THẦN HỌC VỀ THẬP GIÁ TRONG PHỤNG VỤ TÂY PHƯƠNG

0
1928

Manuel Garrido Bonaño, O.S.B.

Thời sự Thần học, Số 90 (tháng 11/2020)

Mỗi khi nói đến « thần học » người ta thường chỉ liên tưởng đến các tác phẩm, công trình suy tư của các học giả hàn lâm, nhưng dễ quên rằng theo nguyên ngữ Hy-lạp, theologia (ghép bởi Theos logos), không chỉ có nghĩa là « lời (lý luận) về Thiên Chúa », mà còn là « lời của Thiên Chúa » (tức là mặc khải), và « lời với Thiên Chúa » (tức là cầu nguyện)[1]. Trong bài này, cha Manuel Garrido Boñano (1925-2013), dòng Biển-đức thuộc đan viện Valle de los Caidos, Madrid, Tây-ban-nha, giáo sư Phụng vụ và tác giả của trên 30 đầu sách, đã lưu ý đến một nguồn thần học quan trọng khi đề cập đến thập giá, đó là các bản văn Phụng vụ, trong đó Giáo hội vừa tuyên xưng niềm tin và chúc tụng Thiên Chúa vì công trình Người đã thực hiện cho nhân loại nơi Thập giá Đức Kitô.

Tác giả điểm qua các sách Phụng vụ (Sách Lễ cũng như sách Phụng vụ các Giờ kinh) và nêu bật 11 chủ đề: 1) Ơn cứu độ. 2) Cây thập giá đối lại với cây trong vườn địa đàng. 3) Thập giá chiến thắng Satan. 4) Hy tế. 5) Ngủ trên thập giá: Ađam mới. 6) Mầu nhiệm Thập giá. 7) Thập giá: tuẫn giáo – từ bỏ – khổ chế. 8) Sự điên rồ của Thập giá. 9) Vinh quang của thập giá. 10) Thập giá che chở giữ gìn. 11) Việc tôn kính Thập giá.

Nguyên bản tiếng Tây-ban-nha: “La Teologia de la Cruz en las liturgias occidentales”, in:

Scripta theologica:  Vol. 9, Fasc. 3, 1977, págs. 885-950. Vì bài viết quá dài, nên chúng tôi chỉ tóm lại những ý tưởng chính, đặc biệt chú ý đến các sách Phụng vụ hiện hành, trong khi tác giả trưng dẫn khá nhiều các sách Phụng vụ cổ thời (chẳng hạn như: Sacramentarium Gelasianum, Gregorianum, Liturgia gallicana,vv..[2]).

——————

Nhập đề

Thập giá Đức Kitô đã trở thành đầu đề cho các cuộc suy gẫm, giảng thuyết, sáng tác của Kitô giáo trong suốt hai ngàn năm qua. Tuy nhiên, vào hậu bán thế kỷ XX, một thứ “thần học thập giá” được phổ biến do ảnh hưởng của thần học Tin Lành bên Đức, theo đó thập giá được nhìn như nguồn gốc của chủ nghĩa vô thần (x. Dietrich Bonhoeffer), khi Thiên Chúa hoàn toàn thinh lặng trước những đau khổ của con người, hoặc chính Đức Kitô đã cảm nghiệm bị Thiên Chúa bỏ rơi (Jurgen Moltmann). Thật ra, những suy tư này tìm cách trả lời cho các vấn nạn gây ra bởi cảnh hàng triệu người Do-thái bị thảm sát trong các trại tập trung Đức quốc xã hồi thế chiến thứ hai: Thiên Chúa ở đâu? Tại sao ngài lại để cho chuyện này xảy ra? Tiếc rằng, theo đúng nguyên tắc Sola Scriptura, người ta tìm những câu trả lời từ lối chú giải Kinh thánh theo cách riêng tư, chứ không muốn đếm xỉa đến Truyền thống của Hội thánh, đến kinh nghiệm của các tín hữu đã chịu tuẫn giáo ở mọi nơi mọi thời. Cách riêng, trong các hội nghị về thần học thập giá, người ta hầu như không đả động gì đến một nguồn mạch phong phú của thần học, đó là các bản văn Phụng vụ, trong đó Giáo hội biểu lộ đức tin của mình vào giá trị của thập giá, dựa trên Kinh thánh và chú giải của các giáo phụ. Những bản văn này đã từng nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu suốt dòng lịch sử, và được dùng vào các buổi cử hành để chúc tụng, tạ ơn tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ qua thập giá của Đức Kitô.

Bài viết này muốn điểm qua các khía cạnh của Thập giá được diễn tả nơi các bản văn Phụng vụ, đặc biệt trong mùa Chay và mùa Phục sinh, cũng như các lễ kính Thánh giá. Chúng tôi muốn chú ý đến các khía cạnh sau đây: Ơn cứu độ, Đối nghịch với cây trong vườn địa đàng, Thập giá chiến thắng Satan, Hy tế, Các bí tích, Mầu nhiệm, Che chở, Tuẫn giáo, Từ bỏ và vác thập giá, Sự điên rồ, Vinh quang. Các khía cạnh khổ hình, khổ chế, suy tôn được gói ghém trong các khía cạnh ấy.

Nền tảng chính của các bản văn về thập giá là Kinh thánh. Chúa Giêsu đã chết trên một cây thập giá, và kể từ đó, thập giá đã được các môn đệ coi như công cụ của công trình cứu độ. Đây là mầu nhiệm cao cả của thập giá: từ một công cụ ô nhục, nó trở thành dấu hiệu của vinh quang và cứu độ. Trước khi đạt đến chóp đỉnh của mặc khải Tân ước, con người cần phải thanh lọc khái niệm trần tục về tình yêu, ngõ hầu có thể đón nhận mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa được chuyển thông qua thập giá. Chính nơi thập giá mà Tình Yêu được tỏ lộ cách sâu xa và bi thảm.

I. THÁNH GIÁ – CỨU CHUỘC

Đây là khía cạnh được đề cập nhiều nhất trong các bản văn Phụng vụ

1. Sách Lễ. Người ta dễ đoán được rằng điều này được nói đến trong tuần Thương khó, và cách riêng là ngày thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng điều thú vị là một kinh Tiền tụng có từ Sacramentarium Gregorianum, được truyền lại qua nhiều thế hệ và được tiếp nhận vào Sách Lễ của Đức Phaolô VI, đã ca tụng hồng ân cứu chuộc của Thánh Giá trong mùa Phục sinh: “Nhờ sự chết của Người, chúng con khỏi phải chết, và trong sự sống lại của Người, chúng con được phục sinh”[3]. Một cơ hội khác để ca ngợi hồng ân của Thập giá là hai lễ kính Thánh giá đã có trong Sacramentarium Gelasianum, đó là lễ “Tìm thấy Thánh giá” và “Suy tôn Thánh giá”. Lễ “Tìm thấy Thánh giá” (đã bị bãi bỏ trong Sách Lễ của Đức Phaolô VI ngày 21-3-1969) kể ra công hiệu của Thánh giá dưới bốn khía cạnh liên kết với nhau: cứu chuộc, cây sự sống của vườn địa đàng được hoàn trả, sự che chở để ngăn cản sự hủy hoại của con rắn, ơn huệ của Thánh Linh đổ xuống dầu thơm cứu độ[4]. Trong lời nguyện nhập lễ của lễ Suy tôn Thánh giá, Phụng vụ xin ban phần thưởng cứu độ ở trên trời cho những người đã nhận biết mầu nhiệm thánh giá ở dưới đất.”[5]

Trong Sách Lễ của Đức Phaolô VI, ngoài Tuần Thánh, mùa Phục sinh và lễ Suy tôn Thánh giá, đề tài ơn cứu chuộc của Thánh giá còn được gặp thấy ở nhiều chỗ khác. Chỉ cần trưng ra một vài thí dụ thì đủ rõ. Ca hiệp lễ ngày thứ sáu tuần V mùa Chay đã trích dẫn đoạn văn 1 Pr 2,24: “Tội lỗi của chúng ta, chính Đức Giêsu đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính; Nhờ Người mang thương tích, chúng ta được chữa lành”. Bản văn này rất quan trọng đối với đạo lý về ơn cứu độ, bởi vì thánh Phêrô đã đi từ mẫu gương chịu đau khổ của Đức Kitô để đào sâu về ý nghĩa của cái chết dựa trên tư tưởng của người Tôi trung: Người chết đề đền tội thay cho chúng ta. Kinh Tiền tụng chung I của mùa Thường niên, dựa trên đoạn văn Cl 1,20  tuyên xưng rằng Đức Kitô đã hòa giải muôn loài nhờ máu Người đổ ra trên thập giá.

2. Trong Sách Phụng vụ các Giờ kinh, chúng ta gặp thấy nhiều thánh thi trong mùa Chay và Tuần Thánh nêu bật tính cách cứu chuộc của Thánh giá. Chẳng hạn như thánh thi giờ kinh Trưa của thứ sáu và thứ bảy Tuần Thánh ca ngợi rằng: “Ôi thập tự, phước lành thế giới, Nguồn cậy trông cứu rỗi tràn lan, Xưa nên hình khổ nhục nhằn, Nay thành ngưỡng cửa thiên đàng quang vinh!”. Thánh Thi kinh Trưa mùa Phục sinh cũng nhắc đến ơn cứu độ của thập giá: “Đây giờ phút chói lòa rực rỡ, Khiến mây mù thập giá bay tan, Tối tăm biến khỏi trần hoàn, Vầng ô sáng chói như mang cẩm bào”. Khía cạnh cứu độ cũng được nhắc đến trong các lời cầu[6] và đặc biệt là trong các bài đọc giáo phụ trong Giờ Kinh Sách, chẳng hạn như bài giảng của Thánh Lêô Cả vào ngày thứ ba tuần V mùa Chay, trong đó ngài coi thánh giá như là nguồn của mọi phúc lành và nguyên nhân của mọi ân huệ. Vào thứ tư tuần XXVII mùa Thường niên, bài đọc trích từ thư thánh Inhaxiô tử đạo gởi các giáo dân Tralia, trong đó ngài nhắc nhở rằng Đức Kitô đã chịu đóng đinh và duy chỉ nơi Người chúng ta mới tìm gặp sự sống đích thực; vì thế ta hãy tránh những cây độc hại kẻo ăn phải trái mang lại sự chết.

Khi trình bày đề tài Thánh giá và cứu độ, Phụng vụ không làm gì khác hơn là lặp lại các tư tưởng của Thánh kinh và các giáo phụ: sự cứu độ được nhìn từ phía Thiên Chúa, như một sáng khởi của tình yêu Chúa Cha, khi trao ban Con Một của mình cho nhân loại, và rồi Người lại trở thành Thượng Tế và Tế phẩm. Phụng vụ thường công bố sự kiện chứ không đi sâu vào các lý do giải thích thần học[7].

II. THẬP GIÁ – PHẢN ĐỀ CỦA CÂY TRONG VƯỜN ĐỊA ĐÀNG

Những phản đề Ađam / Kitô, Eva / Maria, Cây trong vườn địa đàng / Cây thập giá khá phổ thông trong Giáo hội ngay từ thời các thánh tông đồ. Các giáo phụ đã giải thích các phản đề này theo nhiều cách khác nhau. Sách Phụng vụ Giờ kinh sau công đồng Vaticanô II đã thu nhận nhiều chứng tích cổ truyền.

1. Các Sách Lễ, kể từ Giáo hoàng Gelasiô và Grêgôriô, đã đối chiếu cây trong vườn địa đàng với cậy thập giá. Xưa kia hai ông bà nguyên tổ ăn trái cấm của cây trong vườn địa đàng và đã gây ra sự chết chóc cho chính mình và nhân loại, nay cây thập giá đã mang lại sự sống cho nhân loại. Một bản văn cổ điển vẫn còn được duy trì trong Sách Lễ Rôma hiện hành là Lời Tiền tụng Thánh giá (ngày 14 tháng 9): “Cha đã dùng cây thập giá để ban ơn cứu độ cho loài người. Thật vậy, xưa vì cây trái cấm loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời; và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Đức Kitô, Chúa chúng con”.

2. Đề tài này cũng gặp thấy nơi nhiều điệp xướng, thánh thi. Chúng ta có thể trưng dẫn một đoạn nổi tiếng hơn cả của Thánh thi giờ Kinh Sách mùa Thương khó (soạn giả Venantius Fortunatus): Xưa nguyên tổ nghe Satan ngụy biện / Trái cấm vừa ăn, án tử mắc vào, / Hóa Công liền quyết định sẽ trồng cao / Cây thập tự thế vào cây nguyền rủa[8].

3. Trong Sách Phụng vụ các Giờ kinh, ngoài các điệp ca vừa nói, chúng ta gặp thấy những chứng tích của các giáo phụ trong giờ Kinh Sách. Chúng tôi xin trích dẫn hai bài trong Mùa Phục sinh. Bài thứ nhất, đọc vào ngày thứ sáu tuần II mùa Phục sinh, lấy từ bài giảng của thánh Thêođorô viện phụ Studios[9]: “Vẻ đẹp của thập giá không pha trộn tốt xấu như cây kia trong vườn Êđen, nhưng nhìn thì thấy đẹp và ăn thì thấy thật ngon. Đây là cây phát sinh sự sống chứ không phải sự chết, chiếu sáng chứ không làm cho tối, đưa vào vườn Êđen chứ không đuổi ra ngoài. Đó là cây Chúa Kitô đã bước lên như vị quân vương bước lên xe tứ mã. Người đã đánh bại ma quỷ, tên nắm quyền lực tử thần, và đã cứu nhân loại khỏi ách nô lệ của bạo chúa. Trước kia vì một cây chúng ta phải chết, thì bây giờ cũng nhờ một cây, chúng ta lại tìm được sự sống. Trước kia, vì một cây chúng ta bị lừa, thì nay cũng nhờ một cây, chúng ta đẩy lui con rắn già xảo quyệt. Cuộc thay đổi thật là mới mẻ và lạ lùng! Thay vì phải chết thì được sống, thay vì hư hoại thì được bất hoại, thay vì nhục nhã thì được vẻ vang”. Một bài đọc khác vào ngày thứ sáu tuần III mùa Phục sinh, được trích từ thánh Ephrem. Sau khi trình bày thập giá của Đức Kitô như là sự cứu độ của nhân loại, tác giả nói rằng khi “Đức Kitô đã đưa thập giá tới miệng âm phủ mở ra để nuốt lấy mọi sự, và Người cũng đưa nhân loại về nhà sự sống. Vì cây trái cấm, loài người đã sa xuống vực thẳm, thì nay, nhờ cây thập giá, họ được đưa về nhà sự sống. Mọi nỗi cay đắng đã được ghép vào thập giá như những cành cây, những cành ngọt ngào cũng được tháp vào đó để chúng ta nhận biết Đức Giêsu là Đấng không có thụ tạo nào chống lại nổi”.

Trong những lời cầu của một vài ngày trong mùa Chay, ý tưởng về thập giá như là cây sự sống cũng được nhắc đến[10].

4. Nền tảng của sự so sánh này là Thánh kinh. Đức Kitô đã mang cho mình sự chúc dữ đã đến thế gian vì một cây (Gl 3,13). Người đã mang tội lỗi của chúng ta trong thân thể của Người lên trên cây gỗ (1 Pr 2,24) và đã đóng lên đó bản án đã được tuyên chống lại chúng ta (Cl 2,14). Vì thế, cây thập giá đã trở thành cây gỗ mang lại sự cứu độ được nói trong Sách Khôn ngoan (14,7), nhờ vậy đã mở ra con đường dẫn vào vườn thiên đàng, nơi mà chúng ta sẽ được trái cây hằng sống (Kh 22,2.14). Hình ảnh thập giá như là cây sự sống đã được khai triển trong khung cảnh của một cộng đoàn còn gắn bó với đạo Do-thái ở Palestina, nơi mà người ta cho rằng lễ Vượt qua là một cuộc trở về với nguồn gốc của cuộc tạo dựng, vào tình trạng hạnh phúc nguyên thủy nói ở đầu sách Sáng thế [11]. Trong các bản văn lễ Phục sinh vào thế kỷ II, người ta nói rõ là Đức Kitô “đã thay thế một cây gỗ bằng một cây gỗ”[12]. Về điểm này, Truyền thống Giáo hội khá liên tục cho đến nay. Vào thời Trung đại, nhiều tác giả đã lấy đề tài này làm đầu đề cho tác phẩm của mình, chẳng hạn như “Lig­num Vitae” của thánh Bonaventura, “Arbor vitae crucifixae Iesu” của Ubertino de Casale gây tác dụng rất mạnh đối với các văn hào và các nhà giảng thuyết ở các thế hệ về sau.

III. THẬP GIÁ, CHIẾN THẮNG SATAN, KHẢI HOÀN

Đây là một chủ đề vượt qua và cứu độ đã đâm sâu trong truyền thống Giáo hội và được gặp thấy trong các công thức Phụng vụ.

Bài thánh thi Kinh Chiều Tuần Thánh Vexilla regis prodeunt của Venantius Fortunatus (thế kỷ VII) ca ngợi cuộc khải hoàn của thập giá: “Cờ Vua cả tung bay phất phới, Thánh giá Người chói lọi oai phong, Ai ngờ chính Đấng Hóa Công / Thân treo thập giá lạ lùng xiết bao”. Thánh thi Kinh Sách Tuần Thánh cũng vậy Pange lingua gloriosi (“Vang khúc khải hoàn ca, mừng đại thắng, Con Chúa Trời đã hiển hách thành công, Vị Cứu tinh bày chiến tích oai hùng; Cây thập tự, nơi chính Người tự hiến!”).

Trong sách Phụng vụ các Giờ kinh đề tài được trình bày chi tiết nhất là các bài đọc giáo phụ giờ Kinh Sách, chẳng hạn như bài đọc 2 của ngày thứ năm tuần IV mùa Chay, trích từ một bài giảng của thánh Lêô Cả[13], trong đó có nói rằng: “không có bệnh nhân nào mà sự chiến thắng của thập giá từ chối”. Trong bài đọc ngày thứ ba tuần IV mùa Phục sinh, trích từ thánh Phêrô Kim ngôn,[14] người ta đặt lên miệng Đức Kitô những lời cảm động như sau về sự chiến thắng trên thập giá, bất chấp những đau khổ tại đó, hoặc đúng ra chính nhờ những đau khổ ấy: “Có lẽ các con xấu hổ vì đã gây cho Ta cuộc Thương khó thảm khốc. Các con đừng sợ. Thập giá không phải là mũi đòng đâm Ta chết, nhưng là đâm chết tử thần. Những đinh kia không làm Ta đau đớn, nhưng khiến Ta yêu mến các con thắm thiết hơn. Các thương tích kia không làm Ta thốt ra lời than vãn, nhưng lại đưa các con vào sâu hơn trong lòng Ta. Thân Ta bị kéo căng ra để mở rộng vòng tay ôm lấy các con vào lòng, chứ không phải để tăng thêm đau đớn…”.

Nhiều lần trong các lời cầu của Kinh Chiều II các Chúa nhật mùa Phục sinh (các tuần II, IV, VI), chúng ta nguyện: “Lạy Cha chí thánh, nhờ mầu nhiệm Thập giá, Cha đã tôn vinh Đức Kitô, xin lôi kéo nhân loại đến cùng Người”. Trong điệp ca Magnificat lễ Suy tôn Thánh giá, đặc tính khải hoàn của thập giá được nêu bật: “Ôi Thập giá vinh quang, ôi hiệu kỳ chiến thắng / xin dẫn đưa chúng tôi / vào Nước Trời vinh hiển.

Chúng ta cũng có thể thêm nhiều đoạn văn nói đến Đức Kitô được siêu tôn trên thập giá, sự siêu tôn đồng nghĩa với chiến thắng trên sự chết, tội lỗi, tối tăm và nô lệ, nghĩa là trên Satan và công cuộc của hắn.

Những tư tưởng phản ánh truyền thống đã có từ thời các giáo phụ. Theo giáo sư A. Quacquarelli, tất cả các đặc trưng của thập giá đều nhắm tới Đức Kitô chiến thắng sự dữ. Nhờ thập giá, Đức Kitô đã mang lại thanh bình cho thế giới lâm cơn bão tố, và đã thắng con mãng xà[15]. Thập giá và con mãng xà là một đề tài thường xuyên trong các bài giảng của Giáo hội từ thời các thánh tông đồ cho đến nay. Đó là hai biểu tượng phổ thông mà tất cả mọi tín hữu đều hiểu được, không cần phải dài dòng. Không lạ gì mà các tín hữu làm dấu thánh giá trên mình trong các nghi thức dành cho người dự tòng cũng như nhiều nghi lễ khác. Trong các bài huấn giáo dự tòng, thánh Cyrillô Giêrusalem nhiều lần nói đến Đức Kitô đã chiến thắng ma quỷ nhờ dấu thánh giá[16]. Đề tài này được nhiều giáo phụ đề cập. Ông Lactanxiô nói rằng, trước khi chịu thương khó, Đức Kitô gây kinh hoàng cho ma quỷ bằng lời nói của Người, còn bây giờ Người làm cho chúng kinh hoàng bằng dấu thánh giá[17]. Thánh Gioan Kim khẩu cũng ghi nhận điều ấy[18]. Đề tài này liên quan chặt chẽ đến các đề tài tuẫn giáo, khổ chế, che chở mà chúng ta sẽ trở lại dưới đây.

IV. . THẬP GIÁ – HY TẾ

Đề tài này đã được bao hàm trong những đề tài trước đây, đặc biệt là những đoạn liên quan đến ơn cứu độ. Theo nghĩa này, nó được Phụng vụ nói đến nhiều. Tuy nhiên, những bản văn bàn về hy lễ thập giá cách minh nhiên thì không dồi dào lắm. Trên thực tế, người ta gặp thấy trong Phụng vụ Galican, Sách Phụng vụ các Giờ kinh và Sách Lễ của Đức Phaolô VI.

1. Trong Sách Phụng vụ các Giờ kinh, chúng ta gặp thấy cụm từ “hy tế thập giá” trong lời cầu Kinh Sáng lễ Mình Máu Thánh Chúa: “Lạy Chúa Giêsu là Thượng Tế của giao ước mới, trên bàn thờ Thập giá, Chúa đã hiến thân làm của lễ vẹn toàn, xin cho chúng con được cùng Chúa dâng mình làm của lễ hy sinh”. Đoạn văn này thật là thú vị bởi vì đồng hóa hiến lễ của Đức Kitô trên thập giá với hy lễ Thánh Thể trên bàn thờ.

2. Trong Sách Lễ của ĐTC Phaolô VI, lời tiền tụng V mùa Phục sinh, lấy lại ý tưởng của Sacramentarium Gelasianum Vetus, đã diễn tả rằng “Đức Kitô nhờ việc hiến dâng thân mình trên thập, đã kiện toàn các hy lễ xưa, và khi phó mình để cứu độ chúng con, Người đã tỏ mình là tư tế, là bàn thờ và là Con Chiên” [19].

3. Trong truyền thống Giáo hội, hy tế thập giá có thể được nhắc đến cách tiềm tàng hay minh nhiên, cũng tương tự như các bản văn Phụng vụ. Mối liên hệ giữa hy tế thập giá với hy tế Thánh Thể cũng vậy. Thánh Cyprianô nói rằng, chúng ra lãnh nhận từ thập giá bữa ăn và nước uống, và khúc gỗ ở Mara (Xh 15,23tt) làm cho nước ra ngọt là hình bóng để cho các Kitô hữu múc lấy để làm dịu đi tâm hồn chai đá và gắng sức làm việc để đạt được sức khỏe[20]. Khi chú giải Ep 1,7 (“Trong Đức Kitô chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi nhờ máu Người đổ ra”), thánh Hiêrônimô viết rằng máu và thịt của Đức Kitô có thể hiểu theo hai cách: hoặc là cách linh thiêng và thần linh … hoặc là thịt và máu đã chịu đóng đinh trên thập giá và đổ ra bởi lưỡi đòng của tên lính[21]. Đạo lý cổ truyền của Giáo hội được công đồng Trentô nêu bật trong khóa họp 22 (ngày 17-9-1562), theo đó, Đức Giêsu Kitô, tuy chỉ dâng mình cho Thiên Chúa một lần trên bàn thờ thập giá nhờ cái chết, ngõ hầu thực hiện sự cứu chuộc muôn đời; tuy nhiên chức tư tế của Người không chấm dứt với cái chết. Trong bữa tiệc ly, vào đêm trước khi nộp mình, để trao lại cho hiền thê yêu dấu của mình là Hội thánh, một hy lễ hữu hình (như bản tính con người đòi hỏi) để diễn lại ký ức về hy lễ đó sẽ tồn tại cho đến tận thế và hiệu năng cứu độ của nó sẽ được vận dụng để chúng ta được tha thứ những tội lỗi mà chúng ta phạm hằng ngày. … Người dâng lên Thiên Chúa Cha Mình và Máu của Người dưới các hình thể là bánh và rượu”[22]. Công đồng Vaticanô II đã tiếp nhận đạo lý cổ truyền và phát biểu trong nhiều văn kiện, chẳng hạn như trong hiến chế về Phụng vụ số 47: “Trong bữa Tiệc Ly, vào đêm bị trao nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy tế Tạ ơn bằng chính Mình và Máu Người, để nhờ đó hy tế Thập giá được tiếp diễn qua các thời đại cho tới khi Người đến, và đã ủy thác cho Hiền thê yêu quý của Người là Giáo hội việc tưởng niệm sự chết và sự phục sinh của Người”.

Thập giá là hy tế: điều này đã rõ qua các bản văn Tân ước. Còn bí tích Thánh Thể liên quan đến hy tế thập giá như thế nào, đó là chuyện tranh luận sôi nổi không phải chỉ từ Martin Luther mà ngay từ thời các giáo phụ: điều khó khăn không chỉ nằm ở chỗ liên kết Hy tế Thập giá với bí tích Thánh Thể, nhưng là với bữa Tiệc ly (lúc ấy hiến tế chưa diễn ra). Nhưng chúng tôi không muốn đi sâu vào vấn đề ở đây[23].

V. THIẾP NGỦ TRÊN THẬP GIÁ – HỘI THÁNH – CÁC BÍ TÍCH

Trong truyền thống các giáo phụ, sự song đối giữa ông Ađam và Đức Kitô không chỉ được diễn tả qua cái cây (cây trong vườn / cây thập giá) nhưng còn qua việc hình thành bà Eva từ cạnh sườn của ông Ađam thiếp ngủ. Đề tài này được triển khai cách đặc biệt nơi văn chương thần học thời Trung đại.

Trong các bản văn Phụng vụ, thành ngữ “thiếp ngủ trên thập tự” mới xuất hiện từ các sách được ban hành sau công đồng Vaticanô II. Tương quan giữa thập giá với Hội thánh và các bí tích cũng vậy.

1. Trong Sách Lễ, chúng ta có hai chứng tích quan trọng: một liên quan đến các bí tích, một liên quan đến Hội thánh. Chứng tích thứ nhất được gặp thấy trong lời Tiền tụng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nói rằng: “Vì tình thương lạ lùng, khi chịu treo trên thập giá, Người (Đức Kitô) đã tự hiến thân vì chúng con. Từ cạnh sườn bị đâm thủng, Người đã để máu và nước chảy ra, hầu khơi nguồn các bí tích của Hội thánh. Nhờ đó, khi mọi người chúng con được lôi cuốn đến cùng Trái tim rộng mở của Đấng Cứu thế, thì được luôn vui mừng múc tận nguồn ơn cứu độ muôn đời”. Bản văn liên quan đến Hội thánh được thấy trong lời nguyện tiến lễ cầu cho Hội thánh toàn cầu mẫu B: “Xưa Chúa đã làm cho Hội thánh phát xuất từ cạnh sườn Đức Kitô khi Người yên nghỉ trên Thập giá, thì giờ đây, xin dùng lễ tế này làm cho Hội thánh ngày càng xứng đáng hơn với Chúa là Đấng Thánh đã tạo dựng nên mình”.

2. Trong Sách Phụng vụ các Giờ kinh, chúng ta gặp thấy nhiều chứng tích về “Đức Kitô ngủ trên thập giá”. Chứng tích cổ điển nhất, có lẽ thuộc thế kỷ II, được đọc trong giờ Kinh Sách ngày thứ bảy Tuần Thánh. Tác giả đặt trên miệng Đức Kitô những lời như sau: “Ta đã thiếp đi trên thập giá, và lưỡi đòng đã đâm thủng cạnh sườn Ta, vì ngươi đã ngủ say trong vườn địa đàng và đã cho Eva phát xuất từ cạnh sườn ngươi. Cạnh sườn của Ta đã chữa lành sự đau đớn của cạnh sườn ngươi. Giấc ngủ của Ta kéo người ra khỏi giấc ngủ của cõi âm ty. Lưỡi đòng đâm ta đã ngăn chặn lưỡi đòng đang nhắm vào ngươi”. Tuy bản văn không minh thị nói đến Hội thánh, nhưng là nguồn gốc của bà Eva từ cạnh sườn ông Ađam đang ngủ. Chứng tích thứ hai xuất hiện nơi bài đọc 2 giờ Kinh Sách ngày thứ bảy tuần II mùa Phục sinh, trích từ Hiến chế về Phụng vụ của công đồng Vaticanô II (số 5) nói rằng: “Công trình cứu chuộc loài người và tôn vinh Thiên Chúa cách trọn vẹn, sau khi đã được Thiên Chúa dùng những kỳ công thực hiện trong dân Cựu ước như khúc nhạc dạo đầu, thì Chúa Kitô đã hoàn tất, nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt qua, tức là cuộc Thương Khó hồng phúc, cuộc sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển. Nhờ đó Người đã tiêu diệt cái chết của chúng ta khi Người chết, và đã phục hồi sự sống cho chúng ta khi Người sống lại. Quả vậy, từ cạnh sườn Chúa Kitô ngủ trên thập giá, đã phát sinh bí tích kỳ diệu là toàn thể Hội thánh”. Một chứng từ nữa là bài đọc thứ hai của giờ Kinh Sách Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, trích từ sách “Cây sự sống” của thánh Bonaventura, có đoạn viết như sau: “Nhưng để từ cạnh sườn Đức Kitô đang ngủ trên thập giá, Hội thánh được thành hình và để lời Kinh thánh sau đây nên ứng nghiệm: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu, thì thiên ý nhiệm mầu đã muốn cho lưỡi đòng của người lính đâm thủng và mở cạnh sườn Chúa ra, đồng thời cũng muốn, một khi máu cùng nước chảy ra, giá cứu chuộc chúng ta tuôn trào ra từ nguồn, tức là từ nơi sâu thẳm của trái tim để làm cho các bí tích của Hội thánh có sức mang lại sự sống ân sủng, và để cho những ai đang sống trong Đức Kitô được uống ở mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời[24].

3. Cụm từ “Hội thánh được trào ra từ cạnh sườn của Chúa Giêsu thiếp ngủ trên thập giá” có nguồn gốc từ các giáo phụ, đặc biệt là thánh Augustinô trong quyển chú giải Tin mừng Gioan”.[25] Nên biết là đề tài này cũng được Huấn quyền đề cập trong những văn kiện liên quan đến lòng tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, được cha S. Tromp S.J. thu thập trong các bản chú giải thông điệp “Haurietis aquas” của ĐTC Piô XII[26]. Liên quan đến các bí tích, các giáo phụ và các nhà thần học đều móc nối với cái chết của Đức Kitô trên thập giá, hoặc đúng hơn, với các mầu nhiệm vượt qua của Người. Thánh Tôma Aquinô cho rằng, các bí tích có công hiệu nhờ cuộc thương khó của Đức Kitô: điều này được chứng tỏ qua nước và máu vọt ra từ cạnh sườn Đức Kitô trên thập giá, biểu hiện của bí tích Rửa Tội và Thánh Thể là hai bí tích chính yếu[27].

VI. MẦU NHIỆM THẤP GIÁ

“Mầu nhiệm Thập giá” là một ý tưởng của Kinh thánh. Sỡ dĩ Đức Giêsu, và các môn đệ của Người, không che giấu sự vấp phạm của thập giá là vì nó chứa đựng một mầu nhiệm. Thập giá là “nhiệm tích” của ơn cứu độ, vì là dấu chỉ và là nguyên nhân. Trước cuộc Phục sinh, duy chỉ Đức Kitô mới khẳng định sự cần thiết phải tuân theo ý muốn của Chúa Cha. Sau lễ Ngũ tuần, đến lượt các môn đệ, được soi sáng bởi vinh quang của Đấng Phục sinh, đã tuyên bố sự cần thiết này qua việc đặt sự điên rồ của thập giá vào vị trí chính xác trong kế hoạch của Thiên Chúa, nhằm hoàn tất những gì các ngôn sứ đã báo trước (Lc 24,25tt).

1. Các bản văn Phụng vụ nhiều lần nói đến “mầu nhiệm thập giá”. Trong Sách Lễ Rôma, trong Lời nguyện tiến lễ ngày kính thánh Phanxicô Assisi (ngày 4 tháng 10), chúng ta xin Chúa chấp nhận lễ vật để cử hành Thánh lễ, cũng như “thánh nhân đã trọn đời mê say mầu nhiệm thập giá”. Ở đây mầu nhiệm thập giá được áp dụng cho cả mầu nhiệm Thánh Thể cũng như cuộc đời khổ hạnh như sẽ thấy sau. Một tư tưởng tương tự cũng thấy nơi lời nguyện hiệp lễ vào ngày kính thánh Gioan Thánh giá (ngày 14 tháng 12): “Chúa đã làm cho mầu nhiệm thập giá sáng chói cách lạ lùng trong cuộc đời thánh Gioan linh mục, xin ban cho chúng con vừa được hy lễ này bồi dưỡng, biết trọn niềm gắn bó với Chúa Kitô”. Trong lời nguyện tạ lễ phần chung các thánh tử đạo ngoài mùa Phục sinh, “mầu nhiệm thập giá” được gắn với cuộc chứng tá của các ngài, và được liên kết với hy tế thập giá được hiện thực trong hy tế Thánh Thể: “Lạy Chúa, Chúa đã làm cho mầu nhiệm thập giá sáng chói cách lạ lùng trong cuộc đời các thánh tử đạo. Xin ban cho chúng con, vừa được hy lễ này bồi dưỡng, biết trọn niềm gắn bó cùng Chúa Kitô, và không ngừng hoạt động trong Hội thánh cho anh em được hưởng ơn cứu độ muôn đời”.

2. Qua các bản văn điển hình này, thuật ngữ “mầu nhiệm thập giá” bao hàm toàn thể thần học thập giá, từ hy tế của Đức Kitô cho đến cuộc đời khổ hạnh, và không quên khía cạnh Thánh Thể và tuẫn giáo. Thập giá được trình bày cho các tín hữu như là biểu tượng của đức tin vào công trình cứu chuộc của Con Thiên Chúa. Biến cố lịch sử của Calvariô không chỉ là chứng tích của tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người tội lỗi nhưng còn là tóm lược tất cả thực tại Kitô giáo mà Vị Sáng lập đã sống và các môn đệ tham dự qua cuộc sống hằng ngày, kể cả đôi khi bằng hành vi yêu thương cực độ được đóng ấn bằng cái chết của mình. Nhìn dưới khía cạnh rộng lớn nhất của “mầu nhiệm”, thập giá là sự biểu lộ thường xuyên của việc Thiên Chúa chiến thắng các đối thủ, dấu chỉ của sự giải thoát của con người khỏi tội lỗi, nô lệ và tối tăm, “nhiệm tích” của ơn gọi con người vào đời sống vĩnh cửu. Trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa, thập giá bao gồm cả cái chết ô nhục của Đấng Cứu thế cũng như cuộc tôn vinh của Người lên ngự bên hữu Chúa Cha. Tách rời hai khía cạnh của “mầu nhiệm Kitô giáo” ra là làm cho nó bị méo mó. Đó là điều mà thánh Lêô Cả đã phát biểu trong bài giảng thứ hai về cuộc Phục sinh: “Thập giá mà Chúa Kitô đã dùng để cứu chuộc nhân loại vừa là một mầu nhiệm vừa là một mẫu gương: mầu nhiệm bởi vì quyền năng Thiên Chúa được thực hiện nơi đó, và mẫu gương thúc bách chúng ta hãy nên quảng đại, bởi vì đối với những người đã được tháo cởi khỏi gông cùm nô lệ, sự cứu độ còn ban cho ơn được noi gương bắt chước. Thực vậy, nếu sự khôn ngoan của thế gian hãnh diện giữa những sai lầm của nó, đến nỗi mỗi người tự ý chiều theo các ý kiến, các phong tục và các quy luật mà nó đã chọn làm ông chủ, thì thử hỏi chúng ta có gì chung với danh hiệu Chúa Kitô nếu chính chúng ta không kết hợp chặt chẽ với Đấng là Đường, Sự thật và Sự sống, nghĩa là, con đường sống thánh thiện, sự thật của một đạo lý mặc khải và sự sống của hạnh phúc vĩnh cửu?[28]

VII. THẬP TỰ: TUẪN GIÁO – TỪ BỎ – KHỔ HẠNH

Mối tương quan giữa thập giá với tuẫn giáo, từ bỏ và khổ hạnh đã vang âm trong các bản văn Phụng vụ từ lâu đời. Nền tảng của sự móc nối này là những lời của Tin mừng: “iNếu ai muốn đi theo tôi, thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá của mình mà đi theo tôi” (Mc 8,34; x. Mt 10,38; 16,24; Lc 9,23; 14,27). Thuật ngữ “vác thập giá” lấy từ tục lệ thời đó, khi mà người tử tội phải vác thanh gỗ mà mình sẽ bị đóng đinh trên đó, đi đến địa điểm hành quyết. Đây là một hình bóng để nói rằng người môn đệ chân chính của Đức Kitô phải sẵn sàng chịu đựng mọi thứ đau đớn, khổ sở và kể cả cái chết, chứ không từ bỏ đạo lý Tin mừng. Tuy nhiên, câu nói của Đức Giêsu đã vượt xa tập tục của Palestina thời ấy, và mang thêm ý nghĩa mới. Thật vậy, thánh Phaolô đã viết rằng: người đồ đệ của Đức Kitô cần phải chết cho thế gian, cùng chịu đóng đinh với Thầy của mình (x. Rm 6,3-11). Câu nói này không chỉ có nghĩa là chiến thắng các đam mê tội lỗi, chịu đựng các đau khổ và nghịch cảnh của cuộc đời, nhưng còn muốn nói điều gì hơn thế nữa. Người môn đệ đích thực của Đức Giêsu không thể nào quay về với chính mình nữa: họ phải từ bỏ những đòi hỏi của cái Ngã và ý muốn của mình. Các giáo phụ Hy-lạp chú giải những lời của Chúa với giọng điệu rất mạnh mẽ: “Từ bỏ chính mình có nghĩa là không còn giữ cái gì cho mình nữa”; “vác thập giá” có nghĩa là khước từ mạng sống. Thập giá của mình có nghĩa là thập giá mà Chúa đã định cho mỗi người.

Phụng vụ coi các vị tuẫn giáo và các nhà khổ hạnh như là những người vác thập giá và đi theo Đức Kitô. Chúng ta đã lấy vài thí dụ từ các sách Phụng vụ hiện hành.

1. Trong Sách Lễ của Đức Phaolô VI, chúng ta gặp thấy nhiều lần nhắc đến việc vác thập giá theo nghĩa khổ hạnh. Ta có thể giải thích đoạn văn Gl 2,19-20 được dùng làm ca nhập lễ của thánh Inhaxiô Antiôkia (ngày 17 tháng 10) theo nghĩa đó: “Tôi cùng chịu đóng định với Đức Kitô trên thập giá.” Câu ấy cũng được lặp lại trong ca hiệp lễ của lễ khấn dòng. Một thí dụ tương tự cũng gặp thấy trong lời nguyện nhập lễ kính thánh Phaolô Thánh giá (ngày 19 tháng 10): “Chúa đã ban cho thánh nhân lòng thiết tha yêu mến thập giá Đức Kitô, xin cho chúng con biết noi gương thánh nhân mà can đảm vác thập giá của mình”. Mầu nhiệm thập giá cũng xuất hiện nơi các thánh tử đạo (lời nguyện hiệp lễ phần chung các thánh tử đạo ngoài mùa Phục sinh).

2. Phụng vụ các Giờ kinh cũng cung cấp nhiều chứng tích về sự liên kết thập giá với việc tuẫn giáo và đời sống khổ hạnh. Bài đọc thứ hai giờ Kinh Sách ngày lễ kính thánh Gioan Thánh giá (ngày 14 tháng 12) trích một đoạn của Sách “Bài ca thiêng liêng” trong đó người viết như sau: “Ôi! Ước chi sau cùng con người hiểu được rằng mình không thể nào đạt tới các kho tàng cũng như sự khôn ngoan khôn dò của Thiên Chúa, nếu trước đó không chịu đau khổ thấm thía và nhiều cách đến độ coi đó là niềm vui vẻ và ước muốn của mình! Linh hồn nào thật sự khao khát sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thì trước tiên phải ao ước đi vào mầu nhiệm thẳm sâu của thập giá … Thánh giá chính là cửa ngõ phải qua để bước vào kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa!”. Trong lời cầu Kinh Sáng của phần chung các thánh tử đạo, “các ngài đã vác thập giá theo chân Chúa, xin cho chúng con biết can đảm chấp nhận mọi đau thương của cuộc đời”. Thánh thi Kinh Sáng phần chung các thánh nam cũng ca ngợi: “Một lòng yêu Chúa, chẳng ngại chi, Thập giá cam go cũng không nề, quý vị sẵn sàng vâng thánh ý, thực hành bác ái thật say mê”.

3. Trong văn chương Kitô giáo cổ thời, người ta luôn nhìn thấy thái độ của người tuẫn giáo cũng như các nhà khổ hạnh muốn sống theo Tin mừng như là những người muốn vác thánh giá trên mình. Thánh Gioan Đamascô nói rằng những người đi vào con đường hẹp của đời tu trì là những người tử đạo về tinh thần: những người đổ máu chịu chết vì cuộc bách hại cũng như những người sống cuộc đời các thiên thần cũng có giá trị ngang nhau[29]. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng người tuyên khấn vào đời sống đan tu là người chịu đóng đinh vào thập giá[30]. Thậm chí có những giáo phụ coi việc mặc áo dòng đã là đóng đinh vào thập giá rồi, mà chứng tích cổ điển hơn cả là thánh Gioan Cassianô, ngài nói với các đan sĩ rằng: “Sự từ bỏ không gì khác hơn là lá cờ cái chết và thập giá. Các bạn hãy nhìn lên cây thập giá sẽ bao trùm tất cả cuộc đời của các bạn, bởi vì các bạn không còn sống nữa, nhưng đang sống trong các bạn Đấng đã chịu đóng đinh vì các bạn… Như vậy, các bạn đang chu toàn mệnh lệnh mà Người đã trao cho chúng ta: ai không vác thập giá của mình mà theo Ta thì không xứng đáng với Ta (Mt 10,38)… Thập giá của chúng ta ở nơi lòng kính sợ Chúa. Kẻ nào đã được đóng đinh vào thập giá thì không còn tự do để chuyển động hoặc thay đổi tùy theo sở thích của mình nữa. Kẻ bị đóng đinh vào cây gỗ thì không còn nghĩ đến những chuyện đời này, không còn nghĩ đến các dục vọng của mình… Tuy rằng người ấy còn hơi thở, nhưng họ tự coi như là đã chết cho mọi yếu tố thế gian, và họ cắm mắt ngắm nhìn về nơi mà họ biết là mình sẽ đến[31].

VIII. SỰ ĐIÊN RỒ CỦA THẬP GIÁ

Thập giá như sự điên rồ và cớ vấp phạm là một ý tưởng của thánh Phaolô (1 Cr 1,18.23; Gl 2,19; Pl 3,18). Phụng vụ ít nói đến đề tài này, mà chỉ nói đến thập giá như là công cụ của sự cứu độ, giải thoát, chiến thắng, sự sống. Đề tài này thỉnh thoảng xuất hiện cách gián tiếp.

1. Chứng tích đầu tiên của Phụng vụ là một lời nguyện tiếp theo thánh vịnh 85 trong Phụng vụ Tây-ban-nha: nguyện xin Chúa ban cho các tín hữu nhận ra nơi thập giá như là sức mạnh vô song, đang khi mà dân ngoại coi như sự điên rồ[32].

2. Trong Sách Lễ Rôma, vào lễ kính thánh Giustinô tử đạo (1 tháng 6), chúng ta thấy lời nguyện nhập lễ lấy lại tư tưởng của 1 Cr 1,28-25: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Giustinô tử đạo ơn hiểu biết sâu xa về Đức Kitô nhờ suy tưởng mầu nhiệm Thập giá mà thế gian coi là điên dại. Nhờ lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con thoát khỏi mọi tư tưởng sai lầm và cương quyết giữ vững niềm tin”. Một bản văn khác phản ánh tư tưởng này là lời Tiền tụng lễ Chúa Hiển dung (ngày 6 tháng 8), khi nói rằng Chúa Kitô đã bày tỏ vinh quang cho các chứng nhân được tuyển chọn, “Như vậy, Người chuẩn bị tâm hồn các môn đệ khỏi vấp phạm vì khổ hình thập giá”. Nguồn của tư tưởng này là bài giảng thứ 51 của thánh giáo hoàng Lêô Cả[33].

3. Khi nói rằng Thập giá là điên rồ đối với người Hy-lạp, hẳn là thánh Phaolô nghĩ đến triết học của họ: người Hy-lạp đi tìm sự khôn ngoan nơi triết học (philosophia có nghĩa là yêu mến sự khôn ngoan hoặc cao minh), nơi mà con người có thể hiểu biết về các thực tại thần linh và nhân sinh. Ai đạt được sự cao minh thì cũng đạt tới Thiên Chúa (theo ông Platon, con người có thể nhìn thấy Thiên Chúa). Trong bối cảnh này, họ tẩy chay thập giá của Đức Kitô bởi vì coi đó là chuyện điên rồ. Họ không thể nào chấp nhận rằng Thiên Chúa yêu thương, bởi vì Thiên Chúa bất biến, không có cảm xúc. Vì thế khi các tín hữu nói rằng Thiên Chúa bày tỏ tình yêu qua thập giá của Đức Kitô, họ cho rằng đó là điều phi lý, điên rồ. Một cách tương tự như vậy, người Do-thái tìn rằng họ sẽ đạt được ơn cứu độ nhờ việc chu toàn lề luật. Sứ điệp Kitô giáo về ơn cứu độ như là ân huệ trở thành cớ vấp phạm cho họ. Đối lại, thánh Phaolô cho thấy rằng ơn cứu độ được ban nhờ thập giá Đức Kitô: điều mà thế gian cho là điên rồ thì được Thiên Chúa dùng để mặc khải sự khôn ngoan và quyền năng của Người[34].

IX. VINH QUANG CỦA THẬP GIÁ

Bản văn của thánh Phaolô “Tôi chẳng hãnh diện điều gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, nhờ thập giá, thế gian đã bị đóng đinh đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14) đã sớm được đưa vào các bản văn Phụng vụ.

Đoạn văn này được dùng làm ca nhập Lễ Trong Sách Lễ Rôma trải qua nhiều thời đại, đặc biệt vào ngày thứ năm Tuần Thánh và lễ Suy tôn Thánh giá. Bản văn ấy cũng được lặp lại nhiều lần trong các bản văn của Phụng vụ các Giờ kinh, không những vào lễ Suy tôn Thánh giá mà còn ở nhiều dịp khác. Thí dụ như điệp ca Giờ Chín các ngày trong Tuần Thánh “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi. Tôi phải hãnh diện vì thập giá Đức Giêsu Kitô Chúa của tôi”. Cách riêng, vào giờ Kinh Sách, chúng ta được nghe nhiều bài giảng của các giáo phụ liên quan đến đề tài này. Chẳng hạn như vào ngày thứ năm tuần IV mùa Thường niên, khởi đi từ đoạn văn của thánh Phaolô, thánh Cyrillô Giêrusalem viết rằng[35]: “Bất cứ hành động nào của Đức Kitô cũng thật là niềm hãnh diện cho Hội thánh phổ quát, nhưng niềm hãnh diện lớn nhất chính là thập giá”. Sau khi đã ôn lại vài biến cố trong cuộc đời của Chúa đem lại vinh quang, tác giả nêu bật rằng: “Vinh quang của thập giá chiếu soi cho những kẻ bị mù vì ngu dốt, đồng thời tháo cởi cho hết mọi kẻ mù bị giam cầm dưới ách tội lỗi, và cứu chuộc toàn thể thế giới loài người. Vậy chúng ta đừng xấu hổ vì thập giá của Đấng Cứu Độ, đúng hơn, chúng ta phải hãnh diện vì thập giá đó”. Vào ngày thứ hai Tuần Thánh, bài đọc được trích từ thánh Augustinô, trong đó có đoạn viết: “Vậy hỡi anh em, chúng ta hãy can đảm tuyên xưng, hãy công bố Đức Kitô đã bị đóng đinh của chúng ta. Đừng sợ sệt nhưng hãy vui mừng, chớ xấu hổ nhưng phải hiên ngang mà nói lên điều đó, thánh Phaolô tông đồ đã thấy đó là tước hiệu vinh quang và đã giới thiệu cho chúng ta. Dù có nhiều điều cao cả để nói về Đức Kitô trong tư cách một vị Thiên Chúa, nhưng thánh nhân không nói mình hãnh diện về những điều kỳ diệu của Đức Kitô, chẳng hạn Đức Kitô đã sáng tạo thế giới, vì Người là Thiên Chúa hướng về Chúa Cha, hay Đức Kitô điều khiển thế giới tuy là người như chúng ta, mà thánh nhân chỉ nói: Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta [36].

Như vậy, Phụng vụ trở thành bản chú giải của đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, đồng thời cũng là chứng tích về cách thức Giáo hội đã sống sứ điệp thập giá trải qua dòng lịch sử. Thật chí lý khi thánh Theodoro Studios viết rằng: “Nhờ thập giá, tông đồ nào cũng được vinh hiển, tử đạo nào cũng được đội triều thiên, thánh nhân nào cũng được thánh hóa. Nhờ thập giá, chúng ta mặc lấy Chúa Kitô và cởi bỏ con người cũ. Nhờ thập giá, chúng ta được quy tụ thành một đoàn chiên, thành những con chiên của Chúa Kitô, và được dẫn về ràn chiên trên trời” (Bài đọc thứ sáu tuần II Mùa Phục sinh)[37].

X. THẬP GIÁ CHỞ CHE

Trong các bản văn Phụng vụ, nhiều lần thánh giá được giới thiệu như sự che chở khỏi các thù địch, tức là ma quỷ. Điều này được nêu bật đặc biệt trong những bản văn kèm theo việc làm dấu thánh giá trong Phụng vụ Thánh tẩy. Việc ghi dấu thánh giá trên thân thể là nghi thức chính của thời kỳ dự tòng. Để hiểu điều này, nên biết là nhiều bài huấn giáo ngay từ thời các giáo phụ đã sử dụng các từ ngữ “dấu ấn của Đức Kitô”, “dấu chỉ cứu độ”. Thánh Augustinô đã so sánh với việc người Do-thái dùng máu con chiên để đánh dấu trên cửa nhà của mình[38]. Truyền thống cũng coi việc làm dấu thánh giá ấy đã được nói trong sách Khải huyền, như là dấu chỉ che chở các tín hữu khỏi các quyền lực hỏa ngục và khắc ấn làm công dân nước trời.

Chúng tôi đã có dịp trưng dẫn các bản văn khi đề cập đến ơn cứu độ và sự chiến thắng của thánh giá. Trong Phụng vụ các Giờ kinh, cách riêng là lời cầu Kinh Sáng và Kinh Chiều, nhiều lần Thánh giá được kêu cầu như là sự che chở và hỗ trợ, chẳng hạn như vào Kinh Chiều ngày 26 tháng 12: “Chúa đã chịu cực hình thập giá, chịu đau khổ trong thân xác và trong tâm hồn, đã chịu chết và chịu mai táng, xin giải thoát chúng con khỏi ác thần”.

Tư tưởng về sự che chở của thánh giá đã có từ thời các giáo phụ. Trong cuộc chiến đấu chống lại các tham vọng của thế gian, chống lại các đam mê, chống lại các cuộc tấn công của lạc giáo, các tín hữu hãy trang bị bằng thập giá của Đức Kitô, thánh Lêô Cả nói như vậy[39]. Theo một tác giả Mạo-Kim Khẩu, thập giá là bến tàu cho những ai bị bão đánh[40]. Vì thế các tín hữu quen làm dấu thánh giá trên người, theo như chứng tích của ông Tertullianô vào khoảng năm 202: “Chúng tôi làm làm dấu thánh giá trên trán, mỗi khi đi ra đi vào, trong mỗi lần đi đường và di chuyển, khi tắm rửa, khi ngồi vào bàn ăn, khi thắp đèn, khi nằm, khi ngồi và khi làm bất cứ điều gì”[41]. Hơn kém 150 năm sau, thánh Cyrillô Giêrusalem khuyên các người sắp lãnh bí tích Thánh tẩy như sau: “Chúng ta đừng hổ thẹn tuyên xưng Đức Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Chúng ta hãy dùng ngón tay làm dấu thánh giá trên trán trong hết mọi việc: khi ăn, khi uống, khi vào, khi ra, khi ngủ, khi dậy, khi đi và khi ngồi. Đây là một sự phòng thủ rất hiệu lực: không tốn kém đối với người nghèo, không vất vả đối với người yếu đuối bởi vì đã được Thiên Chúa ban cho như một món quà. Thánh giá là một dấu hiệu đối với các tín hữu, là sự khủng khiếp đối với ma quỷ. Thật vậy, nhiều người đã chiến thắng khi làm dấu thánh giá, họ nghĩ đến Đấng đã chịu đóng đinh, đã đạp đầu con khủng long. Vì thế, bạn đừng khinh rẻ dấu hiệu này, nhưng hãy tôn kính Đấng đã cứu bạn qua dấu chỉ ấy[42] . Nhiều giáo phụ khác cũng nói tương tự, và các tín hữu cũng xác nhận khi họ làm dấu thánh giá vào nhiều cơ hội khác nhau, đến nỗi dấu thánh giá được nhận biết như là hành vi thờ phượng chính yếu của Kitô giáo.

XI. TÔN KÍNH THẬP GIÁ

Chúng tôi không có ý định thuật lại lịch sử của việc tôn kính thánh giá, nhưng chỉ muốn cho thấy các bản văn Phụng vụ nói gì về việc tôn kính thánh giá. Việc tôn kính dấu thánh giá đã bắt đầu từ thời các thánh tông đồ, nhưng không thấy một chứng tích về lòng tôn kính đặc biệt nào trước thế kỷ thứ IV. Từ thế kỷ ấy, chúng ta gặp nhiều chứng tích, chẳng hạn các ký sự hành hương của bà Egeria và của nhiều sử gia khác nhau. Thánh Cyrilô Giêrusalem tuyên bố rằng các mảnh gỗ của cây thánh giá đã được phân phối đi khắp thế giới[43]. Bên Đông phương, ngày lễ kính Thánh giá là ngày 14 tháng 9. Từ Giêrusalem, lễ này được quảng bá sang các Giáo hội khác, kể cả tại Rôma là nơi mà lễ được cử hành kể từ thế kỷ VII. Dưới thời Charlemagne, các giáo hội bên Pháp còn thêm “Lễ tìm thấy Thánh giá” vào ngày 3 tháng 5, nhưng đã bị loại khỏi lịch Phụng vụ với cuộc cải tổ của Đức thánh cha Gioan XXIII (ban hành ngày 25/6/1960).

Các bản văn Phụng vụ chứa đựng nhiều chứng tích về lòng tôn kính Thánh Giá, cách riêng vào ngày thứ sáu Tuần Thánh và lễ Suy tôn Thánh giá, với những thánh thi, điệp ca chúc tụng: “Lạy Chúa, chúng con tôn thờ thánh giá Chúa, Hát mừng Ngài sống lại hiển vinh; ấy chính vì bởi cây thập giá / niềm hân hoan tràn ngập địa cầu” hoặc “Hỡi thập tự! Muôn rừng xanh chẳng có / Một cây nào: cành, hoa, quả , sánh bằng!

Dù sao, những lời ca tụng thánh giá hoặc mời gọi tôn thờ thánh giá phong phú hơn cả là những bài đọc trong giờ Kinh Sách, trích từ các giáo phụ. Chẳng hạn như vào ngày thứ sáu tuần II mùa Phục sinh, mà chúng tôi đã có lần nhắc tới, thánh Thêođorô Studios đã có những lời hăng say như sau: “Ôi thập giá vô cùng cao quý! Ôi, trông rục rỡ biết bao! Vẻ đẹp của thập giá không pha trộn tốt xấu như cây kia trong vườn Eđen, nhưng nhìn thì thấy thật đẹp và ăn thì thấy thật ngon. Đây là cây phát sinh sự sống chứ không phải sự chết, chiếu sáng chứ không làm cho tối, đưa vào vườn Eđen chứ không phải đuổi ra ngoài[44]. Đáp ca tiếp theo đó đã ca ngợi “Đây là cây muôn phần quý giá từ địa đàng mọc lên”. Bài đọc ngày thứ sáu tuần III mùa Phục sinh trích một bản văn của thánh Ephrem: “Chúng con tôn vinh Chúa, bởi vì Chúa đã lấy thập giá làm cây cầu bắc qua vực thẳm sự chết, để các linh hồn đi qua mà ra khỏi cõi chết và bước vào cõi sống[45]. Nhân lễ thánh Phaolô Thánh giá (ngày 19 tháng 10), bài đọc thứ hai đã trích một đoạn trong các thư tín, trong đó ngài viết: “Một khi trở thành những người thật sự yêu mến Đấng chịu đóng đinh, anh em sẽ luôn cử hành lễ thập giá trong đền thờ nội tâm, biết âm thầm chịu đựng tất cả, với nét mặt vui tươi bình thản, để người đời không hay, nhưng chỉ một mình Đấng là Sự Thiện tuyệt đối biết mà thôi[46]. Chúng tôi xin trích dẫn một đoạn cuối cùng lấy từ phần chung Đức Trinh nữ Maria, trong đó thánh Gioan Kim Khẩu ca ngợi những kết quả hồng phúc của thập giá như sau: “Thập giá là đài chiến thắng được dựng lên để chống lại ma quỷ, là gươm để chúng ta đương đầu với tội lỗi, là gươm cho Chúa Kitô dùng để đâm con rắn. Thập giá là thánh ý của Chúa Cha, là vinh quang của Con Một, là niềm hân hoan của Thánh Linh, là vẻ đẹp của các thiên thần, là sự an toàn cho Hội thánh, là niềm tự hào của thánh Phaolô, là tường lũy chở che các thánh, là ánh sáng cho toàn cõi địa cầu[47].

Kết luận

Chúng tôi đã trình bày đôi chút liên quan đến những gì Hội thánh đã biểu lộ về thập giá trong Phụng vụ ít là từ thế kỷ IV đến nay. Điều này cho thấy rằng không thể nào đề cập đến thần học về thập giá mà làm ngơ các bản văn Phụng vụ. Đó là chứng từ của niềm tin của Hội thánh, đồng thời cũng là nguồn nuôi dưỡng đời sống tâm linh của biết bao vị thánh, và dĩ nhiên, cũng là nguồn mạch cho các cuộc suy tư của các nhà thần học. Như chúng ta đã thấy, các bản văn này phần lớn dựa trên Thánh kinh và giáo huấn của các giáo phụ, và như vậy, chứng nghiệm cho ngạn ngữ “lex orandi, lex credendi”, và cần thêm “lex vivendi” nữa.

Để kết thúc, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn văn cổ xưa, tóm tắt tất cả những gì Phụng vụ có thể giúp cho chúng ta sống mầu nhiệm thập giá: “Thập giá của Người là sự sống, sức mạnh và sự cứu độ của chúng ta. Mầu nhiệm được ẩn giấu, niềm vui khôn tả. Nhờ thập giá, nhân loại đang mang nó không thể nào tách rời khỏi Thiên Chúa. Thập giá là sức mạnh không thể tách rời khỏi Thiên Chúa. Môi miệng chúng ta không tài nào kêu tên cho xứng đáng. Trước đây, thập giá được ẩn giấu, bây giờ được mặc khải như là mầu nhiệm. Các tín hữu chiêm ngưỡng thập giá không phải qua dáng vẻ bên ngoài, nhưng nơi thực chất của nó. Đó là cây thập giá mà chúng ta tôn vinh ngõ hầu đạt đến vinh quang. Nhờ thập giá, các tín hữu lành thánh xa tránh những gì thế tục và hữu hình như là đồ hư ảo. Hỡi những người mạnh khỏe, hãy kiếm sức mạnh nơi thập giá, hãy để cho đôi tai hữu hình trở nên điếc, hãy để cho cặp mắt bên ngoài trở nên đui mù, ngõ hầu các bạn hiểu biết ý muốn của Chúa Kitô và tất cả mầu nhiệm cứu độ của các bạn.” [48]

——————–

[1] Sermo Dei, sermo cum Deo, sermo de Deo. Dựa theo tầm nguyên này (nói với Chúa – cầu nguyện, và nói về Chúa – thần học), ông Evagrio Pontico đã để lại một câu phát biểu bất hủ: “Nếu bạn biết cầu nguyện thì bạn biết làm thần học; nếu bạn biết làm thần học thì bạn biết cầu nguyện.” (De oratione, c.60)

[2] Sacramentarium: Sách chứa đựng các lời nguyện do chủ tế đọc trong Thánh lễ. Thời xưa, các “Sách Lễ” mang tên vị Giáo hoàng đã soạn thảo: Lêô (+461), Gelasiô (+496), Grêgôriô Cả (+604). Trên thực tế, các Sách Lễ không do chính các vị giáo hoàng ấy biên soạn và ban hành, nhưng là do những người sao chép biên tập có khi sau nhiều thế kỷ, chẳng hạn: Sacramentum Leonianum hay Veronese (k.560-590); Gelasianum (750); Gregorianum (k.650-680).

[3] “…Quia nostrorum omnium mors cruce Christi redempta est et in resurrectione eius omnium vita resurrexit” (Prefatio “Dominicum Paschae”, Sacramentarium Gelasianum, ed. Mohlberg p. 77, n.° 466. Sách Lễ Phaolô VI, Tiền tụng mùa Phục sinh II.

[4] “Deus, cui cuncta oboediunt creatura et omnia in verbo tuo fecisti in sapiencia, supplices quaesumus ineffabilem clemenciam tuam, ut quos per lignum sanctae crucis filii tui pío cruore es dignatus redeme­re…” (Gelasianum, ed. Mohlberg p. 138, n.° 870.

[5] “Deus, qui nos hodierna die exaltacione sanctae crucis annua solemnitate laetificas, praesta, ut cuius mysterium in terra cognovimus, eius redemptionis praemia consequamur” (Lời nguyện có từ Gelasianum và được thu nhận vào các Sách Lễ kế tiếp cho đến nay vào lễ Suy tôn Thánh giá ngày 14 tháng 9).

[6] “Xưa Chúa đã được giương cao trên thập giá và bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh nương lòn, xin chữa chúng con khỏi mọi thương tích trong linh hồn” (Lời cầu Kinh Sáng, ngày thứ sáu sau thứ tư Lễ Tro, thứ sáu các tuần II và IV mùa Chay, các ngày trong Tuần Thánh); “Lạy Chúa, nhờ cậy thập giá, xin cứu chúng con” (Kinh Sáng lễ Suy tôn Thánh giá”.

[7] J. Rivière, Le dogme de la Redémption. Essai d’étude histori­que, 1905; L. Richard, El misterio de la redención, Madrid-Barcelona, 1966, pp. 146-153.

[8] “De parentis protoplasti — fraude factor condolens —, quando pomi noxialis — morte morsu morruit —, ipse lignum tune notavit — damna ligni ut solveret”; “Crux fidelis, ínter omnes — arbor una nobilis… Flecte ramos, arbor alta —, tensa laxa viscera…”.

[9] PG. 99, 691-694. 695. 698-699.

[10] X. Lời cầu Kinh Sáng ngày thứ sáu các tuần II và IV mùa Chay, ngày thứ sáu sau thứ tư Lễ Tro và trong suốt Tuần Thánh.

[11] R. Cantalamessa, La Pasqua ritorno alle origini nell’omelia pasquale dello Pseudo Ippolito, in “La Scuola Cattolica”, 95 (1967), pp. 336-368.

[12] P. Nautin, Une homélie inspirée du traité sur la Pâque d’Hippolyte, in Homélies pascales, 1, Sources Chrétiennes, 27, Paris, 1950, p. 50.

[13] Sermo 15 de Passione, 3-4, PL., 54, 366-367.

[14] Sermo 108, PL., 52, 499-500.

[15] A. Quacquarelli, La croce e il drago nella simbólica patrística, in: La Spienza della Croce, I, Torino, 1976, p. 272; Z. Alszeghy – M. Flick, Sussidio bibliográfico per una teología della Croce, Roma, 1975. Id., II leone e il draco nella simbólica dell’età patrística. Quaderni di Vetere Christianorum 11, Barí, 1975.

[16] Catequesis, 13, 36, PG., 33, 816.

[17] Epist. 46,7, CSEL, 19, pp. 724-725.

[18] In Mt. hom., 54 (55), 4, PG., 58, 538.

[19] “Qui, oblatione corporis sui, antiqua sacrificia in crucis veritate perfecit, et, seipsum tibi pro nostra salute commendans, idem sacerdos, altare et agnus exhibuit” (Prefatio temp. Paschali V, gợi hứng từ Sacram. Gelasiano Vetus, ed. Mohlberg, n.° 476).

[20] Sobre el celo y la envidia, ed. Hartel, CSEL 3, p. 431; PL 4, 650.

[21] In Ephes. 1,1,7, PL., 26, 451.

[22] Dz Sch„ n.° 1740.

[23] J. Lecuyer, El sacrificio de la Nueva Alianza, Barcelona, 1969, p. 217; E. Quarello, II sacrificio di Cristo e della sua Chiesa, Brescia, 1970.

[24] 29.30.47. Opera Omnia, 8,79.

[25] In Io. Tract., 120, n.° 2, PL„ 35, 1953.

[26] SS. Cor Iesu et Ecclesia, Corpus et Sponsa Salvatoris, in: Cor Iesu, I, Pars theologica, Roma, 1959, pp. 243-267.

[27] S. Th., III, q. 62, a. 5, c.

[28] Sermón 72,1. Xc. M. Garrido, San León Magno. Homilías so­bre él año litúrgico, Madrid, 1969, p. 298.

[29] Vita Barlaam et Iosaphat, prol., PL., 73, 445.

[30] In Hebr., 15,4, PG., 63, 122.

[31] Institutiones coenobiticae. IV, 34-35.

[32] “Deus qui per stultitiam crucis eminentem Iesu Christi scientiam beatum Iustinum martyrem mirabiliter docuisti: eius nobis intercessione concede, ut, errorum circumventione depulsa, fidei firmitatem consequamur”.

33 Sermo 51,3, PL., 54, 310.

[34] M. Adinolfi, Cristo crocifisso… stolteza per i pagani, in: La Sapienza della Croce, I, Torino, 1976, pp. 21-32.

[35] Catequesis, 13,1,3.6.23, PG., 33, 771-774. 779.799.802.

[36] Sermón Güelferbitano, 3, PLS. 2, 545-546. Ta có thể thêm bài giảng của thánh Anre Creta được trích ở bài đọc Hai của lễ Suy tôn Thánh giá (Disertación 10. Sobre la Exaltación de la Santa Cruz, PG., 97, 1018-1019. 1022-1023).

[37] Disertación sobre la adoración de la Santa Cruz, PG., 99, 698-­699.

[38] De catechizandis rudíbus, 20,34, PL., 40, 335.

[39] Sermo 72,4 và 5. Lời khuyên tương tự cũng thấy nơi các bài giảng 55,1; 56,1; 59,4; 66,3; 70,5; 72,1.

[40] In Crucem Hom., PG., 50, 819.

[41] De resurrectione mortuorum, 8,3, Corpus Christianorum, 2, p. 931; De Corona, ibid., p. 1043.

[42] Catequesis, 13,35.

[43] Catequesis, 13,4.

[44] PG., 99, 691.

[45] Opera Omnia, Ed. Lamy, I, 168.

[46] Epist. 1, 43.

[47] De coemeterio et de cruce, 2, PG., 49, 396.

[48] Testamentum Domini nostri Iesu Christi, ed. J. E. Rahmani, 1899, p. 63.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here