TGH Gioan Phaolô II: Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh – Bài 15

0
2140

BÀI 15: HỘI THÁNH LÀ THÂN MÌNH ĐỨC KITÔ

Trong Thân Thể Đức Kitô, sự đa dạng của các chi thể góp phần xây dựng sự hiệp nhất của toàn thân thể, đang khi, sự hiệp nhất đó vẫn bảo toàn tính đa dạng của các chi thể.

 Trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư, ngày 20 tháng Mười Một, Đức thánh cha tiếp tục bài giáo lý về tín điều Hội Thánh Công Giáo. Trong bài nói chuyện thứ 15 này, Đức thánh cha nói về sự hiệp nhất và sự đa dạng nơi Thân Thể nhiệm mầu của Đức Kitô. 

1. Thánh Phaolô dùng hình ảnh ẩn dụ về thân thể để trình bày về Hội Thánh. Ngài nói: “Tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,13). Đây là một hình ảnh mới mẻ. Trong khi ý niệm “Dân Thiên Chúa” mà chúng ta đã diễn giải trong các bài giáo lý trước đây, là của Cựu Ước, được lấy lại và được làm phong phú hơn trong Tân Ước, thì hình ảnh “Thân Thể Đức Kitô” mà công đồng Vatican cũng dùng để nói về Hội Thánh, lại không có tiền lệ trong Cựu Ước. Hình ảnh đó được tìm thấy trong các thư của thánh Phaolô mà chúng ta sẽ nói đến trong bài giáo lý này. Các nhà chú giải và các nhà thần học của thời đại chúng ta đã nghiên cứu ý niệm này trong các thư Phaolô, trong truyền thống giáo phụ và truyền thống thần học bắt nguồn từ đó, và trong tính hợp lý của nó để trình bày về Hội Thánh. Ý niệm này cũng được Huấn quyền sử dụng: Đức thánh cha Piô XII dành một thông điệp để nói về đề tài này với tựa đề Mystici Corporis Christi (1943).

Cũng cần lưu ý rằng, trong các thư của thánh Phaolô, chúng ta không tìm thấy tính từ nhiệm mầu; nó chỉ xuất hiện sau này; các thư đó chỉ đơn giản nói đến “Thân Thể Đức Kitô” và so sánh với thân thể con người. Thật vậy, thánh Tông đồ viết: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy” (1Cr 12,12).

2. Với những lời này, thánh Tông đồ muốn nhấn mạnh cả sự hiệp nhất lẫn tính đa dạng vốn vốn thuộc về bản tính của Hội Thánh. “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,4-5). Có thể nói rằng, mặc dù ý niệm “Dân Thiên Chúa” nhấn mạnh đến tính đa dạng, nhưng ý niệm “Thân Thể Đức Kitô” lại nhấn mạnh đến sự hiệp nhất trong đa dạng, và đặc biệt chỉ ra nguyên lý và nguồn mạch của sự hiệp nhất ấy chính là Đức Kitô. “Anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12,27). “Chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô” (Rm 12,5). Vì thế, ý niệm này làm nổi bật sự gắn bó giữa Đức Kitô và của Hội Thánh và sự hiệp nhất giữa các chi thể của Hội Thánh nhờ sự hiệp nhất của toàn thân thể với Đức Kitô.

3. Thân thể là một hệ thống hữu cơ, và đúng như một hệ thống, nó diễn tả nhu cầu liên đới giữa các cơ quan và bộ phận riêng lẻ trong sự thống nhất của cái toàn thể vốn được kết hợp và cấu trúc theo cách thức mà thánh Phaolô mô tả: “không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau” (1Cr 12,25). “Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất” (1Cr 12,22). Thánh Tông đồ còn thêm rằng, chúng ta là “những bộ phận riêng lẻ của nhau” (Rm 12,5) trong Thân Thể Đức Kitô là Hội Thánh. Sự đông đảo của các thành viên và sự đa dạng về chức năng của họ không làm phương hại đến sự hiệp nhất; mặt khác, sự hiệp nhất này cũng không xóa bỏ hay phá hủy sự phong phú và đa dạng của các thành viên, cũng như chức năng của họ.

4. Trong ngôn ngữ thần học, nhu cầu về sự hài hòa “sinh học” trong cơ thể con người được áp dụng cách loại suy để biểu lộ nhu cầu tương trợ giữa các thành viên trong cộng đoàn Hội Thánh. Thánh Tông đồ viết: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12,26).

5. Vì vậy, có thể nói, ý niệm Hội Thánh như là “Thân Thể Đức Kitô” bổ sung cho ý niệm “Dân Thiên Chúa”. Một thực tại được diễn đạt theo hai khía cạnh: hiệp nhất và đa dạng, bằng hai lối loại suy khác nhau.

Phép loại suy về thân thể đặc biệt làm nổi bật tính duy nhất của sự sống: nguyên lý làm cho các thành viên của Hội Thánh được kết hiệp với nhau là một sự sống đồng nhất bắt nguồn từ Đức Kitô. “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?” (1Cr 6,15). Đó là sự sống thần linh; thật ra, đó là sự sống trong Thánh Thần. Chúng ta đọc thấy trong Hiến chế về Hội Thánh của Công đồng rằng: “Khi thông ban Chúa Thánh Thần, Đức Kitô đã qui tụ các anh chị em của mình từ muôn dân tộc để thiết lập cách mầu nhiệm thân mình của Người” (LG, 7). Nhờ đó, chính Đức Kitô là “đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1,18). Điều kiện để tham dự vào sự sống của thân thể này chính là gắn bó với đầu, nghĩa là với Đấng “cho toàn thân được nuôi dưỡng, được kết cấu chặt chẽ nhờ mọi thứ gân mạch và dây chằng, và được lớn lên nhờ sức Thiên Chúa ban” (Cl 2,19).

6. Trong các thư của thánh Phaolô, ý niệm về Đầu (Đức Kitô, Đầu của thân mình Hội Thánh) trước hết biểu lộ quyền năng của Người trên toàn thân thể: quyền năng tối cao; điều này liên hệ tới điều chúng ta đọc thấy trong Thư gửi tín hữu Êphêsô: Thiên Chúa “đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh” (Ep 1,22). Là Đầu, Đức Kitô đổ tràn xuống Hội Thánh, thân thể Người, sự sống thần linh của mình, để tất cả được vươn tới “Đức Kitô, Đấng là là Đầu, Đấng làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4,15-16).

Là Đầu của Hội Thánh, Đức Kitô cũng là nguyên lý và là nguồn mạch của sự cố kết giữa các chi thể của thân mình Người (x. Cl 2,19). Người là nguyên lý và nguồn mạch của sự lớn lên trong Thần Khí: nhờ Người, toàn thân lớn lên và được “xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4,16). Đây là lý do thánh Tông đồ khuyến khích sống “sự thật trong tình bác ái” (Ep 4,15). Sự lớn lên của thân mình Hội Thánh và của các chi thể là sự lớn lên “nhờ Đức Kitô” (là nguyên lý) và “vươn tới Đức Kitô” (mục đích). Thánh Tông đồ nói với chúng ta điều này khi ngài kết thúc những lời khuyên nhủ bằng những lời này: “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu” (Ep 4,15).

7. Cũng phải nói thêm rằng, đạo lý về Hội Thánh là thân mình Đức Kitô là Đầu liên kết mật thiết với bí tích Thánh Thể. Thật vậy, thánh Tông đồ chất vấn: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1Cr 10,16). Rõ ràng, điều này ám chỉ đến chính Thân Thể Đức Kitô mà chúng ta lãnh nhận cách bí tích nơi bí tích Thánh Thể dưới hình bánh. Nhưng thánh Phaolô còn tiếp tục bài diễn thuyết của mình bằng cách trả lời câu hỏi vừa nêu: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17). Và “một thân thể” ấy chính là tất cả thành viên của Hội Thánh, những người được nên liên kết cách thiêng liêng với Đầu là chính ngôi vị Đức Kitô.

Vì là bí tích của chính Mình và Máu Đức Kitô, Thánh Thể làm nên Hội Thánh, thân thể của Đức Kitô trong sự hiệp nhất của toàn thể các thành viên của cộng đoàn Hội Thánh. Bây giờ, chúng ta sẽ phải bằng lòng với một chút chân lý Kitô giáo tuyệt vời này. Nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ nói lại điều này khi bàn về bí tích Thánh Thể.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here