Thần bí và Ngôn sứ
Truyền thống Đa Minh
Richard Woods O.P.
Lớp Thần I, niên học 2020-2021 biên dịch.
——————–
Chương 7.
VƯỢT QUÁ CON ĐƯỜNG KHÔNG LỐI
Tôma, Eckhart và Catarina là ba ngôi sao độc đáo tỏa sáng trên bầu trời truyền thống tâm linh Đa Minh, tiêu biểu qua đề tài con đường biết và không biết Thiên Chúa trong tác vụ chiêm niệm và ngôn sứ chiêm niệm. Trên con đường này, ba vị đã có nhiều người đồng hành, hoặc đi trước hoặc theo sau.
Chúng ta gặp thấy những người đi theo Eckhart nơi nhóm mang tên “Các thân hữu của Chúa” phát triển ờ vùng sông Rhineland. Mặc dù ảnh hưởng của Eckhart (và các đồ đệ) lan truyền càng ngày càng rộng, nhưng rồi sự ảnh hưởng cũng giảm dần theo dòng thời gian. Catarina thúc đẩy phong trào cải tổ, dựa trên nhận thức thần bí về sự Hiện diện của Thiên Chúa không thể nào nắm bắt, vẫn tồn tại sau những đổ vỡ của cuộc phân ly Tây phương và, đặc biệt là ở Ý, nở rộ trong thời kỳ Phục hưng bằng những hình thức dường như khác biệt nơi hội họa và giảng thuyết ngôn sứ. Ảnh hưởng của Tôma, được công nhận làm Tôn sư chung của Dòng, đã lan tỏa trong tất cả các lĩnh vực vừa kể – từ các bài giảng của Tauler đến những bức tranh của Fra Angelico, cũng như Savonarola nhà giảng thuyết bất khuất, và học thuyết chính trị nhân bản của Vitoria và Las Casas vẫn còn ảnh hưởng đến tận thời đại của chúng ta.1
NHỮNG THÂN HỮU CỦA THIÊN CHÚA
Không kể hàng trăm ngôi nhà của nhóm Beguines, các cha Eckhart, Suso, Tauler còn đi giảng cho nhiều hội đoàn, tu viện, và đan viện Đa Minh đang nở rộ mạnh mẽ ở vùng Rhineland thời ấy. Mặc dù “Dòng Nhì” đã được sát nhập vào Dòng từ lúc thành lập Dòng, nhưng anh em được chính thức được giáo hoàng chính thức úy thác việc linh hướng các nữ đan sĩ vào năm 1267, cách riêng bằng việc giảng thuyết và giải tội. Tỉnh dòng Teutonia (sau năm 1303 được phân chia thành hai Tỉnh dòng Teutonia và Saxony) đã thực thi điều ấy qua việc chỉ định những anh em có tài hùng biện và giỏi giang, trong đó nhiều người, từ Albertô đến Tauler và các đồ đệ, đã được phu bẩm cảm hứng thần bí sâu sắc về Thiên Chúa.2 Giáo huấn về thần bí của các anh em Đa Minh vùng Rhineland thường là một nỗ lực hợp tác giữa các nữ tu (hoặc các Beguines) và các anh em tu sĩ, chẳng hạn như Henry Halle và Mechthild Magdeburg, Peter Dacia và Christine Stommeln, Margaret Ebner và linh mục triều Henry von Nordlingen, và đặc biệt là Elsbet Stagl (bề trên nữ đan viện Toss) và chân phúc Henry Suso.3
Trong số các văn sĩ và giáo sư nổi bật thuộc linh đạo Đa Minh tham gia vào sứ vụ cho các nữ tu và Beguines, có những người đương thời với Eckhart và chịu ảnh hưởng của thuyết Tân Platon về linh đạo phủ định và tính siêu việt gắn liền với trường phái của Albertô Cả. Tuy nhiên không phải mọi người đều theo hướng đó, chẳng hạn như Nicholas Strassburg, thầy dạy và biện hộ cho Eckhart ở Cologne, lại chịu ảnh hưởng của Tôma và thường tập trung vào khuôn mặt Chúa Kitô.4 Gerard và John Korngin, hai anh em quê từ Sterngassen, cũng hướng về Tôma hơn là con đường theo Dionysius của Eckhart. Nhưng những đường lối chính trong đạo lý tâm linh của Eckhart đã được bảo tồn và phát triển nhờ hai học trò nổi tiếng nhất là Henry Suso và John Tauler.
Mặc dù giới học giả gần đây đã minh oan cho những hiểu lầm về đạo lý của Eckhart, và lời giảng của ông đã được Giáo hoàng Gioan Phaolô II khen ngợi, nhưng cái bóng của bản án năm 1329 đã làm lu mờ việc nghiên cứu linh đạo sông Rhine. Liên quan đến Henry Suso và Gioan Tauler, truyền thống cho rằng họ đã ‘sử dụng’ các yếu tố trong đạo lý của Eckhart, nhưng “thanh lọc” các khía cạnh cực đoan và thậm chí là lạc giáo, hoặc chỉ đơn giản là “dè dặt” đối với một vài điểm’. Có thể khẳng định một cách chính xác rằng hai vị ấy tiếp tục duy trì những giáo huấn nòng cốt của Eckhart, nêu bật tính cách chính thống của chúng tuy đôi khi tìm cách diễn đạt một cách uyển chuyển một vài từ ngữ gây sốc. Tuy nhiên, Suso và Tauler không hề có ý “sửa đổi” học thuyết của thầy, lại không bao giờ bài bác như Ruysbroeck đâ làm, tuy ông này về cơ bản đã lấy lại tư tưởng của Eckhart.
Hai “môn sinh” vừa nói của Eckhart đều có nhiều người ủng hộ bởi vì cả hai đều là nhà giảng thuyết và văn hào nổi tiếng. Các tác phẩm thời danh của Tauler được dịch ra nhiều thứ tiếng. Suso trở thành một trong những văn sĩ được yêu thích ở thời Trung cổ.5 Nhưng cũng như Eckhart, hai vị Suso và Tauler đều bị nghi ngờ khi họ đặt đức tin ở trên việc làm, đặc biệt là Tauler vì đạo lý đã ảnh hưởng rất nhiều đến Luther trên con đường tiến đến với Phong trào Cải cách. Năm 1330, một năm sau khi giáo hoàng ban bố sắc chỉ kết án một số đoạn giáo huấn của Eckhart, Suso bị cách chức giảng sư (lector) trong tu viện, và bị Tổng hội Maastricht cảnh cáo, chắc hẳn là vì đã công khai bênh vực đạo lý của thầy mình. Nhưng lời mời gọi vào cuộc sống thần bí của Suso và Tauler cũng bị phản đối bởi nhiều nhà kiểm duyệt, chẳng hạn như Everard Mercurian, vào thế kỷ XVI, đã cấm các tu sĩ Dòng Tên còn non nớt không được đọc.6
Người tôi tớ hăng say
Ngay khi còn sống, Henry Suso đã nổi tiếng vì sự hấp dẫn và chân thành cũng như ngôn ngữ chải chuốc, thấm đẫm văn học lãng mạn của Swabia. Ngay từ sớm, các bạn cùng lớp đã gắn biệt danh “Amandus”, tạm dịch là “dễ thương”.”7
Trong số các chủ đề đặc trưng mà Suso chia sẻ với giáo huấn của Eckhart là sự hạ sinh của Thiên Chúa trong linh hồn, Tối tăm và Hư vô của Thiên Chúa. Trong The Little Book of Truth (Cuốn sách nhỏ của sự thật), Suso viết hơi khó hiểu,
Người môn sinh bắt đầu hỏi: Xin thầy cho con biết, khi một người đạt được vinh phúc của mình thì gọi là gì ?
Trả lời: Người ta có thể gọi đó là một sự sinh hạ, như được viết trong Tin mừng của Thánh Gioan rằng ngài đã ban quyền năng và khả năng trở thành Con của Thiên Chúa cho tất cả những người ai được sinh ra bởi Thiên Chúa …. Tôi sẽ nói cho bạn biết thêm nữa. Nếu ai không nhận thức được hai điều trái ngược, tức là hai điều mâu thuẫn với nhau, lại được coi như là một với nhau, thì chắc chắn là không dễ gì mà nói với họ về những chuyện như thế …
Câu hỏi: Những điều trái ngược này là gì?
Trả lời: Cái hư vô vĩnh cửu và trở nên hiện hữu trong thời gian.
Vấn nạn: Hai điều trái nghịch mà hiện hữu như một thì tất nhiên là mâu thuẫn ở trong mọi lãnh vực tri thức.
Trả lời: Bạn và tôi không gặp nhau ở một ngành hay một nơi. Bạn đi theo con đường của bạn theo một lối mòn, còn tôi đi theo con đường khác. Câu hỏi của bạn nảy sinh từ suy nghĩ của con người, và tôi trả lời từ một kiến thức vượt xa mọi hiểu biết của con người. Bạn phải từ bỏ sự hiểu biết của con người nếu bạn muốn đạt được mục tiêu, bởi vì sự thật được biết bằng cách không biết.8
Ta thấy đó là một lối chuyển biến nhẹ nhàng diễn từ vô ngôn của Eckhart đã từng gây sốc cho các thẩm phán ở Cologne (và có thể nhiều thính giả nữa). Thế nhưng nó lại được khuếch đại trong tác phẩm Life of the Servant (Đời sống của người tôi tớ) của Suso, do Elsbet Stagl sao chép lại:
Sự duy nhất trần trụi này [của bản tính Thiên Chúa] là một sự tĩnh lặng tăm tối và một sự tĩnh lặng yên bình mà không ai có thể hiểu nổi, ngoại trừ kẻ nào được sự duy nhất ấy tỏa sáng bằng bản tính của mình…. [Ở trong Thiên Chúa, tinh thần] bị bóc lột và tước bỏ hết các dạng thức hữu hạn của hữu thể ở trong hữu thể thần linh đơn thuần không có dạng thức giới hạn. Điều này tự nó chiếu sáng cho tất cả mọi thứ trong sự tĩnh lặng đơn thuần. Ở đây, chỉ còn lại sự phân biệt giữa các Ngôi vị theo cá tính của họ; sự phân biệt này được bỏ qua trong tính đơn thuần loại trừ các dạng thức của hữu thể… Cái “nơi” thiêng liêng đã được đề cập trước đây, nơi mà một tôi tớ chân chính đã được thanh luyện sẽ được cư ngụ với Người Con hằng hữu, người ta có thể gọi là hư vô tồn tại không có tên. Ở đây tinh thần gặp gỡ sự hư vô của sự duy nhất. Sự duy nhất này được gọi là “không có gì” bởi vì tinh thần không thể tìm thấy ngôn ngữ nào của loài người để nói nó là gì. Thay vào đó, tinh thần thấy rõ ràng rằng nó đang được gìn giữ bởi một điều gì đó khác với chính nó. Vì vậy, cái gìn giữ nó là điều gì đó khác với là hư vô, nhưng đối với tinh thần (con người), thì đung ra đó là một thứ hư vô xét theo cách thức hiện hữu.9
Ở đây, tất cả các chủ đề quen thuộc được xếp thành lớp sát nhau, theo cách ngắn gọn bởi một người vốn nổi tiếng về cách diễn đạt hấp dẫn, ngọt ngào và trang trọng thay vì ngôn ngữ siêu hình:
[Cách thức hiểu biết Thiên Chúa] đặt tinh thần ra khỏi (chính nó). Điều này xảy ra trong cái hư vô của sự duy nhất phù hợp với sự hiểu biết không thể hiểu thấu vốn dành cho cái hư vô. Tinh thần đánh mất tri thức của chính mình bởi vì nó đánh mất chính mình, không ý thức về bản thân và quên đi tất cả mọi thứ. Và điều này đã xảy ra khi mà linh hồn tự nó quay lưng lại với bản chất thụ tạo của mình và của vạn vật, để hướng tới cái hư vô trần trụi của cái bất thụ tạo.10
Tiến sĩ Tauler
Trong các bài giảng và tác phẩm của mình, Gioan Tauler cũng nhắc lại các chủ đề nổi bật về sự hạ sinh của Chúa trong linh hồn, cái biết và không biết, và cái hư vô tối tăm của Thiên Chúa. Giống như Suso, Tauler đã dành phần lớn sự nghiệp giảng thuyết của mình để chăm sóc các nhóm Beguines và nữ tu Đa Minh, nhưng cha cũng tạo ra được một nhóm đông các môn đệ thuộc hàng ngũ giáo dân.11 Cũng như với Eckhart, nhiều bài giảng và các thuyết trình của Tauler đã được sao chép và được giữ lại. Cũng như với Eckhart, có những bản văn khác không phải của Tauler cũng được thêm vào những bộ sưu tập, gồm cả một số tác phẩm của Eckhart. Vì danh tiếng của Tauler quá phổ biến, nên các bài giảng và bài thuyết trình của Tauler trở thành một phần gia sản của nhóm Tin lành, bất chấp nguồn gốc Công giáo rõ ràng của các bản văn ấy.
Trong một bài giảng vào ngày thứ hai trước Chúa Nhật Lễ Lá, Tauler nói theo đúng giọng điệu của Eckhart,
Hễ ai đặt chân đến đây thì đã khám phá ra điều mà mình đang tìm kiếm ở khắp mọi nơi. Tinh thần của người ấy sẽ được dẫn vào một sa mạc ẩn kín vượt xa năng lực của bản tính con người. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được, vì đó là bóng tối không thể dò được, nơi mà sự Thiện thần linh ngự trị trên mọi sự khác biệt. Và linh hồn được dẫn dắt xa hơn, làm một cùng với sự duy nhất đơn thuần của Thiên Chúa, đến nỗi nó mất khả năng rút ra bất kỳ sự phân biệt nào giữa đối tượng và cảm xúc của chính mình. Vì trong sự duy nhất này, mọi tính đa dạng đều bị mất; nó là sự duy nhất thống nhất tính đa dạng.
… Không ai có thể hiểu những sự khác biệt này hơn những người đã vượt ra khỏi sự khác biệt và đạt được sự duy nhất. Trạng thái này được gọi là và cũng thực sự là một tối tăm không thể hiểu thấu, nhưng nó là ánh sáng cốt yếu. Nó là và được gọi là một nơi hoang vu cô độc và không thể hiểu thấu, bởi lẽ không ai có thể tìm thấy đường đến đó, bởi vì nó vượt trên mọi con đường, trên mọi phương thức và kiểu cách.12
Ở một nơi khác, trong một đoạn văn vừa cô đọng vừa hùng hồn, Tauler không chỉ viện dẫn truyền thống Dionysius, bằng cách kết nối sự tối tăm thần linh với tình yêu, (tuy dù không giống như tác giả Đám mây vô tri chẳng hạn) mà ngài còn mang lại một sự giải thích theo hướng tự hủy của Kitô học:
Bây giờ tôi sẽ nói về một tình yêu khác, và nó cao hơn tình yêu trước đây như Trời xanh trổi cao hơn mặt đất…. Ai có thể đạt được tình yêu này sẽ thực sự đạt được đỉnh cao nhất. Ở đây cái tôi bị bỏ lại phía sau rất xa; và thay vì sự viên mãn là sự trống rỗng. Không phải Tri thức, nhưng là phi-Tri-thức đang lan khắp; vì tình yêu đó vượt ra ngoài mọi phương thức và kiểu cách… Vì vậy, cái ngã cần phải hoàn toàn lột bỏ cái ngã đến nỗi nó không nhìn thấy chính mình nữa. Ngay cả suy tư và ước muốn cũng không được nó chứa chấp. Thậm chí nó không thể hiến tế sự nghèo khó này cho Thiên Chúa, bởi vì nó đã bám sát sự từ bỏ ấy trong cái phi-Tri-thức. Nó phải phủ nhận chính bản thân mình, và chết cho hết các hình ảnh khả giác mà nó sở hữu trong giai đoạn đầu tiên, để tiến vào địa hạt là nơi Thiên Chúa yêu chính Ngài và là đối tượng tình yêu của chính Ngài. Trong sự rũ bỏ chính mình này, chúng ta được biến đổi hình dạng theo theo hình dạng của Thiên Chúa, được mặc lấy thần tính của Ngài. Đó là sự tăm tối ẩn kín mà thánh Dionysius đã nói.13
Bất chấp những thăng trầm của việc phê chuẩn và luận phi về phía các nhà cầm quyền, đạo lý tâm linh của hai môn đồ lừng lẫy nhất của Eckhart vẫn có ảnh hưởng trong Dòng Đa Minh và vươn xa hơn nữa trong vài thế kỷ. Hinnebusch viết:
Những tư tưởng của họ đã ảnh hưởng đến các tu sĩ Đa Minh như: Venturino Bergamo và Louis Chardon, các tu sĩ Cát Minh như: Gioan Saint Samson, Gioan Thánh Giá, Têrêsa Avila, và Phêrô Canisiô tu sĩ dòng Tên; Benet Canfield thuộc dòng Capuchinô, Gioan Castel và Louis Blois thuộc dòng Biển Đức, Dionysius Rijckel, Ludolph Saxony, và Lawrence Surius thuộc dòng Chartreux, Gioan các Thiên Thần người Tây Ban Nha thuộc dòng Phanxicô, Phaolô Thánh Giá (người sáng lập dòng Thương khó), Phong trào mộ đạo Đức vào thế kỷ XVII, và các tác giả thuộc trường phái tâm linh Pháp thế kỷ XVIII.14
CHU VI RỘNG RÃI HƠN
Thần học phủ định cùng việc nhấn mạnh vào sự vô tri là một mô-tip của các môn sinh của Eckhart, nhưng nó không bị thu hẹp trong Dòng Đa Minh hoặc trở thành điểm đặc trưng của nhiều văn sĩ tâm linh sau này.15 Một số tác phẩm có ảnh hưởng đã xuất hiện vào thời điểm ấy, một số người chịu ảnh hưởng của truyền thống Đa Minh miền Rhineland, nhưng những người khác lại chẳng có liên hệ gì. (Trong một số trường hợp, không dễ gì phân biệt.) Trong số các tác phẩm của một người Đức không thuộc Dòng Đa Minh nhưng lại làm cho những chủ đề của Eckhart sống mãi ta có thể kể các tác phẩm của Rulman Merswin, Theologia Germanica (thần học Đức quốc), và The Book of Spiritual Poverty (Cuốn sách về khó nghèo tinh thần, cuốn này có thể do một môn sinh của Tauler thuộc Dòng Đa Minh biên soạn). Bên ngoài nước Đức còn có Đám mây vô tri với những tác phẩm tương tự và các tác phẩm của Jan van Ruysbroeck thể hiện một giọng văn mạnh mẽ thuộc trường phái Dionysius mang ít nhiều diện mạo đặc trưng của Dòng Đa Minh. Trong thế kỷ sau đó, các bài viết của Hồng y Nicholas Cusa thường phản ánh chủ đề miền Rhineland, mặc dù có chủ ý tách biệt khỏi tư tưởng của Eckhart ở một số khía cạnh.
God’s Banker
Rulman Merswin (1307-82) là ông chủ ngân hàng giàu có ở Strassburg, và là người gắn bó với Tauler cho đến khi qua đời vào năm 1360.16 Sau cảm nghiệm hoán cải, ông và bà vợ đã dành cả cuộc đời và tài sản của mình để thành lập và trông coi một trung tâm tĩnh tâm dành cho các linh mục và giáo dân, và gọi là Hòn Đảo Xanh. Trong những năm tiếp theo, Merswin trở thành người lãnh đạo nhóm các thân hữu của Chúa. Sau khi ông qua đời, một bộ sưu tập các bức thư được phát hiện trong số tài sản của ông, trong đó có một số đến từ một nhân vật ẩn danh được gọi là “thân hữu của Chúa đến từ Oberland”. Mặc dù các học giả phần lớn đồng tình rằng những điều trên thực sự do chính Merswin viết, nhưng chúng phản ánh (thường rất rõ rệt) các chủ đề của Eckhart và Tauler.
Tuy nhiên, nói chung, tư tưởng trong các bài viết của Merswin mang tính quy ước và êm ả, ngay cả khi nó đụng đến những chủ đề quen thuộc của con đường phủ định, chẳng hạn như trong đoạn này trích từ The Book of the Nine Rocks (Cuốn sách của Chín tảng đá):
… Nhiều người tối dạ sẽ ngạc nhiên vì điều đó; nhưng những người sáng suốt và đạo đức sẽ hiểu rằng ta phải miêu tả những điều này bằng hình ảnh nếu muốn cho người ta hiểu được nó, bởi vì Thiên Chúa quá vĩ đại vượt sức hiểu biết của con người. Này, bạn nói với tôi rằng, bạn sợ một số người có thể không hiểu điều đó và tất cả những gì mà tôi đã viết cho bạn về chín tảng đá. Vẫn có những người sẽ hiểu điều đó, mặc dù rất ít.17
Đạo lý của Merswin thiếu chiều sâu và sự sáng suốt đã cho thấy sự suy tàn của trường phái thần bí miền Rhineland, bởi vì người kế nhiệm của ông, Nicholas Basle, xem ra đã đi đến tột độ của truyền thống chinh thống. Năm 1409, ông bị xét xử và hành quyết tại Vienna vì những lạc thuyết. Với cái chết của ông, “Các thân hữu của Chúa biến mất xét như một phong trào lịch sử, mặc dù ảnh hưởng của họ vẫn sống sót, thật kinh ngạc, trong số những người theo trường phái thần bí thuộc nhóm Anabaptist và giáo phái Mennonite, Hutterites, Amish và truyền thống Tin lành Baptist Anh.
Cuốn sách về khó nghèo tinh thần
Được biên soạn bởi một văn sĩ vô danh vào khoảng hậu bán của thế kỷ XIV, Cuốn sách về khó nghèo tinh thần (Das Buch von geistlicher Armuth) tập trung vào chủ đề trường phái sông Rhineland về sự khó nghèo Tin mừng như một nguồn mạch của sự từ khước, sự tự do và sự thuần khiết của hành động, làm cho linh hồn trở thành ‘bạn của Chúa’. Từ lâu tác phẩm này được gán cho Tauler như là tóm lược các tư tưởng chính của trường phái miền Rhineland, nhưng lại bắt đầu chứa đựng các yếu tố của devotio moderna, nhấn mạnh vào việc bắt chước Chúa Kitô, ‘khổ chế’, tập luyện nhân đức, từ bỏ thế gian để đạt được bình an trong tâm hồn..18
Tuy nhiên, tập sách nhỏ này được một số người rất ngưỡng mộ. Năm 1543, nó được trích dẫn bởi thánh Phêrô Canisiô, một tu sĩ Dòng Tên người Đức đầu tiên, trong Holy Instructions of Tauler (Những lời giáo huấn thánh thiện của Tauler). Năm 1548, Laurence Surius, một tu sĩ Dòng Chartreux, đã dịch toàn bộ cuốn sách sang tiếng Latinh, như là một tác phẩm của Tauler. Như C. F. Kelley nhận xét: “Ấn phẩm của ngài trở nên phổ biến khắp châu Âu đến mức các bản dịch tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan về tất cả thiên chuyên khảo mang tên Tauler đã được lan truyền”, mặc dù không phải là không có tầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến Phong trào Chống cải cách, như chúng ta đã thấy.19
Tác giả giải thích đoạn thư của thánh Phaolô, ‘Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người’ (1Cr 6,17) như thế này,
Sự kết hiệp này chỉ đơn giản là tinh thần ra khỏi chính mình, ra khỏi thời gian, và đi vào một cõi hư vô thuần túy. Cái hình thành nên con người của mình là sự giống như Thiên Chúa đang ngự ở trong con người và con người không bao giờ có thể tiêu diệt được. Thiên Chúa lấy sự “giống như” này và kết hợp nó với chính Ngài và như thế, tinh thần của con người trở thành một tinh thần với Thiên Chúa giống như Thiên Chúa.20
Trong Phần III, đề cập đến chủ đề “Chìm đắm trong Thần tính của Thiên Chúa”, tác giả liên tục ám chỉ đến lời giảng của Eckhart: “Những người yêu mến Chúa thật sự thì cũng yêu mến Ngài bằng cả trí tuệ, và đây là lúc trí tuệ họ vượt lên trên mọi thụ tạo và thâm nhập vào điều thiện tự tại, là chính Thiên Chúa, và rồi trí tuệ chìm đắm trong tối tăm ẩn kín của Thiên Chúa không thể hiểu thấu. Trí tuệ chìm ngập và nghỉ ngơi trong Ngài và nó không thể quay trở lại.”21 Đúng như lời dạy của Eckhart và Tauler, tác giả cũng chia sẻ về giá trị của việc liên tục chết đi cho chính mình,
nhờ chết cho chính mình thì Thiên Chúa được sinh ra trong linh hồn. Nói cách khác, khi Thiên Chúa lấy thần trí ra khỏi linh hồn và đặt thần trí ấy vào sự thần bí của Thần tính nơi Thiên Chúa, Ngài biến đổi thần trí với Thần tính của Ngài để thần trí ấy trở nên giống như Thiên Chúa. Linh hồn mất đi hình dạng của thụ tạo, và được trở thành hình ảnh vô hình của Chúa Con trong Thiên Chúa; do đó, con người trở thành một người con của ân sủng theo cách mà Chúa Con là một người con theo bản tính.22
Những nhận xét như vậy có thể lấy từ giọng văn của Tauler hoặc thậm chí là Eckhart. Nhưng phần lớn cuốn sách chứa đầy những suy tư của một lòng đạo đức theo lối cổ truyền hơn là vạch ra một lối sống khổ chế hay con đường thần bí để kết hợp với Thiên Chúa. Tương tự, Theologia Germanica (thần học Đức quốc), được biên soạn bởi Sachsenhausen, một hiệp sĩ Teutonic, gần Frankfurt, khi viết về những đề tài tương tự với Eckhart, thì rõ ràng là không còn duy trì những giáo lý của các anh em Đa Minh người Đức nổi tiếng nữa.
Thần học Đức quốc
Dù không nổi bật như các nhà giảng thuyết ở Rhineland, Thần Học Đức quốc[1], ảnh hưởng rất lớn đối với Luther, là một tác phẩm với linh đạo chính thống và vững chắc.28 Trong các đề tài giống với Catarina Siena, lúc đầu tác giả hưởng nếm sự sung mãn của Thiên Chúa qua việc suy xét về hư vô của con người hay tinh thần khó nghèo triệt để. Tuy nhiên, sau đó, ông dẫn vào chủ đề về sự vô danh của Thiên Chúa, chạm nhẹ vào sự hư không của Thiên Chúa, và thậm chí sự sinh hạ của Thiên Chúa ở trong linh hồn, nhưng lại không đề cập đến sự tối tăm của Thiên Chúa.
Đức Kitô cũng đã nói: “Không ai đến với Ta, nếu Chúa Cha, Đấng đã sai Ta, không lôi kéo người ấy” (Ga 6,44). Điểm chú ý ở đây là, tôi hiểu Chúa Cha là Đấng Thiện Hảo, Tốt Lành, Đấng là tất cả và trên Tất cả, và không có Ngài và bên cạnh Ngài thì không có một Bản thể chân thực nào, hay điều Thiện chân thực nào, và nếu không có Ngài thì không có công trình tốt đẹp nào đã từng hoặc sẽ được thực hiện. Và trong Đấng là Tất cả, Ngài phải ở trong Tất cả và trên cả Tất cả. Và Ngài không thể là bất kỳ một trong những điều mà vạn vật, với tư cách là thụ tạo, có thể nhận thức hoặc hiểu được. Bởi lẽ bất cứ điều gì mà thụ tạo, xét là một thụ tạo (nghĩa là, trong bản chất hoàn toàn được tạo thành), có thể hình dung và hiểu được, là cái gì đó, cái này cái nọ, và do đó là một loài thụ tạo nào đó. Và bây giờ nếu như Điều Thiện Đơn Nhất Hoàn Hảo là một cài gì đó, thế này hay thế nọ, mà thụ tạo hiểu được, thì nó sẽ không phải là Tất cả, cũng không phải là Duy nhất, và do đó không phải là Hoàn hảo. Do đó, nó cũng không thể được đặt tên, vì nó không phải là cái gì trong số tất cả những thứ mà thụ tạo xét là thụ tạo có thể hiểu, biết, quan niệm hoặc đặt tên. Bây giờ, khi Sự Thiện hoàn hảo, không thể gọi tên, chảy vào một Ngôi vị có thể sinh ra, và sinh ra Con Một trong Ngôi vị đó, và chính ở trong Ngài, chúng ta gọi đấng ấy là Cha.
Những cách tiếp cận thận trọng như vậy đối với những chủ đề bay bổng của thần bí Dionysius đã bị loại bỏ hoàn toàn để nghiêng theo ngôn ngữ đặc trưng của Eckhart khi một tác giả khác vào cuối thế kỷ XIV, một người Anh vô danh, đến từ miền Trung Bắc, nhận hướng dẫn một người sắp làm ẩn sĩ.
Đám mây vô tri
Trong tác phẩm viết bởi một bậc thầy tâm linh vô danh đã xây dựng toàn bộ đạo lý trên nền tảng của Dionysius. Đây là trường hợp độc đáo bên Anh. Ông cũng đã dịch (và khai triển) cuốn Theologia mystica (Thần học Thần bí) và đặt tên là Deonise Hid Divinity (Thiên tính ẩn kín của Dionysius), và cung cấp cho môn đệ trẻ hăng say của mình (cũng ẩn danh) một số bài bình luận khác.26
Trong khi tác giả nhấn mạnh đến sự bất lực của sự hiểu biết và sức mạnh hợp nhất của tình yêu phản ánh cách tiếp cận của Tôma Gallus[2], người mà ông đã quen thuộc với những bài bình luận về Dionysius, thì nhiều chủ đề đặc trưng của trường phái thần bí miền Rhineland cũng xuất hiện một cách rõ ràng. Các tác phẩm của tác giả Đám mây vô tri dường như là tác phẩm tiếng Anh duy nhất vào thời kỳ này thể hiện ảnh hưởng này, điều này khiến Dom David Knowles hồ nghi có nguồn gốc từ một tu sĩ Đa Minh (điều này cũng được hỗ trợ bởi những trích dẫn Tôma Aquinô, vào lúc mà đạo lý chưa mấy phổ biến ra bên ngoài các cộng đoàn Đa Minh). Bằng cách này hay cách khác, tác giả đã đề cập các chủ đề về sự không biết, đám mây của tối tăm, và sự hư vô của Thiên Chúa, cũng như về linh hồn đang trên đường tìm kiếm.
Ở chương Ba, tác giả viết:
lúc đầu, bạn chỉ tìm thấy một bóng tối, và vì nó là một đám mây của sự vô tri cho nên bạn không biết nó là gì, chỉ trừ bạn cảm thấy ở trong ý muốn của mình là một ý định trần trụi đối với Thiên Chúa. Bóng tối này và đám mây này, dù bạn làm thế nào đi nữa, đều gắn kết bạn và Thiên Chúa của bạn, và ngăn cản bạn không thể nhìn thấy rõ Ngài bằng ánh sáng của sự hiểu biết trong lý trí của bạn, cũng như không cảm nhận được Ngài trong sự ngọt ngào của tình yêu trong tình cảm của bạn. Và vì thế, bạn hãy cố gắng để ẩn mình trong bóng tối này lâu chừng nào bạn có thể, không ngừng khóc theo kẻ mà bạn yêu thương. Vì nếu bạn có thể nhìn thấy Ngài hoặc cảm nhận được Ngài, ra như Ngài có thể ở đây, thì nó phải luôn ở trong đám mây này và trong sự tối tăm này.27
Sang chương Sáu, tác giả giải thích bằng những từ ngữ mà ngay cả thánh Tôma cũng đã chấp nhận được, vì sao “tình yêu khao khát“ thúc đẩy cuộc phiêu lưu thần bí về phía trước thông qua sự tối tăm của vô tri:
… Nhờ ân sủng, con người có thể hiểu biết trọn rõ ràng và suy nghĩ về tất cả các thụ tạo và các công việc của chúng, cũng như các công trình của chính Thiên Chúa; nhưng về chính Thiên Chúa thì không con người nào có thể nghĩ được. Và vì thế tôi sẽ bỏ tất cả những điều mà tôi có thể nghĩ, và tìm cách để yêu điều mà tôi không thể nghĩ. Vì lý do là tại vì Ngài có thể được yêu, chứ không phải được nghĩ. Nhờ tình yêu, người ấy có thể bắt được và giữ được; chứ bằng suy nghĩ thì chẳng bắt cũng chẳng giữ dược như vậy. Và do đó, mặc dù đôi khi thật là tốt để nghĩ đến sự nhân lành cao cả của Thiên Chúa, và mặc dù nó là ánh sáng và là một phần của sự chiêm niệm, tuy nhiên, trong công việc này, nó sẽ bị phủ xuống và bị bao phủ bởi một đám mây mơ hồ. Và bạn sẽ bước lên trên nó một cách vững vàng, nhưng vui vẻ, với một sự khuấy lên tình yêu sùng mộ và êm ái, và cố gắng xuyên thủng bóng tối đó trên bạn. Và bạn hãy đánh tan đám mây dày đặc của sự vô tri bằng một lưỡi đòng sắc bén của tình yêu khao khát; và đừng rời bở nơi đó, kẻo mà xảy ra chuyện khác.
Như Dom Justin McCann và các tác giả khác đã nhận định, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng của Dionysius, và đôi lúc là các chủ đề tâm linh của trường phái miền Rhineland, văn chương Đám mây vô tri vẫn tiếp tục tạo ra một số ảnh hưởng, đặc biệt là trong giới đan tu Biển Đức và Chartreux trong nhiều thế kỷ tới. Nhưng người tiêu biểu vĩ đại cuối cùng của con đường thần bí của các nhà thần bí miền Rhineland không đến từ nước Anh cũng như từ vùng phía nam của con sông dài bao quanh đồng cỏ của dãy núi Alps đến Biển Bắc, nhưng từ Hà Lan, và đôi khi còn sừng sộ nữa.
Ruysbroeck
Những tác phẩm của Jan van Ruysbroeck (1293-1381) và các học trò của ông tại đan viện ở Groenendael (“Thung lũng Xanh”), sẽ ảnh hưởng rất lớn đến devotio moderna[3] trong thế kỷ XV. “Đời sống tâm linh mới” được Tôma Kempis và những người khác ủng hộ sẽ trở nên ít lạc quan hơn và thoát tục hơn vào lúc mà thế kỷ XIV rơi vào giai đoạn u ám của Đại ly giáo Tây phương và những đợt dịch bệnh và bạo lực tái diễn. Phần lớn linh đạo của Ruysbroeck nhằm điều chỉnh đạo lý đổ nát của các “Thân hữu của Thiên Chúa”, gồm cả Eckhart, mặc dù ông chưa hiểu thấu đáo đạo lý của Meister.
Những tác phẩm của Ruysbroeck, chủ yếu là The Spiritual Espousals, the Kingdom of the Lovers of God và the Seven Steps of the Ladder of Spiritual Love, và những tác phẩm khác như The Seven Enclosures và A Mirror of Eternal Blessedness, vẫn là những tác phẩm kinh điển về đời sống tâm linh phương Tây.28 Giống như Eckhart và Tauler nửa thế kỷ trước, Ruysbroeck đã cố gắng vạch ra con đường đi vào trái tim bất khả tri và không tên của Thiên Chúa. Trớ trêu thay, ông càng cố gắng để loại trừ những sôi nổi thái quá của Dionysius, thì càng có vẻ giống Eckhart. Kết quả là sau đó, ông cũng bị phê bình bởi cha Jean Gerson, chưởng ấn đại học Paris và là một văn sĩ nổi tiếng về tâm linh. Dù vậy, các tác phẩm của Ruysbroeck vẫn được các môn đệ kính trọng và trở thành những phát biểu kinh điển về con đường phủ định. Vào năm 1908, Ruysbroeck được Đức Giáo hoàng Piô X tôn phong chân phước.
Trong The Spiritual Espousals ta thấy rõ ông kế thừa truyền thống cổ điển về đề tài bất khả tri Ki-tô giáo (cả những chủ đề của Beguines và miền Rhineland):
Bản chất siêu phàm của Thiên Chúa sẽ được thấy và được hiểu như là đơn thuần và duy nhất, cao vời không thể đạt tới và sâu thẳm khôn dò, bao la không thể thấu hiểu và dài vô tận, một sự tĩnh lặng tối tăm và một sa mạc hoang vu, một sự nghỉ ngơi dành cho tất cả các thánh trong sự duy nhất và niềm hạnh phúc chung với chính mình và cho tất cả các thánh đến muôn thuở muôn đời. Con người cũng có thể nắm bắt nhiều kỳ diệu quan trong đại dương khôn dò của bản chất Thiên Chúa. Dù chúng ta sử dụng những hình ảnh khả giác khi các giác quan kém cỏi diễn tả nó ra bên ngoài, nhưng thực sự tự bên trong nó được xem là một điều thiện không thể hiểu được mà từ đó tất cả các hình thức hoặc dạng thức riêng biệt đều bị loại trừ. Nhưng khi chúng ta diễn đạt ra bên ngoài, lúc đó chúng ta gán cho nó những hình ảnh và hình thức khác nhau, tùy theo mức độ soi sáng mà lý trí mang lại để diễn đạt.29
Giống như Eckhart, Ruysbroeck dạy rằng, cuối cùng, linh hồn nào đi kiếm tìm sẽ bắt gặp sa mạc trống rỗng của bản chất Thiên Chúa, nơi mọi sự khác biệt, và mọi danh xưng và khái niệm đều được bao phủ trong sự tối tăm thần linh nơi mà ngay cả các Ngôi vị thần linh cũng chìm đắm trong sự duy nhất đơn thuần, khôn tả. Nhưng sự hợp nhất như vậy cũng là một vòng tay yêu thương vui sướng trong đó thụ tạo và Đấng Tạo Hóa mất hết nhận thức về sự khác biệt. Thế rồi, “trong sự tối tăm này, một ánh sáng không thể hiểu nổi được sinh ra và bừng sáng; đây là Con Thiên Chúa, trong đó một con người trở nên có khả năng nhìn thấy và chiêm ngắm cuộc sống vĩnh cửu.”30
Sự dốt nát thông minh[4]: Nicholas Cusa
Văn sĩ tâm linh cuối cùng thời Trung cổ sử dụng con đường phủ định trong đạo lý là Hồng y Nicholas Cusa (1400-1464), một chính khách, nhà toán học và là triết gia người Đức. Có lẽ ông thuộc về thời Phục hưng hơn là thời Trung cổ.31 Mặc dù nhận thức của ông về ‘tối tăm’ hoặc sự hiểu biết phủ định về Thiên Chúa độc lập với truyền thống của miền Rhineland, nhưng sau đó khi nghiên cứu các tác phẩm đạo lý thần bí thời Trung cổ, ông đã đọc các tác phẩm La-tinh của Eckhart, và các bản chú giải được tìm thấy trong thư viện rộng lớn của vị Hồng y học giả này. Và mặc dù biết rằng mình chịu ảnh hưởng của đạo lý thần bí của Dionysius, ông cũng đã đưa nhiều lối giải thích độc đáo đáng kể, và sớm trở thành đầu mối cho một cuộc tranh luận thần học lớn lao.
Trong một nhận định sâu sắc về Nicholas và các nguồn tài liệu của ông, Donald Duclow cho thấy rằng,
Albertô Cả và Eckhart đã dành cho trí tuệ một vị trí trung tâm trong đời sống tâm linh của các ngài. Do đó, các bản thảo của Nicholas chú giải Periphseon của Eriugena, các bài chú giải Dionysius của Albertô và các tác phẩm La tinh của Eckhart cung cấp bằng chứng quan trọng về các tài liệu của ngài về những vấn đề này. Những nhân vật khác trong trường phái Albertô cũng có ảnh hưởng đến Cusa. Khi còn trẻ, ông theo học tại đại học Cologne là kế thừa học viện Đa Minh của Albertô, và ở đó ông đã trở thành bạn thân của Heimeric de Campo. Thông qua Heimeric, Nicholas biết đến các nhà tư tưởng Đa Minh tiến khởi Dietrich Freisburg, Ulrich Strassburg và Berthold Moosburg – tất cả đều đã phát triển các giáo huấn của Albertô về trí tuệ.32
Tuy nhiên, vào cuối thể kỷ XIV, con đường của sự vô tri đã nhanh chóng bị suy giảm như là một nét đặc trưng nổi bật của linh đạo miền Rhineland, ít nhất là trong diễn ngữ táo bạo của Dionysius. Sau việc giải thể nhóm Beguines, bắt đầu từ năm 1311, nó cũng sớm biến mất khỏi linh đạo Pháp và Flamand. Sự có mặt của nó trong Đám mây vô tri, Jan van Ruysbroeck và Nicholas Cusa mang tính cách ngoại lệ hơn là tiêu biểu, là tiếng kêu cuối cùng của một truyền thống đã kết thúc hành trình, vào thời mà triết học kinh viện xuống dốc và thế giới Ki-tô giáo thời Trung cổ tan rã.
——————–
[1] Tác phẩm vô danh mang tựa đề lài Theologia Germanica (hoặc Theologia Deutsch, Teutsch) ra đời vào cuối thế kỷ XIV bên Đức, có lẽ thuộc nhóm “Thân hữu của Thiên Chúa”.
[2] Thomas Gallus, cũng gọi là Thomas of Vercelli hay Thomas of St Victor, là một phần tử của trường St Victor Paris vào thế kỷ XIII (k.1206-1246), tác giả một số sách chú giải Dionysius.
[3] Devotio moderna là tên đặt cho một khuynh hướng tâm linh xuất hiện tại Bỉ-Hà Lan vào giữa thế kỷ XIV và kéo dài suốt thế kỷ XV, và điển hình là cuốn De imitatione Christi (Bắt chước Chúa Kitô) . “Devotio” muốn lên quyết tâm phụng sự Thiên Chúa qua việc hâm nóng lòng mộ mến bên trong, chứ không dừng lại ở hình thức bên ngoài. “Moderna” có nghĩa là “tân thời” chú trong đến các phương pháp cụ thể trong việc suy gẫm và thực hành nhân đức (đối lại với “cổ điển” ám chỉ những học thuyết trừu trượng, cũng như các lối giữ đạo hình thức).
[4] Tến mà Nicola Cusa đặt cho cuốn sách của mình “De docta ignorantia”: sự dốt nát thông thái.
————
Chú thích
Chương 7: VƯỢT QUÁ CON ĐƯỜNG KHÔNG LỐI
- Đã có nhiều tài liệu viết về lịch sử của trường phái Tôma, nhưng ít tác giả nghiên cứu sự phát triển ảnh hưởng tinh thần của Tôma. Vì vậy các tác phẩm gần đây của Ashley, Torrell và Tugwell thật là quan trọng.
- Lịch sử sự sát nhập các nữ tu vào Dòng Giảng thuyết, sự hợp tác giữa đôi bên trong việc thăng tiến thần học thần bí, xem Margareta Ebner: Revelations and Pater Noster, Leonard Hindsley O.P and Margot Schmidt, biên tập và dẫn nhập, lời tựa Richard Woods O.P (New York: Paulist Press, 1993); Woods 1987, và Hinnebusch 1966, I, 386-397.
- Về việc lưu trữ các bài giảng của các anh em nơi các nữ đan viện, xem John Coakleay, ‘Friars as Confidants of Holy Women in Medieval Dominican Hagiography’ in, Blumenfeld-Kosinski and Szell 1991, tr. 222-246; Debra L. Stoudt, “The Production and Preservation of Letters by Fourteenth-Century Dominican Nuns’, Medieval Studies 53 (1991): 309-26; và André Vauchez, ‘Lay People’s Sanctity in Western Europe: Evolution of a Pattern (Thế kỉ XII và XIII)’, Blumenfeld-Kosinski và Szell, biên tập, trích, tr. 21-32.
- Về Nicholas Strassburg, xem Hinnebusch 1973, II, 302.
- Trong thế kỷ XIV và XV – dựa theo một số lượng các bản cảo chứng tỏ – The Little Book of Eternal Wisdom là cuốn sách tâm linh được đọc nhiều nhất ở Đức. Nó được coi là thành quả tốt đẹp nhất của trường phái thần bí Đức (Martin, Townsend 1934, 51).
- Hinnebush viết, ‘Bởi vì được Martin Luther ngưỡng mộ và trích dẫn, Tauler đã bị những người Công giáo thế kỷ XVI nghi ngờ. John Eck, một nhà hộ gíao hàng đầu của Công giáo, đã đọc Tauler cách hời hợt, đã buộc tội ông là dị giáo. Trong hậu bán thế kỷ XVI, Tòa giáo pháp Tây Ban Nha đã đưa Divinae Institutiones của Pseudo-Tauler vào danh mục sách cấm; Edward Mercurian, Bề trên cả Dòng Tên, đã ngăn cấm tu sĩ Dòng của mình đọc những tác phẩm của các thánh Gertrude và Mathilda [Mechthild], Raymond Lull, John Ruysbroeck, Henry Suso và John Tauler; và năm 1594 các tu sĩ dòng Phanxico nhánh Capuchins thuộc tỉnh dòng Ghent đã ban hành một sắc lệnh tương tự’ (Hinnebusch 1973, II, 323).
- Cuộc đời và các tác phẩm của Suso đã được nghiên cứu chi tiết trong: Henry Suso, The Exemplar, with Two German Sermons, Frank Tobin, dịch và biên tập, lời tựa Bernard McGinn, New York: Paulist Press, 1989. Xem thêm James M. Clark (trans.), Henry Suso: Little Book of Eternal Wisdom and Little Book of Truth (London: Faber, 1953); Henry Suso, Wisdom’s Watch upon the Hours, Edmund Colledge OSA dịch (Washington, DC: Catholic University of America Press, 1994); và The Exemplar: Life and Writings of the Blessed Henry Suso, O.P., biên tập Nicholas Heller, Ann Edwards O.P dịch (Dubuque, IA: Priory Press, 1962).
- Tobin 1989, 317-318.
- Tobin 1989, 197.
- Tobin 1989, 198. Ngôn ngữ của Suso được truyền đạt rất sâu sắc trong bản dịch của Tobin: Trong vùng núi hoang vu này của “nơi” vượt xa Thiên Chúa, có một vực thẳm chứa đầy kịch bản và cảm xúc cho tất cả các tinh thần thuần khiết, và tinh thần bước vào sự vô danh bí mật (của Thiên Chúa) và vào nơi hoang vu , xa lạ này. Đây là một vực thẳm, sâu xa, không đáy đối với tất cả thụ tạo và duy chỉ Thiên Chúa mới có thể hiểu được. Nó được ẩn giấu đối với bất cứ vật gì không phải là Thiên Chúa, ngoại trừ đối với những ai mà Ngài muốn chia sẻ bản thân cho họ. Và ngay cả những người này phải tìm kiếm Ngài với sự dứt bỏ và theo một cách nào đó họ cần phải biết như Ngài biết.’
- Về cuộc đời và giáo huấn của Tauler, xem: Johann Tauler, Sermons, dịch Maria Shrady, dẫn nhập Josef Schmidt, lời tựa Alois Haas (New York: Paulist Press, 1987); John Tauler, Spiritual Conferences, dịch và biên tập Eric Colledge và Sr Mary Jane Colledge O.P (Rockford IL: TAN Books and Publishers, 1978); John Tauler, The Sermons and Conferences, dịch với dẫn nhập Walter Elliot (Washington, DC, 1910); Susannah Winkworth (biên tập và dẫn nhập), The History and Life of the Reverend John Tauler, with Twenty-Five of His Sermons (London: Allenson & Co., n.d.); và John Tauler, Meditations on the Life and Passion of Our Lord Jesus Christ, attributed to John Tauler, Dominican Friar, dịch A. J. P. Cruikshank, lời tựa Bertrand Wilberforce O.P (London: Art and Book Co., 1904).
- Bài giảng 11, Sharady 1987, 59. Nhẹ hơn Eckhart, Tauler tiếp tục giải thích: “ ‘Sự tối tăm này’ phải hiểu như sau: đó là ánh sáng không thể đạt tới bằng lý trí thụ tạo, hoàn toàn không thể nắm bắt được. Đó là hoang vu vì không có con đường tự nhiên nào dẫn đến nó. Trong vùng hoang vu này, tinh thần được nâng lên trên chính mình, vượt lên trên mọi khả năng nhận thức và hiểu biết, và bây giờ linh hồn uống từ chính suối, từ nguồn chân lý và bản thể.”
- Bài giảng 76, Chúa nhật 22 sau lễ Chúa Ba Ngôi, Shrady 1987,172.
- Hinnebusch 1973, II, 323.
- Sự hiện diện của các chủ đề như sự hư vô và không thể hiểu được về Thiên Chúa, nghèo khó tinh thần và vô tri trong các nhóm Beguine trước Eckhart, Suso và Tauler, đặc biệt là trong các tác phẩm của Marguerite Porete, Hadewijch Antwerp và Mechthild Magdeburg, là chủ đề của nhiều nghiên cứu gần đây. Xem Amy Hollywood, The Soul as Virgin Wife: Mechthild of Magdeburg, Marguerite Porete and Meister Eckhart (Notre Dame and London: University of Notre Dame Press, 1996); Bernard McGinn (biên tập), Meister Eckhart and the Beguine Mystics Hadewijch of Brabant, Mechthild of Magdeburg, and Marguerite Porete (New York: Continuum, 1994).
- Về cuộc đời và những tác phẩm của Merwin với vài tác phẩm chọn lọc, xem Thomas Kepler (biên tập), Mystical Writings of Rulman Merswin (Philadelphia: Westminster, 1960).
- Kepler 1960, 125.
- Xem Dom François Vanderbroucke, trong A History of Christian Spirituality (London: Bums and Oates, 1968), quyển II, 398. Toàn bản văn được dịch với dẫn nhập: C. F. Kelley (biên tập), The Book of the Poor in Spirit by a Friend of God (New York: Harper and Brothers, 1954).
- Kelley 1954, 41-42.
- Kelley 1954, 104.
- Kelley 1954, 166.
- Kelley 1954, 178-179.
- Một bản sao chép năm 1497 và được khám phá hồi cuối thế kỷ trước xem ra sát vớii bản gốc hơn hơn là các bản được Luther sưu tập từ năm 1516 – 1518. Xem The Theologia Germanica of Martin Luther, dịch Bengt Hoffman (New York: Paulist Press, 1980). Có những bản sao chép cổ hơn nhưng kém trung thực hơn do Susannah Winkworth năm 1854 (London: Macmillan, 1901).
- Chương 53, Winkworth 1901, 212-214..
- Một vài bản dịch khá của tác phẩm The Cloud of Unknowing của Hodgson, Johnston, Wolters, và những người khác. Bản giống với tiếng Anh Trung cổ nhất là The Cloud Of Unknowing and Other Treatises by an English Mystic of the Fourteenth Century, with a Commentary on The Cloud by Father Augustine Baker O.S.B., biên tập Abbot Justin McCann OSB (Westminster, Maryland: The Newman Press, 1952). Đối với bản văn phê bình xem The Cloud Of Unknowing and Related Treatises, biên tập Phyllis Hodgson (Salzburg: Institut Für Anglistik und Amerikanistik Universität) (Analecta Cartusiana, tổng biên tập tiến sĩ James Hogg, 1982. Một bản dịch mới chính xác với nhiều chú thích có thể được tìm thấy trong James A. Walsh SJ biên tập và dẫn nhập, The Cloud of Unknowing, lời tựa Simon Tugwell O.P (New York: Paulist Press, 1981). Về phần chú thích, xem Turner 1995 và Marion Glasscoe, English Medieval Mystics: Games of Faith (London and NY: Longman, 1993).
- Xem Dom David Knowles, The English Mystical Tradition (New York: Harper, 1961), tr. 36-38, 74-77, 95-96. Tác giả cho rằng tác phẩm do một người cựu Đa Minh viết (trang 71). Tuy nhiên, bởi vì có những tu sĩ Đa Minh ẩn tu vào thế kỉ XIV ở Anh, không có lý do nào để cho rằng tác giả là một cựu Đa Minh chỉ vì ông sống một mình. Và như Maurice Walshe (dịch giả Eckhart sang tiếng Anh) nói rằng: “Điều đáng chú ý là lời dẫn nhập nhắc đến Tauler, Suso, Ruysbroeck và thánh Catharina Siena như những nhà chiêm niệm thế kỷ XIV, nhưng không đả động đến Eckhart ! Tất nhiên, có nhiều điểm tương đồng với tư tưởng của Eckhart trong The Cloud of Unknowing” (Walshe 1987, I, 13).
- Tôi đã chỉnh sửa bản dịch của Justin McCann OSB.
- Những bản dịch tiếng Anh: John Ruusbroec, The Spiritual Espousals and Other Works, dẫn nhập và phiên dịch bởi James Wiseman OSB, lời tựa Louis Dupré (New York: Paulist Press, 1985) và Jan van Ruysbroeck, The Seven Steps of the Ladder of Spiritual Love, dịch F. Sherwood Taylor (Westminster: Dacre Press, 1943). Về chú giải xem Louis Dupré, The Common Life: The Origins of Trinitarian Mysticism and Its Development by Jan Ruusbroec (New York: Crossroad, 1984).
- Wiseman 1985, 100.
- III, 1, trích Wiseman 1985, 32.
- Về Nicolas Cusano, bản dịch các tác phẩm: Nicholas Cusanus, On Learned Ignorance, dịch Germanus Heron OFM (London: Routledge and Kegan Paul, 1954); Nicholas of Cusa, The Vision of God, dịch Emma Gurney Salter (London and New York: J. M. Dent and E. P. Dutton, 1928). Xem Jasper Hopkins (dịch và biên tập), Nicholas ofCusa’s Debate with John Wenck: A Translation and an Appraisal of De Ignota Litteratura and Apologia Doctae Ignorantiae (Minneapolis: A. J. Banning, 1981) và Jasper Hopkins (dịch và biên tập) Nicholas of Cusa’s Dialectical Mysticism: Text, Translation and Interpretative Study of De Visions Dei (Minneapolis: A. J. Banning, 1985).
- Donald F. Duclow, ‘Mystical Theology and Intellect in Nicholas of Cusa’, American Catholic Philosophical Quarterly LXIV, 1 (Winter 1990): 127.
Hi there, I found your web sute byy meanss
of Googlee while looking for a related topic,
your website got ere up, iit appeasrs to be like good.
I’ve bookmarked iit in mmy gogle bookmarks.
Hi there, jut become aware of ylur blog through Google, andd fouund that iit iss truly informative.
I amm gonna watch outt for brussels. I’ll bbe grateeful if you ontinue
thiis in future. Lotts off otheer eople wiill be benefited out of
youir writing. Cheers!