Thần Học Tại Á Châu

0
1180


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

Trước khi vào đề chúng ta nên ghi nhận vài điểm sau đây.

1) Nói đến thần học Á Châu, chúng ta đừng vội nghĩ ngay đến bộ Tổng Luận Thần Học như của Thánh Tô-ma A-qui-nô, viết trong nhãn giới Á Châu. Có lẽ đôi ba người đã nghĩ đến chuyện đó, nhưng dự án còn đòi hỏi nhiều thời gian; trong hiện tại, chúng ta chỉ thấy những nhóm, những cơ quan nghiên cứu một vài lãnh vực nào đó của thần học.

2) Á Châu là mnột lục địa bao la. Người Việt chúng ta dễ bị cám dỗ giới hạn Á Châu vào vùng Viễn Đông, chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa; hoặc rộng hơn nữa là tới văn minh Ấn Độ, nơi xuất phát Ấn giáo và Phật giáo. Nhưng chúng ta cũng đừng nên quên rằng Á Châu bao gồm cả một phần của Liên Bang Sô Viết cũ, cũng như những vùng bao la chịu ảnh hưởng của Hồi giáo, chạy từ Trung Đông xuống tới Inđonêsia.

Trong lục địa vừa mênh mông vừa đông dân cư như vậy, đồng thời cũng là cái nôi của các tôn giáo lớn nhất hoàn cầu, tỉ lệ người Ki-tô hữu rất là bé nhỏ : hai phần trăm dân số, nếu không kể nước Philippin.

3) Công cuộc suy tư về thần học Á Châu ngày nay được thực hiện trong khung cảnh đại kết, những nhà thần học Công Giáo cùng làm việc vớí các nhà thần học thuộc các giáo hội Ki-tô khác, tỉ như: Anh Giáo ở Ấn Độ, Tin Lành ở Đại Hàn, v.v…

Người ta ghi nhận rằng ngay từ buổi khai nguyên của việc rao giảng Tin Mừng tại Á Châu, một số nhà truyền giáo đã cố gắng thích nghi Ki-tô giáo vào những nền văn hóa cổ truyền. Tuy nhiên những cuộc thích nghi ấy hoặc chỉ do một số nhỏ, hoặc có tính cách rụt rè vì chịu ảnh hưởng của khung cảnh chính trị cũng như tôn giáo thời ấy. Những bước tiến dài hơn được thực hiện trong vòng hậu bán thế kỷ XX này, sau những phong trào giành độc lập chính trị, cũng như thái độ cởi mở của Ki-tô giáo đối với các tôn giáo khác như chúng ta đọc thấy trong các văn kiện của Công Đồng Va-ti-ca-nô II.

Dù sao, như đã nói, Công Đồng đã mở cửa cho một phương pháp thần học mới, không theo đường lối của kinh viện như trước nữa. Thần học cần đi sát vơí những vấn đề của con người, ngõ hầu có thể chuyển thông sứ điệp Tin Mừng bằng ngôn ngữ mà họ hiểu được. Hiểu như vậy, thần học Á Châu đã cố gắng tìm hiểu đâu là những vấn đề chính của Á Châu, đâu là những thách đố cho thần học và công cuộc truyền giản Tin Mừng tại đại lục này?

Có thể tóm lại những thách đố vào hai thứ loại sau đây:

1. Các nền văn hóa và tôn giáo cổ truyền.

2. Tình trạng nghèo đói bất công.

1/ Tại nhiều miền Á Châu, Ki-tô giáo vẫn còn bị coi như tôn giáo ngoại lai, vì do những nhà truyền giáo từ Tây Phương mang tới, và vì trong quá khứ các Ki-tô hữu có thái độ tự vệ khép kín, ít tiếp xúc với các tín đồ của các tôn giáo khác. Hiện nay, sự thách đố thứ nhất cho Giáo Hội tại Á Châu là việc nhập thể vào nền văn hóa và tôn giáo cổ truyền.

2/ Đa số nhân dân của Á Châu thuộc về thế giới thứ Ba, nghĩa là trong tình trạng bất công nghèo đói. Từ hai thách đố ấy mà các nhà thần học Á Châu chia ra làm hai khuynh hướng: khuynh hướng đối thoại với các tôn giáo và khuynh hướng giải phóng. Hai khuynh hướng ấy không những đã gợi lên những đề tài suy tư cho các nhà thần học tại Á Châu nhưng còn đặt lại vấn đề phương pháp suy tư nữa. Dĩ nhiên, cần thêm rằng không thiếu nhà thần học đã đưa tất cả hai khuynh hướng vào kế hoạch làm việc của mình, nhưng đề giản lược, chúung ta hãy lần lượt điểm qua từng khuynh hướng một.

I. ĐỐI THOẠI VỚI CÁC TÔN GIÁO VÀ VĂN HÓA

Thực vậy, trong khi đối thoại với các tôn giáo Á Châu, không những người ta đặt câu hỏi về giá trị các Sách Thánh của họ, nghĩa là xem có thể coi như một nguồn mạc khải hay không; nhưng người ta còn đặt lại vấn đề xem Thánh Kinh và Thánh Truyền đã bị hạn chế như thế nào do khung cảnh văn hóa của nơi xuất phát: cần xét lại xem Kinh Thánh đã bị giới hạn như thế nào của tư tưởng, tập tục của người Do Thái, và những tập tục ấy có giống như ở Á Châu hay không? Và nhất là Thánh Truyền đã thành hình trong một môi trường chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy-La, với những đặc điểm khác với tư tưởng Á Châu, tỉ như sự phân biệt giữa thần học và triết học, giữa đạo với đời, giữa trí tuệ với tâm linh nói được là không có ở Đông Phương. Tây Phương thích phân biệt, xếp loại. Đông Phương thích kết nạp và hòa hợp kể cả những nguyên tố mâu thuẫn nhất, tựa như Âm/Dương. Tây Phương quan niệm sự thật như đối tượng của lý trí, còn Đông Phương nhấn mạnh đến sự thực của đời sống.

Những cuộc xét lại như vậy đôi khi đi đến những kết luận hết sức cực đoan: khi mà không những người ta nhìn nhận chỗ đứng của các Sách Thánh của Ấn giáo cũng ngang hàng với Kinh Thánh, nhưng còn coi nhẹ cả vai trò cứu thế của Đức Ki-tô nữa.

Dù sao, chúng ta có thể điểm qua vài tác phẩm độc đáo hơn. Tỉ dụ Kosuke Koyama (người Nhật) đã đề tựa cho một quyển sách viết từ Thái Lan là “Thần học con trâu” (Waterbuffalo Theology, Maryknoll N.Y.1974), vì muốn nhấn mạnh rằng Tin Mừng phải được đưa đến gần người dân chân lấm tay bùn giữa cánh đồng ruộng lúa.

Một cuốn sách khác mang tựa đề là: “Núi Phú Sĩ và Núi Si-nai: Hành trình thần học” (Mount Fuji and Mount Sinai: A Pilrimage in Theology, Maryknoll N.Y.1985), nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đối thoại giữa linh đạo Đông Phương (núi Phú Sĩ) và Ki-tô giáo (núi Si-nai). Nhân nói về đối thoại giữa các linh đạo, chúng ta không thể bỏ qua các tác phẩm của cha J.Monchanin và B.Griffiths đã sống kinh nghiệm đan tu ở Ấn Độ theo những đường lối của Ấn Độ giáo.

Trong quyển sách mang tựa đề “Thần học với con mắt thứ ba” (Third-Eye Theology, Maryknoll N.Y.1979) Choan-Seng-Song đề nghị phải dùng con mắt thứ ba theo truyền thống Phật giáo, con mắt của trái tim, mở rộng đến thiên nhiên, đi tìm sự hòa đồng.

Một quyển sách nữa mang tên là “Thần học của dạ con” (Theology of the Womb, Maryknoll N.Y.1986), nghĩa là đang thai nghén một thế giới mới biết hòa nhập tôn giáo Á Châu với các giá trị của Ki-tô giáo.

Cả hai quyển đều dùng thể văn của những mẩu chuyện ngắn, hoặc những bài thơ.

Trên lãnh vực đóng góp cho thần học Á Châu, chúng ta phải ghi nhận sự đóng góp của nữ giới, đặc biệt là các nữ tu. Họ cống hiến kinh nghiệm của sự chiêm niệm, sự thông cảm, sự hòa điệu, đăc trưng của con người Á Châu, cộng thêm kinh nghiệm của cảnh bị khinh thị, nghèo khổ của nữ giới, để đề nghị một sự cải tạo xã hội một cách bất bạo động. Tập san Pro Mundi Vita đã dành một số đăc biệt để điểm qua những tác phẩm của các nhà nữ thần học (Feminine Voice in Asian Theology Asia-Australasian Dossier n.39).

II. THẦN HỌC GIẢI PHÓNG Ở Á CHÂU

Khuynh hướng giải phóng cũng đặt lại vấn đề phương pháp làm việc của thần học. Đừng kể những người đả kích thần học thực dân, tư bản của quá khứ, những tác giả xây dựng hơn muốn trình bày bộ mặt của Thiên Chúa sát gần với kiếp sống lam lũ của người dân Á Châu.

Ta có thể kể một số quyển sách tiêu biểu do một nhà thần học Luther người Nhật, Kazoh Kitamori, tựa đề “Thần học của sự đau khổ của Thiên Chúa” (Theology of the Pain of God, xuất bản vào năm 1946, tìm hiểu ý nghĩa sự đau khổ từ sứ điệp của Giê-rê-mi-a và thánh Phao-lô, chen lẫn kinh nghiệm đau khổ của dân tộc Nhật Bản sau thế chiến vừa rồi cũng như quan điểm Phật giáo về đau khổ).

Tuy nhiên nói chung, các nhà thần học giải phóng Á Châu cũng dùng những phương pháp của các đồng nghiệp ở Mỹ châu để phân tích thực trạng xã hội và đề ra những đường lối giải phóng. Không thiếu người tố cáo tôn giáo cổ truyền như nguyên do của bất công, tỉ như quan niệm các giai cấp theo Đn giáo, và bao hình thức mê tín dị đoan khác.

Khuynh hướng thần học giải phóng gặp thấy ở nhiều nước khác nhau. Chúng ta có thể kể đến Samuel Rayan, Sebastian Kappen, Amaladorpavadas ở n Độ; Aloysius Pieris, Michel Rodrigo ở Sri Lanka; Kosuke Koyama ở Thái Lan; Carlos Abesamis, Ed.de La Torre, Julio Labayen ở Philippin; ở Đại Hàn, ngoài Kim Chi Ha, cần kể thêm cả một phong trào gọi là “thần học nhân dân” (Minjung).

Trước khi kết thúc, chúng tôi xin ghi lại những cơ quan, trung tâm nghiên cứu thần học Á Châu.

Tổ chức và cơ quan:

1. Federation of the Asian Bishops” Conference (FABC)

2. Christian Conference of Asia (CCA); Ecumenical Association of Third World Theologians (EATWOT).

Trung tâm và Học viện:

1.  East Asian Pastoral Institute (Manila)

2.  Asian Institute for Liturgy and Music (Manila)

3.  Christian Institute for Study of Religion and Society (Bangalore

4.  Urban Industrial and Rural Mission (Nagpur). 

5.  Institute for Consercrated Life in Asia (ICLA)

 

Báo chí, tập san:

1. Philippin : FABC Papers (Manila), East Asian Pastoral Review (Manila);

2. Singapore : Asian Journal of Theology; Sri Lanka : Bangalore Theological Forum Dialogue (Clombo);

3. Ấn Độ: Indian Journal of Theology (Calcutta), Religion and Society (Bangalore), Vidyajyoti (New Delhi), Journal of Dharma (Bangalore), Word and Worship (Bangalore).

4. Nhật Bản: Japan Christian Quarterly (Tokyo).

5. Đại Hàn: Korean Religions (Seul).

6. Đài Loan: Taiwan Journal of Theology (Taipei), Asian Theological News (Taipei).

_____

Tài liệu: JOSEPH JASWANT RAJ, La teologia nel contesto Asiatico, in: “La Teologia…” (a cura di D.Valentini) Las Roma 1989, 127-150. MARIO MIDALI, Teologia pastorale o pratica, Las Roma 1991 (parte settima : Teologie asiatiche p.489-555).