Thần Học Về Diaconatus – Giới Thiệu

0
1348


 

ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ

DIACONATUS. SỰ TIẾN TRIỂN VÀ NHỮNG VIỄN TƯỢNG

 

Giới Thiệu

 

Đây là bản dịch một văn kiện của Ủy ban Thần học Quốc tế phát hành năm 2002, với tựa đề II Diaconato: evoluzione e prospettive, được đăng trên mạng Internet

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_con_cfaith_pro_05072004_diaconate_it.htmlbằng nhiều ngôn ngữ (Pháp, Anh, Italia, Ba Lan, Nga, Tây-ban-nha, Đức, Hungari). Có lẽ bản gốc viết bằng tiếng Pháp. Bản dịch này do Học viện Đa Minh thực hiện dựa trên bản tiếng Anh, và được hiệu đính dựa theo bản tiếng Ý. Chúng tôi muốn có đôi lời dẫn nhập về: từ ngữ, lịch sử bản văn, nội dung.

A. Từ ngữ

Trong tiếng Việt, diaconus thường được dịch là “phó tế” (và diaconatus là “chức phó tế”), được hiểu ngậm là chuẩn bị lên làm “chánh tế”; như vậy vai trò giới hạn vào việc phục vụ bàn thờ. Tuy nhiên ở đây chúng tôi chủ trương giữ nguyên tiếng Latinh diaconus / diaconatus, một đàng bởi vì diaconus không phải là “phó tế” (danh từ này được Tân Ước áp dụng cho cả Đức Giêsu và thánh Phaolô nữa), đàng khác bởi vì muốn cho thấy sự liên hệ với các từ gốc trong nguyên bản Hy lạp Tân Ước diaconia, diaconein (có nghĩa là: phục vụ, dịch vụ).

Thật vậy, diaconus (ở số nhiều là diaconi tiếng Latinh, được chuyển âm sang tiếng Pháp là diacre và tiếng Anh là deacon) gốc bởi tiếng Hy lạp là diaconos (người phục vụ); kèm theo với động từ diaconein (phục vụ) và danh từ diaconia (sự phục vụ; từ đó tiếng Latinh là diaconatus, tiếng Pháp diaconat, tiếng Anh diaconate). Các phụ nữ được gọi là diaconissa (số nhiều: diaconissae), và không thể dịch là “nữ phó tế”, bởi vì, như sẽ thấy, họ không được phép tới gần bàn thờ! Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị dịch “diaconatus permanens” là “cố định” (thay vì “vĩnh viễn”, bởi vì vĩnh viễn có nghĩa là: xa cách nhau mãi mãi).

B)   Lịch sử bản văn

Qua lời tựa của cơ quan phát hành, người ta được biết rằng việc soạn thảo văn kiện này đã được bắt đầu từ ngũ niên 1992-1997 dưới sự điều phối của nhà thần học Max Thurian, nhưng chưa hoàn thành. Sang một khóa ngũ niên mới (1997-2002), một tiểu ban được thành lập đặt dưới sự điều phối của linh mục Henrique de Noronha Galvão. Sau nhiều phiên thảo luận, văn kiện được toàn thể các thành viên bỏ phiếu đồng thuận vào ngày 30/9/2002. Sau khi phê duyệt, Đức Hồng y Joseph Ratzinger đã cho phép xuất bản.

C) Nội dung

Văn kiện gồm nhập đề, bảy chương, và kết luận. Tựa đề các chương như sau:

Nhập đề

Chương I. Từ diaconia của Chúa Kitô đến diaconia của các Tông đồ

Chương II. Diaconatus trong Tân Ước và các Giáo Phụ

Chương III. Diaconatus cố định bị xoá nhoà

Chương IV. Tính bí tích diaconatus, từ thế kỷ XII đến thế kỷ XX

Chương V. Việc khôi phục diaconatus tại công đồng Vaticanôô II

Chương VI. Thực tại diaconatus cố định hôm nay

Chương VII. Tiếp cận thần học về diaconatus theo đường hướng Vaticanô II

Văn kiện suy tư về những vấn đề được nêu lên cho thần học về diaconatus. Xưa nay, diaconatus được xem như một bước chuẩn bị lên chức linh mục (vì vậy mà được dịch là “phó tế” hoặc “thầy sáu”). Công đồng Vaticanôô II đã tái lập diaconatus permanens, nghĩa là như một cấp bậc cố định giống như vào thời các giáo phụ. Thế rồi nhiều cuộc tranh luận đã sớm nổi lên: Diaconatus có phải là một bí tích không, hoặc chỉ là một tác vụ? Cái gì làm nên đặc trưng của tác vụ này? Có thể trao tác vụ này cho phụ nữ không, như xem ra Giáo hội đã từng làm cho các diaconissa?

Văn kiện sử dụng phương pháp nghiên cứu tiến trình lịch sử để tìm câu trả lời cho các câu hỏi ấy. Chúng ta có thể nhận thấy rằng 5 chương đầu dành cho phần lịch sử, chương 6 trình bày thực trạng hiện nay, và chương cuối cùng dành cho phần suy tư.

Chương I khởi đi từ Tân ước, từ tấm gương của Đức Giêsu và của Hội thánh tiên khởi. Nên biết là ở giai đoạn này diaconia ám chỉ một “thái độ” chứ không phải một chức vụ. Đó là thái độ phục vụ, theo gương của Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. (Động từ diaconein có nghĩa là phục vụ). Mặt khác, sang thời Hội thánh tiên khởi, khi các thánh tông đồ thiết lập các cơ chế tổ chức, ta thấy nhắc đến các diaconos: có lẽ họ chỉ là những “trợ tá” cho các thánh tông đồ, chứ chưa phải là một tác vụ xác định.

Chương II khảo sát các bản văn của Tân ước và các giáo phụ bàn về diaconatus / diaconus . Ở giai đoạn này, chúng ta thấy có sự tiến triển rõ rệt: từ một tác vụ (hay dịch vụ) tổng quát, dần dần diaconus mang một hình thù cụ thể giữa hàng “phẩm trật”, gồm bởi các giám mục, linh mục và diaconus. Sách Traditio apostolica (của Hippolytus) mô tả lễ nghi thánh hiến cả ba cấp vừa kể. Tuy nhiên, khi đi vào việc xác định công tác của diaconus thì ta thấy có nhiều quy chế khác nhau giữa các Giáo hội địa phương. Ngoài ra, các diaconissa đã xuất hiện tại một vài nơi.

Chương III bước sang thời Trung cổ, thời kỳ của suy tư kinh viện về bản chất của các bí tích. Trong bối cảnh này, người ta tìm hiểu những yếu tố cốt yếu của các “chức thánh”. Tuy nhiên, cũng vào thời này, chức diaconatus permanens dần dần biết mất: diaconatus chỉ còn là một cấp chuẩn bị tiến lên linh mục.

Chương IV kéo dài cuộc nghiên cứu lịch sử thần học từ thế kỷ XII cho đến thế kỷ XX, điểm qua những bản văn bàn về diaconatus trong các tác phẩm của thánh Tôma, của Công đồng Vaticanô II.

Chương V theo dõi việc tái lập diaconatus permanens từ Công đồng Vaticanô II, phân tích các động lực của quyết định này.

Chương VI điểm lại tình hình từ sau Công đồng Vaticanô II đến nay: các bản văn thần học và pháp lý của Huấn quyền, cũng như thực trạng của diaconatus permanens tại các Giáo hội địa phương.

Sau cùng, chương VII trình bày những tiếp cận thần học về diaconatus theo đường hướng Vaticanô II và các tài liệu Huấn quyền hậu Công đồng, được nhìn dưới hai lối tiếp cận lớn về Kitô học và Giáo Hội học, với những điểm chính sau: 1/ Tính bí tích của diaconatus. 2/ Ấn tích của chức thánh. 3/ Vai trò hiện thân Chúa Kitô: in persona Christi như là Đầu hay là Tôi tớ? 4/ Ý nghĩa của công thức “non ad sacerdotium sed ad ministerium”. 5/ Có thể quan niệm diaconatus như là “trung gian” giữa hàng giáo sĩ và các giáo dân? 6/ Có thể xác định những công tác đặc thù của diaconus?

D)   Những câu hỏi

Để dễ nắm bắt các vấn đề khi đọc văn kiện, chúng tôi xin gợi lên vài câu hỏi mà ban soạn thảo đã tìm cách trả lời:

1.   Diaconatus được thiết lập từ hồi nào? Do ai thiết lập: Chúa Kitô hay các tông đồ? Các diaconus được nói trong Tân ước có giống như các diaconus mà ta quen hiểu không? Có phải bảy người (Nhóm Bảy) được đặt lên để phục vụ bàn ăn (nói ở chương 6 của sách Tông đồ công vụ) là bảy diaconus không? Thánh Luca có gọi họ là diaconus không? Tại sao hai ông Stêphanô và Philipphê không chỉ lo giúp bàn ăn mà còn đi giảng dạy? – Nên biết là diaconus / diaconatus có thể hiểu theo ba nghĩa: a/ “thái độ” phục vụ mà hết các môn đệ của Chúa Giêsu cần phải tập luyện, theo gương của vị Thầy đã đến đển phục vụ; b/ “tác vụ” được đặt lên để phụ tá cho các tông đồ; c/ một “tác vụ” xác định trong Hội thánh, khác biệt với Giám mục và linh mục.

2.   Vào thời các giáo phụ, có những tác phẩm đề cập đến các diaconissa. Họ là những người nào? Có phải là chức thánh không?Từ lúc nào các diaconissa ngưng hoạt động, và vì lý do gì? Ngày nay, Hội thánh có thể khôi phục lại không?

3.   Đâu là chỗ đứng của các diaconus trong Hội thánh? Họ có thuộc về phẩm trật Hội thánh không? Họ có được tham dự vào chức tư tế thừa tác không? Diaconatus có cần thiết cho Hội thánh không? Những công tác được giao cho diaconus thì các tín hữu khác cũng có thể thi hành được mà!

4.   Ngoài những câu hỏi lý thuyết, văn kiện này phần nào cũng muốn lượng định sáng kiến của Công đồng Vaticanô II khi khôi phục tác vụ “diaconatus permanens”: Công đồng nhắm mục tiêu gì? Mục tiêu ấy có đạt được không? Dường như Công đồng nhắm thiết lập tác vụ này ở các miền truyền giáo thiếu linh mục; thế nhưng thực tế cho thấy, tác vụ này được phát triển ở các Bắc Mỹ và Âu châu, đang khi các miền truyền giáo lại không thấy cần thiết, bởi vì ở đây đã có các tác viên giáo dân (chẳng hạn như các thầy giảng ở Việt Nam).

5. Thiết tưởng cũng nên lưu ý đến sự phân biệt thuật ngữ khi bàn đến các chức vụ trong Hội thánh. Trong các tác phẩm cổ thời, có sự phân biệt giữa “truyền chức” (ordinatio) và “thiết lập” (institutio). Từ ngữ thứ nhất dành cho các “chức thánh”, thuộc lãnh vực bí tích; từ ngữ thứ hai tạm gọi là “hành chánh”, đề cập đến việc thiết lập các tác vụ để đáp ứng với nhu cầu của cộng đoàn.

Bây giờ chúng ta đi vào nội dung của văn kiện.

**************************************************

THẦN HỌC VỀ DIACONATUS

Mục Lục

Giới thiệu

Nhập đề

CHƯƠNG I

TỪ DIACONIA CỦA CHÚA KITÔ ĐẾN DIACONIA CỦA CÁC TÔNG ĐỒ   

I. Diaconia của Chúa Kitô và cuộc sống kitô hữu

II. Diaconia của các Tông đồ

CHƯƠNG II

DIACONATUS TRONG TÂN ƯỚC VÀ TRONG CÁC TÁC PHẨM CÁC GIÁO PHỤ

I. Diaconatus trong Tân Ước

II. Vào thời các tông phụ

III. Củng cố và phát triển diaconatus trong thế kỷ III và IV

IV. Tác vụ của các Diaconissa

CHƯƠNG III

SỰ BIẾN MẤT CỦA DIACONATUS CỐ ĐỊNH

I. Những thay đổi trong tác vụ của diaconus

II. Các diaconissa dần dần biến đi

CHƯƠNG IV

TÍNH BÍ TÍCH CỦA DIACONATUS TỪ THẾ KỶ XII CHO ĐẾN THẾ KỶ XX

I. Trong chặng đầu của Kinh viện

II. Từ thánh Tôma Aquinô (+1273) đến Công đồng Trentô (1563)

III. Những sắc thái thần học sau Công đồng Trentô

IV. Tính bí tích của chức Diaconatus theo Vaticanô II

Kết luận

CHƯƠNG V

VIỆC PHỤC HỒI CHỨC DIACONATUS CỐ ĐỊNH TẠI CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II        

I. Những ý định của Công đồng

II. Hình thái tác vụ diaconatus cố định được Vaticanô II khôi phục

CHƯƠNG VI

THỰC TRẠNG CỦA CHỨC DIACONATUS CỐ ĐỊNH HIỆN NAY

I. Các Giáo hội với số Diaconi thấp

II. Các Giáo hội ở nơi tác vụ diaconatus phát triển

III. Những đường hướng tiến triển

CHƯƠNG VII

TIẾP CẬN THẦN HỌC VỀ “DIACONATUS” THEO HƯỚNG ĐI CỦA CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

I. Những bản văn của Công đồng Vaticanô II và Huấn quyền hậu Công đồng

II. Những hàm ý trong tính bí tích của “diaconatus”

III. Diaconatus trong viễn tượng của chức Giám mục như “sự viên mãn của bí tích truyền chức”

IV. Tác vụ Diaconatus trong một “Giáo hội học hiệp thông”

KẾT LUẬN

 

***********************************

Thần Học Về Diaconatus – Nhập Đề