Thần Học Về Con Người

Trong bài này, chúng tôi sẽ trình bày 3 điểm: 1/ Quan niệm Kinh thánh về con người. 2/ Lịch sử tư tưởng Tây phương về con người. 3/ Thần học về con người.

0
9179

 

Phan Tấn Thành 

I. Kinh thánh: A. Con người được Thiên Chúa tạo dựng. B. Con người sa ngã và được cứu rỗi. C. Cấu tạo và những mối tương quan của con người.

II. Lịch sử tư tưởng Tây phương: A. Triết học Hy lạp cổ đại. B.Tư tưởng Kitô giáo C. Thời cận đại. D. Công đồng Vaticanô II.

III. Thần học về con người: A. Anthropologia theologica. B. Phẩm giá và quyền lợi của con người.

Phụ lục: “Hình ảnh Thiên Chúa”.

**********************************************

Nếu vị linh mục nào trở lại các chủng viện hay phân khoa thần học sau khi mãn trường cách đây trên 20 năm thì sẽ thấy trong chương trình học có một số môn mà trước đây họ chưa nghe nói tới. Môn “anthropologia” là một trong số những bộ môn đó.

Không dễ gì mà dịch từ ngữ “anthropologia”. Nhiều từ điển Pháp- Việt hoặc Anh-Việt đã dịch là “nhân loại học” hay “nhân chủng học”. Theo nguyên ngữ hy lạp, thì “anthropologia” (anthropos / logos) có nghĩa là môn học về con người (luận bàn về con người). Sở dĩ ở Việt Nam có người dịch là “nhân chủng học” là vì họ giới hạn vào khoa học thực nghiệm về các chủng tộc (các nền văn hóa, các khối ngôn ngữ): còn khi dịch là “nhân loại học” thì các tác giả chú trọng đến vấn đề về nguồn gốc của loài người (loài người từ đâu đến? loài người khác loài khỉ như thế nào?). Thực ra, tiếng “anthropologia” bao quát hơn, nó bao gồm tất cả những bộ môn học về con người, từ chủng tộc, ngôn ngữ, cho tới tâm lý, xã hội. Triết lý và thần học thì nhắm trả lời câu hỏi: con người là gì?

Dĩ nhiên có rất nhiều cách để trả lời cho câu hỏi “con người là gì?”. Một nhà sinh học có thể trả lời rằng con người là một khối tế bào, bắp thịt, cơ thể (mà ta gọi là đầu mình tay chân, cùng với tim gan óc não và ruột, v.v…). Một nhà hóa học có thể trả lời con người là một tổng hợp bởi những khoáng chất (một ít sắt, vôi, than…), pha lẫn với nước. Các triết gia thì có người định nghĩa con người là cây sậy biết suy tưởng, hoặc là con vật có lý trí. Thế còn thần học định nghĩa con người như thế nào?

Trước khi trả lời câu hỏi ấy, thiết tưởng nên lưu ý tới sự chuyển hướng của thần học trong những năm gần đây. Trước đây, người ta cho rằng đối tượng của thần học là Thiên Chúa (théologia: luận về Thiên Chúa). Nhưng do ảnh hưởng của Karl Rahner, một số tác giả đã muốn chuyển hướng; theo họ đối tượng của thần học là con người. Lý do là vì khi mạc khải, Thiên Chúa không nói cho ta biết về bản chất của Ngài cho bằng tỏ cho ta biết kế hoạch của Ngài về con người: nguồn gốc con người, bản tính con người, định mạng của con người. Vì vậy trọng tâm của thần học là con người, chứ không phải là Thiên Chúa.

Dĩ nhiên một chủ trương như vậy đã gây ra rất nhiều tranh luận giữa các nhà thần học. Tuy nhiên, một sự kiện không thể chối cãi là sự chú trọng tới con người trong các tác phẩm thần học cận đại. Có thể nói là công đồng Vaticano II đã dành trọn hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” để trình bày về con người dưới ánh sáng mặc khải Kitô giáo. Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng “con người là lộ trình của Giáo hội” . Việc chú ý tới con người nhằm trả lời cho những thách đố của thời đại hôm nay, do những triết thuyết cũng như những tôn giáo đặt ra. Thực vậy, khi bàn về nguồn gốc của các tôn giáo hoàn cầu, công đồng Vaticano II đã nhận thấy rằng vấn đề tôn giáo được dặt lên khi con người băn khoăn về nguồn gốc và định mạng của chính mình: con người từ đâu tới? chết rồi đi đâu? Ta có thể thấy một thí dụ điển hình từ Phật giáo. Những băn khoăn được đặt ra cho đức Thích Ca chính là những vấn đề hiện sinh của con người: tại sao con người phải khổ? tại sao lại mang tật bệnh, già yếu, chết? Ngoài các tôn giáo cổ truyền, các nền tư tưởng cận đại của Âu Mỹ cũng đặt con người làm chủ đề cho những suy tư của họ; tiếc rằng những suy tư ấy không phải lúc nào cũng đưa lại những giải đáp thỏa đáng, nếu chưa nói là lôi theo những hậu quả tai hại. Ta hãy lấy thuyết tiến hóa làm thí dụ: khi nói rằng loài người bởi loài khỉ mà ra thì có lẽ có người sẽ tủi hổ bởi vì mình không phải là con rồng cháu tiên mà chỉ là con cháu của khỉ đột đười ươi; nhưng bên cạnh cái mặc cảm tự ti đó, lại còn có những hậu quả trầm trọng hơn nhiều. Chính vì nhân danh thuyết tiến hóa như vậy, cho nên các nhà nhân chủng Đức quốc xã đã biện minh cho thuyết diệt chủng, vì phù hợp với định luật thiên nhiên: các chủng tộc kém văn minh cần phải nhường chỗ cho các chủng tộc tiên tiến; và dĩ nhiên chính sách thực dân cũng là một hệ luận chính đáng của thuyết tiến hóa. Một áp dụng khác của thuyết tiến hóa có thể nhận thấy trong ngành phân tâm: theo đó, con người hành động do bản năng thúc đẩy, chứ chẳng có tự do gì: con người bị “thú tính” chi phối nhiều hơn là do “nhân tính”.  Dù dưới nhiều hình thức khác nhau, tư tưởng cận đại của Âu châu đã đặt con người làm trọng tâm của các suy tư của họ; con người tự lập tự quyết, chủ thể của văn hóa và lịch sử. Các vấn đề về con người cần phải được chính con người giải đáp, chứ không được chạy đi hỏi ông trời. theo họ, tôn giáo làm cho con người tha hóa, vong thân.

Chính từ những thách đố đó mà thần học hiện đại đã chứ trọng đến con ngườim, tìm ra những câu trả lời cho những băn khoăn của con người. Đó là lý do vì sao công đồng Vaticano II đã soạn thảo Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, nói về con người, sau khi đã soạn những hiến chế về Mặc khải, về Hội thánh. Một tư tưởng then chốt của học thuyết Kitô giáo về con người là: việc nhìn nhận Thiên Chúa không làm hạ giá con người; ngược lại chính khi quy hướng về Thiên Chúa mà con người khám phá ra phẩm giá của mình, lý do là vì Kinh thánh cho biết con người là hình ảnh của Thiên Chúa.

Từ sau công đồng Vaticanô II, nhất là với đức Gioan Phao-lô II, đề tài “phẩm giá con người” trở thành một đối tượng cho các cuộc đối thoại với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các tôn giáo. Chính vì muốn bênh vực phẩm giá con người mà Giáo hội ra trước diễn đàn quốc tế để tranh đấu cho những quyền lợi của con người; cũng chính vì dựa trên chân lý về con người, mà Giáo hội đã sửa soạn ra học thuyết xã hội. Học thuyết xã hội không nhằm đề cao một chủ nghĩa kinh tế hay chính trị nào, không nhằm đề cao một đảng phái hay chính sách nào; nhưng muốn trình bày những yêu sách của con người sống trong xã hội, và từ đó phê phán những điều kiện trái ngược với các yêu sách đó.

“Nói đến con người tức là nói đến mỗi người, bởi vì mỗi người được bao hàm trong mầu nhiệm cứu độ và đức Kitô được liên kết với mỗi người vĩnh viễn qua mầu nhiệm này. Con người như được Thiên Chúa chọn lựa, như được Thiên Chúa kêu gọi, tiền định cho ân sủng và vinh quang… Đó là con người cụ thể nhất, hiện thực nhất, được gắn liền với Đức Giêsu Kitô, với tất cả mầu nhiệm trọn vẹn của mình. Đó là mầu nhiệm của mỗi người từ lúc được thụ thai trong lòng mẹ… Con người có một lịch sử riêng của cuộc sống mình và nhất là có một lịch sử riêng của linh hồn mình. Là một hữu thể độc nhất vô nhị, nhưng không vì thế con người đóng khung trong chính mình; trái lại nó là một hữu thể có xã hội tính, nghĩa là sống với, liên hệ với, cộng tác với, đối thoại với, thông hiệp với người khác; từ lúc mới được tạo thành đến hơi thở cuối cùng, hiện hữu của con người là một hiện hữu liên đới. Cô đơn là một trong những thử thách nhất của con người”(Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp đấng Cứu Chuộc Con người, số 14).

Trong bài này, chúng tôi sẽ trình bày 3 điểm: 1/ Quan niệm Kinh thánh về con người. 2/ Lịch sử tư tưởng Tây phương về con người. 3/ Thần học về con người.

I. Quan niệm Kinh Thánh về con người

Kinh thánh đã dành một chỗ rất quan trọng cho con người, xét vì lời Chúa mặc khải không những là hướng tới con người mà còn dành cho con người. Thực vậy, khi mặc khải, Thiên Chúa không nhắm biểu thị sự oai phong lẫm liệt của mình nhưng là muốn bày tỏ cho con người biết kế hoạch mà Ngài đã dành cho con người. Nói khác đi, Kinh thánh muốn ghi lại cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với con người, về kế hoạch cứu rỗi dành cho con người.

Hiểu như vậy, ta đừng mong tìm trong Kinh thánh những thiên bàn về con người dưới khía cạnh tâm lý, sinh học, vật lý hoặc lịch sử cổ đại, vì lẽ đó không phải là nhãn giới của Kinh thánh. Nhãn giới chính của Kinh thánh là con người xét trong lịch sử cứu rỗi của Thiên Chúa; chỉ một cách gián tiếp, chúng ta có thể khám phá ra những quan niệm về sự cấu tạo của con người. Có nhiều cách thức để khảo sát quan điểm của Kinh thánh về con người (thí dụ rảo qua các sách từ Cựu ước sang Tân ước). Chúng tôi xin tóm lại ba đề tài như sau: 1/Con người được Thiên Chúa tạo dựng. 2/ Con người sa ngã và được cứu rỗi. 3/ Sự cấu tạo con người, và những tương quan với tha nhân và vũ trụ.

A. Con người được Thiên Chúa tạo dựng

Những trang đầu tiên của Kinh thánh đã thuật lại cho ta sự tạo dựng vũ trụ và con người. Trong quá khứ, đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận giữa thần học với khoa học thực nghiệm bởi vì những trình thuật về sự tạo dựng của Kinh thánh không phù hợp với những dữ kiện của khoa học thực nghiệm. Thực ra, lý do gây ra những cuộc tranh luận ấy phần nào tại vì người ta cho rằng Kinh thánh là một quyển từ điển bách khoa, trong đó nhà vật lý, thiên văn và cổ sử đều có thể tìm chìa khóa cho sự khảo cứu của mình; nhưng với sự tiến triển của khoa chú giải Kinh thánh, chúng ta biết rằng văn thể và chủ đích của Sách Sáng thế không giống như một tác phẩm khoa học thực nghiệm. Hơn thế nữa, đa số các nhà chú giải Kinh thánh ghi nhận rằng, khác với các triết gia Hy lạp, người Do thái không băn khoăn lắm về nguồn gốc của vũ trụ. Thực vậy, niềm tin về Thiên Chúa tạo dựng được chín mùi sau niềm tin về Thiên Chúa cứu rỗi. Tiên vàn người Do thái có cảm nghiệm về Thiên Chúa như là Đấng đã giải phóng khỏi cảnh nô lệ Ai cập, Đấng đã thiết lập giao ước với họ, cam kết sẽ che chở bảo vệ họ. Nhưng lòng tin ấy bị thử thách và bị lung lay khi dân Do thái bị mất nước, phải lưu đày sang Babilon. Một số các tín hữu bị khủng hoảng đức tin, và tự hỏi: phải chăng Chúa đã bỏ rơi chúng ta? Các ngôn sứ trả lời: Chúa không có bỏ rơi Israel đâu; Ngài sẽ can thiệp để cứu dân lần nữa! Và để củng cố lòng tin của Israel, ngôn sứ đã viện dẫn quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa: nếu Ngài đã dùng lời quyền năng để tạo dựng vạn vật từ hư vô, thì cái chuyện giải phóng dân tộc có khó gì? Nói khác đi, những trình thuật về sự tạo dựng được viết lên không phải để thỏa mãn sự tò mò của lý trí muốn biết về nguồn gốc của vạn vật, nhưng nhằm chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa không những chỉ bày tỏ tình yêu vào lúc giải phóng Israel khỏi cảnh nô lệ hay khi kết ước với dân trên núi Sinai; Ngài đã bày tỏ tình yêu của Ngài ngay từ buổi đầu khi tạo dựng vạn vật, ban đổ xuống cho chúng bao nhiêu hồng ân. Sự tạo dựng là nền tảng và khởi điểm của giao ước tình yêu dành cho vạn vật và nhân loại. Hiểu như vậy, những trình thuật của Kinh thánh nói về sự tạo dựng cần được được đọc dưới nhãn giới của giao ước, chứ không phải dưới nhãn giới của khoa cổ-đại-học. Khi nói rằng con người được Thiên Chúa tạo dựng, Kinh thánh muốn nói lên tất cả sự cao cả lẫn giới hạn của con người. Một đàng là sự cao cả của con người: bởi vì nó được Chúa yêu thương, nhào nặn ra theo hình ảnh của chính Ngài. Đàng khác, Kinh thánh cũng cho thấy giới hạn của con người: ngày nào mà nó muốn tự trị, gạt Thiên Chúa ra thì nó sẽ tự hủy diệt, bởi vì nó cắt đi nguồn sống và rồi sẽ quay ra tàn sát chém giết lẫn nhau. Chân lý được diễn tả qua những hình ảnh khác nhau, do những ngòi bút khác nhau, từ những chương đầu của sách Sáng thế cho tới những trang của Tân ước.

1. Ba chương đầu của Sách Sáng thế.

Các nhà chú giải Kinh thánh đã phân biệt hai ngòi bút khác nhau trong ba chương đầu của sách Sáng thế: một tác giả (quen gọi là nguồn Giavista bởi vì dùng danh Giavê để gọi Thiên Chúa, sống vào thời của vua Đavit) đã viết ra chương 2 và 3, chú trọng tới con người; một tác giả khác (quen gọi là nguồn tư tế) chịu trách nhiệm về chương 1.

– Tác giả của chương 2 và chương 3 không chú trọng tới vấn đề tạo dựng con người cho bằng sự đối chiếu giữa hai tình trạng khác biệt nhau: một bên là tình trạng rạng rỡ khi con người vừa mới đựơc Đấng Tạo hóa nhào nặn, sánh với tình trạng khốn nạn ngày nay. Căn cớ gây ra thảm cảnh hiện tại là tội lỗi, tức là sự phản loạn chống lại Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn cho con người được hạnh phúc, đã muốn nâng cao con người vượt lên trên các loài sinh vật hư nát khác (Ngài đã thổi thần khí, sức sống vào con người), nhưng con người đã muốn tự lập, cắt đứt khỏi mạch sống ấy, vì vậy mà phải chuốc lấy những đau khổ lam lũ. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi con người, nhưng đã hứa sẽ ban ơn cứu rỗi cho nó.

– Tác giả của chương 1 thì mô tả công trình tạo dựng với sắc thái hùng vĩ hơn. Trình thuật tạo dựng trong chương 1 với văn thể của bài ca phụng vụ, đưa cặp mắt rảo qua các cảnh vật bao quanh con người (tinh tú, núi non sông hồ, động vật) để rồi dừng lại nơi công trình tuyệt tác nhất, đó là con người, được gọi là “hình ảnh của Thiên Chúa”. Con người được dựng nên có đôi lứa nam nữ, trổi vượt lên trên hết các loài động vật và thảo mộc. Tất cả phẩm giá của con người được gói ghém trong từ ngữ “hình ảnh của Thiên Chúa”. Nó nói lên khả năng hướng thượng, đối thoại với Đấng Tạo hóa; nó cũng nói lên sự thông hiệp giữa loài người với nhau, cách riêng trong sự thông hiệp giữa nam nữ. Trong khi mà các xã hội cổ truyền trọng nam khinh nữ, thì chương 1 của sách sáng thế cho thấy rằng không có phái nào vượt lên trên phái nào, mà là cả hai cần bổ túc cho nhau để họp thành hình ảnh của Thiên Chúa. Một điểm khác cũng được gói ghém trong chương này là sự liên đới của con người với vũ trụ, bởi vì con người được ủy thác việc trông nom chăm sóc nó. Dĩ nhiên một ý tưởng khác không kém phần quan trọng là tự do và trách nhiệm của con người. Từ ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” sẽ còn được lặp lại trong các tác phẩm khác của Kinh thánh để nhấn mạnh tới phẩm giá cao quý của con người (thí dụ: sách Sáng thế 5,3; 9,6; Khôn ngoan 2,23-24; Huấn giáo 17,1-4).

– Dù sao, khi tổng hợp lại ba chương đầu của sách Sáng thế, ta thấy rằng con người được lồng trong ba mối liên hệ: với Thiên Chúa, với tha nhân, với vũ trụ. Con người sẽ đựơc hạnh phúc nếu biết duy trì sự hòa hợp với ba mối dây đó. Tiếc rằng, do tội lỗi chống lại Thiên Chúa, mối liên lạc với Thiên Chúa bị cắt đứt, đưa tới sự rối loạn cho cả những mối liên lạc kia.

2. Nguồn gốc và vận mạng của con người

Vấn đề nguồn gốc và định mạng của con người không phải chỉ được đề cập tới trong ba chương đầu của Sách Sáng thế. Trong Cựu ước, bên cạnh các bộ sách Lịch sử, ta còn thấy bộ sách Khôn ngoan, trong đó các tác giả không những dạy cho ta biết cách cư xử trên đời, nhưng còn suy tư về nguồn gốc thân phận con người: tại sao có đau khổ? tại sao con người phải chết? làm thế nào để được hạnh phúc? Các nhà chú giải càng ngày càng để ý đến những đoạn sách này, không những vì có thể giúp cho việc đối thoại với các nền văn hóa Đông phương, nhưng cũng để đào sâu hơn khái niệm về mặc khải. Thực vậy, Thiên Chúa không những chỉ mặc khải qua những lần can thiệp vào lịch sử, nhưng Ngài còn dùng con đưòng của những suy tư cảm nghiệm của nhân loại. Khi đi vào nội dung tư tưởng của các sách Khôn ngoan, ta thấy có hai khuynh hướng: lạc quan và bi quan. Tiêu biểu của khuynh hướng lạc quan là sách Châm ngôn. Theo tác giả, ta có thể đạt được hạnh phúc ở đời này nếu ta biết lắng nghe và thực hành lời khuyên của thánh hiền: ai mà ăn ở khôn ngoan đức độ thì sẽ được may mắn thành công. Đối lại, khuynh hướng bi quan muốn mở mắt cho ta thấy rằng sự thực không đơn giản như thế: biết bao nhiêu người lành đã gặp hoạn nạn, còn quân ác ôn thì giàu sang phú quý. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là sách Giảng viên, mà ta thấy lắm lúc xem ra chán chường tuyệt vọng, coi cuộc đời hầu như vô nghĩa. Thực ra cả hai tác giả chỉ nhìn tới cuộc sống ở đời này mà thôi. Sách Khôn ngoan đã mời ta hãy mở rộng tầm nhãn giới, nhìn tới sự sống bất diệt: sau khi chết rồi, con người còn có cuộc sống bất tử. Tác giả của Sách Khôn ngoan còn du nhập thêm một tư tưởng khác gây niềm hy vọng cho con người, đó là Thiên Chúa đã dựng nên và cai quản vũ trụ này do thượng trí khôn ngoan, và Ngài yêu thương tất cả những tạo vật do mình làm nên (11,24-26). Tân ước sẽ khai triển những đề tài đó. Thánh Phaolô và thánh Gioan đồng hóa đức Kitô với Lời tạo dựng của Sách Sáng thế hay Thượng trí của Sách Khôn ngoan (1 Cr 1,24; Cl 1,15-17; Dt 1,3; Ga 1,1 tt). Chúa Giêsu trong Phúc âm cũng cho ta thăy Thiên Chúa là người cha quan phòng từ sợi tóc của ta.

B. Tội lỗi và ơn cứu độ. 

Tác giả của chương 2 và chương 3 của sách Sáng thế không quan tâm tới nguồn gốc của con người cho bằng tới lý do vì sao mà con người phải khổ sở như thế này. Tác giả nói rằng tại vì con người đã phạm tội, khởi loạn với Thiên Chúa. Thực ra, thực trạng tội lỗi không phải chỉ xuất hiện vào hồi khởi nguyên của nhân loại; những chương kế tiếp của Sách Sáng thế cho thấy cả một chuỗi những lần con người phản loạn ch–ng lại Thiên Chúa, khi thù ghét chém giết lẫn nhau (thí dụ như Cain với Abel, chương 4), chung chạ phái tính (chương 6), kiêu căng ngạo mạn (tháp Babel chương 11), với những hậu quả thiệt hại mà chính con người phải hứng chịu. Mặt khác, tác giả Sách thánh cũng cho thấy rằng Thiên Chúa không ngừng giang tay cứu vớt con người: kể cả khi phạt loài người với lụt Hồng thủy, Thiên Chúa vẫn cứu vớt gia đình Noe; sau cơn lụt, Ngài hứa sẽ không bao giờ hủy hoại tạo vật nữa; qua các tổ phụ Noe và Abraham, Thiên Chúa đã chúc phúc hết mọi dân tộc trên mặt đất.

Bởi thế trong Kinh thánh, ta thăy tội lỗi và ân sủng song hành với nhau. Một đàng là tội lỗi lan tràn khắp mặt đất, thậm chí đâm rễ vào trong con tim của con người cho đến nỗi thánh vịnh 51 nói rằng con người đã sinh ra trong tội. Nhưng đồng thơi, tiềm năng của ân sủng cứu độ cũng không kém phần phổ quát. Sứ ngôn Edêkiel (36,26) và Giêrêmia (31,31-34) đã loan báo thời đại mà tim đá của con người sẽ được biến thành tim mới, nhậy cảm với Thiên Chúa.

Dĩ nhiên Tân ước sẽ nói nhiều hơn nữa tới tác dụng phổ quát của ơn cứu rỗi đến nỗi có thể nói tới một tạo dựng mới. Sự tạo dựng mới diễn ra nhơ đức Kitô. Đức Kitô chính là con người lý tưởng bởi vì Ngài là hình ảnh nguyên tuyền của Thiên Chúa, khôi phục lại hình ảnh mà nguyên tổ đã làm méo mó. Đề tài về đức Kitô là “hình ảnh của Thiên Chúa”, “Ađam mới”, “con người mới” được thánh Phaolô trình bày ở Côlôxê 1,15-20; 1 Côrintô 15,45-49. “Con người mới” là con người sống theo thần khí của đức Kitô, nghĩa là mở rộng tới tình yêu, trao hiến, thông hiệp, đối lại với “con người cũ”, của xác thịt, khép mình trong ích kỷ. Việc đối chiếu giữa con người cũ với con người mới đã đưa Phaolô tới việc đối chiếu giữa điều kiện của nhân loại trước và sau đức Kitô, nghĩa là đối chọi giữa Ađam (nguyên tổ của nhân loại sa đọa) với đức Kitô (nguyên thủ của nhân loại được tái tạo). Phaolô đã nhận thấy rằng sau khi Ađam phạm tội, thì tội lỗi và sự chết đã lẻn vào và bành trướng khắp thế giới, chế ngự trên cả nhân loại. Thế nhưng, sự phổ quát của tội lỗi và sự chết đã bị lật ngược do sự chiến thắng phổ quát của đức Kitô trên tội lỗi và sự chết: đâu mà tội lỗi lan tràn thì ở đấy ơn thánh lại càng dào dạt. Tất cả đạo lý về ảnh hưởng phổ quát của tội lỗi và ơn thánh được Phaolô mô tả trong thư gửi Rôma, đặc biệt trong chương 5. Trong quá khứ, nhiều người chỉ chú trọng đến khía cạnh tiêu cực của nó (đạo lý về tội nguyên tổ); nhưng ngày nay các nhà chú giải chú trọng tới khía cạnh tích cực của nó nhiều hơn (ơn công chính được ban nhưng không cho hết mọi người).

C. Sự cấu tạo của con người 

Thánh Phao-lô đã đối chiếu tình trạng của con người cũ với con người mới qua những từ ngữ: sống theo “xác thịt” và sống theo “thần khí” (hay: tinh thần), nghĩa là sống theo ích kỷ tội lỗi hay là sống theo bác ái vị tha. Sự đối chọi này đưa chúng ta sang một đề tài mới về sự cấu tạo của con người. Kinh thánh không trình bày cho ta một bài học về cấu tạo siêu hình hay tâm lý về con người, theo kiểu như các triết gia Hy lạp nói sự cấu tạo con người bởi tinh thần và vật chất (hồn / xác; mô hình / chất thể). Kinh thánh nhìn con người như một toàn bộ duy nhất, nhưng mà cái toàn bộ ấy có nhiều mối tương quan. Nhằm vạch ra các chiều kích và tương quan của con người mà Kinh thánh nói tới: linh hồn, thân xác và tinh thần nơi con người. Trong đoạn sách thánh của giờ kinh tối ngày thứ 5, chúng ta đọc thấy như sau: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn …” (1Tx 5,23). Thánh Phaolô không có ý nói rằng con người gồm có ba phần, mà là có ba khía cạnh: “thần trí” ám chỉ mối tương quan với Thiên Chúa, “tâm hồn” nói lên con người là sinh vật, còn “thân xác” vừa nói lên tính cách dòn mỏng của con người, vừa nói tới mối tương giao với tha nhân và vũ trụ. Chúng ta hãy điểm qua những yếu tố vừa nói.

1. Linh hồn.

Nguyên gốc Do thái là nefes, được dịch ra tiếng Hy lạp là “psyché” và tiếng Latinh là “anima“. Lúc đầu nó chỉ có nghĩa là sự sống (St 2,7), chung cho cả con người lẫn thú vật. Dần dần nó được dành riêng để chỉ cái sức sống thuần túy của con người. Khác với động vật, sự sống nơi con người bao hàm ý thức về chủ thể và hành động: do đó khi sách Đệ nhị luật 6,5 truyền con người hãy yêu mến Thiên Chúa “hết linh hồn” thì có nghĩa là hãy yêu mến với tất cả khả năng nội tại của mình. Như vậy “linh hồn” không phải là cái phần thiêng liêng, tách rơi khỏi thân xác, nhưng là tất cả con người xét như là một thực thể sống động có ý thức và tình cảm. Ta thấy cái ý nghĩa này còn được dùng trong Tân ước, thí dụ khi đức Maria xướng lên bài ca: “linh hồn tôi tán dương Thiên Chúa” (hồn hiểu là toàn thể ý thức tâm tư sống động); hoặc khi Chúa Giêsu nói rằng được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích chi (hồn hiểu là mạng sống). Hồn (cũng như hơi thở) là biểu thị cho sức sống; khi mà hềt thở, hết hồn thì con người chết.

Xét về thân phận sau khi chết, thì ta nhận thấy có sự tiến triển rất nhiều trong mạc khải: trong các chặng đầu của Cựu ước, người ta quan niệm rằng sau khi chết con người xuống cõi âm ti; tuy không phải là bị tiêu diệt hẳn, nhưng kiếp sống ở âm ti chỉ có tính cách thoi thóp, không đáng gọi là sống. – Mãi về cuối thời Cựu ước (do ảnh hưởng của tư tưởng Hy lạp) sách Khôn ngoan mới nói tới hồn thiêng bất tử, còn xác thì trở về bụi tro. Đồng thời cũng vào giai đoạn này, với sách Đaniel và Maccabêô, thì mới có mặc khải về sự sống lại cả hồn xác. Tân ước sẽ nói rõ hơn về sự sống lại của con người, nhờ sự phục sinh của đức Kitô.

2. Thân xác

Nguyên gốc Do thái là “basar“, dịch ra Hy lạp là “sarx” và Latinh là “caro“. Nếu muốn dịch cho sát thì phải nói là: thịt, xác thịt, thể xác, nhục thể (Pháp: chair; Anh: flesh). Tiếng này mang hai ý nghĩa:

a/ Một đàng “xác thịt” nói lên tính cách mỏng dòn yếu ớt của thân phận con người, tựa như gió thoảng qua (Tv 72) hay hoa chóng tàn (Is 40,7). Theo nghĩa này, mà Phúc âm thánh Gioan 1,4 nói tới việc “Ngôi Lời đã trở thành xác thể” (Verbum caro factum est): có nghĩa Thiên Chúa đã trở thành con người mỏng dòn (chứ không có nghĩa là mặc lấy cái xác như là quàng áo khoác). Cũng trong bối cảnh đó, mà Kinh thánh thường hay đối chọi xác thịt với tinh thần (thí dụ Is 31,3; Ga 6,63; Mt 26,41): một đàng là xác thịt, nghĩa là bản chất yếu đuối dòn mỏng của con người; đàng kia là tinh thần, nghĩa là quyền năng sức mạnh của Thiên Chúa. Thánh Phaolô thì coi xác thịt như là biểu tượng cho tội lỗi, ích kỷ, và do đó không mấy thiện cảm; vì thế để nói lên thực thể hữu hạn thì thánh Phaolo dùng tiếng “thân thể” (soma, corpus; Pháp: corps; Anh: body). Cái thân thể này ngày kia sẽ được sống lại.

b/ Ngoài ý nghĩa mỏng dòn, “xác thịt” (hay thân thể) cũng còn bao hàm ý nghĩa tương quan với tha nhân và với thế giới. Thí dụ khi Ađam nói với Eva: “đây là thịt bởi thịt tôi” (St 2,23), và đàn ông với đàn bà hợp nhau thành một thịt. (Có lẽ cũng tựa như tiếng Việt nói tới họ hàng ruột thịt để chỉ tương quan gần gũi).

3. Tinh thần

Trong tiếng Do thái là “ruah“, tiếng Hy lạp là “pneuma“, tiếng Latinh là “spiritus“, (Pháp: esprit; Anh: spirit) có thể dịch là: khí, gió, thần khí, sinh khí, tinh thần… tùy theo mạch văn. Nói chung, con người không phải chỉ là “hồn” (nghĩa là mang sức sống và có ý thức), con người không phải chỉ là “xác thịt” (nghĩa là có tương giao với tha nhân và vũ trụ), nhưng con người còn là “tinh thần” nừa, nghĩa là con người còn có tương giao hướng thượng với Thiên Chúa. Chính qua cái tinh thần (thần khí) mà con người liên lạc với Chúa, hay nói đúng hơn, Thiên Chúa đã ban thần khí cho con người để cho con người được sống viên mãn, thánh thiện. Như đã thấy trên đây, thánh Phaolo đã mô tả con người mới như là “con người tinh thần” (con người thần khí), con người để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt, ngõ hầu có thể sống tự do để phục vụ Ngài và phục vụ tha nhân (Roma chương 8). Đối lại là “con người xác thịt, ích kỷ đi tới chỗ chết.

Tóm lại, Kinh thánh không nói tới sự cấu tạo siêu hình và tâm lý của con người, cho bằng cơ cấu luân lý đạo đức của nó. Kinh thánh giả thiết rằng con người có tự do và trách nhiệm: vận mạng của con người tùy thuộc sự sử dụng tự do đó. Cũng như tiếng Việt nói tới “lương tri” hay “lương tâm” như là cơ quan đầu não nơi mà con người quyết định và hành động, thì Kinh thánh cũng hay dùng hình ảnh “con tim” (karđía: tâm lòng, thâm tâm) để ám chỉ thâm cung kín đáo nhất của con người, nơi mà con người rút về để cân nhắc, tính toán mình-với-mình hay là để gặp gỡ Thiên Chúa (Rm 10,6; Mt 5,28; 12,34; Rm 2,15; Ep 3,17).

Để kết luận, thiết tưởng cũng nên thêm rằng khi trở về với nguồn Kinh thánh để tìm hiểu về con người, thần học hiện đại cũng chú trọng hơn tới vai trò của đức Kitô: đức Kitô không phải chỉ được nhìn dưới nhãn giới của Ngôi Lời nhập thể, nhưng đức Kitô là con người tuyệt hảo nhất; nơi đức Kitô “hình ảnh Thiên Chúa” được phản ánh sáng ngời rực rỡ nhất (2Cr 4; Cl 1,25 tt; 1Cr 8,6). Người là “Ađam mới”, nghĩa là khuôn mẫu của con người mới (Rm 5,12-21; 1Cr 15,45-49). Những điều suy niệm này đã được công đồng Vaticano II đặt ở cuối mỗi chương của Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, nhưng có lẽ được chú ý hơn từ khi đức Gioan Phaolo II viết thông điệp “Đấng Cứu chuộc Con người” (Redemptor hominis), chẳng hạn khi nói rằng: đức Kitô đã mặc khải con người cho con người; đức Kitô đã công bố chân lý về con người; ai càng nên giống đức Kitô thì càng trở nên người hơn.

II. Lịch sử tư tưởng Tây phương về con người

Khi trình bày về con người, Kinh thánh không có chủ ý cống hiến cho ta một thiên tâm lý học hay siêu hình học về con người; nhãn giới riêng biệt của Kinh thánh là con người nhìn trong tương quan với Thiên Chúa. Những khía cạnh khác được bổ túc nhờ cuộc tiếp xúc của các giáo phụ và thần học với triết học Hy-lạp và tư tưởng cận đại.

Chúng ta hãy theo dõi lịch sử vấn đề trải qua ba thời kỳ: 1/ triết học Hy lạp cổ đại; 2/ thần học Kitô giáo thời giáo phụ và trung cổ; 3/ tư tưởng cận đại. Ở mỗi thời kỳ, con người được nhìn trong một bối cảnh riêng biệt: các triết gia Hy lạp nghiên cứu con người trên chân trời của vũ trụ (cosmocentric); thần học Kitô giáo tìm hiểu con người trong tương quan với Thiên Chúa (theocentric); vào thời cận đại, con người được đặt làm trung tâm và tiêu chuẩn để luận về con người (anthropocentric).

A. Triết học Hy lạp cổ đại

Nói chung, các triết gia cổ điển Hy lạp tìm hiểu bản tính khách thể của vạn vật (hữu-thể-luận, ontologia): nguyên nhân, cách cấu tạo của vạn vật. Nhìn trong tổng thể của vũ trụ, con người được coi như là một “tiểu vũ trụ” (micros kosmos, thuật ngữ do ông Democritus đặt ra hồi thế kỷ V trước CN). Con người là một thành phần của vũ trụ, quy tụ các cấp độ của sự hiện hữu và sinh tồn của vạn vật.

Khi bàn về con người, các triết gia cổ điển Hy lạp lưu ý cách riêng đến yếu tố cao quý nhất, tức là linh hồn. Chủ đề nghiên cứu không chỉ dừng lại ở chỗ phân tích các hoạt động của linh hồn, nhưng còn liên kết với các câu hỏi về nguồn gốc và cứu cánh của nó nữa.

1/ Thực vậy, chúng ta đã thấy nơi các triết gia Hy lạp cổ đại những lý thuyết bàn về nguồn gốc con người (hay nói đúng hơn, về nguồn gốc linh hồn). Linh hồn bắt nguồn từ thế giới thần linh, nhưng rồi bị đày đoạ xuống trần gian và bị nhốt trong thân xác như trong trại giam để đền tội; linh hồn trông mong được trở về thiên giới. Như vậy, họ chủ trương rằng nơi con người có hai yếu tố biệt lập (“linh hồn” và “thân xác”); đồng thời họ cũng nhìn nhận rằng con người chịu trách nhiệm về hành vi của mình (công tội, kèm theo thưởng phạt). Linh hồn làm nên yếu tố cao quý nhất của con người, vượt xa các hữu thể khác trong vũ trụ.

Đi sâu hơn nữa, ông Heraclitus (k.540-480 trước CN) cho rằng phẩm giá cao quý của con người nằm ở khả năng nắm bắt được “Lý” (Logos), khám phá ý nghĩa và định luật của vũ trụ. Ông Parmenides (sinh 515 trước CN) cũng chủ trương rằng đặc trưng nổi bật của con người ở chỗ biết suy tư, nghĩa là biết nhìn xuyên qua những hiện tượng biến chuyển của vạn vật để nhận biết sự thật.

Đến đây, trường phái ngụy biện (sophismus) nêu lên vấn nạn: con người có khả năng biết sự thật không? Sự thật nằm ở đâu: bên trong hay bên ngoài con người? Ta phải cư xử theo nguyên tắc khách quan bên ngoài, hay là ta có thể tự đặt cho mình nguyên tắc hành động? Ông Socrates (k.470-399) trả lời rằng con người có khả năng tìm ra chân lý, nhờ lý trí của mình và nhờ mối dây ràng buộc với chân lý vĩnh hằng và phổ quát.

2/ Nơi hai triết gia Platon và Aristote, chúng ta tìm thấy những khảo luận hệ thống và mạch lạc về con người, hay nói đúng hơn, về linh hồn. Thực vậy, theo ông Platon (427-347), linh hồn mới thật là cái tinh hoa của con người. Linh hồn là thành phần của thế giới ý tưởng (thế giới tinh thần). Linh hồn mang tính bất tử. Linh hồn trở nên hoàn thiện tùy theo mức độ thoát ly khỏi thế giới vật chất.

Ông Aristote (384-322), với khảo luận nổi tiếng Peri Psychês (De anima), cũng chủ trương rằng con người gồm có linh hồn và thể xác; và lý trí là phần cao quý nhất của linh hồn. Tuy nhiên, khác với ông Platon, ông Aristote nhìn nhận rằng thân xác cũng là thành phần nòng cốt của con người. Linh hồn và thân xác kết hợp với nhau tựa như là “mô hình” (forma) và “chất thể” (materia) cấu thành một “bản thể” (unio substantialis), một cá thể hiện hữu độc lập với các hữu thể khác.

3/ Ngoài ra nên lưu ý đến một đặc tính của tư tưởng Hy lạp cổ điển là con người bị ràng buộc bởi luật tất yếu (anarkhê) và định mệnh (moira). Con người dùng lý trí để khám phá những định luật phổ quát ấy, nhưng không thể làm cách nào để làm thay đổi chúng. Nói cách khác, các khái niệm “tự do” và “lịch sử” không phải là những đề tài chủ chốt của triết học Hy lạp.

B. Tư tưởng Kitô giáo

So sánh với các triết gia Hy lạp, ta nhận thấy rằng Kinh thánh không có những khảo luận hệ thống về bản chất và các khả năng của linh hồn. Đối lại, Kinh thánh bàn về con người trong tương quan với Thiên Chúa: con người được Thiên Chúa tạo dựng, được kêu mời sống thân mật với Thiên Chúa. Hơn nữa, Kinh thánh còn trình bày chiều kích lịch sử của mối tương quan đó: ngay từ đầu, mối tương quan đã bị sứt mẻ do quyết định tự do của con người không muốn phục tùng Đấng Tạo hóa. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã tìm hết mọi phương thế để gần gũi con người.

1/ Các giáo phụ

Trong công cuộc rao giảng Tin mừng cho văn hóa Hy lạp, các giáo phụ đã tìm cách kết hợp và bổ sung giữa hai quan điểm khác nhau về con người và vũ trụ. Vũ trụ của văn hóa Hy lạp mang tính cách khép kín, theo nghĩa là nó cố gắng tìm ra các lý lẽ giải thích lý do sự hiện hữu của vũ trụ và con người ở trong bản chất nội tại của nó. Trong khung cảnh đó, Thượng đế chỉ là một ý tưởng trừu tượng, không có ảnh hưởng gì tới hoạt động của con người. Vũ trụ này được điều hành do một cái Lý phổ quát (Logos), và con người cần phải biết khám phá ra cái Lý của vũ trụ, bởi vì con người phản ánh tiểu vũ trụ.

Trong những thế kỷ đầu tiên, thái độ của các Kitô hữu đối với văn hóa Hy lạp có thể phân làm ba khuynh hướng: a/ một nhóm thiểu số đã tẩy chay văn hóa xem ra vô thần ấy; b/ một khuynh hướng khác đã bị văn hóa ấy đè bẹp, gây ra lạc giáo mang danh là “ngộ đạo” (gnosticismus) chủ trương rằng sự cứu rỗi hệ tại sự “hiểu biết” (gnosis) mầu nhiệm mà con người có thể đạt tới; c/ một khuynh hướng thứ ba chấp nhận đối thoại với tư tưởng Hy lạp, với những rủi ro của nó. Tiêu biểu của nhóm này là các giáo phụ ở Alexandria, chẳng hạn như ông Clêmentê (k.150 – k.212) cố gắng giải thích cái Lý (Logos) của các nhà triết học Hy lạp theo nghĩa là Đức Kitô “Lời” (Logos) tạo dựng và nhập thể mà thánh Gioan tông đồ nói tới. Tưởng cũng nên biết là khi nói đến tư tưởng Hy lạp vào thời giáo phụ, thì phần lớn theo tư tưởng của ông Platon. Nhiều giáo phụ vô tình đã bị quyến rũ bởi thuyết Platon, theo đó chỉ có linh hồn mới đáng giá, còn thân xác chỉ là cái tù ngục vật chất hèn hạ mà linh hồn cần phải thoát ly. Dù sao, ảnh hưởng quan trọng nhất của triết học Hy lạp đối với các giáo phụ là quan niệm về hai yếu tố căn bản cấu thành con người: “hồn thiêng” bất tử, khác với “thân xác” vật chất. Nên biết là trong văn hóa Do thái, con người được quan niệm như là một toàn bộ duy nhất: “khí, hồn, xác” là ba chiều kích chứ không phải là ba yếu tố hợp thành con người .

Chúng ta hãy điểm qua vài chủ đề của các giáo phụ bàn về con người: con người là hình ảnh Thiên Chúa; con người trong lịch sử cứu rỗi.

a) Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Có thể coi đây như là chân lý nền tảng của Kitô giáo về phẩm giá con người. Phải hiểu “hình ảnh Thiên Chúa” như thế nào? Các giáo phụ đưa ra nhiều lối giải thích. Trường phái Alexandria cho rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa bởi vì nó có trí tuệ; cái hình ảnh được in vào trong linh hồn. Thánh Augustinô giải thích rằng con người phản ánh sự thông hiệp của Ba ngôi Thiên Chúa nơi ba quan năng nội tại: ký ức, trí tuệ và ý chí (hoặc: mens, notitia, amor). Còn thánh Irênêô và ông Tertullianô chủ trương rằng con người là hình ảnh của Thiên Chúa xét vì nó giống với Đức Kitô, hình ảnh của Thiên Chúa, Ngôi Lời làm người. Tuy nhiên, các giáo phụ cũng không quên rằng hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người không còn được nguyên tuyền trong sáng nữa, nhưng đã bị rách nát mờ đục sau khi phạm tội.

b) Con người trong lịch sử cứu rỗi. Bởi vì chịu ảnh hưởng của triết học Hy lạp thiên về lý luận bản thể siêu hình hơn là lịch sử tính, cho nên các giáo phụ không quan tâm lắm đến chiều kích lịch sử của con người. Tuy nhiên các ngài không thể nào bỏ qua lịch sử cứu rỗi nằm trong mạc khải Kinh thánh: bản tính con người không trơ trơ bất biến như hồi tạo dựng, nhưng nó đã bị thương tổn vì tội lỗi và nó đã được Đức Kitô cứu chuộc. Nói chung, khi bàn về thần học lịch sử cứu rỗi, ta thấy hai khuynh hướng khác nhau nơi các giáo phụ Đông phương và Tây phương. Khuynh hướng thần học Đông phương chú trọng tới khía cạnh tích cực, theo nghĩa là họ nhìn con người được thần-linh-hóa (divinisatio) nhờ ân sủng. Bên Tây phương, do ảnh hưởng của thánh Augustinô (334-430), người ta để ý tới khía cạnh tiêu cực, nghĩa là tội lỗi với những thương tích gây ra cho sinh hoạt tâm linh. Nhằm đề cao sự cần thiết của ân sủng, Augustinô đã trình bày cái nhìn bi đát về khả năng tự do của con người, vừa bị xâu xé bởi những đam mê dục vọng vừa bị đè nặng bởi tội nguyên tổ nữa. Tuy nhiên Augustinô không dừng lại ở chỗ đó: tình trạng tội lỗi càng đen tối bao nhiêu thì ảnh hưởng của ân sủng lại càng nổi bật bấy nhiêu; ân sủng đã tái tạo con người, giúp cho nó sống thực nhân tính của mình.

c) Dĩ nhiên, dù sử dụng các khái niệm của triết học Hy lạp để tìm hiểu về con người (thí dụ: nguồn gốc, bản tính, quan năng), các giáo phụ trình bày con người như một thụ tạo luôn hướng về Thiên Chúa. Con người chỉ tìm được hạnh phúc ở nơi Thiên Chúa, theo như lời xưng thú của thánh Augustinô: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa; trái tim con sẽ mãi xao xuyến bao lâu chưa an nghỉ trong Chúa” (Confessiones, lib.1, 1).

2/ Kinh viện Trung cổ

Như đã nói trên đây, đa số các giáo phụ cảm thấy dễ đối thoại với tư tưởng của ông Platon, bởi vì ông hướng con người về những thực thể thiên giới và coi trần gian vật chất này như là rác rưởi bất toàn. Bước sang thời Trung cổ, Âu châu bị quyến rũ bởi một nền triết học mới được du nhập, đó là tư tưởng của ông Aristote. Triết gia này đề cao giá trị của vũ trụ vật chất, thực tại hữu hình, cũng như đề cao vai trò của cá nhân, của thân xác. Thoạt tiên, xem những tư tưởng này mang tính cách vô thần, duy vật, trái ngược với Kitô giáo; nhưng thánh Tôma Aquinô (1225-1274) đã nhận ra nhiều giá trị tích cực của nó cho nên đã tiếp nhận nó để soạn ra thiên khảo luận triết học và thần học về con người. Những luận đề chính của triết học về con người có thể tóm lại như sau: a) con người là một hợp thể gồm bởi hồn và xác; b) con người là một chủ thể luân lý; c) con người từ bản chất tìm về Thiên Chúa là hạnh phúc chân thật.

a) Con người là một hợp thể gồm bởi hồn và xác. Nhờ yếu tố tinh thần mà con người hiện hữu như là một nhân vị duy nhất, mang phẩm giá cao quý bởi vì đượcThiên Chúa yêu thương tạo dựng. Linh hồn thiêng liêng bất tử, nhưng kết hợp với thân xác thành một bản thể. Linh hồn hoạt động qua các quan năng, đặc biệt là lý trí và ý chí. Tuy nhiên, những ý tưởng của lý trí không do thiên phú nhưng là nhờ khả năng trừu xuất từ những hình ảnh mà giác quan cung cấp. Nên lưu ý là thánh Tôma nhấn mạnh tới con người như là một hợp thể gồm cả thân xác và linh hồn. Linh hồn không hiện hữu trước khi có con người (và đây là điểm khác biệt với thuyết của Platon). Linh hồn và thân xác gắn bó với nhau khăng khít đến nỗi thánh Tôma chủ trương thân xác mang một niềm khát vọng tự nhiên được phục sinh, bởi vì linh hồn sẽ không cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn khi lìa xa thân xác.

b) Con người là một chủ thể luân lý, hoạt động có trách nhiệm tự do, biết dùng suy luận để cân nhắc các lý lẽ trước khi hành động, và ý chí để điều khiển các hành vi. Con người hướng về hạnh phúc, tìm cách đạt đến sự thiện tuyệt đối.

c) Con người không phải là một tiểu vũ trụ khép kín. Sau khi đã bàn về bản tính của con người, thánh Tôma đã lồng nó trong tương quan với Thiên Chúa là đấng Tạo thành và Hạnh phúc của con người. Dù biết rằng Kinh thánh đã nói tới con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa; nhưng ngoài dữ kiện mạc khải, thánh Tôma còn cố gắng phân tích bản tính con người nhằm chứng tỏ rằng cơ cấu của con người tự nó hướng về Thiên Chúa. Con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa: “homo capax Dei“, một thành ngữ của thánh Augustinô (De Trinitate, lib. XIV, c.8: PL 42,1044) được thánh Tôma khai triển (Summa Theol. I-II,113, 10) và Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo dùng làm tựa đề cho chương mở đầu. Con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa bởi vì con người luôn khao khát đạt tới chân lý khách thể và sự thiện toàn mỹ. Con người tìm về Thiên Chúa không phải chỉ vì muốn thỏa mãn óc lý luận muốn biết nguồn gốc của vạn vật, nhưng còn vì muốn được hạnh phúc, muốn đạt đến sự thiện tuyệt đối.5 Dựa trên sự phân tích này, thánh Tôma chủ trương rằng không có sự mâu thuẫn giữa lý trí và đức tin; cũng như không có sự đối chọi giữa bản nhiên (natura) và ân sủng (gratia). Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của mình, đã muốn thông truyền sự tốt lành của mình cho con người, và đã mời gọi con người vào chia sẻ hạnh phúc với mình.

d) Tất cả những đề tài của lịch sử cứu rỗi được thánh Tôma lồng trong bối cảnh của mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban cho nguyên tổ nhân loại tất cả những khả năng cần thiết để có thể đạt được cứu cánh tối hậu của mình (thông hiệp với Thiên Chúa, qua việc hiểu biết mến yêu Ngài). Nhờ sống trong tình thông hiệp, con người duy trì hết tất cả các mối liên hệ theo trật tự: lý trí tùng phục Thiên Chúa, các quan năng hạ đẳng suy phục ý chí, ý chí tùng phục lý trí, thân xác tùng phục linh hồn. Tiếc rằng tội lỗi đã làm xáo trộn tất cả trật tự đó: không những ông Ađam đã mất những ân huệ tình nghĩa với Chúa, nhưng còn mất luôn sự kiểm soát các quan năng của mình. Vì thế mà trong tình trạng sa ngã, con người mang nhiều thương tích. Tuy nhiên, thánh Tôma cũng thêm rằng hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người vẫn không bị tiêu diệt: con người vẫn còn có khả năng truy tầm chân lý và làm điều thiện; nhất là nhờ Đức Kitô, con người được chữa lành bằng ân sủng và Thánh linh.

C. Thời cận đại

Đặc trưng của tư tưởng cận đại về con người là đặt con người làm trung tâm nghiên cứu. Mặt khác, con người trở thành đối tượng nghiên cứu không những của triết học mà còn của các khoa học thực nghiệm nữa.

1/ Triết học

Trong một tác phẩm viết từ năm 19256, ông Jacques Maritain cho rằng muốn hiểu các quan niệm triết học hiện đại về con người thì cần phải lùi về thế kỷ XIV với thuyết duy danh (nominalisme) của ông Guillaume Occam (k.1285-1349). Thuyết duy danh đã dẫn tới thái độ bi quan về tư tưởng cũng như thái độ bi quan về thần học. Tại sao gọi là bi quan về tư tưởng? Tại vì họ chủ trương rằng con người không còn nắm chắc thực tại ngoại giới cũng như không còn nắm chắc khả năng của trí tuệ, cho nên chỉ còn biết quay về những gì trờ trờ trước mắt và quay về với chính mình, nghĩa là hướng nội và chủ quan. Tại sao gọi là bi quan về thần học? Bởi vì họ cho rằng Thiên Chúa cai quản vũ trụ theo ý chí độc đoán chứ không dựa trên trí tuệ sáng suốt, vì thế con người chỉ biết cuối đầu tuân lệnh chứ không thể dùng lý trí của mình để tìm hiểu đường lối của Ngài. Điển hình của hai khuynh hướng vừa nói là ông Lutêrô và ông Kant.

Ông Martin Lutêrô (1483-1556) được coi như tiêu biểu của thuyết bi quan thần học bởi vì ông chủ trương rằng con người, ý thức thân phận tội lỗi của mình, cần phải sống trong sự tín thác mù quáng nơi Thiên Chúa (fides fiducialis); ơn công-chính-hóa không làm thay đổi bản tính sa đọa của con người. Lý trí và ý chí chỉ có giá trị khi hành động trong lãnh vực trần thế; nhưng chúng bất lực khi đụng chạm đến thực tại thần linh. Nói khác đi, con người chỉ tiếp xúc với Thiên Chúa qua đức tin; chứ lý trí trở thành vô tích sự. Về phía triết học, ông Immanuel Kant (1724-1804) cho rằng con người không thể dùng trí tuệ để đạt tới bản tính của vạn vật, lại càng không thể dùng trí tuệ để hướng tới Thiên Chúa. Có thể nói rằng các luồng triết học hiện đại về con người đã chịu ảnh hưởng sâu đậm từ hai khuynh hướng vừa nói, nghĩa là đặt con người làm trung tâm của mọi tư duy, nhưng trung tâm ấy đã cắt đứt hết liên hệ với chân lý khách thể ngoại giới cũng như cắt đứt khỏi Thiên Chúa. Thiên Chúa trở nên kẻ xa vời: chúng ta chỉ có thể dùng đức tin để đến với Ngài chứ không thể dùng ngoại vật hay lý trí để gặp Ngài. Có thể nói được rằng đây là thảm trạng của tư tưởng hiện đại về con người: bởi vì một đàng con người được đặt làm trung tâm hay chóp đỉnh của vũ trụ; nhưng đồng thời con người ấy cảm thấy cô độc lẻ loi. Con ngườiù bị giam hãm trong cái lồng của chính mình, xét rằng nó không thể thông thương với ngoại giới hay với thượng giới bằng trí tuệ.

Thực ra, nhiều người cảm thấy ngột ngạt trong cái lồng mà triết gia Immanuel Kant đã dựng lên, vì thế họ muốn vựơt ngục, chẳng hạn như ông Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831). Đang khi ông Kant cho rằng con người không thể thấu hiểu được bản chất của vạn vật, thì ông Hegel chủ trương ngược lại: con người có khả năng vươn lên đến tuyệt đối. Lịch sử của nhân loại là một cuộc tiến hoá không ngừng nhằm thể hiện kế hoạch của Tinh thần tuyệt đối8. Tuy nhiên ông Ludwig Feuerbach (1804-1872) lưu ý rằng Tinh thần tuyệt đối của Hegel chung quy cũng là chính con người mà thôi, bởi vì đâu phải là Thiên Chúa đã tạo ra con người, nhưng con người đã tạo ra Thiên Chúa. Nói khác đi, mầu nhiệm của Thiên Chúa chính là bản tính của con người: con người là Thiên Chúa của con người (homo homini deus est). Quy chuẩn tối cao của con người không phải là Thiên Chúa nhưng là con người: cốt yếu của tôn giáo là tình yêu của con người dành cho con người. Có thể coi đây là khởi điểm của tôn giáo “vô thần”, được thay thế bằng tôn giáo “nhân bản”.

Tuy nhiên, những lý luận vừa rồi đã bị ông Karl Marx (1818-1883) chỉ trích là trừu tượng. Theo Marx, vai trò của triết học không phải là giải thích thế giới nhưng là biến đổi thế giới bằng những cuộc cách mạng. Thiên Chúa hoặc Tinh thần là những chuyện mơ hồ; cái thực sự Tuyệt đối là Vật chất; con người có vai trò biến đổi vật chất bằng hành động, bằng những cuộc cách mạng xã hội. Cũng nên biết Marx nói đến con người không như là cá nhân nhưng như là chủng loại (xã hội, nhà nước, nhân loại).

Những điều vừa trình bày cho thấy rằng các tư tưởng chủ chốt của triết học cận đại về con người không chỉ giới hạn vào phạm vi lý thuyết, nhưng đã lôi kéo theo những hệ luận quan trọng về chính trị xã hội, khi đi từ Kant qua Hegel cho tới Marx. Một hệ luận khác không kém quan trọng là những phân mảnh giữa những kiến thức về con người. Kant đã phủ nhận khả năng của trí tuệ trong việc đạt tới bản tính của vạn vật; theo ông, tri thức chỉ giới hạn vào những quan sát hiện tượng bên ngoài hoặc những cảm nghiệm giác quan, chứ không thể nào thấu hiểu lý lẽ của vạn vật được. Vì thế không có những chân lý hằng cửu, mà chỉ có những định luật quy nạp rút từ quan sát các hiện tượng và cảm nghiệm; điều gì không thể kiểm chứng bằng thực nghiệm thì bị coi như vô-giá-trị.

2/ Các khoa học nhân văn

Ngoài ảnh hưởng của ông Kant về giá trị của tri thức, một tác giả khác đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới quan niệm cận đại về con người là René Descartes (1596-1650). Ông Descartes đã tách rời con người ra làm hai phần: hồn một bên, xác một bên; hai bên biệt lập hoàn toàn, không có liên lạc gì với nhau; hồn không cần tới thân xác, không cần tới giác quan; những kiến thức của hồn là do thiên phú. Dĩ nhiên quan niệm như vậy không những đã xé lẻ con người, mà còn mang tới những hậu quả không kém phần tai hại, đó là sự hạ giá thân xác (thân xác con người không khác gì thân xác thú vật), và sự tách biệt ý tưởng và linh hồn khỏi thế giới hữu hình.

Do đó có thể nói được rằng trong tư tưởng Âu châu hiện đại, người ta không còn tìm thấy một hình ảnh nguyên vẹn về con người nữa. Một đàng con người bị cắt đứt khỏi Thiên Chúa; đàng khác con người bị cắt đứt khỏi ngoại giới cũng như bị phân tán trong chính bản thân của mình, khi mà khả năng suy tư của lý trí bị hạ giá, nhường chỗ cho những cảm nghiệm giác quan. Ông Descartes đã tách hồn ra khỏi xác: hồn không cần tới xác; đối lại, xác cũng chẳng cần tới hồn nữa. Những khoa học quan sát nhân văn hiện đại không cần biết tới hồn là gì; con người là một cái máy (tựa đề tác phẩm L’homme machine của ông Julien Offray de La Mettrie xuất bản năm 1748) có thể quan sát, đo lường, phân tích giống như bao nhiêu vật khác. Hơn thế nữa, cái máy đó có thể điều chỉnh lại và thiết kế theo kế hoạch mà các nhà khoa học đã vạch ra. Ta có thể nhận thấy quan điểm này đàng sau các khuynh hướng tâm-lý thực nghiệm mang danh là “phản xạ học” (reflex) hoặc “hành vi luận” (behaviourism), theo đó con người phản ứng lại dựa theo những sự kích thích bên ngoài: vì thế ta có thể điều khiển sự phản ứng bằng cách tác dụng trên những kích thích. Vào lúc đầu những thí nghiệm đã thực hiện trên bình diện phản xạ giác quan, nhưng dần dần nó được mở rộng đến mức độ đại chúng, áp dụng vào cả lãnh vực tác phong, tư tưởng. Các nhà quảng cáo thương mại cũng như các tổ chức tuyên truyền chính trị đều biết sử dụng khí giới đó. Ngoài ngành tâm lý thực nghiệm, ta cũng có thể nhận thấy quan niệm con người như cái máy (động cơ) trong một vài ngành khoa học nhân văn khác, chẳng hạn như ngành phân-tâm-học của Sigmund Freud, theo đó con người luôn chịu ảnh hưởng của những xung lượng thúc đẩy: ta càng kiềm chế chúng thì càng gây ra căng thẳng thần kinh; còn nếu biết để cho nó lèo lái thì ta sẽ sống thoải mái. Về phía xã-hội-học, theo khuôn mẫu của ông Emile Durkheim, con người cũng là sản phẩm của xã hội, chịu ảnh hưởng của tập tục xã hội hay của văn hóa: vô phúc cho ai muốn tỏ ra lập dị không chịu đi vào khuôn khổ, bởi vì hắn sẽ bị đào thải hay đè bẹp.

Phải thành thực nhìn nhận rằng những khoa học thực nghiệm về con người đã giúp chúng ta hiểu biết hơn về con người. Sự hiểu biết của khoa học thực nghiệm có tính cách khách quan hơn, nhờ phương pháp quan sát, xếp loại, phân tích, kết luận. Tuy nhiên, người ta cũng có lý do để lo ngại rằng những khoa học thực nghiệm về con người sẽ đưa đến chỗ hủy diệt con người một khi con người chỉ được đánh giá như một cái máy không hơn không kém; hoặc một khi đời sống tinh thần, phẩm giá, nhân vị, tự do chỉ là những từ ngữ rỗng tuếch chứ không tác dụng đến cuộc sống. Con người có thể được bào chế trong ống nghiệm, có thể được đào tạo qua các phương pháp tuyên truyền đại chúng, và có thể thay thế bằng người máy.

Tuy nhiên, nếu chấp nhận rằng một quan niệm triết học lệch lạc về con người, khởi sự từ ông Descartes, đã có thểâ dẫn tới những hậu quả mà có lẽ ông ta không lường được, thì ngược lại, một tư tưởng đứng đắn về con người, nhìn dưới ánh sáng mạc khải, cũng sẽ có những tác dụng không nhỏ đối với hạnh phúc con người. Thực vậy, cuộc đời của con người sẽ thay đổi rất lớn khi biết rằng mình không phải là sản phẩm của vật chất và sẽ trở về với vật chất, nhưng mình có khả năng tinh thần vươn lên trên vật chất; hơn thế nữa mình đã được Thiên Chúa dựng nên để hưởng đời sống bất diệt với Ngài. Cũng dưới ánh sáng mạc khải, chúng ta khám phá ra không những giá trị của tâm linh và tự do, mà kể cả giá trị của thân xác, giá trị của phái tính nam nữ, giá trị của tình bằng hữu, giá trị của lao động và những công trình phát triển nhân bản.

Dĩ nhiên, những điều vừa trình bày trên đây chỉ là một cái thoáng nhìn về sự tiến triển của những quan điểm triết học Âu châu về con người. Chắc hẳn là còn nhiều lối phân tích khác nữa, nhưng chúng tôi chỉ muốn giới hạn vào việc tìm hiểu những nguyên nhân đưa đến sự phân mảnh kiến thức về con người. Trước đây, tư tưởng Kitô giáo vào thời Trung cổ nhìn con người như một tổng thể, gồm bởi hồn và xác, sống trong tương quan với Thiên Chúa và vũ trụ; vào cận đại, hình dung của con người bị phân mảnh:

a- Con người quay về nội tại, hơn là hướng về khách thể. Con người trở nên một bộ môn độc lập (anthropologia), tách rời khỏi vũ-trụ-luận (cosmologia) và thần-luận (theologia). Đối tượng của môn học về con người là chính con người tự lập, chứ không liên quan gì đến Thiên Chúa. Đàng khác, con người cũng được tách rời khỏi vũ trụ, cho nên đối tượng suy tư về con người là chủ thể nhận thức (ego cogitans), hơn là đối thể nhận thức (res cogitata).

b- Do việc tách rời giữa linh hồn và thân xác, việc tìm hiểu con người bị phân tán ra hai hướng: “triết học” nghiên cứu về linh hồn và ý tưởng; còn thân xác là đối tượng khảo sát chung với các “khoa học thực nghiệm”.

Không lạ gì mà từ đó nảy sinh nhiều tiếp cận khác nhau khi tìm hiểu con người, và từ đó có nhiều ngành nhân học. Nguy cơ là chúng ta chỉ hiểu biết từng mảng về con người, nhưng thiếu hẳn một cái nhìn toàn diện về con người.

D. Thần học về con người theo công đồng Vaticano II 

Thoạt tiên xem ra đề tài này có vẻ gượng ép, bởi vì công đồng Vaticano II không có xuất bản văn kiện nào mang tựa đề là “con người” mà chỉ có những văn kiện nói về Mặc khải. Phụng vụ, Giáo hội, v.v… Nhưng sự thực không phải như vậy. Một đàng công đồng không bàn những chuyện vu vơ trên không khí nhưng là những vấn đề của thời đại hôm nay, nói với con người hôm nay: vì thế công đồng rất chú ý tới con người. Đàng khác, công đồng đã dành ra hai văn kiện để nói tới con người: 1/ Hiến chế Hội thánh trong thế giới hôm nay (quen gọi là: “Vui mừng và Hy vọng”) đặt tựa đề cho phần thứ nhất là: “Hội thánh với thiên chức của con người”, và phần còn lại bàn tới vài vấn đề khẩn trương của con người thời đại. 2/ Tuyên ngôn về tự do tín ngưỡng mang tựa đề là Dignitatis humanae (Phẩm giá con người), bởi vì coi nó như một yêu sách của con người thời đại, ý thức rõ rệt hơn về phẩm giá của mình, cách riêng về sự bất khả xâm phạm của lương tâm. Con người thời đại đòi hỏi phải được đông theo sáng kiến của mình thì hành tự do trách nhiệm chứ không bị ai cưỡng bách. Ta có thể nói rằng hai văn kiện ấy đã cung cấp cho thần học (thậm chí cho cả thế giới) quan điểm của Kitô giáo về con người, không phải là con người trừu tượng, nhưng là con người bằng xương bằng thịt, sống trong lịch sử, sống giữa xã hội, kiến tạo thế giới bằng sức lao công. Con người ấy kiêu hãnh vì bao nhiêu công trình khoa học ký thuật, nhưng đồng thời luôn bị khắc khoải bởi những câu hỏi sau đây ám ảnh: “Con người là cái chi? tại vì đâu mà đau khổ, ác ôn, chết chóc vẫn tồn tại bất chấp mọi tiến bộ? các công việc mà mình làm có giá trị gì hay không? số mạng con người sẽ ra sao? tại sao con người bị xâu xé trong thâm tâm giữa ý muốn làm điều tốt và khuynh hướng chiều theo cái xấu? chết rồi thì đi đâu?

Công đồng Vaticano II muốn trả lời cho những thắc mắc hiện sinh đó, muốn tỏ cho con người biết thân phận của con người vừa thiêng liêng cao quý nhưng cũng mỏng manh yếu ớt. Chúng ta có thể đọc thấy trong phần thứ nhất của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng một sư điệp về con người, bàn về phẩm giá cao quý vì được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, được mời gọi thông hiệp với Ngài và với tha nhân; con người được trao ban những khả năng siêu việt như lý trí, lương tâm, tự do. Phẩm giá của con người có thể được nhìn dưới ba khía cạnh: xét trong tương quan với Thiên Chúa; xét trong các cơ cấu nội tại của con người: xét theo mẫu người lý tưởng nơi Đức Kitô. Chúng ta hãy điểm qua mỗi khía cạnh đó.

1. Con người trong tương quan với Thiên Chúa

Chủ ý của Kinh thánh không phải là trình bày một thiên về cổ sử hay tâm lý của con người nhưng tiên vàn là bàn về con người trong lịch sử cứu rỗi. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (số 12-13) cũng bắt đầu nói đến thiên chức của con người từ viễn tượng đó. Mặc khải cho ta biết rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là có khả năng hiểu biết và yêu mến Đấng Tạo Hóa, và được mời kết nghĩa với Ngài. Con người cũng được kêu mời sống kết đoàn với tha nhân, bởi vì ngay từ đầu con người được dựng nên có nam có nữ. Việc quy chiếu về Thiên Chúa tạo nên phẩm giá cao quý nhất của con người, bởi vì con người vượt lên trên các thụ tạo khác. Đàng khác sự quy chiếu về Thiên Chúa cũng giải thích căn do của bao nhiêu khắc khoải dằn vặt trong con tim con người. Thực vậy, những nỗi xâu xé ở nội tâm bắt nguồn từ cuộc giao tranh giữa thiện và ác, giữa sự lựa chọn hướng về Đấng Tạo thành và chống lại Ngài. Tiếc rằng mặc khải cho thấy con người đã bẻ gẫy trật tự liên hệ với Đấng Tạo hóa, từ đó các liên hệ với tha nhân và với vũ trụ cũng bị rối loạn. Sau cùng, chỉ khi quy chiếu về Thiên Chúa thì con người mới thoát nổi khỏi cái khắc khoải nhất đè nặng trên con tim, đó là bí ẩn của số kiếp tương lại: chết rồi đi đâu? Mặc khải Kitô trả lời: con người được mời vào chia sẻ cuộc sống bất diệt với Thiên Chúa, nhờ cuộc chiến thắng cái chết do đức Kitô mang lại (số 18).

2. Những tài năng cao quý của con người

a/ Trong các số 14-17, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng nói tới phẩm giá của con người xét theo những tài năng cơ cấu của nó. Con người gồm nên bởi hồn và xác; con người cần phải quý trong thân xác của mình vì nó được Chúa tạo dựng nên và sẻ được sống lại vinh quang. Nhưng đặc biệt con người trổi vượt hơn các thụ tạo và động vật khác là vì những tài năng tinh thần: trí tuệ, lương tâm và tự do. Nhờ có trí tuệ con người có thể nhận biết Đấng Tạo thành vạn vật cũng như hiểu biết lý lẽ của vạn vật. Công đồng đã muốn nhấn mạnh rằng con người không phải chỉ nhìn thấy các hiện tượng bên ngoài của vạn vật, nhưng có thể thấu hiểu thực tại sâu xa của chúng. Con người có thể đạt tới sự thực (chân lý) một cách chắc chắn. Dù sao, đừng ai quên rằng giá trị của con người không hệ tại những việc chinh phục khoa học kỹ thuật, nhưng ở chỗ biết khám phá ra chân lý của cuộc đời, biết yêu mến ngưỡng mộ điều thiện mỹ. Nói khác đi, một con người cao quý không phải vì là một nhà bác học thông kim bác cổ cho bằng vì là một “hiền nhân” (thánh nhân).

b/ Bên cạnh trí tuệ, một tài năng khác tạo nên phẩm giá của con người là lương tâm và tự do. Công đồng Vaticano II bàn đến điều này ở Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 16-17 và ở tuyên ngôn về Tự do, Tín ngưỡng, Trí tuệ, lương tâm và tự do thực ra chỉ là những bộ mặt khác nhau của một thực tại duy nhất. Thực vậy, con người tự bản chất muốn tìm tới sự thực (chân lý), và muốn hành động dựa theo sự thực mà mình thâm tín chứ không chịu để cho ngoại lực thúc đẩy. Dưới ánh sáng của mặc khải, ta có thể nói rằng con người được Chúa ban cho ánh sáng để biết cư xử làm sao ngõ hầu đạt tới mục đích tối hậu của đời mình. Thiên Chúa cũng đã bna cho nó khả năng tự do và trách nhiệm để điều khiển cuộc đời của mình: con người không những chỉ là hình ảnh Thiên Chúa khi chế ngự vạn vật nhưng còn là hình ảnh Thiên Chúa khi điều khiển chính các hành vi của mình. Lương tâm phản ánh luật hằng cửu của Chúa hướng vào con tim: hay cũng có thể nói; lương tâm vọng lên tiếng nói của Thiên Chúa từ thâm cung nội tâm con người. Chính vì thế mà lương tâm trở thành bất khả xâm phạm, vì là nơi hội ngộ riêng tư thầm kín giữa con người với Thiên Chúa.

c/ Do đó, tự do là một đặc trưng làm nên phẩm giá con người. Dĩ nhiên, cần phải hiểu “tự do” cho đúng chỗ. Tự do, như vừa nói trên, có nghĩa là hành động theo những sự cân nhắc và thâm tín của mình. Hiểu như vậy sự tự do không những đối nghịch với những cưỡng bách từ bên ngoài, nhưng cũng đối lại với những thúc bách mù quáng của đam mê nữa. Tự do không có nghĩa là phóng túng làm càn; nhưng tự do có nghĩa là hành động có ý thức, cân nhắc lựa chọn dựa theo một giá trị chân chính, giá trị nào đưa ta tới hạnh phúc vĩnh cửu.Vì thế cũng như đối với trí tuệ, tự do cũng cần được đào luyện phát triển: con người càng hành động hòa hợp với những giá trị chân chính thì càng phát triển tự do của mình. Chân lý làm cho con người được tự do là như thế: chân lý giải thoát con người khỏi những ảo ảnh, những đam mê mù quáng.

3. Con người lý tưởng: đức Kitô.

Công đồng Vaticano II không những bàn tới con người xét như là một nhân vị, nhưng còn bàn tới con người trong tương quan với xã hội (chương II của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng), cũng như trong tương quan với vũ trụ (chương III, bàn về giá trị của lao động). Chúng tôi xin dành những đề tài này nói về Học thuyết xã hội của Giáo hội. Ở đây, chúng tôi muốn vạch ra chiều kích thứ ba khi xét tới phẩm giá của con người, đó là trong tương quan với Đức Kitô. Trong quá khứ, khi giải thích từ ngữ “con người là hình ảnh của Thiên Chúa”, thần học thường chỉ chú trọng tới hình ảnh xét theo chương trình tạo dựng. Thế nhưng, khi đi sâu vào Tân ước và một số giáo phụ, người ta nhận thấy muốn có một ý niệm chính xác về hình ảnh Thiên Chúa, cần phải quy chiếu về Đức Kitô. Ngài là hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa (Cl 1,15). Đây cũng là đường lối của cộng đồng Vaticano II: ở cuối các chương đầu của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, công đồng đặt đức Kitô như khuôn mẫu của con người mới, khuôn mẫu của tình liên đới xã hội, chóp đỉnh của lich sử. Thực vậy, Đức Kitô không những chỉ mặc khải Thiên Chúa cho con người, mà còn mặc khải con người cho con người nữa: đức Kitô đã tỏ cho con người biết thiên chức của mình, và đồng thời qua cuộc sống, Ngài đã tỏ cho ta thấy mẫu gương của một con người, có trí tuệ, ý chí, tự do và tình yêu.

III. Thần học về con người

Có hai đường lối khác nhau để trình bày thần học về con người: một đàng là nói về con người trong lịch sử cứu độ (tạo dựng, sa ngã, cứu chuộc), họp thành bộ môn Anthropologia theologica; đàng khác thì đào sâu những yêu sách của phẩm giá con người khi sống trong xã hội, và phát triển thành học thuyết xã hội.

A. Anthropologia theologica

1/ Khái niệm

Không dễ gì dịch thuật ngữ “Anthropologia theologica”, bởi vì trong Việt ngữ, do ảnh hưởng của các khoa học thực nghiệm, người ta dịch “anthropologia” là “nhân loại học, nhân chủng học”. Tuy nhiên có lẽ những từ đó không thể áp dụng ở đây, bởi vì vấn đề không phải là nghiên cứu về loài người (khác loài khỉ như thế nào?) hay sự thành hình của các chủng tộc; nhưng vấn đề là con người (anthropos), xét như là một chủ thể tinh thần, khác với các sinh vật và động vật khác vì có trí tuệ và ý chí tự do. Cách riêng “anthropologia theologica” (nhân học thần học; nhân luận thần học?) bàn tới con người xét trong tương quan với Thiên Chúa: dưới ánh sáng mạc khải, thần học muốn trình bày về nguồn gốc của con người và ơn gọi của con người. Mạc khải cho ta biết rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa: tuy là một thụ tạo, nhưng con người đã được Thiên Chúa mời gọi vào chia sẻ đời sống thần linh. Tiếc rằng, vì tội lỗi, con người đã làm hư hỏng mối tương giao ấy, gây ra cho chính mình biết bao nhiêu xáo trộn. Thế nhưng, Thiên Chúa không cắt đứt cuộc đối thoại, nhưng đã cứu vớt con người, chữa lành những thương tích mà tội đã gây ra, đồng thời tái tạo hình ảnh của Chúa nơi con người nhờ Đức Kitô. Đại khái, đó là nội dung của môn “anthropologia theologica”, một bộ môn còn chập chững vì mới ra đời.

2/ Phương pháp

Xét về phương pháp, thì khi đề ra bộ môn này, các tác giả đã muốn trình bày một cách có hệ thống mạch lạc những vấn đề trước đây đã ra đời vào những giai đoạn khác nhau và dưới những tựa đề khác nhau, đó là De Deo creante về sự tạo dựng. De Deo elevante về ơn thánh sủng. De peccato originali về tội nguyên tổ. Các tác giả chủ trương rằng phải xếp đặt lại các chất liệu của ba phần vừa nói, để tạo ra một bộ môn có tính cách nhất thống và mạch lạc. Môn anthropologia theologica nhằm đáp ứng lại yêu sách đó, với hai lợi điểm sau:

+ Trong thời đại hôm nay, khi nhân loại đang sống trong khắc khoải vì không tìm ra ý nghĩa của cuộc đời và của giòng lịch sử, thần học cần phải bắt chước công đồng Vatican II, múc lấy từ nguồn mạc khải, để tìm câu trả lời cho câu hỏi: con người là gì?

+ Làm nổi bật vai trò của Đức Kitô như trung tâm của thần học, của con người cũng như của lịch sử.

Thực vậy, trong các môn nói về sự tạo dựng, ơn thánh và tội nguyên tổ trước đây, ra như thần học chỉ dừng lại ở sách Sáng Thế chứ không chịu đi xa hơn, để tìm chìa khoá giải đáp ý nghĩa của sự tạo dựng, ơn thánh và cứu chuộc nơi Đức Kitô. Đức Kitô mạc khải con người cho con người, nghĩa là Ngài đã giúp con người sống cho ra người, sống xứng đáng với phẩm giá con người hơn. Như thế, Kitô giáo không phải là cái gì áp đặt lên con người hoặc làm nó bị tha hoá; nhưng Kitô giáo đã đáp lại những khát vọng sâu xa nhất trong con tim con người.

3/ Nội dung

Từ những nguyên tắc ấy, tương ứng với ba phần: tạo dựng – tội lỗi – ơn thánh, các tác giả chia môn anthropologia theologica thành ba phần xoay quanh mối tương quan giữa con người với Đức Kitô như sau: a) Con người nơi Ađam được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa; b) Con người nơi Ađam đã sa ngã và mong chờ ơn cứu chuộc; c)

Con người được cứu chuộc trong Đức Kitô.

a) Phần thứ nhất nói về sự tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa

Hình ảnh Thiên Chúa cần phải được giải thích trong bối cảnh của Cựu ươc lẫn Tân ước (nghĩa là nơi Đức Kitô). Nhờ vậy, vấn đề tạo dựng được nhìn trong chiều kích năng động và không loại trừ tư tưởng tiến hóa, xét vì hình ảnh trọn hảo của Thiên Chúa không phải là cố định bất biến nơi Ađam, nhưng cần được kiện toàn nơi Đức Kitô. Dù sao, ở phần thứ nhất này, con người được nhìn trong kế hoạch tạo dựng: nghĩa là hướng về Thiên Chúa, được ban cho trí tuệ và ý chí tự do; con người không phải chỉ có hồn thiêng nhưng còn có thân xác, con người không sống cô độc lẻ loi nhưng hợp quần trong xã hội, nhờ hành động tự do và nhờ thân xác mà con người hợp tác với tha nhân cũng như tiếp xúc với thế giới vật chất. Con người được Thiên Chúa giao cho việc quản trị vũ trụ: đây là lúc bàn về giá trị của lao động, cũng như những nghĩa vụ đối với môi sinh.

b) Phần thứ hai nói tới tình trạng sa ngã của con người

Đây là chương tương ứng với những vấn đề về tội nguyên tổ trước đây. Kinh thánh đã nói về tội trong bối cảnh của một mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa, tội là sự phản loạn của con người, bất tuân lệnh Thiên Chúa. Ngoài ra, Kinh thánh không những nói đến những tội cá nhân nhưng còn nói tới một tội bao trùm cả nhân loại, gây ra những xáo trộn trong thế giới, trong các tương quan xã hội và ngay cả chính trong nội tâm con người. Tuy nhiên, các câu hỏi chung quanh bản chất của tội nguyên tổ cần được đọc trong bối cảnh của toàn thể lịch sử mạc khải. Như ta đã biết, thánh Phaolô đã nhìn thấy nơi sự sa đoạ của con người lòng khao khát được cứu rỗi: “ở đâu tội lỗi đầy tràn thì ơn tha thứ lại càng chan chứa”. Tội nguyên tổ của Ađam cần được đối chiếu với ơn thủ lãnh nơi Đức Kitô.

c) Phần thứ ba bàn đến cuộc sống mới của con người trong Đức Kitô

Phần này tương ứng với những triệt nói về ân sủng trước đây. Tuy nhiên, vấn đề ơn thánh cần được nhìn trong nhãn giới mới: ơn thánh không phải chỉ là một liều thuốc bổ tăng thêm sức mạnh cho con người. Ơn thánh cần được lồng trong cả kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa trao ban cho con người, kêu mời con người vào chia sẻ đời sống hạnh phúc với mình: tình yêu ấy không chịu thúc thủ vì sự khước từ của con người; nhưng sau khi con người sa ngã. Thiên Chúa lại càng tăng thêm tình thương đối với con người qua việc trao ban Đức Kitô cho con người. Nhờ Đức Kitô và trong Thánh Thần, con người được ơn làm nghĩa tử và chia sẻ sự sống thần linh. Tình yêu của Thiên Chúa đã đến gặp gỡ con người trong điều kiện lịch sử, nghĩa là con người đã sa ngã, bị thương tích. Vì thế con người cần được chữa lành, cần được tha thứ. Trên thực tế, tình yêu ấy đã thanh tẩy con người, ban khả năng cho nó đạt được sự tự do của con cái, vượt thắng tính ích kỷ, ngỏ hầu có thể dùng tự do để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu và ơn thánh đã để lại dấu vết sâu xa trong linh hồn, xét vì nó đã biến linh hồn thành đền thờ của ba Ngôi Thiên Chúa, khai mào cuộc kết hiệp với Chúa mà ngày kia sẽ được sung mãn trên trời. Con người sống trong ơn thánh, hoạ theo gương mẫu của Đức Kitô, sẽ trở nên người hơn, sẽ phát triển các tiềm năng của mình hơn nữa. Tiềm năng nói ở đây không phải là sức lực thể chất hay là trí khôn sắc sảo, nhưng là tiềm năng có thể vượt lên trên chính mình để kết hiệp với Đấng là Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối.

Trên đây là những mục chính của môn “anthropologia theologica”. Dĩ nhiên, mỗi tác giả có thể khai triển và khía cạnh mà họ thích. Thí dụ các nhà tu đức học thì thích khai triển phần thứ ba (đời sống ơn thánh). Những ai muốn đối thoại với các khoa học nhân văn hiện đại thì chú trọng đến phần thứ nhất (thí dụ vấn đề tạo dựng và tiến hoá, vấn đề linh hồn và những dữ kiện của tâm lý học hiện đại). Thần học về thân xác và phái tính thì cũng đang phát triển. Sau cùng có tác giả muốn kéo dài ra thêm một phần thứ tư nữa, bao gồm những vấn đề cánh chung. Theo họ, thần học về con người không thể chỉ dừng lại ở nguồn gốc của con người và tình trạng hiện tại của con người, nhưng còn phải nói tới tương lai, tới định mạng của con người nữa. Chết rồi đi đâu? Tương lai của mỗi người, của nhân loại, của thế giới sẽ như thế nào?

Dù sao, thì như đã nói, môn “anthropologia theologica” còn mới mẻ, vì thế chưa có một hình thù rõ rệt. Tưởng cũng nên biết là Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã bàn tới những vấn đề nói trên đây trong những nơi khác nhau. Ta thấy trong phần giải thích kinh Tin kính, sự tạo dựng con người trong các số 355-379, sau khi đã nói công trình tạo dựng và quan phòng nói chung: con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, có xác có hồn, với hai giống nam nữ. Kế đó, các số 385-412 nói sự sa ngã của nguyên tổ, nhưng Thiên Chúa hứa sẽ ban ơn cứu chuộc. Còn phần luân lý, ta lại gặp thấy một chương về phẩm giá con người xét vì là hình ảnh của Thiên Chúa, ở các số 1701-1709, cũng như xét vì ơn gọi đến thông hiệp với Ngài qua các hành vi tự do, số 1716-1742. Ơn thánh thì được bàn tới trong các số 1987-2016. Như thế, ta thấy rằng các vấn đề con người, cách riêng về nhân phẩm, không phải là chân lý trừu tượng, nhưng kèm theo những hệ luận trong phần luân lý: một đàng con người cần phải cư xử cho xứng đáng với thiên chức của mình (tự do trách nhiệm), đàng khác phải tôn trọng phẩm giá của những người khác.

B. Phẩm giá và quyền lợi của con người 

1. Phẩm giá con người

Có rất nhiều quan niệm khác nhau về phẩm giá của con người. Thần học công giáo cho rằng phẩm giá con người hệ tại ở việc nó được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, có khả năng biết và mến Thiên Chúa, và nhất là được kêu gọi vào hưởng hạnh phúc bất diệt với Thiên Chúa. Tuy nhiên, đó là nói về phẩm giá con người dưới ánh sáng mạc khải. Nhưng liệu có thể dùng ngôn ngữ ấy để đối thoại với các tôn giáo khác, với các chủ nghĩa triết học và chính trị vô thần hay không? Dĩ nhiên đối với những người không nhìn nhận Thiên Chúa thì nói rằng “phẩm giá con người cao quý vì là hình ảnh Thiên Chúa, được gọi vào chia sẻ hạnh phúc với Chúa” là điều vô nghĩa. Nhưng không phải vì thế mà không thể nói tới phẩm giá con người khi không đưa vào mạc khải Kitô giáo. Như công đồng Vaticano II ghi nhận, thời đại của chúng ta rất nhạy cảm tới vấn đề bảo vệ nhân phẩm, đặc biệt qua việc tranh đấu bảo vệ nhân quyền. Giáo hội thấy rằng đây là con đường phải dùng để đối thoại với thế giới hiện đại: con đường của nhân quyền; việc tranh đấu cho nhân quyền là một khí cụ để bảo vệ nhân phẩm, vì nhân quyền biểu lộ những đòi hỏi chính đáng của con người muốn sống xứng đáng với phẩm giá của mình. Trong tuyên ngôn về tự do tín ngưỡng số 2, Công đồng Vaticano II mô tả phẩm giá con người hệ tại chỗ nó có lý trí và ý chí tự do, có trách nhiệm bản thân. Nói cách khác, con người có khả năng điều khiển hành vi của mình theo sự hiểu biết, thâm tín của mình, chứ không thể bị lôi kéo bằng xiềng xích hay vũ lực. Hiến chế về Giáo hội trong thế giới hiện đại (Vui mừng và Hy vọng, số 14-17) đã khai triển những ưu phẩm đó.

2/ Nhân quyền

Cần phải ghi nhận rằng trải qua lịch sử chính trị tại Âu châu, đã có sự tiến triển trong ý thức về khái niệm và nội dung của “nhân quyền”.

  • Khái niệm

Trước hết, về danh xưng. Trong nhiều bản tuyên ngôn trước đây, nó được gọi là “tự do căn bản” (droits fondamentaux), “quyền lợi của công dân” (droits du citoyen), “quyền lợi tự nhiên” (hay thiên nhiên: droits naturels). Với bản tuyên ngôn của Liên hiệp quốc năm 1948, tiếng “nhân quyền” (droits de l’homme) trở thành phổ thông: nhân quyền là quyền lợi của con người, phát xuất từ bản tính con người, và là những yêu sách để sống xứng với con người. Thực vậy, nhân quyền nhằm giúp cho con người phát triển những đức tính, tài năng của mình, bảo vệ lương tâm và những đòi hỏi tinh thần và thể chất của mình. Những quyền lợi ấy phát sinh từ bản tính con người, chứ không phải là do luật pháp ban cấp, hay là đặc ân của nhà nước dành riêng cho một giai cấp ưu tuyển.

  • Nội dung

Tuy nhân quyền phát xuất từ bản tính con người chứ không phải do xã hội ban cấp, nhưng trên thực tế, vấn đề nhân quyền được đặt ra bởi vì con người sống trong xã hội. Thực vậy, một con người sống một thân một mình trên cung trăng sẽ không cần đòi hỏi hay tranh đấu cho nhân quyền làm gì hết. Sự tiến triển về ý thức và sự tranh đấu cho nhân quyền đã diễn ra trong lịch sử cận đại sau những cuộc xung đột giữa các công dân với các thể chế độc tài. Các công dân ý thức rằng mình cần được đối xử như là con người, chứ không thể bị đồng hoá như con vật hay như cái máy, như dụng cụ sản xuất. Tuy nhiên, cần phải chờ đợi thời gian để ý thức đó được chín muồi và được diễn tả thành từ ngữ (nhân quyền), cũng như được phát biểu thành bản tuyên ngôn đầy đủ về các quyền lợi căn bản, bất khả nhượng của con người.

Thực ra, những bản tuyên ngôn đầu tiên về những tự do căn bản xem ra mang tính chất không tưởng. Theo một số triết gia Pháp của thế kỷ XVIII, con người sinh ra vốn được tự do tuyệt đối. Vì nhu cầu sống còn, nên con người thấy cần quy tụ thành xã hội; tuy vậy, trong khế ước hợp xã, con người đã dành lại một số quyền tự do bất khả nhượng; hậu nhiên xã hội không được phép đụng tới các tự do ấy. Ngày nay, thuyết đó không những mang tính cách giả tạo (có bao giờ con người sống hoàn toàn ngoài xã hội đâu?), nhưng còn bị tố cáo là đã đưa tới chế độ tư sản bất công: người ta tranh đấu cho quyền tự do chiếm hữu, tự do sản xuất nhằm ngăn chận sự can thiệp của xã hội; nhưng trên thực tế chỉ có một thiểu số nắm được những quyền đó, còn đại đa số nhân dân chỉ có quyền tự do chết đói .- Đối lại, các chủ nghĩa xã hội chủ trương rằng quyền lợi của cá nhân phải hy sinh cho quyền lợi của tập thể. Tập thể sẽ lo liệu để cho hết các công dân được hưởng đồng đều những nhu cầu kinh tế căn bản: cơm bánh, nhà cửa, việc làm, y tế.

Thoạt tiên, xem ra hai qua điểm về nhân quyền như vậy hoàn toàn đối nghịch nhau: quan niệm của khối tư bản đề cao các quyền tự do cá nhân, nhưng bỏ qua các quyền kinh tế xã hội; còn khối xã hội thì muốn bảo vệ các quyền kinh tế xã hội nhưng phớt lờ các quyền tự do cá nhân. Trên thực tế, hai quan điểm ấy cần được bổ túc cho nhau. Thực vậy, không có tự do hay quyền lợi nào mang tính cách tuyệt đối cả: quyền lợi cần được đi đôi với nghĩa vụ; những quyền lợi cá nhân được đi kèm theo những quyền lợi kinh tế xã hội. Chúng ta có thể nhận thấy trong bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc (1948) sự phối hợp của hai chuỗi quyền lợi đó:

a) Những quyền tự do cá nhân: sinh sống; an ninh bản thân; không bị làm tôi mọi; không bị hành hạ tra tấn; không bị giam cầm hay trừng phạt trái phép; tự do bảo vệ đời tư, tự do cư trú và đi lại; quyền có quốc tịch, quyền lập gia đình; quyền có tư sản; tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; tự do phát biểu ý kiến; tự do hội họp và lập hội; quyền tham dự chính quyền.

b) Những quyền kinh tế xã hội và văn hóa: bảo hiểm xã hội, có công ăn việc làm, được trả lương tương xứng với công việc; lập nghiệp đoàn; nghỉ ngơi và giải trí; mức sống tương xứng (sức khỏe, nhà ở), bảo hiểm khi thất nghiệp già yếu bệnh tật; giáo dục, tham gia vào đời sống văn hoá.

Hai loại quyền lợi vừa nói có liên hệ mật thiết với nhau, chứ không thể tách rời nhau, hay loại trừ lẫn nhau. Trong những thập niên gần đây, học thuyết về nhân quyền tiến thêm một bước nữa. Tuy rằng, chủ thể của nhân quyền lúc nào cũng là con người trong xã hội; nhưng không nên hiểu con người như là những chủ thể đơn độc; bản tính hợp quần của con người đòi hỏi phải nhìn nhận cả những tổ hợp như là chủ thể quyền lợi nữa. Do đó mà người ta nói tới quyền của gia đình, quyền của các sắc tộc, của các dân tộc (thí dụ quyền được phát triển kinh tế, quyền bảo vệ văn hoá cổ truyền, quyền được hưởng hoà bình).

  • Giáo hội công giáo với nhân quyền

Giáo hội Công giáo không những đã chăm chú theo dõi sự tiến triển của học thuyết về nhân quyền, nhưng còn tham gia vào việc tranh đấu cho nhân quyền nữa. Chúng tôi xin ghi nhận vài văn kiện chính: Sứ điệp gửi Tổng thư ký Liên hệp quốc nhân dip kỷ niệm 30 năm Tuyên ngôn Nhân quyền (2-12-1978: AAS, 71, 1979, 121-125); Diễn văn của Đức Gioan Phaolo II đọc tại trụ sở Liên hiệp quốc ngày 2-10-1979; Diễn văn đọc tại trụ sở UNESCO (Paris, 2-6-1980); đó là chưa kể đến những diễn văn đọc trong những cơ hội khác, đặc biệt là khi tiếp xúc với Ngoại Giao Đoàn cạnh Toà Thánh. (Cũng nên biết là Toà Thánh luôn gửi Quan sát viên tham dự các Uỷ ban về nhân quyền của Liên hiệp quốc). Ngoài ra, Uỷ ban Thần học Quốc tế cùng với Hội đồng Toà Thánh đặc trách Công lý Hoà bình đã xuất bản một văn kiện về phẩm giá và quyền lợi con người (6-10-1984).

Nói chung, chúng ta nhận thấy Toà Thánh đã ủng hộ bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hiệp quốc, và cố gắng kiện toàn với những đóng góp sau đây:

a) Giáo hội muốn đặt một nền tảng triết học và thần học cho nhân quyền: chúng dựa trên phẩm giá con người. Hơn thế nữa, phẩm giá con người cao quý không những vì những tài năng tinh thần (lý trí suy nghĩ và ý chí tự do), nhưng còn vì định mạng siêu việt. Hạnh phúc con người vượt lên trên biên cương xã hội, vì con người được kêu gọi vào kết hợp với Thiên Chúa. Chính vì thế mà Giáo hội tranh đấu cho quyền tự do lương tâm và tự do tín ngưỡng. Ở đâu mà quyền này không được nhìn nhận, thì phẩm giá con người bị vi phạm trầm trọng, xét vì như vậy thì con người đã bị chặt mất chiều hướng siêu việt: nó chỉ còn là một sinh vật như cây cỏ, sống ngày nào hay ngày đó, chứ không còn vươn lên trên thế giới hữu hình. Tuy nhiên, nên biết rằng trong hệ cấp các giá trị, Giáo hội đặt quyền lợi căn bản nhất của con người là quyền được sống; do đó mà Giáo hội kêu gọi bảo vệ mạng sống con người từ khi thụ thai cho đến khi lìa đời (chống lại sự phá thai lẫn sự chết êm dịu).

b) Sự thi hành quyền lợi mang theo những nghĩa vụ. Nếu con người đòi hỏi nhân quyền vì là chúng gắn liền với phẩm giá con người, thì con người cũng phải hành xử những quyền lợi đó phù hợp với phẩm giá của mình, nghĩa là có trách nhiệm. Việc hành xử nhân quyền cần được lồng trong bối cảnh luân lý.

c) Một cách tương tự, nếu chủ thể quyền lợi không những là những cá nhân mà còn là những đoàn thể, thì không những là các cá nhân mà cả các đoàn thể cũng phải ý thức rằng về những nghĩa vụ tương ứng, thí dụ nghĩa vụ của những nước giàu đối với những nước nghèo; nghĩa vụ của thế hệ này đối với thế hệ kế tiếp (thí dụ trong vấn đề bảo vệ môi sinh, san sẻ các tài nguyên nhiên liệu).

**********************

Phụ thêm: Con người là hình ảnh Thiên Chúa

Con người là gì? Chúng ta đã biết rằng lịch sử triết học đã đưa ra rất nhiều định nghĩa về con người. Dựa theo các bản văn Kinh thánh, các văn kiện gần đây của Giáo hội đã định nghĩa con người, cách riêng trong tương quan với Thiên Chúa, với thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa”. Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” đã sử dụng thuật ngữ này để mở đầu chương nhất, bàn về phẩm giá con người (số 12). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo cũng tiếp tục hướng đi ấy (xc. số 355-361).

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ này dựa theo bản văn Kinh thánh và truyền thống Kitô giáo, cùng với những áp dụng vào thời đại hôm nay.

I. Văn bản Kinh Thánh

Khi thuật lại công cuộc tạo dựng con người, tác giả sách Sáng thế (1,26-29) viết rằng:

Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ các loài chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống bò dưới đất”. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”.

Câu văn ngắn ngủi đã gợi lên rất nhiều thắc mắc khi giải thích:

– Thiên Chúa vô hình vô tượng, làm sao có chuyện “hình ảnh” của Thiên Chúa được? Thiên Chúa đã chẳng ngăn cấm tạc tượng đúc hình của Người đó ư (xc. Xh 20,3-4).

– Câu 26 sử dụng hai danh từ: con người là “hình ảnh” (selem) và “giống như” (demut) Thiên Chúa. Hai danh từ ấy có đồng nghĩa không?

– Tại sao bản văn lại nói đến hình ảnh của “chúng ta” (ở số nhiều)?

Khi giải thích đoạn văn này, các tác giả đề nghị nên phân biệt ý nghĩa chính xác của bản văn và những ý nghĩa dựa trên truyền thống của các giáo phụ và các nhà thần học. Chúng tôi muốn đi theo đề nghị ấy. Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của các từ ngữ, lồng trong các mạch văn và lồng trong bố cục của nó.

A. Từ ngữ

Nên lưu ý là tư tưởng “con người là hình ảnh Thiên Chúa” xuất hiện rất ít lần trong Kinh thánh: ở vài chương đầu của Sách Sáng thế (1,26-27; 5,1-3; 9,6) và hai lần trong các sách Khôn ngoan (Kn 2,23-24; Hc 17,1-4). Trong Tân ước, thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” được thánh Phaolô áp dụng cho Đức Kitô: Người là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo” Cl 1,15). Một tư tưởng tương tự cũng gặp thấy trong thư gửi Hip-ri (1,3): “Người là phản ánh vinh quang, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa”.

1/ Hình ảnh Thiên Chúa

Cựu ước đã để lại nhiều khoản luật ngăn cấm việc tạc hình tạc tượng Thiên Chúa, có lẽ bởi vì muốn bài trừ tục lệ thờ lạy ngẫu tượng, hoặc bởi vì Thiên Chúa muốn cho dân Israel có một ý tưởng siêu việt về Thiên Chúa: Thiên Chúa hoàn toàn khác biệt với con người; ngài không có thân thể, không có phái tính, không có những tâm tình ghen tương thù vặt, không bị hạn chế bởi không gian (hiện diện khắp nơi chứ không bị nhốt trong một thánh điện), vv Trong bối cảnh thực là khó hình dung được một chân dung hay hình ảnh Thiên Chúa.

Một lối tiếp cận hữu ích để hiểu tư tưởng của Kinh thánh là đối chiếu với những văn hóa trong vùng Cận đông. Tại Mêsôpôtamia và Ai-cập, thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” được hiểu như là đại diện của Chúa, được áp dụng cho nhà vua “thay Trời trị dân”, hành động nhân danh Chúa. Sách Sáng thế mở rộng tầm nhìn: không những nhà vua nhưng tất cả mọi người đều được coi là hình ảnh Thiên Chúa, hành động như đại diện Thiên Chúa. Ngoài ra, quan niệm về hình ảnh Thiên Chúa thường gắn liền với việc phụng tự thần linh. Còn trong Kinh thánh, tư tưởng về “hình ảnh” được nhìn dưới khía cạnh canh tác lao động.

2/ “Hình ảnh” và “giống như”

Có gì khác biệt giữa hai thuật ngữ không (Latinh: imago / similitudo. Anh: image / likenes. Pháp: image / ressemblance)? Kể từ thánh Irênê, các giáo phụ quen phân biệt ý nghĩa khác biệt của hai danh từ đó khi áp dụng vào tình trạng của con người sau khi phạm tội: con người vẫn còn mang “hình ảnh Thiên Chúa” nhưng không còn “giống” Thiên Chúa nữa. Tuy nhiên, dưới phương diện ngữ học, các học giả cho rằng hai từ ấy không khác biệt về nội dung, mặc dù đôi khi có người (như Gunkel) cho rằng “hình ảnh” muốn nói đến khía cạnh thể lý, còn “giống như” thì áp dụng cho khía cạnh luân lý đạo đức.

Nên biết là ngoài chương Một Sách Sáng thế, những đoạn văn khác của Kinh thánh không còn nói đến sự “giống như” nữa.

3/ Hình ảnh của chúng ta

Phải hiểu “chúng ta” như thế nào? Đã có nhiều ý kiến được đưa ra. Có người cho rằng đây là một di tích của tín ngưỡng đa thần. Có người cho rằng Thiên Chúa bàn bạc với triều thần thiên quốc. Sau cùng, có người đã muốn nhìn thấy phảng phất mầu nhiệm Chúa Ba ngôi.

B. Ý nghĩa

Bản văn của chương Một Sách Sáng thế xem ra nhìn đến “hình ảnh Thiên Chúa” nơi con người ở chỗ được chia sẻ vào việc quản trị vạn vật. Cả hai người nam nữ đều được ủy thác trọng trách này.

Quan điểm nhân học của Do thái không cho phép phân tách linh hồn một bên và thân xác một bên. Vì thế không thể khẳng định rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa bởi vì có hồn thiêng. Mặt khác, xét vì con người được trao một trọng trách cho nên giả thiết rằng hành vi cao quý là sự sử dụng tự do. Tiếc rằng con người đã lạm dụng tự do của mình, muốn đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa, toàn quyền định đoạt “biết lành biết dữ”, và rồi cắt đứt liên lạc với nguồn mạch sự sống.

II. Truyền thống

Trải qua lịch sử Kitô giáo, có bốn khuynh hướng giải thích thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa”.

1/ Một lối giải thích đơn giản hơn hết là con người mang trong mình lòng khao khát hướng về Thiên Chúa (homo capax Dei), tựa như hoa quỳ hướng dương. Thực vậy, bản tính con người là đi tìm Chân-Thiện-Mỹ, muốn biết và yêu mến Đấng Tuyệt đối. Ta có thể nhận thấy khuynh hướng này nơi thánh Augustinô.

2/ Khuynh hướng thứ hai chú trọng đến vài điểm tương đồng giữa con người với Thiên Chúa. Những điểm so sánh có thể tóm lại như sau:

– Con người có lý trí và ý chí, có khả năng định đoạt, có khả năng yêu thương.

– Con người không chỉ giống Thiên Chúa vì có những khả năng tinh thần, nhưng nhất là khi làm việc tốt.

– Con người được chia sẻ khả năng sáng tạo bằng canh tác lao động và quản lý vũ trụ.

3/ Lối giải thích thứ ba phân biệt các cấp độ của hình ảnh Thiên Chúa. Ta có thể coi thánh Tôma Aquinô như đại biểu cho khuynh hướng này (Summa Theologica I, q.93, a.4). Sau khi giải thích rằng cốt yếu của “hình ảnh Thiên Chúa” ở chỗ biết và mến Chúa, tác giả phân biệt ba cấp độ:

– Cấp một (imago creationis, naturae) có thể áp dụng cho tất cả mọi người, bởi vì bất cứ người nào cũng có khả năng hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa.

– Cấp hai (imago recreationis, gratiae) chỉ có ở nơi những người sống trong tình trạng ân sủng, nghĩa là khi họ thực sự hiểu biết và yêu mến Chúa. Sự khác biệt giữa hai cấp nằm ở chỗ là ở cấp một, hết mọi người đều có khả năng hiểu biết và yêu mến Chúa; còn cấp hai nói đến những người thực hiện sự hiểu biết và yêu mến Chúa.

– Cấp ba (imago similitudinis, gloriae) dành cho các thánh nhân trên trời, bởi vì họ hiểu biết và yêu mến Chúa cách trọn hảo.

4/ Khuynh hướng thứ bốn giải thích thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” theo một nghĩa năng động, đặt trong bối cảnh của lịch sử cứu độ. Một đặc trưng của quan điểm thần học về con người là nhìn nhận tình trạng tội lỗi của con người. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng con người đã được dựng nên trong tình nghĩa với Thiên Chúa. Tiếc rằng mối tương quan ấy đã bị sứt mẻ do tội lỗi của con người. Sự rối loạn trong tương quan với Thiên Chúa cũng lôi theo những rối loạn của các tương quan khác: giữa người nam với người nữ, giữa con người với thiên nhiên, đó là chưa nói đến sự rối loại ngay trong nội tâm của mình, khi các đam mê thoát ra khỏi tầm kiểm sóat của lý trí và ý chí (xc Rm 7,14-15).

a) Thánh Irênê đã diễn tả tình trạng méo mó do tội lỗi gây ra bằng sự phân biệt giữa hai ý tưởng “hình ảnh” và “giống như” (Adversus haereses V, 6,1; V, 8, 1; V, 16,2). Ý tưởng “Hình ảnh” nói lên một sự thông dự về hữu thể, còn ý tưởng “giống như” hàm ngụ tính cách luân lý. Con người tội lỗi vẫn là “hình ảnh” Thiên Chúa, nhưng không còn “giống” Thiên Chúa nữa. Tiến trình cứu độ và thánh hóa nhằm giúp cho con người được trở thành “giống” Thiên Chúa hơn, hay nói theo thánh Irênê, nhằm giúp cho con người được “thần hóa” (divinisatio). Đó là mục tiêu của cuộc Nhập thể: “Thiên Chúa trở nên người để con người trở nên Thiên Chúa”.

b) Nhờ sự phân biệt giữa “hình ảnh” và “giống như”, thánh Irênê cho rằng tội lỗi không phá hủy hoàn toàn hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Ông Lutêrô thì bi quan hơn, bởi vì ông cho rằng tội lỗi đã phá hủy bản tính con người, nghĩa là “hình ảnh Thiên Chúa” đã bị xóa nhòa. Quan niệm này giải thích lý do vì sao thần học Tin Lành ít sử dụng thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa”.

c) Quan điểm của thánh Irênê cũng là quan điểm của Giáo hội công giáo. Thiết tưởng cũng nên nói thêm rằng tuy hình ảnh Thiên Chúa đã được đức Kitô đã tái tạo nơi những ai tin vào Người và lãnh bí tích rửa tội, nhưng hình ảnh này chỉ đạt tới mức hoàn hảo khi con người được chiêm ngưỡng nhan Chúa trên thiên quốc (xc. Cl 3,3-4). Trong hiện tại, chúng ta vẫn còn mang vết tích của “con người cũ” cần được hủy diệt, để làm sáng tỏ “con người mới”.

III. Thần học hiện đại

Vào những thập niên gần đây, “hình ảnh Thiên Chúa” đã trở thành một đề tài nghiên cứu của môn “nhân luận thần học” (Anthropologia theologica). Chúng tôi chỉ muốn giới hạn vào hai văn kiện tiêu biểu: một văn kiện của Ủy ban thần học công giáo (Communion et service: L’homme créé à l’image de Dieu, phát hành ngày 23/7/2004) và một văn kiện của Ủy ban thần học “Faith and Order” thuộc Hội đồng đại kết các Giáo hội (Christian Perspectives on Theological Anthropology, Genève 2004).

Cả hai văn kiện không dừng lại ở việc giải thích nội dung của hạn từ “hình ảnh Thiên Chúa”, nhưng còn rút ra những hệ luận thực hành trong đời sống hằng ngày cho các tín hữu cũng như cho các Giáo hội.

A. Vấn đề giải thích

1/ Cần phải hiểu con người là hình ảnh Thiên Chúa theo nghĩa toàn diện, bao trùm toàn thể con người: cả linh hồn cũng như thể xác đều là hình ảnh Thiên Chúa (chứ không riêng một khía cạnh nào chẳng hạn như linh hồn hoặc lý trí). Dĩ nhiên, cả người nam cũng như người nữ đều mang hình ảnh Thiên Chúa.

2/ Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người đã bị sứt mẻ vì tội lỗi. Đức Kitô đã tái tạo hình ảnh đó nhờ công trình cứu độ. Nói cách khác, đức Kitô trở nên khuôn mẫu hoàn hảo của “hình ảnh Thiên Chúa” (Cl 1,15), và việc trở nên giống Thiên Chúa (Imago Dei) cũng đồng nghĩa với việc trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (Imago Christi xc. Rm 8,29; 2 Cr 3,18) nhờ quyền năng của Thánh Linh (Rm 8,23). Tuy rằng đây là một lý tưởng mà các tín hữu đặt ra cho sinh hoạt của mình, nhưng lý tưởng này chỉ đạt được hoàn toàn trong sự phục sinh toàn thể nhân loại vào thời cánh chung, khi Đức Kitô trở nên tất cả trong mọi sự (1Cr 15,49)..

B. Những áp dụng vào thời nay

Khi trình bày đạo lý cổ truyền về con người là hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta không thể nào không lưu ý đến nhận xét mỉa mai của ông Ludwig Feuerbach, theo đó Thiên Chúa là hình ảnh của con người chứ không phải ngược lại. Vì thế một đàng ta cần phải đề phòng những giải thích lệch lạc, đàng khác cần ý thức những thách đố mới của thời đại.

1/ Những viễn tượng mới

Chắc chắn rằng ta không thể nào so sánh con người với Thiên Chúa, hoặc Thiên Chúa với con người dưới phương diện bản thể. Tuy nhiên, ta có thể dựa trên bản văn Kinh thánh để nêu bật vài nét tương đồng đáng được khai triển, chẳng hạn như sự “thông hiệp”.

Khi thuật lại việc tạo dựng loài người, sách Sáng thế viết rằng Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Người “có nam có nữ”. Điều này không chỉ muốn nói loại trừ việc kỳ thị phụ nữ (“nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”) bởi vì phụ nữ cũng là hình ảnh Thiên Chúa, nhưng ra như còn muốn nói rằng hình ảnh Thiên Chúa được biểu lộ qua mối tương quan nam nữ. Điều này có thể được giải thích theo nhiều hướng.

– Có thể hiểu như là không phái nào riêng rẽ (dù nam dù nữ) diễn tả được hình ảnh Thiên Chúa, nhưng tất cả hai phái họp nhau lại mới thành “loài người” (xc. St 2,20-25) và diễn tả trọn vẹn hình ảnh Thiên Chúa.

– Có thể hiểu về chính sự kết hợp phối ngẫu giữa nam nữ như là biểu lộ hình ảnh Thiên Chúa, bởi vì nhờ đó nảy ra một mầm sống mới: vợ chồng thông dự vào việc tạo dựng của Thiên Chúa.

– Có thể mở rộng nhãn giới hơn nữa, đi từ tương quan nam nữ (vợ chồng) đến tất cả mọi mối tương quan nhân bản. Con người được sinh ra không phải để sống như một ốc đảo nhưng là để sống với người khác. Hình ảnh Thiên Chúa được biểu lộ nơi sự “thông hiệp”, họa theo mối thông hiệp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Hiểu như vậy, tất cả mọi mối tương quan giữa con người (vợ chồng, cha mẹ con cái, bằng hữu, vv) đều là phản ánh của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Đây là một sứ mạng của các Kitô hữu: họ phải làm cách nào xây dựng các mối hiệp thông giữa lòng nhân loại. Một cách đặc biệt, Giáo hội phải biểu lộ mình như là sự thông hiệp giữa các phần tử thuộc nhiều thành phần khác biệt, nhưng đã được quy tụ nên một nhờ Lời Chúa, Mình Chúa, dưới tác động của Thánh Linh.

2/ Những thách đố mới

– Công đồng Vaticanô II đã dùng thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” để trình bày phẩm giá con người. Điều này không những đề cao thiên chức của con người, nhưng còn bao hàm việc tranh đấu để bảo vệ sự tôn trọng con người, loại trừ tất cả mọi hình thức kỳ thị về phái tính, màu da chủng tộc, điều kiện chính trị xã hội.

– Trong một nền văn minh muốn đặt con người làm trung tâm vũ trụ, thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa” muốn nhắc nhở rằng sự cao quý của con người nằm ở chỗ mở rộng đến chiều kích Siêu Việt. Việc nhìn nhận Thiên Chúa không làm suy giảm phẩm giá con người. Ngược lại, sự cắt đứt chiều kích Siêu việt sẽ gây ra cảnh ngột ngạt bế tắc: con người bị đóng khung trong thế giới vật chất và cùng mang số phận tàn tạ như loài cỏ cây.

– Con người vượt lên trên các thụ tạo khác ở chỗ có lý trí và tự do. Dưới khía cạnh này, sự giải thích của thần học cổ truyền về hình ảnh Thiên Chúa vẫn còn giá trị. Tuy nhiên, chúng ta có thể bổ túc thêm rằng bởi vì lý trí và ý chí không biệt lập khỏi cảm giác và cảm xúc, linh hồn không biệt lập khỏi thân xác, cho nên con người vượt lên trên thú vật kể cả xét về thân xác nữa. Nói cách khác, toàn thân con người là hình ảnh Thiên Chúa. Ngoài ra, “hình ảnh Thiên Chúa” không chỉ hiểu về “bản tính” nhưng còn về “hoạt động” nữa.

– Vì là hình ảnh Thiên Chúa, con người được đặt làm “bá chủ” vũ trụ. Đây là một danh dự và cũng là trọng trách. Con người chỉ là “quản lý” vũ trụ chứ đâu phải là chủ nhân? Vì thế con người cần đối xử với vũ trụ phù hợp với luật thiên nhiên, hợp với lý trí và ý chí, chứ không theo đam mê dục vọng. Con người không được phép khai thác vũ trụ vô điều độ, đến nỗi phá hủy vũ trụ. Cũng như Thiên Chúa, con người có nhiệm vụ bảo vệ sự sống chứ không được hủy diệt sự sống.

Dù được hiểu theo chiều hướng nào đi nữa, ta thấy rằng “hình ảnh Thiên Chúa” không chỉ mô tả một phẩm tính nhưng còn bao hàm một nỗ lực nhằm đạt đến một lý tưởng. Người Kitô hữu tuy đã được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, nhưng vẫn còn phải chiến đấu với những đam mê dục vọng trong bản thân mình (xc Ep 6,10-20). Còn phải nói gì đến các lực lượng của sự dữ, hận thù, chết chóc đang hoành hành trên thế giới? Dù sao, người Kitô hữu tin rằng họ không hoạt động đơn độc nhưng cùng cộng tác với người đồng loại, và được sự hỗ trợ của ân sủng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here