Thánh Catarina Siena qua Tông Thư Amantissima Providentia

0
2853

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Tông Thư Amantissima Providentia[1]

(ban hành vào ngày 29 tháng 04 năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày thánh nữ qua đời).

Chư huynh đáng kính và các con rất yêu dấu,
tôi xin gửi lời chào thăm và phép lành Toà thánh.

Qua nhiều cách thức khác nhau, Thiên Chúa bày tỏ sự quan phòng ưu ái như là Đấng điều khiển dòng lịch sử bằng cách thắp lên những ánh sáng mới trên đường đi của con người. Để thực hiện điều đó, Người thường chọn những người tuy xem ra bất tài, và Người nâng cao những khả năng tự nhiên của họ lên, khiến cho họ có thể thi hành những công việc hoàn toàn vượt quá tầm cỡ của mình. Người đã làm như thế không chỉ để làm cho những kẻ khôn ngoan phải bẽ mặt (1Cr 1,19) nhưng nhất là để nêu bật rằng công trình của Người không cần đến sự hỗ trợ của con người, và cũng để tỏ rõ cho con người thấy rằng ân sủng của Người nâng họ lên phẩm cách cao quý đến đâu.

Điều đó trở nên rõ rệt cách đặc biệt ở nơi cuộc đời và sự nghiệp của thánh nữ Catarina Siena mà năm nay chúng ta mừng kính kỷ niệm 600 năm ngày tạ thế. Tôi rất sung sướng nhân dịp này để một lần nữa giới thiệu một mẫu gương sống động cho các tín hữu, không phải chỉ thuộc nước Italia nhưng còn cho cả thế giới. Thật vậy, Chúa Thánh Thần đã chiếu rọi nơi Chị sự sung mãn diệu kỳ của ân sủng và nhân bản, bằng các linh ân cao minh, thượng trí và hiểu biết, nhờ đó, tâm trí con người trở nên cực kỳ nhạy bén đối với những điều Chúa soi sáng, “trong những kiến thức thuộc về Thiên Chúa và nhân loại” (S. Thomae Summa Theologiae, I-IIae, q. 68, a. 5 ad 1).

Ta có thể áp dụng vào cuộc đời của thánh nữ Catarina những lời của vịnh gia: “Đường con đi Chúa mở rộng thênh thang, Chân con bước không bao giờ lảo đảo” (Tv 17 /18, 37),“Được Chúa thương mở lòng mở trí, Con chạy theo đường mệnh lệnh của Ngài” (Tv 118 /119, 32).

I. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ

1. Bé Catarina chào đời vào năm 1347 khi hoàn cảnh Italia và Âu Châu gặp nhiều nỗi bất hạnh. “Cơn dịch đen” nổi tiếng thê lương đã xuất hiện ở chân trời, và bộc phát một năm sau đó, gieo sầu thảm và chết chóc cho hết mọi xứ sở và hầu như cho mỗi gia đình.

Xã hội dân sự còn bị nhiều tai ương khác đè nặng chẳng hạn như các cuộc chiến tranh, đặc biệt là trận chiến kéo dài 100 năm giữa hai nước Pháp và Anh, và những cuộc xâm lăng cướp bóc. Trong lãnh vực tôn giáo, thế kỷ đó được đánh dấu trong vòng ba phần tư thời gian với việc các Giáo hoàng trú ngụ ở Avignon, và tiếp theo là cuộc ly giáo Tây Phương kéo dài cho đến năm 1417. Lịch sử của cô “Áo choàng đen”[2] thành Siena được lồng trong bối cảnh này, trong đó cô cũng đóng một vai trò chủ động.

Catarina, người con gái kế út của bác thợ nhuộm có 25 anh em, đã sớm ý thức những nhu cầu của thế giới, và được thu hút bởi lý tưởng tông đồ của Dòng Đaminh, Chị muốn gia nhập hàng ngũ Dòng Ba, hoặc theo ngôn ngữ đương thời ở Siena, gia nhập nhóm “Áo choàng đen”, nghĩa là những người không phải là nữ tu và cũng không sống đời sống cộng đoàn, nhưng mặc áo trắng và khoác áo choàng đen của Dòng Anh Em Thuyết Giáo. Khi còn rất trẻ, Chị đã nổi bật trong việc thực thi bác ái đối với người nghèo và người đau bệnh, kiên nhẫn chịu đựng những lời dèm pha của người đời và những cuộc chiến đấu nội tâm với ma quỷ. Chị cũng nổi bật về đức khôn ngoan và khiêm tốn trong cung cách và tư tưởng.

Đồng thời Chị cũng biết can đảm luyện tập một chương trình khổ chế, dựa trên những tiêu chuẩn hữu hiệu mà sau này Chị sẽ khắc ghi trong tâm trí các đồ đệ của mình: “Đừng để cho xáo động thầm kín (của bản năng lệch lạc) nào nổi lên mà không điều chỉnh nó” (S. Catharinae Senensis, Dialogus, c. 73; 161; cfr. c. 60; Epistulae, passim).

Một nhóm môn đệ thuộc mọi giai cấp đã qui tụ chung quanh Chị, vì họ bị thu hút bởi đức tin tinh tuyền của Chị và việc đón nhận Lời Chúa cách chân thành, triệt để. Họ là những giáo dân, những Chị em dòng ba, những tu sĩ thuộc nhiều dòng tu và một số người đã được chinh phục do những sự kiện phi thường. Tất cả đều nhận được nơi chị một sự bảo đảm đặc biệt, đó là Chị sẽ tương trợ họ dù bất cứ ở đâu, và chị cũng sẵn sàng trả giá cho những lỗi lầm của họ (cfr. S. Catharinae Senensis, Epist. 99). Lời cam đoan đó đã được cảm nhận nhiều lần trên thực tế.

Như người thầy đối với học trò, Chúa đã dạy dỗ Chị, và hé mở cho Chị từng bước “những điều hữu ích cho linh hồn Chị” (Raimundi Capuani, Legenda Maior in “Acta Sanctorum”, Apr.).

Hành trình tâm linh của Chị tiến đến chóp đỉnh là cuộc kết hôn huyền nhiệm trong đức tin, một điều xem như là dấu ấn cho một cuộc đời dấn thân sống ẩn dật và chiêm niệm. Tuy nhiên, khi trao cho Chị chiếc nhẫn vô hình, Chúa Kitô muốn kết hợp với Chị trong những công việc của Vương quốc (Raimundi Capuani, Legenda Maior in “Acta Sanctorum”, Apr., par. 115). Cô thiếu nữ quê mùa tuổi đôi mươi ấy thấy điều đó như một sự chia tay với vị Lang quân trên trời, nhưng Vị này trấn an rằng chiếc nhẫn ấy sẽ siết chặt Chị với Ngài nhiều hơn nữa “nhờ đức ái đối với người thân cận”, nghĩa là tương quan đó vừa đăt trên bình diện thần bí nội tâm, vừa nối kết với các hoạt động bên ngoài, hay có người đặt tên là thần bí tông đồ (J. Leclercq La mystique de l’apostolat, 1922-1947). Những lời đó như tung ra những chân trời mở rộng cho tâm trí và sáng kiến của Chị. Từ chỗ hoán cải từng tội nhân cá biệt, chị chuyển sang việc dàn xếp giữa những cá nhân hoặc gia đình thù địch với nhau; bình định, hoà giải giữa các thành phố và các quốc gia. Chị không sợ hãi khi băng qua những phe cánh vũ trang, cũng không chùn lại khi thấy mở rộng những chân trời mới, mà từ lúc đầu đã gây ra nỗi kinh hoàng khiến chị nức nở. Nhiệt tình của vị Thầy chí thánh đã mở toang cho chị thấy trước mắt con số người luôn gia tăng. Tuy là một người con gái của bác thợ thủ công và một phụ nữ thất học, không được đến trường và thụ huấn, nhưng cái nhìn về thế giới và những vấn đề nhân sinh đã vượt xa ranh giới của phố phường địa phương, và Chị đã tính chuyện hoạt động ở tầm mức hoàn vũ. Không gì có thể hạn chế được nhiệt tâm của Chị cũng như lòng khao khát cho các linh hồn được cứu rỗi. Chính Chị kể lại rằng một ngày nọ Chúa đã trao cho chị “thánh giá ở trên cổ và cành ô liu ở trong tay” để mang đến cho dân có đạo cũng như dân ngoại đạo, dường như chính Đức Kitô nâng Chị lên tới những chiều kích phổ thế của ơn cứu độ (S. Catharinae Senensis, Epist. 219 vel LXV).

Để làm cho Chị được hoà hợp hơn với mầu nhiệm cứu chuộc và chuẩn bị Chị đi vào sứ mạng tông đồ không mệt mỏi, ngày 1 tháng 4 năm 1375, trong nhà thờ Santa Cristina ở Pisa, Chúa đã ban cho Catarina ơn mang năm dấu thánh.

Lúc 29 tuổi, Catarina ý thức đầy đủ sứ vụ cao cả của mình là “tái lập mối quân bình cho Kitô giáo” (G. La Pira, in Comm. “Vita Cristiana”, 1940, p. 206). Từ nhiều năm qua, Chị đã hô hào “cuộc hành chinh thánh”, nghĩa là đạo binh thánh giá để giải phóng đất thánh, hoặc để giải trừ quân bị Kitô giáo khỏi những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn (cfr. S. Catharinae Senensis, Epist. 206, vel LXIII), hoặc để “gieo rắc đức tin” nơi những người ngoại đạo (S. Catharinae Senensis, Epist. 218 vel LXXIV).

Một cách tương tự, và có lẽ với lòng hăng say hơn nhiều, Catarina thúc giục Đức Thánh Cha thực hiện cuộc cải tổ đời sống luân lý của Giáo hội, bắt đầu với việc tuyển chọn những mục tử tốt lành. Về đề tài này, Chị đã sử dụng nhiều từ ngữ rất cháy bỏng, bởi vì đối với Chị, “Hội thánh không gì khác hơn là chính Đức Kitô” (S. Catharinae Senensis, Epist. 171 vel LX). Chị khiển trách và tố giác những xáo trộn trong Giáo hội, nhưng với một tâm hồn hết sức tha thiết, bày tỏ lòng quan tâm chăm sóc Giáo hội như người mẹ, kèm theo những lời đề nghị cương quyết với khí thế nam nhi. Chị viết cho Đức Giáo hoàng Grêgoriô XI : “Xin Ngài hãy mau chóng đến với Hiền thê của Ngài đang tái mét và chờ đợi Ngài đến trang điểm cho thêm sắc thắm (S. Catharinae Senensis, Epist. 231 vel LXXVII). “Xin Ngài hãy trả lại (cho hiền thê Hội Thánh) trái tim đầy đức ái nồng nhiệt đã mất: nó đã ra tái mét vì bị hút hết máu bởi những phường gian ác” (S.Catharinae Senensis, Epist. 206 vel LXIII).

Thế rồi đến lúc phải bắt tay vào công trình hiển hách nhất. Vào tháng 6 năm 1376, Chị lên đường đi Avignon với tư cách làm người trung gian hoà bình giữa Toà Thánh và thành phố Firenza. Vấn đề này hết sức khó khăn: nó sẽ được giải quyết sau đó hai năm, với sự can thiệp một lần nữa của Chị. Nhưng Catarina còn mang trong thâm tâm nhiều chuyện lớn lao hơn nữa. Chị đã trao cho cha giải tội Raymonđô Capua một bức thư đi trước, đệ trình lên Đức Thánh Cha, “về phía Đức Kitô chịu đóng đinh”, ba điều chính yếu phải làm để đạt tới hoà bình trong mọi đường hướng: ươm trồng những mục tử xứng đáng, phất cao ngọn cờ thánh giá của thập tự quân, và dời toà Giáo hoàng về Rôma.

Những lời của Chị vọng lại tiếng kêu gọi mãnh mẽ của các ngôn sứ, nhất là lúc Chị đụng chạm đến tình trạng thảm thương và hư hoại của Giáo Hội bởi vì bận rộn với tài sản vật chất. Chị không chần chừ nói với vị đại diện Đức Kitô hãy trở về Toà thánh: “Xin Đức Thánh Cha hãy trả lời tiếng mời gọi của Chúa Thánh Thần. Con nói cho Đức Thánh Cha: hãy đi, hãy đi và hãy đi”. Và sau khi đã phấn khích Ngài hãy ra đi “như con chiên hiền lành”, để tăng thêm sức mạnh cho lời lẽ mình, với tấm lòng kính trọng và khẳng khái, Chị nói thêm: “Xin Ngài hãy tỏ cho con thấy Ngài là nam nhi can trường chứ không nhát đảm” (S. Catharinae Senensis, Epist. 206 vel LXIII). Con tim của chị ra như tan nát vì phải chờ đợi mỏi mòn và nhìn thấy các linh hồn hư mất, khiến chị thốt lên trong một lá thư kế tiếp: “Ôi Cha ơi, con đau khổ đến chết được, nhưng con lại không thể nào chết!” (S. Catharinae Senensis, Epist. 196 vel LXIV).

Chị đã đến Avignon vào ngày 18 tháng 6, và có thể lên tiếng, kể cả nhờ những cuộc gặp gỡ trực tiếp với Đức Thánh Cha, về bổn phận không thể trì hoãn được nữa. Chị đã trình bày vấn đề không chút kiêu căng nhưng cũng chẳng e lệ. Vị Giáo hoàng hiền hậu cứ chần chừ trong việc quyết định, sau cùng phải nhìn nhận rằng Chúa thực sự đã nói với Ngài qua môi miệng Chị, và Ngài đã chứng thực đó là ý muốn của Chúa. Đức Gregogrio XI dứt khoát rời bỏ Avignon ngày 13 tháng 9 năm 1376 và đến Rôma vào ngày 17 tháng 1 năm 1377 giữa đoàn dân cuồng nhiệt nhảy mừng như ngày hội lớn.

Tiếp đó, sau một sứ vụ lâu dài ở Valdorcia, Chị tiếp tục công cuộc giải hoà của thành phố Firenze, và có lúc suýt bị ám sát, nhân một cuộc nổi dậy vào mùa hè năm 1378. Tưởng rằng mình sắp được tử đạo, Chị đã viết hầu như thất vọng như sau: “Lang quân muôn thuở đã đánh lừa tôi!” (S. Catharinae Senensis, Epist. 295).

Không may vào đúng năm ấy, Đức Gregorio XI băng hà và Đức Urbano VI được bầu làm Giáo hoàng giữa nhiều cuộc xô xát. Vị đắc cử là người chủ trương nếp sống khắc khổ và cải cách phong hoá. Thế là cuộc ly khai lớn đã nổ ra và kéo dài gần 40 năm, làm rối loạn sự hiệp nhất trong Giáo hội. Thánh nữ, dù thấy trước tình cảnh đó, vẫn thấu cảm trong thớ thịt mình vết thương của Giáo hội. Chị đành bỏ qua một bên mọi ý tưởng khác, để dồn hết sức lực vào việc chiến đấu cho sự hiệp nhất của thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, và cho một Giáo hoàng đích thực duy nhất. Từ đó trở đi những lá thư nóng hổi của Chị có thể được gọi được là những sứ điệp về sự hiệp nhất Kitô giáo. Lòng yêu mến đối với Đức Giáo hoàng và Giáo hội đã thiêu đốt tâm hồn Chị.

Tất nhiên trước lời kêu gọi của đức Giáo hoàng Urbano VI, Chị vội vàng về Rôma: Chị phải hoạt động ngay giữa con tim của Hội Thánh. Chị đề nghị và cổ vũ cho việc tập họp những người có tinh thần tinh tuyền xung quanh “Đức Kitô dịu hiền trên mặt đất” để giúp đỡ Ngài, bằng những lời cố vấn, bằng lời cầu nguyện và cuộc sống thánh thiện. Nhà của chị nằm trên Đường Đức Thánh Cha (Via del Papa, tên đường thật là đầy ý nghĩa) trở thành một trung tâm sinh hoạt ngoại giao. Chị gửi thư từ và sứ giả đi khắp nơi : đến những nhà cầm quyền trị vì Italia và Au châu, đến các hồng y phản nghịch và các tôi tớ của Chúa cần được khích lệ. Chị cổ động các chiến sĩ chiến đấu cho Đức Urbano, xoa dịu những cuộc nổi dậy của người dân Rôma, kìm hãm cơn hăng nồng của Giáo hoàng, đi cầu nguyện trên mộ Tông đồ thánh Phêrô bất chấp mệt mỏi. Quả là một năm rưỡi tiêu hao trong những hoạt động mòn mỏi và những lời khẩn nguyện thống thiết: “Ôi lạy Chúa trường cửu, xin hãy nhận lấy hiến lễ của đời con trong thân thể mầu nhiệm Hội Thánh đây !” (S.Catharinae Senensis, Epist. 371). Và như vậy, giữa những lời van nài và những niềm ao ước hao mòn, Catarina tắt thở tại Rôma vào Chúa nhật, 29 tháng 04 năm 1380, được 33 tuổi giống như vị Hôn phu của mình chịu đóng đinh.

Thi hài của Chị được chôn cất trong nhà thờ Santa Maria sopra Minerva ở Rôma, và nay được đặt dưới chân bàn thờ chính để tôn kính. Trong khi đó thủ cấp của Chị được rước về Siena giữa sự chào đón nồng nhiệt của hàng giáo sĩ và dân chúng, với sự hiện diện của thân mẫu là bà Lapa, và được cất giữ trong nhà thờ San Domenico cho tới ngày nay.

Catarina được Đức Giáo hoàng Pio II phong thánh với sắc chiếu “Misericordias Domini” (Lòng thương xót của Chúa) vào ngày 29 tháng 6 năm 1461. Như vậy thánh nữ được long trọng giới thiệu cho toàn thể Hội thánh toàn cầu là khuôn mẫu của sự thánh thiện, mẫu gương của một phụ nữ đơn sơ nhưng đạt tới sự cao cả trổi vượt, nhờ ân sủng của Đấng toàn năng.

II. BÚT TÍCH

2. Xét về văn học, thánh nữ Catarina là một trường hợp rất hi hữu. Chị chẳng bao giờ đến trường và cũng không biết đọc biết viết, họa may chỉ được học muộn màng và sơ sài. Thế nhưng Chị đã đọc cho thư ký viết khá nhiều bút tích, tạo nên một tác phẩm cổ điển trong văn chương Italia vào thế kỷ XIV và ở trong số những tác giả thần bí. Vì thế thánh nữ xứng đáng được Đức Giáo hoàng Phaolô VI trao tặng tước hiệu tiến sĩ Hội thánh vào ngày 4 tháng 10 năm 1970.

Chị đã để lại 381 Lá thư viết cho mọi hạng người, tầm thường hay có chức vị. Những lá thư ấy thật phong phú về linh đạo, phản ánh một tâm hồn đã sống sâu đậm những điều mình viết ra, với gịong điệu thẳng thắn, hùng hồn, và lắm lần thi vị. Qua những bức thư ấy, người ta nhận thấy cháy bừng một nỗi say mê đối với con người vừa là hình ảnh của Thiên Chúa vừa là tội nhân, đối với Đức Kitô Đấng cứu chuộc, và đối với Hội Thánh là cánh đồng trong đó Đấng Cứu Thế trổ sinh kho báu của Máu thánh Người để cứu chuộc nhân loại.

Những bức tâm thư đó gói ghém một tinh thần nhạy bén đối với tất cả nỗi xao xuyến của nhân loại, một óc tưởng tượng hăng say, một đức tin vừa đun nóng những lời lẽ tố cáo các nết xấu, vừa xoa dịu tựa hồ âu yếm khi khiển trách những người nguội lạnh và nâng đỡ những kẻ yếu đuối. Những lá thư đó không có gì giả tạo hoặc khách sáo, nhưng rất thẳng thắn khẳng khái kể cả lúc bày tỏ lòng đạo đức.

Hơn nữa, giữa những năm 1377 và 1378, thánh nữ Catarina nhiều lần tiếp tục đọc cho thư ký viết một quyển sách mang tên “Cuộc đối thoại của Đấng Quan Phòng” hay “Đối thoại đạo lý của Thiên Chúa” (Dialogo della Divina Provvidenza o della Divina dottrina) trong đó linh hồn thánh nữ đối thoại với Chúa trong những lần xuất thần. Tác phẩm thuật lại những điều mà Đấng Chân lý trường cửu đã nói với Chị, trả lời những câu hỏi liên quan tới đến thiện ích của Hội thánh, của con cái Người và của thế giới. Đặc trưng của tác phẩm là giọng văn, tư tưởng quân bình và cách diễn đạt sáng sủa. Đối Thoại bàn đến những mầu nhiệm cao cả nhất của Kitô giáo, những vấn đề gay go nhất của sự khổ chế và thần bí. Tư tưởng cảnh giác và van nài hướng đến những người anh em sống trong thế gian: tác giả nhận thấy họ bị lạc mất trên những nẻo đường của tội lỗi, và muốn lay động họ thức tỉnh khỏi cảnh mê muội; với cái nhìn tâm lý tế nhị, tác giả chiếu lên những tia sáng về đường trọn lành, nêu bật sự siêu thăng của con người, khi biết dõi theo Đức Kitô vâng phục, sẽ tìm thấy con đường chắc chắn dẫn đến Chúa Ba Ngôi diễm phúc. Nhờ những viễn ảnh bao la, những phân tích cảm nghiệm dồi dào, những hình ảnh và ý niệm súc tích, tác phẩm này trở thành “một trong những viên ngọc quý của văn chương tôn giáo Italia” (E. Underhill, Mysticism, p. 467).

Cuối cùng là những bài Cầu nguyện được thu thập từ môi miệng của thánh nữ vào những năm cuối đời. Trong lúc thưa chuyện trực tiếp với Chúa, thánh nữ đã bộc lộ tâm can và những khắc khoải của mình. Đó là những lời tự phát từ tâm trí chìm ngập trong ánh sáng thần linh và từ con tim xót xa trước nỗi thống khổ của loài người, phát biểu với cung giọng đầy tình cảm và tín thác, với những thuật ngữ dạn dĩ nhưng vẫn phù hợp với đạo lý chính thống, chứ không phải là những ý niệm hay thỉnh nguyện tầm thường.

III. CẢM NGHIỆM VỀ CON NGƯỜI VÀ THIÊN CHÚA

3. Vị Thầy dạy chân lý và tình yêu dùng một hình ảnh súc tích là Cây Cầu, một kiến trúc biểu tượng phần nào chuẩn bị cho hình ảnh “Leo lên núi Carmel” của thánh Gioan Thánh giá. Nhờ sự phân tích tâm lý tinh tế gọn gàng, hình ảnh này mô tả hành trình của con người từ tình trạng tội lỗi leo đến chóp đỉnh của sự hoàn thiện. Hình ảnh này mang đậm nét quy về Đức Kitô, bởi vì hoàn toàn dựa trên cấu trúc đó. Thực vậy Cây Cầu là Đức Giêsu Kitô, hoặc hiểu theo hình ảnh của thân xác treo trên thập giá, hoặc hiểu về đạo lý và ân sủng của Ngài.

Tội lỗi đã khoét ra một vực thẳm không thể nào lấp được, sự đồi trụy của thế gian ví như dòng sông với nhiều sóng xoáy. Một cây cầu nối kết đất với trời đã được dựng lên, Cây Cầu này nối kết giữa đất với trời khi Con Thiên Chúa nhập thể, kết hợp nơi mình bản tính Thiên Chúa với bản tính nhân loại (S. Catharinae Senensis, Dialogus, cc. 21-22; cfr. Epist. 272). Đây chính là con đường duy nhất dành cho những ai thật tình muốn đi tới sự sống vĩnh cửu. Hễ ai để cho ân sủng Đức Kitô lôi kéo (“Tôi sẽ lôi kéo mọi người lên với Tôi” : Ga 12,32), thì sẽ được giải thoát dần dần khỏi tội lỗi, khỏi sự sợ hãi bất toàn hoặc nô lệ, khỏi sự yêu mình dù đó là tình yêu cảm giác hay thiêng liêng, cho đến khi lột bỏ khỏi mọi bất toàn. Đồng thời diễn ra hành trình thăng tiến dưới sự điều động của đức ái. Thật vậy, cũng như thánh Tôma và các thần học gia ưu tú khác, thánh nữ Catarina cho rằng sự hoàn thiện “hệ tại đức ái” (S. Catharinae Senensis, Dialogus, c. 11); điều này cũng phù hợp với giáo huấn của Công đồng Vaticano II (Lumen Gentium, c.5), xét cả về bản chất của sự hoàn thiện cũng như về lời mời gọi tất cả mọi người nên thánh (S. Catharinae Senensis, Dialogus, c. 53). Vì thế thánh nữ đánh dấu trên Cây Cầu Đức Kitô ba cấp độ (được đặt tên là ba bậc thang) về sự tiến triển tâm linh, vừa có thể hiểu về ba quan năng của linh hồn (trí nhớ, trí tuệ và ý chí) được thu hút bằng tình yêu; vừa có thể hiểu về ba trạng thái tiến triển của tâm linh (bất toàn, hoàn hảo, tuyệt hảo) (S. Catharinae Senensis, Dialogus, c. 26).

Như vậy ta có một Cây Cầu-Thang, với bậc thứ nhất là tình yêu nô lệ, bậc thứ hai là tình yêu bạn hữu, và bậc thứ ba là tình yêu con cái (S. Catharinae Senensis, Dialogus, cc. 56-57). Sự phân chia thành ba bậc như vậy không hoàn toàn mang nét sơ đồ và lặp lại ý tưởng cổ truyền, nhưng kèm theo nhiều giải thích sư phạm, diễn tả những đặc trưng của mỗi cấp bậc tiến triển lên cao, và cách thức để vượt ra khỏi những cấp thấp, dựa theo nhận xét tâm lý được xây dựng trên kinh nghiệm tâm linh.

Những chương kế tiếp của Đối thoại (S. Catharinae Senensis, Dialogus, cc. 87-96), được gọi là “khảo luận về nước mắt”, cũng được triển khai dựa trên cấu trúc của hành trình thăng tiến nhưng với mô hình độc đáo, chứng tỏ thánh nữ là một nhà mô phạm với tư cách chững chạc, với tài sư phạm già dặn và chính xác, cho dù là những lời ứng khẩu.

Tuy nhiên sự tiến triển tâm linh không chỉ giới hạn vào lãnh vực cá nhân. Thánh Catarina rất lưu ý đến cuộc sống của tha nhân và tầm quan trọng của người thân cận, cho nên nhấn mạnh rất nhiều về sự bất khả phân ly giữa tình yêu đối với tha nhân và tình yêu đối với Thiên Chúa, một điều mà Công đồng Vaticano II cũng nêu bật (Lumen Gentium, 5). Thánh nữ đã khẳng định một điều kinh ngạc, được đặt vào miệng của Chúa như sau : “Cha cho con biết rằng mọi nhân đức được thực hiện qua môi giới của tha nhân, và mọi khuyết điểm cũng vậy” (S. Catharinae Senensis, Dialogus, c. 6).

Catarina muốn nói rằng, do sự thông hiệp về đức ái và ân sủng, tha nhân luôn luôn liên can đến cái tốt và cái xấu mà chúng ta làm (cfr. T. Deman, La parte del prossimo nella vita spirituale secondo il “Dialogo”, in “Vita Cristiana”, 1947, n. 3, pp. 250-258) . Nhưng tư tưởng của thánh nữ còn đi xa hơn thế nữa: tha nhân là “phương tiện” tuyệt vời nhất để thực thi đức ái; tha nhân là địa điểm để thực hiện các nhân đức một cách cần thiết nếu chưa nói là độc hữu. Chúa Cha hằng hữu nói : “Như linh hồn yêu Cha ở trong chân lý thế nào thì nó yêu tha nhân trong điều hữu ích như vậy; … và linh hồn càng yêu Cha bao nhiêu thì càng yêu tha nhân bấy nhiêu, bởi vì tình yêu đối với tha nhân xuất phát từ Cha. Đây là phương tiện mà Cha đã đặt trong các con để các con thi hành và tập luyện các nhân đức. Các con không thể làm điều gì có ích cho Cha được nên hãy làm điều đó cho tha nhân” (S. Catharinae Senensis, Dialogus, c. 7).

Nguyên tắc này được khẳng định nhiều lần : tha nhân là khu đất nơi diễn ra, thực hiện, chứng minh và đo lường đức ái huynh đệ, đức nhẫn nại và công bình xã hội. Khi tiếp xúc với người khác, thì những xung khắc trở nên phương tiện trắc nghiệm các hành vi nhân đức (S. Catharinae Senensis, Dialogus, cc. 7-8): tuy vẫn lấy lòng mến Chúa làm tiêu chuẩn, nhưng nói được rằng : “Chúng ta yêu mến Thiên Chúa cách trọn hảo thế nào thì cũng yêu mến loài thụ tạo có lý trí cách trọn hảo như vậy” (S. Catharinae Senensis, Epist. 263; cfr. Dialogus, cc. 7 et 64).

Việc nhấn mạnh đến nguyên tắc liên đới cũng chứng tỏ chiều sâu của tình huynh đệ nhân loại mà Đức Kitô đã dạy chúng ta. “Người này như là bổ túc cho người kia” : đó là thực tại mà nhân loại chúng ta vẫn sống. Đấng quan phòng đã tạo dựng loài người, ban cho mỗi người có những đức tính thể lý và luân lý khác nhau, vì thế mỗi người đều cần đến nhau, “ngõ hầu các con có cơ hội bắt buộc phải thực thi bác ái với nhau” (S. Catharinae Senensis, Dialogus, c. 7) và tất cả mọi người đều bị ràng buộc với nhau bằng nhu cầu trợ giúp hỗ tương, giống như các chi thể trong cùng một thân mình (S. Catharinae Senensis, Dialogus, c. 148).

Cũng tương tự như vậy, trong Hội thánh phổ quát có sự liên đới giữa lãnh vực này với lãnh vực kia. Điều này được ví qua ẩn dụ về ba vườn nho : vườn nho của cá nhân, vườn nho của người láng giềng và vườn nho phổ quát của Dân Thiên Chúa. Hai vườn nho đầu rất kết hiệp với nhau đến nỗi “không ai có thể làm điều tốt cho mình nếu không làm tốt cho người thân cận, và không thể làm một điều xấu cho mình mà không làm cho người thân cận” (S. Catharinae Senensis, Dialogus, c. 24). Nhưng để có sự quân bình và trật tự thì phải liên đới với vườn nho thứ ba. Đây cũng là đặc điểm của học thuyết Catarina. Cây nho đích thực là Đức Giêsu Kitô được trồng trong vườn nho phổ quát là Hội thánh; vì thế mọi cành khác cần ghép vào với Ngài thì mới nhận được nhựa sống (S. Catharinae Senensis, Dialogus, c. 24). Trong vườn nho này, người làm vườn chính yếu là Đức Thánh Cha, là “Đức Kitô dưới thế, với nhiệm vụ là trao ban Máu Thánh cho chúng ta” (S. Catharinae Senensis, Epist. 313 et 321); những công nhân khác phải tùy thuộc nơi người và vâng lời người, bởi vì người “nắm giữ chìa khoá của máu Con chiên khiêm nhu” (S. Catharinae Senensis, Epist. 339; cfr. “Epist.” 309 et 305). Thật là những hình ảnh trong suốt về quyền tối thượng của thánh Phêrô trong lãnh vực giảng dạy và quản trị, do ý muốn của “Đệ nhất Chân lý dịu dàng” (S. Catharinae Senensis, Epist. 24 vel X), siết chặt khía cạnh cơ chế và khía cạnh đoàn sủng trong Đức Kitô, là cội nguồn duy nhất của cả hai, cơ chế và đoàn sủng trong Hội Thánh.

Đó là nguyên tắc chi phối tất cả mọi hoạt động của vị thiên thần hộ thủ của Hội thánh để bênh vực giáo hoàng Rôma.

KẾT LUẬN

Vai trò phi thường mà Catarina Siena đã đảm nhận theo chương trình huyền nhiệm của Chúa quan phòng trong lịch sử cứu độ không chấm dứt với ngày lìa bỏ cõi trần để về quê trời. Thật vậy, Thánh nữ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng trong Giáo hội bằng những gương nhân đức sáng ngời và những bút tích kỳ diệu. Vì thế các Giáo hoàng tiền nhiệm của tôi đều đồng lòng ca tụng tính cách hiện đại của người, và liên tiếp tục giới thiệu người để các tín hữu ngưỡng mộ và bắt chước.

Đức Giáo hoàng Piô II, trong sắc chỉ phong thánh đã gọi thánh nữ với những lời hầu như có tính cách tiên tri: “Người trinh nữ hiển hách được ghi nhớ muôn đời” (Pii II, “Misericordias Domini: Bullar. Roman.”, V, a. 1860, p. 165). Năm 1866, đức Piô IX đã tuyên bố thánh Catarina là Bổn Mạng đệ nhị của thành phố Rôma. Thánh Piô X đề xướng Chị thánh là khuôn mẫu cho giới phụ nữ Công giáo Tiến Hành và đặt Chị làm bổn mạng họ. Đức Piô XII tuyên bố thánh nữ cùng với thánh Phanxicô Assisi là bổn mạng hàng đầu của nước Ý, với Tông Thư “Licet Commissa” vào ngày 18 tháng 6 năm 1939; và trong bài diễn văn tưởng niệm để tôn vinh hai thánh nhân, diễn ra ở nhà thờ Santa Maria sopra Minerva vào ngày 5 tháng 5 năm 1940, Đức Thánh Cha đã ca tụng thánh nữ như sau: “Hỡi các con thân yêu, các con hiểu rất rõ là trong công cuộc phục vụ Hội thánh, thánh nữ Catarina đã đi trước thời đại của chúng ta, với những hoạt động mở rộng tinh thần công giáo, sát cánh với các thừa tác viên của đức tin, vừa tùng phục vừa hợp tác trong việc loan truyền và bảo vệ chân lý, khôi phục luân lý và xã hội của đời sống dân sự” (Pio XII, Discorsi e Radiomessaggi, II [1949] 100). Đức Thánh Cha Phaolô VI vào dịp mừng lễ hàng năm cũng đã không ngớt lời ca tụng tính cách hiện đại của chân dung và hoạt động tông đồ của thánh nữ Catarina. Trong những lời ca tụng đó, bài nói chuyện ngày 30 tháng 4 năm 1969 xem ra có ý nghĩa sâu đậm đối với thời đại của chúng ta: “Thánh Catarina đã yêu mến Giáo hội trong thực tại có hai mặt, như chúng ta đã biết: một bên là huyền nhiêm, thiêng liêng, vô hình là khía cạnh thiết yếu và hoà tan trong Đức Kitô, Đấng cứu độ hiển vinh, Đấng không ngừng tuôn đổ máu Ngài cho trần thế qua Hội thánh (thử hỏi có ai nói nhiều đến máu thánh Đức Kitô như là Catarina?); mặt khác là bộ mặt con người, lịch sử, cơ chế, cụ thể, nhưng không bao giờ tách rời khỏi bộ mặt thần linh. Điều đó làm cho ta tự hỏi xem những người thường chỉ trích cơ cấu của Giáo hội trong thời đại chúng ta có khả năng tiếp thu cả hai bộ mặt đó cùng một lúc được không” (Insegnamenti di Paolo VI, VII [1969] 941). Đức Phaolô VI còn bày tỏ lòng khâm phục đối với giá trị trường cửu của đạo lý khổ chế và huyền bí của thánh Catarina hơn nữa, khi nâng người cùng với thánh Têrêxa Avila lên bậc Tiến sĩ Hội thánh, với nghi thức tôn phong diễn ra tại đền thờ thánh Phêrô vào ngày 4 tháng 10 năm 1970 (Insegnamenti di Paolo VI, VIII [1970] 982-988).

Cuộc đời và hoạt động của thánh Catarina, dù về văn chương hay tông đồ, đã kiểm chứng một điều mà tôi có dịp nói với một nhóm giám mục khi về Rôma viếng Toà thánh (ad limina): “Chúa Thánh Thần tích cực tác động nơi các tín hữu qua việc soi sáng tâm trí họ bằng chân lý, và hun nóng con tim họ bằng tình yêu. Nhưng những trực kiến về đức tin và sự “đồng cảm của các tín hữu (sensus fidelium) như vậy không biệt lập khỏi huấn quyền của Hội Thánh, là một công cụ của chính Chúa Thánh Thần và được Ngài hỗ trợ. Chỉ khi nào các tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, được truyền đạt tinh tuyền và nguyên vẹn, thì các ơn đoàn sủng của họ mới trở nên sinh động và triển nở sung mãn” (cfr. Ioannis Pauli PP. II, Allocutio Indorum Episcoporum coetui habita, occasione oblata eorum visitationis “ad limina””, die 31 maii 1979: “Insegnamenti di Giovanni Paolo II”, II [1979] 1354-1358).

Quý hiền huynh và các con thân yêu, cuộc đời của thánh nữ Catarina Siena đã làm sống động và sinh sôi triển nở cách lạ lùng cho quê hương Siena và cho Giáo Hội, vì Chị đã ngoan ngoãn vâng theo “sự thúc đẩy” của Chúa Thánh Thần và sự chỉ bảo dẫn dắt từ phía Giáo Hội. Ước chi tấm gương của thánh nữ sẽ khơi dậy trong muôn linh hồn lòng hâm mộ hơn nữa, cũng như lòng mong ước bắt chước các nhân đức anh hùng của thánh nữ. Có như vậy chúng ta sẽ thêm niềm xác tín lần nữa rằng : cái chết của Người đã và vẫn còn “đáng quý trước mặt Chúa” giống như “cái chết của các bậc thánh nhân” (Tv 116,15).

Với những tâm tình đó, tôi ưu ái ban phép lành Toà thánh cho tất cả các hiền huynh đáng kính và các con yêu dấu của Italia, và tất cả những ai trên thế giới mừng kỷ niệm 600 năm ngày thánh nữ Catarina Siena qua đời, và đặc biệt cho Dòng Anh Em Thuyết giáo, các nữ đan sĩ và chị em thánh hiến cho Chúa theo Quy luật của Dòng.

Ban hành tại Rôma, tại đền thánh Phêrô, ngày 29 tháng 4,
lễ nhớ thánh Catarina Siena, năm 1980, năm thứ hai triều đại Giáo Hoàng
.

——————————

[1]Xem www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_ip_ii_apl_29041980_amantissima-providentia

[2] Mantellata: áo choàng đen khoác lên tấm áo trắng là biểu hiệu của các phụ nữ Dòng Ba Đaminh đương thời.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here