THẦN HỌC THẬP GIÁ TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI

0
2427

Barnabas M. Ahern c.p.

Trích Thời sự Thần học, Số 90 (tháng 11/2020), trang 35-54.

NỘI DUNG

I. Thập giá trong cuộc đời Đức Giêsu: 1. Biện hộ cho cái chết của Đức Giêsu. 2. Sự tiến triển của thần học thập giá. 3. Thần học thập giá trong thư Híp-ri.

II. Giáo huấn Tân ước về vị trí của thập giá trong cuộc đời Kitô hữu: “Logion” của Tin mừng về việc vác thập giá. 2 Giáo huấn của thánh Phaolô. 3 Những khai triển khác trong Tân ước.

III. Thập giá trong năm thế kỷ đầu tiên: 1. Ba thế kỷ đầu. 2. Thế kỷ IV và V.

IV. Thập giá vào thời Trung đại: 1. Liên tục và tiến triển. 2. Điểm nổi bật trong sự tiến triển này.

V. Thập giá trong Giáo hội sau công đồng Trentô: 1. Sự đóng góp của trường phái Tây-ban-nha. 2. Sự nhất quán về đạo lý và thực hành trong các thế kỷ gần đây.

VI. Thập giá trong thế kỷ XX: 1. Những lý do thần học của sự thay đổi. 2. Những lý do tâm lý-xã hội. 3. Dự báo tương lai: a) Sự tiến triển trong thần học; b) Việc phục vụ Thân thể Chúa Kitô. 4. Sự hiện diện thường hằng của Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá.

Nguồn: “Croce”, Nuovo Dizionario di Spiritualità. Edizioni Paoline, terza ed., Roma 1982, p.366-376. Tác giả. Cha Barnabas Ahern, linh mục dòng Thương khó (1915-1995), nguyên là giáo sư Kinh thánh, thành viên của Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng (1969-1975) và Ủy ban thần học quốc tế (1970-1985).

———

Trong lịch sử Kitô giáo, thập giá, nơi mà Đức Kitô đã chết và từ đó Người đã phục sinh, đã trở thành khuôn mẫu tuyệt đỉnh của công cuộc cứu độ của Thiên Chúa và mẫu gương cho sự đáp trả của con người. Một em bé làm dấu thánh giá và một vị thánh đã diễn tả mầu nhiệm cuộc thương khó Chúa vào trong nội tâm đời mình: cả hai đều làm chứng cho ý nghĩa trường tồn của thập giá trong đời sống và thực hành của người Kitô hữu. Crux stat dum orbis volvitur[1].

I. THẬP GIÁ TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC GIÊSU

Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá chỉ có thể hiểu được đúng mức dưới ánh sáng của hoạt động trước đó của Người. Đức Giêsu đã hiến dâng đời sống và hoạt động của mình để chu toàn sứ mạng mà Chúa Cha đã ủy thác, đó là khuyến khích loài người chấp nhận chủ quyền tối cao của Thiên Chúa. Thế nhưng công việc giảng thuyết của Người đã gây ra nhiều chống đối và phản kháng. Người không chùn bước trước điều ấy, nhưng vẫn cứ trung thành với nhiệm vụ, kể cả giữa các khó khăn không ngừng tăng thêm. Tin mừng thứ bốn, khi nói đến việc Đức Giêsu vâng phục Chúa Cha, đã nhấn mạnh rằng Người có ý thức rõ rệt là Thiên Chúa tác động nơi mình để thực hiện việc cứu độ nhân loại (Ga 3,17; 5,19tt; 6,37tt; 9,4). Tin tưởng rằng những thử thách mà con người đặt ra cho mình không thể nào ngăn cản ý muốn cứu độ của Thiên Chúa (Ga 2,19tt; 10,18), Người tiếp tục dấn thân thi hành sứ mạng, dù tiên liệu rằng mình sẽ gặp thất bại theo cái nhìn của con người.

Vào khoảng giữa tác vụ, Người bắt đầu báo trước cuộc tự kết liễu tang thương của mình (Mc 8,31; Mt 16,22s; Lc 9,22). Trong những lời tiên báo ấy, Người đã ám chỉ rõ ràng hình thức cái chết mà mình sẽ phải chịu bởi bàn tay con người. Tuy vậy, với việc nhấn mạnh đến sự cần thiết của cái chết để chu toàn ý định cứu độ của Thiên Chúa (động từ tiếng Hy-lạp dei – cần phải – diễn tả một lệnh truyền của Thiên Chúa) và với lời hứa tín thác vào sự sống lại, Người tỏ cho thấy cái chết làm thành một yếu tố cốt yếu trong việc hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Các thánh tông đồ không hiểu điều ấy; vì thế khi xảy ra việc đóng đinh vào thập giá, sự kiện này đã gây ra một sự thất bại chua chát, cắt đứt hết mọi niềm hy vọng.

Chỉ sau khi sự phục sinh của Đức Giêsu đã được soi tỏ và giải thích nhờ Thánh Linh vào lễ Ngũ Tuần, các tông đồ mới hiểu ra rằng cái chết trên thập giá đã không ngăn chặn sự hoàn tất sứ vụ của Người. Trong Tân ước, chúng ta có thể phân biệt nhiều cấp độ trong việc Giáo hội nắm bắt ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa.

1. Biện hộ cho cái chết của Đức Giêsu. – Ở cấp sơ khởi nhất của việc loan báo Tin mừng (kerygma) các tông đồ phải trả lời cho những vấn nạn chống lại việc nhìn nhận Đức Giêsu như là Đấng Mêsia. Các đối phương đưa ra lý lẽ chống đối bởi vì Người đã bị chết ô nhục trên thập giá và bị khai trừ bởi các nhà lãnh đạo Do-thái. Các thánh tông đồ đã nghĩ ra một sự biện hộ cho cái chết của Đức Giêsu, và giải thích rằng cái chết này đã được Thiên Chúa biết trước và đã được các ngôn sứ tiên báo (Cv 2,23; 3,13ss. 18; 13,27ss). Để đạt được mục đích này, các tông đồ nại đến lời tiên tri của Isaia về người đầy tớ đau khổ của Giavê (Cv 3,13.26; 4,27.30; x. Is 52,13 – 53,12) và các thánh vịnh được coi là tiên báo (Cv 4,11, x. Tv 118,22; Cv 4,25t; x. Tv 2,1s).

2. Sự tiến triển của thần học thập giá – Các thư của thánh Phaolô làm chứng rằng các Kitô hữu tiên khởi đã sớm khám phá những kho tàng to lớn và tích cực trong mầu nhiệm cái chết của Đức Giêsu. Họ nhận thấy nó mang đặc tính của một hy lễ hoàn toàn, có khả năng tha thứ tội lỗi và thiết lập một tương quan giao ước mới với Thiên Chúa (Rm 3,24; 4,25 – 5,2; 1 Cr 5,7; 2 Cr 5,19; Ep 5,1). Bởi vì Đức Giêsu đã chết vì vâng phục ý muốn của Chúa Cha (Rm 5,19; Pl 2,8; Hr 10,4tt), cho nên thập giá của Người được đón nhận như là biểu hiện tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa (Rm 5,6tt; 8,32tt) và như là công cụ hữu hiệu của sự khôn ngoan và quyền năng Thiên Chúa trong công cuộc giao hòa con người với Thiên Chúa (1 Cr 1,18tt; Cl 1,19t).

Những trực giác sâu xa này của đức tin được phản ánh nơi thuật ngữ của Tân ước, sử dụng các từ “thập giá”, “cây gỗ”, “cái chết”, “máu” theo một nghĩa nguyên mẫu. Mặc dù những từ này ám chỉ các yếu tố vật thể và những cảm nghiệm thực sự của cuộc đời Đức Giêsu, nhưng chúng được soi sáng bởi ánh sáng của hành vi cứu độ hoàn hảo của Thiên Chúa, hành vi được tỏ lộ sung mãn nơi ánh sánh vinh quang của sự Phục sinh.

3. Thần học của lá thư Hip-ri. Tác giả vô danh của lá thư đã giúp cho Hội thánh tiến triển hơn trong việc nhận ra điều hàm ngụ của thập giá đối với nhân tính Đức Giêsu và sự thiết lập giao ước mới (Hr 8,6-9.15). Nó cho thấy rằng, sự đau khổ đầy tính người mà Đức Giêsu phải chịu đã làm cho Người trở thành một vị thượng tế đầy lòng trắc ẩn và cái chết của Người trên thập giá là một hy lễ tư tế kéo dài mãi mãi để thanh luyện con người khỏi tội lỗi, và để kết hợp con người với Thiên Chúa (Hr 2,10; 4,14tt; 5,7tt; 10,1-18).

II. GIÁO HUẤN TÂN ƯỚC VỀ VỊ TRÍ CỦA THẬP GIÁ TRONG CUỘC ĐỜI KITÔ HỮU

Cũng như cái chết của Đức Giêsu trên thập giá có ý nghĩa đặc biệt và quyền năng cứu độ là do tình yêu mà Đức Giêsu chu toàn trung thành sứ mạng mà Chúa Cha đã trao phó, thì Tân ước cũng nêu bật lòng tận tụy và trung thành đối với Thiên Chúa cần phát sinh công hiệu và gương mẫu của cái chết của Người ở nơi người Kitô hữu. Các Sách thánh không dạy một học thuyết bạo dâm về chịu khổ, nhưng khẳng định rằng mọi hình thức “đi theo” những đau khổ của Đức Giêsu, trong bí tích hoặc trong đời sống, đương nhiên hàm ngụ “quyền năng của sự phục sinh”, mang lại sự sống, ánh sáng và sức mạnh, để kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa và hợp tác tích cực vào công cuộc cứu độ của Người trên trần gian (Pl 3,10t; 2 Cr 1,5t).

1. “Logion” của Tin mừng về việc vác thập giá (Mc 8,34; Mt 10,38; 16,24; Lc 9,23; 14,27) – Không rõ những lời này của Đức Giêsu có nói về thập giá của môn đệ được hiểu về thập giá bằng gỗ là hình phạt tử hình của luật Rôma hay không, bởi vì thập giá chưa bao giờ được sử dụng như biểu tượng văn chương của đau khổ con người. Dựa theo mạch văn Mc 8,34 và xét rằng các lời tiên báo cuộc thương khó theo Mác-cô không nhắc đến thập giá, có lẽ hình ảnh này được hiểu về “cái ách” của Đức Kitô, được đề cao ở Mt 11,29 hoặc về toàn bộ những hy sinh đòi hỏi nơi những ai muốn đi theo Đức Giêsu. Ngoài ra cũng có thể là hình ảnh văn chương này dựa trên tập tục của người Do-thái làm dấu hoặc xức dầu bằng dấu chữ thập (+ hoặc X, hình thức cổ xưa của chữ tau)như dấu chỉ thống hối hoặc biểu hiệu thiêng liêng thánh hiến một người cho Thiên Chúa (Ed 9,4; Thánh vịnh Salômôn 15,6tt). Vì thế, hình thức nguyên thủy của logion có thể diễn tả như sau: “Tất cả những ai không được đánh dấu + (nghĩa là không thống hối và không thánh hiến mình cho Thiên Chúa) thì sẽ không thể làm môn đệ của tôi được”. Logion này, kết hợp với ý thức sau này của Hội thánh về mầu nhiệm thập giá, đã trở thành biểu tượng của việc trở thành môn đệ Đức Kitô, và là nguồn gốc của nghi thức làm dấu thánh giá trên trán trong các nghi thức thống hối và rửa tội.

2. Giáo huấn của thánh Phaolô – Thánh tông đồ này có thể được gọi là thần học gia về sự hiện diện của thập giá Chúa Kitô trong đời sống người Kitô hữu. Tác giả không giới hạn vào việc dạy dỗ về quyền năng của thập giá để giải thoát con người khỏi tội lỗi và tính ích kỷ, khỏi cái chết và những dây ràng buộc của Cựu ước, nhưng ngài còn dạy vì sao “máu trên thập giá” đã thiết lập một giao ước mới, trong đó loài người sống hợp nhất với Thiên Chúa và bác ái yêu thương nhau (Ep. 2,13-22). Vì vậy, theo thánh Phaolô, mọi người Kitô hữu phải sống như kẻ, do bí tích thánh tẩy, đã “chịu đóng đinh với Đức Kitô” (Gl 2,19tt; 5,24; Rm 6,1-11; Cl 2,11tt). Điều này có nghĩa là người Kitô hữu, do việc tham gia vào tình yêu và sự vâng phục của Đức Kitô trên thập giá, cần phải liên tục giết chết tội lỗi và tật ích kỷ làm ngăn trở lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, cũng như niềm vui và bình an chiếu tỏa từ cuộc sống phục sinh của Chúa (Cl 3,2ss).

3. Những khai triển khác trong Tân ước – Thư Híp-ri và thư thứ nhất Phêrô, được viết trong thời kỳ gặp nhiều khó khăn, cám dỗ và bách hại, đã thêm vào chủ đề là người Kitô hữu cần nhìn ngắm những đau khổ của Đức Giêsu ngõ hầu bắt chước tinh thần trung tín, bác ái và thủ đắc sức mạnh để dõi theo gương của Người (Hr 12,2; 1 Pr 2,2l tt). Những bản văn này là nền tảng cho việc đề cao gương mẫu thập giá, một chủ đề sẽ nổi bật trong linh đạo thời Trung đại và kể cả tiếp theo sau nữa.

Tác giả của thư  Híp-ri đào sâu thần học thập giá trong đời sống Kitô hữu. Ông liên kết sự “thành toàn” và trưởng thành Kitô hữu (được diễn tả qua thuật ngữ Hy-lạp teleios) với sự kiện đã làm cho Đức Giêsu “hoàn hảo” (teleioun), nghĩa là đã trở thành vị thượng tế nhờ những đau khổ của con người trong cuộc thương khó và sự suy tôn vinh hiển của sự phục sinh (Hr 2,10; 5,9; 10,14; 12,23). Qua sự liên kết từ ngữ, tác giả nói rằng sự “hoàn hảo” của đoàn dân tư tế tùy thuộc vào việc hấp thụ tinh thần yêu mến và vâng phục nhờ đó con người của Đức Giêsu được “thành toàn” trong cuộc thương khó và trên thập giá.

III. THẬP GIÁ TRONG NĂM THẾ KỶ ĐẦU TIÊN

Hạt giống phong phú được tích chứa trong giáo huấn Tân ước về cái chết của Đức Kitô chưa phát sinh tức khắc các hoa trái trong các thế kỷ liền sau đó. Vì có những sai lầm Kitô-luận đe dọa đức tin vào thiên tính của Đức Kitô, cho nên cần phải nêu bật vinh quang của Đức Kitô phục sinh và của vẻ uy nghi Con Thiên Chúa và pantokrator (Chúa tể muôn loài). Mỗi khi đề cập đến cái chết của Đức Kitô, các giáo phụ đầu tiên nêu bật hành động quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, Đấng đã muốn dùng thập giá như công cụ để hành động. Duy chỉ hai thế kỷ cuối của thời kỳ này mới chứng kiến sự nở rộ của đạo lý Tân ước về chức năng mẫu gương của Đức Giêsu trong công trình cứu độ và trong cách ứng xử Kitô giáo.

1. Ba thế kỷ đầu. Các tác phẩm trong giai đoạn này khai triển ý nghĩa của thập giá như là công cụ của công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, vì thế người ta thường sử dụng việc giải thích Cựu ước theo lối ám dụ và tiên trưng, bắt chước các tác giả Tân ước (Ga 3,14tt; 1 Pr 3,20tt; Hr 9,11tt). Vì thế họ so sánh thập giá với cây trường sinh trong vườn địa đàng, với chiếc tàu ông Nô-ê, với bó củi mà ông Isaác vác lên núi Moría, với cái thang của ông Giacóp, với cây gậy của ông Môsê và với con rắn đồng. Các đề tài này được khai triển trong các bài huấn giáo và được đưa vào phụng vụ thánh tẩy và Thánh Thể.

Tuy vậy vào thời kỳ nguyên thủy này, một vài tác giả tựa như thánh Inhaxiô Antiôkia (+ 117) và thánh Policarpô (+ 165) đã nhắc đến những sự đau khổ của Đức Kitô để củng cố việc mời gọi các tín hữu hãy trung thành với Thiên Chúa theo gương Thầy chí thánh, Đấng đã trải qua cảnh bắt bớ. Biên bản của cuộc tuẫn giáo của thánh Polycarpô[2] đã vạch ra nguyên tắc chỉ đạo cho phần lớn linh đạo trong tương lai. Khi đề cập đến các vị tử đạo, tác giả kết hợp ba vai trò chứng nhân (martyres), môn đệ (mathêtai) và kẻ bắt chước (mimêtai) Đức Kitô. Ngoài ra, trong Thư gửi các tín hữu Rôma, thánh Inhaxiô đã liên kết chặt chẽ những bước đầu của môn đệ (V) với ước muốn trở nên “người bắt chước cuộc thương khó của Thiên Chúa của tôi” (VI) (PG 5, 691.693).

Trong cuộc tranh luận với thuyết ngộ giáo và ảo thân, thánh Irênê (+ 197) và ông Tertulianô (+ 220) đã viết rất nhiều về những sự đau khổ của Đức Kitô. Tuy nhiên chứng tá dồi dào và phong phú nhất về vai trò của nhân tính Đức Kitô trong các mầu nhiệm thánh hóa cuộc sống nhân sinh được gặp thấy nơi các văn phẩm của ông Origen (+ 250): trong các chú giải Kinh thánh, ông kết hợp việc giải thích ám dụ với sự nhận xét về ảnh hưởng của các lời nói và hành động của Đức Giêsu đối với đời sống người Kitô hữu.

2. Các thế kỷ IV-V. Cuộc trở lại của hoàng đế Constantinô (312) và việc tìm thấy cây thập giá của Đức Kitô đã thúc đẩy những cuộc biểu dương công khai việc tôn kính thập giá. Với việc chấp nhận Kitô giáo làm quốc giáo trong đế quốc Rôma, thập giá trở thành huy hiệu chính thức. Thập giá trở thành động lực cho việc hy sinh từ bỏ và nên thánh ở đời này, và bảo chứng cho vinh quang ở đời sau. Lòng tôn sùng thập giá chiếm giữ chỗ đứng quan trọng nơi linh đạo Kitô giáo trong thế kỷ IV, như chúng ta có thể nhận nơi sự phát triển phụng vụ tôn kính thập giá cũng như những cuộc hành hương đi viếng núi Golgotha và Mộ thánh. Các phần của cây thập giá, được di chuyển sang các nước Tây phương, đã trở thành nguồn gốc cho những cuộc biểu lộ bình dân của niềm tin vào quyền năng của thánh giá để giải thoát các tín hữu khỏi mọi hình thức sự dữ.

Đang khi đó, các bài giảng của thánh Ambrôsiô (+ 397), thánh Gioan Kim khẩu (+ 407) và thánh Augustinô (+ 430), nhằm đưa giáo huấn của Tân ước vào đời sống các tín hữu, đã gợi lên lòng sùng mộ đối với các mầu nhiệm của cuộc sống và cái chết của Đức Kitô. Những lời nhấn mạnh của thánh Gioan Kim khẩu về máu của Chúa Kitô và quyền năng thanh luyện và bổ sức đã gợi lại các giáo huấn của thánh Phaolô về chức năng của cái chết của Đức Giêsu trong mầu nhiệm cứu chuộc. Thánh Ambrôsiô và đặc biệt là thánh Augustinô đã mở màn cho linh đạo thời kế tiếp về sự hiện diện của cuộc thương khó Đức Kitô trong những nỗi khốn cùng, đau đớn, chịu chèn ép của Dân Thiên Chúa. Việc cứu giúp các nhu cầu tinh thần và thể xác của con người có ý nghĩa là trợ giúp Đức Kitô toàn thể trong cuộc thương khó của Người, bởi vì Đầu và các chi thể chỉ hợp nên một thân thể[3].

IV. THẬP GIÁ VÀO THỜI TRUNG ĐẠI (500-1500)

Giai đoạn này một đàng tiếp tục lòng đạo đức bình dân đối với việc tôn thờ thập giá đôi khi pha lẫn với mê tín, nhưng đàng khác cũng ghi nhận những tiến bộ đáng kể trong thần học tâm linh về sự hiện diện của thập giá trong đời sống Kitô hữu.

1. Liên tục và tiến triển. Vào buổi khai nguyên của các truyền thống đan, sự đề cao thập giá – đã được khai mào do thánh Pacômiô (+ 346) – đã giữ một vai trò quan trọng trong việc giải thích đời sống tu trì. Việc tuyên khấn đan tu được coi như phép rửa tội thứ hai. Do đó, các bài giảng và phụng vụ kèm theo nghi thức phụng vụ đều nêu bật rằng đan sĩ cần phải chịu đóng đinh cùng với Đức Kitô đối với thế gian, tội lỗi và những vui thú xác thịt. Phần thưởng đối lại là đan sĩ được hứa sẽ thông dự toàn vẹn vào niềm vui và bình an của Chúa Phục sinh. Ngay cả những chi tiết của chiếc áo dòng cũng được giải thích như là những yếu tố nhắc nhở đan sĩ bổn phận phải liên lỉ mang lấy thập giá của Chúa Kitô.

Đang khi các tu sĩ của các dòng đan tu tìm cách đào sâu mầu nhiệm thập giá, thì lòng đạo đức bình dân được biểu lộ qua việc xây cất các bức tượng thập giá, và diễn tả các ảnh tượng thập giá qua mọi hình thức kiến trúc và hội hoạ của châu Âu. Theo gương thánh Augustinô Canterbury, khi đến nước Anh vào năm 596, đã mang một thánh giá bằng bạc thay vì lá cờ, các nhà vua vào thời kỳ này cũng thay thế các lá cờ khi giao chiến bằng những hiệu kỳ mang hình thánh giá. Trong lòng đạo đức bình dân ở Saxonia và ở nhiều nơi khác, người ta cất lên các cây thánh giá bằng đá trên các đường đi, và càng lúc người ta càng dùng các tượng thánh giá để đảm bảo phép lành của Thiên Chúa cho hết mọi nhu cầu nhân sinh, chẳng hạn như để chữa bệnh, để cho đất đai được phì nhiêu, hoặc để tìm kiếm gia súc bị thất lạc. Người ta không phải lúc nào cũng sống theo tinh thần của Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, nhưng lại bộc lộ một niềm tin dị đoan vào quyền năng của thánh giá. Lòng đạo đức bình dân này đã tìm được sự phê chuẩn chính thức và một đà thúc đẩy mới vào năm 701, khi Giáo hoàng Sergiô 1 thiết lập lễ Suy tôn thánh giá.

2. Một điểm nổi bật trong sự tiến triển này. – Giai đoạn cuối cùng của thời Trung đại (từ thế kỷ XII đến thế kỷ XV) có thể gọi là thời hoàng kim của sự phong phú đạo lý về thập giá. Điều mà các giáo phụ Grêgôriô Cả (+ 604) và Bêđa (+ 736) đã gợi lên trước đây thì nay được chín muồi nơi các tác phẩm thần học và lòng đạo đức phụng vụ sâu đậm trong giai đoạn này. Các tác phẩm Meditationes (Suy niệm) vàCur Deus Horno? (Vì sao Thiên Chúa làm người) của thánh Anselmô (+ 1109), cùng với thần học tâm linh của Guillaume de Saint-Thierry (+ 1148) và của thánh Bênađô (+ 1153) đã gây ảnh hưởng sâu đậm trên khảo luận về cuộc Thương khó của các tác giả kinh viện[4]. Nhưng ảnh hưởng còn đáng kể hơn nữa đối với vài tác giả kinh viện là, cũng giống như thánh Bênađô, nằm ở chỗ việc suy niệm và lòng đạo đức bình dân chú trọng đến yếu tố nhân bản của các mầu nhiệm của Đức Kitô, tập trung vào những đau khổ của Chúa Cứu Thế trên thập giá.

Sự phát triển này được nhận thấy không những nơi các tác phẩm của thánh Bênađô, thánh Bonaventura (+ 1274) và thánh Gertrud (+ 1302), nhưng còn ảnh hưởng sâu xa đến đời sống tâm linh của các cộng đoàn tu sĩ lớn, như dòng Biển-đức, dòng Chartreux và Xitô, dòng Phan-sinh và Đa-minh. Đợt sóng này cũng chạm đến lòng đạo đức của các giáo dân nữa. Các huynh đoàn giáo dân dòng Ba Phan-sinh, theo gương thánh Phanxicô Assisi (+ 1226), cũng như các nhà giảng thuyết khác vào thời này, đã đào sâu thêm lòng tôn kính cuộc thương khó của Chúa Giêsu một cách khả giác, qua việc xây cất các tượng thánh giá, soạn thảo các lời nguyện và kinh cầu, tổ chức các việc đạo đức như là suy gẫm chặng đàng thánh giá. Khuynh hướng này gặp thấy một lối diễn tả qua các tác phẩm hội hoạ và điêu khắc đương thời, chẳng hạn như chân phước Angelico (+ 1455) đã trang hoàng tu viện thánh Mác-cô của dòng Đa-minh ở Firenze với những hoạ phẩm nổi tiếng về Đức Kitô chịu thương khó. Sự tăng gia lòng đạo đức cũng không tránh khỏi những tục lệ thái quá và mê tín; nhưng, nói chung, vẫn trung thành với những quan niệm chính thống với những nhà hướng dẫn tâm linh đã du nhập và cổ động cho nó. Các đề tài: chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô, bắt chước các nhân đức của Người, tin tưởng vào các công nghiệp của Người, quyền năng chuyển cầu của Người để lãnh nhận sự trợ giúp của Thiên Chúa,… đều dựa trên đức tin vững chắc vào nhân tính thực sự và thiên tính của Con Thiên Chúa nhập thể. Linh đạo thập giá đã giúp cho con người chịu đựng những thử thách của cuộc đời trong một thời buổi gian truân, và đã sản sinh nhiều vị thánh, như thánh nữ Angela Foligno (+ 1309) và Catarina Siena (+ 1380). Cách riêng, linh đạo này đã chín muồi trong trường phái sông Rhin, với các tác phẩm văn chương của cha Gioan Taulerô (+ 1361), chân phúc Henri Susô (+ 1366), và cuốn sách De imitatione Christi (Gương Chúa Kitô) vào khoảng 1424/27.

V. THẬP GIÁ TRONG GIÁO HỘI SAU CÔNG ĐỒNG TRENTÔ

Linh đạo của thời hạ trung đại, với lòng tôn kính sâu đậm đối với Đức Kitô chịu khổ nạn, tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến tâm tình đạo đức trong Giáo hội sau công đồng Trentô. Các dòng tu vượt qua cơn lốc của cuộc cải cách Tin lành, tiếp tục những truyền thống đã lãnh nhận từ quá khứ. Một cách tương tự như vậy, những Dòng tu mới lập cũng tôn trọng tinh thần và các văn phẩm của Giáo hội trước công đồng Trentô, và dĩ nhiên, linh đạo của các dòng tu đã gây ảnh hưởng đến lòng đạo đức của người giáo dân.

1. Sự đóng góp của trường phái Tây-ban-nha. Những nhân vật nổi bật nhất trong giai đoạn kế tiếp cuộc cải cách của công đồng Trentô là: thánh Inhaxiô Loyola (+ 1556), Têrêsa Avila (+ 1582) và Gioan Thánh giá (+ 1591). Đang khi thánh Inhaxiô tập trung chú ý vào việc suy gẫm cuộc thương khó Chúa Kitô và phát biểu những quy tắc giúp đỡ cho việc trung thành với việc bắt chước cuộc khổ hạnh của Chúa Cứu Thế, thì các vị tiến sĩ dòng Carmelô rút từ những trải nghiệm cá nhân của mình để mô tả những khía cạnh của đời sống tu trì thường mang theo tình yêu quảng đại và chân thành đối với Chúa Kitô chịu khổ nạn. Một cách nào đó, ba vị thánh này đã vạch ra con đường cho linh đạo của các thế kỷ sau đó phải theo. Cả ba vị đều coi việc suy gẫm cuộc thương khó của Đức Kitô như là yếu tố cần thiết cho cuộc chiến đấu để nên thánh. Mặc dù ba vị thuộc về trường phái Tây-ban-nha, nhưng họ đã diễn tả qua đời sống và các văn phẩm lòng sùng kính thánh giá được thực hành khắp nơi. Quyển sách La Croix de Jésus (thánh giá của Chúa Giêsu) của cha Louis Chardon, O.P. người Pháp (+ 1651), các Công vụ của các vị tuẫn giáo vì cuộc cải cách bên Anh, nghệ thuật và văn chương tâm linh bên Ý và Đức đều chứng tỏ rõ ràng rằng lòng yêu mến cuộc thương khó Chúa Giêsu đã chiếm vị trí hàng đầu trong các trào lưu tâm linh của Kitô giáo sau công đồng Trentô.

2. Sự nhất quán đạo lý và thực hành trong những thế kỷ gần đây. Việc tôn kính thánh giá đưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng những không suy giảm nhưng lại còn tăng gia trong những thế kỷ gần đây. Những nhà giảng thuyết nối tiếng, tựa như thánh Louis de Montfort (+ 1716), thánh Lêonarđô Portomaurizio (+ 1751) và thánh Phaolô Thánh giá (+ 1775), đã đặt cuộc thương khó của Chúa Giêsu làm chủ đề chính của các bài giảng, cũng tựa như những nhà thừa sai Dòng Tên, dòng Phan-sinh, dòng Capuxinô và dòng Vinh-sơn. Các văn phẩm của thánh Alphonsô Liguori (+ 1787) có thể xem như là tiêu biểu của lòng nhiệt thành của các nhà giảng thuyết cũng như các việc thực hành đối với cuộc Thương khó. Vì thế, lòng yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá trở thành yếu tố nòng cốt của các dòng tu ra đời trong thế kỷ XIX.

Lòng tôn kính thánh giá trong giai đoạn sau công đồng Trentô bao gồm tất cả mọi khía cạnh của mầu nhiệm cứu chuộc, như vốn đã lưu hành từ cuối thời Trung đại: Thánh Tâm Chúa Giêsu, các thương tích của Người, máu châu báu, khăn lau mặt, và Thánh Thể. Thực vậy, chúng ta có thể nói là, sau các văn phẩm của Phanxicô de Sales (+ 1622), của thánh Jean Eudes (+ 1680) và của những mặc khải cho thánh nữ Margarita Maria (+ 1690), việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu chịu đau khổ đã đạt được mức độ phổ cập chưa từng có trong các giai đoạn lịch sử trước đây.

Tấm gương của thánh Vinh-sơn Phaolô (+ 1660) đã mang lại nhiều hoa trái phong phú trong thế kỷ XIX, nhấn mạnh đến việc chia sẻ lòng thương xót của Chúa Giêsu đau khổ với việc quan tâm thực sự đến các chi thể đau khổ của thân thể mầu nhiệm của Người. Các vị sáng lập những dòng tu và các đoàn thể giáo dân, tựa như chân phúc Frederic Ozanam, sáng lập hội thánh Vinh-sơn Phaolô, đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải diễn tả lòng tôn kính cuộc thương khó của Chúa ra hành động cụ thể bằng cách dấn thân phục vụ những người nghèo, đau khổ, dốt nát và những người phải hứng chịu những hậu quả tiêu cực của cuộc cách mạng công nghệ.

VI. THẬP GIÁ TRONG THẾ KỶ XX

Hơn kém vào giữa thế kỷ XX, các tu sĩ và giáo dân tiếp tục đi theo những khuôn mẫu tôn kính thánh giá do truyền thống để lại. Đường thánh giá, mầu nhiệm Mân côi mùa thương, các việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, các bài giảng bình dân, đều tiếp tục duy trì lòng nhiệt thành yêu mến các sự thương khó của Chúa Cứu Thế. Một yếu tố biểu trưng của tinh thần này là sự thu hút chú ý đến những người nổi tiếng vì được mang các dấu tích cuộc thương khó của Chúa: thánh Gemma Galgani, bà Thérèse Neumann và cha Piô. Thế nhưng vào giữa thế kỷ, người ta ghi nhận một sự thay đổi, cách riêng tại châu Âu và Bắc Mỹ. Thật khó xác định các lý do của sự thay đổi bất ngờ đối với các hình thức linh đạo thánh giá trước đây. Xem ra các lý do còn sâu xa hơn là sự kiện công đồng Vaticanô II muốn chuyển hướng các việc đạo đức bình dân sang các kho tàng phong phú của Thánh Thể và phụng vụ. Một vài lý do sâu xa đáng cho chúng ta nghiên cứu, không chỉ bởi vì là nhân tố chính yếu của cuộc thay đổi mà còn vì chứa đựng hứa hẹn cho những phát triển mới.

1. Những lý do thần học của sự thay đổi – Vào khoảng giữa thế kỷ XX, người ta bắt đầu nêu bật sự phục sinh của Đức Kitô và ý nghĩa của biến cố này đối với đời sống Kitô hữu, dựa trên những học hỏi Kinh thánh và thần học. Như cha Durrwell[5] đã cho thấy, hướng đi này chỉ là tái khám phá những gì mà Tân ước, các giáo phụ và thánh Tôma Aquinô đã đề cập. Thế nhưng, tiếc thay, việc nhấn mạnh này đưa đến kết quả là làm lu mờ tầm quan trọng không kém của cuộc thương khó Chúa Kitô như là nguồn mạch của ơn cứu độ và khuôn mẫu của đời sống Kitô hữu. Vì thế nhiều người đã quên rằng, tuy dù ý nghĩa cuộc sống sẽ được soi sáng trên trời nhờ sự khôn ngoan của cuộc phục sinh, nhưng hiện thời trên mặt đất này ta vẫn còn phải sống dựa trên sự khôn ngoan của thập giá.

2. Những lý do tâm lý-xã hội. – Vào giữa thế kỷ XX, sự phát triển của một ý thức mới về xã hội đã cho con người nhận biết những khắc khoải, những điều kiện phi nhân, nhưng sự kỳ thị đè nặng đến kiếp sống của nhiều người, đang khi một thiểu số được hưởng những ưu đãi về địa vị và mọi thứ tiện ích. Những hậu quả của hai cuộc thế chiến, sự xuất hiện của thế giới thứ ba, sự phổ biến thông tin về những đau khổ của những dân tộc bị bóc lột và của những dân tộc thiểu số, song song với những giáo huấn rõ ràng của các giáo hoàng và công đồng Vaticanô II, đã mở mắt cho các Kitô hữu, cho họ nhận thấy cảnh nghèo đói và đủ hạng lầm than ở chung quanh họ. Việc dấn thân đáp ứng những thúc bách ấy đã khiến cho nhiều người dành hết sức lực tham gia vào công tác xã hội, khiến họ bỏ qua những hình thức linh đạo thuộc quá khứ, bị coi là quá tập trung vào bản ngã và thờ ơ với các nhu cầu của thế giới. Môt thứ cận thị nào đó đã đưa tới quan điểm cho rằng cuộc thương khó của Chúa Giêsu không ăn nhập gì với những nhu cầu cấp bách của nhân loại đang đòi hỏi phải ứng phó kịp thời.

3. Dự báo tương lai. -Thật còn sớm để dự đoán chính xác về linh đạo Kitô giáo trong những năm sắp đến[6]. Tuy nhiên có những dấu chỉ cho thấy rằng các kinh nghiệm gần đây có trở nên phong phú và đào sâu thêm ảnh hưởng của cuộc thương khó Chúa Kitô trên cuộc sống nhân loại. Đám mây đang tạm thời che khuất thập giá của Đức Kitô đã bắt đầu để lọt qua một vài tia sáng.

a) Sự tiến triển trong thần học. Một nhóm thần học gia người Đức, lo ngại trước sự che giấu cuộc thương khó của Chúa Kitô trong linh đạo Kitô giáo đương đại, đã tìm cách tái lập giá trị của quan điểm thường hằng về vai trò của cuộc thương khó Chúa Kitô như là “quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” trong công cuộc cứu chuộc nhân loại và trong đời sống các tín hữu. Chiều hướng tư tưởng này (chẳng hạn qua các bài viết của Karl Rahner) cho thấy rằng thập giá là sự biểu lộ tuyệt vời của đời sống nội tại của Thiên Chúa và mặc khải cách thức làm cho cuộc phục sinh có sức tác dụng trong đời sống dương thế của người tín hữu. Các tác giả này cho thấy các mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh gắn bó chặt chẽ với nhau trong cuộc đời Chúa Giêsu cũng như trong kinh nghiệm của người Kitô hữu, do đó việc nhấn mạnh đến cuộc phục sinh sẽ chiếu thêm ánh sáng cho ý nghĩa và sự cần thiết của thập giá.

Bên cạnh sự tiến triển thần học này, kinh nghiệm thực tiễn đã khiến cho nhiều tín hữu cảm thấy cần thiết phải nhìn ngắm cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Ngay cả những người được hưởng phúc lộc của sự thịnh vượng kinh tế và sự tiến bộ kỹ thuật cũng nhận ra rằng thế giới hiện này đang suy thoái do tội lỗi của cá nhân và tập thể, và sẽ không bao giờ là đô thành không tưởng. Bao lâu còn có con người trên mặt dất, Đức Kitô Phục sinh vẫn còn giúp cho họ có khả năng đương đầu với những chiến đấu trong cuộc đời bằng sự khôn ngoan của thập giá.

b) Việc phục vụ Thân Thể Chúa Kitô. Việc dấn thân của các Kitô hữu vào những vấn đề xã hội một lần nữa làm nổi bật điều mà thánh Augustinô đã đề cập khi bàn đến những sự đau khổ của Chúa Kitô trong thân thể huyền nhiệm của Người. Như Đức thánh cha Piô XII đã cho thấy trong thông điệp Mystici Corporis (1943), cũng như các thông điệp xã hội của các vị Giáo hoàng Gioan XXIII và Phaolô VI, cách thức chân chính để chứng tỏ thực sự có lòng tôn sùng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá là dấn thân phục vụ các chi thể của Chúa Kitô đang chịu đau khổ. Chỉ cần tia sáng này của đức tin soi sáng việc quan tâm xã hội của các Kitô hữu thì Đức Kitô trên thập giá và những kẻ bị áp bức và sầu khổ sẽ được nhìn dưới một nhãn quan mới. Nhãn giới này sẽ phát sinh trong Giáo hội một cuộc sống hoàn toàn đổi mới về công lý và tình thương, và đồng thời, cũng phát sinh một lòng sùng kính cuộc thương khó Chúa Kitô cách thực tế hơn, và thể hiện hoàn toàn những lời của Người: “Điều gì các ngươi làm cho một trong những người em nhỏ bé nhất của Ta thì các ngươi đã là cho chính Ta” (Mt 25,40).

4. Sự hiện diện thường hẳng của Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thâp giá – Linh đạo thánh giá đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng sự hiện diện liên tục của nó trên thế giới là điều được bảo đảm chắc chắn. Chính Đức Kitô đã hứa với lời không thể nào sai lầm: “Còn phần tôi, chừng nào tôi được cất lên khỏi mặt đất, tôi sẽ lôi kéo tất cả mọi người lên với tôi” (Ga 12,32).

Người đã giữ lời hứa này trải qua dòng thời gian, bởi vì Người thu hút biết bao con người thuộc mọi thế hệ và đã biến đổi họ thành hình ảnh của Người nhờ quyền năng và gương sáng của thập giá. Kinh nghiệm này mãi mãi sẽ là một yếu tố cốt yếu trong lãnh vực nên thánh. Cho dù linh đạo thập giá có mang hình thức thế nào chăng nữa, người Kitô hữu luôn luôn phải nhìn ngắm Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá để đạt được việc chia sẻ lòng trung tín và yêu thương của Con Thiên Chúa nhập thể, Đấng đã “yêu thương chúng ta và vì chúng ta mà đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,2).

——————————-

Thư mục

AA. VV., La sapienza delta croce oggi, 3 vols., LDC, Torino 1976, 3 vol.

AA. VV., La sabiduría de la Cruz, “Revista de Espiritualidad, 139 (1976).

AA. VV., El misterio pascual, Sígueme, Salamanca 1966.

AA. VV., Sabiduría de la cruz, Narcea, Madrid 1980.

AA. VV., Crucificado por nuestra causa, in: “Communio”, 1 (1980).

Basilio de San Pablo, Clave sacrificial de la redención, Studium, Madrid 1975.

Casel, O., Misterio de la cruz, Guadarrama, Madrid 1964.

Cousin, H., Los textos evangélicos de la pasión, Verbo Divino, Estella 1981.

Forestell, J. T., The Word of the Cross, Biblical Institute Press, Roma 1974.

Gherardini, B., Theologia crucis. L’eredità di Lutero nell’evoluzione teologica della Riforma, FA. Paoline, Roma 1978.

Hoffmann, K., Das Kreuz und die Revolution Gottes, Neukirchen 1971.

Mateos, C., Los relatos evangélicos de la Pasión de Jesús, Estud. Agustiniano, Valladolid 1978.

Moltmann, J., El Dios crucificado, Sígueme. Salamanca 1975.

Morris, L., ¿Porqué murió Jesús?, Certeza. Buenos Aires 1976.

Sabourin, L., La Redención sacrificial, Desclée, Bilbao 1969.

——————————

[1] Khẩu hiệu của dòng Chartreux: “Đang khi vũ trụ xoay vần, thập giá kiêu hùng vẫn còn đứng trơ”.

[2] Acta Martyrii Polycarpi XVII, 3: PG 5, 1042.

[3] X. T. Ambrosiô, Expositio evangelii sec. Lucam VI, 33 (PL 15, 1763); T. Augustinô, Enarratio in Ps. 58,2; 61,4 (PL 36,693 y 750s).

[4] x. T. Tôma, Summa Theologiae. III, qq. 46-49.

[5] François-Xavier Durrwell CssR, La résurrection de Jésus mystère de salut, Xavier Mappus, Le Puy, 1950. Tác phẩm được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều ngôn ngữ.

[6] Chú thích của người dịch: bài này được viết vào đầu năm 1979.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here