TGH Gioan Phaolô II: Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh – Bài 9

0
822

BÀI 9: CÁC DỤ NGÔN MẠC KHẢI SỰ LỚN MẠNH CỦA HỘI THÁNH

Sự lớn mạnh của vương quốc ấy chính là công trình của Thiên Chúa, nhưng cũng phụ thuộc vào sự đón nhận và ý chí tự do của những người tiếp cận với Tin Mừng.

Trong những tháng gần đây, các bài giáo lý trong các buổi tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần của Đức thánh cha nói về Hội Thánh. Trong bài nói chuyện vào ngày 25 tháng Chín, Đức thánh cha tiếp tục nói về Hội Thánh qua các dụ ngôn của Đức Kitô nói về sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa. Đây là bài giảng của Đức thánh cha bằng tiếng Ý.

1. Như đã nói trong các bài giáo lý trước, chúng ta không thể hiểu nguồn gốc của Hội Thánh nếu bỏ qua những điều Đức Giêsu đã nói và đã làm (x. Cv 1,1). Thực vậy, Người đã đưa ra cho các môn đệ và cho tất cả chúng ta giáo huấn nền tảng trong các dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Trong số đó, những dụ ngôn khẳng định và nói đến bản chất của sự phát triển về mặt lịch sử và cả mặt thiêng liêng phù hợp với Hội Thánh theo kế hoạch của Đấng Sáng Lập có tầm quan trọng hết sức đặc biệt.

2. Đức Giêsu nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa” (Mc 4,26-29). Vì thế, Nước Thiên Chúa lớn lên trên mặt đất này, trong lịch sử nhân loại là nhờ vào hạt giống ban đầu, tức là nền móng do Thiên Chúa thiết đặt và là công trình nhiệm mầu của chính Thiên Chúa, mà Hội Thánh tiếp tục vun đắp qua muôn thế hệ. Trong hành động của Thiên Chúa dành cho vương quốc ấy, cũng có “lưỡi liềm” của hy sinh: Sự phát triển của Nước Thiên Chúa không tránh khỏi đau khổ. Đây là ý nghĩa của dụ ngôn được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Máccô.

3. Ý tưởng này cũng được tìm thấy trong các dụ ngôn khác, đặc biệt trong bản văn của thánh Mátthêu (13,3-50). “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được” (Mt 13,31-32). Đây là sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa theo “chiều rộng”.

Tuy nhiên, một dụ ngôn khác lại diễn tả sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa theo “chiều sâu” hay theo nghĩa định tính, khi so sánh Nước ấy với “nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (Mt 13,33).

4. Trong dụ ngôn người gieo giống và hạt giống, Nước Thiên Chúa chắc chắn sẽ lớn lên như là thành quả do công sức của người gieo, nhưng hạt giống ấy có làm nên một vụ mùa tươi tốt lại phải cần đến đất đai và điều kiện khí hậu: “hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13,8). Đất đai tượng trưng cho sự đón nhận nội tâm của mỗi người. Vì vậy, theo Đức Giêsu, sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa cũng bị điều kiện hóa bởi con người. Ý chí tự do của mỗi người cũng góp phần cho sự phát triển này. Cho nên, Đức Giêsu mời gọi mọi người cầu nguyện: “Xin cho Nước Cha trị đến” (x. Mt 6,10; Lc 11,2): Đây là điều cầu xin trước nhất trong kinh Lạy Cha.

5. Trong một dụ ngôn nói về sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa trên mặt đất này, Đức Giêsu cho chúng ta thấy, thực tế, Hội Thánh phải đối diện với một cuộc chiến đấu, vì “kẻ thù” đang ở đó và hoành hành: “gieo cỏ lùng vào giữa lúa”. Đức Giêsu nói: “Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện”. Các đầy tớ thì muốn nhổ chúng đi, nhưng chủ nhà lại không cho phép họ làm điều đó: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: ‘hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’” (Mt 13, 24-30). Dụ ngôn này giải thích tại sao điều tốt và điều xấu lại cùng tồn tại và trà trộn vào nhau trong thế giới này, trong đời sống của chúng ta, và cả trong lịch sử Hội Thánh. Đức Giêsu dạy chúng ta nhìn những điều ấy với cái nhìn hiện thực Kitô giáo và xử lý mọi vấn đề với những nguyên tắc rõ ràng, nhưng cũng phải khôn ngoan và kiên nhẫn. Điều này giả định một cái nhìn siêu việt trên lịch sử, trong đó, chúng ta sẽ hiểu rằng, tất cả đều thuộc về Thiên Chúa và kết quả chung cuộc sẽ là công trình của sự Quan Phòng. Tuy nhiên, vận mệnh chung cuộc – trong chiều kích cánh chung – của điều tốt và điều xấu sẽ không bị che giấu: đó là ý nghĩa của việc thu lúa vào kho lẫm, và đốt đi cỏ dại.

6. Theo đề nghị của các môn đệ, chính Đức Giêsu đã giải thích dụ ngôn hạt giống (x. Mt 13,36-43). Cả hai chiều kích thế tạm và cánh chung của Nước Thiên Chúa đều xuất hiện trong lời Người.

Người nói với các ông: “Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em” (Mc 4,11). Người chỉ dạy các ông mầu nhiệm này, đồng thời, nhờ lời nói và hành động, Người trao Vương Quốc cho các ông, như Chúa Cha đã trao cho Người (x. Lc 22,29). Lời trao ban này còn tiếp tục lặp lại sau khi phục sinh. Chúng ta đã đọc thấy trong sách Công vụ Tông đồ thế này: “Trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra, nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1,3), cho đến ngày Người “được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19). Đây là những chỉ dẫn và chuẩn bị cuối cùng dành cho các Tông đồ về những gì họ phải làm sau biến cố thăng thiên và Ngũ Tuần, để Nước Thiên Chúa đươc khởi sự cách cụ thể trong ngày khai sinh Hội Thánh.

7. Những lời dành cho Phêrô ở Xêxarê Philípphê cũng nằm trong bối ảnh Đức Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa. Người nói với ông: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời” (Mt 16,19), và ngay sau đó, Người gọi ông là “đá”, trên đó, Người sẽ xây Hội Thánh của Người. Hội Thánh ấy sẽ bất khả chiến bại trước “cửa địa ngục” (x. Mt 16,18). Động từ của lời hứa này được chia ở thì tương lai, “Thầy sẽ xây”, bởi lẽ Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập cách dứt khoát trên trần gian này nhờ hy tế thập giá và cuộc vinh thắng phục sinh. Sau đó, Phêrô và các Tông đồ khác sẽ nhận thức rõ lời mời gọi “loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi họ ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (x. 1Pr 2,9). Đồng thời, hết thảy các ông cũng sẽ rõ chân lý trong dụ ngôn người gieo giống, tức là, “kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể”, như lời thánh Phaolô nói (1Cr 3,7).

8. Tác giả sách Khải huyền cũng diễn tả sự nhận biết ấy về Nước Thiên Chúa trong thánh thi về Con Chiên: “vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân. Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta” (Kh 5,9-10). Thánh Phêrô giải thích rằng, các ông được chỉ định để “dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô” (x. 1Pr 2,5). Những lời này diễn tả những chân lý mà Đức Giêsu dạy qua các dụ ngôn nói về vương quốc Thiên Chúa như dụ ngôn người gieo giống và hạt giống, dụ ngôn lúa mì và cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải được gieo xuống và thành cây to lớn. Nhờ tác động của Thánh Thần, vương quốc ấy lớn lên trong các linh hồn nhờ sức mạnh từ cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Vương quốc ấy tiếp tục lớn lên cho đến ngày Thiên Chúa đã định.

9. Thánh Phaolô công bố: “Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người [Đức Kitô] đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha” (1Cr 15,24). “Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1Cr 15,28).

Hội Thánh, từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nằm trong viễn cảnh cánh chung diệu kỳ của vương quốc Thiên Chúa, và chính nơi đây, lịch sử Hội Thánh mở ra từ khởi đầu cho đến tận điểm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here