Thần bí và Ngôn sứ – Truyền thống Đa Minh: Chương 8

0
1019

Thần bí và Ngôn sứ
Truyền thống Đa Minh

Richard Woods O.P.

Lớp Thần I, niên học 2020-2021 biên dịch.

——————–

Chương 8.

CUỐI CÙNG LÀ THIÊN CHÚA

Con cũng hãy làm như vậy đối với hạn từ THIÊN CHÚA. Con hãy lấp đầy tâm hồn con với nghĩa thần linh của nó… và nó hoàn toàn có nghĩa là Thiên Chúa, và toàn thể Thiên Chúa, ngõ hầu không có gì hoạt động trong tâm trí và ý chí của con, nhưng duy chỉ có Thiên Chúa.

The Cloud of Unknowing, Chương 40

Một vài hình thức nào đó của thuyết bất khả tri tôn giáo dường như nằm ở trong tất cả các truyền thống tôn giáo. Vì bắt nguồn từ truyền thống Kinh thánh và những suy tư siêu hình cuối thời cổ đại, Thần học phủ định rõ ràng là một phần của gia sản tinh thần và thần học Ki-tô giáo, có lẽ không thể dẹp bỏ được. Nó bùng lên theo những cách thức được mong đợi, dù trong thuyết Tân chính thống của Karl Barth, với sự nhấn mạnh “sự hoàn toàn khác biệt” của Thiên Chúa, hoặc thậm chí trong những sự thần ứng “Thiên Chúa chết” của Schubert Ogden và “những người vô thần Ki-tô giáo” khác trong những năm 1960 êm ả. vào cuối thể kỷ XX, sự hồi sinh mối quan tâm đến Ki-tô giáo Hy lạp và La tinh sơ khai cũng như linh đạo thời trung cổ cũng đã đánh thức một thế hệ học giả trẻ hơn về khả năng khám phá của những con đường vô tri.

Sự khẳng định của Lorenzo Valla, Erasmus và các học giả Luther thời kỳ Phục hưng rằng các tác phẩm của Dionysius rõ ràng không thể thuộc về thời hậu tông đồ chắc hẳn đã làm suy giảm của trường phái thần bí vô ngôn, đặc biệt là trong suốt thời hồi sinh Platon trong triết học và nghệ thuật hồi thế kỷ XVI.1 “Tri thức u tối về Thiên Chúa” sẽ xuất hiện trở lại, trong một thời gian ngắn, trong các tác phẩm của Denis tu sĩ Dòng Charteux, Laurence Surius thuộc cùng Dòng, thánh Gioan Thánh Giá, cũng như trong những sách chú giải Tôma của Jean de Saint Thomas O.P.. Các chủ đề này lại được đề cập vào thời Cải cách Tin Lành, nhưng là nhằm chỉ trích, chẳng hạn như ơ nhóm Roundhead (bên Anh) cà Huguenot (bên Pháp)[1]. Nói cho đúng, con đường phủ định của Albertô, Tôma, và Eckhart không phải là con đường của Martin Luther, John Calvin, George Fox về phía Cải Cách cũng chẳng phải là con đường của Ignatius Loyola, Têrêsa Avila, Phanxicô de Sales về phía Công giáo. Đừng kể vài ngoại lệ, con đường của sự vô tri hoặc không còn được nói tới nữa, hoặc bị coi là lạc đường.

Nhưng nếu con đường của các nhà thần bí miền Rhine không còn nổi bật vào thể kỉ XV và XVI, thì gia sản ngôn sứ của Catarina Siena và các học trò của chị đã tạo ra những thành công quan trọng trong lãnh vực khác.

DI SẢN CỦA CATARINA

Phong trào nhắm tới cuộc cải tổ và đổi mới trong Dòng Đa Minh đã manh nha bên Đức và Hà Lan. Được thúc đẩy ở Ý nhờ các hoạt động và bài viết của Catarina, công cuộc cải cách nhặt phép được cổ động bởi các phần tử thuộc về ‘gia đình’ của chị, Raymonđô Capua, Bartholomêô Siena, Tôma Caffarini và John Dominici. Việc cha Raymonđô được bầu giữ chức Tổng quyền năm 1380 đã gây ảnh hưởng đến nhiều thế kỷ, đặc biệt là ở Ý và Tây Ban Nha, nơi sự cẳng thẳng giữa nhóm “Kỷ luật” (Observants) và nhóm “viện tu” (Conventuals) đã hơn một lần đe dọa sự thống nhất của Dòng[2]. Theo cha Benedict Ashley:

Nhìn chung, phương pháp của cha Raymonđô đã thành công, nhưng nó dựa trên một giả định mà ngày nay phải xét lại, đó là: phải chăng canh tân đời tu có thể hiểu là trở về với “kỷ luật ban đầu” đứng trước những thay đổi lịch sử? Raymonđô đã không phân biệt trong đời sống Đa Minh những yếu tố xác định mục đích lâu bền và những yếu tố đã trở thành lỗi thời.2

Mặc dù những quan điểm về cải tổ của cha Raymonđô vẫn còn được tranh cãi, nhưng không thể nào phủ nhận những hậu quả tích cực của kế hoạch đó, ít là qua việc bổ nhiệm chân phước Gioan Dominici, một môn đệ khác của Catarina, làm đại diện cho nhóm cải tổ ở Ý. Nhờ những nỗ lực của cha đối với việc canh tân Dòng, cũng như của một người bạn thân là thánh Antoninô giám mục Florence, đã nảy sinh ra một thái độ cởi mở với nghệ thuật mà sẽ sớm mang lại những thành tựu tuyệt diệu của Gioan Fiesole (người được thế giới biết đến như là Fra Angelico).3

VỊ THIÊN SỬ CỦA CUỘC CHUNG THẨM

Tinh thần ngôn sứ gắn liền với Catarina nhưng không chỉ giới hạn ở nước Ý. Chóp đỉnh của những nhà giảng thuyết vào thời Hạ Trung cổ là thánh Vinh-sơn Ferrer (1350-1419), nổi tiếng về việc rao giảng tận thế cũng như làm nhiều phép lạ ở Tây Ban Nha và Pháp.4

Giống như những người sùng đạo thời ấy, cha Vinh-sơn dè dặt với những suy tư siêu hình của truyền thống sông Rhine, và cũng giống như Tôma Kempis đương thời, cha không thích những suy tư thần học nói chung. Cha là một nhà giảng thuyết tài ba và vị thánh chân thực. Tuy vậy, cha cũng đã sai lầm khi đi theo vị ngụy giáo hoàng Avignon trong thời kỳ đại ly giáo Tây phương và cũng sai lầm về ngày tận thế, mà cha đã tiên đoán là sắp xảy ra và minh chứng bằng một số phép lạ.

Là một nhà văn về tâm linh, cha Vinh-sơn thỉnh thoảng để lộ những ý tưởng độc đáo và trực giác sâu sắc về tâm lý. Đoạn văn sau đây cho thấy cha gần gũi với Têrêsa Avila:

Vì vậy, hãy dành toàn thể những mối quan tâm của bạn vào việc gìn giữ linh hồn được bình an và yên tĩnh. Đừng để bị đè bẹp bởi bất cứ điều gì xảy ra, ngoại trừ những tội lỗi của mình và của những người khác và bất cứ điều gì có thể trở thành cơ hội phạm tội đối với bạn. Đừng đê sự cố nào làm cho bạn băn khoăn lo lắng. Đừng để mình tức giận vì những lỗi lầm của người khác. Hãy nuôi dưỡng những tâm tình thông cảm và trắc ẩn đối với tất cả mọi người, nhìn nhận rằng chính bạn sẽ tồi tệ hơn họ nếu như Đức Giê-su Ki-tô đã không gìn giữ bạn bằng ân sủng của Người.5

Tuy nhiên, nói chung, ngay cả trong những bài giảng tuyệt với nhất, cha Vinh-sơn tỏ ra là một nhà luân lý hơn là một nhà khai tâm huyền nhiệm.6 Bầu không khí tâm linh đã trở nên khá đông lạnh từ sau Cơn Dịch Đen và Đại ly giáo Tây phương[3], như ta thấy trong đoạn văn sau đây, trong đó ngài cố gắng duy trì truyền thống về việc làm môn đệ tâm linh, nhưng ít chạm đến những thực tại hằng ngày:

Thật không may, phải chấp nhận rằng ngày nay hiếm ai có khả năng hướng dẫn người khác trên con đường hoàn thiện. Hơn nữa, ai muốn đi theo Chúa sẽ gặp thấy nhiều kẻ can ngăn, và khó tìm được một người khích lệ.

Vì thế, chúng ta hãy chạy đến Thiên Chúa với tất cả tâm hồn, khẩn khoản và khiêm tốn cầu xin chính Người dạy dỗ ta và hãy lao mình vào cánh tay của Người với lòng phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng tuyệt diệu của Người. Cảm kích vì lòng tin thác của chúng ta, Người sẽ vui lòng đón nhận chúng ta như những người đứa trẻ mồ côi đáng thương; bởi vì Người không muốn cho bất cứ ai phải chết, nhưng muốn cho tất cả mọi người đạt tới sự am hiểu chân lý.7

Tuy vậy, yếu tố ngôn sứ trong cuộc giảng thuyết Đa Minh không bị tàn lụi với nhà giảng thuyết sôi nổi như cha Vinh-sơn. Phong trào cải tổ của Đa Minh đã sản sinh ra nhà giảng thuyết, nhà ngôn sứ và nhà cải cách chính trị vĩ đại người Ý, là Girolamo Savonarola, người mà năm 1498 đã chịu tử đạo cùng với hai phần tử của cộng đoàn thánh Mác-cô ở Florence.

TU SĨ LĂNG XĂNG

Sinh năm 1452, Savonarola gia nhập Dòng Đa Minh tại Bologna năm 1474.8 Tại đây, anh đã kết nghĩa với Giovanni Pico della Mirandola, một bạn trẻ trong số những nhà nhân văn nổi bật nhất đầu thời kỳ Phục hưng. Pico là một người tán thành con đường phủ định cổ điển. Trong cuốn De Ente et Uno, anh viết rằng Thiên Chúa được che phủ bởi tối tăm, và tâm trí con người chỉ biết được Người cách bất toàn. Savonarola đã phản đối anh trong vấn đề này (và những vấn đề khác), nhưng với một đầu óc khoáng đạt, khi Pico qua đời năm 1494 ở tuổi 31, Savonarola đã mặc áo Dòng Đa Minh cho anh theo lời yêu cầu của anh.

Khi Savonarola trở thành tu viện trưởng tu viện thánh Mác-cô năm 1491, tuy nghi ngờ tư tưởng phò Platon của giới trí thức Florence, nhưng cha vẫn cho phép họ họp trong tu viện và tranh luận thoải mái với họ. Cha cũng khuyến khích mỹ thuật, và trong một lần khủng hoảng, cha đã mua toàn bộ thư viện Medici, lấy chính tu viện như tài sản thế chấp, để ngăn không cho nó bị chuyển sang Pháp bởi quân đội của vua Charles VII.

Tu sĩ hùng biện và dũng cảm tham gia vào cuộc tranh luận trên hầu hết các mặt trận. Cha giảng thuyết chống lại sự suy đồi về nghệ thuật và phong hóa, khiển trách tham nhũng của chính quyền và trong Giáo hội, đặc biệt dưới sự lãnh đạo nham hiểm của Giáo hoàng Alexander VI. Thế nhưng, những cải cách nghiêm khắc của Savonarola đã dẫn cha tới cuộc sụp đổ bản thân, do một toa rập giữa các nhân viên của Giáo hoàng và loạn quyền Florence. Bị bắt vì những lời vu cáo về tội gây nổi loạn, vị tu sĩ đứng tuổi đã phải chịu đựng nhiều tuần lễ tra tấn khủng khiếp. Sau một lời thú tội bị cưỡng bách và sau đó được rút lại, cha Savonarola và hai trong số những môn sinh Đa Minh thân cận nhất đã bị kéo đến quảng trường ngày 25 tháng 5 năm 1498, nơi họ bị treo cổ và thiêu đốt.

Nhiều người Florence đã sùng kính Savonarola như một vị thánh và tử đạo, và trong những năm sau đó, việc phong thánh của cha đã được cổ động bởi thánh Philip Neri và thánh Catarina de Ricci, người đã được chữa khỏi căn bệnh hiểm nghèo nhờ lời chuyển cầu của cha. Mới đây, vụ án phong thánh của Savonarola được mở lại.

Ngoài những bài thơ và bài giảng còn lại của cha, 15 bài trong số đó được xếp vào danh mục những sách cấm, các tác phẩm của Savonarola bao gồm Tóm lược Mặc khải (1495), Sự khải hòan của thập giá (1497), và Đời sống đơn giản của Kitô hữu. Các chủ đề về sự dứt bỏ, khó nghèo và tình yêu đã thấy nơi Eckhart và Catarina cũng được gặp thấy ở đây. Guy Bedouelle trích dẫn một bài giảng ngắn trong đoạn sau đây để chứng tỏ điều đó:

“Này, hãy để chúng tôi chỉ cho bạn thấy Đức Ki-tô chịu đóng đinh: Người là tình yêu đích thực của chúng ta. Ôi, Đấng chịu đóng đinh này là Tình yêu dường nào !” Đúng thế. Và vì thế tôi ôm chặt Người và tôi nói: “Ngài là tình yêu phải không ?” Người đáp: “Ta là người đã từng thấy cảnh nghèo !” Ôi, tại sao mà Ngài nghèo ? “Bởi vì tình yêu luôn luôn nghèo: tình yêu quên đi mọi thứ khác, chỉ trừ ra vì điều được yêu. Ta rất giàu, và bây giờ Ta đã trở nên nghèo; Ta đã từng có mọi sự, và bây giờ dường như Ta không có gì hết. Và vì vậy Ta ước rằng con có thể quên hết mọi thứ, và Ta muốn làm cho con được yêu với Ta, và chúng ta sẽ nên một tình yêu với nhau.”9

MỘT KỶ NGUYÊN MỚI

Trong suốt nhiều thế kỷ tiếp theo, linh đạo Đa Minh sẽ phát triển theo những khuynh hướng khác nhau, nói chung là theo các đường hướng của Ki-tô giáo Âu châu. Bởi vì lòng sốt sắng và “việc đạo đức” thay thế thần bí vững chắc và tinh thần ngôn sứ của thời Trung cổ, cho nên việc thực hành các nhân đức và bảo vệ đạo lý chính truyền của Giáo hội được nổi bật trong đời sống tâm linh cũng như trong. Dòng Anh em Giảng thuyết không thoát khỏi xu hướng này. Đặc biệt, bởi vì gắn kết chặt chẽ với các anh em Đa Minh ở Tây Ban Nha, cái bóng của Pháp đình tôn giáo (Inquisitio)[4] đã làm hoen ố hình ảnh của Dòng họ tại các quốc gia Tin lành cũng như Công giáo trải qua nhiều thế kỷ, tuy dù anh em Đa Minh không nắm giữ độc quyền trong việc điều hành Pháp đình ấy.

Trong những năm tiếp theo, các đại diện nổi bật của Dòng sẽ đạt được sự khác biệt và thánh thiện trong nhiều lãnh vực, mà ở đây ta chỉ có thể lướt qua. Ở Tây Ban Nha, các bài diễn thuyết và các bài viết của Francisco de Victoria (k. 1483-1546) đã chuẩn bị cơ sở cho công việc của Bartolomé de las Casas, người bảo vệ kiên vững của những người thổ dân Bắc Mỹ trong thế kỷ sau. Tại Peru, Dòng Đa Minh đã sản sinh ra Rosa Lima vị thánh đầu tiên của Tân Thế Giới, và hai vị tu sĩ cùng thời, thánh Martinô de Porres, vi thánh nổi tiếng nhất ở Mỹ La tinh ngày nay, và thánh Gio-an Mai-san, cả hai đều là tu huynh.10

Trở lại Âu châu, phong trào cải tổ của người Ý mà đỉnh cao là cái chết của Savonarola đã sinh một hoa trái muộn nhất nhưng cũng nói rằng là đẹp nhất nơi cuộc sống và văn chương của một nhà thần bí, thánh Catarina Ricci, trùng tên với Catarina Siena. Lòng sùng kính của chị đối với ký ức cha Savonarola đã làm đình trệ việc phong thánh của chị nhưng lại là cơ hội để xét lại sự thánh thiện của nhà giảng thuyết, điều này có thể dẫn đến kết quả là cuộc phong thánh cho cha.11

Rất nhiều vị thánh, nhà thần bí và nhà tâm linh khác của Dòng Đa Minh đã có những đóng góp đáng giá cho Dòng, Giáo hội và thế giới ở những thế kỷ tiếp theo. Tuy nhiên, cuộc đời của của họ đã được thuật lại ở những nơi khác, và khuôn khổ của tập sách này không cho phép nói thêm dù chỉ vắn tắt.12 Giờ đây, để kết thúc, chúng ta thử hỏi: câu chuyện về những con đường “không biết” (vô tri) cuẩ Tôma, Eckhart và truyền thống Đa Minh của miền sông Rhine có liên quan gì đến con người thời nay không ?

GỌI TÊN ‘THIÊN CHÚA’13

Theo các sử gia, khi mới lên 5 tuổi, Tôma Aquinô đã làm các thầy giáo giật mình và hoảng sợ khi cậu (liên miên) đặt câu hỏi ‘Thiên Chúa là gì’ ? Vào cuối cuộc đời, ngài không còn hỏi nữa, bởi vì ngài biết rằng không ai có thể biết Thiên Chúa là gì. Biết rằng Thiên Chúa hiện hữu, và phải hiện hữu, thì hoàn toàn khác với với việc biết được ta muốn nói gì khi bàn đến “Thiên Chúa”. Tuy nhiên ngày nay, chúng ta dường như thoải mái hơn khi biết Thiên Chúa có ý nghĩa gì (hoặc chẳng có ý nghĩa gì) hơn là Thiên Chúa có hiện hữu (hay không).

Mở đầu cuốn sách A History of God, Karen Armstrong trích lại câu trả lời trong sách giáo lý cho câu hỏi ‘Thiên Chúa là gì’ ?, câu trả lời mà chị dường như đã chấp nhận mặc dù nghi ngờ cho đến khi chị trưởng thành: “Thiên Chúa là thần linh tối cao, Đấng duy nhất tự mình hiện hữu và có tất cả mọi sự hoàn thiện đến vô cùng tận.”14 Ngày nay, chị cho rằng điều đó là sai cũng như gây tổn thương. Dù vậy, ở đoạn kết của công trình nghiên cứu dài và thú vị về các tôn giáo của nhân loại, Armstrong khẳng định rằng thế giới cần đến một khái niệm về Thiên Chúa như dụng cụ làm việc, ít nhất là để ngăn cản việc chúng ta tự hủy hoại chính mình. Có lẽ, như đã xảy ra từ 14,000 năm qua, loài người sẽ phát triển một mô hình phù hợp. Nhưng theo Sallie McFague và những nhà thần học khác đã gợi ý, loài người cần tới nhiều mô hình như thế.15

Tương tự, trong cuốn sách God. A Biography: (Thiên Chúa: một tiểu sử), Jack Miles cho thấy rằng bức chân dung Thiên Chúa trong Kinh thánh đã tiến triển như thế nào trong suốt lịch sử Do thái khi mà cách cư xử của con người thay đổi, tư tưởng của con người cải thiện và chính lịch sử cũng được một hướng đi rõ rệt.16 Với lập luận chặt chẽ, Miles cho thấy sự siêu việt của Thiên Chúa tăng lên trong những cuốn sách cuối cùng của truyền thống Do thái, một Thiên Chúa xa cách và tối tăm, thay thế cho khuôn mặt thân mật, uy nghiêm được mô tả trong những tác phẩm đầu tiên.

Chắc hẳn những tư tưởng về Thiên Chúa đã thay đổi rất nhiều trải qua các thế kỷ và chắc chắn chúng sẽ còn tiếp tục thay đổi. Sự gia tăng các khái niệm về Thiên Chúa là luận cứ cho thấy rõ rằng mọi khái niệm đều là tương đối và không thỏa đáng17. Như vậy, cái gì còn lại sau khi chúng ta thừa nhận tất cả những điều vừa nói ? Phải chăng chi là một Thượng Đế xa vời mà chúng ta trao cho vai trò chính là gìn giữ cho chúng ta khỏi tự sát tập thể ?

Có lẽ không phải như vậy. Trong những năm gần đây, một số nhà vật lý và thiên văn học hàng đầu đã tỏ ra cởi mở hơn đối với việc duyệt lại sự hiện hữu của Thiên Chúa như lĩnh vực của khả năng sáng tạo làm nền tảng cho cấu trúc của vũ trụ; quan điểm này chắc chắn cũng là mối quan tâm của thánh Tôma Aquino (nếu chưa nói đến nhà vật lý học Carl Sagan mới qua đời). Tuy nhiên, như Karen Armstrong đã lên tiếng, những khái niệm như thế thiếu mất tâm tình và quan tâm vốn nuôi dưỡng niềm tin của những người theo đạo Do thái, Công giáo và Hồi giáo trong số các dân tộc khác trên thế giới. Chúng ta mong muốn điều gì đó ấm áp hơn và gần gũi hơn. Câu hỏi mà dường như hầu hết mọi người đều mang theo mình như tư vấn tâm linh là: Thiên Chúa có liên quan gì đến tôi – đến cuộc đời, những hy vọng, nỗi sợ hãi và tương lai của tôi không ?

Vượt quá Thiên Chúa

Trong tiếng Hán Việt, Thiên Chúa có nghĩa là “Chúa Trời”, hoặc ngắn gọn là “Trời”, được sử dụng cách riêng khi cầu cứu (Trời ơi!). Trong tiếng Anh, danh từ “God” (thần linh, Thiên Chúa) bắt nguồn từ ngôn ngữ Ấn-Germanic có nghĩa “kêu cầu ai đó”. Do đó, “God” có nghĩa là kẻ được cầu khẩn. Vì vậy, “God” không phải là một danh xưng, nhưng là một tiếng gọi; đằng sau tiếng gọi là Đấng Không Tên. Ngài không thiếu tên nhưng vượt quá mọi tên (Vô danh, hoặc: Phi thường danh, nói theo sách Đạo Đức Kinh). Tóm lại, “God” là một tiếng cầu cứu. Về cơ bản, thốt lên từ “God” là cầu xin, nhìn nhận rằng chúng ta phụ thuộc và tin cậy vào một quyền năng và một sự hiện diện vừa hoàn toàn vượt xa chúng ta vừa hết sức gần gũi chúng ta. (Trong tiếng Anh, to pray “cầu nguyện” gốc bởi tiếng Latinh precari, và cùng dòng họ với precarius có nghĩa là bấp bênh.) “God” là tiếng kêu một thụ tạo nhìn nhận rằng nếu chưa đến độ Ngài là đấng tạo hóa của mình thì ít ra mình là một thụ tạo của Ngài. Thực ra, chỉ có kẻ thụ tạo mới có thể thốt lên “God !”[5]

Chính vì nhắc đến ý nghĩa cơ bản ấy mà Meister Eckhart, trong Bài giảng 52 sửng sốt và nổi tiếng của cha, đã kêu mời chúng ta đừng đi vào ánh sáng của thị kiến, nhưng hãy vào đêm tối của đức tin. Những gì cha và hầu như tất cả các nhà thần bí vĩ đại đã dạy có thể khiến chúng ta chưng hửng, bởi vì họ kể lại trải nghiệm tuyệt hảo về sự hiện diện của Thiên Chúa xảy ra trong tối tăm, vắng mặt, không thỏa lòng khao khát, cũng tương tự như lời chứng trong Kinh thánh Cựu ước kết thúc với một Thiên Chúa biến mất cách khó hiểu, và thị kiến về một ngai tòa bỏ trống.

Khi rao giảng về tinh thần khó nghèo, Eckhart nói:

Đang khi tôi làm đại diện cho nguyên nhân đệ nhất của tôi, thì tôi không có Thiên Chúa và là nguyên nhân riêng của tôi: thế rồi tôi chẳng muốn gì hết và chẳng ao ước gì hết, bởi vì tôi chỉ thuần túy là hiện hữu và nhận thức chính mình trong việc vui hưởng chân lý. Sau đó, tôi muốn chính mình và không muốn điều gì khác nữa: những gì tôi muốn thì tôi đã là và những gì tôi đã là thì tôi đã muốn, và do đó tôi được giải thoát khỏi Thiên Chúa và tất cả mọi sự. Nhưng đến khi tôi bỏ lại ý chí tự do của mình và đón nhận cái hữu thể thụ tạo của mình, lúc ấy tôi có Thiên Chúa. Bởi vì trước khi có các thụ tạo, Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa: Ngài là Cái mà Ngài là. Nhưng đến khi các thụ tạo được hình thành và tiếp nhận hữu thể thụ tạo, thì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa trong chính mình – Ngài là Thiên Chúa trong các thụ tạo.18

Hiểu biết mình như một thụ tạo có nghĩa là nhận thấy chính mình xa cách Nguồn mạch hiện hữu, ý thức và hạnh phúc, nhưng vẫn khao khát được gần gũi với Nguồn ấy:

Khi tôi được tuôn ra bởi Thiên Chúa, tất cả thụ tạo đã tuyên bố: ‘Có một Thiên Chúa’; nhưng điều này không thể làm tôi hạnh phúc, bởi vì với điều này tôi thừa nhận bản thân như một thụ tạo. Nhưng trong bước đột phá của tôi, nơi tôi được giải thoát khỏi ý riêng của mình, giải thoát khỏi ý muốn của Thiên Chúa, giải thoát khỏi tất cả các công trình của Người và giải thoát khỏi chính Thiên Chúa, lúc ấy tôi ở trên tất cả mọi thụ tạo, và tôi không là Thiên Chúa và cũng chẳng là thụ tạo, nhưng tôi là cái tôi đã là và sẽ vẫn như vậy mãi mãi.19

Đối với Eckhart, hạnh phúc (nghĩa là kết hợp trìu mến với Nguồn mạch của mọi ý nghĩa và giá trị) vượt quá mọi nhận thức về sự khác biệt giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo. Vì vậy, tác giả có thể nói và nói cách chính xác, “Tôi xin Thiên Chúa làm cho tôi được thoát khỏi Thiên Chúa…”20

Nếu các nhà thần học và các nhà thần bí xưa nay nói đúng, khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết Thiên Chúa là gì, thì chúng ta chưa hiểu chút nào hết. Tôma Aquino đã có lý, và dĩ nhiên ngài chỉ là một giọng hát trong một ca đoàn đông đảo của thuyết vô tri thần bí. Như Eckhart, Catarina, tác giả sách Đám mây, và Ruysbroeck đã tuyên bố, chính khi chúng ta mở rộng cả trí khôn và tâm hồn đến Đấng không thể hiểu thấu, chúng ta tiến gần hơn đến Thiên Chúa. Vì thế, một khi được giải thoát khỏi mọi trào lưu bấp bênh của những vị thần linh hợp tình hợp lý, những ý tưởng chật hẹp về các niềm hy vọng và các nhu cầu phóng chiếu vào vũ trụ, và những thần tượng trong tâm trí, chúng ta có cơ may nhận ra Thiên Chúa trong sự tối tăm tỏa sáng còn sót lại. Theo lời của Jürgen Moltmann:

Như Eckhart đã giải thích, con đường từ chiêm niệm đến khoảnh khắc thần bí dẫn tới việc xóa bỏ sự giống nhau giữa con người với Thiên Chúa vì Thiên Chúa, và cuối cùng tới sự xóa bỏ Thiên Chúa vì Thiên Chúa. Lúc ấy, linh hồn thấy thoải mái, lúc ấy tình yêu tìm thấy hạnh phúc, lúc ấy ham muốn chấm dửt trong sự thích thú vô tận, lúc ấy sự thần hóa khôn tả bắt đầu với điều mà các giáo phụ gọi là theosis: trở thánh Thiên Chúa.21

Những hậu quả của một logic về nghịch lý thần linh như vậy quả là rõ ràng. Dù trong lời cầu nguyện, lúc nghĩ tưởng đến Thiên Chúa, trong sự hòa giải, ngay cả trong nghệ thuật, ta đừng để mình bị nhốt trong cái khung cố định. Tự nó, con đường phủ định chỉ có đưa vào bóng tối và tình trạng trống rỗng. Nhưng xét như là một sự hiệu chỉnh, việc thực hành điều ‘không biết’, ‘từ bỏ chính mình trong Thiên Chúa vì Thiên Chúa’, sẽ thanh lọc chúng ta khỏi hết mọi hình ảnh về Thiên Chúa (và hình ảnh về bản thân), chú ý đến tiến trình cải cách liên tục và tích cực mà nhờ đó chúng ta từ từ được lôi kéo đến sự Hiện diện yêu thương của Thiên Chúa mà Danh của Ngài vẫn là Đấng vô danh.

———————————–

[1] Roundhead: phong trào cách mạnh dân chủ bên Anh. Huguenots: phái Tin lành Calvin bên Pháp.

[2] Các từ ngữ OsservantiConventuali bắt nguồn từ hai khuynh hướng trong Dòng Phansinh hồi thế kỷ XIV: khuynh hướng “cải tổ” (trở về với kỷ luật nghiêm nhặt) và “không cải tổ”. Sau đó, hai khuynh hướng đã chia thành hai dòng biệt lập. Hiện tượng này cũng xảy ra nơi các dòng khác, nhưng may thay, cha Raymondo Capua đã khéo léo dùng hòa cả hai khuynh hướng trong dòng Đa Minh.

[3] “Cơn Dịch đen”: đại dịch vào thế kỷ XIII (1331-1353) gây thiệt mạng cho 25 triệu dân (1/3 dân số châu Âu). “Đại ly giáo Tây phương” ám chỉ giai đoạn (1378-1418) Giáo hội có hai giáo hoàng, một ở Roma một ở Avignon.

[4] Inquisitio theo nguyên gốc Latinh có nghĩa là điều tra, suy tầm. Ám chỉ các tòa án của Giáo hội truy tầm những người đi theo lạc giáo.

[5] Trong ngôn ngữ thông thường, từ “God” dùng trong những lời kêu cầu, giống như tiếng Việt “kêu trời”. “Trời” sát với tiếng bình dân hơn là “Thiên Chúa”.

———————————–

Chú thích

Chapter 8: CUỐI CÙNG LÀ THIÊN CHÚA

  1. Về các cuộc tranh luận liên quan đến tác giả của những tác phẩm của Dionysius, xem: Karlfried Froelich, ‘Pseudo-Dionysius and the Reformation of the Sixteenth Century’, in Luibheid 1987, tr. 38-46.
  2. Ashley 1990, 60. Ashley nói thêm: “Vì thế, cuộc cải cách của cha Raymonđô, mặc dù đã cứu được Dòng, nhưng cũng có vài hậu quả đáng tiếc. ‘Kỷ luật nhiệm nhặt’ đã làm lu mờ mục tiêu duy nhất của thánh Đa Minh là một Dòng Giảng Thuyết. Ngoài ra, việc cai quản trong Dòng biến thành tập trung quyền bính nhằmg trao quyền nhiều hơn Tỏng quyển ủng hộ các ‘cải cách” chống lại sự phản đối của các Tổng hội được bầu chọn bởi đa số ‘tu sĩ viện tu’ (không cải tổ). Vì thế, từ năm 1370 các Tổng hội không còn họp hằng năm nhưng làỉ hai hoặc ba năm một lần. Cuối cùng, các tu sĩ không cải tổ vẫn chiếm đa số ở nhiều tỉnh Dòng và thái độ không thân thiện đối với các tu sĩ cải tổ thường dẫn đến mâu thuẫn và bất đồng liên miên. May mắn thay, không như như các tu sĩ Phanxicô, các tu sĩ Cát Minh và nhiều tu sĩ Dòng khác, các tu sĩ Đa Minh không bao giờ chia rẽ ra cách nhánh khác nhau” (Ashley 1990, 60-61).
  3. Về cuộc đời, tác phẩm và những thành tựu của Fra Angelico (1400-1455), xem: Thomas McGonigle O.P và Gail Geiger, Art and Spirituality in Fifteenth-Century Florence (Cambridge: Cambridge University Press, 1998); Guy Bedouelle O.P, In the Image of St Dominic: Nine Portraits of Dominican Life, dịch Sr Mary Thomas Noble (San Francisco: Ignatius Press, 1994); và John Pope-Hennessy, Fra Angelico (Ithaca, NY: Cornell University Press, biên tập lần 2, 1974).
  4. Về cuộc đời và tác phẩm của thánh Vinh-sơn, xem Henry Gheon, St Vincent Ferrer (New York: Sheed and Ward, 1954). Các tác phẩm bằng tiếng Anh gồm A Treatise On The Spiritual Life, với lời chú giải của Mẹ Julienne Morrell (Westminster, MD: Newman Press, 1951 / London, Blackfriars Publications, 1957).
  5. Biên tập và Sđd 1957, ‘On Purity of Heart’, 64.
  6. Trớ trêu, lời chú giải của Mẹ Julienne Morrell về quyển sách về sự hoàn thiện tâm linh vào thế kỳ XVI thì thú vị hơn ở nhiều khía cạnh so với chính tác phẩm của chính thánh Vinh-sơn.
  7. Sách đã dẫn 1957, 92-93.
  8. Các tài liệu về Savonarola, xem: The Compendium of Revelations in Apoca­lyptic Spirituality: Treatises and Letters of Lactantius, Adso of Montier-en-Der, Joachim of Fiore, the Franciscan Spirituals, Savona­rola, biên tập và dẫn nhập bởi Bernard McGinn (New York: Paulist Press, 1979), tr. 192-276; The Triumph of the Cross, biên tập và dẫn nhập John Proctor (London: Sands and Co., 1901); Michael de la Bedoyere, The Meddlesome Friar: the Story of the Conflict between Savonarola and Alexander VI (London: Collins, 1957); Pierre Van Paassen, A Crown of Fire: the Life and Times of Girolamo Savonarola (London: Hutch­inson, 1961); Roberto Ridolfi, The Life of Girolamo Savonarola, dịch Cecil Grayson (London; Alfred A. Knopf, Inc., 1959); và Donald Weinstein, Savonarola and Florence: Prophecy and Patriotism in the Renaissance (Princeton: Princeton University Press, 1970).
  9. Bedouelle 1994, 85.
  10. Về Las Casas, xem: Gustavo Gutierrez, Las Casas: In Search of the Poor of Jesus Christ, dịch Robert R. Barr (New York: Orbis, 1993). Về những thành tựu ngôn sứ và thần bí của thánh Martin de Porres, xem Alex Garcia-Rivera, St Martin de Porres: The ‘Little Stories’ and the Semiotics of Culture, lời nói đầu Virgil Elizondo, dẫn nhập Robert Schreiter (Maryknoll, NY: Orbis Press, 1996).
  11. Xem thánh Catherine Ricci, Selected Letters, biên tập, chọn lọc và dẫn nhập Dominico Di Agresti, dịch Jennifer Petrie (Oxford: Dominican Sources in English, 1985).
  12. Để có một tuyển tập các tu sĩ Đa Minh nổi bật, được minh họa phong phú ở nơi các tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại, xem Austin Flannery O.P (biên tập), Saint Dominic and His Family (Dublin: Dominican Publications, 1998).
  13. Một khúc của phần này đã được xuất bản trong Presence, tháng 9 năm 1997.
  14. Karen Armstrong, A History of God (New York: Alfred Knopf, 1994), xvii.
  15. Xem, Elizabeth Johnson, She Who Is: The Mystery of God in Feminist Discourse (New York: Crossroad, 1992); Sallie McFague, Models of God (Philadelphia: Fortress Press, 1987).
  16. Jack Miles, God: A Biography (New York: Random House, 1995).
  17. Về sự cần thiết phải giải thoát khái niệm về Thiên Chúa vào thời nay, x. Xem J. B. Phillip’s, Ỵour God Is Too Small (New York: Macmillan, 1961.)
  18. DW 52 (W 87, II, 271). Tôi đã xóa dấu ngoặc kép mà giáo sư Walshe, giống như nhiều dịch giả, chèn vào từ “God” để bảo vệ tính chính thống của Eckhart, điều mà Eckhart thấy là không cần thiết và gây hiểu lầm.
  19. Sđd., tr. 275.
  20. Nhận xét về các đoạn này, nhà thần học người Đức đương thời, Jurgen Moltmann viết: “Phá vỡ lớp vỏ, để đạt tới cốt lõi; loại bỏ các môi giới, để đi đến mục tiêu; từ từ rút khỏi các vật thụ tạo, mặc khải và sự nhập thể của Thiên Chúa, để Thiên Chúa có thể được yêu vì chính Ngài; và sau đó hủy bỏ Thiên Chúa vì Thiên Chúa – đây là những khả thể cuối cùng của cuộc hành trình thần bí có thể diễn tả được” (Jürgen Moltmann, The Spirit of Life: A Universal Affirmation, dịch Margaret Kohl (Minneapolis: Augsburg Fortress Press/London: SCM Press, 1992), tr. 207.
  21. Moltmann 1992, 208.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here