Thần bí và Ngôn sứ – Truyền thống Đa Minh: Chương 5

0
984

Thần bí và Ngôn sứ
Truyền thống Đa Minh

Richard Woods O.P.

Lớp Thần I, niên học 2020-2021 biên dịch.

——————–

Chương 5.

MEISTER ECKHART VỚI CON ĐƯỜNG KHÔNG LỐI
VÀ CÁI HƯ VÔ CỦA THIÊN CHÚA.

Thần bí vô ngôn bao gồm nhiều thể thức và quan điểm khác nhau, từ những lối suy tư truyền thống của Athanasiô, Augustinô, và Dionysius cho đến những phiêu diêu huyền tượng và trữ tình nơi tác giả Đám mấy vô tri, và kể cả những bài giảng của Meister Eckhart gây sốc thính giả bằng những thí dụ, lối chơi chữ, để nói đến Thiên Chúa hiện hữu bên trong ta và bên ngoài thế giới. Cũng như trong vở hài kịch Till Eulen, Eckhart đóng vai tên hề đi trêu chọc những nhân vật đạo mạo có nhiệm vụ bảo vệ đạo lý tựa như tổng giám mục Cologne, đức cha Heinrich von Vimeburg, hoặc những vị thẩm phán Tông tòa lúc ấy đặt tại Avignon, hoặc như triết gia William Ockham; tất cả đều lên án những kiểu nói của Eckhart về Thiên Chúa là điên rồ và nguy hiểm.

Như vậy, Eckhart đứng chung hàng ngũ với Socrates, Đức Giê-su, Mansur al-Hallaj và các thiền sư và rabbi Hasidic, sử dụng những lối chơi chữ mê hoặc và sắc bén, kích thích trí tưởng tượng và nuôi dưỡng tâm hồn của các môn sinh, nhưng ngoáy chọc đến sự nhạy cảm của những tín đồ sùng đạo và các nhà cầm quyền, và đôi khi dẫn đến những thanh trừng khốc liệt.1 Tâm điểm thông điệp của Eckhart đặt trên nguyên lý nền tảng của truyền thống Kitô giáo về thần học phủ định, hoặc, theo thuật ngữ độc đáo, “sự tối tăm” (darkness) hoặc “tính hư vô” (nothing-ness) của Thiên Chúa, cùng với sự cần thiết phải triệt để dứt bỏ (detachment).

CUỘC ĐỜI MỘT NHÀ GIẢNG THUYẾT

Eckhart of Hochheim sinh vào khoảng năm 1260 tại ngôi làng xứ Thuringia, ở miền đông bắc nước Đức gần thành phố Erfurt. Chúng ta không biết gì về gia đình, ngày sinh và buổi thiếu thời của anh. Vào khoảng độ chừng 15 tuổi, anh vào tập viện dòng Đa Minh ở Erfurt.

Vào năm 1280, khi còn là một sinh viên, Eckhart được gửi đến Cologne để bắt đầu con đường học vấn sơ khởi. Tại đây có lẽ anh đã gặp giám mục lão thành Albertô Cả, qua đời vào mùa thu năm đó, nhưng chắc anh đã thụ huấn từ các môn đồ của ngài. Anh đã hấp thụ đạo lý của Tôma Aquinô, nhưng anh cảm thấy được thu hút hơn với truyền thống thần bí của thuyết Platon Ki-tô giáo, vốn được mến mộ bởi một vài môn sinh của Albertô, đặc biệt là Dietrich Freiberg.2

Sau khi hoàn tất việc học tại Cologne, Eckhart thụ phong linh mục, có lẽ khoảng năm 1293. Cũng năm đó, cha được gửi đi Paris với tư cách một giảng sư (lector) và nghiên cứu lấy bằng giáo sư (magister). Tuy vậy, cha cũng sớm được giữ một vài chức vụ quan trọng trong dòng Đa Minh. Năm 1294, chagười được bầu làm Bề trên ở Erfurt. Hơn kém cùng lúc ấy, cha được đề cử làm đại diện giám tỉnh ở Thuringia. Bốn năm sau, khi đã mãn nhiệm, Eckhart có cơ hội hoàn thành việc học. Năm 1302, chín năm sau khi rời khỏi Paris, cha được trao tặng bằng Magister in sacra theologia, một học hàm cao quý nhất thời ấy.

Lúc bấy giờ cha Eckhart đã 43 tuổi. Sau một năm giữ chức Giáo sư chủ nhiệm (magister regens) cho các sinh viên nước ngoài tại tu viện Saint Jacques ở Paris, cha được bầu làm giám tỉnh tiên khởi của tỉnh dòng Saxony mới lập, bao gồm cả Erfurt. Cha cũng chịu trách nhiệm linh hướng cho các nữ tu Đa Minh trong miền.

Thời ấy, rất đông các phần tử thuộc nhóm Beguines đến các tu viện Đa Minh. Điều đã lôi kéo họ và một số đông những người sùng đạo khác, những phụ nữ tri thức, đến dòng Đa Minh trong những năm cuối thế kỷ XIII và đầu thế kỷ XIV, dường như là việc đề cao việc nghiên cứu học hành cùng với chiều kích thần bí tâm linh. Cuộc gặp gỡ giữa những nhà giảng thuyết năng động và những phụ nữ mộ mến Chúa tạo nên một trong những đợt bùng phát ngoạn mục nhất của làn sóng linh đạo thần bí trong lịch sử châu Âu.

Các tu sĩ Đa Minh và Phanxicô được ủy thác việc linh hướng các nhóm Beguines, mặc dù chính thức các nhóm này chẳng liên quan gì đến hai dòng. Nhiều tu viện của các dòng tu khác cũng xin sát nhập vào dòng Đa Minh, và một vài hội dòng mới cũng được thành lập. Các tu sĩ đối diện với một đợt phát triển ơn gọi, và gánh thêm trách nhiệm, mà đầu mối là danh tiếng của cha Eckhart.

Năm 1307 tổng hội Strassburg đề cử cha Eckhart làm đại diện ở Bohemia và trao cho việc cải tổ các tu viện ở đấy. Giữa năm 1309 và 1310, cha cũng đã thành lập ba cộng đoàn mới. Sau đó người được đề cử làm giám tỉnh tỉnh dòng Teutonia. Nhưng cuộc bầu cử này bị hủy bởi Tổng hội tại Napoli mùa xuân sau đó, vì cha cần phải trở lại dạy học ở Paris. Tại đây, ngoài việc giảng dạy, cha Eckhart bắt đầu viết tác phẩm Opus Tripartitum (Bộ sách ba phần), được coi như kết thúc sự nghiệp học thuật của mình.

Thế nhưng Eckhart đã không thể hoàn tất được tác phẩm đã hứa. Năm 1313 cha được gọi về Đức, với chức vụ giáo sư thần học, linh hướng và giảng thuyết tại thành phố Strassburg năng động. Năm 1314, có lẽ cha đã được bầu làm bề trên tại đây, nhưng ngay sau đó cha được Tổng quyền đặt làm, Đại diện phụ trách các nữ tu Đa Minh miền nam sông Rhine.

Sau một vài năm giảng thuyết, dạy học và linh hướng tâm linh ở Strassburg cùng các vùng lân cận, Eckhart được gọi về Cologne năm 1322 với công tác giáo sư của học viện dòng. Nhưng 3 năm sau, ở độ tuổi 66, cha bị đức cha Henry Virneburg, tổng giám mục Cologne, triệu ra tòa vì bị tố cáo giảng dạy lạc giáo.

Suốt hơn một năm, cha Eckhart đã hùng hồn biện hộ cho mình, cho rằng cáo trạng được khởi xướng do lòng ghen tị và đeo đuổi do sự ngu muội. Nhưng phán quyết của tòa án đã chống lại cha. Cảm thấy bị xúc phạm, và được sự ủng hộ của các bề trên và các anh em đồng dòng, cha kháng án lên Đức Giáo hoàng. Vì vậy mà ở độ tuổi 67 hay 68, Eckhart cùng một vài người anh em bắt đầu hành trình đến phủ giáo hoàng ở Avignon để biện hộ.

Vụ kiện kéo dài hơn một năm. Trước khi phán quyết được ban hành thì người tu sĩ già đã qua đời, một vài sử gia tin rằng vào ngày lễ thánh Tôma Aquinô, 28 tháng 01 năm 1328. Trước đó, trước đó, ngài đã rút lại những gì mình viết có thể bị xét là lạc giáo, nhưng dù sao cha luôn khẳng định rằng mình không có ý định hay lời lẽ nào thực sự trái ngược đức tin.

Trước sự nài nỉ của Tổng Giám mục Cologne, Đức Giáo hoàng Gioan XXII đã ban hành một chiếu chỉ vào tháng 3 năm 1329, và truyền ban bố khắp vùng Cologne. Thật không may, hiệu quả của nó còn lan xa hơn nữa. Eckhart không chỉ là một nhà giảng thuyết thời danh nhất vào thời đó mà còn là tu sĩ đầu tiên của dòng Đa Minh bị tố cáo là lạc giáo. Những giáo huấn của cha bị ngăn chặn, ký ức về cha bị bóp méo. Sau đó, nhiều bản thảo của cha bị thất lạc hoặc bị hủy đi. Ngay cả mộ phần của cha cũng không xác định được.

Tuy vậy việc kết án đã không thể xóa nhòa ký ức về giáo huấn của Eckhart, vốn được các anh em Đa Minh và các nữ tu khắp vùng Rhineland kính phục. Gần 600 trích đoạn về những chú giải tin mừng Gioan của Eckhart được các tu sĩ tại Cologne sao chép lại đã được phát hiện vào cuối thập niên 1960. Hai môn sinh của Eckhart là Henry Suso và John Tauler, giảng dạy và viết lách khá nhiều, đã duy trì giáo huấn chân chính của thầy mình cách thận trọng. Trong vòng một thế hệ, trường phái sông Rhine theo linh đạo Đa Minh thấm nhập vào cả dòng Phanxicô và có lẽ đã nhập vào Anh quốc, nơi mà có thể nó đã ảnh hưởng đến tác giả quyển sách Đám mây vô tri. Sau thế kỷ XIV, các niên sử và lịch sử của Dòng viết về Eckhart đều bày tỏ lòng kính trọng cha.

CÁC TÁC PHẨM CỦA ECKHART

Eckhart viết bằng tiếng Đức và tiếng La tinh, phân chia khá rõ ràng giữa những tác phẩm thuộc lãnh vực mục vụ và lãnh vực học thuật. Hơn 100 bài giảng bằng tiếng Đức đã được ghi nhận là xác thực cùng với bốn khảo luận, Những bài nói chuyện về việc huấn luyện (Reden der Unterscheidung) dành cho các tập sinh ở Erfurt vào khoảng năm 1300; một bài giảng dài tên là Người quý tộc (Von dem edeln Menschen); một khảo luận Về sự dứt bỏ (Von Abgeschiedenheit); và Sách an ủi của Chúa (Das Buch der gottlichen Trostung), viết cho hoàng hậu Agnes ở Hungary, quả phụ của vua Andrew II, sau khi thân phụ của bà là Albert I bị ám sát năm 1308.

Ngoài khoảng 50 bài giảng bằng tiếng Latinh nổi tiếng, người ta còn giữ được một số bản thảo của tác phẩm Opus Tripartitum, cũng như lời mở đầu cho những chú giải quyển Sententiae của Peter Lombard; Parisian Questions, ghi lại những tranh luận ở Paris; một bài giảng dài về Kinh Lạy Cha; và một số những chú giải Tin mừng, trong đó còn những quyển còn bỏ dở.

Chính nhờ những tác phẩm tiếng Đức mà cha Eckhart nổi tiếng là nhà thần bí và văn sĩ tâm linh. Hầu hết những bài giảng của cha được các nữ tu ghi nhớ và sau đó họ tận tâm viết lại. Điều mỉa mai là sở dĩ nhiều tác phẩm còn tồn tại là vì được tòa án giáo phận lưu trữ làm bằng chứng cho vụ án.

CON ĐƯỜNG CỦA ECKHART

Mặc dù được xem như “lãnh tụ của các nhà thần bí trung cổ”, hay, theo lời của Rufus Jones, “chóp đỉnh của dãy núi” các nhà thần bí Đức thế kỷ XIV, nhưng chẳng còn giữ được suy tư thần bí nào riêng tư của Eckhart (nếu có). Đây là một nét đặc trưng của dòng Đa Minh trong những thế kỷ đầu tiên. (Henry Suso, học trò của Eckhart sẽ phá vỡ truyền thống này qua tác phẩm tự truyện Life of the Servant – cuộc đời của người tôi tớ của mình). Vào thời buổi đầu, linh đạo Đa Minh không mang dấu vết cảm nghiệm bản thân. Hơn thế nữa, điểm khác biệt của linh đạo Đa Minh nằm ở chỗ “không khác biệt”, theo nghĩa là không có phương pháp nào riêng biệt khác với các phương pháp khác (tựa như phương pháp linh thao của thánh Ignatius, phương pháp hít vào thở ra như các ẩn sĩ bên Nga, hoặc phương pháp của Têrêsa Avila). Điều mà cha Eckhart đã lãnh nhận từ gia sản dòng Đa Minh là việc đề cao Chân Lý của Lời, tức là việc học hành dẫn đến việc chiêm niệm (hiểu theo một nghĩa rất rộng), và dẫn đến hoạt động tông đồ, đặc biệt là sứ vụ giảng thuyết.

“Con đường” mà Eckhart đề nghị, hơn nữa chính cha đã đi, đó là theo lối phủ định của việc chiêm niệm Ki-tô giáo cổ truyền, được truyền bá bên Đông phương bởi thánh Gregoriô Palamas một người đương thời, và bên Tây phương bởi các những người thực hành via negativa (con đường phủ định) tựa như tác giả Đám mây vô tri và Jan van Ruysbroeck, một người xem ra đã lấy nhiều đề tài đặc trưng từ nhóm Beguines. Trong số những chủ đề ấy, có thể kể đến: Lời Chúa sinh ra trong linh hồn, sự cần thiết của việc dứt bỏ triệt để, nghĩa là khó nghèo của tinh thần; “sự tối tăm” hay “ hư vô” của Thiên Chúa; và “con đường thông thường” để khám phá và thăng tiến trong việc kết hợp với Chúa trong đáy linh hồn.3 Tuy vậy, trong đời sống và lời giảng của mình, Eckhart không thuộc về trào lưu “an tịnh” (quietist)[1]. Đối với cha, cũng như với truyền thống linh đạo Đa Minh, hoạt động và chiêm niệm sau cùng phải là một.

MỘT THIÊN CHÚA KHÔNG THỂ BIẾT ĐƯỢC. THẦN HỌC PHỦ ĐỊNH CỦA ECKHART

Nói chung, học thuyết thần bí của Eckhart tập trung quanh đề tài “Lời Chúa sinh ra trong linh hồn của người công chính”. Trong một bài giảng, cha đã thốt lên,

tại sao chúng ta cầu nguyện, tại sao chúng ta ăn chay, tại sao chúng ta làm mọi việc, tại sao chúng ta được rửa tội, tại sao (quan trọng nhất) Thiên Chúa đã làm người? Tôi sẽ trả lời, để Thiên Chúa có thể được sinh ra trong linh hồn và linh hồn được sinh ra trong Thiên Chúa. Vì lý do đó mà Kinh Thánh được viết ra, vì lý do đó mà Thiên Chúa tạo dựng thế giới và các thiên thần …4

Đối với Eckhart, cũng như với nền thần học thần bí cổ truyền của Giáo hội, Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt trong đáy linh hồn, chờ mong ta bước vào cõi nhận thức: “chắc chắn cũng như Cha trong bản chất đơn nhất cưu mang Con một cách tự nhiên, Cha lắng nghe Con trong đáy thẳm sâu Thần Khí, và đó là thế giới nội tâm. Ở đây, đáy của Chúa là đáy của tôi và đáy của tôi là đáy của Chúa.”5

Lối tiếp cận của Eckhart khi nói về Thiên Chúa (hoặc suy tư về Thiên Chúa) mang tính phủ định triệt để. Eckhart cho rằng không gì có thể mô tả Thiên Chúa hoặc linh hồn được. Tác giả nêu câu hỏi: “Nhưng nếu Chúa không là sự thiện, không là hữu thể, không là sự thật, hay không là một, … vậy thì Ngài là gì? Ngài hoàn toàn không là gì: Ngài không phải thế này cũng chẳng là thế nọ. Nếu bạn nghĩ ngài là bất cứ cái gì, thì ngài không phải là cái đó.”6 Hơn nữa, Thiên Chúa là “hữu thể vô hữu [weselös].”7 “Thiên Chúa không là hiện hữu hay là sự thiện. Sự thiện thì bám theo hiện hữu và không vượt quá nó: vì nếu không có hiện hữu thì không có sự thiện, và hiện hữu còn cao hơn sự thiện. Thiên Chúa thì không ‘tốt’ hoặc ‘tốt hơn’ hoặc ‘tốt nhất’. Ai bảo rằng Chúa tốt thì sẽ xúc phạm đến Ngài, cũng tựa như khi bảo rằng mặt trời thì đen.”8

Sự hư vô của Thiên Chúa

Bàn luận về “cái không” (nothing) hay “cái hư vô” (nothingess) là điều lắt léo.. Ngay cả những đầu óc triết học khó tính nhất cũng tránh bàn đến nó, vì cho đó là vấn đề giả tạo, xét vì cái hư vô chẳng nói lên cái gì hết. Trong ngôn ngữ học thuật, sự “hư vô” đơn thuần là không có. Ta không thể nói về cái không-hiện-hữu như là cái hiện hữu. Khi nói rằng “chẳng có gì hết” thì có nghĩa và chỉ có thể có nghĩa là điều mà ta mong chờ, khao khát, hoặc sợ hãi sẽ có thể xảy ra thì trên thực tế đã không có. Xưa nay chưa ai đã gặp gỡ “người không hiện hữu”.

Nói rằng Thiên Chúa là “không” (hư vô: nothing) có nghĩa là và chỉ có thể hiểu là Thiên Chúa không thể chịu đóng khung vào bất kỳ sự vật nào. Không thể nào hình dung Thiên Chúa là một vật như các vật khác. (Tương tự như khái niệm của Aristotle về “cái hư vô của trí tuệ”[2]: điều này có nghĩa là, so sánh với các vật, trí tuệ không phải là một trong số các vật ấy; bởi vì nếu không, thì nó không thể nghĩ đến những vật khác. Nó sẽ chẳng nghĩ được gì hết). Nhưng, mặt khác, như Eckhart cho rằng “mọi thụ tạo là hư vô”9 không có nghĩa là chúng không thể được xếp vào các loại sự vật; mà chỉ có nghĩa là, không như Thiên Chúa, tự chúng không có sự hiện hữu tất yếu. Không chỉ vì chúng hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa về nguồn gốc và sự hiện hữu, mà còn chúng “có thể có hay không có” theo ngôn ngữ của Hamlet[3]. Nó còn có nghĩa là xét trong sự hiện hữu hiện tại, trước đây chúng đã có lúc không hiện hữu.

Dĩ nhiên, tất cả các ngôn ngữ ấy nơi Erkhart đều là tương đối. Tác giả có một khả năng tuyệt vời trong việc sử dụng phép biện chứng để nói ngược lại với điều đã nói trước đó: “Thiên Chúa là gì đó và là hữu thể đơn thuần, còn tội lỗi thì không là gì và kéo ta ra xa Thiên Chúa.”10 Cũng vậy, với Ecrkhart, chỉ khi hòa giải được sự căng thẳng giữa những tuyên bố khẳng định và phủ định mới có thể nói một điều gì có ý nghĩa về Thiên Chúa. Trong trường hợp của Eckhart, nếu ta không để ý đến toàn bộ tác phẩm thần học đồ sộ của ông, thì chúng ta có thể bị cám dỗ cứ bám chặt vào nghĩa đen của mạch văn, giống như Wittg­enstein và những nhà thực hành con đường phủ định:

Nếu bạn muốn sạch tội và nên hoàn thiện, thì đừng huyên thuyên về Thiên Chúa. Bạn cũng đừng tìm kiếm để hiểu được Thiên Chúa, vì Chúa vượt trên mọi sự hiểu biết. Một bậc thầy đã nói: “Nếu tôi có một vị Chúa mà tôi có thể hiểu được, tôi sẽ không còn coi ngài là Chúa nữa.” Vậy nếu bạn hiểu được bất cứ thứ gì của Ngài, thì đó không là Ngài, và vì hiểu được bất cứ điều gì về Ngài, bạn rơi vào sự sai lầm, và từ sự sai lầm này bạn trở nên ngu si, vì bất cứ nơi thụ tạo nào không hiểu biết thì là ngu si. Vậy, nếu bạn không muốn ra ngu si, thì đừng hiểu biết gì về Thiên Chúa là Đấng khôn tả.11

Tất cả nền thần học phủ định đặt trên nguyên tắc Thánh Kinh là không một hình ảnh nào họa lại được Thiên Chúa cách tương xứng. Đối với Eckhart, hệ luận tất nhiên là chúng ta phải đến với Thiên Chúa mà không dùng bất cứ hình ảnh nào hết.

Như một bậc thầy đã dạy, “để đạt hành vi nội tại, ta phải tập trung tất cả các năng lực như thể vào một góc linh hồn, nơi đó, sau khi đã che phủ mọi hình ảnh hay mô mẫu, bạn có thể bắt đầu làm việc.” Ở đây, bạn phải đi tới chỗ quên đi và không biết [unwizzen]. Đó phải là một trạng thái tĩnh tại và yên lặng..,12

Dĩ nhiên, mỗi người đều bắt đầu với hình ảnh và các khái niệm dựa trên các kinh nghiệm về thế giới quanh ta, như Tôma cùng với truyền thống lâu đời đã khẳng định, và truyền thống Thánh kinh. Thế nhưng “để bạn biết về Chúa theo cách thức của Chúa, thì sự hiểu biết của bạn phải trở nên cái không-biết thuần túy, và bỏ quên chính mình cũng như tất cả mọi thụ tạo.”13

Điều này, tất nhiên, sẽ trở thành chủ đề cho Đám mây vô tri[4]. Hơn nữa, cái “vô tri” đó, không chỉ là quăng đi những khái niệm ( aphaeresis trong ngôn ngữ giáo hội cổ xưa), nhưng là một sự tĩnh tại của trí tưởng tượng và trí tuệ suy diễn, để bám theo sự hiện diện nhận thức về một Thiên Chúa vô ảnh (imageless God). Do đó, đối với Eckhart, cách cầu nguyện đúng nhất là nhận thức vô ngôn (wordless awareness), “nơi đó linh hồn biết không biết gì, muốn không yêu gì, và từ sáng nó sẽ trở nên tối.”14

Đó là khó nghèo tinh thần tận căn, một chủ đề Eckhart diễn giải cách cực kỳ táo bạo trong bài giảng số 52, “Beati Pauperes Spiritu”: phúc cho những ai khó nghèo về tinh thần, chắc chắn là bài giảng khó hiểu và nổi danh nhất: “khó nghèo được hiểu theo nghĩa cao siêu nhất, một con người nghèo là người không muốn gì, không biết gì và không có gì.”15 Thực ra, đây là một lối diễn tả khác về chủ đề đặc trưng nhất của Eckhart, cần phải dứt bỏ mọi thứ để ‘nhìn thấy’ Chúa. Nhưng nó cũng đưa ta đến sự tối tăm thần bí của Chúa

Sự tối tăm thần linh

Thánh Tôma Aquinô hiếm khi sử dụng hạn từ “tối tăm” (hay ngay cả từ “đám mây”) cho Thiên Chúa. Eckhart không có sự dè dặt đó, nhất là khi liên quan đến từ “vô tri” (unwizzen: không biết), dẫn đến sự đan kết hai sợi của ngành thần bí: “sự tối tăm ẩn kín của ánh sáng vĩnh cửu của Đấng vĩnh cửu thì không thể biết và sẽ không bao giờ biết được. Và ánh sáng của Cha Hằng Hữu đã chiếu rọi từ muôn thuở lên sự tối tăm này, và sự tối tăm không thể lĩnh hội được ánh sáng. (Ga 1,5).”16

Hẳn nhiên, cũng tựa như hình ảnh Kinh thánh về đám mây thần linh, sự tối tăm thần linh cũng là một ẩn dụ truyền thống; đây là điều mà những thẩm phán xét xử Eckart đã không để ý đén.17 Bằng ngôn ngữ vay mượn từ Dionysius và thánh Tôma, Eckhart nói:

Dionysius [De mystica theologia 1] đã khuyến khích môn đồ mình khi nói: “Timothê thân mến, tâm trí an tĩnh, con cố vươn lên chính bản thân và mọi quan năng, vượt trên suy luận và lý lẽ, vượt trên mọi hoạt động, vượt trên mọi hình thức và hiện hữu, trong sự tối tăm tĩnh lặng bí mật, ngõ hầu con có thể biết Thiên Chúa là đấng tối cao không thể biết được’. Đó phải là một cuộc dứt bỏ mọi thứ. Chúa không thèm làm việc qua các hình ảnh.18

 Con đường không lối của Eckhart: Ki-tô giáo bình thường.

Bởi vậy con đường của Eckhart không đòi hỏi những phép thực hành đặc biệt, những việc sám hối phi thường, những cuộc hành hương, hay những “công việc” khác. Linh đạo phủ định, không hình ảnh của cha, xét theo cơ bản là một “con đường không lối” (wayless way), một con đường thuộc về trọng tâm của Kitô giáo (trái với điều mà một số nhà phê bình thường nghĩ) khẳng định) cũng là nền Ki-tô học tận căn:

Linh hồn có ba con đường để đến với Chúa. Một là tìm kiếm Chúa nơi mọi thụ tạo qua nhiều hoạt động và ước ao nồng nhiệt… Con đường thứ hai là con đường không lối [wee âne wee], tự do nhưng lại bị ràng buộc, nâng cao, thoát ly ra khỏi chính mình và vạn vật, không ý muôn và không hình ảnh; tuy vậy vẫn chưa đến điểm cốt yếu … Con đường thứ ba được gọi là con đường, nhưng thực sự là đã vào ở trong nhà, đó là: nhìn thấy Thiên Chúa không qua một trung gian [âne mittel] nào trong bản tính riêng của Ngài. Bấy giờ Đức Ki-tô nói, “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,16): một Đức Ki-tô như Ngôi vị, một Đức Ki-tô là Cha, một Đức Ki-tô là Thánh Thần; ba trong một: cả ba như là con đường, sự thật và sự sống; một như là Đức Ki-tô đáng mến, trong đó, Người là tất cả. Bên ngoài con đường này [wege] là mọi thụ tạo bao quanh và là những phương tiện. Nhưng dẫn đến Chúa trên con đường này phải là ánh sáng của Lời Chúa được bao bọc trong Thánh Linh – vượt trên mọi ngôn từ.19

Như vậy con đường của Eckhart mang các đặc trưng như sau: thứ nhất, bằng lối trực tiếp – ‘Thiên Chúa không qua các phương tiện và hình ảnh, và một khi bạn càng thoát khỏi hình ảnh, bạn càng lĩnh hội được nhiều hơn hoạt động nội tại của Người, và càng hướng vào trong và quên mình, bạn càng gần hơn nữa.20

Thứ hai, con đường của Eckhart, mặc dù đòi hỏi gắt gao trong việc liên tục dứt bỏ mọi ý niệm về Chúa, nhưng được dặt trong bối cảnh sống bình thường:

Thật vậy, nếu ai nghĩ rằng mình ta dễ gần Chúa hơn nhờ chiêm niệm, nhờ lòng sùng mộ, sự xuất thần hoặc nhờ được ơn huệ đặc biệt hơn là do nhiệt huyết hay trong một sự tĩnh tại nơi sự hư vô để đạt đến Chúa, thì anh ta đang quấn một cái khăn trùm quanh đầu Ngài và nhét ngài dưới một cái ghế. Vì ai tìm kiếm Chúa qua một con đường đặc biệt nào đó sẽ chỉ có được con đường nhưng mà không có Chúa, Đấng luôn ẩn kín trong đó. Nhưng phàm ai tìm kiếm Chúa không theo một con đường đặc biệt nào thì sẽ đạt đến Ngài trong chính Ngài, và họ sẽ sống với ở trong Người Con. Đấng là chính sự sống.21

Sau cùng, việc nên thánh là công việc của Chúa, việc kết hợp với Chúa là công việc của ân sủng, việc biến đổi nên giống Chúa là công việc của lòng thương xót Chúa. Eckhart là nhà thần bí lấy Chúa làm trung tâm, tìm mọi sự trong Chúa và tìm Chúa trong mọi sự: “…Thiên Chúa không tách biệt khỏi mọi sự, vì Chúa nơi tất cả và sâu kín trong chúng hơn cả chúng trong chính chúng.”22 Vậy nên, Eckhart nhấn mạnh:

Một người có thể đi ra ngoài đồng và cầu nguyện và nhận biết Thiên Chúa, hoặc anh ta có thể đến nhà thờ cầu nguyện và nhận biết Thiên Chúa: nhưng nếu anh ta có ý thức về Thiên Chúa hơn vì anh ta ở một nơi tĩnh lặng, như thường lệ, thì điều này xảy ra vì sự bất toàn của anh ta chứ không bởi Chúa: bởi vì Thiên Chúa ở trong mọi sự và mọi nơi như nhau, và Ngài sẵn sàng ban mình như nhau tùy theo mức độ ta ở lại trong Ngài: và kẻ biết Thiên Chúa cách đúng đắn là kẻ biết rằngThiên Chúa ở trong mọi sự.23

DI SẢN CỦA ECKHART

Ảnh hưởng của Eckhart trên đời sống tâm linh của những người sống đương thời và những thập kỷ sau đó phần nào bị suy giảm, nhưng không hề xóa nhòa bởi việc kết án 15 mệnh đề rút ra từ các bài giảng và khảo luận vào năm 1329[5]. Một số anh em Đa Minh từng theo học ngài ở Strassburg và Cologne đã đưa đạo lý của ngài vào những bài giảng và tác phẩm của mình, trong số đó nổi bật là Henry Suso và John Tauler. Cha được tưởng nhớ với lòng ưu ái bởi các nữ tu miền nam sông Rhine; chính họ cũng đã tận tâm viết lại những bài giảng của ngài. Những bài giảng và ký ức về ngài cũng được lưu truyền nơi những người bạn tâm linh thuộc nhóm Các Thân hữu của Chúa, trong đó có Henry Nördlingen một linh mục triều và Rulman Merwsin, một thương gia ở Strassburg. Vào cuối thế kỷ, ảnh hưởng của Eckhart xuất hiện nơi cuốn sách nặc danh Sách về sự khó nghèo tinh thần (Das Buch von geistlicher Armuth), có lúc được cho là của Tauler. Cha Hinnebusch O.P. nhận xét:

Người ta cho rằng John Dambach (+ 1372), một người bạn của Tauler, đã vay mượn từ tác phẩm Das Buch der gottlichen Trostung [Book of Divine Comfort] của Eckhart trong tác phẩm Consolatio theologiae của mình, một cuốn sách được cho là gây ảnh hưởng trên đời sống tu sĩ vào cuối thời trung cổ. Các học giả không xác định ảnh hưởng Eckhart đến đâu đối với John Ruysbroeck (+ 1381), một nhà thần bí Flemish nổi tiếng. The Theologia Deutsch, tác phẩm được viết vào cuối thế kỷ, mặc dầu bị nghi ngờ là mang mùi phiếm thần và an tịnh (quietism), nhưng thực sự trình bày các đạo lý cổ truyền, với sự đề cao các mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Hồng y Nicholas Cusa đã đọc và bênh vực các tác phẩm của Eckhart, nhưng ngài nghĩ rằng không nên phổ biến cho đại chúng, bởi vì tác gia viết để hướng dẫn tầng lớp tri thức và sẽ gây khó hiểu đối người bình dân. Các tác phẩm của Eckhart cũng ảnh hưởng đến tác giả của Devotio moderna, một người đưa đạo lý tu đức của ngài vào tác phẩm của mình.24

Tiếng vang của trường phái thần bí sông Rhineland cũng xuất hiện nơi các văn phẩm của tác giả Đám mây vô tri bên Anh, và vào những thập kỷ sau đó, ảnh hưởng của Eckhart có thể nhận thấy nơi các văn sĩ tâm linh, nhà giảng thuyết, các thần học gia, thi gia, triết gia, nghệ sĩ và nhạc sĩ (một trong những phân đoạn kịch tính nhất trong Harmonielehre của John Adams có tựa đề “Meister Eckhart và Quackie”). Ngày nay, anh hưởng tâm linh của Eckhart còn lớn hơn cả trước đây.

KẾT LUẬN

Nếu muốn nói đến một con đường nào dẫn đến Thiên Chúa đối với Eckhart, thì đó là con đường phủ định (via negativa)¸ là sự lược giản và thống nhất của nhận thức. Đúng hơn, có hai làn đường – Làn thứ nhất được các Kitô hữu tiên khởi đặt tên là aphairesis – loại bỏ tất cả những tư tưởng, hình ảnh, và khái niệm về Thiên Chúa để chỉ còn lại yên nghỉ nơi Chân lý, nhận thức cách đơn giản sự hiện diện nền tảng của Thiên Chúa. Làn thứ hai là apatheia – dứt dục, nghĩa là làm chủ các cảm xúc bằng cách dứt bỏ mọi sở hữu, xung khắc, quy ngã, để rồi buông mình theo tình yêu vị tha nơi Thiên Chúa và tha nhân. Sự tĩnh lặng có thể không là một trạng thái im lặng tuyệt đối (chắc chắn không đúng vậy đối với Eckhart) nhưng phải thể hiện được lòng thương xót và ân sủng, vượt trên mọi giá trị và nỗ lực của con người, đó phải là công việc của Chúa.

Đời sống của Eckhart là chứng tá cho tuyệt vời của một tu sĩ Đa Minh dấn thân cho sứ vụ giảng thuyết, đời sống cộng đoàn, cầu nguyện và học hành. Khó nghèo về Tinh thần là một chủ đề xuyên suốt trong những lời giảng dạy của cha. Cha nỗ lực không mệt mỏi cho việc truyền bá chân lý. Nhất là có lẽ cha là hiện thân của nguyên tắc đặc trưng của linh đạo Đa Minh, đó là chiêm niệm không chỉ được thực hiện nơi những hoạt động giữa trần thế, nhưng còn phải được kiện toàn nơi tình yêu:

Thánh Tôma cho rằng đời sống hoạt động thì tốt hơn đời sống chiêm niệm khi nào trong hoạt động, vì tình yêu ta đổ hết điều đã đạt được nhờ chiêm niệm. Thực ra thì cả hai cũng là một, bởi vì ta chỉ múc lấy từ cùng một nguồn của việc chiêm niệm và làm cho nó phát sinh hoa trái nơi hoạt động, và như vậy mục tiêu của chiêm niệm đã đạt được. Mặc dù có sự chuyển động, nhưng tất cả chỉ là một; nó đến từ một mục đích, đó là Thiên Chúa, và rồi trở về đó, tựa như thể tôi đi từ tận điểm của ngôi nhà này tới một tận điểm khác… Cũng vậy, trong hoạt động này, chúng ta vẫn ở trong trạng thái chiêm niệm trong Thiên Chúa. Cái này dựa trên cái kia và làm cho nó được hoàn hảo. Vì mục tiêu của Chúa trong sự kết hiệp chiêm niệm là phát sinh hoa trái: bởi vì trong chiêm niệm bạn chỉ phục vụ bản thân, nhưng trong những công việc của tình yêu, bạn phục vụ nhiều người.25

PHỤ LỤC: BẢN ÁN ECKHART

Có nhiều lý do vì sao 15 mệnh đề được rút ra khỏi mạch văn từ những bài giảng và bài viết của Eckhart bị tố cáo bởi Ủy ban giáo hoàng trong năm 1329. Có những lý do chính trị, có những lý do lịch sử, thậm chí lý do cá nhân nữa. Nhưng dù vì bất cứ lý do nào chăng nữa, những minh giải ngày càng rõ ràng hơn trong một thế kỷ qua cho thấy rằng bản án phi lý.

Tại tổng hội của dòng Đa Minh họp ở thành phố Mê-xi-cô năm 1992, các đại biểu nhận được một bản báo cáo của các học giả chuyên môn đã được tổng hội Walberberg ủy thác 12 năm trước đó, để xét lại bản án của giáo hoàng nhằm minh oan cho Eckhart. Sau mười năm nghiên cứu, báo cáo kết luận rằng Eckhart không cần được “phục hồi” về mặt pháp lý, bởi vì không có việc kết án bản thân cha hay đạo lý của cha. Hơn nữa, Sắc chiếu này chỉ có giá trị trong giáo phận Cologne mà thôi. Dựa trên việc nghiên cứu này, vào tháng 3 năm 1992, cha Damian Byrne, bề trên tổng quyền của Dòng, đã chính thức yêu cầu hồng y Joseph Ratzinger rút lại sắc lệnh tố cáo trên.

Trong khi vẫn chờ đợi một câu trả lời, cũng cần biết Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong một buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào tháng 9 năm 1985 đã nhận xét:

Chẳng phải Eckhart đã dạy các môn sinh của mình: “Tất cả mọi điều mà Thiên Chúa khẩn khoản yêu cầu các con hơn cả là hãy ra khỏi chính mình…và để cho Chúa chiếm hữu các con đấy ư?’ Ta có thể nghĩ rằng khi tách ly chính mình khỏi mọi thụ tạo, thì nhà thần bí lìa bỏ anh em mình là nhân loại. Ngược lại, Eckhart cho thấy nhà thần bí lại hiện diện với họ cách lạ lùng, tại một cấp độ duy nhất có thể đạt tới họ, đó là trong Thiên Chúa.27

—————————-

[1] Quietism: thuyết an tịnh (hay “phó mặc”) chủ trương rằng trong tiến trình kết hiệp với Thiên Chúa, con người phải ngưng mọi hoạt động, kể cả việc cầu nguyện và khổ chế.

[2] “the nothingness of the intellect”

[3]to be or not to be, that is the question”, lời của hoàng thân Hamlet  trong vở kịch của William Shakespeare.

[4] “The Cloud of unknowing”, tên của một tác phẩm vô danh ra đời bên Anh vào thế kỷ XIV.

[5] Tác giả sẽ trở lại  “di sản” Eckhart trong chương Bảy dưới đây.

—————————-

Chú thích

Chương 5:
CON ĐƯỜNG KHÔNG LỐI
VÀ CÁI HƯ VÔ CỦA THIÊN CHÚA NƠI ECKHART

1. Những bản dịch Anh ngữ xuất sắc từ các nguyên tác tiếng Đức của tôn sư Eckhart có thể tìm thấy trong Meister Eckhart, Sermons and Treatises, M. O’C. Walshe dịch, 3 tập. (Longmead, Shaftesbury, Dorset: Element Books, 1987). Tuyển tập phong phú các bản văn bằng cả La ngữ và tiếng Đức cùng các bản chú giải có giá trị xin xem: Meister Eckhart, The Essential Sermons, Commen­taries, Treatises and Defense, Bernard McGinn và Edmund Colledge biên tập (New York: Paulist Press, 1981); và Meister Eckhart: Teacher and Preacher, biên tập và dịch Bernard McGinn cùng Frank Tobin và Elvira Borgstâdt, lời tựa Kenneth Northcott (New York: Paulist Press / London: SPCK, 1987). Gần đây một số các tác phẩm bằng tiếng Anh của Eckhart đã được xuất bản, trong đó có Oliver Davies, Meister Eckhart: Mystical Theologian (London: SPCK, 1991), Robert K. Forman, Meister Eckhart: Mystic as Theologian (Rockport, Mass./ Shaftesbury, Dorset: Element Books, 1991), Dom Cyprian Smith OSB, Meister Eckhart: The Way of Paradox (London: Darton, Longman and Todd, 1988), Frank Tobin, Eckhart, Language and Thought (Scranton: University of Pennsylvania Press, 1987), and Richard Woods O.P, Eckhart’s Way (London: Darton, Longman and Todd, 1987 / Collegeville, MN: Liturgical Press, 1991).

2. Xem Loris Sturlese, “Mysticism and Theology in Meister Eckhart’s Theory of the Image”, Eckhart Review (August 1992): 18-31.

3. Để tìm hiểu sự tương hợp giữa một số chủ đề đặc trưng của tôn sư Eckhart và của các Beguines, xem: Bernard McGinn (biên tập), Meister Eckhart and the Beguine Mystics Hadewijch of Brabant, Mechthild of Magdeburg, and Marguerite Porete (New York: Continuum, 1994); và Amy Hollywood, The Soul as Virgin Wife: Mechthild of Magdeburg, Marguerite Porete and Meister Eckhart (Notre Dame and London: University of Notre Dame Press, 1996). Liên quan đến đạo lý của tôn sư Eckhart về sự hư vô, xem: Beverly J. Lanzetta, “Three Categories of Nothingness in Eckhart”, The Journal of Religion 72 (1992), 248-268.

4. Bài giảng 38 trong ấn bản Stuttgart, bài giảng 29 trong quyển I, 215 bản tiếng Anh (1987) của Walshe. Dưới đây, những bản văn tiếng Đức sẽ được trích dẫn theo DW Deutsche Werke (Quint, 1936) hoặc DP Deutsche Predigten (Quint, 1955); các trích dẫn bằng Anh ngữ sẽ được lấy từ bản dịch của M. O’C. Walshe (1987), viết tắt là “W”, theo sau là số thứ tự bài giảng, cuốn thứ mấy và trang.

5. DW 5b, DP 6 (W 13b, I, 117).

6. DW 23 (W 54, II, 72).

7. DW 82, DP 54 (W 62, II, 115).

8. DW 9, DP 10 (W 67, II, 151). Tuyên bố này được lọc ra từ bản án Avignon. Mệnh đề số 28. Eckhart chỉ đơn giản vạch ra rằng theo việc lập luận của via eminentiae (con đường trổi vượt), những ưu phẩm của Thiên Chúa thuộc về bản thể, còn các ưu phẩm từ phía chúng ta có thể đến và đi hoặc tiến triển. Trong một phần tóm lược tuyệt vời khiến người nghe kinh ngạc, Eckhart đã nói: “Chẳng thể nêu danh Thiên Chúa được vì không ai có thể nói hoặc hiểu gì về Ngài. Liên quan đến điều này, một giáo sư ngoại giáo cũng cho rằng những gì chúng ta hiểu hoặc phát biểu về Nguyên nhân đệ nhất là những gì của chính chúng ta hơn là của nguyên nhân đệ nhất, vì nguyên nhân ấy vượt trên mọi ngôn ngữ hay trí hiểu. Nếu bây giờ tôi nói Thiên Chúa tốt lành, điều này không đúng; đúng hơn là tôi tốt chứ không phải Chúa. Xa hơn, tôi nói tôi tốt hơn Chúa vì điều tốt có thể trở nên tốt hơn và những cái có thể tốt hơn thì có thể nên tốt nhất. Chúa không tốt thì Người chẳng thể trở nên tốt hơn được. Và vì Người không tốt hơn nên cũng chẳng thể tốt nhất. Vì thế ba điều: tốt, tốt hơn, tốt nhất đều xa với Thiên Chúa, vì Người ở trên mọi sự. Do đó, cũng vậy, nếu tôi nói Chúa là Đấng khôn ngoan, điều này không đúng: tôi là người khôn ngoan hơn Chúa. Cũng vậy, nếu như tôi nói Chúa là một hữu thể, điều này không đúng: Người là một Hữu thể siêu việt và là Đấng-không-là-điều-gì-siêu phàm! (DW 83, DP 42 (W 96, II, 332-33),). Xem thêm DW 12, DP 13 (W 57, II, 85); DW 69 (W 42,1, 293); DW 77 (W 49, II, 38-39); Commentary in John, Colledge-McGinn 1981, 128,…

10. DW 57 (W 26, I, 202). Về việc sử dụng diễn ngôn phủ định của tôn sư Eckhart, xin xem: Marius Buning, “Negativity Then and Now: An Exploration of Meister Eckhart, Angelus Silesius and Jacques Derrida”, Eckhart Review 4 (Spring 1995), 19-35.

11. DW 83, DP 42 (W 96, II, 333).

12. DP 58 (W 2,1, 20).

13. DP 59 (W 4, I, 40-41).

14. On Detachment, Walshe 1987, III, 292.

15. DW 52, DP 30 (W 87, II, 269-270).

16. DW 51, w 83, II, 254.

17. Eckhart giải thích đám mây thần linh như là sự không biết (vô tri: unknowing) trong DW 69 (W 42,1, 293) and DW 51, DP 24 (W 83, II, 254).

18. DP 57 (W 1. I, tr. 3-11). Eckhart còn liên kết sự tối tăm của vô tri với việc thực hành sự dứt bỏ triệt để (radical detachment): “Bây giờ bạn có thể nói, “Thiên Chúa làm gì mà không có những hình ảnh ở đáy và trong yếu tính?” “Điều đó tôi không thể biết được, vì năng lực của hồn tôi chỉ nhận được những gì là hình ảnh; chúng biết và nắm bắt mọi thứ theo hình ảnh thích hợp của nó. Không ai có thể nhận biết được con ngựa khi nó xuất hiện trong hình ảnh của một con người; và vì mọi thứ đều đến từ bên ngoài vào, tri thức này bị giấu kín trong hồn tôi- nên đó là lợi thế tuyệt vời của nó. Cái Không-biết (vô tri) làm chúng ta băn khoăn và buộc chúng ta phải háo hức theo đuổi, vì chúng ta chỉ nhận thức được rằng nó hiện hữu nhưng không hề biết nó là gì và như thế nào. Khi người ta biết nguyên nhân của vạn vật nào, thì lập tức sẽ thấy chán dần và muốn đi tìm cách biết những điều khác. Luôn tìm cách biết mọi thứ và khi biết rồi thì lại chẳng bền với nó. Do đó, việc hiểu biết cái không-biết này giữ cho tâm hồn được bền bỉ và luôn thúc đẩy chúng ta bước tiếp. Mặc dù, điều này có thể được gọi là cái -không-biết, nhưng nó cở nhiều điều hơn tất cả mọi cái biết và hiểu mà không có nó, bởi vì cái Không- biết này hấp dẫn và lôi cuốn bạn khỏi mọi vật hiểu được, cũng như khỏi chính con người bạn. Đây chính là điều Đức Giê-su đã nói: “Bất cứ ai không từ bỏ chính mình, cha mẹ, và không xa lánh những điều này thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37)…”

19. DW 86 (W 9,1, 83-85).

20. DP 57 (W 1, I, 8. Xem DW 71, DP 37 (W 19, I, 158-9)): “Nếu chúng ta muốn hiểu biết về Thiên Chúa, chúng ta chẳng cần bất cứ phương thế nào, không cần những gì tác động bên ngoài. Nếu muốn ngắm nhìn Thiên Chúa trong ánh sáng này, chúng ta phải ở trong trạng thái hoàn toàn riêng tư và thu lại trong chính mình, không có bất cứ tác động ngoại lai nào. Khi ấy, lập tức chúng ta sẽ hiểu biết đời sống vĩnh cửu là gì.” Ở đây, “phương thế” là những khái niệm về những công cụ, ý tưởng, hình ảnh hay thậm chí những biểu cảm cảm xúc. Xem thêm Talks of Instruction, Colledge-McGinn 1981, 212.

21. DW 5b, DP 6 (W 13b, I, 117-118). Ở một chỗ khác, Eckhart nói rằng: “Chúng ta nhận thấy rằng người ta thích thưởng nếm Thiên Chúa theo một đường này chứ không theo đường khác, chỉ muốn có Thiên Chúa bằng một cách chiêm niệm này, chứ không bắng cách khác. Tôi không muốn phản đối, nhưng họ đã sai lầm. Nếu bạn muốn có Thiên Chúa một cách đúng đắn, bạn phải thấy Người trong mọi sự, trong gian khó cũng như trong thuận lợi, trong khóc lóc cũng như trong vui mừng, tất cả đều phải như nhau đối với bạn” (DW 5a, DP 5 (W13a, I, 112).

22. Cũng vậy, tôn sư Eckhart nói với các tập sinh: “Phàm ai đã có Thiên Chúa cách cốt yếu như vậy thì cũng nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa, và đói với họ, Thiên Chúa sẽ tỏa sáng trong mọi sự bởi vì mọi sự đều mang hương vị thần linh đối với họ, và hình ảnh Thiên Chúa xuất hiện trong mọi sự. Thiên Chúa luôn tỏa sáng trong họ; họ dứt bỏ và quay lưng về tất cả, họ được dâu đóng ấn của người yêu là Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện” (Talks of Instruction, Walshe 1987, III, 18).

23. DW 68, DP 36 (W 69, II, 187). Về lối tiếp cận Thiên Chúa theo lối phủ định vào thời nay tuy vẫn mang nét của tôn sư Eckhart, xin xem J. B. Phillips, Your God Is Too Small (New York: Macmillan, 1961).

24. Hinnebusch 1973, 322-323.

25. W 3, I, 28. Có người đặt nghi vấn về tác giả bài giảng, mặc dù đã xuất hiện trong các phẩm viết bằng tiếng Latinh và tiếng Đức. Xem thêm những lời dặn dò của tôn sư Eckhart dành cho các tập sinh: “Đôi khi, ta phải rời bỏ một tình trạng vui thích như thế để đạt được tình trạng cao cả hơn của tình yêu, và đôi khi phải thể hiện một hành động yêu thương khi cần thiết, dù là thiêng liêng hay thể chất. Vì như tôi đã nói, nếu ai đang ở trong trạng thái xuất thần như thánh Phao-lô (2Cr 12, 2-4), và khi họ thấy một người ốm đau đang cần bát cháo đến, thì tôi nghĩ rằng vì tình yêu, họ nên từ bỏ sự vui sướng của sư xuất thần để đến với người cần được giúp đỡ” (Talks of Instruction, Walshe trans., Ill, 24-25).

26. Vào tháng riêng năm 1992, những kết luận của ủy ban đó được tổng hợp trong cuốn Eckardus Theutonicus, homo doctus et sanctus, đã được trường Đại học Fribourg xuất bản dưới sự chỉ đạo của hai giáo sư H. Stirnimann and Rudi Imbach. Trước đó, cuộc điều tra sơ khởi về bản án Eckhart đã được ủy ban xuất bản năm 1988, Der Prozess gegen Meister Eckhart do giáo sư Winfried Trusen of Wurzburg.

27. Trích dẫn bởi Ursula Fleming trong Meister Eckhart: The Man from Whom God Hid Nothing, tr. xix. Xem thêm tr. 156. và Édouard-Henri Wéber O.P, “A propos de Maitre Eckhart et de son procès”, Mémoire Dominicaine, số 2 (Printemps 1993) 135-137.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here