh. Đặc tính nổi bật của luật pháp Đaminh là tính cách uyển chuyển. Thánh Đaminh không thiết lập “luật Thánh” vững bền mãi mãi. Theo nguyên tắc, mọi điều khoản đều có thể sửa đổi để thích ứng; và không luật nào được phép cản trở việc rao giảng của Dòng. Bề Trên có toàn quyền để miễn chuẩn cho anh em khỏi những nghĩa vụ hay kỷ luật nào làm ngăn trở việc rao giảng đó. Còn rất nhiều khoản khác được mở ngỏ cho sáng kiến cá nhân hay sáng kiến cộng đoàn. Rõ ràng, một lần nữa, chúng ta thấy Đaminh đã có cái nhìn xa trông rộng khi tín cẩn cho anh em quyền tự quyết định khi có việc xảy đến. Ngài không muốn nêu trước những khó khăn trước khi nó có.

Sau Tổng Hội, Đaminh lại lên đường, nhưng thời điểm này sức khoẻ Ngài đã yếu kém. Năm 1221, Ngài chủ tọa Tổng Hội lần thứ II và sau đó lại tiếp tục lên đường. Nhưng cuối tháng Bảy, Ngài trở về Bologna, vì quá yếu sức và đã qua đời vào ngày 6 tháng Tám năm đó.

11. CUỘC ĐỜI THÁNH ĐAMINH

Mãi đến năm 1233, vấn đề phong thánh cho Đaminh mới được đặt ra, và trong diễn tiến chính thức, chín người đã biết Đaminh được triệu đến Bologna để làm chứng. Chứng từ của họ đã cho chúng ta thấy Ngài đã để lại một ấn tưởng khá rõ nét nơi những ai quen biết Ngài hay có dịp tiếp xúc với Ngài. Nhiều chứng nhân khác cũng làm chứng thật rõ nét về chuyện này.

Chúng ta được nghe đi nghe lại rằng Đaminh là một người vui vẻ và rất dễ thân thiện. Ngài đã cầu nguyện thật sốt sắng và lâu giờ. Ngài thường thức suốt đêm để cầu nguyện và vì lời cầu nguyện chen lẫn tiếng khóc thương, đôi khi Ngài cầu nguyện hơi lớn tiếng khiến anh em thức giấc. Ngài rất dễ mủi lòng. Nhiều nhân chứng xác nhận rằng Ngài thường khóc khi cử hành phụng vụ và khi khi giảng.

Lòng say mê cầu nguyện và nhiệt thành rao giảng của Ngài dường như đã khiến Ngài quan niệm rằng, theo nguyên tắc, phải dành đầy đủ thời gian cho hai việc đó. Ngài thúc giục anh em “luôn nói với Chúa hay nói về Chúa” và Ngài nôn nóng nắm lấy bất cứ cơ hội nào để nói với người ta về Chúa, ngay cả khi Ngài không biết ngôn ngữ của họ, cách nào đó Ngài làm cho họ hiểu Ngài. Và khi trên đường đi, nếu không nói về Chúa, Ngài cũng cầu nguyện và suy gẫm hay hát thánh vịnh. Một đôi khi Ngài nói với bạn đồng hành: “Chúng ta hãy suy nghĩ về Đấng Cứu thế của chúng ta”.

Ngài mộ mến Thánh Kinh và luôn mang theo Tin mừng thánh Matthêu và các thư Phaolô. Ngài khuyến khích anh em trở nên những môn sinh nhiệt thành của Lời Chúa. Hiến pháp sơ khai nói rằng tập sinh phải được khuyến khích “luôn luôn đọc hay nghĩ về một điều gì”. Đaminh là người đã khéo dùng thời giờ để mang lại những ích lợi thiết thực hơn là sử dụng thời giờ một cách máy móc, nguyên tắc.

Kỷ luật có giá trị nhưng không bao giờ được coi là mục tiêu đối với những người đã chọn “trở nên hữu ích cho linh hồn người khác” làm mục tiêu tối quan trọng của đời mình. Mục tiêu đó đòi hỏi một tấm lòng luôn sẵn sàng và quảng đại đáp ứng ngay đối với những nhu cầu và cơ hội không tiên liệu được. Đaminh có một khả năng rất đặc biệt là khéo phối hợp tính cứng nhắc của cơ chế với sự uyển chuyển và khéo dung hòa đời sống cộng đoàn nghiêm túc với sự thích nghi.

Có thể coi những tính cách của Đaminh ở tuổi trưởng thành đã được định hình ngay từ hồi niên thiếu. Cho dù biết rất ít về thời thơ ấu của Ngài, nhưng chúng ta cũng chắc rằng cha mẹ Ngài thuộc giai cấp quí tộc Tây Ban Nha: Cha là Felix Guzman và mẹ là Joan d’Aza. Cả hai dòng họ đều đóng vai trò quan trọng trong đời sống công cộng của miền Castile. Mẹ Ngài nổi tiếng về sự quảng đại đối với người nghèo, đôi khi vì đó mà tính mạng của bà bị đe dọa. Họ hàng bà nổi tiếng trong việc điều hành một số Dòng Hiệp Sĩ được thành lập ở Tây ban Nha để bảo vệ Kitô giáo. Caleruega nơi Đaminh sinh ra năm 1170 là một phố tương đối mới trong khu vực người Moor mới bị trục xuất. Nhờ khả năng nhìn xa trông rộng, khả năng dễ thân thiện với những nhân vật quan trọng, quyền quí, nhưng cũng hết sức thiện cảm với những nạn nhân bị đàn áp, Đaminh đã lớn lên với một ý thức trách nhiệm đối với Giáo Hội và người nghèo và có một khả năng quyết định nhanh nhậy và chính xác .

Đaminh là một con người rất dễ đến gần và đáng yêu, lịch sự trong quan hệ với người khác, nhưng cũng cương quyết trong quyết định, nhiệt thành với Giáo Hội và với chân lý Tin mừng, nhưng cũng nhạy cảm đối với những giá trị đích thực nơi những phong trào ngoài cơ chế Giáo Hội. Ngài thực là một người can đảm nhưng không xua đuổi những yếu đuối và nhút nhát.

Một trong những người bạn của Ngài quả quyết: “Tôi chưa hề biết có ai sống đời phục vụ Chúa khiến tôi cảm phục như Ngài. Và Ngài rất nhiệt thành đối với phần rỗi các linh hồn hơn bất cứ người nào mà tôi đã từng thấy”. Một nhân chứng khác đã nói: “Ngài được mọi người yêu mến, người giàu cũng như người nghèo, Do thái và dân ngoại”.

Chân phước Jordano Saxon, Đấng kế vị Cha Đaminh đã đúc kết đức tính Đaminh bằng những lời này: “Ngài không bao giờ mất sự yên tĩnh tinh thần trừ khi Ngài bị tác động bởi lòng cảm thương; và, bởi vì một trái tim hạnh phúc làm nên một khuôn mặt hạnh phúc, sự bình an nội tâm của Ngài được tỏ hiện qua sự tử tế và thái độ vui tươi. Dưới ánh sáng của Chúa, nếu Ngài xét thấy việc nào đó phải được thực hiện thì Ngài kiên nhẫn đến cùng đến nỗi Ngài không bao giờ hay khó có thể thay đổi thay đổi quyết định mà Ngài đã hoạch định sau khi quyết tâm. Gương mặt Ngài luôn tươi vui như phản ảnh một lương tâm tốt lành”. “Ánh sáng nơi khuôn mặt Ngài không bao giờ tàn lụi”.

Vì thế, Ngài dễ chinh phục được tình mến của mọi người. Ngay khi gặp tha nhân, Ngài đã dễ dàng chiếm được lòng họ mộ mến. Ở đâu, đi với anh em hay ở lại trong gia đình nào đó, hoặc đồng hành với hoàng thân hay Giám mục hoặc một nhân vật quan trọng nào khác. Gặp ai Ngài cũng khích lệ. Bằng nhiều giai thoại huấn dụ phong phú, Ngài khéo mở lòng mở trí người ta để đón nhận tình yêu của Chúa Kitô và để khinh thường những thành công thế tục. Ở đâu lúc nào, bằng lời nói và việc làm, Ngài đã tỏ mình thực sự là con người của Tin Mừng. Ban ngày, không có ai dễ đồng hành hơn, vui vẻ hơn Ngài. Nhưng ban đêm không có ai lại sốt sắng canh thức và cầu nguyện hơn Ngài”.

Trước khi Ngài lìa thế, anh em khóc thương. Nhưng Ngài hứa sẽ đem lại ích lợi cho anh em hơn khi Ngài còn sống.

Tháng 8 năm 1221, theo một ý nghĩa nào đó, cuộc đời trần gian của Thánh Đaminh phải có lúc kết thúc. Mặc dầu ký ức về Ngài vẫn còn sống động trong tâm hồn Gia đình Đaminh – con cái Ngài; nhưng đàng khác, thế giới vẫn nghe thấy tiếng Ngài dù không nhận ra. Thánh Catarina Sienna nói: “Ngày nay, lời giảng của Đaminh vẫn còn được nghe và vẫn còn tiếp tục được nghe” qua việc giảng thuyết của các con cái Ngài.

Lý tưởng vĩ đại mà Đaminh đã khởi xướng trong thời của Ngài đã tác động đến những con người – nam cũng như nữ – trong Giáo Hội. Và còn hơn thế nữa, lý tưởng đó đã vượt ra khỏi ranh giới của Giáo Hội tức là những công trình của những vị như: Thomas Aquino, Alberto cả, Catarina Sienna, Bartolomé de Cas Casas, Martin de Porres Fra Angelico, Savonarola, Meister Eckhart và nhiều vị khác, bằng những đường lối khác nhau, ảnh hưởng đến cuộc đời, tư tưởng và lòng sùng mộ của Giáo Hội và của thế giới.