Thần Học Về Diaconatus – Chương I

0
812


 

THẦN HỌC VỀ DIACONATUS

 

CHƯƠNG I

TỪ DIACONIA CỦA CHÚA KITÔ ĐẾN DIACONIA CỦA CÁC TÔNG ĐỒ

 

 

I.  Diaconia của Chúa Kitô và cuộc sống kitô hữu

Qua cuộc nhập thể của Ngôi Lời, Đấng là Thiên Chúa và nhờ Người muôn vật được tạo thành (x. Ga 1,1-18), một cuộc cách mạng không thể tưởng tượng nổi đã diễn ra. Vị Chủ tể (kyrios) trở nên kẻ phục vụ (diaconos) tất cả mọi người. Vị Chúa Tể trời đất đến gặp gỡ chúng ta nơi Người Tôi Tớ của Ngài là Đức Giêsu-Kitô, Con độc nhất của Thiên Chúa (Rm 1,3), Đấng tuy mang hình hài Thiên Chúa (morphe theou), nhưng đã “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy hình hài tôi tớ (morphe doulou), trở nên giống phàm nhân … Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Như thế, yếu tính của một kitô hữu có thể nắm bắt trong một viễn ảnh của Đức Kitô. Cuộc sống của người kitô hữu là tham dự vào sự phục vụ (diaconia), mà chính Thiên Chúa đã thực thi đối với con người; nó cũng đưa đến việc hiểu biết sự thành tựu của con người. Theo mẫu gương của Chúa Kitô, là người kitô hữu có nghĩa là phục vụ người khác cho đến độ từ bỏ và trao ban chính mình, vì tình yêu.

Bí tích Thánh tẩy ban cấp khả năng phục vụ (diaconein) cho mọi kitô hữu; nhờ tham dự vào diaconia (phục vụ), leiturgia (phụng vụ) và martyria (làm chứng) của Hội Thánh, họ cộng tác với Đức Kitô vào việc phục vụ ơn cứu độ loài người. Quả thế, vì là thành phần của Thân Thể của Chúa Kitô, mọi người phải trở nên tôi tớ cho nhau nhờ những đặc sủng mà mình đã lãnh nhận được để xây dựng Giáo Hội, và xây dựng anh chị em trong đức tin và đức mến : “Nếu ai phục vụ, thì hãy phục vụ bằng sức mạnh  do Thiên Chúa ban” (1 Pr 4,11-12; x. Rm 12,8; 1 Cr 12,5).

Việc diaconia (phục vụ) của các Kitô hữu đối với nhau có thể diễn tả dưới nhiều hình thức của tình bác ái, qua việc phục vụ các bệnh nhân về thân xác hay tâm hồn, những người nghèo túng, các tù nhân (Mt 25); qua việc tương trợ các giáo đoàn (Rm 15,25; 1 Tm 5,3-16); hay qua những hình thức trợ giúp các tông đồ khác nhau, như ta có thể nhận thấy nơi các cộng tác viên thánh Tông đồ Phaolô, khi gởi lời chào thăm họ (Rm 16,3-5; Pl 4,3).

II.Diaconia của các Tông đồ

Bởi vì là doulos (tôi tớ) khi thực hiện ý định cứu độ của Chúa Cha trong sự vâng phục trọn vẹn, Đức Giêsu Kitô đã trở thành Chúa của mọi tạo thành. Người trở nên khí cụ cho Thiên Chúa thực hiện quyền thống trị, bằng cách trao ban cuộc sống mình: “Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45). Tương tự, Đức Giêsu đã thiết lập Nhóm Mười Hai “để ở với Người, và để Người sai họ đi rao giảng, mang lại cho họ sức mạnh để xua đuổi ma quỷ” (Mc 3,14-15). Trong cách thức đối lập hoàn toàn với các thủ lãnh và những người cai trị của thế gian này- những người lạm dụng quyền lực của mình để đàn áp và bóc lột người khác-, người môn đệ phải sẵn sàng để trở thành diaconosdoulos của tất cả (Mc 10,42-43).

Diaconein (phục vụ) là đặc tính thiết yếu của tác vụ các Tông đồ. Các Tông đồ là những cộng tác viên và là các tôi tớ của Thiên Chúa (x. 1 Tx 3,2; 1 Cr 3.9; 2 Cr 6,1), “những người phục vụ Chúa Kitô và những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cr 4,1). Họ là những người “phục vụ một giao ước mới” (2 Cr 3: 6) và phục vụ Tin Mừng (x. Cl 1,23; Ep 3,6 tt), “phục vụ của Lời” (Cv 6,4). Trong chức năng Tông Đồ, họ là những “người phục vụ Giáo hội” để chuyển giao Lời của Đức Kitô cách trọn vẹn đến cho các tín hữu (x. Cl 1,25), và để tổ chức việc xây dựng Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, trong tình yêu (x. Ep 4,12). Vì Đức Kitô, các Tông Đồ trở thành những tôi tớ của các tín hữu, vì chưng họ không rao giảng về bản thân mình nhưng rao giảng về Đức Giêsu Kitô, Đức Chúa (2 Cr 4,5). Họ được sai đi nhân danh Đức Kitô, Lời được chuyển trao cho họ để họ có thể công bố Lời trong việc phục vụ sự hòa giải. Nhờ họ, chính Thiên Chúa khuyên bảo và hoạt động trong Thánh Linh và trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hòa giải thế giới với Ngài (x. 2 Cr 5,20).

III.Diaconia của những cộng sự viên của các tông đồ

Trong các cộng đồng của Phaolô,- cùng thời với hoặc cũng có thể sau thánh Phaolô, thánh Phêrô và mười một Tông Đồ khác (xc. 1 Cr 15,3-5; Gl 2)-, người ta thấy các cộng tác viên trực tiếp của thánh Phaolô trong tác vụ tông đồ (ví dụ, Sylvanô, Timôthê, Titô, Apôlô) cũng như nhiều người thân hữu trong hoạt động tông đồ và phục vụ các Giáo Hội địa phương (2 Cr 8,23); đó là trường hợp của Êpáprôditô (Pl 2,25), Êpápra (Cl 4:12) và Ackhíppô (Cl 4:17), những người được đặt tên là các tôi tớ của Chúa Kitô. Trong lời mở đầu của thư gửi tín hữu Philípphê (khoảng năm 50 Công nguyên), thánh Phaolô gửi một lời chào đặc biệt đến “giám sát và diaconi của họ” (Pl 1,1). Đây hẳn gợi nhớ các tác vụ đang hình thành trong Giáo Hội.

Tất nhiên, các thuật ngữ ám chỉ các tác vụ vẫn chưa được cố định. Ta đọc thấy các proistamenoi (Rm 12,8) “kẻ được đặt làm đầu trong Chúa và khuyên bảo anh em”, và kẻ mà các tín hữu Thessalônica hãy lấy “tình bác ái mà hết lòng tôn kính, vì công việc họ làm” (1 Tx 5,13); ta cũng thấy các nhà lãnh đạo (hegoumenoi), “những kẻ đã loan báo lời của Thiên Chúa cho anh em”; thư gửi tín hữu Hípri thêm: “Hãy vâng phục các nhà lãnh đạo của anh em và hãy ngoan ngoãn đối với họ” (13,7.17; xc. 13,24; xc. 1 Clem 1,3; 21,6); và ta cũng thấy “những kẻ được sai đi” hướng dẫn cộng đoàn (xc. Cv 15,22), các Tông đồ, các ngôn sứ, và thầy dạy (xc. 1 Cr 12,28; Gl 6,6; Cv 13,1; 4,14), và các “người loan báo Tin mừng, hoặc các mục tử và thầy dạy” (Ep 4,11). Thánh Phaolô nói về Stêphanô, Photunatô và Akhaicô như là “hoa quả đầu mùa của xứ Akhaia”, “những kẻ dấn thân vào việc phục vụ các thánh” (1 Cr 16,15); và ông khuyên các tín hữu Côrintô: “Hãy tỏ lòng kính trọng những người như vậy, và những người cùng vất vả cộng tác với họ” (1 Cr 16,16).

Hoạt động được diễn tả trong các hạn từ này chỉ ra các chức danh chính thức sẽ được đúc khuôn về sau. Từ những bản văn này, thật rõ ràng là Giáo Hội sơ khai quy gán sự hình thành của các tác vụ khác nhau cho hoạt động của Chúa Thánh Thần (1 Cr 12,28; Ep 4,11; Cv 20,28) và cho sáng kiến của các Tông Đồ, là những người được sai đi thi hành sứ vụ bởi Đấng Tối cao và Chúa tể của thế giới này, và là những người gắn kết chặt chẽ vai trò của mình trong giữ gìn Giáo Hội với quyền năng mà họ đã nhận được từ Người (Mc 3,13-19; 6,6-13; Mt 28,16-20; Cv 1,15-26; Gl 1,10-24).

Diaconein (phục vụ) được xem như một định nghĩa căn cốt của cuộc sống kitô hữu, được biểu lộ qua nền tảng bí tích của sự hiện hữu Kitô giáo, của việc xây dựng Giáo Hội bằng các đặc sủng, và cũng như của việc các Tông Đồ được sai đi truyền giáo và qua sứ vụ khởi đi từ hoạt động tông đồ, của việc rao giảng Tin Mừng, và của sự thánh hóa và cai quản các Giáo Hội.