Thần Học Về Diaconatus – Chương IV

0
1292


 

CHƯƠNG IV

TÍNH BÍ TÍCH CỦA DIACONATUS TỪ THẾ KỶ XII CHO ĐẾN THẾ KỶ XX

 

Tính bí tích của chức diaconatus là một vấn đề còn ám tàng trong các chứng tích Kinh Thánh, giáo phụ và phụng vụ được trình bày trên đây. Bây giờ chúng ta cần xét xem Giáo hội đã ý thức minh thị về điều đó như thế nào, trước hết trong suốt thời gian mà, ngoại trừ một ít trường hợp, chức diaconatus chỉ là một chặng trên tiến trình đến chức linh mục.

I. Trong chặng đầu của Kinh viện

Mặc dù “tính bí tính” có thể mang một ý nghĩa đại cương và khái quát; nhưng theo nghĩa chặt, có ám chỉ bảy bí tích (những dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của ân sủng), trong đó có Bí tích “Truyền Chức Thánh.” Trong nội bộ của bí tích này, người ta có thể phân biệt những “hàng” (ordines)và “cấp” (gradus)khác nhau, và con số xê xích giữa bảy và chín. Chức diaconatus và chức linh mục luôn được liệt vào trong số những chức thánh (ordines sacri)của bí tích, và chức subdiaconatus bắt đầu được kể vào nhóm các chức thánh bởi vì phải giữ luật độc thân; phần đông các tác giả không kể chức giám mục như chức thánh. 114

Theo Petrus Lombardus (+1160) 115, chức diaconatus là một ordo hoặc gradus officiorum (chức thứ sáu). Mặc dù ông cho rằng tất cả các chức ordines đều là linh thiêng và thánh thiện, ông đề cao sự ưu việt chức diaconatus và chức linh mục, là những chức duy nhất đã hiện hữu trong Giáo hội sơ khai đáp lại ý muốn của các Tông đồ, còn những chức khác được thiết lập bởi Giáo Hội theo dòng thời gian. Chức giám mục không được coi như ưu việt này, bởi vì không thuộc vào các chức mang tính bí tích, nhưng thuộc về lãnh vực phẩm giá và chức vụ thì đúng hơn. 116

II. Từ thánh Tôma Aquinô (+1273) đến Công đồng Trentô (1563)

1. Sự khẳng định tính bí tích

Trong đạo lý của thánh Tôma,117 chức diaconatus là một bí tích xét vì nó thuộc về các Chức Thánh, một trong bảy bí tích của luật mới. Ngài cho rằng mỗi chức này cách nào đó cấu thành một thực tại bí tích; tuy nhiên, chỉ ba chức (linh mục, diaconatus và subdiaconatus) có thể được xem chức thánh (ordines sacri) theo nghĩa chặt do mối tương quan đặc biệt với Bí tích Thánh Thể.118 Nhưng không được kết luận chức linh mục và chức diaconatus là hai bí tích khác nhau bởi vì cả hai đều là bí tích; lý do là sự phân biệt giữa các chức không dựa trên một tổng thể phổ quát hay trọn vẹn, nhưng là một tổng thể quyền hạn.119

Tuy có những cấp khác nhau, nhưng bí tích truyền chức là đơn nhất và duy nhất bởi vì được quy chiếu về bí tích Thánh Thể, là bí tích của các bí tích(Sacramentum sacramentorum).120 Vì vậy, các chức khác nhau cần đến một sự thánh hiến bí tích tùy theo loại quyền hạn đối với Bí tích Thánh Thể. Qua việc truyền chức, các linh mục nhận quyền hạn để thánh hiến, còn các diaconi nhận quyền hạn để phục vụ các linh mục trong việc ban phát các bí tích.121

Mối tương quan với Bí tích Thánh Thể trở nên tiêu chuẩn quyết định hầu tránh ý tưởng cho rằng mỗi chức thánh được cấp quyền hạn để ban một bí tích đặc thù. Tiêu chuẩn ấy cũng được dùng để loại trừ các chức xướng vịnh và ca viên khỏi các chức thánh bí tích. Tiêu chuẩn này cũng được dùng để không xem chức giám mục như bí tích.122 Mặc dù thánh Tôma không nhìn nhận giám mục có một thứ quyền hạn cao hơn linh mục xét theo mối tương quan với Thân Thể Đích Thực của Đức Kitô (verum corpus Christi), nhưng ngài xem chức giám mụccũng là Chức thánh (Ordo) theo một cách thức nào đó, do các quyền hạn trên Thân Thể Huyền Nhiệm (corpus mysticum).123

Bởi vì chức diaconatus là một bí tích, nên nó ghi một ấn tín nơi linh hồn. Thánh Tôma áp dụng học thuyết này cho bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh. Suy tư của ngài về vấn đề này phát triển theo thời gian. Khởi đi từ chức tư tế của Đức Kitô, ngài xác định chỉ duy có bí tích Truyền Chức Thánh là ghi dấu ấn tích (In IV Sent.), nhưng cuối cùng xác nhận toàn bộ đạo lý về ấn tích (STh). 124

Về chức diaconatus, ngài giải thích tất cả quyền hạn (potestates) của nó, trong mối tương quan với việc phân phát (dispensatio) các bí tích, giống như một điều gì đó xem ra thuộc phạm vi “hợp thức” (liceitas), chứ không thuộc phạm vi khả năng triệt liên quan đến “tính hữu hiệu” (validitas) của quyền hạn. 125 Trong Tổng Luận Thần Học, III, q.67, a. 1, ngài đặt câu hỏi liệu có phải việc loan báo Tin Mừng and việc rửa tội có là một phần của tác vụ của diaconus, và ngài giải đáp rằng việc cử hành các bí tích không thuộc về thẩm quyền của chức diaconatus như thể chiếu theo chức vụ riêng biệt quasi ex proprio officio; việc giảng dạy docere cũng vậy;nhưng chỉ duy việcdạy giáo lý cathechizare mới có thể nói là theo chức vụ. 126

2. Việc tranh luận về tính bí tích

Durandus de Saint-Pourçain (+ 1334) đại diện cho đường hướng đạo lý thỉnh thoảng vẫn xuất hiện mãi cho ngày nay. Theo đường lối này, chỉ có việc truyền chức tư tế mới là một “bí tích”; còn những chức khác, kể cả chức diaconatus, chỉ là các “á bí tích” 127. Những lý do của quan điểm ấy như sau:

a. Liên quan đến Bí tích Thánh Thể, sự khác biệt giữa quyền thánh hiến, chỉ dành riêng cho chức tư tế (cần được xem như bí tích), và những hành động chuẩn bị, thuộc về các chức khác (cần được xem như á bí tích mà thôi);

b. Tương tự như vậy, trong bí tích Rửa Tội, có một “potestas ad suscipiendum sacramenta” (quyền hạn để lãnh bí tích); chỉ duy chức tư tế ban tặng “postestas ordinis ad conficiendum vel conferendum ea” (quyền hạn để ban bí tích); việc ban bí tích không được cấp cho các chức vụ ở cấp dưới các tư tế, kể cả chức diaconatus;

c. Việc truyền chức tư tế cấp ban một quyền hạn ad posse chứ không phải ad licere, để người thụ phong có thể thực hiện những điều mà ngài không thể làm được trước khi chịu chức. Trái lại, chức diaconatus ban khả năng thực hiện điều gì đó cách “hợp luật” (licite) mà thực tế vị ấy có thể làm trước đó, cho dù không hợp pháp; vì thế chức diaconatus có thể được xem như là một bổ nhiệm hay một ủy nhiệm Giáo Hội để thi hành những chức năng nào đó;

d. Điều đó cũng được đòi hỏi bởi tính duy nhất của bí tích Truyền Chức và việc xem chức tư tế như sự tròn đầy của bí tích này, bởi vì nếu không như vậy thì thật khó mà bảo tồn ý nghĩa của điều mà thánh Tôma đã nói về sự duy nhất và độc nhất của Bí tích Truyền Chức Thánh; 128

e. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa bí tích (sacramentum) và á bí tích (sacramentalia) không ngăn cản Durandus nói rằng mỗi một chức đều ghi một “ấn tích” (character0. Ông phân biệt giữa một sự ủy nhiệm (deputatio) bắt nguồn từ Thiên Chúa và làm cho chức thánh ấy thành bí tích (sacramentum); và một sự ủy nhiệm Giáo hội, do Hội thánh thiết lập và làm cho các chức tương ứng thành những á bí tích (sacramentalia). Theo nghĩa này, người ta có thể nói rằng chức diaconatus ghi một ấn tích; nhưng nảy lên hồ nghi và tranh luận liên quan đến vấn đề ấn tích được ghi vào lúc nào: bởi vì một số người cho rằng điều ấy diễn ra vào lúc trao sách Phúc âm in traditione libri evangeliorum (quan điểm này bị Durandus bác bỏ), những người khác cho rằng khi đặt tay in impositione manuum (xem ra ông ủng hộ quan điểm này). 129

3. Giáo huấn của Công đồng Trentô (1563)

Công đồng Trento đã muốn định tín việc Truyền Chức Thánh như là một bí tích; ý nghĩa của các khẳng định đạo lý không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên, việc định tín này bao gồm tính bí tích của chức diaconatus đến mức nào thì không rõ lắm. Đây là một vấn đề tranh cãi cho đến ngày nay, mặc dù rất ít người mang ra tranh luận đề tài này. Vì thế, cần phải giải thích những lời tuyên bố của Công đồng Trentô.

Đứng trước những sự phủ nhận của nhóm Cải Cách, Công đồng Trentô đã công bố sự hiện hữu của một phẩm trật trong Giáo Hội do ý định của Chúa hierarchia in Ecclesia ordinatione divina (điều đưa đến sự bác bỏ lời tuyên bố rằng tất cả các Kitô hữu đều là tư tế của Tân ước “omnes christianos promiscue Novi Testamenti sacerdotes esse”) và sự hiện hữu của một phẩm trật do Giáo Hội lập ra hierarchia ecclesiastica (và điều đưa đến sự phân biệt giữa các cấp độ khác nhau trong bí tích Truyền Chức Thánh). 130

Những tham chiếu của Công đồng Trentô về chức diaconatus cần được lồng trong học thuyết tổng quát về bí tích Truyền Chức Thánh; chức ấy được công đồng minh thị nhắc đến. Tuy nhiên, không hoàn toàn chắc chắn rằng các khẳng định tín lý về tính bí tích và ấn tích của chức linh mục, (điều mà công đồng Trentô đã đề cập cách minh nhiên) thì cũng bao gồm một ý định của công đồng muốn định tín tính bí tích của chức diaconatus.

Theo Công đồng Trentô, các diaconi được đề cập cách trực tiếp trong Tân Ước, mặc dù không nó rằng họ được thiết lập trực tiếp bởi Đức Kitô, Đấng Cứu Thế. Cũng giống như cách thức khảo sát các chức khác, chức diaconatus cũng được quan niệm như một sự trợ giúp để thực hành “dignius et maiore cum veneratione ministerium tarn Sancti sacerdotii” và phục vụ chức tư tế “ex officio” (chứ không nói là “ad ministerium episcopi”). Hơn thế nữa, chức diaconatus xuất hiện như là một chặng trên đường tiến đến chức linh mục (chẳng có chỗ nào nhắc tới minh thị chức diaconatus cố định. 131

Khi Công đồng Trentô định tín rằng ordo hay sacra ordinatio là bí tích thực sự vere sacramentum,132 thì không minh nhị nhắc đến chức diaconatus. Chức này được kể trong số các ordines ministrorum,133thì không rõ ràng dứt khoát. Như thế, nếu muốn áp dụng định tín về tính bí tích cho chức diaconatus, thì có lẽ cũng nên áp dụng cách tương tự cho các ordines ministrorum khác, nhưng như vậy là quá đáng và không thể biện minh được.

Người ta cũng có thể nói cách tương tự về đạo lý “ấn tích”.134 Nếu chú ý đến những cách thức diễn tả được Công đồng sử dụng, thì đã rõ là Trentô đã đề cập cách minh nhiên và trực tiếp đến “các tư tế của Tân Ước”, để phân biệt họ cách rõ ràng khỏi “người giáo dân”. Đối với các diaconi thì chẳng có chỗ nào đề cập cách trực tiếp hay gián tiếp; vì thế, thật khó có thể quy cho bản văn này của Công đồng Trentô ý định muốn định tín đạo lý về ấn tích cho chức diaconatus.

Điều khoản (canon) số 6 đáng được lưu ý đặc biệt (“si quis dixerit in Ecclesia catholica non esse hierarchiam, divina ordinatione institutam, quae constat ex episcopis, presbyteris et ministris, a.s.”135) bởi những khó khăn trong việc giải thích chính xác từ ministris: đó là các diaconi; hay là các diaconi và các thừa tác viên khác; hay tất cả các tác vụ? Cho đến ngày hôm trước khi biểu quyết (ngày 14 tháng 7 năm 1563), bản văn của khoản 6 được viết là “et aliis ministris”. Ngày hôm đó, theo kiến nghị của nhóm Tây Ban Nha, cụm từ aliis ministris được thay đổi, và loại bỏ từ aliis. Nhưng những lý do và phạm vi của việc thay đổi này không được rõ ràng lắm.136

Phải giải thích hạn từ ministris thế nào, và mối liên hệ của chúng trong phẩm trật hierarchia ra sao? Sự loại bỏ từ ngữ aliis, theo một vài người, ngụ ý rằng đường phân chia trong phạm vi phẩm trật Giáo hội nên được vạch ra giữa một bên là tư tế sacerdotes (các giám mục và linh mục) với bên kia là các ministri; việc loại bỏ cụm từ aliis nhằm nêu bật một lần nữa rằng các giám mục và các linh mục không phải là nudi ministri (thừa tác viên thông thường) mà là các tư tế của Giao ước mới sacerdotes Novi Testamenti. Lịch sử của bản văn, dựa theo những các lối soạn thảo trước đó, dường như gợi ý một sự lối hiểu rộng về ministri, để bao gồm diaconos caeterosque ministros, tương ứng với sự phân chia gồm ba bậc của phẩm trật (“praecipue episcopi, deinde praesbyteri, diaconi et alii ministri”). Nhưng chúng ta không nên quên rằng theo một số tác giả khác, việc loại bỏ hạn từ aliis có nghĩa rằng chức subdiaconatus và các chức nhỏ khác bị loại trừ ra khỏi phẩm trật divina ordinatione instituta– một cụm từ cũng gây ra nhiều tranh cãi khi giải thích.137

Tóm lại, cho dù giải thích theo cách bao gồm hay loại trừ, thì cũng không thể nghi ngờ rằng các diaconi được bao gồm vào trong hạn từ ministri. Nhưng những hệ lụy tín lý của học thuyết này liên quan đến tính bí tích và mối liên hệ của chúng trong phẩm trật sẽ khác nhau, tùy thuộc vào cách hiểu từ ministri chỉ ám chỉ các diaconi mà thôi, hay cũng bao gồm các chức khác nữa.

III. Những sắc thái thần học sau Công đồng Trentô

Sau Công đồng Trentô, trong thần học của thế kỷ XVI và XVII, đa số ý kiến ủng hộ tính bí tích của chức diaconatus, chỉ một số ít còn đặt lại vấn đề hoặc phủ nhận nó. Tuy nhiên, cách thức trong đó tính bí tích này được bảo vệ lại có nhiều sắc thái khác nhau, và cách tổng quát họ cho rằng tính bí tích chỉ là một quan điểm thần học vẫn chưa được Công đồng Trentô định tín; đạo lý này được tái xác nhận về học thuyết trong Sách Giáo lý Rôma (Catechismus Romanus) khi mô tả các chức năng của các diaconi.138

Chẳng hạn như theo Francisco de Victoria (+1546), chủ trương cho rằng chỉ có chức tư tế là bí tích (solum sacramentum est sacerdotium) và tất cả các chức khác đều là các á bí tích là một ý kiến có cơ sở (probabilissima). Về phía Domingo de Soto (+1560), mặc dù ủng hộ tính bí tich của cả chức diaconatus và chức subdiaconatus, ông cho rằng bất cứ ai theo Durandus không nên bị lên án.139

Robertô Bellarminô (+1621) mô tả rõ hiện trạng tranh luận (status quaestionis) đương thời. Ông khẳng định tính bí tích của việc Truyền Chức Thánh (“vere ac proprie sacramentum novae legis”) như là một nguyên lý nền tảng được các thần học gia Công giáo thừa nhận và bị các tín đồ dị giáo (Tin Lành) phủ nhận. Nhưng khi xem xét tính bí tích của mỗi chức, ông thấy thật cần phải phân biệt, bởi vì mặc dù có sự đồng thuận nhất trí về tính bí tích của chức linh mục, nhưng tình hình thay đổi khi bước sang các chức khác.140

Bellarminô tuyên bố ủng hộ tính bí tích của chức giám mục (“ordinatio episcopalis sacramentum est vere ac proprie dictum”), trái với lập trường của các tác giả kinh viện ở chặng đầu, là những người đã phủ nhận nó; và ông xem ý kiến của mình như là một assertio certissima vì dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền. Ngoài ra, ông nói đến một ấn tích của chức giám mục khác biệt và cao hơn ấn tích của chức linh mục.

Về tính bí tích của chức diaconatus, ông chấp nhận điều này và xem ý kiến ấy như là điều khả chứng (molto probabile); tuy nhiên, ông không coi như là điều chắc chắn thuộc đức tin ex fide, bởi vì người ta không thể kết luận cách hiển minh từ Thánh Kinh hay Truyền Thống hay bất cứ công bố minh nhiên nào từ phía Giáo Hội.141

Bellarminô cũng ủng hộ tính bí tích của chức subdiaconatus, vì dựa trên học thuyết về ấn tích, sự độc thân, và ý kiến chung của các thần học gia, mặc dù ông nhìn nhận rằng giáo huấn này không chắc chắn bằng giáo huấn về chức diaconato.142 Theo quan điểm của ông, tính bí tích của các chức nhỏ khác thì càng ít chắc chắn hơn nữa.

IV.  Tính bí tích của chức Diaconatus theo công đồng Vaticanô II

Trong các văn kiện của công đồng Vaticanô II liên quan đến các diaconi hoặc chức diaconatus (SC 86; LG 20, 28, 29, 41; OE 17;CD 15; DV 25; AG 15, 16), tính bí tích của hai hình thức (cố định và chuyển tiếp) đã được giả thiết. Đôi lúc tính bí tích được đơn thuần khẳng định, cách thoáng qua, cách gián tiếp hoặc yếu ớt. Nói chung, các văn kiện của Công đồng Vaticanô II chỉ lặp lại phần lớn quan điểm thần học của đa số, chứ chẳng có tiến xa hơn. Công đồng cũng đánh tan những ngờ vực được nêu lên trong các cuộc phát biểu.

1. Các cuộc tranh luận tại công đồng

Tính bí tính của chức diaconatus là một chủ đề được thảo luận ở một vài bài tham luận trong khóa họp thứ hai của Công đồng (1963), với kết quả là đa số nghị phụ ủng hộ tính bí tích, đặc biệt giữa những người tán thành việc khôi phục chức diaconatus cố định; còn ý kiến của những người đối lập thì không nghĩ như vậy.143

Trong bản tường trình của Ủy ban đạo lý, một số điểm chú thích giải nghĩa bản văn được cung cấp, rất hữu ích cho việc. Người ta giải thích lý do không viện dẫn cách trực tiếp đoạn văn Cv 6,1-6, bởi vì các nhà chú giải không đồng ý,144và cũng giải thích việc nhắc đến tính bí tích của chức diaconatus một cách khéo léo, để không gây cảm tưởng là muốn lên án những ai muốn xét lại.145 Thực vậy, trong các cuộc tranh luận của công đồng, không có sự nhất trí về bản chất bí tích của chức diaconatus.

Những sắc thái được đưa vào phần tóm tắt của cuộc thảo luận cũng mang lại vài yếu tố hữu ích cho việc giải thích các văn kiện. Giữa các luận chứng ủng hộ cho việc khôi phục, điều đầu tiên được nhắc đến là bản chất bí tích của chức diaconatus mà Giáo hội không nên thiếu. Trong các luận chứng chống lại sự phục hồi, điểm quan trọng nhất là đời sống độc thân. Ngoài ra, có một số luận chứng được thêm vào, chẳng hạn như chức diaconatus có cần thiết hay không cho các tác vụ mà giáo dân có thể đảm đương. Đến đây nảy ra nhiều câu hỏi: phải chăng cần hiểu về tất cả các tác vụ cần hay chỉ một tác vụ mà thôi; các tác vụ ấy có tính cách thông thường hay là ngoại lệ; phải chăng như vậy là lấy mất những ơn đặc biệt gắn liền với tính bí tích của chức diaconatus; liệu có thể lường được những ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực cho sứ mạng tông đồ của giáo dân không; có nên nhìn nhận một cách chính thức trước mặt Giáo Hội, qua việc truyền chức, những tác vụ của diaconi trên thực tế đã được thi hành rồi; có nên nhìn điều kiện của các diaconi (đặc biệt là những người có gia đình) như là “cầu nối” giữa hàng giáo sĩ cao cấp và các giáo dân không.146

2. Các bản văn công đồng Vaticanô II

Trong hiến chế Lumen Gentium số 29, lời khẳng định rằng việc đặt tay trên các diaconi “không phải là để làm tư tế, nhưng là để phục vụ” (non ad sacerdotium, sed ad ministerium) đã trở thành tham chiếu nền tảng cho thần học về chức diaconatus. Tuy nhiên, có nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ cho tới ngày nay vì những lý do sau: công thức này đã cắt đứt sự liên hệ với giám mục (ad ministerium episcopi);147 nhiều người không thỏa mãn vì công thức hàm hồ này;148 việc giải thích do Ủy ban đưa ra;149 và ý nghĩa của sự phân biệt thực tế giữa sacerdotium ministerium.

Trong hiến chế Lumen Gentium số 28a, hạn từ ministerium được dùng theo hai nghĩa: a) hiểu về tác vụ của các giám mục, với tư cách là những người kế vị các tông đồ, họ tham dự vào “sự thánh hiến” và “sứ vụ” nhận được bởi Chúa Kitô từ Thiên Chúa Cha, và họ truyền lại theo nhiều cấp bậc khác nhau cho các cá nhân khác nhau, nhưng không minh thị kể ra các diaconi;150 b) hiểu cách tổng quát về tác vụ của Giáo Hội (ministerium ecclesiasticum), do Thiên Chúa thiết lập theo nhiều chức khác nhau, gồm những người, mà từ thời xưa, được gọi là các giám mục, linh mục và diaconi.151 Trong chú thích tương ứng, công đồng Vaticanô II tham chiếu về công đồng Trentô, khóa 23, chương 2 và điều khoản 6.152 Thực ra, ta thấy một sự thận trọng khi diễn tả các cấp bậc khác nhau: ordinatione divina (công đồng Trentô), divinitus institutum (công đồng Vaticanô II); ab ipso Ecclesiae initio (công đồng Trentô), ab antiquo hay inde ab Apostolis theo sắc lệnh Ad gentes, số 16 (công đồng Vaticanô II).153

Lời phát biểu trực tiếp nhất liên hệ đến tính bí tích của chức diaconatus được gặp thấy trong hiến chế Lumen Gentium, số 29a: “Thật vậy, được củng cố nhờ ân sủng bí tích(gratia enim sacramentali roborati), trong niềm hiệp thông với giám mục và linh mục đoàn, các diaconi phục vụ dân Thiên Chúa bằng các công tác trong phụng vụ, giảng dạy và bác ái”; và cũng thế trong văn kiện Ad Gentes, số 16: “ngõ hầu thừa tác vụ của họ được thi hành cách hữu hiệu hơn nhờ ân sủng bí tích per gratiam sacramentalem của diaconatus”. Việc sử dụng cụm từ “ân sủng bí tích” gratia sacramentalis thật là thận trọng, thích đáng cho một câu nói xen vào, và biểu lộ nhiều sắc thái hơn cụm từ “thánh chức bí tích” ordinatio sacramentalis đã được sử dụng trong đồ án trước đó của hiến chế Lumen Gentium vào năm 1963. Tại sao cuối cùng lại dùng cụm từ một cách thận trọng như vậy? Ủy ban đạo lý quy chiếu về nền tảng truyền thống về những điều đã được khẳng định, và muốn để tránh cảm tưởng là kết án những người hoài nghi về đề tài này.154

3. Tính bí tích của chức diaconatus trong những tiến triển sau công đồng Vaticanô II

1. Trước tiên, cần đề cập đến văn kiện thực thi Công đồng, tức là tự sắc của Đức giáo hoàng Phaolô VI, Sacrum diaconatus ordinem (1967). Xét về bản chất thần học của chức diaconatus, văn kiện nối dài điều mà công đồng Vaticanô II nói về “ân sủng” (gratia)của chức diaconatus, nhưng thêm vào một tham chiếu đến “ấn tích không thể xóa nhòa” (không có trong các văn kiện của công đồng), và điều này được hiểu như một cuộc phục vụ “vững bền”.155

Như một cấp bậc của bí tích truyền chức, chức diaconatus ban cấp khả năng thi hành những trách vụ phần lớn liên quan đến lãnh vực phụng vụ (tám trong mười một điểm được đề cập). Trong một vài cụm từ, các trách vụ mang tính bổ sung hay thừa ủy.156 Do đó, không rõ theo nghĩa nào mà “ấn tín” của chức diaconatus cấp ban khả năng cho một số thẩm quyền hay quyền hạn mà chỉ có thể được thi hành bởi việc phong chức bí tích trước đó. Thật vậy, người ta có thể thi hành các trách vụ ấy bằng một đường lối khác (do việc thừa ủy hoặc bổ sung, chứ không do bí tích truyền chức).

2. Bước tiến gần nhất được thực hiện trong tự sắc Ad pascendum (1972) của Đức giáo hoàng Phaolô VI liên hệ đến việc khôi phục chức diaconatus cố định (nhưng không loại trừ như là một giai đoạn chuyển tiếp) được coi như một “chức thánh môi giới” giữa hàng phẩm trật cao cấp với phần còn lại của dân Thiên Chúa. Xét về tính bí tích, ngoài việc xem “chức thánh trung gian” (medius ordo) như là dấu chỉ hay bí tích của chính Chúa Kitô, Đấng đã đến không để được phục vụ nhưng để phục vụ signum vel sacramentum ipsius Christi Domini, qui non venit ministrari, sed ministrare, văn kiện giả thiết tính bí tích của chức diaconatus và chỉ lặp lại những điều đã quen thuộc, chẳng hạn như truyền chức thánh (sacra ordinatio) hay chức thánh (sacrum ordinem).157

3. Tiếp tục một vài lập trường đã được đề ra trước công đồng Vaticanô II, một số tác giả sau công đồng đã bày tỏ cách minh bạch và cặn kẽ những hoài nghi về tính bí tích của chức diaconatus. Họ đưa ra những lý do khác nhau. Trước hết, cha Jean Beyer (1980) phân tích các văn kiện của công đồng, trong đó sự im lặng của các văn kiện liên quan đến sự phân biệtt giữa quyền “thánh chức” và “quyền tài phán” xem ra là một cách tránh né thay vì giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. 158 Một cách tương tự như vậy, ý nghĩa của hạn từ ministerium khá lỏng lẻo cũng như sự đối chọi của hạn từ này với sacerdotium. Ngoài ra, tác giả cũng cho thấy sự thận trọng của công đồng không chỉ vi muốn tránh sự lên án, mà còn là hiệu quả của đạo lý còn bấp bênh.159 Vì thế cần làm rõ hơn nghi vấn sau đây: chức diaconatus có phải là thành phần của hàng tư tế duy nhất, giống như chức giám mục và linh mục không? (Estne diaconatus pars sacerdotii sicut et episcopatus atque presbyteratus unum sacerdotium efficiunt?) Câu hỏi này không tìm được giải đáo thỏa đáng bằng việc quy chiếu đến chức “tư tế phổ quát” của các tín hữu và loại bỏ các diaconi ra khỏi hàng tư tế “dâng hy lễ” (cf. Philips). Theo Thánh truyền, chức tư tế thừa tác là duy nhất (unum) và là một bí tích (unum sacramentum). Nếu chỉ duy chức tư tế bí tích này ban cho một người khả năng để hành động nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi)với hiệu lực do sự việc ex opere operato, thì quả thực thật khó để gọi chức diaconatus là một “bí tích” bởi vì nó không được thiết lập để thực hiện bất cứ hành động nào nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi)với hiệu lực do sự việc ex opere operato.

Thêm vào đó, cần nghiên cứu cẩn thận hơn những lời phát biểu của công đồng Trentô cũng như giá trị quy chuẩn của những tuyên bố liên quan đến chức diaconatus.160 Cần đọc kỹ hơn các công vụ của công đồng Vaticanô II, sự tiến triển của các lược đồ, những bài tham luận khác nhau và bản tường trình của ủy ban liên hệ. Từ bản tường trình này, có thể kết luận rằng thật sự chưa có một giải đáp cho những khó khăn liên quan đến những điểm sau đây: a. Nền tảng chú giải Kinh thánh của việc thiết lập chức diaconatus (Cv 6,1-6 bị loại bỏ bởi vì nó gây tranh luận, và chỉ còn giới hạn vào việc nhắc đến các diaconi trong Pl 1,1 và 1 Tm 3,8-12; b. Lý chứng thần học của bản chất bí tích của chức diaconatus, nhằm khôi phục mô hình cố định của nó.

Tóm lại, nếu như công đồng Vaticanô II phát biểu cách thận trọng và quanh co(ex obliquo)  về bản chất bí tích của chức diaconatus, thì nguyên do không chỉ nguyên bởi không kết án bất cứ người nào, nhưng hơn nữa bởi vì đạo lý còn bấp bênh (incertitudo doctrinae).161 Do vậy, để xác định bản chất bí tích, thật là không đầy đủ nếu chỉ dựa vào đa số ý kiến các thần học gia (trước đây liên quan đến chức subdiaconatus cũng có đa số tương tự), hoặc chỉ dựa việc mô tả nghi thức truyền chứcc (cần phải được làm rõ từ nhiều nguồn khác nhau), hoặc chỉ dựa trên cử chỉ đặt tay (việc đặt tay cũng có thể không mang tính bí tích).

4. Trong bộ giáo luật mới 1983, chức diaconatus được diễn tả trong viễn tượng của tính bí tích của chức này, khi du nhập một vài nét tiến triển đáng được bình luận.

Điều này được thấy rõ nơi các điều 1008-1009. Chức diaconatus là một trong ba chức thánh, và Bộ giáo luật dường như áp dụng thần học tổng quát về bí tích truyền chức một cách toàn vẹn cho chức này.162 Nếu việc áp dụng này là đúng đắn, thì hệ quả kéo theo là chức diaconatus là một thực tại bí tích, do Chúa thiết lập của Chúa; điều này làm cho các diaconi trở thành các thừa tác viên thánh sacri ministri (Bộ giáo luật gọi là những người chịu rửa tội được truyền chức), in dấu trên họ một “ấn tích không thể xóa nhòa” (lấy lại lời phát biểu của Đức giáo hoàng Phaolô VI), và bởi việc thánh hiến và ủy thác (consecrantur et deputantur), chức này ban cho họ khả năng thi hành các tác vụ nhân danh Chúa Kitô là đầu(in persona Christi Capitis)và thực hiện theo cấp bậc tương ứng (pro suo quisque gradu) các nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo; nói cách khác, các chức năng thuộc về những kẻ được kêu gọi để hướng dẫn dân Chúa.

Việc lồng chức diaconatus vào thần học tổng quát về bí tích truyền chức làm nảy sinh một vài vấn nạn: có cơ sở thần học khi khẳng định rằng chức diaconatus, tuy dù theo cấp độ tương ứng với mình(pro suo gradu), thực sự thi hành nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo (munera docendi, sanctificandi et regendi) nhân danh Đức Kitô là đầu (in persona Christi Capitis) như các giám mục và linh mục hay không? Phải chăng điều đặc biệt và dành riêng cho những người lãnh nhận bí tích truyền chức và quyền hạn để conficere corpus et sanguinem Christi, tức là để thánh hiến Thánh Thể, và điều này không thuộc về phận vụ của các diaconi đó sao? Liệu thuật ngữ “nhân danh Đức Kitô là đầu” in persona Christi Capitis của Bộ giáo luật có thể được hiểu theo ý nghĩa rộng hơn để cũng có thể áp dụng cho phận vụ của các diaconus? Như thế phải giải thích như thế nào lời phát biểu của công đồng theo đó các diaconi được truyền chức không phải để làm tư tế nhưng để phục vụ non ad sacerdotium, sed ad ministerium? Phải chăng nhiệm vụ chăm sóc dân Thiên Chúa (pascere populum Dei) có thể được coi như một hiệu quả về tính bí tích của chức diaconatus? Liệu việc bàn cãi về các “quyền hạn” của chức này có dẫn đến vòng luẩn quẩn không?

Tất nhiên Bộ giáo luật quan tâm cách đặc biệt và dồi dào đến các năng quyền riêng dành cho các diaconi, và điều này được nhận thấy ở nhiều điều khoản.163 Trong các điều khoản số 517,2 và 519, các diaconi được nhắc đến khi đề cập đến việc cộng tác với các cha xứ trong tư cách là pastor proprius kèm theo việc có thể được cấp ban cho họ được tham dự vào việc chăm sóc mục vụ (cura pastoralis) (517,2). Việc có thể chia sẻ sự chăm sóc mục vụ giáo xứ cura pastoralis paroeciae (tiên vàn được gán cho các diaconi, mặc dầu cũng có thể được cấp cho các giáo dân) đặt ra vấn nạn về khả năng của các diaconi đảm nhận việc hướng dẫn mục vụ của cộng đoàn, và một lần nữa, với những sắc thái khác nhau, tiếp nối điều đã được nói trong hai văn kiện Ad gentes 16 và Sacrum diaconatus ordinem (V,22): dù ở đây chỉ trực tiếp đề cập đến việc lãnh đạo (regere), nhưng điều khoản số 517, 2 nói đến sự tham dự vào việc thi hành sự chăm sóc mục vụ participatio in exercitio curae pastoralis với sắc thái cụ thể hơn. Dù sao đi nữa, liên quan đến khả năng mà điều khoản số 517 đã mở ra như một giải pháp cuối cùng, cần phải suy nghĩ chính xác hơn về sự tham dự thiết thực của diaconus, do việc truyền chức, vào nhiệm vụ chăm sóc các linh hồn cura animarum và chăn dắt dân Thiên Chúa pascere populum Dei.164

5. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo (GLCG), trong phiên bản cuối cùng năm 1997, dường như nói quyết liệt hơn về tính bí tích của chức diaconatus.

Sách Giáo lý tuyên bố rằng quyền hành thánh thiêng potestas sacra để hành động nhân danh Chúa Kitô in persona Christi chỉ thuộc về các giám mục và linh mục, còn các diaconi nắm giữ năng lực phục vụ dân Thiên Chúa vim populo Dei serviendi theo các phận vụ khác nhau của chức thánh” (số 875). Khi bàn đến bí tích truyền chức, các diaconi cũng được nhắc đến: việc truyền chức được nhìn như hành động bí tích cho phép các thụ nhân có khả năng thi hành một “quyền hành thánh thiêng” (sacra potestas), xuất phát từ một mình Chúa Giêsu Kitô (số 1538).

Một đàng, dường như là theo Sách GLCG, các diaconi cũng có thể được bao gồm cách nào đó trong một khái niệm tổng quát về bí tích Truyền Chức Thánh dưới vài phạm trù của chức tư tế, bởi vì họ được đề cập cùng lúc với các giám mục và linh mục ở các số 1539-1543. Đàng khác, trong phiên bản cuối cùng của số 1554, Sách GLCG giải thích việc giới hạn từ ngữ sacerdos vào các giám mục và linh mục, loại trừ các diaconi, tuy vẫn khẳng định rằng các diaconi cũng thuộc về bí tích Truyền Chức Thánh.

Cuối cùng, ý niệm về tính bí tích được nhấn mạnh khi minh nhiên áp dụng đạo lý về “ấn tích” cho các diaconi xét như một sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, là diaconus và đầy tớ của mọi người (số 1570).

6. Văn kiện Ratio fundamentalis (Chương trình đào tạo 1998) nhận thấy những khó khăn còn tồn đọng trong việc nắm bắt germana natura (bản chất đích thực) của chức diaconatus. Tuy vậy, văn kiện cũng xác nhận tính minh bạch của những yếu tố đạo lý chắc chắn (số 3.10) dựa trên nền tảng của việc thi hành thừa tác vụ diaconalis xưa nay và những quyết định của công đồng.

Rõ ràng, ở đây chúng ta thấy có một cách thức để diễn tả căn tính đặc thù của diaconus với một vài điều mới mẻ so với kiểu nói quen thuộc: diaconus họa hình (configuratio) Đức Kitô, Chủ tể và Tôi tớ.165 Linh đạo tương ứng với điều ấy là tinh thần phục vụ như là dấu chỉ phân biệt của việc truyền chức, khiến cho diaconus trở nên hình ảnh (icona) sống động của Đức Kitô Tôi tớ trong Giáo hội (số 11). Như thế có lý do để hạn chế việc họa hình Đức Kitô, Đầu và Mục tử cho các linh mục. Tuy nhiên việc họa hình Đức Kitô “Tôi tớ”, và sự “phục vụ” như là đặc tính của thừa tác viên đã được phong chức, cũng có giá trị đối với các linh mục. Vì thế người ta không thấy rõ ràng điều gì là nét “đặc trưng” của diaconus trong công việc phục vụ này, được diễn tả ra các “munera” (nhiệm vụ: số 9) như thẩm quyền độc đáo của các diaconi do hiệu năng của bí tích truyền chức.

Nói chung, văn kiện Ratio fundamentalis khẳng định rõ ràng tính bí tích của diaconatus cũng như ấn tín của bí tích, trên viễn tượng của một nền thần học tổng quát về bí tích Truyền Chức Thánh và ấn tính riêng biệt được in vào.166 Ngôn ngữ của văn kiện ở đây thật là minh bạch và dứt khoát, mặc dầu người ta khó nhận thấy nó có tương ứng những tiến triển thần học không, hoặc nó có tìm ra một nền tảng mới mẻ không.

Kết luận

Quan điểm đạo lý bênh vực tính bí tích của chức diaconatus đã được đại đa số các thần học gia chấp nhận từ thế kỷ XII cho đến ngày nay, và điều này được giả thiết trong thực hành của Giáo Hội và trong phần lớn các văn kiện của Huấn quyền; quan điểm này được tán thành bởi những người bảo vệ chức diaconatus cố định (dù cho những người độc thân hay đã lập gia đình) và quan điểm này cũng được hàm ý trong phần lớn các ý kiến ủng hộ chức diaconatus cho nữ giới.

Mặc dù vậy, quan điểm này đối diện với nhiều vấn nạn cần phải được làm sáng tỏ cách đầy đủ, hoặc nhờ việc sự phát triển của một nền thần học có tính thuyết phục cao hơn về tính bí tích của chức diaconatus, hay nhờ một sự can thiệp trực tiếp và rõ ràng bởi Huấn quyền, hay nhờ một nỗ lực của Giáo hội học để nối kết những yếu tố khác biệt. Con đường đưa đến việc khẳng định tính bí tích của chức giám mục có thể là một chỉ dẫn đáng theo. Trong số những vấn nạn đòi hỏi thần học phải đào sâu thêm hoặc khai triển đầy đủ hơn, có những điểm quan yếu như sau: a) Cấp độ quy phạm về tính bí tích của chức diaconatus theo như Huấn quyền đã xác định, đặc biệt là công đồng Trentô và Vaticanô II; b) Tính “duy nhất” (unitas) và “độc nhất” (unicitas) của bí tích truyền chức trong những cấp độ khác nhau; c) Tầm mức quan trọng của sự phân biệt bản chất của diaconus như là “non ad sacerdotium, sed ad ministerium (episcopi)” (không phải để tế lễ, nhưng để phục vụ ‘giám mục’”; d) Đạo lý về ấn tín của chức diaconatus và hình thức riêng biệt của việc họa hình Đức Kitô; e) Những quyền hành do chức diaconatus ban cấp xét như một bí tích.

Thu gọn tính bí tích vào vấn đề “quyền hành” thì quả là một lối tiếp cận hạn hẹp; môn Giáo hội học đưa ra những viễn tượng mở rộng hơn và phong phú hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp về bí tích truyền chức, vấn nạn này không thể bị lờ đi viện cớ là nó hạn hẹp. Hai cấp độ kia của bí tích truyền chức, -chức giám mục và linh mục -, lãnh nhận một quyền hành do việc truyền chức để thực hiện những nhiệm vụ mà những ai không được truyền chức sẽ không thể làm cách thành sự. Tại sao đối với các diaconi thì lại khác? Phải chăng sự khác biệt nằm trong cách thức thi hành các munera (nhiệm vụ) hay là tại phẩm chất cá nhân của người thi hành tác vụ? Làm thế nào diễn tả ra luận cứ khả tín về mặt thần học? Thực vậy, nếu các công tác ấy có thể được thi hành bởi một giáo dân, thì làm thế nào mà biện minh rằng chúng bắt nguồn từ một việc truyền chức bí tích mới mẻ và khác biệt?

Liên quan đến các quyền hành của diaconus, thì lại nảy sinh một lần nữa những vấn nạn phổ quát như sau: bản chất hay điều kiện của “potestas sacra” (quyền hành thánh thiêng) trong Giáo hội, việc nối kết bí tích truyền chức với “potestas conficiendi eucharistiam” (quyền thánh hiến Thánh thể), và sự cần thiết phải mở rộng những viễn tượng Giáo hội học vượt lên trên quan niệm hạn hẹp của việc nối kết này.

 

 

———————–//—————————

 

114 Về những ngập ngừng này, xem L. Ott, Das Weihesakrament, HbDG 4/5 (Freiburg am Breisgau, 1964).

115 Petrus Lombardus đưa vào IV Sent. D.24 khảo luận De ordinibus ecclesiasticis, ngoại trừ một vài hàng, còn đa phần được sao chép từ Hugues de St. Victor (+ 1141), Yves de Chartres (+ 1040-1115) và Decretum Gratiani trong cuốn IV Sent., d. 24đến lượt các tác giả này dựa trên tài liệu De septem ordinihus ecclesiae (khoảng thế kỷ V hay VII), một trong số những khảo luận đầu tiên của Giáo hội Tây Phương (xc. Isidorô Sevilla) trình bày về thẩm quyền của những cấp bậc khác nhau của phẩm trật.

116 Petrus Lombardus, IV Sent, d. 24, c. 14.

117 Xc. Thomas Aq. In IV Sent, d. 24-25; Suppl, qq. 34-40; SCG 4, 74-77; De articulis fidei et Ecclesiae sacramentis.

118 Id., In IV Sent., d. 24, q. 2, a. 1 ad 3.

119 Ibid., d. 24, q. 2, a. 1, sol. 1.

120 Ibid., d. 24, q. 2, a. 1, sol. 2.

121 Ibid.

122 Ibid., d. 24, q. 3, a. 2, sol. 2.

123 Ibid., d. 24, q. 3, a. 2, sol. 2.

124 Xc.Id., In IV Sent, d. 7, q. 2 ad 1; STh III, q. 63, a. 3.

125 Id., In IV Sent, d. 24, q. 1, a. 2, sol. 2.

126 STh III, q. 67, a. 1.

127 Đối với chức Giám mục, có một khuynh hướng khẳng định rằng chức này là một “ordo et sacramentum, non quidem praecise distinctum a sacerdotio simplici, sed est unum sacramentum cum ipso, sicut perfectum et imperfectum”. Durandus de Saint-Pourcain, Super Sententias Comm. Libri quatuor (Paris, 1550), Lib. IV, d. 24, q. 6.

128 Ibid., q. 2 đối với điều được nói ở dưới a, b, c và d.

129 Ibid., q. 3.

130 Xc. DS 1767, 1776.

131 Xc. DS 1765, 1772.

132 Xc. DS 1766, 1773.

133 Xc. DS 1765.

134 Xc. DS 1767, 1774.

135 Xc. DS 1776.

136 Xc. Council of Trent, III, 682f., 686, 690; VII/II, 603, 643.

137 Xc. K.J. Becker, Wesen und Vollmachten des Priestertums nach dem Lehramt, QD 47 (Freiburg, 1970), 19-156; J. Freitag, Sacramentum ordinis aus dem Konzil von Trient: Ausgeblendeter Disserts und erreichter Konsens (Innsbruck, 1991), 218ff.

138 Xc. Catechismus Romanus, p. II, can. 7, q. 20.

139 Xc. F. de Vitoria, Summa sacramentorum, no. 226 (Venezia, 1579), f. 136v; D. de Soto, In Sent. 4, d. 24, q. 1, a. 4, concl. 5 (633ab).

140 Xc. R. Bellarminus, Controversiarum de sacramento ordinis liber unicus, in Opera omnia, vol. 5 (Paris, 1873), 26.

141 Ibid., 27-28.

142 Ibid., 30.

143 Xc., những ý kiến ủng hộ: Acta Synodalia Sacrosancti Concilii Oecumenici Vaticanôi II (AS) 2/2, 227f., 314f., 317f., 359, 431, 580; đưa ra những nghi ngờ hay gợi nên những vấn nạn về tính bí tích của tác vụ diaconatus: AS 2/2, 378, 406, 447f.

144 “Quod attinet ad Act. 6, 1-6, inter exegetas non absolute constat viros de quibus ibi agitur diaconis nostris corresponded” (AS 3/1, 260).

145 “De indole sacramentali diaconatus, statutum est, postulantibus pluribus … earn in schemate caute indicare, quia in Traditione et Magisterio fundatur. Cf. praeter canonem citatum Tridentini: Pius XII, Const. Apost. Sacramentum Ordinis, DS 3858f…. Ex altera tamen parte cavetur ne Concilium paucos illos recentes auctores, qui de hac re dubia moverunt, condemnare videatur”, ibid.

146 Cf. AS 3/1, 260-64; AS 3/2, 214-18.

147 Bản nguyên gốc viết rằng: “in ministerio episcopi”. Về nguồn gốc và những dị bản liên quan đến công thức này, xc. A. Kerkvoorde, “Esquisse d”une theologie du diaconat”, trong P. Winninger – Y. Congar, eds., Le Diacre dans l’Eglise et le monde d”aujourd”hui, UnSa 59 (Paris, 1966), 163-71, trong đó đưa ra lời cảnh giác rằng: “Sẽ thật là một sai lầm…để đặt nó (tức là công thức này) làm nền tảng cho một nền thần học tương lai về tác vụ diaconatus.”

148 Thuật ngữ hàm hồ: “nam sacerdotium est ministerium” (AS 3/8, 101).

149 Những từ ngữ của tài liệu Statuta được giải thích như sau: “significant diaconos non ad corpus et sanguinem Domini offerendum sed ad servitium caritatis in Ecclesia”, ibid.

150 “Christus … consecrationis missionisque suae per Apostolos suos, eorum successores, videlicet Episcopos participes effecit, qui munus ministerii sui, vario gradu, variis subiectis in Ecclesia legitime tradiderunt”, LG 28a.

151 “Sic ministerium ecclesiasticum divinitus instituturn diversis ordinibus exercetur ab illis qui iam ab antiquo Episcopi, Presbyteri, Diaconi vocantur”, ibid.

152DS 1765, 1776.

153 Xc. những tham chiếu đến Công đồng Trent khác nhau trong những tranh luận tại Công đồng. Một vài tác giả đồng hóa ministri với diaconi, mặc dù sự tương đương về ngữ nghĩa của hai từ không cho phép bước sang sự tương đương về thần học; các tác giả khác cho rằng Công đồng Trento đã định tín rằng tác vụ diaconatus cấu thành cấp thứ ba của hàng phẩm trật, nhưng sự lượng định này dường như đi xa hơn điều được nhắm tới ở Công đồng Trento. xc. các cước chú 136 và 143 ở trên.

154 Xc. AS 3/1, 260.

155 Xc. AAS 59 (1967): 698.

156 Xc. ibid., 702.

157 Xc. AAS 64 (1972): 536, 534, 537.

158 Xc. J. Beyer, “Nature et position du sacerdoce”, NRTh 76 (1954): 356-73, 469-80; J. Beyer, “De diaconatu animadversiones”, Periodica 69 (1980): 441-60.

159 Cách riêng Beyer không đồng ý với sự lượng định về sự thận trọng của G. Philips. Bởi vì Công đồng muốn hành động non dogmatice, sed pastorale, cho nên kể cả một tuyên bố rõ ràng hơn cũng không đương nhiên hàm ngụ việc lên án những ý kiến trái ngược. Do đó, theo quan điểm của Beyer, lý do của sự thận trọng này là tại vì, liên liên quan đến tính bí tích của tác vụ diaconatus, sự do dự (haesitatio) là điều hiển nhiên “manifesta et doctrinalis quidem”.

160 Theo Beyer, hạn từ ministri mang một nghĩa tổng quát; công đồng chỉ muốn khẳng định điều mà nhóm Cải cách từ chối. Nhiều khi người ta nại đến ý nghĩa của công đồng Trento nhưng thực sự là đi quá ý định của công đồng “ultra eius in Concilio Tridentino pondus et sensum”.

161 Lý do lớn nhất cho sự ngập ngừng này nằm ở lời tuyên bố “diaconum non ad sacerdotium sed ad ministerium ordinari, atque nihil in hoc ministerio agere diaconum quin et laicus idem facere non possit”.

162 “Sacramento ordinis ex divina institutione inter christifideles quidam, charactere indelebili suo signantur, constituuntur sacri ministri, qui nempe consecrantur et deputantur ut, pro suo quisque gradu, in persona Christi Capitis munera docendi, sanctificandi et regendi adimplentes, Dei populum pascant”, CIC, can 1008.

163 Trong các điều 757, 764, 766, 767 (bài giảng lễ được dành riêng cho các linh mục và phó tế “sacerdoti aut diacono”, trong khi người giáo dân cũng có thể được nhận vào “ad praedicandum”); điều 835, 861, 910, 911, 1003 (các diaconus không phải là thừa tác viên của bí tích xức dầu bệnh nhân, vì “unctionem infirmorum valide administrat omnis et solus sacerdos”: có phải đây là một áp dụng của nguyên tắc nói về các diaconus như “non ad sacerdotium, sed ad ministerium”?); điều 1079, 1081, 1108, 1168, 1421, 1425, 1428, 1435 (các diaconi có thể làm thẩm phán “judices”, và nằm trong quyền quản trị hoặc tài phán).

164 Sự suy tư thật là cần thiết bởi vì người ta vẫn duy trì nguyên tắc rằng pastor proprius và người điều hành của plena cura animarum chỉ có thể là người đã được truyền chức tư tế (sacerdos). Điều này sẽ sinh ra một trường hợp ngược đời, khi mà một sacerdos (trong thực tế không phải là một cha xứ parochus, mặc dù có tất cả mọi khả năng) và một diaconus (hầu như là cha xứ, bởi vì có trách nhiệm chăm sóc mục vụ trong thực tế, tuy dù không được trọn vẹn do thiếu năng quyền bí tích liên quan đến Thánh thể và Sám hối).

165 “Specificam configurationem cum Christo, Domino et Servo omnium … specificam diaconi identitatem … is enim, prout unici ministerii ecclesiastici particeps, est in Ecclesia specificum signum sacramentale Christi Servi”, Ratio, 5.

166 “prout gradus ordinis sacri, diaconatus characterem imprimit et specificam gratiam sacramentalem communicat … signum configurativum-distinctivum animae modo indelebili impressum, quod … configurat Christo, qui diaconus, ideoque servus omnium, factus est”, Ratio, 7.