Thánh Biển Đức là viện phụ hay là tổ phụ?

0
3744


 

Kính thưa quý vị,

Thứ tư sắp tới đây là lễ kính thánh Biển Đức, viện phụ. Tại sao lịch phụng vụ gọi là viện phụ chứ không gọi là tổ phụ, bởi vì ngài đã sáng lập một dòng tu lớn trong Giáo hội? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời.

Theo tôi nghĩ, thánh Biển Đức không phải là viện phụ mà cũng chẳng phải là tổ phụ. Chắc chắn ngài không phải là tổ phụ, bởi vì ngài không hề có ý tưởng muốn thành lập một dòng như những vị thánh thuộc về thời Trung cổ hay cận đại. Ngài chỉ lập đôi ba cộng đoàn đan sĩ thôi. Việc thành hình dòng thánh Biển Đức xảy dến vào những thế kỷ sau đó, thậm chí phải nói là phải chờ đến cuối thế kỷ XIX mới có một vị mang tên là “Tổng viện phụ” tại Roma, tuy rằng quyền hạn của ngài không hoàn toàn giống như các bề trên tổng quyền của các dòng cận đại.

Như vậy, thánh Biển Đức chỉ là “viện phụ” mà thôi hay sao?

Có lẽ ngài cũng chẳng là viện phụ nữa, nếu chúng ta hình dung viện phụ theo bức chân dung hiện đại, nghĩa là một vị đội mũ gậy giống như giám mục. Thánh Biển Đức không phải là giáo sĩ, mà cũng chẳng biết đến mũ gậy. Nên biết là trong tiếng Latinh Abbas chỉ có nghĩa là “cha”. Danh từ này lấy lại từ Tân ước Hy lạp, với nguồn gốc aramic. Thời xưa, bên Tây phương cũng như bên Đông phương, một môn sinh đi tìm thầy lão luyện đã đạt được mức trọn lành và có khả năng phân định thần khí. Ông thầy được tôn làm “sư phụ”, người cha tinh thần. Nơi bản luật của Biển Đức, tuy abbas được gắn liền với chức vụ lãnh đạo cộng đoàn, nhưng vai trò nổi bật hơn cả vẫn là nhà dẫn dắt về đường tâm linh: viện phụ là đại diện của Đức Kitô là Cha và là Anh (Phụ và Huynh) của các đan sinh. Chính tư cách này đòi hỏi đan sinh phải vâng phục viện phụ, nhờ đức tin chấp nhận rằng viện phụ thay mặt cho Đức Kitô.Trong bản luật của thánh Biển Đức, vai trò của abbas được mô tả ở chương Hai, như là hiện thân của Đức Kitô trong cương vị là vị mục tử và thầy dạy. Vị mục tử phải liệu làm sao cho đàn chiên được mạnh khỏe. Một phương thế để thi hành chức vụ của mình là giảng dạy: dĩ nhiên là phải giảng đạo lý của Chúa và của giáo hội, nhưng không bao giờ quên rằng cần phải dạy dỗ bằng gương sáng, chứ đừng nói một đàng, rồi làm một nẻo. Ngoài hình ảnh của người cha và thầy giáo, ngài cũng được mô tả như là y sĩ và thẩm phán Như vậy, theo tôi nghĩ, nên dịch abbas là “sư phụ” thì đúng hơn là “viện phụ”. Dù sao, trong bản luật, thánh Biển Đức cũng mô tả chức vụ của abbas như là một thủ trưởng, lãnh đạo cộng đoàn. Trong cương vị này, ngài không quán xuyến tất cả mọi chức vụ trong cộng đoàn, nhưng có những cộng sự viên, mà ngài cần kêu gọi họ hợp tác hoặc ít là nhờ đến sự tư vấn. Tuy giữ nhiệm vụ đứng đầu cộng đoàn, nhưng thánh Biển đức không ngừng lặp đi lặp lại rằng chức năng của abbas là phục vụ hơn là chỉ huy (64,8). “Hãy gắng làm nổi bật lòng khoan dung hơn là công lý; ghét các nết xấu nhưng thương yêu anh em. Khi sửa dạy, hãy cư xử cách thận trọng chứ đừng bao giờ căng quá, e rằng cứ gắng cạo hết han rỉ thì lại làm vỡ bình. Hãy luôn luôn nhớ đến sự dòn mỏng của mình, và đừng bao giờ bẻ gẫy cây lau đã bị giập. Chúng tôi không muốn rằng cứ để cho các nết xấu tha hồ mọc lên, nhưng là cần phải nhổ chúng cách khôn ngoan và bác ái. Hãy tìm cách để được yêu mến hơn là được sợ hãi” (64,9-15).

Bản tu luật của thánh Biển Đức dành cho ai?

Trước khi trả lời câu hỏi này, nên biết là trong những thế kỷ gần đây, khoa phê bình lịch sử đã đặt ra nhiều vấn nạn liên quan đến tiểu sử và tác phẩm của thánh Biển Đức. Dĩ nhiên, không ai phủ nhận rằng ngài là một con người có thực trong lịch sử (chứ không phải là nhân vật tiểu thuyết); nhưng những chi tiết về cuộc đời của ngài xác thực đến mức nào là chuyện khác. Lý do là tiểu sử của ngài dựa trên sách Đối thoại do thánh Grêgôriô viết khoảng năm 593, nghĩa là hơn 40 năm sau khi đương sự qua đời. Mục tiêu của tác phẩm này không phải chỉ thuần túy viết lại tiểu sử của Biển Đức, nhưng còn muốn giới thiệu như là một con người được Chúa sai đến để cứu giúp chúng sinh. Trước đây, thánh Athanasio cũng dùng hạnh thánh Antôn tu hành để diễn tả một tiến trình nên thánh của người đan sĩ, và đã gây ảnh hưởng rất nhiều trên đời sống đan tu bên các giáo hội Đông phương. Dù sao, đối với các đan tu bên Tây phương, ảnh hưởng của thánh Biển Đức không phải do cuốn tiểu sử do thánh Grêgôriô viết nhưng là bản luật do chính ngài soạn thảo. Chắc hẳn ngài đã không sáng tác từ con số không, nhưng đã tham chiếu những bản luật đã lưu hành vào thời đó. Nên biết là khi viết bản luật này, tác giả chỉ nhằm đến một vài cộng đoàn mà mình đã thiết lập, cụ thể là Monte Cassino, và được nới rộng sang vài cộng đoàn ở Italia. Vào thời đó, hầu như mỗi đan viện đều có một bản luật riêng. Mãi đến thời hoàng đế Charlemagne (đầu thế kỷ IX), do thánh Bênêđictô viện phụ Aniane (750-821), bản luật này mới được đặt làm chuẩn mực cho tất cả các đan viện ở châu Âu. Nói cách khác, từ đó, bên Tây phương, đời sống đan tu đồng hóa với đời sống dựa theo luật Biển Đức.

Vì lý do ấy mà ngài được gọi là tổ phụ dòng Biển Đức phải không?

Không hoàn toàn đúng như vậy. Nên coi ngài như là tổ phụ của đời sống đan tu bên Tây phương thì đúng hơn là tổ phụ của Dòng Biển Đức, bởi vì thời xưa, mỗi đan viện là một đơn vị tự trị, dưới sự lãnh đạo của viện phụ. Đứng trên viện phụ, chỉ có giám mục chứ không có bề trên nào cấp cao hơn. Mãi đến thế kỷ thứ X, với cuộc cải tổ phát xuất từ đan viện Cluny. Cluny tổ chức một mạng lưới nối kết các đan viện thành một Dòng Ordo cluniancensis ecclesiae : tất cả mọi đan viện đều tuân giữ luật thánh Biển Đức và các Tập tục (Usus et consuetudines), tùng phục một viện phụ duy nhất, tức là bề trên nhà mẹ. Khi viện phụ Odilon qua đời, thì Dòng đã kết nạp được 75 đan viện, và đến thời cực thịnh vào thế kỷ XII, con số lên đến hơn 1200 đan viện trong toàn châu Âu. Đối ngoại, các đan viện được Toà thánh cấp đặc ân miễn trừ, nghĩa là khỏi tùng phục giám mục địa phương.

Dòng Xitô cũng giữ luật thánh Biển Đức phải không?

Không những dòng Xitô giữ luật Biển Đức mà chính là một nhánh cải tổ thuộc Dòng Biển Đức. Đan viện Citeaux được thành lập ngày 21/3/1098 do cha Robert viện phụ Molesme (+1111) ở một nơi hoang địa, với chủ trương trở về hình thức nguyên sơ của luật thánh Biển Đức, bởi vì các đan viện Cluny đã trở nên quá tráng lệ nguy nga, và ra như chỉ tập trung vào phụng vụ. Cơ cấu tổ chức của Xitô được hoàn chỉnh dưới thời viện phụ Stephanus Harding (1109-1134). Citeaux trở thành một Dòng (Ordo) vào năm 1119, dựa trên Charta caritatis (Hiến chương bác ái), tôn trọng sự tự trị của mỗi đan viện (nghịch lại khuynh hướng tập trung vào đan viện mẹ của Dòng Cluny). Các đan viện liên kết với nhau nhờ mối dây đức ái và qua hai định chế pháp lý : a/ tổng hội tất cả các viện phụ họp hàng năm ; b/ việc kinh lý của bốn vị “tiên chỉ” (primi abbates), nghĩa là viện phụ của bốn đan viện tiên khởi (La Ferté, Pontigny, Clairvaux, Morimond). Nhưng sang đến thế hệ thứ hai, ta thấy có sự chuyển hướng không nhỏ. Các đan sĩ không rút vào nơi đồng hoang cỏ vắng (horror solitudo), nhưng tham gia đắc lực vào sinh hoạt của giáo quyền, điển hình qua khuôn mặt của thánh Bênađô viện phụ Clairvaux (+1153), thậm chí một môn sinh của Bênađô đắc cử giáo hoàng Eugeniô III (1145-1153).

Các cơ chế của Dòng Biển Đức được kiện toàn thêm vào thời Trung đại và Cận đại. Trong thế kỷ XII-XIII, các định chế liên minh giữa các đan viện được củng cố thêm, tuân theo chỉ thị của các công đồng Laterano I (1123), Laterano II (1139), Laterano IV (1215). Các đan viện được gom thành “tỉnh” (provincia), với các “tỉnh hội” (capitulum provinciale) và các cuộc kinh lý. Đối lại các viện phụ cũng được mời tham dự các công đồng. Nói cách khác, các viện phụ được đối xử ngang hàng với các giám mục.

Sang thế kỷ XV, vào thời kỳ cải tổ các dòng tu, nảy ra một định chế mới là “chi dòng” (Congregatio), gồm những đan viện chấp nhận chương trình cải cách, khởi sự từ đan viện Santa Giustina (Padova, Italia) do cha Ludovico Barbo xướng xuất năm 1412, và được Tòa thánh phê chuẩn năm 1431. Chi Dòng được cai quản do tổng hội (capitulum generale) và tổng phụ (abbas generalis). Những chi dòng đầu tiên là Cassinensis (đan viện Monte Cassino), Valladolid bên Tây-ban-nha (1436).

Vào những thế kỷ gần đây, sau nhiều lần bị giải tán (do cuộc cánh mạng 1789 bên Pháp và do hoàng đế Joseph II bên Áo), các đan viện được tái lập cùng với thể chế Chi Dòng(Congregrationes). Vào cuối thế kỷ XIX, các chi dòng được quy tụ thành một “Liên minh các chi dòng thánh Biển Đức” (Confoederatio congregationum monasticarum Ordinis S. Benedicti), được thiết lập do đoản dụ Summum semper của đức Lêô XIII (12/7/1893), đứng đầu là Abbas Primas cư ngụ tại Rôma, và ta có thể dịch là “Viện phụ Tổng quyền”.

Viện phụ Tổng quyền có các quyền hành giống như các bề trên tổng quyền không?

Không. Cơ cấu tổ chức của dòng đan tu khác các dòng hoạt động tông đồ ra đời vào thời Trung cổ (Dòng Đaminh, Dòng Phan sinh) hoặc thời Cận đại (Dòng Tên). Các dòng đan tu được tổ chức dựa trên cơ sở các đan viện. Mỗi đan viện là một đơn vị tự lập. Các đan sĩ khấn vĩnh cư và tuân phục viện phụ địa phương. Các đan viện họp thành những liên minh, mang tên là “Chi dòng” (Congregatio) đứng đầu là chủ tịch (Praeses) hoặc tổng viện phụ (Abbas generalis), nhưng các liên minh mang tính cách tương trợ huynh đệ, chứ không phải là những cơ cấu quản trị. Ta có thể so sánh với cơ cấu của hội đồng giám mục: hội đồng giám mục không có quyền hành trên các giám mục, mà chỉ đưa ra những hướng dẫn hoạt động chung. Bên trên các Chi dòng là Liên minh (Confoederatio), do cha Viện phụ tổng quyền đứng đầu. Ngài giữ vai trò đại diện cho dòng trước mặt Tòa thánh, và chủ tọa các hội nghị của các viện phụ. Đó là nói về dòng Biển Đức. Như vậy ngày nay, ta thấy chức vụ “abbas” (viện phụ) có thể áp dụng cho ba cấp: một là vị lãnh đạo cộng đoàn địa phương; hai là cho vị đứng đầu một chi dòng, ba là cho vị lãnh đạo toàn dòng.