Thần Học – Hạnh Phúc Và Tuổi Trẻ

0
1128


Vinc. Vũ Văn An

 

Adam M. Green là giáo sư dạy môn giáo dục tôn giáo tại Trung Học Walsh của Dòng Tên tại Cuyahoga Falls, Ohio. Ông có thạc sĩ thần học tại Trường Thần Học và Thừa Tác Vụ của Cao Đẳng Boston. Theo ông, các học sinh trung học ít chú trọng tới môn học này, nhất là khi gọi nó là thần học, như trường ông dạy vốn gọi. Vì các em vốn có cái nhìn khá tiêu cực về thần học. Từ kinh nghiệm giảng dạy của riêng ông, ông nhận thấy khi rút gọn môn tôn giáo học vào việc truyền đạt kiến thức hay thông tri, nó sẽ khiến học sinh 1) cảm thấy tệ hơn về chính chúng chứ không tốt hơn, 2) làm các em xa Chúa hơn là gần Chúa và 3) khiến các em nghĩ rằng đức tin là chuyện vớ vẩn và phản lý trí, hơn là khiến chúng suy nghĩ hay mang lại sự sống.

Thật ra thần học hay tôn giáo học không đơn thuần chỉ có thế. Lấy thí dụ, các em trung học là tuổi khao khát hạnh phúc. Nhưng các em đâu ngờ Thánh Tôma Aquinô chủ trương rằng hạnh phúc là một trong các đặc tính nền tảng của việc tâm trí ta thuận tình với Thiên Chúa, và dưới ánh sáng này, thần học hay tôn giáo học chính là môn học nhờ đó, ta không những hiểu hạnh phúc mà cuối cùng còn đạt tới hạnh phúc nữa.

Xem ra lý do các em có những trải nghiệm tiêu cực về thần học là do hai cực đối lập nhau sau đây. Đối với nhiều em, tôn giáo học một đàng quá mây khói và mơ hồ, đàng khác quá độc đoán chuyên quyền. Mây khói, trên mây, vì giáo dục tôn giáo được mô tả như có mục đích cực kỳ mơ hồ là “để gần Thiên Chúa hơn”. Với cách tiếp cận này, thần học trở thành môn học “dễ hạng A” trong đó những câu như “Chúa Giêsu là tình yêu” hay “Thiên Chúa là Đấng tốt lành” đủ để được coi là xuất sắc. Dù những câu đó không sai, nhưng chúng không giúp đào sâu giống những câu như “Tại sao Thiên Chúa tốt lành?”, “Thiên Chúa tốt lành như thế nào?” hay “ ‘tốt lành’ nghĩa là gì?”.

Ở đầu kia của phổ hệ, giáo dục tôn giáo thường được biện minh bằng các luận điểm của thẩm quyền và truyền thống. Ở thái điểm này, nhà giáo dục tôn giáo thường thuyết phục học sinh học thần học “vì đó là điều các trường tôn giáo vốn dạy” hay các em “cần học để thích ứng trong Giáo Hội”. Các đòi hỏi phải vâng lời và sống theo này cuối cùng chỉ tạo ra được các liên hệ giả tạo, kiểu người máy, giữa học sinh và Thiên Chúa. Điều bất hạnh hơn nữa là nhiều khi những cái cực bề ngoài xem ra mâu thuẫn giữa lỏng lẻo trí thức và vâng lời mù quáng này lại chung sống đề huề ngay trong một trường học hay một lớp học.

Nhưng những lối biện minh và trải nghiệm giáo dục tôn giáo nói trên thật quá xa mục tiêu thực sự của thần học, đặc biệt là nền thần học của Thánh Tôma Aquinô. Nhà bình luận theo trường phái Tôma là Thomas O’Meara, Dòng Đa Minh, viết trong cuốn Thomas Aquinas: Theologian (Thánh Tôma Aquinô: Thần Học Gia) rằng “đời sống nhận thức, đức tin và yêu thương có mục đích chuyên biệt không phải là vâng lời tôn giáo mà là hạnh phúc”. Dù câu này đúng, nhưng nếu để nó đứng một mình ta sẽ liều mình rơi vào cái thứ mơ hồ như trên đã nói. Nếu muốn cho việc giáo dục tôn giáo trở nên một trải nghiệm tích cực và có ý nghĩa đối với học sinh ngày nay, ta nên giải thích lại tại sao phải dạy thần học. Muốn vậy, ta phải cố gắng trả lời câu hỏi quan trọng mà câu tuyên bố của Cha O’Meara nêu ra, một câu hỏi mà chính cha đã vắn tắt viết sau đó mấy dòng: “Nhưng hạnh phúc thực là gì?”

Nhiều ngả đường lầm lẫn

Hữu thức hay vô thức, mọi thiếu niên đều vật lộn với câu hỏi này mỗi ngày. Khi đụng tới việc dùng giờ rảnh ra sao, tại sao phải học hành và các em dự tính điều gì cho đời mình sau lớp học, học sinh nào cũng cho biết mình đi tìm hạnh phúc. Tuy nhiên, việc vật lộn này thường không sâu xa bao nhiêu. Chịu ảnh hưởng của nền văn hóa và truyền thông đại chúng, học sinh thường lầm lẫn về điều thực sự đem chúng tới hạnh phúc lâu dài. Thành thử không ngạc nhiên gì khi thấy Thánh Tôma Aquinô, người hiểu bản chất con người hết sức sâu xa, quả có rõ ràng nói với các thiếu niên của thế kỷ 21, dù trước tác của ngài đã có từ 500 năm nay.

Thực vậy, tiểu phần thứ nhất của Phần Thứ Hai trong Summa Theologiae, cho đến nay, vẫn là một hướng dẫn bậc thầy cho tất cả những ai tìm cách đi xa trên con đường hạnh phúc cả ở đời này lẫn ở đời sau.

Trước nhất, Thánh Tôma chi tiết cho thấy hạnh phúc không phải là gì: nó không phải là giầu có, khoái lạc, danh tiếng, vinh dự hay quyền lực. Không những các điều này tự chúng không phải là hạnh phúc, mà chúng thường trở thành chướng ngại vật đối với hạnh phúc đích thực nữa vì chúng lừa người tìm kiếm chúng bằng những vui hưởng cuối cùng chỉ mau qua và không làm họ thỏa mãn. Thánh Tôma giải thích rằng giầu có không thể chứa đựng hạnh phúc vì giá trị thực sự của giầu có là dùng để mua những cái khác (I.II.2.1). Thí dụ, một thiếu niên muốn giầu có để mua quần áo hàng hiệu hợp thời trang. Nếu thế, vì mục đích của giầu có là một điều gì khác, trong trường hợp này là quần áo, nên các đồ vật mà giầu có mua đáng ước ao hơn chính sự giầu có. Vì giầu có không phải là bước sau cùng của cuộc tìm kiếm hạnh phúc, nên ta không thể nói giầu có là hạnh phúc.

Trên một bình diện, Thánh Tôma nhấn mạnh rằng khoái lạc cũng không thể tự nó là hạnh phúc (I.II.2.6). Lý do chủ yếu là khoái lạc tùy thuộc các giác quan. Thức ăn ngon khoái khẩu là nhờ khứu giác, những trang sức đẹp gây sảng khoái là nhờ thị giác, vui khoái tính dục là nhờ xúc giác. Tự chúng, các khoái cảm này không tối cao cũng không vĩnh viễn. Nói một cách tích cực, muốn có khoái cảm về một gì đó đẹp đẽ hay ngon ngọt, bạn phải có thị giác và vị giác tốt. Nếu bạn mù hay không có quan năng tốt về mùi vị, bạn đâu có thấy hạnh phúc bao nhiêu ở những vật thể này. Bởi thế, dù những vật thể này đôi khi mang tới khoái cảm, nhưng ta không thể coi nó như hạnh phú được.

Sau đó, Thánh Tôma cho thấy hạnh phúc không chứa đựng nơi vinh dự vì vinh dự hay danh tiếng được dành cho một ai đó, vì các thành tựu hay phẩm chất bản thân của họ (I.II.2.2). Như thế, thành tựu hay phẩm chất mới đứng hàng đầu vì nó đem lại vinh dự, giống như một đồ vật có được nhờ giầu có thì nó đứng đầu so với sự giầu có. Cũng vậy, Thánh Tôma cho rằng cả danh tiếng (I.II.2.3) lẫn quyền lực (I.II.2.4) đều không chứa đựng hạnh phúc. Lý do là vì cả danh tiếng lẫn quyền lực đều tạm thời và cũng không độc lập. Cũng thế, khó có người có quyền lực mà giữ được nó mãi mãi. Ta có thể cho học sinh xem một tờ báo hay một tờ tạp chí xuất bản cách nay một thập niên hoặc ngay cả vài tháng trước đây, để minh họa điểm vừa nói: từ các vận động viên chuyên nghiệp tới những thần tượng của văn hóa bình dân và các chính trị gia, không thiếu những người đạt tới tột đỉnh vinh dự, danh tiếng và quyền lực để rồi nay chỉ còn là một bóng mờ hoặc bị nguyền rủa.

Đến chỗ kết luận phần nói về hạnh phúc không phải là điều gì, Thánh Tôma quả quyết rằng hạnh phúc không thể hiện hữu trong bất cứ sự thiện tạo dựng nào vì đối tượng sau cùng cho các hoài mong của ta là sự chân và sự thiện tối cao và vĩnh viễn, chỉ một mình Thiên Chúa mới có mà thôi: “Vì hạnh phúc là sự thiện hoàn hảo, chỉ có sự thiện này mới thoả mãn được sự thèm thuồng của ta; nếu không, nó không phải là cùng đích, nếu vẫn còn điều gì đó để ta thèm muốn” (I.II.2.8).

Một tìm kiếm bất toàn

Giải thích điều không phải là hạnh phúc như thế quả có dài dòng. Tuy nhiên, mục đích của ta không tránh né câu hỏi lúc ban đầu. Thực vậy, trở ngại lớn nhất để học sinh trung học tiến tới hạnh phúc hình như là họ tin rằng họ đã tìm thấy nó ở các phạm trù đã kể trên đây; việc họ tìm cách hiểu hạnh phúc đã chấm dứt ở đấy vì họ bắt đầu hối hả đi tìm những điều họ cho là sẽ đem lại hạnh phúc cho họ. Tuy nhiên, sau khi đã loại bỏ các chỉ dẫn sai lầm ấy, giờ đây, ta có thể lưu ý một cách tích cực hơn để biết hạnh phúc là gì. Thánh Tôma nói rằng xét cho cùng có hai loại hạnh phúc: hạnh phúc bất toàn và hạnh phúc hoàn toàn (I.II.4.5). Ta có thể có hạnh phúc bất toàn, điều mà thuật ngữ thần học gọi là felicitas, ngay ở đời này bằng cách càng ngày càng biết Chúa hơn nhờ “hoạt động của trí hiểu”. Hạnh phúc hoàn toàn, tức beatitudo, là được “ thấy Thiên Chúa” (I.II.4.5), điều mà theo Thánh Tôma không tùy thuộc thân xác. Cái nhìn này không có nghĩa cái nhìn theo nghĩa đen, vì nó không lệ thuộc mắt ta; đúng hơn nó là một tri giác (perception) vượt trên mọi giác quan. Điều này khiến hạnh phúc hoàn toàn trở thành tối cao vì nó không lệ thuộc bất cứ điều gì ngoài Thiên Chúa. Ta có thể mất hết mọi điều ta từng biết, ngay cả chính thân xác ta, nhưng hạnh phúc được ở với Thiên Chúa sẽ còn mãi.

Tiến thêm một bước, vì hạnh phúc là được thấy Thiên Chúa trọn vẹn và thần học là khoa học về Thiên Chúa, nên thần học góp phần tạo nên hạnh phúc, hệt như việc học được gì về người bạn hay người yêu đều giúp ta phát triển và thâm hậu hóa tình thân mật của ta với họ. Khi được dạy và được hiểu cho đúng, thần học sẽ đóng góp cho cả hạnh phúc bất toàn, qua hoạt động của trí hiểu, lẫn hạnh phúc hoàn toàn vào cuối cuộc sống của mỗi người trên trần gian. Đây là những mục tiêu đầy tham vọng. Đã đành, nếu chỉ quả quyết các mục tiêu này lúc bắt đầu khóa học về thần học thì không nhất thiết thay đổi được chính chủ đề của vấn đề. Tuy nhiên, nói lại cho rõ, cho thật minh nhiên và trực tiếp các mục tiêu này ít nhất ta cũng hy vọng chỉnh sửa được xu hướng của học sinh và nhiều nhất ta cũng làm tăng được sự quan tâm và các cố gắng của họ.

Theo kinh nghiệm của Green, ba bước cụ thể sau đây có thể được sử dụng trong cố gắng nói lại cho rõ này. Thứ nhất, nói với các học sinh rằng xét cho cùng, trọng điểm việc học thần học là để được hạnh phúc, rồi cho các em thấy điều này được trình bày ra sao trong nội dung khóa học. Làm thế nào việc hiểu Thánh Kinh, văn thể của nó, các sắc thái của nó, các phương tiện văn chương và sứ điệp của nó lại có thể đóng góp vào hạnh phúc của các em? Làm thế nào việc hiểu sự lớn lên, sự phát triển và đôi lúc sự thụt lùi của Giáo Hội trong dòng lịch sử lại gia tăng việc học sinh tự nhận diện mình với đức tin của chúng? Làm thế nào việc hiểu đạo đức học vượt xa việc chỉ biết “tuân theo lề luật” và trở thành phương thế sống cuộc sống hạnh phúc? Sau đó, giải thích tại sao nhiều quan niệm thông thường về hạnh phúc có thể “làm ta hạnh phúc” theo nghĩa khoái cảm, nhưng hạnh phúc thực ra là về một điều gì đó sâu sắc hơn, ít lệ thuộc hơn, lâu dài hơn, và bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Sau cùng, tuy điều chủ yếu là giúp học sinh thảo luận các vấn đề về hạnh phúc trên bình diện cụ thể qua việc sử dụng các tình thế và điển hình từ chính các trải nghiệm của các em, ta cũng nên khuyến khích việc suy tư và chiêm niệm bản thân để đẩy nhận thức bằng ý niệm vào lãnh vực cầu nguyện, vì như Cha O’Meara từng nói, “Xét cho cùng Thiên Chúa giáo huấn không qua hiển hiện (epiphay) mà qua hiện diện”. Khi học sinh hiểu lớp thần học không phải là “cung cấp các câu trả lời” mà đúng hơn là “học cách tìm ra các câu trả lời ấy”, thì các em sẽ tới lớp một cách vui lòng hơn để dấn thân một cách công khai và có suy nghĩ đối với đức tin và truyền thống Công Giáo.