Tháng 10 là “tháng Mân côi” hay là “tháng truyền giáo”?

0
2675

Phan Tấn Thành

(3-10-2004)

Nhiều tập tài liệu do Hội Giáo hoàng Truyền giáo gửi đến các giáo phận và giáo xứ để cổ động cho “tháng 10 truyền giáo”? Tại sao tháng 10 gọi là tháng “truyền giáo”? Tháng 10 không phải là tháng dành kính Đức Mẹ Mân côi hay sao?

Việc dành tháng 10 làm “tháng truyền giáo” là một sáng kiến của Hội Truyền bá đức tin ở Italia, và có lẽ chỉ mới được quảng bá trong một vài quốc gia mà thôi. Nói chung, tại nhiều nơi trên thế giới, tháng 10 được dành kính Đức Mẹ Mân côi. Tuy lúc đầu là một sáng kiến cá nhân, nhưng kể từ năm 1883 (thông điệp Supremi apostolatus) đức thánh cha Lêô XIII đã chính thức phê chuẩn tập tục dâng kính tháng 10 để đọc kinh Mân côi. Nhiều vị giáo hoàng cũng xác nhận tập tục đó.

Tại sao lại còn sáng kiến dành tháng 10 làm tháng truyền giáo nữa? Có phải bởi vì ngày đầu tháng 10 kính thánh nữ Têrêxa hài đồng Giêsu, bổn mạng các nơi truyền giáo không?

Thoạt tiên sự gán ghép này xem ra khá tự nhiên, cũng tương tự như việc dành trót tháng 10 kính Đức Mẹ Mân côi bắt nguồn từ lễ kính Đức Mẹ Mân côi được chỉ định vào Chúa nhật đầu tháng 10, do đức thánh cha Grêgôriô XIII vào năm 1573. Tuy nhiên, việc dành tháng 10 dành cho công tác truyền giáo không dựa trên lễ kính thánh Têrêsa Lisieux, nhưng là từ Ngày thế giới truyền giáo, được ấn định vào Chúa nhật áp chót trong tháng 10.

Ngày thế giới truyền giáo được thiết lập từ hồi nào?

Ngày thế giới truyền giáo mới được thiết lập vào năm 1926, do sáng kiến của Hội truyền bá đức tin vào lúc kết thúc phiên họp khoáng đại của Ban chấp hành của Hội vào tháng 3 năm 1926. Trong thỉnh nguyện đệ lên Đức thánh cha Piô XI, sau khi trích dẫn những lời của thông điệp Rerum Ecclesia (vừa ban hành ngày 16 tháng 2 cùng năm), trong đó ngài hô hào việc giúp đỡ công cuộc truyền giáo bằng lời cầu nguyện và bằng sự đóng góp, Hội đồng viết như sau: “Chúng con nghĩ rằng các miền truyền giáo sẽ được hưởng nhờ lợi ích không nhỏ, nếu Đức thánh cha cho thiết lập một ngày cầu nguyện và cổ động cho công cuộc truyền giáo, được diễn ra trong cùng một ngày trong khắp các giáo phận, giáo xứ và cơ quan thuộc Giáo hội công giáo. Ngày đó sẽ giúp cho việc ý thức vẻ cao quý của vấn đề truyền giáo; tăng gia lòng nhiệt thành nơi các giáo sĩ và giáo dân; giới thiệu cho mọi người được biết Hội Truyền bá đức tin; cổ võ việc ghi danh vào hội và đóng góp giúp đỡ các nơi truyền giáo”. Đề nghị này được Đức thánh cha Piô XI chấp thuận vào ngày 14/4, với phúc chiếu của Bộ Nghi lễ (AAS 19,1927, p.23 ss), bởi vì liên quan đến khía cạnh phụng vụ, nghĩa là được phép cử hành thánh lễ ngoại lịch về việc truyền bá đức tin (Pro propagatione fidei) trong một ngày Chúa nhật.

Tại sao lại chọn ngày truyền giáo vào tháng 10?

Trong thỉnh nguyện, không thấy viện dẫn lý do về việc chọn tháng 10 thay vì những tháng khác. Tuy nhiên, xem ra có một chi tiết hé mở phần nào động lực của nó. Ngày 11/12/1925, cũng chính đức thánh cha Piô XI ấn định Chúa nhật chót trong tháng 10 làm lễ kính Chúa Kitô Vua (thông điệp Quas primas), liền trước lễ kính các thánh nam nữ. Vì thế, hội giáo hoàng truyền giáo muốn dành Chúa nhật áp chót của tháng 10 làm ngày truyền giáo, bởi vì truyền giáo là gì nếu không phải là giúp cho mọi người nhìn nhận vương quyền của đức Kitô. Tuy nhiên, sau công đồng, lễ kính Chúa Kitô Vua được dời vào Chúa nhật chót của năm phụng vụ, thường là vào cuối tháng 11.

Ngày thế giới truyền giáo được cử hành từ hồi nào?

Như vừa nói, phúc chiếu của đức thánh cha được ký ngày 14/4/1926. Một năm sau, ngày 18/6/1927, hồng y Van Rossum mới quyết định tổ chức ngày thế giới truyền giáo lần đầu tiên vào Chúa nhật cuối tháng 10 năm ấy, cùng với vài chỉ thị, chẳng hạn như cần phải chuẩn bị tinh thần trước đó, qua việc cầu nguyện, cổ động việc ghi danh vào hội truyền bá đức tin, và lạc quyên tiền bạc và vật dụng giúp các miền truyền giáo. Rồi từ đó, hằng năm, bộ truyền giáo gửi lời kêu gọi đến các giám đốc hội truyền bá đức tin các quốc gia, để nhắc nhớ hoặc thúc giục việc tổ chức. Từ khi đức Phaolô VI đắc cử giáo hoàng vào năm 1963, lời kêu gọi của Bộ Truyền giáo được thay thế bởi một sứ điệp do chính đức thánh cha ký vào lễ Chúa Hiện xuống hàng năm. Tục lệ này vẫn còn duy trì đến nay, tuy rằng ngày ký sứ điệp được dời lên ngày lễ Chúa Giêsu lãnh phép rửa.

Ngày thế giới truyền giáo diễn ra vào Chúa nhật áp chót trong tháng 10. Như vậy chỉ có một ngày Chúa nhật trong tháng 10 được dành cho việc truyền giáo, chứ đâu phải là cả tháng?

Tuy ngày thế giới truyền giáo chỉ diễn ra vào một ngày Chúa nhật trong tháng 10, nhưng nhiều nơi đã muốn dành cả tháng vào công tác đó, bằng cách gán cho mỗi tuần lễ một khía cạnh của dự án. Tuần thứ nhất là “cầu nguyện”; bởi vì công việc truyền giáo cần được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện. Thánh Têrêsa hài đồng Giêsu, một nữ tu dòng kín nhưng được đặt làm bổn mạng các nơi truyền giáo, là một tấm gương cho chúng ta. Tuần thứ hai nêu bật một khía cạnh khác mà chúng ta có thể đóng góp vào công cuộc truyền giáo là sự “hy sinh”. Tuần thứ ba dành cho việc gây ý thức về “ơn gọi” truyền giáo nằm trong bản chất của ơn gọi Kitô hữu. Tuần thứ bốn kêu gọi lòng “bác ái”, chia sẻ góp phần vào việc truyền giáo.

Có thể kết hợp giữa tháng 10 kính Đức Mẹ Mân côi với tháng 10 truyền giáo không?

Dĩ nhiên là có thể và cần phải kết hợp. Lý do là bởi vì cả hai đều nhắm tới một mục tiêu, đó là đào sâu thêm lòng gắn bó với Tin mừng của Chúa Giêsu, nhờ việc suy gẫm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu thế trong kinh Mân côi, để rồi loan truyền Chúa Kitô qua công cuộc truyền giáo. Mối liên hệ giữa kinh Mân côi với việc truyền giáo được nêu bật mới đây trong sứ điệp nhân ngày truyền giáo năm 2003, năm được Đức Gioan Phaolô II đặt dưới sự bảo trợ của kinh Mân côi nhân dịp kỷ niệm 25 năm đắc cử giáo hoàng. Trong sứ điệp vừa nói, đức thánh cha đã nêu bật vai trò của Mẹ Maria đối với sứ mạng truyền giáo của Hội thánh, và cách riêng tầm quan trọng của kinh Mân côi đối với công tác truyền giáo của Hội thánh.

Phần đầu của sứ điệp nhấn mạnh rằng: việc truyền giáo là một công trình siêu nhiên, vì thế cần được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện. Tấm gương của Hội thánh tiên khởi, tụ họp nhau tại nhà Tiệc ly để cầu xin Chúa Thánh Thần, nhắc nhớ chúng ta điều đó. Thực vậy, truyền giáo không có nghĩa là tuyên truyền một học thuyết hay một ý thức hệ, nhưng tiên vàn là đem tình yêu của Chúa Giêsu đến cho mọi người. Điều này giả thiết rằng nhà truyền giáo phải quen biết Chúa Giêsu đã, chứ nếu không biết thì nói cái gì? Dưới phương diện này, nhà truyền giáo cần theo gương của Đức Maria, lắng nghe và nghiền ngẫm Lời Chúa ở trong lòng. Chính đây là cốt tủy của việc đọc kinh Mân côi: cùng với Mẹ Maria, chúng ta hãy chiêm ngắm tôn nhan Chúa Giêsu. Không những chúng ta bắt chước Mẹ trong việc chiêm ngắm cầu nguyện, nhưng chúng ta muốn nhờ Mẹ hướng dẫn trong việc tìm hiểu Chúa Giêsu, bởi vì trên đời này không có ai hiểu biết người con hơn chính bà mẹ. Đức Maria được ví như là ký ức sống động của Chúa Kitô.

Việc chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Kitô không chỉ dừng lại ở cấp độ lý thuyết, nhưng còn kèm theo việc uốn nắn tâm tình và cuộc sống hợp theo mẫu mực của Tin mừng. Đây cũng là một yêu sách nữa của việc truyền giáo: nhà truyền giáo cần loan báo Đức Kitô bằng lời nói, và nhất là bằng chính cuộc sống. Mình phải là người đã sống theo Tin mừng trước khi kêu gọi người khác trở về với Tin mừng. Ý thức như vậy, nhà truyền giáo đọc kinh Mân côi, xin Đức Maria uốn nắn tâm trí của mình hoà hợp với khuôn mẫu của Chúa Giêsu. Chính việc trở về với Tin mừng là bước đầu tiên và căn bản của công cuộc truyền giáo.

Sau cùng, nhà truyền giáo cũng xin Mẹ Maria khẩn nài Chúa Thánh Thần đến với Hội thánh, như xưa ở nhà Tiệc ly, để Hội thánh được thêm lòng hăng say với công cuộc làm chứng cho đức Kitô, cũng như tìm ra những phương tiện hữu hiệu để loan báo Tin mừng cho ngày hôm nay.

Có kinh “Mân côi truyền giáo nữa” phải không?

Trong khung cảnh của Năm Mân côi, hội Truyền bá đức tin đã soạn kinh Mân côi truyền giáo. Trọng tâm của kinh Mân côi vẫn là việc suy niệm các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Cứu thế, được phân phối sang 5 mầu nhiệm mùa Vui (mầu nhiệm Nhập thể), 5 mầu nhiệm sự sáng (mầu nhiệm cuộc đời truyền giáo của Chúa Cứu thế), 5 mầu nhiệm mùa thương (mầu nhiệm Tử nạn), và 5 mầu nhiệm mùa Mừng (mầu nhiệm Phục sinh). Khi suy gẫm các mầu nhiệm đó, Hội Truyền bá đức tin muốn kèm theo ý chỉ truyền giáo bằng cách dành mỗi chục cho một đại lục: chục thứ nhất mầu xanh lá cây cầu cho châu Phi; chục thứ hai mầu đỏ cầu cho châu Mỹ; chục thứ ba mầu trắng cầu cho châu Âu; chục thứ tư mầu xanh dương cầu cho châu Đại dương; chục thứ năm mầu vàng cầu cho châu Á.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here