Thân Phận Luân Lý Và Thần Học Của Phôi Thai – (1)

0
1251


THÂN PHẬN LUÂN LÝ VÀ THẦN HỌC CỦA PHÔI THAI:

NHẬN ĐỊNH TRÊN QUAN ĐIỂM GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

VÀ PHÔI THAI HỌC HIỆN ĐẠI [*]

Tác giả: Soeur Trần Như Ý- Lan, CND.

***

***

GIỚI THIỆU CỦA TÁC GIẢ

Bài viết này là một phần của Luận án Tiến sĩ về Thần Học Luân Lý tại Weston Jesuit School of Theology, MA (nay là Boston College School of Theology and Ministry, Boston), vào tháng 5 năm 2006. Đây là chương hai của luận án được viết bằng tiếng Anh và được dịch sang tiếng Việt do chính tác giả thực hiện để phục vụ cho việc nghiên cứu và học hỏi của các sinh viên thần học tại Việt-Nam trong lãnh vực đạo đức y sinh học.

Riêng phần I của bài viết này được lược dịch từ The Developing Human: Clinically Oriented Embryology, 5th ed. (Pennsylvania: W.B. Saunders Com., 1993) từ trang 1 đến 110, của hai tác giả Keith L. Moore và T.V.N. Persuad. Moore là giáo sư Giải Phẩu học và Sinh Học Tế Bào tại trường Đại học Y Khoa ở Canada; Persaud là giáo sư và là trưởng bộ môn Giải Phẩu học, giáo sư Nhi Khoa, Sản Phụ khoa của Phân Khoa Y của Đại học Manitoba tại Canada. Cuốn sách này được dùng như “sách gối đầu” cơ bản đầu tiên của các sinh viên y khoa tại Mỹ và Canada nhờ vào cách viết ngắn gọn dễ hiểu của hai nhà khoa học vừa nghiên cứu vừa thực hành này. Phần này dùng để phục vụ các đọc giả chưa quen thuộc lắm với kiến thức phôi thai học.

***

DẪN NHẬP

Hơn hai thiên niên kỷ, đề tài về thân phận luân lý của phôi thai người đã được, và tiếp tục được thảo luận trên bốn bình diện: khoa học, siêu hình, luân lý và thần học. Một số lớn nhà thần học đồng ý rằng niềm tin của mỗi người về thân phận luân lý của phôi thai sẽ quyết định thái độ của người ấy trên một số vấn đề đạo đức sinh học nóng bỏng hiện nay như ngừa thai nhân tạo, thụ tinh nhân tạo (IVF: in vitro fertilization), phá thai nói chung, phá thai chọn lọc (selective abortion), nghiên cứu và thử nghiệm trên phôi người như nghiên cứu tế bào gốc (stem cell research)…[1] Vì vậy, hiểu biết về thân phận luân lý và thần học của phôi người là nền tảng cho các thái độ và chọn lựa quyết định trên phôi thai.

Vấn đề sẽ được tiếp cận theo sáu bước. Thứ nhất, sơ lược hiểu biết về phôi thai người trên quan điểm khoa học hiện đại. Đây là phần chuẩn bị cho người đọc dễ hiểu hơn một số lý luận của hai bước cuối. Thứ hai, nhìn lại quan điểm Kinh Thánh về phôi thai, vì đối với Kitô hữu, Kinh Thánh là nền tảng của đức tin và luân lý. Thứ ba, đối với Giáo Hội Công Giáo nói chung và Giáo Hội Việt-Nam nói riêng, [2] truyền thống và giáo huấn Giáo Hội là trong số các nền tảng đầu tiên cho suy tư luân lý, nên tôi sẽ xem xét cả hai nguồn này. Trọng tâm của giáo huấn Giáo Hội là “hữu thể người” (the human being) phải được tôn trọng và đối xử như con người (the human person) ngay từ lúc thụ tinh và do đó cùng lúc, quyền con người của phôi thai phải được nhìn nhận.” [3] Thứ tư, sống trong xã hội, chúng ta chịu chi phối bởi nền văn hóa nhất định, tôi sẽ trình bày khái quát văn hóa và truyền thống Việt-Nam về thân phận luân lý của phôi thai.

Thứ năm, tôi chọn Thomas A. Shannon, một trong số các nhà đạo đức sinh học hiện đại dẫn đầu của Hoa-Kỳ, [4] như là một đại diện của nhóm thần học gia ủng hộ thuyết “phôi trở thành người theo bước tiệm tiến” (delayed humanization). Shannon xem phôi lúc mới thụ tinh như là một con người trong tiềm năng (human person in potentia) hay nói trắng ra, không phải là một con người. Shannon nhận định rằng dấu mốc sinh học não trưởng thành tại tuần thứ 21 của thai kỳ như một điều kiện cần nhưng chưa đủ, cho khả năng tư duy, và do đó, cho ngôi vị người (personhood).

Sau hết là phần đánh giá và lập trường của tác giả bài nghiên cứu này. Có một số phương thức khác nhau, tuy hơi trùng lắp ở vài điểm, để xác định thân phận của phôi thai: hoặc là xác định khi nào sự sống một con người (a human’s life) thật sự bắt đầu, hoặc là định nghĩa con người là gì. Do đó, khái niệm về con người là chìa khóa của nghiên cứu này. Trên quan điểm triết học, một cách cơ bản, tôi chọn theo định nghĩa của Boethius. Boethius nói đến con người như là một cá thể có bản chất tự nhiên lý trí. [5] Tuy nhiên, định nghĩa của Boethius gặp vài khó khăn như là khái niệm cá thể (the individual). Tôi sẽ xác định thêm vài phẩm chất của ý nghĩa “cá thể” và “bản chất tự nhiên lý trí”, và mở rộng khái niệm “hữu thể người” và “con người”. Trên quan điểm Kitô giáo, con người là tạo thành duy nhất được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và vì vậy có khả năng đối diện với Thiên Chúa như một ngôi vị. Nên thừa nhận rằng trong khi các nhà thần học đều đồng ý rằng loài người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, họ lại bất đồng về câu hỏi hình ảnh này có nghĩa gì. Tôi sẽ không đi sâu vào câu hỏi này. Điều nhấn mạnh ở đây là tính thánh thiêng của sự sống con người, là một đặc trưng của loài người trong vạn vật được tạo thành. Phẩm giá nội tại của con người bắt nguồn từ sự kiện con người mang hình ảnh Thiên Chúa, bất kể chúng ta là ai, hay chúng ta sở hữu những gì, hay có khả năng nào, địa vị xã hội ra sao. Đây là một điểm tựa thần học của nghiên cứu này.

Để đánh giá, tôi tập trung vào những lý do cơ bản mà Shannon dùng để lý luận bác bỏ “ngôi vị người” của phôi thai như tính toàn năng (totipotency), song thai đồng hợp tử (monnozygotic twin), khả năng tái kết hợp của phôi non (recombination), sự thiếu trưởng thành của não bộ (cerebral immaturity), và vài hiện tượng khác như tỉ lệ sẩy cao của phôi thai, sự phụ thuộc của hợp tử vào yếu tố di truyền người mẹ trong giai đoạn đầu của sự phát triển, và thai trứng (hydatidiform moles).

Lý luận của tôi về phôi thai dựa trên quan điểm Kinh Thánh, truyền thống Công Giáo, giáo huấn Giáo Hội Công Giáo, suy tư thần học, văn hóa và truyền thống Việt-Nam và Phôi Thai học con người, đặc biệt là hiểu biết di truyền hiện đại về phôi người. Cả hai nhóm lập trường ủng hộ hay chống đối ngôi vị người của phôi thai đều tuyên bố rằng họ dựa vào những yếu tố khoa học hiện đại để biện minh sự đúng đắn của lập trường mình. Chắc chắn tôi cũng sẽ sử dụng những hiểu biết sinh học hiện đại và giải thích dưới quan điểm khoa học. Tôi sẽ lý luận rằng phôi người là một con người đang hình thành, đó là, con người trong mô thức và chất thể chính yếu tối thiểu, với những khả năng thực tại đang tiến triển.

Cần thiết xây dựng liên ngành chuyên môn (interdisciplines) trong lãnh vực Đạo Đức Sinh Học. [6] Nghiên cứu nhỏ này là một nổ lực trong công việc rất đòi hỏi nhưng hứa hẹn nhiều hoa trái này.

Bài nghiên cứu bắt đầu với phần sơ lược về phôi thai học con người. Trọng tâm phần này là giai đoạn tăng trưởng từ trứng thụ tinh (hay hợp tử) đến giai đoạn phôi. Đây là giai đoạn mà câu hỏi “hợp tử, hay phôi non có phải là sự sống khởi đầu của một con người” gây nhiều tranh cãi giữa các nhà thần học luân lý.



[*] Doctoral Dissertation in Sacred Moral Theology, Author: Sr. Trần Như Ý-Lan, C.N.D., MD. Title: Selective Abortion in Prenatal Ultrasound Diagnosis and the Catholic Medical Doctors’ Response in the Vietnamese Context. Date: May 9th, 2006. Weston Jesuit School of Theology, MA, USA.

Chapter II “Theological and Moral Status of the Human Embryo and Fetus: a Review of Scripture, Catholic Tradition and Magisterium, Vietnamese Tradition, and Contemporary Understanding, and Critical Evaluation”

Bản dịch Việt-ngữ: Trần Như Ý-Lan. Tựa đề: Thân Phận Luân Lý và Thần Học của Phôi Thai: Nhận Định trên Quan Điểm Giáo Hội Công Giáo Và Phôi Thai Học Hiện Đại.

[1]   Thomas A. Mappes, “Abortion and Research on Embryonic Stem Cells,” trong Biomedical Ethics, Thomas A. Mappes và David Degrazia eds. (New-York: The McGraw-Hill Companies, 2006), 450, 451-53; Raanan Gillon, “Is there a “new ethics of abortion,” trong Abortion, Belinda Bennett, ed. (Trowbridge: The Cromwell Press, 2004), 6-7; Charles Curran, “Evangelium and Its Broader Context,” trong John Paul II and Moral Theology, Charles Curran và Richard McCormick eds. (NY: Paulist Press, 1998), 123-24.

[2]   Từ đây về sau, từ “Giáo Hội” được hiểu ngầm là chỉ đến “Giáo Hội Công Giáo”.

[3]   Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, “Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the Dignity of Procreation,” (Rome, Feb. 22, 1987) Origins (Vol.16, n.40, March 1987) 701.

[4]   James Keenan, book review, trong Genetics: Science, Ethics, and Public Policy, ed. Thomas Shannon (New York: Rowman &Littlefield Publishers, Inc., 2005), trang bìa sau.

[5]   Xem Thomas de Chobham (1216), trích trong G.R. Dunstan, “The human embryo in the western moral tradition,” trong The Status of the Human Embryo: Perspective from Moral Tradition, ed. G. R. Dunstan and Mary J. Seller (London: King Edward’s Hospital Fund for London, 1988), 55.

[6]   H.E. Mons. Elio Sgreccia, “Introduction to the Work of the Task-Force,” trong Identity and Statute of Human Embryo: Proceedings of the Third Assembly of the Pontifical Academy for Life, Vatican City, 14-16 February 1997, ed. Juan de Dios Vial Correa, and Elio Sgreccia (Pontifica Academia pro Vita. Libreria Editrice Vaticana, 1998), 25-26.