Thân Phận Luân Lý Và Thần Học Của Phôi Thai – (3)

0
1708


THÂN PHẬN LUÂN LÝ VÀ THẦN HỌC CỦA PHÔI THAI:

NHẬN ĐỊNH TRÊN QUAN ĐIỂM GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

VÀ PHÔI THAI HỌC HIỆN ĐẠI

Tác giả: Soeur Trần Như Ý- Lan, CND.

***

***

 PHẦN II

QUAN ĐIỂM THÁNH KINH VỀ PHÔI THAI


Đối với Kitô hữu, Kinh Thánh là mẫu mực cho đức tin và đời sống luân lý. Công đồng Vatican II khuyến khích các thần học gia trở về với Kinh Thánh như là nguồn chân thật của thần học. Tuy nhiên, các học giả Kinh Thánh thường nhắc nhở các nhà suy tư phải thận trọng và tôn trọng môn học này khi sử dụng Kinh Thánh cho các bài viết và lý luận của mình bởi vì Kinh Thánh có thể bị sử dụng sai lạc hay giải thích sai để phục vụ cho mục đích của người viết. Người ta thừa nhận rằng vài đoạn Kinh Thánh đôi khi có vẻ mâu thuẫn với nhau. Ngay cả giữa các nhà Kinh Thánh lỗi lạc vẫn có ý kiến khác nhau trên cùng một đoạn văn.

Các thần học gia nhấn mạnh rằng Kinh Thánh không cho câu trả lời sẵn đối với nhiều vấn đề luân lý, đặc biệt đối với phần lớn các vấn nạn ngày nay trong Đạo Đức Sinh Học. Tuy nhiên, yếu tố này không có nghĩa rằng không thể tìm ra được ý nghĩa thật sự của Kinh Thánh với sứ điệp hợp thời của Kinh Thánh đối với đời sống luân lý ngày nay.

Nhiều phương pháp đọc Kinh Thánh được đề nghị. Trong phần này, tôi chọn theo cách như sau: kiên nhẫn đi xuyên suốt Kinh Thánh để xem những đoạn đề cập đến phôi thai. Với mỗi đoạn, tôi sẽ tìm hiểu đoạn ấy muốn nói gì. Nếu có vài điểm dị biệt, tôi cố gắng tìm hiểu bối cảnh và lý do của sự khác biệt, và nhận định điều gì tỏ ra trung thành hơn với tình yêu Thiên Chúa và kế hoạch quan phòng của Ngài cho loài người với các cộng đồng Kitô hữu khác nhau. Một đoạn Kinh Thánh có thể rất giàu ý nghĩa thần học, tôi chỉ xem xét ý nghĩa Kinh Thánh liên quan đến đề tài này là phôi thai. Nghiên cứu và giải thích của các học giả Kinh Thánh hoặc của các thần học gia luân lý về vấn đề này sẽ được tham khảo để giúp biện biệt và soi sáng vấn đề.

Mặc dù không dồi dào, nhưng Kinh Thánh nói tương đối đủ để mạc khải ý nghĩa luân lý và thần học của giai đoạn hiện hữu rất sớm của con người là phôi thai, trong tình yêu đời đời và kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa cho từng con người. Sau đây là ba điểm Kinh Thánh tỏ ra nổi bật và nền tảng cho sự hiểu biết thần học về căn tính của phôi thai.

I. KINH THÁNH NÓI CHUNG KHÔNG CHÚ Ý VẤN ĐỀ MÀ NGÀY NAY CHÚNG TA ĐẶT RA VỀ PHÔI THAI VÀ PHÁ THAI

Cả Cựu Ước và Tân Ước không nói trực tiếp về phá thai, trừ Xuất Hành 21, 22-25 mà tôi sẽ đề cập sau. Có vài chuyện kể về giết trẻ em bị kết án bởi luật Môsê.[1] Kinh Thánh, đặc biệt là luật Mô-sê kết án khuynh hướng của Israel chạy theo các thực hành phụng tự vô luân bắt rễ trong văn hóa Canaan như là tế trẻ em (Lv 18, 21; 20, 2-5; 2V 23, 10; Gr 32, 35). Một ví dụ về sự vô cảm về Thiên Chúa là việc giết tàn bạo các trẻ em của Pharaô và Hêrôđê (Xh 1, 15-22; Mt 2, 16-18). Các bà đỡ, do lòng kính sợ Thiên Chúa, đã cố gắng tránh né tham gia vào tội ác này (Xh 1, 17. 21). Tuy nhiên, người ta có thể kể câu chuyện Abraham dự định tế con là Isaac (St 22,1-9) và Jephthah giết con gái để chu toàn lời hứa của ông đối với Thiên Chúa (Tl 11, 34-39) như là những phản biện. Thật ra, trong bối cảnh văn hóa của dân thời bấy giờ, những câu chuyện này phản ánh một thực hành thông thường trong xã hội ngoại giáo. Điểm quan tâm chính yếu của các câu chuyện này là nêu bật tính trung thành và công chính của Abraham bằng sự vâng phục tuyệt đối, hiến dâng Thiên Chúa cái quý giá nhất của mình trong niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa, và lòng trung nghĩa của Jephthah đối với Thiên Chúa. Việc hy tế Isaac được trình bày như được yêu cầu bởi Thiên Chúa, nhưng thực tế chính Thiên Chúa lại can thiệp vào giây phút chót để giải thích rằng Ngài chỉ thử thách lòng trung thành của Abraham và Ngài không muốn Isaac bị giết. Việc tế con gái của Jephthah là một hy sinh ông ấy tự mình làm, không do ý Thiên Chúa, mà theo thực hành ngoại giáo.

Trong Tân Ước Gal 5, 20 kết án “pharmakeia”. Theo Noonan, từ ngữ “pharmakeia”, vốn hay được dịch không đúng lắm trong Kinh Thánh tiếng Anh là  “sorcery” hay “witchcraft” nghĩa là sử dụng thuốc ma thuật  cho nhiều mục đích khác nhau như ngừa thai, phá thai. Mặc dù từ dùng ở đây không chuyên biệt chỉ phá thai, nhưng trong bối cảnh thánh Phao-lô kết án các tội liên quan đến xác thịt, dâm dục, nó dường như bao gồm cả kết án phá thai.[2] Trong Khải Huyền, có một sử dụng tương tự từ pharmakai. Đức Chúa kết tội pharmakai, người làm nghề thuốc mà giết người cùng với những người dâm ô (21, 8). Vì vậy kết án phá thai có thể một cách đặc biệt ở trong ý nghĩ của tác giả của Ga-lát và Khải Huyền. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng khả năng nội dung bao gồm kết án phá thai của các đoạn văn này không thuyết phục lắm.

II. SỰ HIỂU BIẾT KINH THÁNH VỀ DIỄN TIẾN THỜI GIAN XUẤT HIỆN CỦA CẶP ĐÔI LINH HỒN- THỂ XÁC TRONG TẠO DỰNG CON NGƯỜI KHÔNG RÕ RÀNG, CÒN TRANH LUẬN

Công trình Thiên Chúa tạo dựng con người là một mầu nhiệm và vượt trên trí khôn con người. Một mặt, đọc câu chuyện Thiên Chúa tạo dựng Ađam, con người đầu tiên, có thể cho cảm giác rằng sự hình thành thân xác riêng biệt, và trước tạo thành linh hồn:

“Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (Then the Lord God formed man from the dust of the ground, and breathed into his nostrils the breath of life; and the man became a living being) (St 2, 7). [3]

Thật vậy, có người còn đi xa hơn lý luận rằng hơi thở này là hơi thở của đứa bé sơ sinh. Tuy nhiên, quan sát đoạn văn trong tổng thể, tác giả thánh dường như tập trung vào quyền năng ban sự sống của Thiên Chúa. Đoạn văn tạo dựng trình bày cấu tố hai mặt của hành động tạo dựng của Thiên Chúa: tạo thành thân xác và ban sự sống (breath or soul, x. G 12, 10, Gv 12, 7; 3, 20-21, Tv 104, 29-30). Trong bối cảnh của Sáng Thế thuật lại sự hình thành thân xác trước sự hình thành linh hồn, đoạn 2 dường như nhấn mạnh trên nguồn gốc bụi đất của con người, rồi sau đó giải thích nguồn gốc của tội lỗi và đau khổ, và sự trở về cát bụi của thân xác sau khi chết. Trong bối cảnh này, thứ tự xuất hiện không có nghĩa là thứ tự xảy ra của các sự kiện được kể. Đó là, không nói rằng hơi thở, hay sự sống, linh hồn, về thời gian là đến sau sự hình thành cấu trúc thân thể. Vì vậy chúng ta có thể suy rằng một kỹ thuật viết văn để nêu bật điểm trọng tâm thì nhắc đến nó trước.

Vì vậy, dường như là không có chứng cứ vững chắc trên các đoạn văn, để gợi ý một thứ tự thời gian cùng với sự tạo dựng linh hồn và thân xác. Trong bản văn gốc Do-Thái, “Wa-yehi” được dùng. “Wa” nghĩa là “và”. Các bản dịch Kinh Thánh Hy Lạp, Latin, Pháp, Anh Mỹ của St 2,7 dùng giới “kai”, “et”, “et” và “and”, theo thứ tự, để nối kết các động tác tạo dựng con người (mà bản dịch tiếng Việt của nhóm Phụng Vụ các Giờ Kinh đã bỏ qua từ ‘và’ ý nghĩa này). Giới từ “và” tự nó không biểu thị một liên tục thời gian như trước hay sau để mô tả sự kiện. Hơn nữa, giới từ “và” vốn chỉ sự đồng thời, như thường được hiểu trong các kỹ thuật viết văn, có thể gợi ý sự tạo dựng cùng lúc linh hồn và thân xác. Ngoài ra, điều này dường như phù hợp với quan điểm Kinh Thánh về phôi thai mà tôi nói đến liền sau đây. Cho dù thế nào, chúng ta không cần đồng ý lý luận về sự đồng thời này để kết luận rằng thứ tự thời gian hình thành hồn và xác không được xác định rõ trong Kinh Thánh.

III. SỰ HÌNH THÀNH ĐỨA TRẺ TRONG TỬ CUNG LÀ CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA

Kinh Thánh không chống lại, mà đúng hơn, vài đoạn Kinh Thánh có thể cung cấp lý do ủng hộ quan điểm rằng đời sống của một con người bắt đầu từ lúc thụ thai.

Chắc chắn, Kinh Thánh vốn là một lịch sử cứu độ, không phải là cuốn sách khoa học, không cung cấp cho chúng ta những kiến thức khoa học liên quan đến phôi thai. Đơn giản là kiến thức này vượt quá sự hiểu biết của các tác giả thánh khi họ viết Kinh Thánh. Tuy nhiên, vấn đề ở đây phức tạp hơn, gắn liền với chân lý luân lý, là thân phận luân lý của phôi thai, vẫn được truyền thông cho chúng ta qua nhãn quan Kinh Thánh tổng quát.

1. Phẩm giá của chúng ta là con người không phụ thuộc vào giai đoạn phát triển

Mặc dù người mẹ và người cha trực tiếp tạo nên đứa trẻ, chính Thiên Chúa là Đấng ban cho cha mẹ khả năng tạo thành đứa trẻ, thông qua sự kết hợp tự nhiên trong hành vi vợ chồng và tiến trình sinh sản. Trong sự hiểu biết này, chúng ta có thể nói rằng sự hình thành đứa trẻ trong tử cung là công trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, và cha mẹ là người đồng sáng tạo với Thiên Chúa trong việc tạo dựng đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ đến trong thế giới này dưới sự quan phòng và chăm sóc của Thiên Chúa. Trong quá trình phát triển của con người, không có gì là bí ẩn đối với Thiên Chúa. Đứa trẻ trong lòng tử cung phát triển qua các giai đoạn khác nhau luôn dưới mắt của Thiên Chúa.[4] Một trong các đoạn văn sâu sắc nhất và thường được trích dẫn là Tv 139, 13-16:

13. “Tạng phủ con chính Ngài đã cấu tạo,

Dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con”.

(For it was you who formed my inward parts,
you knit me together in my mother’s womb…)

14. “Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng

Công trình Ngài xiết bao kỳ diệu

Hồn con đây biết rõ mười mươi”.

(I praise you, for I am fearfully and wonderfully made.
Wonderful are your work that I know very well)

15. “Xương cốt con Ngài không lạ lẫm gì,

khi con được hình thành trong nơi bí ẩn,

được thêu dệt trong lòng đất sâu thẳm”.

(My frame was not hidden from you when I was being made in secret,
 intricately woven in the depths of the earth).

16. “Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy;

Mọi ngày đời dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài,

trước khi ngay đầu của đời con khởi sự”.

(Your eyes beheld my unformed substance.
In your book were written all the days that were formed for me,
when none of them as yet existed).

Xét từ “unformed substance” (chất chưa có hình dạng, “golem”), trong khi vài tác giả dịch “deeds” (hành động, công việc), [5] phần lớn các học giả đồng ý là “embryo” (phôi) như là sự hiểu biết đầu tiên của từ “unformed substance”[6] bởi vì trong bối cảnh của Thánh vịnh 139, điểm quy chiếu ở đây là sự tạo thành của tạng phủ và xương cốt. Không kể đến bất cứ từ ngữ nào mà người ta có thể sử dụng để chỉ “unformed substance”, như một số học giả Kinh Thánh, dưới ánh sáng của phôi thai học hiện đại, diễn giải đó là “phôi”; chúng ta vẫn có thể hiểu rằng, trong bối cảnh thánh vịnh 139, từ “unformed substance” của tác giả thánh dường như chỉ đến giai đoạn rất sớm của đời sống con người trong lòng mẹ. Đời sống của con người này được hình thành dưới công trình kín đáo của Thiên Chúa. [7]

Toàn bộ thánh vịnh 139 kể ra sự hiểu biết trọn vẹn và chăm sóc của Thiên Chúa cho toàn thể đời sống của một con người trên cả hai bình diện tạo dựng và cùng đích, trong bất cứ giai đoạn nào của sự hiện hữu của người đó, bất cứ nơi nào người ấy đến. Con người ở giai đoạn sớm trong lòng mẹ đã mang một giá trị luân lý nội tại cố hữu dưới mắt Thiên Chúa.[8] Thánh vịnh chỉ ra rằng phẩm giá luân lý của chúng ta không phụ thuộc độ dài đoạn đường cuộc sống chúng ta đã đi qua. Bất cứ sự can thiệp nào của con người gây thiệt hại cho một con người ở bất cứ giai đoạn phát triển nào của đời sống đồng nghĩa với gây thiệt hại cho công trình của Thiên Chúa.

Từ vài bản văn, có thể rút ra rằng thời điểm thụ thai là khởi đầu cho đời sống của một con người:

“Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời

Cũng như đêm đã báo: “đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi!””

(Let the day perish on which I was born,
and the night that said, ‘A man-child is conceived’” (G 3, 3)

“Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,

đã mang tội khi mẹ mới hoài thai”.

(Indeed, I was born guilty, a sinner when my mother conceived me) (Tv 51, 7)

Trong những bản văn thơ ca này, sự nguyền rủa của Gióp về đời sống của chính ông và Đavít lần lại dấu vết sự phạm tội của ông, cho đến thời điểm thụ thai của họ, ám chỉ một thừa nhận thụ thai như là khởi điểm của đời sống cá nhân của họ. [9] Nếu trong Tv 51, 7, người ta có thể phản đối rằng bởi vì thể song đối, cả lúc sinh ra và lúc thụ thai đều có thể xem như là điểm khởi đầu đời sống. Trong G 3, 3 sự phản đối trên dường như vô hiệu. Ở đây, Gióp phân biệt một cách rõ ràng: “cái ngày” ông sinh ra, và “cái đêm” mà ông được thụ thai. Hai dấu mốc của sự tăng trưởng của một con người được kể ra một cách phân biệt. Theo William Reyburn, ở đây, sự sử dụng một loại của song đối bi kịch chuyển tải tư tưởng mức độ mạnh mẽ hơn. Vì vậy, đối với Reyburn, đoạn văn có thể dịch tốt hơn là “Đáng nguyền rủa cái ngày mà tôi sinh ra, và đáng nguyền rủa hơn nữa, cái đêm mà tôi được thụ thai.” [10] Nếu bản dịch của Reyburn có thể được chấp nhận, thì thụ thai là một dấu mốc ý nghĩa quan trọng của đời sống của một con người. Câu này cùng ý nghĩa với Tv 139, 13-16 và G 10, 8-12 xem hữu thể vừa mới thụ thai là bắt đầu đời sống của một con người mà Thiên Chúa tạo dựng trong tử cung. [11]

Tuy nhiên, việc tra cứu Kinh Thánh gợi ra một vấn nạn. Bản văn gây tranh luận là Xh 21, 22-25 mà bản dịch Do Thái và bản dịch Bảy Mươi khác nhau. Bản Do Thái không phân biệt giữa thai chưa thành hình và thai đã thành hình:

“…nếu hai người đàn ông đánh nhau mà xô phải một người đàn bà có thai, làm sẩy thai nhưng không gây tổn thương nào khác, thì phải bồi thường theo đòi hỏi của người chồng, và phải trả trước mặt trọng tài. Nếu có gây thương tổn, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm.”

Bản dịch Bảy Mươi phân biệt thai chưa thành hình và đã thành hình [12] và cho thai đã thành hình thân phận ngang bằng với người phụ nữ: [13]

“Nếu hai người đàn ông đánh nhau, đánh trúng người phụ nữ mang thai và gây sẩy thai, nếu đứa trẻ chưa được thành hình hoàn toàn, người ấy sẽ phải bị phạt, nếu đứa trẻ đã thành hình hoàn toàn, người ấy phải đền mạng…” (bản dịch của tác giả)

Bản dịch Bảy Mươi chiếm ưu thế trong suốt kỷ nguyên đầu tiên Kitô giáo và ảnh hưởng lên suy tư thần học và luân lý về thân phận của phôi thai trong suốt hơn năm thế kỷ. Thời kỳ Cải Cách chứng kiến sự giao hoán vị trí giữa bản Bảy Mươi và bản Do Thái. Cho đến ngày nay, bản Do Thái chiếm thêm ưu thế và được chấp nhận rộng rãi do có phê phán mạnh mẽ rằng triết học Hy-Lạp, đặc biệt là mô tả phôi thai học của Hippocrate và Aristotle đã ảnh hưởng lớn trên bản dịch Bảy Mươi. [14]

Mặc dù một số học giả ngày nay xem bản dịch Bảy Mươi như là một bản dịch kém ưu thế hơn so vói bản Do Thái, [15] bản dịch Bảy Mươi dường như thể hiện một ưu điểm hơn bản Do Thái khi nhìn nhận thân phận “ngang bằng con người” của một thai nhi. Do đó, bản dịch Bảy Mươi nên được xem như là dấu hiệu đầu tiên của thế giới Do-Thái- Kitô giáo nhìn nhận thân phận con người của phôi thai ít nhất ở một giai đoạn nào đó của phát triển phôi thai. [16]

Xét đến bản Do Thái, chúng ta nên đọc bản văn trong bối cảnh chung của những đoạn này trong đó tác giả thánh đang xử trí luật đền bù nhắm hạn chế báo thù. [17] Quan tâm của tác giả dường như tập trung vào luật hình sự của Cựu Ước mà không chú ý đến vấn đề ngôi vị người của phôi thai. Hơn nữa, ta thấy rằng trong xã hội Ítraen thời bấy giờ, dù được công nhận là con người, trẻ em và nô lệ vẫn bị xem như sở hữu của người cha, người chủ. Nhãn quan này rõ ràng cần được giải thích lại đối với thần học luân lý ngày nay. Vì vậy, dường như không có cơ sở vững chắc để dựa vào bản văn này để chối bỏ ngôi vị người của phôi thai, mặc dù bản văn đúng là có vẻ cho thai nhi một thân phận xã hội thấp kém hơn là của người phụ nữ.

Ngoài ra, có một lựa chọn khác trong “New International Version”. Thay vì “sẩy thai” (miscarriage), thì “sinh non” (premature birth) được dùng. [18] Theo đó, sự thiệt hại (câu 23) có thể chỉ đến thiệt hại gây ra cho người mẹ hay cho đứa trẻ. Trong trường hợp này, cái chết của phôi thai hay của người mẹ được đối xử ngang nhau, như vậy bao hàm rằng phôi thai và người mẹ có thân phận pháp lý giống nhau. [19] Sự giải thích này có vẻ như là một khuynh hướng của một số học giả Kinh Thánh đọc bản văn trong truyền thống Đông Phương hoặc giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo hiện đại, hay là một xu hướng của tư tưởng đương thời.

Tóm lại, một điểm nổi bật trong bản văn Do Thái là không phân biệt giữa thai chưa thành hình và thai đã thành hình theo một chiều hướng cho thai chưa thành hình giá trị kém hơn thai đã thành hình. Mặc dù gần đây nhiều tác giả xem bản dịch Bảy Mươi của Xh 21, 22-25 là kém hơn, chúng ta có thể tìm thấy nơi bản văn một giải thích (exegesis) hơn là dịch nghĩa (translation), một dấu hiệu mà nhiều thế kỷ truyền thống Do Thái-Kitô giáo đã tìm thấy trong bản văn chỗ tựa để nhìn nhận phôi thai, ít nhất ở một giai đoạn nhất định, là một con người. Các bản dịch Kinh Thánh có thể khác nhau do các sai biệt của các bản chép tay và sự giải thích của các dịch giả, những người đã bị lịch sử điều kiện hóa theo hiểu biết thời đó. Như trường hợp bản dịch này của Xuất Hành, do khả năng có vài giải thích khác nhau một cách có ý nghĩa, mỗi giải thích được dựa trên vài lý do vững chắc, chúng ta khó lòng dựa trên đoạn Xh 21, 22-25 hoặc để chối bỏ  ngôi vị người của phôi thai giai đoạn sớm như vài thần học gia thời Trung Cổ đã làm, mà chúng ta sẽ thấy phần sau; hoặc gán cho phôi thai một thân phận luân lý và xã hội thấp kém hơn của người phụ nữ.

2. Đời sống của những người được chọn làm việc cho Thiên Chúa đã được gọi từ khi họ hiện hữu trong lòng mẹ

Isaia, cũng như thánh Phao-lô tông đồ, nhìn nhận ân sủng Thiên Chúa và sự chọn lựa Ngài dành cho họ trước khi họ được sinh ra và trở thành ngôn sứ và tông đồ của Ngài:

“Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời,
Người đã gọi tên tôi.”

(The Lord called me before I was born,
while I was in my mother’s womb he named me) (Is 49, 1)

“Từ khi tôi còn trong lòng mẹ Thiên Chúa đã chọn tôi, Người làm cho tôi trở thành người tôi tớ để đem dân Người trở về.”

(bản dịch của tác giả, Before I was born, the Lord appointed me; he made me his servant to bring back his people” (Is 49, 5).

“Nhưng trong ân sủng của Người, Thiên Chúa đã chọn tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi phục vụ Người” (But God in his grace chose me even before I was born, and called me to serve him) (Gl 1, 15).

Qua thể văn cường điệu, ở đây, điểm nổi bật là mỗi con người là một kế hoạch của Thiên Chúa: tiếng gọi của Thiên Chúa đi trước sự hiện hữu của con người; không phải vì con người hiện hữu mà Thiên Chúa gọi anh ấy, chị ấy, nhưng chính vì Thiên Chúa gọi mà anh ấy, chị ấy hiện hữu. Những câu này gợi lên sự kết hợp giữa sự việc được gọi hay được chọn, và việc được tạo thành. Người ta có thể lý luận một cách đúng đắn rằng không thể đọc những bản văn này một cách máy móc từ chương. Tuy nhiên, những bản văn này không thể viết dựa trên khoảng không, hay, không cơ sở. Chúng phải được dựa trên giả định nào đó. Thiên Chúa chọn và gọi Isaiah và Phao-lô trở thành thợ của Ngài khi họ còn trong lòng thân mẫu.[20] Thiên Chúa “gọi tên” Isaiah khi ông còn trong lòng mẹ.[21] Trong bối cảnh Kinh Thánh, tên của mỗi người là biểu trưng cho căn tính của người ấy. Gọi tên người nào có nghĩa là nhìn nhận căn tính của người đó. Vì vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng một giả định của câu này là Thiên Chúa thiết lập tương quan đặc biệt của Ngài với đứa trẻ còn trong lòng mẹ. [22] Trong bối cảnh Kitô giáo, tiếng gọi này được hiểu là dành cho mỗi người và tất cả mọi người. [23]

Trong vài thánh vịnh, tác giả thánh, khi tha thiết khẩn cầu sự che chở của Thiên Chúa, nhớ lại sự chăm sóc liên lỉ không mệt mỏi của Thiên Chúa dành cho mình từ đời sống thai nhi đến khi sanh ra và suốt cuộc đời (Tv 22, 9-10; 71, 6; 119, 73). Nhắc lại sự bảo bọc hằng định của Thiên Chúa từ khi còn là phôi thai, tác giả thánh vịnh dựa trên sự liên tục sinh học giữa đời sống trong tử cung và đời sống trưởng thành để tín thác vào sự chăm sóc của Thiên Chúa cho ông hiện đang cơn sầu khổ thử thách (Tv 51, 5; 139, 13; x. Gr 1, 5) [24]

3. Đời sống của thai nhi dường như được khẳng định

St 25, 22 kể lại cuộc tranh chấp giữa hai trẻ song sinh Rebecca đang thai nghén:

“Bà mang song thai và hai đứa con đấu tranh chống lại nhau trong bụng bà.”

(bản dịch của tác giả, She was going to have twins, and before they were born, they struggled against each other in her womb.)

Ở đây, tác giả thánh sử dụng hiện tượng sinh lý học cử động thai để diễn giải sự thù nghịch giữa hai đất nước sau này. Tương lai của cặp anh em được dự đoán: người em (Giacóp) và người anh (Esau) sẽ trở thành hai dân tộc đối nghịch nhau trong đó người em sẽ thắng thế. Giải thích của tác giả thánh dựa trên giả định của ông về căn tính riêng của phôi thai. Sự nhảy của hai trẻ song sinh trong Cựu Ước là báo trước cho sự nhảy mừng của đứa trẻ trong lòng Êlisabét. [25]

Câu chuyện Maria viếng thăm Êlisabét của Luca kể cho chúng ta sự chào mừng của đứa trẻ trong lòng Êlisabét với “hoa trái của lòng dạ Maria” vừa mới thụ thai gần như đồng thời với sự chào hỏi của hai người mẹ:

“Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng nói rằng: ‘Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng’) (Lc 1, 41-44).

Vài học giả đọc ra ý định của Luca muốn chỉ tính ngôn sứ của cái nhảy mừng của đứa trẻ trong lòng Êlisabét.[26] Mỗi người mẹ sau đó nhờ Thần Khí linh hứng biết được về đứa trẻ của người kia. Ngay cả trong lòng mẹ, Gioan là người tiền hô của Thiên Chúa. [27] Vì vậy, hai bản văn này chuyển tải một giả định là thân phận luân lý của thai nhi và công trình của Thiên Chúa trong việc tạo thành. Một nhận định khác, ở đây Luca sử dụng từ “bréphos” (infans in utero) để chỉ đứa trẻ trong tử cung, trong đoạn 2,12, “bréphos” chỉ đứa trẻ đã sinh ra. [28] Điều này ngụ ý tính liên tục giữa thai nhi và trẻ sơ sinh và cá thể tính của thai nhi. [29]

Điểm thứ hai và thứ ba nêu lên ý nghĩa rằng lúc thụ thai, giai đoạn phôi thai, cùng với lúc sinh ra, là những cấu tố quan trọng hình thành đời sống của một con người.

TÓM TẮT

Một cách nền tảng, nhân chủng học Kinh Thánh có vẻ ít chú ý vào định nghĩa của thời điểm khởi đầu của đời sống con người, trên quan điểm Kinh Thánh “thụ thai” (fecundation) hay trên quan điểm thần học “phú hồn” (ensoulment). Đúng hơn là Kinh Thánh trình bày một chuyện kể nối kết chặt chẽ hành động âm thầm tạo dựng của Thiên Chúa trong việc đem con người hiện hữu trong thế giới này. Hình ảnh Thiên Chúa trong mỗi con người phú cho người ấy nhân phẩm nội tại.

Tuy nhiên, vài bản văn Kinh Thánh một cách kín đáo gợi ý thụ thai được xem như khởi đầu đời sống của một con người. Đời sống con người luôn ở trong bàn tay sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa từ lúc thụ thai, giai đoạn phôi thai, sinh ra, cho đến khi chết. Thân phận luân lý của thai nhi có vẻ được xác định một cách ngấm ngầm trong sự xác định phẩm giá đời sống con người như một tổng thể từ lúc bắt đầu cho đến khi chết trong kế hoạch của Thiên Chúa. Kinh Thánh cũng khơi dậy một tinh thần Kitô giáo tôn trọng đời sống của mỗi người, và của tất cả mọi người trong bất cứ giai đoạn nào của đời sống bởi vì Thiên Chúa chăm sóc đến họ. Đời sống của mỗi thai nhi là trong kế hoạch của Thiên Chúa. Giết trẻ chưa sinh ra một cách tùy tiện là cố tình xâm phạm kế hoạch của Thiên Chúa.

Chúng ta xem đến truyền thống Công giáo và giáo huấn của Giáo Hội về phôi thai.

 

 


[1]                       John Connery, Abortion: The Development of the Roman Catholic Perspective (Chicago: Loyola University Press, 1977), 34-35; Daniel Harrington, và James F. Keenan, Jesus and Virtues Ethics: Building Bridges Between New Testament Studies and Moral Theology (Chicago, Illinois: Lanham Maryland, 2002), 167; Bruce N. Fisk, “Abortion,” trong Evangelical Dictionary of Biblical Theology, ed. Walter A. Elwell (Grand Rapids, Michigan: Baker Book House Com. 1996), 4. Trong văn chương Do-Thái khẳng định nhiều lần về Ítrael bác bỏ việc phá thai.

[2]                       Noonan, 8-9, trích Clyde Pharr, “The Interdiction of Magic in Roman Law,” 63 trong Transaction and Proceedings of the American Philosophical Association (1932), 272-73 và Plutarch, “Romulus,” 22 Parallel Lives (New-York, 1914-1926), trans. B. Perrin,

[3]                       Trích dẫn Kinh Thánh tiếng Anh trong The New Revised Standard Version, trừ khi có nói rõ nào khác. Bản dịch Việt ngữ trích trong “Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước,” của Nhóm Dịch Phụng Vụ Giờ Kinh, nếu bản dịch khác thì sẽ nêu rõ.

[4]                       Gilbert Meilaender, Bioethics: A Primer for Christians 2nd ed. (Grand Rapids, Michigan: Eerdmans Publishing Com. 2005), 28-29.

[5]                       Mitchell Dahood, The Anchor Bible: Psalms III 101-150 (Garden City, New York: Doubleday, 1970), 295, được trích dẫn trong Jones, 9. ngoài ra, có bản dịch khác là “các giai đoạn đời con” (the periods of my life, les periodes de ma vie), x. Le Livre des Psaumes, trans. and ed. Leopold Sabourin (Paris: Edition du Cerf, 1988) , 579. Nhưng điều này chỉ là gợi ý của vài học giả Kinh Thánh.

[6]                       A.A. Anderson, New Century Bible Commentary: The Book of Psalms II, Psalms 73-150 (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1972) , 910; L.C. Allen, Word Biblical Commentary Psalms 101-150 (Waco, TX.: Word Books, 1983) , 252. Cách đọc “phôi” này được phần lớn các học giả hiện đại sử dụng trong đó gồm có New King James Bible, New American Bible, New Revised Standard Versions, La Bible de Jérusalem (Paris : Edition du Cerf, 1973);  La Bible, La Nouvelle Traduction (Bayard – Paris 2001); Luis Alonso-Shökel, S.J., La Biblia del Pelegrino (Spain:  Ega-Mensajero, 1993).

[7]                       David Albert Jones, The Soul of the Embryo: An enquiry into the status of the human embryo in the Christian tradition (New-York: Continuum, 2004), 9, 17.

[8]                       Jones, 10; Salvino Leone, “The Ancient Roots of a Recent Debate,” trong Identity and Statute of Human Embryo, 33.

[9]                       Jones, 14, 17 ; Philippe Caspar, Penser l’Embryon d’Hipporate à nos Jours (Tournai-Belgique: Campin, 1991), 48.

[10]                      William D. Reyburn, A Handbook on the Book of Job (New-York: United Bible Societies, 1992), 69-70.

[11]                      Jone, 14.

[12]                      Connery, 34; 50-51; 105

[13]                      Ignacio Carrasco De Paula, “The Respect due to the Human Embryo: a Historical and Doctrinal Perspective,” trong Identity and Statute of Human Embryo : Proceedings of the Third Assembly of the Pontifical Academy for Life, 56-57; Connery, 17; Noonan, 6; Leone, “The Ancient Roots of a Recent Debate”, trong Identity and Statute of Human Embryo, 33-34; Harrington và Keenan, 167-168; Caspar, Penser l’Embryon,  45-48.

[14]                      Jones, 48.

[15]                      Ibid., 34.

[16]                      Harrington và Keenan, 167-68.

[17]                      The HarperCollins Bible Commentary, James L. Mays, general ed. and John Loudon, ed. (New-York: HarperCollins Publishers, 2000), 138.

[18]                     X. Noel D. Osborn, Howard A. Hatton, A Handbook on Exodus (New York: United Bible Societies, 1999), 507; Bruce N. Fisk, “ Abortion,” trong  Evangelical Dictionary of Biblical Theology, 4.

[19]                      Fisk, 4; Allen Verhey, Reading the Bible in the Strange World of Medicine (Grand Rapids, Michigan: Eerdmans Publishing Com. 2003), 199-200. Trong số các tác giả nhấn mạnh rằng không có sự phân biệt giữa thân phận người phụ nữ và thận phận của thai nhi trong đoạn này là Gleason Archer, Encyclopedia of Bible difficulties (Grand Rapids: Zondervan, 1982), 246-49; Umberto Cassuto, A Commentary on the Book of Exodus, trans. Israel Abrahams (Jerusalem: Magnes, 1967), 275; and Meredith Kline, “Lex Talionis and the Human Fetus,” Journal of the Evangelical Theological Society 20, n. 3 (1977): 193-201. Ba tác phẩm sau được dùng trong Allen Verhey, 200.

[20]                      The Anchor Bible Jeremiah 1-20, a New translation with introduction and Commentary by Jack R. Lundbom (New York: Doubleday, 1999), 231.

[21]                      Jones, 11

[22]                      Leone, 33. Cf. also M. Gilbert, “La procréation: ce qu’en sait le Livre de la Sagesse”, art. Cit., 824-827, trích trong Caspar, Penser l’Embryon, 48.

[23]                      The Anchor Bible: Isaiah 40-55, a new translation with introduction and commentary by Joseph Blenkinsopp (New-York: Doubleday, 2002), 299; Jones, 12.

[24]                      Xem Fisk, 5. 

[25]                      The Gospel According to Luke I-IX, vol. 28, William Foxwell Albright, David Noel Freedman, general eds. Introduction, translation and notes by Joseph A. Fitzmyer (NY: Doubleday &Company Inc. 1981), 358.

[26]                     The Gospel According to Luke I-IX, 357.

[27]                      Ibid., 358.

[28]                      De Paula, 51.

[29]                      Fisk, 5.