THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO NHẬP THỂ CỦA THÁNH BÔNAVENTURA

0
1052

THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO NHẬP THỂ CỦA THÁNH BÔNAVENTURA[1]

Seamus Mullholand, OFM

Franciscan Center, Cantebury, ENGLAND

Mọi sinh vật đều giao tiếp. Mọi sinh vật đều có những loại ngôn ngữ hay dấu hiệu để diễn tả những khái niệm trong tâm trí mình. Giao tiếp là một hoạt động thiết yếu của con người. Nhờ giao tiếp, con người biểu lộ những  điều mình cưu mang trong tâm trí. Với con người, lời nói không chỉ là phương tiện truyền đạt, nhưng lời nói còn chứa đựng bản chất sâu xa của các khái niệm trên bình diện tinh thần.

Như tôi đã nói khi chúng ta suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong tư tưởng của thánh Bô-na-ven-tu-ra, Ngôi Lời là toàn bộ những khái niệm chứa đựng trong tâm trí của Thiên Chúa. Bởi đó, khi tâm trí Thiên Chúa tự mình biểu lộ mình ra, thì sự biểu lộ đó là Ngôi Lời (Logos). Khi Ngôi Lời tự biểu lộ ra trong thế giới hữu hạn, thì tạo thành là sự phát âm của Ngôi Lời. Vì những lời nói của một người cho chúng ta biết một điều gì đó về người ấy, thì trong cấu trúc thần học của thánh Bô-na-ven-tu-ra, tạo thành cũng nói cho chúng ta biết một điều gì đó về Thiên Chúa.

Đối với thánh Bô-na-ven-tu-ra, tương quan giữa Ngôi Lời và thế giới là tương quan ‘thích đáng,’ ‘thích hợp.’ Tương quan đó muốn nói rằng nếu không có Ngôi Lời, thì dù tạo thành có tồn tại, nhưng trong thực tế vẫn không có ‘sự sống,’ bởi lẽ nó chưa trọn vẹn (tr. 84, số 1, trong Zachary Hayes, The Hidden Center, tr. 63)

Mối tương quan giữa Ngôi Lời và tạo thành được đặt trong bối cảnh là mọi loài thu tạo hiện hữu là một ‘mikrologos,’ một ‘tiểu ngôn’ của Thiên Chúa. Trong sự nhỏ bé của mình, mọi thụ tạo đều biểu lộ Ngôi Lời. Tuy nhiên, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, con người đặc biệt được kêu gọi để biểu lộ Ngôi Lời một cách độc đáo.

Theo thần học của thánh Bô-na-ven-tu-ra, vì Ngôi Lời là hình ảnh mẫu mực, nên Ngôi Lời thể hiện mọi tiềm năng của hình ảnh sáng tạo của con người (84,2, Hayes, tr. 63-67). Con người là bản thâu tóm thế giới vật chất và thế giới tinh thần, và chính trong sự thâu tóm đó mà con người có được mối tương quan thân mật, độc đáo và có một không hai với Thiên Chúa.

Chính trong bối cảnh con người là đỉnh cao của tất cả thụ tạo cao quý trong trật tự tạo thành, thánh Bô-na-ven-tu-ra tìm hiểu mầu nhiệm Nhập Thể (84,5, Itinerarium, 4,3, Brev., Hex. 3.2-32). Trong thời kỳ hoạt động tại đại học Pa-ri, các tác phẩm của thánh Bô-na-ven-tu-ra tập trung vào khía cạnh siêu hình và hữu thể học của mầu nhiệm Nhập Thể, nhưng trong các tác phẩm thiêng liêng và thần bí về sau, người tìm hiểu mầu nhiệm Nhập Thể trong bối cảnh tương quan Ba Ngôi.

Ngôi Lời Vĩnh Cửu hiện diện trong chính trung tâm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Ngôi Lời vĩnh cửu kết hiệp với con người Giê-su qua tiến trình Ngôi hiệp ; như thế, mầu nhiệm Nhập Thể liên quan đến mầu nhiệm trung gian của Ngôi Lời vĩnh cửu trong phạm vi hiện sinh và lịch sử.

Nếu chúng ta phải đưa ra một thuật ngữ tóm tắt tư tưởng của thánh Bô-na-ven-tu-ra về Ngôi Lời, thì thuật ngữ đó có thể là ‘trung tâm.’ Vì Ngôi Lời ở giữa trung tâm Ba Ngôi, giữa Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nên Ngôi Lời cũng ở giữa Thiên Chúa Ba Ngôi và tạo thành, và qua mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Lời ở giữa thần linh và nhân loại.

Do đó, Ngôi Lời là ‘trung tâm’ của Ba Ngôi, và qua mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Lời là ‘trung tâm’ của vũ trụ, và trong tư cách là Giê-su Na-gia-rét, con người lịch sử, Ngôi Lời là ‘trung tâm’ của kế hoạch cứu độ. Tuy nhiên, chính Ngôi Lời Nhập Thể ấy cũng là trung tâm của mọi sự khao khát trong tâm tư, tình cảm và tâm hồn con người – bởi vì toàn thể con người chỉ có thể được lấp đầy bởi thần linh, hay được ‘thần hóa’ như kiểu nói của thánh A-ta-na-si-ô, nhờ mầu nhiệm Nhập Thể (85,5). Tôi sẽ trở lại vấn đề này một cách chi tiết hơn.

Tuy nhiên, trong trường hợp đó, chúng ta cần phải tìm hiểu lý do. Tại sao Ngôi Lời Vĩnh Cửu đã trở thành Ngôi Lời Nhập Thể ? Khi thân phận con người đã bị băng hoại, tại sao Ngôi Lời Vĩnh Cửu lại kết hiệp với thân phận đó ? Nếu mầu nhiệm Nhập Thể liên quan đến sự viên thành của vũ trụ, thế thì tại sao Ngôi Lời lại quyết định kết hiệp với một yếu tố vật chất trong vũ trụ mà thôi ?

Thánh Bô-na-ven-tu-ra không tránh né những vấn nạn đó. Nếu sử dụng thuật ngữ của người, ta có thể đặt câu hỏi : liệu việc kết hợp với toàn thể tạo thành không ‘thích hợp’ hơn hay sao ? Thánh nhân đã khảo sát vấn đề về sự thích hợp của một Thiên Chúa tình yêu và bản tính con người. Mãi về sau, vấn đề này mới được Duns Scotus khai triển, nhưng hiển nhiên là thánh Bô-na-ven-tu-ra đã đặt nền móng trước.

Thánh Bô-na-ven-tu-ra khảo sát những vấn đề đó trong phạm vi mà chúng ta có thể gọi là Ki-tô hữu thể luận, bởi vì người đặt những vấn đề đó trong bối cảnh các mối quan hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Như chúng ta đã biết, bởi vì các ngôi vị trong Ba Ngôi khác biệt với nhau do nguồn gốc, nhưng ba ngôi vị đã quan hệ với nhau một cách nào đó để thật sự là một.

Khi đặt đạo lý này trong phạm vi hữu thể học Ba Ngôi, thánh Bô-na-ven-tu-ra muốn khẳng định rằng chính trên nền tảng học thuyết Thiên Chúa Ba Ngôi mà Thiên Chúa mới có thể kết hiệp thật sự với hữu thể cá vị và đích thật của con người. Sự kết hiệp của một con người thần linh là sự kết hiệp đích thật của Thiên Chúa với người khác, tức là người có khả năng đón nhận sự viên mãn của tình yêu thần linh, đó là con người. Đó là mầu nhiệm Đức Giê-su Na-gia-rét Ngôi Lời Nhập Thể (86,7. Sent. III, d. 5, a1.a2, resp.).

Trong mầu nhiệm Nhập Thể, dự phóng của con người với toàn thể bản tính của nó, được dự định cho việc kết hiệp với thần linh, bởi vì thần linh chính là nền tảng của thực tại và toàn thể hữu thể, siêu hình và tinh thần của con người. Như thế, mầu nhiệm Nhập Thể trở thành nguyên lý vĩnh cửu của hiệp nhất và nối kết giữa Thiên Chúa và vũ trụ. Bởi vì Ngôi Lời, vốn là ‘trung tâm,’ biểu lộ hoàn toàn và đầy đủ nhất tất cả những điều mà Chúa Cha có thể quan niệm hay ‘suy tưởng,’ thì trong Thiên Chúa Ba Ngôi cũng vậy, mầu nhiệm Nhập Thể là tất cả những gì mà Chúa Cha có thể quan niệm về vũ trụ (Chú giải Tin Mừng Lu-ca, c 13, n. 72). Và như thế, Đức Giê-su là trung tâm và đầu của vũ trụ. Mọi vật được hiện hữu bởi vì Người hiện hữu, bởi vì Người là đầu và cuối của tạo thành, và mục đích tối hậu của con người thể hiện nơi Người.

Tôi đã sử dụng thuật ngữ ‘Ki-tô hữu thể luận’ thay cho thuật ngữ ‘Ki-tô học’ cách đây ít lâu, bởi tôi nghĩ rằng vì mầu nhiệm Nhập Thể đóng vai trò chủ yếu trong thần học thánh Bô-na-ven-tu-ra và thuật ngữ đó thể nêu bật tính chất ‘Ki-tô trung tâm.’ Tuy nhiên, tôi không dám chắc là thuật ngữ ấy còn được hiểu một cách chính xác như thế nữa hay không.

Thánh Bô-na-ven-tu-ra đã đi đến chỗ khẳng định rằng chính ‘Ngôi Lời’ đã trở nên người phàm chứ không phải Thiên Chúa đã trở nên người phàm. Ở đây, thánh Bô-na-ven-tu-ra muốn nói về Ngôi Lời, chứ không hoàn toàn ám chỉ ‘Thiên Chúa.’ Tuy nhiên, đó không phải là kết luận cuối cùng của người, mà chỉ là một ý kiến cá nhân. ‘Thiên Chúa’ không phải là một ngôi vị mà là Ba Ngôi Vị, và không phải Ba Ngôi đã nhập thể, nhưng chỉ có Ngôi Hai là Ngôi Lời-Con đã trở nên Nhập Thể.

Do đó, chính Ngôi Lời-Con trong hữu thể ngôi vị duy nhất đã nhập thể. Hãy nhớ rằng Ngôi Lời là tất cả những gì mà qua đó Chúa Cha có thể biểu lộ chính mình ra bên ngoài. Do đó, những gì Chúa Cha tỏ bày ra ngoài qua Ngôi Lời (tạo thành), thì trên bình diện hữu thể và hiện sinh, chúng đặt  nền tảng trên Ngôi Lời chứ không phải trên Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần.

Ngôi Lời là trung tâm của mầu nhiệm Ba Ngôi, và trong cấu trúc học thuyết Ba Ngôi của thánh Bô-na-ven-tu-ra, mầu nhiệm Nhập Thể là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa (86,12, Hex, 9.2). Những suy tư sâu sắc nhất về về mầu nhiệm này được tìm thấy trong các phẩm thiêng liêng/thần bí của người, trong đó người nhận thức rằng tất cả mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được biểu lộ qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.

Hơn một lần tôi đã nói đến ý niệm trung tâm của Ngôi Lời trong mầu nhiệm Ba Ngôi trong thần học của thánh Bô-na-ven-tu-ra. Bây giờ chúng ta hãy khảo sát ý niệm đó để xem nó mở ra cho chúng điều gì.

‘Lời Vĩnh Cửu’ là trung tâm của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi,

‘Lời Nhập Thể’ là trung tâm của vũ trụ,

‘Lời Gợi Hứng’ là trung tâm của những khao khát trong tim con người.

Vì Ngôi Lời là vĩnh cửu và trung tâm của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nên Ngôi Lời là điểm nối kết giữa Chúa Cha, là Đấng sinh thành từ muôn đời, và Chúa Thánh Thần là Đấng hoàn toàn được sinh thành. Do vậy, Ngôi Lời vừa có những đặc tính của Chúa Cha, vừa có những đặc tính của Chúa Thánh Thần: cùng với Chúa Cha, Ngôi Lời ‘sinh ra’ Chúa Thánh Thần qua hành động ‘nhiệm xuất’ (thổi hơi), nhưng chính Ngôi Lời cũng là Đấng được ‘sinh ra’ (sinh ra từ thưở đời đời).

Do đó, Ewart Cousins nhận xét rằng Ngôi Lời là ‘sự trùng hợp giữa các sự đối nghịch’ (87,14, The Coincidence of Opposites in the Christology of Bonaventure, Franciscan Studies, 28 (1968), 27-46), bởi vì Ngôi lời có chung những điểm tương đồng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Có chung những điểm tương đồng với Chúa Cha khi Ngôi Lời tham gia vào việc nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần. Có chung những điểm tương đồng với Chúa Thánh Thần khi Ngôi Lời cũng là Đấng được ‘sinh ra’ và đón nhận sự thiện hảo phát xuất từ Chúa Cha. Bởi đó, Ngôi Lời là trung tâm hiệp nhất trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong thần học của thánh Bô-na-ven-tu-ra, khái niệm ‘trung gian’ có một chỗ đứng quan trọng trong cấu trúc của Ngôi Lời. Đối với thánh Bô-na-ven-tu-ra, Ngôi Lời nối kết hai cực vào một trung tâm chung (87,16, Alexander Schaeffer, ‘The Position and Function of Man in the Created World According to Boanventure.’  Pt.II,  Fran Stud., 21 [1962], p.265). Và theo chiều ngang cũng như chiều dọc, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu hoàn hảo đã được thể hiện nhờ Ngôi Lời là trung gian-trung tâm.

Ngôi Lời cũng là trung điểm và trung tâm giữa Chúa Cha và tạo thành. Chính vì Ngôi Lời-trung tâm mà tạo thành được kết hợp với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ba Ngôi vì vị trí trung gian của Ngôi Lời, và nếu không có vị trí trung gian đó trong mầu nhiệm Ba Ngôi, tạo thành không thể có gì giống với Thiên Chúa.

Ba Ngôi là nền tảng của  mọi tương quan, và Ngôi Lời là nền tảng của mọi sự hiệp nhất các mối tương quan. Khi áp dụng ý niệm ‘đối lập’ vào mầu nhiệm Ngôi lời Nhập Thể, ý niệm đó có một tầm quan trọng sâu xa hơn. Ngôi Lời Nhập Thể là nguyên lý thứ nhất, là cấp bậc đầu tiên của mọi thực tại hữu thể, bởi vì Ngôi Lời là Thiên Chúa Nhập Thể và nối kết Thiên Chúa với kế hoạch nhân loại, nối kết hữu hạn với vô hạn, thụ tạo với đấng sáng tạo, cái đơn thuần với cái phức hợp, cái toàn hảo với cái bất toàn – và đó chính là Đức Giê-su  Na-gia-rét, con người thụ tạo.

Điều này không chỉ có ý nghĩa trên bình diện cá nhân, mà còn có ý nghĩa trên bình diện vũ trụ [88,19, Cousin, Coincidence of Opposites, p.152]. Mọi thực tại đối lập trong tạo thành được hiệp nhất với nhau nhờ Ngôi Lời. Điều đó được gọi là ‘sự bổ túc của thực tại đối lập.’ Mọi sự đối lập trong trật tự hiện nay xác nhận tha thể và bổ túc cho tha thể trong việc kết hiệp với Ngôi Lời.

Do đó, tất cả  thực thể trong vũ trụ dù đang hiện hữu hay sẽ hiện hữu đều nhờ Đức Ki-tô mà được hiệp nhất với nhau. Là trung tâm chung của mọi loài, Đức Ki-tô là tâm điểm của sự hiệp nhất các thực tại đối lập.

Nhờ ý niệm hiệp nhất các thực tại đối lập của thánh Bô-na-ven-tu-ra, chúng ta có thể bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân và động lực của việc Nhập Thể trong thần học của người. Chúng ta phải nói ngay rằng cho dù thánh Bô-na-ven-tu-ra bênh vực ‘tối thượng quyền của Đức Ki-tô,’ nhưng qua tư tưởng của Scotus chúng ta có thể hiểu rằng mầu nhiệm Nhập Thể bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa hơn là tội lỗi.

Thánh Bô-na-ven-tu-ra là một nhà thần học thực tế, nghiên cứu về tội lỗi trong bối cảnh hiện sinh. Tội là một thực tế trong kinh nghiệm của con người. Trong tư tưởng của thánh Bô-na-ven-tu-ra, tội lỗi là một rối loạn tác động trên toàn thể con người, và vì thế, người ta phải đảm nhận toàn thể con người thì mới có thể chữa lành toàn diện [88,21, Brev. 4.2].

Thánh Bô-na-ven-tu-ra quan niệm mầu nhiệm Nhập thể là sự trao ban hoàn toàn của Ngôi Lời hầu có thể mạc khải sự thật và ân sủng. Trong mầu nhiệm Nhập Thể, bản tính thấp hèn của chúng ta được kết hiệp với bản tính thần linh. Nhập thể là việc Thiên Chúa đích thân đến với con người trong Đức Ki-tô, ngõ hầu chúng ta có thể nhận biết, yêu mến và chiêm ngưỡng Người.

Mối tương quan giữa nhân loại và Thiên Chúa bị rạn nứt do tội lỗi gây nên phải được phục hồi nhờ một Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Bởi thế, trong tư tưởng của thánh Bô-na-ven-tu-ra, ưu tiên số một của mầu nhiệm Nhập Thể là phục hồi mối tương quan nguyên tuyền giữa tạo thành với Thiên Chúa và điều đó được hoàn tất qua việc Ngôi Lời vĩnh cửu nhập thế.

Đối với thánh Bô-na-ven-tu-ra, tội lỗi là nguyên nhân đưa đến mầu nhiệm Nhập thể, và Đức Giê-su thật sự là Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, thánh Bô-na-ven-tu-ra không giới hạn mầu nhiệm Nhập thể và Cứu Chuộc trong viễn cảnh tội lỗi mà thôi.  Ngoài việc Nhập Thể, Thiên Chúa có thể chọn một cách khác để phục hồi tạo thành.

Thánh Bô-na-ven-tu-ra quan niệm Nhập Thể là công trình cao quý nhất của Thiên Chúa (Scotus cho rằng đó là ông trình tuyệt đỉnh của Thiên Chúa – kiệt tác của Thiên Chúa), bởi vì tội lỗi không thể là lý do duy nhất khiến Ngôi Lời nhập thể. Nếu tội lỗi là lý do của Nhập Thể, thế thì tại sao nhân loại hòa hợp với Lời Thiên Chúa một cách tinh vi như thế? Đó là những câu hỏi quan trọng đối với thánh Bô-na-ven-tu-ra, và trong khi người hiểu Nhập Thể là công trình cứu độ, người không chỉ giới hạn Nhập thể vào khía cạnh đó. Quả  thế, tội lỗi là lý do cuối cùng mà thánh Bô-na-ven-tu-ra trưng dẫn để giải thích mầu nhiệm Nhập thể. Có những lý do khác nổi bật hơn:

  1. Trong mầu nhiệm Nhập Thể, sự khôn ngoan, quyền năng và sự thiện tuyệt đối của Thiên Chúa được biểu lộ trong thời gian. Do đó, mầu nhiệm Nhập Thể là một công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi. Quyền năng của Thiên Chúa là Cha, sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa là Con và sự Thiện của Thiên Chúa là Thánh Thần. Như vậy, trong mầu nhiệm Nhập Thể, Ba Ngôi Thiên Chúa được tỏ hiện trong lịch sử nhân loại.
  2. Sự toàn hảo của vũ trụ là mục tiêu của Mầu nhiệm Nhập Thể. Bởi vì Trưởng tử phải nối kết với loài thụ tạo cuối cùng, nên Ngôi Lời thần linh phải nối kết với nhân loại.
  3. Khi để cho thế giới chiêm ngưỡng Thiên Chúa là Đấng thông truyền chính mình qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa cũng làm cho con người được chiêm ngưỡng Người trong vinh quang.
  4. Cuối cùng, lý do sau hết của mầu nhiệm Nhập Thể là để khắc phục tội lỗi do con người gây ra và vì thế mà cần phải có Thiên Chúa-con người làm Đấng Trung Gian [90, 24, Xavier Pancheir, The Universal Primacy of Christ, 1984; Hayes, Hidden Centre, 172-173].

Đối với thánh Bô-na-ven-tu-ra, Mầu nhiệm Nhập Thể thể hiện cách hoàn hảo điều vốn đã có nơi thân phận con người, đó là sự kết hiệp với thần linh. Do đó, vũ trụ và Đức Ki-tô không phải là những thực tại liên hệ với nhau cách ngẫu nhiên, nhưng kết nối với nhau một cách sâu xa và theo chiều hướng đó thì mầu nhiệm Nhập Thể hoàn tất công trình sáng tạo [90, 25, Hayes, Incarantion and Creation, pp.320-29]. Mầu nhiệm Nhập Thể thể hiện cách đầy đủ nhất tiềm năng của con người là được kết hiệp với bản tính thần linh [91,26,Sermo II , On the Nativity of Christ, Eric Doyle, What Manner of Man, pp.57-75].

Như vậy, thánh Bô-na-ven-tu-ra là một nhà ki-tô vũ trụ học. Thánh Phao-lô đã khai triển một vũ trụ học quy Ki-tô như thế trong các thư gởi tín hữu Ê-phê-sô, Cô-lô-sê và các giáo phụ Hi-lạp như A-tha-si-ô, Gree-gô-ri-ô thành Nít-xa, Gio-an Đa-mát, Ma-xi-mô chứng nhân đức tin hay những tác giả khác như I-sa-ác thành Ni-ni-vê cũng đã nghiên cứu tường tận. Trong vũ trụ học quy Ki-tô của nền thần học Hi-lạp, Ngôi Lời Thần linh chính là ‘chất liệu’ làm nên vũ trụ, là ‘DNA’[2] của vũ trụ [91, 27, George Maloney, The Cosmic Christ from Paul to Teilhard, 1968, p.142-148].

Như thế, nơi thần học của thánh Bô-na-ven-tu-ra mầu nhiệm Nhập Thể nhắm đến việc phục hồi và hoàn thiện vũ trụ chứ không phải để giải trừ tội lỗi. Đúng hơn, mầu nhiệm Nhập Thể nói đến một sự trổi vượt tuyệt đối của tình yêu và lòng thương xót [92, 30, Hayes, Hidden Centre, p.163]. Bởi đó, thánh Bô-na-ven-tu-ra là người đi trước Scotus khi người cho rằng Thiên Chúa muốn Nhập Thể là vì lợi ích của việc nhập thể chứ không phải vì bất cứ sự thiện nào thấp kém hơn (nhu cầu cứu chuộc).

Từ đó, chúng ta có thể nói rằng mầu nhiệm Nhập Thể trong tư tưởng của thánh Bô-na-ven-tu-ra thể hiện cả việc cứu độ lẫn việc hoàn thành vũ trụ; sự kiên Nhập Thể tỏ cho thấy việc hoàn thiện vũ trụ đã được thực hiện và đã đạt được.

Như vậy, thánh Bô-na-ven-tu-ra đã hiểu mầu nhiệm Nhập Thể theo ba chiều kích. Đức Ki-tô là trung tâm của vũ trụ, trung tâm của mọi thời đại, lịch sử và sự hoàn thiện cao đẹp nhất của vũ trụ, bởi vì chính trong Đức Ki-tô mà thần linh, con người và thiên nhiên thiêng liêng được kết hợp với nhau [93, 33, Sermon on the Nativity of Christ II, Doyle, pp.73-74].

Ba chiều kích này được gia tăng hơn nữa, bởi vì Đức Ki-tô cũng là Thiên Chúa, là người thật và thật sự thuộc về vũ trụ này. Người là trung điểm mà vũ trụ đang hướng về trong hành trình tiến về sự kết hợp của mình. Đức ki-tô là tấm thảm trên đó các mối tương quan giữa Thiên Chúa Ba Ngôi, nhân loại và tạo thành đan xen với nhau, để cho cùng đích tối hậu của vũ trụ được thể hiện trong con người Đức Giê-su.

Như vậy, Nhập Thể là biến đổi vũ trụ, bởi vì Thiên Chúa nhập thể đã nhận lấy một điều gì đó hiện hữu trong vũ trụ: hiện hữu, sự sống, cảm giác, trí năng. Nhờ đó, mọi sự được biến đổi trong Đức Ki-tô. Mọi vật hiện hữu đều ở trong Đức Ki-tô.

Thật là một viễn ảnh tuyệt diệu! Tuy nhiên, chúng ta còn phải đối phó với thực tại tội lỗi. Như tôi đã nói thánh Bô-na-ven-tu-ra là một thần học gia thực tế, hiện sinh và nghiên cứu về tội lỗi. Viễn ảnh của người về Đức Ki-tô vẫn đúng, bởi vì vấn đề tội lỗi không hệ tại ở Đức Ki-tô là sự thành toàn của vũ trụ, nhưng hệ tại ở con người. Vì Đức Ki-tô là Ngôi Lời qua Người mọi sự được tạo dựng và hoàn thiện, nên Người là mục tiêu của mọi sự. Đức Ki-tô không chỉ là điểm hoàn thiện, nhưng Người còn là bản thiết kế, khuôn mẫu và hình ảnh  mà con người được kêu gọi hướng tới sự hoàn thiện thiêng liêng phải dựa vào đó để khuôn đúc chính mình. Chính ở điểm này mà mầu nhiệm Đức Ki-tô gặp gỡ mầu nhiệm con người và toàn thể tạo thành.

Do đó, hình ảnh đích thật mà Thiên Chúa dựa vào đó để tạo dựng nhân loại là hình ảnh Đức Ki-tô, và sống trong Đức Ki-tô là sống trong Thiên Chúa Ba Ngôi và tham dự vào tình yêu tự hiến là bản chất của Ba Ngôi  [94, 35, Ilia Delio, ‘Bonaventure’s Metaphysics of the Good’, 228-246]]. Qua cái chết và phục sinh của Người, Đức Ki-tô làm cho vũ trụ được hoàn thiện và qua lịch sử, chúng ta được mời gọi làm cho vũ trụ được viên thành trong Đức Ki-tô.

Tội lỗi là chướng ngại cản trở chúng ta sống trọn vẹn trong Đức Ki-tô, bởi thế mà tiến trình lớn lên theo hình ảnh Đức Ki-tô đòi hỏi chúng ta phải hoán cải và để cho Thần Khí của Thiên Chúa tác động mạnh mẽ hơn nữa  trên đời sống chúng ta. Nói cách khác, chúng  ta cần có một đời sống mới hướng về Đức Ki-tô. Đó là trọng tâm của hành trình thiêng liêng. Đức Ki-tô trở nên sự viên thành của vũ trụ khi mỗi người chúng ta được ‘thành toàn’ trong Đức Ki-tô. Sự viên thành của chúng ta cũng như của vũ trụ hệ tại ở sự tự do hành động theo hình ảnh của Đức Ki-tô.

Đây là mầu nhiệm chính yếu của việc hoàn thiện vũ trụ – sự tự do không thể thiếu của Thiên Chúa như là tình yêu – Tạo thành biểu lộ sự tự do yêu thương của Thiên Chúa và Thiên Chúa  đã yêu thương tạo thành đến nỗi khả năng yêu thương đặt nền tảng trên tự do và nhất là sự tự do của những thụ tạo bất tất đặt nền tảng con người là thụ tạo có tự do yêu thương để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa.

Về phần Thiên Chúa, Người không độc đoán khi đòi hỏi phải được yêu thương. Người không ép buộc, nhưng tự do chia sẻ quà tặng tình yêu cho con người là loài thụ tạo tóm kết tất cả tạo thành. Điều này được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Giê-su, và đó là vinh quang của Thiên Chúa.

Tuy vậy, sự đáp trả tuyệt hảo chưa trọn vẹn. Trong khi Đức Giê-su đáp lại lời mời gọi của Chúa Cha một cách tuyệt hảo, thì nhiệm thể Đức Ki-tô toàn diện vẫn chưa đáp lại cách hoàn hảo, bởi vì nhân loại chưa thành toàn trong Đức Ki-tô. Chúng ta là Đức Ki-tô, chúng ta là Đức Ki-tô viên mãn. Chúng ta là mầu nhiệm trong việc kết hiệp, nhưng mầu nhiệm đó còn phải thể hiện trong lịch sử qua việc hiệp thông.

Chúng ta kết hiệp với Đức Ki-tô và qua đó, chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng hiện nay chúng ta còn phải nỗ lực thể hiện sự kết hiệp đó qua việc hiệp thông với anh chị em trong tạo thành. Và chỉ khi nào chúng ta hợp tác đầy đủ hơn với Đức Ki-tô, trung tâm của vũ trụ, bấy giờ Đức Ki-tô sẽ là chóp đỉnh và là sự viên thành của tạo dựng. Chỉ khi đó, hình ảnh của Thiên Chúa, mà Ngôi Lời Nhập Thể là hình ảnh đầu tiên giữa tạo thành, sẽ trở thành nhiệm thể của Đức Ki-tô và có khả năng biểu lộ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong một tình yêu hiệp thông.

————————

[1] LM Nguyễn Đoàn Tân chuyển dịch, Học Viện Phanxicô, Thủ Đức, 2021.

[2] DNA là cấu tử cơ bản của tế bào di truyền.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here