Thần Học Về Diaconatus – Nhập Đề

0
731


 

THẦN HỌC VỀ DIACONATUS

 

NHẬP ĐỀ

 

 

Nhằm thực hiện công cuộc đổi mới Giáo Hội, Công đồng Vaticanô II đã tìm kiếm, trong nguồn gốc và lịch sử của mình, sự gợi hứng và các phương thế để loan báo và làm cho mầu nhiệm của Chúa Kitô được hiện diện cách hữu hiệu hơn. Trong số những gia sản ấy của Giáo hội có tác vụ diaconatus, mà các chứng tích đã gặp thấy trong bản văn Tân Ước và đã từng mang lại những phục vụ quan trọng cho đời sống của các cộng đồng Kitô hữu, nhất là vào thời Giáo Hội tiên khởi. Vào thời Trung Cổ, tác vụ này bị phai mờ dần và không còn là tác vụ cố định nữa mà chỉ là giai đoạn chuyển tiếp trước khi tiến lên chức linh mục và giám mục. Tuy nhiên, điều ấy không làm giảm bớt mối quan tâm kể từ thời kinh viện cho đến nay về ý nghĩa thần học của nó, cách riêng về tính bí tích xét như là một cấp của các chức thánh.

Sau khi Công đồng Vaticanô II phục hồi nó như là một tác vụ hữu hiệu và để tuỳ nghi cho các Giáo Hội địa phương, người ta đã chứng kiến một tiến trình tiếp nhận khác biệt. Mỗi Giáo Hội đã cố gắng nhận định về tầm quan trọng thực sự của sáng kiến mà Công đồng đề ra. Sau khi đã cân nhắc các hoàn cảnh cụ thể của đời sống của Giáo Hội tại mỗi nơi – tuỳ theo quốc gia và châu lục – các vị hữu trách của Giáo Hội tiếp tục lượng giá có nên đưa chức diaconatus cố định vào trong sinh hoạt của các cộng đồng của mình hay không.

Trong tiến trình tiếp nhận này, nhiều vấn nạn đã được khơi lên hoặc là liên quan đến việc giải thích các dữ kiện Tân Ước và lịch sử, hoặc là liên quan đến những hàm ngụ thần học trong quyết định của Công đồng và những hệ luận được gán cho Huấn quyền Hội thánh. Ngoài ra, mặc dầu Công đồng không phát biểu về tác vụ diaconatus của phụ nữ, nhưng nó đã được đề cập trong quá khứ, vì thế nó cần phải được nghiên cứu để xác định quy chế của nó và để xem xét tính thời sự của tác vụ này.

Ủy ban thần học quốc tế đã cứu xét những vấn nạn này nhằm làm sáng tỏ chúng, bằng việc tìm hiểu sâu xa hơn các nguồn lịch sử và thần học cũng như của đời sống hiện nay của Giáo Hội.

Tuy rằng các sự kiện phải được thiết lập cách chặt chẽ bằng phương pháp lịch sử, nhưng việc tìm hiểu chúng chỉ trở nên nguồn mạch thần học (locus theologicus) khi nó được thực hiện dưới ánh sáng của cảm thức đức tin (sensus fidei). Cần phân biệt những gì mà chúng ta có thể xác định như là yếu tố cấu thành Truyền Thống ban đầu, và những hình thức khu vực hay có liên hệ đến một giai đoạn của chính Truyền Thống ấy [xc. W. Kasper, La Théologie et l’église, Paris, 1990, p. 166; Y. Congar, La Tradition et les traditions, 2 vol., Paris, 1960 et 1963]. Trong viễn ảnh này, điều cơ bản là nêu bật vai trò của những sự can thiệp trong Giáo Hội thuộc thẩm quyền của hàng giáo phẩm, tức là những quyết định của các Công đồng hoàn vũ và các tuyên ngôn của Huấn quyền. Nói tóm lại, để đi đến những kết luận thần học thực sự, cần phải có nỗ lực phân định dưới ánh sáng của những can thiệp ấy, mặc dù hoàn toàn thừa nhận rằng sự hiểu biết về lịch sử đại cương sẽ có thuận lợi vô giá là giúp hiểu biết đời sống cụ thể của Giáo Hội, trong đó luôn có một yếu tố nhân loại đích thực và một yếu tố thần linh đích thực (LG 8). Nhưng duy chỉ đức tin mới có thể phân biệt được tác động của Thần khí Thiên Chúa trong đó. Thiên Chúa quan phòng muốn tỏ mình ra cho con người, – một hữu thể vật chất và thiêng liêng, lịch sử và siêu việt -, nhờ Lời của Ngài trở nên người; cũng vậy, Thần khí của Ngài, vì là khí lực (pneuma)và năng động (dynamis), ban cho con người khả năng nhận ra nơi các hiện tượng lịch sử một vị Thiên Chúa thông ban chính mình bằng những lời nói và dấu chỉ. Chính bởi vì Ngài đã mở mầu nhiệm của mình ra cho cộng đoàn đức tin qua Lời và Thần Khí, mà Thiên Chúa thiết lập Giáo Hội thành cộng đoàn các chứng nhân; chứng tá của họ phát xuất từ Mạc Khải và biểu lộ Mạc Khải. Tín điều là việc diễn tả sự tuyên xưng đức tin của Giáo Hội, tức là lời đáp trả đối với Mạc Khải của Thiên Chúa.

Kinh Thánh, quy luật tối cao của đức tin cùng với Truyền Thống (DV 21), trình bày cho chúng ta, qua ngôn ngữ sống động và biểu tượng, mầu nhiệm và sứ mệnh của Chúa Kitô; thần học suy lý cố gắng giải thích cách chặt chẽ ngôn ngữ ấy. Thế nhưng, không thể quên rằng ngôn ngữ thần học dưới mọi hình thức vẫn luôn mang tính loại suy, bởi vì tiêu chuẩn chân lý sau cùng hệ tại ở khả năng của nó để đọc Mạc Khải. Quy luật đức tin (regula fidei) là quy luật chân lý (regula veritatis).

Cuộc khảo sát này vẫn chú tâm đến những khác biệt của tác vụ diaconatus trong suốt những giai đoạn lịch sử khác nhau và ngày nay chúng vẫn còn khơi lên nhiều cuộc tranh luận. Suy tư được trình bày ở đây dựa trên ý thức sống động về hồng ân mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho Hội thánh của Người, khi Người thông ban cho nhóm Mười Hai một trách nhiệm đặc biệt để hoàn thành sứ mạng mà chính Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha. Hội thánh không bao giờ thiếu vắng Chúa Thánh Thần, Đấng giúp Hội thánh khám phá ra những phong phú mà Thiên Chúa đã ban cho mình, và Đấng luôn làm chứng cho lòng trung thành của Hội thánh đối với dự phóng cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nơi Con của Ngài. Chính bởi thân phận tôi tớ của Người, bởi sự phục vụ của Người được đảm nhận trong sự vâng phục Chúa Cha và vì con người mà, theo Kinh Thánh và Truyền Thống, Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Duy chỉ khi biết khởi đi từ dữ kiện đầu tiên về sự phục vụ của Đức Kitô mà người ta có thể hiểu được ơn gọi và sứ mệnh của việc phục vụ trong Hội thánh, được biểu lộ nơi các thừa tác vụ. Dưới ánh sáng này, trước tiên chúng tôi sẽ tự hỏi đâu là ý nghĩa lịch sử và thần học của thừa tác vụ nơi các diaconus suốt dòng lịch sử của Giáo Hội, đâu là những lý do nó đã biến mất, để sau cùng tự hỏi về tầm quan trọng của việc du nhập tác vụ diaconatus hữu hiệu nhằm phục vụ cộng đoàn kitô hữu vào thời nay.

 

**************************************************

 

Thần Học Về Diaconatus – Giới Thiệu